Tôi vô cùng ngạc nhiên
khi nhận đuợc thư Bình, thằng bạn thân tình từ thời nối khố. Nó là đứa
cuối cùng trong đám bọn tôi rời xa đất nước, vừa mới được sang định cư
bên Mỹ theo diện HO 31. Lá thư chỉ vỏn vẹn mấy dòng:
” Tao đã đến Mỹ vừa đúng hai tuần. Ở
đây ồn ào và ngột ngạt quá, tao muốn tìm một chỗ bình yên. Mày có cách
nào giúp tao sang Bắc Âu với mày. Bởi tao nghe mày kể bên ấy dù có buồn
và mùa đông khá lạnh, nhưng cuộc sống yên bình, thích hợp cho những
người cần một nơi để chửa trị những vết thương khó lành được trong lòng.
Tao đang có nhiều vết thương, và
cũng đang có nhiều điều rối ren không giải quyết được. Rồi có dịp tao sẽ
tâm tình với mày sau. Bây giờ, bằng mọi cách mày giúp tao sang đó với
mày. Càng sớm càng tốt..”
Ba dòng nước mắt
Phạm Tín An Ninh-Bích Phương trình bày
Hơn một tháng trước, Định đã báo cho tôi
biết việc Bình sẽ sang Mỹ. Nó đã phụ giúp vợ Bình sẵn sàng tất cả mọi
thứ để đón Bình. Định còn bảo khi nào Bình đến Mỹ rồi, nó sẽ báo để tôi
sang thăm. Ba thằng gặp lại, tha hồ mà kể chuyện xưa. Vậy sao bây giờ
vừa mới đoàn tụ vợ con, Bình lại muốn sang Bắc Âu với tôi, một nơi xa
tít mịt mùng ?
Gọi điện thoại cho vợ Bình và Định nhiều
lần, nhưng không ai bốc máy. Hôm sau tôi vào sở xin lấy trước một tuần
hè, và đặt vé máy bay sang Mỹ.
Bọn tôi là ba thằng bạn thân từ
những ngày mới lớn. Cùng học một lớp ở trường làng, rồi lên trường
huyện. Điều đặc biệt là tên của ba thằng đều có vần “inh”. Trong lớp bạn bè thường gọi bọn tôi là Ninh-Bình-Định,
mặc dù cả ba thằng chưa hề biết quê quán của Quang Trung đại đế, cái
nơi nổi tiếng “con gái cầm roi đi quyền” đó nó ra sao. Tuổi thơ ở nhà
quê khá nhọc nhằn, nhưng lại có biết bao kỷ niệm êm đềm của những ngày
câu cá tắm sông, những trận bóng sôi nổi trước nhiều khán giả là đám con
gái cùng trường, mà trái banh chỉ là những trái bưởi rụng nhặt được
phía sau hè. Rồi cả ba thằng được may mắn vào thành phố Nha Trang học
trung học. Dù khác lớp nhưng cùng vào một đội bóng của trường. Đội bóng
bao lần chiếm giải quán quân. Sau khi đậu tú tài, nhìn thấy con đường
học hành sao mà xa xăm diệu vợi quá. Muốn học thêm phải khăn gói vào tận
Sài gòn, trong lúc kinh tế gia đình đang lúc khó khăn. Không đành lòng
bắt cha mẹ phải còng lưng thêm chút nữa, ba thằng rủ nhau vào lính. Làm
đơn tình nguyện vào binh chủng không quân, bởi hình ảnh những chàng phi
công hào hoa đi mây về gió, trong bộ đồ bay, khăn quàng cổ tím, đã là
thần tượng của bọn tôi từ lâu lắm. Vậy mà chỉ có riêng tôi là mộng ước
không thành, vì thiếu thước tấc, bị loại ngay vòng khám sức khỏe đầu
tiên. Hai thằng bạn được toại nguyện, nhưng không vui. Vì kể từ hôm nay,
không còn “chúng mình ba đứa” nữa. Tôi tiễn hai thằng đến Trung Tâm
Huấn Luyện Không Quân nằm bên bờ biển Nha Trang, rồi một mình khăn gói
vào Sài gòn học tiếp.
Khi bọn nó sang Mỹ học phi hành, thì tôi
vào quân trường Thủ Đức. Cứ vài tuần tôi nhận thư từ bên Mỹ. Nhìn tấm
ảnh hai thằng chụp trước cổng trường, hoặc đứng bên cạnh một chiếc F 5,
tôi thấy thèm cái oai phong của tụi nó. Sau khi về nước chỉ có thằng
Bình đươc lái phản lực A-37 cho một phi đoàn đóng ở Biên Hòa, còn thằng
Định thì ra phi đoàn trực thăng tận ngoài Vùng 1.
Tôi ra trường, được bổ sung về một tiểu
đoàn tác chiến đang làm lực lượng lưu động cho Quân Đoàn, rày đây mai
đó, gần như chỗ nào có trận chiến là tôi có mặt. Vậy mà so với mức độ
hiểm nguy, chết chóc, chẳng nhằm nhò gì với cái chuyện đi bay của thằng
Định. Bởi phi đoàn của nó chuyên thả và bốc những toán biệt kích delta
trong các vùng địch. Sau một chuyến công tác, nếu may còn sống, được
thưởng một số tiền và mấy ngày phép xài chơi. Bao nhiêu lần nó thoát
chết trong đường tơ kẽ tóc. Nó bảo đúng là đạn tránh nó. Nhờ vậy mà nó
là thằng thường có mặt ở thành phố Nha Trang. Cứ sau một lần thoát chết,
nó trở về đây, còn tôi và thằng Bình, cả năm chỉ được một tuần “anh về
với em rồi anh lại đi”. Có lẽ nhờ vậy mà nó có khá nhiều mối tình để kể
cho bọn tôi nghe mỗi lần có dịp gặp nhau, hay bất ngờ liên lạc được
trên các tần số không lục.
Nhưng rồi trong ba thằng, tôi lại là
thằng bước lên xe hoa trước nhất. Thằng Định vẫn muốn thoải mái đi mây
về gió, không bị vướng chân vướng cẳng, còn thằng Bình thì khá kín miệng
nên chuyện tình duyên của nó bọn tôi cũng mờ mịt lắm.
Một lần tiểu đoàn đổ quân xuống Ninh Hòa
lúc hai giờ sáng, khi cả cái thị trấn nhỏ này còn đang say ngủ. Đại đội
tôi được chỉ định vào đóng quân trong sân vận động. Sáng hôm sau, quần
áo chỉnh tề, tôi rủ thêm hai thằng bạn lính vào một ngôi nhà phía trước
“thăm dân cho biết sự tình”, không ngờ “hồn lỡ sa vào đôi mắt em”, đôi
mắt nai tơ của cô bé chủ nhà. Đám cưới tôi có mặt cả hai thằng bạn nối
khố, và hai thằng đều tình nguyện làm phụ rể.
Ba năm sau, Định lên chức quan ba, được
thuyên chuyển về một phi đoàn đóng ở Pleiku làm trưởng phòng hành quân,
nên chúng tôi có nhiều dịp gặp nhau, khi ở thành phố, khi thì trong các
cuộc hành quân trực thăng vận. Lâu lâu nó tình nguyện bay tiếp tế cho
đơn vị tôi, thả cho tôi vài ký thịt tươi và chai rượu đế. Mùa hè 72, tôi
bị thương ở căn cứ Võ Định, Kontum. Suốt hơn hai tuần bị địch bao vây
và pháo kích nặng nề, tôi nhận lệnh phải mở đường máu rút quân ra, nhưng
vết thương nặng ở chân phải của tôi là một trở ngại lớn cho đơn vị.
Trong lúc Định đang bay chiếc CNC (trực thăng chỉ huy), nhưng đã điều
động hai chiếc võ trang (gunship) bắn nghi binh và yểm trợ, rồi một mình
nhào xuống bốc tôi trong lưới đạn phòng không dày đặc. Chiếc trực thăng
bị nhiều vết đạn mà bọn tôi vẫn an toàn. Mặc dù nó dày dạn kinh nghiệm
và bay rất tài ba, nhưng đúng là đạn đã tránh nó, như nó vẫn thường ba
hoa với đám bạn bè.
Chỉ có thằng Bình là “số đẻ bọc điều”.
Từ A-37 nó chuyển sang lái F-5, nhưng vẫn quanh quẩn ở Biên Hoà, rồi Cần
Thơ. Nó là thằng đẹp trai và ít nói. Trước đám con gái, tôi và thằng
Định thì líu lo chuyện dưới biển trên trời, còn nó chỉ ngồi cười mỉm. Có
lẽ nhờ vậy, mà sau này nó âm thầm về Nha Trang và cua dính Mỵ Khê, một
cô bé răng khểnh khá xinh ở trường Nữ, mà ngày xưa cả ba thằng đều quen
biết, bởi đã từng thách nhau cùng đạp xe theo “tán”, sau các buổi tan
trường.
Mỗi lần về Nha Trang thăm bồ, nó đều rủ
tôi và Định bay về Nha Trang với nó một vài hôm. Lúc này chiến trường
Tây Nguyên khá sôi động, phi đoàn Thần Tượng ở Nha Trang có một biệt đội
trực thăng tăng cường cho Pleiku, mà hầu hết các chàng pilot đều là bạn
thân của Định, nhờ vậy mà tôi và Định về Nha Trang dễ dàng như đi chợ.
Có khi chỉ ở Nha Trang một đêm, rồi sáng hôm sau lại có mặt ở chiến
trường. Những lần gặp nhau, đều có mặt Mỵ Khê. Cô bé học trò trường nữ
ngày xưa bây giờ đã là cô giáo. Nhưng có lẽ đi dạy học chỉ để làm kiểng,
bởi cô ta là con nhà giàu. Ông bà già có mấy tiệm buôn trên đường Độc
Lập. Mỵ Khê được nuông chiều, nên ngay cả chuyện bếp núc cũng không
rành. Lần nào gặp nhau ở nhà nàng, bọn tôi cũng chỉ được mời một món duy
nhất mà nàng rất tự hào do chính tay mình nấu : cháo trắng ăn với hột
vịt muối.
Cuộc tình này cũng kéo dài đến mấy năm.
Không phải để tập làm sao “đừng nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng” như
lời khuyên trong sách, mà vì cha mẹ Mỵ Khê rất tin vào bói toán. Tuổi
tác của hai người chưa thể kết hôn.
Cuối cùng, đến mùa hè 73, thì cuộc tình
dài này cũng kết thúc bằng một cái đám cưới khá linh đình ở nhà hàng La
Frégate. Khách khứa lên đến trăm người.
Lần này chỉ có thằng Định được làm phụ
rể, còn tôi bị loại khỏi vòng chiến bởi “xác thân đã nhuốm mùi trần
tục”, một vợ mấy con, nên được thằng Bình giao cho cái chức tiếp tân,
chỉ đứng mỉm cười đón khách.
Đúng là thằng Định có số đào hoa. Không
biết tài tán gái thế nào mà sau đám cưới, tôi đi tìm nó khắp nơi, cuối
cùng bất ngờ gặp nó ôm chặt cô bé phù dâu xinh đẹp, ngồi ngoài bờ biển.
Có lẽ đúng như mấy ông bà già thường nói “lắm mối tối nằm không “, đến
ngày mất nước thằng Định đào hoa nhất bọn vẫn cứ còn độc thân.
Tháng 3-75, miền Trung mất vào tay giặc,
Định theo phi đoàn di tản về Nha Trang rồi Biên Hoà. Trong cái cảnh dầu
sôi lửa bỏng này nó gặp lại vợ chồng Bình. Sau một ngày với bao nhiêu
phi vụ hiểm nguy, tối đến hai thằng lại bù khú mày tao mi tớ với nhau
như cái thời còn đi học. Mỵ Khê, bà xã của Bình cũng vừa sinh được cô
con gái đầu lòng, nên căn cư xá lúc nào cũng rộn rã tiếng cười hoà lẫn
tiếng khóc của trẻ thơ. Nhờ vậy mà hai thằng phi công cũng bớt được phần
nào những ưu tư lo lắng trong giờ phút lâm nguy của chính mình và đất
nước.
Sau những trận đánh lẫy lừng của các đơn
vị ở Long Khánh, cũng chỉ có khả năng cầm chân địch hơn một tuần. Biên
Hoà bỏ ngỏ. Phi đoàn của Bình nhận lệnh đem máy bay xuống phi trường Trà
Nóc tránh pháo. Bình nhờ Định đưa vợ con về Tân Sơn Nhất, cùng ở tạm
trong cư xá, nhà của một thằng bạn cùng khoá, sau mấy lần bị thương,
không còn khả năng phi hành nên về làm trong Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không
Quân.
Ngày 29.4, phi trường Tân Sơn Nhất bị
pháo kích liên tục. Tình hình nguy ngập, cả phi đoàn của Định chỉ còn
lại vài chiếc trực thăng. Anh em trong phi đoàn ngồi lại tính chuyện bay
ra hạm đội Mỹ đang chờ ngoài biển..
Trong lúc bạn bè chạy ngược xuôi tìm chỗ
cho vợ con, chỉ có Định là một thân một mình nên chẳng lo lắng gì,
ngoài cái tâm trạng bực tức, chán chường. Định liên lạc với Bình, báo
cho biết việc phi đoàn của nó sẽ bay ra hạm đội, bảo Bình thu xếp gấp về
Sài gòn để kịp đưa vợ con đi. Định bảo là nó được dành ba chỗ trên tàu,
vừa đủ cho vợ chồng Bình và một đứa con nhỏ. Nhưng Bình từ chối, bảo là
vùng 4 còn an toàn, phi đoàn phản lực của nó được đặt dưới quyền của
tướng tư lệnh Nguyễn Khoa Nam. Bình chỉ nhờ Định lo cho vợ con nó đi
cùng. Tùy tình hình nó sẽ đi sau.
Khi Định và vợ con Bình đến đảo Guam hai
ngày,thì biết tin Sài Gòn thất thủ. Định đi tìm Bình khắp nơi nhưng
không thấy. Người ta bảo có lẽ Bình đã bay sang Thái Lan.
Ngày tôi khăn gói đến địa điểm trình
diện “học tập cải tạo” bất ngờ gặp Bình. Trong cái cảnh “nước mất nhà
tan” này mà có được một người bạn thân thì cũng vơi được nỗi buồn. Nó kể
là anh em trong phi đoàn không đành rời căn cứ trong lúc hai ông tướng
quân đoàn vẫn còn ở lại sống chết với anh em. Sau khi hai ông tự sát,
thì tình hình đã quá muộn màng, địch quân bao vây, pháo kích dữ dội vào
phi trường, nên anh em chỉ còn kịp phá hủy một vài hệ thống trên phi cơ.
Ở tù chung trong trại tù An Dưỡng Biên Hòa gần một năm, khi chuyển ra ngoài Bắc mỗi thằng bị chia mỗi ngả.
Ra tù, tôi ghé lại thăm gia đình
Bình. Ông già nó qua đời, chỉ còn bà mẹ và cô em gái, nhưng nhà cửa được
xây lại khang trang và cuộc sống khá sung túc so với những người khác
trong vùng. Mẹ nó bảo tiền bạc do vợ Bình gởi về đều đặn. Bà còn khoe
mấy tấm ảnh của vợ con Bình được phóng lớn treo trên vách.
Đúng một năm ra khỏi tù, tôi vượt biên.
Trong trại tỵ nạn Bataan, bên Phi, khi chuẩn bị lên đường định cư thì
nhận tin Bình được thả về. Nhưng chỉ vài tháng sau thì lại được tin nó
bị bắt khi tổ chức vượt biên. Mãi đến tám năm sau nó mới lên đường sang
Mỹ theo diện HO. Tôi định chờ một vài tuần để nó tạm ổn định cuộc sống
và gia đình, tôi sẽ bay sang thăm vợ chồng nó và thằng Định, thì bất ngờ
nhận lá thư này của nó.
Máy bay đáp xuống phi trường
Fayetteville, North Carolina lúc 9 giờ rưởi tối. Một phi trường nhỏ ở
một nơi tôi hoàn toàn xa lạ. Anh tài xế taxi người da đen chở tôi chạy
lòng vòng qua những rừng thông hoang vắng càng làm đầu óc tôi căng
thẳng, lúc nào cũng trong tư thế “ứng chiến” để đối phó với những điều
bất trắc. Cuối cùng thì anh ta cũng tìm tới được địa chỉ nhà Bình. Trong
nhà tối om. Cổng khoá chặt. Tìm chuông cửa nhưng không thấy. Tôi mở bóp
tìm địa chỉ của Định, nhưng lâu nay viết thư cho tôi, Định chỉ dùng
P.O.Box. Tôi hỏi anh tài xế taxi tên một motel gần nhất. Tôi viết vài
chữ lên tấm giấy nhỏ, bảo Bình đến tìm tôi ở motel ấy, rồi gắn lên cửa.
Trưa hôm sau, người đến tìm tôi không
phải là Bình, nhưng là ông già vợ của Bình. Tôi chỉ gặp và nói chuyện
với ông vài lần trong ngày đám cưới của Bình, nhưng nhận ra ngay. Mặc dù
bây giờ ông già hơn xưa, nhưng có tướng đẹp lão. Và vẫn còn hàng ria
mép. Ông bảo chính Mỵ Khê nhờ ông đi đón tôi. Trên đường đưa tôi về nhà,
ông cho biết là ông đang làm chủ một khách sạn nhỏ và một nhà hàng. Ở
cách xa nhà vợ chồng Bình chừng hai mươi phút lái xe.
– Tội nghiệp, vợ chồng nó đang có
chuyện buồn. Chuyện phức tạp quá nên hai bác đã cố gắng hết sức nhưng
không giải quyết được. Cháu là bạn bè thân, hy vọng cháu nói bọn nó
nghe.
– Cháu muốn được nói chuyện riêng với bác trưóc khi gặp vợ chồng Bình.
Tôi muốn biết rõ ràng việc gì đã xảy ra với vợ chồng Bình, để biết cách ứng xử sao cho thích hợp.
Ông già của Mỵ Khê quay xe lại, tìm đường rẽ sang một hướng khác. Hơn mười phút sau, ông dừng xe trước một nhà hàng Á châu.
– Cháu vào đây với bác. Nhà hàng này là của bác.
Ông bảo người con gái đứng trong quày
mang cho tôi một phần ăn, và một tách trà cho ông, rồi kéo tôi ngồi
xuống một cái bàn nằm riêng trong góc. Ông bảo tôi cứ dùng cơm tự nhiên,
rồi bắt đầu tâm sự :
– Hai bác thật là buồn và khó xử, chẳng
biết phải tính làm sao. Khi thằng Định đưa con Mỵ Khê, vợ thằng Bình
sang Mỹ với đứa con chưa tròn một tuổi. Một thân một mình nơi xứ lạ quê
người, tất cả từ việc lớn đến việc nhỏ gì nó cũng trông cậy vào thằng
Định. Mà Định quả là thằng chí tình với bạn bè, Nó hết lòng lo lắng cho
vợ con thằng Bình, mê chuyện học hành mà đành phải bỏ, đi làm hai ba ca
để vừa có đủ tiền lo cho mẹ con Mỵ Khê, mà còn gởi về Việt Nam giúp gia
đình thằng Bình sau tháng 4/75 trải qua bao năm túng quần. Rồi cũng
chính nhờ thằng Định giúp việc bảo lãnh gia đình bác từ Việt Nam sang Mỹ
đoàn tụ với mẹ con Mỵ Khê. Nhưng rồi tất cả cũng vì Bác mà gây nên cớ
sự. Trước khi rời Việt Nam, hai bác có ra chào vợ chồng anh chị sui gia,
là ba má của thằng Bình. Ông bà khóc lóc kể cho bác biết là có tin do
vợ một người bạn cùng tù với Bình vừa ra thăm chồng ngoài Bắc về, bảo là
Bình đã bị bắn chết trong một lần trốn trại với mấy người bạn tù khác
nữa ở biên giới Lào. Chính vì vậy mà hai bác khuyên con Mỵ Khê nên tiếp
nối với Định, bởi bao nhiêu năm nay nó đã hy sinh ở vậy để tận tình lo
lắng cho mẹ con Mỵ Khê, và cháu Lina, con của Bình cũng xem Định như là
cha của nó. Hai bác tâm tình khuyên mãi, tụi nó mới làm đám cưới. Sống
với nhau hơn mười năm, tụi nó có hai đứa con, thì mới nhận được tin là
thằng Bình vẫn còn sống, chỉ bị thương nhẹ, rồi đem đi biệt giam ở một
trại tù nào khác, không ai biết. Từ ngày ấy thằng Định buồn ghê lắm và
lúc nào cũng ngồi thơ thẩn một mình. Nó giấu việc này không dám nói với
thằng Bình, và cũng chính nó phụ với hai Bác gởi tiền về giúp đỡ gia
đình Bình và lo cho Bình sang Mỹ theo diện HO.
Tôi đưa tay xin ngưng lời bác.
– Bây giờ thằng Định đang ở đâu thưa Bác ?
– Trước ngày thằng Bình sang đây, thằng
Định mang hai đứa con của nó với Mỵ Khê sang đây nhờ hai bác mướn người
giữ hộ, rồi “mu” qua Hawaii. Con Mỵ Khê khóc lóc, bảo nó cứ ở lại đây,
khi nào thằng Bình sang Mỵ Khê sẽ nói chuyện với thằng Bình, thằng Bình
sẽ hiểu được bao điều khúc mắc và chắc sẽ không buồn. Hai bác cũng giải
thích cho nó biết, dù sao thằng Bình với con Mỵ Khê cũng đã xa cách quá
lâu, và sự việc xảy ra là do bao nhiêu nghịch cảnh đẩy đưa, chứ Định là
một thằng tốt bụng, hết lòng chung thủy với bạn bè. Hai bác cũng sẽ nhận
trách nhiệm này trước mặt thằng Bình, khi nó tới đây.
– Rồi cuối cùng ra sao, thưa Bác ?
– Vợ chồng bác khuyên giải suốt cả mấy
ngày liền, nhưng nó vẫn không nghe, nó xin lỗi hai bác và con Mỵ Khê,
rồi nhờ bác trao lại cho thằng Bình một lá thư. Nó xin được phép dán lá
thư lại nên hai bác cũng chẳng biết nó viết cái gì trong đó. Khi đến
Hawaii, nó có gọi phôn về cho bác, bảo đang chạy taxi với một thằng bạn
cũ. Chút nữa bác sẽ cho cháu số phôn của nó, để cháu liên lạc khuyên
giải nó hộ bác.
Bác chở tôi lại trước nhà vợ chồng Bình,
bỏ tôi trước cửa, chỉ tôi cái chuông điện nằm kín phía bên trong cánh
cửa, rồi lái xe về. Bác bảo là để đám trẻ bọn tôi gặp nhau sẽ được tự
nhiên hơn.
Người ra mở cửa là Mỵ Khê. Vừa nhận ra
tôi, Mỵ Khê nắm chặt tay tôi, nhoẻn miệng cười, nhưng lại bật khóc ngay
sau đó. Mỵ Khê đưa tôi vào nhà, chỉ cho tôi nơi Bình ở, căn nhà sau,
chung vách với gara xe. Tôi gõ mấy lần, cửa mới mở.
Sau bao nhiêu năm hai thằng bạn thân từ thời nối khố gặp lại nhau, nhưng đều không vui, ôm lấy nhau mà lòng dạ bùi ngùi.
Suốt đêm hôm ấy tôi ở trong phòng Bình, nhưng hai thằng không ngủ, nằm tâm sự thâu đêm.
Tôi chưa biết phải nói điều gì với Bình, thì Bình mở đầu tâm sự.
– Khi biết việc này, tao có bất ngờ, và
dĩ nhiên cũng buồn ghê lắm. Nhưng chỉ sau một đêm suy nghĩ, tao lấy lại
được sự bình thản, và nghĩ là Mỵ Khê đã thuộc về Định, và hai người rất
xứng đáng trong tình yêu, trong cuộc hôn nhân mới này. Tao phải cám ơn
thằng Định, đã hết lòng cưu mang vợ con tao và cho Mỵ Khê một gia đình
hạnh phúc, một chỗ dựa vững chắc trên xứ lạ quê người. Hơn nữa tao và Mỵ
Khê xa cách khá lâu, trong lúc nàng đã hội nhập vào xã hội Mỹ này từ
lâu rồi, còn tao bây giờ cũng đã già, lại là một thằng quê mùa, bệnh
hoạn, mà vết thương trên thân xác cũng như trong lòng tao vẫn chưa lành
được.Tao tự biết mình thực tình không còn thích hợp, không còn xứng với
nàng. Tao cũng đã tâm tình với Mỵ Khê và điện thoại cho thằng Định, nói
hết nỗi lòng. Mong nó trở về đây. Cháu Lina, con gái của tao cũng nhớ nó
mà khóc cả ngày. Tao hiểu, con bé còn xa lạ với tao lắm. Mà nó xa lạ là
phải. Không dễ dàng gì cho một cô con gái đã hơn 20, không hề biết mặt
cha từ lúc mới năm tháng tuổi, bây giờ phải chấp nhận một ông cha bất
ngờ từ trên trời rơi xuống
– Thế rồi vợ mày và thằng Định tính sao ?
– Mỵ Khê thì chỉ khóc và im lặng, còn
thằng Định thì nhất quyết trả Mỵ Khê lại cho tao. Nó còn bảo là nó nhớ
tao lắm, nhưng không muốn gặp tao.
– Bây giờ mày tính sao ? Tao sẽ giúp được gì cho tụi mày ?
– Tao nhờ mày. Chỉ có mày có thể giúp
tao trong lúc này. Mày đưa tao qua Hawaii gặp thằng Định và tâm tình
giải thích để nó trở về với vợ con tao.
– Còn mày thì sao ?
– Tao một thân một mình. Nếu mày kéo
tao sang Nauy ở với mày là phúc cho tao. Có mày tao sẽ dễ quên bao nhiêu
chuyện đau lòng. Còn nếu không được thì tao lang thang đâu cũng được.
Lâu lâu kiếm được tiền tao lại ghé về đây thăm cháu Lina, cho dù trong
lòng nó, có lẽ tao chưa hề là cha của nó.
Ba thằng bọn tôi lại gặp nhau, qua
bao nhiêu năm chia cách cùng những dông tố trong đời. Ôm nhau mừng rỡ mà
sao nghẹn ngào, không ai nói nên lời, chỉ có nước mắt chảy dài trên má.
Ngày xưa, thằng Định là đứa ba hoa, khôi hài nhất trong bọn, vậy mà
cũng không mở miệng để nói một lời, dù chỉ là một chữ hello, mà nó đã
thường xài từ lúc còn ở Việt nam, mỗi khi gặp bạn bè.
Không biết lúc này trong đầu hai thằng
bạn đang nghĩ điều gì. Riêng tôi đang hình dung tới cuộc chiến bi thảm
mà kẻ chiến thắng lại là những con người tàn ác nhất đã tạo nên bao chia
ly tan tác.
Sáng nay, chủ nhật, mùa đông Bắc Âu
khá lạnh. Tôi thức giấc đã lâu nhưng còn đang trùm chăn nằm nán trên
giường thì nghe điện thoại reo. Bốc ống nghe chưa kịp hỏi là ai, thì
nghe bên kia đầu giây giọng nói quen thuộc của thằng Định :
– Hello! Ninh ơi. Có thằng Bình đây, nó muốn nói chuyện với mày.
Tôi nghe giọng nói yếu ớt nhưng rất vui của Bình :
– Bình đây. Gọi thăm vợ chồng mày và
báo cho mày một tin vui. Tao đang ở nhà vợ chồng thằng Định đây. Vừa từ
bệnh viện về. Vợ chồng Định lên tận Houston tìm thăm tao, báo tin cháu
Lina bị bệnh rất nặng cần phải thay gấp một quả thận. Bác sĩ cho biết
cách tốt nhất là lấy thận của nguời cùng huyết thống, nên tao theo Định
và Mỵ Khê bay xuống North Carolina ngay để kịp thời lo cho cháu. Bác sĩ
bên này giỏi thật. Mọi việc tiến hành nhanh chóng. Bây giờ đã xong xuôi.
Cháu Lina cũng đã khỏe lại. Đáng lẽ tao đã về lại Houston, vì tao vừa
mới mở cái tiệm giặt ủi, do vợ chồng thằng Định giúp vốn, vợ chồng nó
cũng vừa mua cho tao một ngôi nhà nhỏ, ở bên cạnh hai thằng bạn cùng phi
đoàn với tao ngày trước, nhưng vợ chồng nó nhất định giữ tao lại. Cả
cháu Lina nữa. Nó cũng muốn có nhiều thời gian để tâm tình với cha của
nó. Mày cố gắng bay sang đây với tụi tao cho vui.
Chưa kịp trả lời, tôi lại nghe giọng nói của đàn bà :
– Ông bà qua đây để tôi còn đãi món cháo trắng ăn với hột vịt muối.
Tôi nghe những tiếng cười khúc khích, rồi giọng đùa nghịch của thằng Định xen vào :
– Hello, Ninh ! Mỵ Khê bây giờ nấu ăn
nghề lắm đó, biết nấu cả cháo trắng tới bảy món. Vợ chồng mày nhớ bay
qua sớm, không thì mất phần đó nghe chưa.
Tôi buông ống nghe, thẫn thờ nhìn ra
ngoài cửa sổ như muốn tìm kiếm một điều gì. Trời mùa đông Bắc Âu phủ
đầy tuyết trắng, nhưng sao trước mắt tôi đang lung linh bầu trời xanh
bao la của cả một thời tuổi thơ. Cái thuở ba thằng chúng tôi vui đùa
nghịch ngợm, trong lòng chưa hề vướng bận chuyện chiến tranh kéo theo
bao cay đắng cuộc đời.
phạmtínanninh
http://phamtinanninh.com/?p=1273
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire