Người Thương Binh Việt Nam !Tổ Quốc nhớ công anh
Người Thương Binh Việt Nam !chúng tôi vẫn nhớ người
(Người Thương Binh Việt Nam ! Giữa quê người tôi vẫn nhớ anh)
Người Thương Binh Việt Nam ! Giữa quê người tôi hát tên anh
*
* *
Tác giả & tác phẩm
Đôi lời tâm sự cùng qúy chiến hữu và bằng hữu
"Giữa quê Người tôi hát tên Anh" là một trong những ca khúc Dzuy Lynh viết về chủ đề Lính và Quê Hương nơi đất tạm dung năm 2006.
Sau tháng Tư oan nghiệt mùa Xuân năm 1975, miền Nam Việt- Nam mất vào tay quân CSBV. Nước Việt-Nam Cộng-Hòa
tạm thời lãnh thổ không còn hiện diện trên bản đồ thế giới. Nhưng Tổ Quốc vẫn luôn tồn tại trong chúng ta, mãi mãi.
Ngoài một số ít quân dân cán chính đã liều mình vượt biển băng rừng vượt thoát khỏi chế độ bạo tàn cộng sản, đa phần đồng bào phải chịu sống dưới ách thống trị bạo tàn của chúng. Trong đó có những chiến sĩ QLVNCH là thương, phế binh.
Vì sinh kế, các anh em tuy bị gạt bên lề, thậm chí bị nhấn chìm tận đáy xã hội nhưng họ vẫn tồn tại như chứng nhân sau cuộc chiến. Họ vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu can đảm trực diện với hoàn cảnh cơ cực, khốn cùng của bản thân trong một xã hội đầy bất công và nghịch lý.
Thương phế binh QLVNCH là ai?
Chính là những đồng đội đã hy sinh một phần thân thể tại chiến trường lửa đạn trong nhiệm vụ bảo quốc an dân, chiến đấu để tự vệ trước các cuộc xâm chiếm lãnh thổ của quân cộng sản Bắc Việt.
Họ là học sinh, sinh viên bỏ lại sau lưng bảng đen phấn trắng, gia đình, người thương, tuổi thanh xuân ươm nồng ước vọng một tương lai tươi sáng.
Họ đã theo tiếng gọi non sông tình nguyện xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung.
Họ chưa có một ngày được phụng dưỡng đấng sinh thành đã cưu mang dưỡng dục từ lúc bước chân vào quân ngũ cho đến khi gãy súng.
Họ là một món nợ tôi phải trả. Món nợ không đòi nhưng phải trả. Ý niệm ấy luôn đeo nặng trên vai, kể từ ngày mất nước cho đến cuối cuộc đời luân lạc này.
Họ là những "Thằng em", những "Ông thầy", những bạn học thời cắp sách đến trường, những đồng môn bước xuống từ đồi Tăng Nhơn Phú, Thủ Đức, Nam phần Việt- Nam.
Họ chính là những chiến sĩ từng nhai rau Tàu Bay sống, hút chia nhau từng mẫu thuốc lá. Họ đã từng ăn chung với nhau nửa bao gạo sấy trộn với nước giao thông hào cổ thành Đinh Công Tráng. Nước sình ướp lẫn với xác chết sình trương chìm dưới đáy hào của bọn CSBV trong cuộc chiến tái chiếm thị xã Quảng Trị cuối Hạ đầu Thu năm 1972. Họ từng tham chiến trên các chiến trường khắp 4 quân khu, và chiến trường ngoại biên Cam Bốt, hạ Lào để bảo vệ sơn hà.
Họ là những quân nhân kiêu dũng trước giờ lâm trận vẫn điềm tĩnh "bàn giao" người yêu hậu phương, người vợ mới cưới và ngay cả đến đôi giày trận mới mua ở Khu Dân Sinh còn mới tinh nhét tận đáy ba lô cho đồng đội, nếu lỡ như mình có ra đi chẳng hẹn ngày về...
Họ là những chiến binh can trường, vừa đánh nhau với địch vừa hút thuốc lá Quân Tiếp Vụ, vừa chửi thề và hào sảng cười ha hả vang dội núi rừng. Họ đùa bỡn với cái chết trong khi lâm trận có thể đến với mình từng giây từng phút, từng giờ...
Sau ngày nước mất nhà tan, thương, phế binh VNCH đã sống chẳng bằng chết bởi sự trả thù hèn hạ, đê tiện của cộng sản vô thần, đê hèn và tàn ác.
Dưới tận đáy xã hội lúc bấy giờ, dân chúng còn kiếm miếng ăn không đủ, làm sao có thể giúp được gì cho họ đây?
Mưu sinh bằng bất kể "nghề" gì có thể... Nhưng là quân nhân tác chiến. Họ còn có nghề nghiệp gì ngoài nghề "bóp cò"?
Hình ảnh thương tâm với những mảnh đời khốn nạn của người Lính VNCH luôn là vết thương âm ỉ nung mủ trong tôi.
Những đêm thao thức chờ mặt trời thức dậy, tôi chưa bao giờ ngủ quên với món nợ phải trả cho đồng đội mình. Cho dù cuộc chiến đã như giề lục bình trôi ngược về giòng sông dĩ vãng. Dẫu cho đã tạm ổn định cuộc sống tha hương nơi đất khách quê người, tôi không thể nào quên. Tôi không thể nào quên được những người anh hùng bất khuất hiên ngang trong cuộc chiến và sau khi trở thành những kẻ khốn cùng.
Thương Phế Binh VNCH, trong lòng dân tộc thực sự các anh chưa hề giải ngũ! Các anh vẫn là chứng nhân cuộc chiến.
Chiến tranh luôn chập chờn, ám ảnh họ trong giấc ngủ nửa vời đầy ác mộng lẫn ngày và đêm. Chiến công lẫy lừng trong đời quân ngũ của đồng đội tôi không bao giờ phai nhạt...
Đất nước không còn, giang san đã mất! Tổ quốc tôi vẫn cõng trên lưng, mang theo suốt cuộc hồng trần trên bước đường luân lạc. Danh dự quân nhân không bao giờ mất. Chỉ còn lại danh dự và trách nhiệm của một cựu chiến binh bất đắc dĩ.
Bổn phận và trách nhiệm của tôi là phải làm một cái gì đó, để vinh danh, an ủi cho anh em, bạn bè, chiến hữu kém may mắn của mình.
"Giữa quê Người tôi hát tên Anh" là tảng âm giai viết bằng bao đêm thức trắng. Viết để tưởng nhớ, tiếc thương đồng đội, và tự thương mình.
Mỗi giọt cà phê tí tách rã rời buông ra trong đêm trường cô đơn tĩnh mịch, lạnh buốt là một nốt nhạc rơi xuống âm thầm lặng lẽ.
Mỗi làn hơi thuốc lá bện cùng sương khói buổi đầu đông thung lũng là một con chữ đọng lại trong tim; để rồi vỡ tan thành lời hát.
Tôi vo viên những giọt nước mắt tiếc thương đồng đội năm xưa, mài thành khúc nhạc vinh danh người Thương Phế Binh Quân lực Việt- Nam Cộng hòa!
Tôi hát tên Anh từ giữa trái tim mình, nơi tha phương đất khách. Tôi không viết bài ngợi ca các Anh trên ghế Salon ấm cúng ở hậu phương rực rỡ ánh đèn. Không viết bài vinh danh đồng đội trong nhà hàng sang trọng tại thủ đô Sài Gòn hoa lệ an bình không tiếng súng như đã từng có những nhạc sĩ "lính kiểng" đã làm như vậy. Tôi là trung đội trưởng tác chiến, từng bị thương hai lần trong cuộc chiến tái chiếm Quảng Trị năm 1972. Tôi hiểu rõ, rất rõ TPB là gì, là ai!
Tôi hát Tên Anh trong nội tâm bão lộng, trong những đêm thức chờ mặt trời. Tôi hát tên Anh để xót xa cho đồng đội không may mắn như mình, dẫu vẫn biết rằng mỗi con người khi sinh ra số mệnh đã định phần từ khi hãy còn là hạt bụi vô vi trong cõi trần ai...
"Giữa quê Người tôi hát tên Anh" bật tiếng khóc chào đời như thế. Tiếng khóc quắt quay, nuối tiếc, nức nở nhưng đầy tự hào về dũng khí của những chàng trai nước Việt.
Họ chính là Thương Phế Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, không là ai khác!
Django Dzuy Lynh Phạm Phú Dũng. Tđ 6 Thần Ưng TQLC/VNCH.
Giữa Quê Người Tôi Hát Tên Anh
Sáng tác: Dzuy Lynh
Người Thương Binh Việt Nam ! Non sông nợ ơn người
Người Thương Binh Việt Nam ! Giữa quê người tôi hát tên anh
Xin viết những vần thơ về người thương binh phương Nam
Xin hát khúc ngợi ca về người đồng đội năm nào
Từ khi quê hương chinh chiến anh lên đường – theo tiếng núi sông
Liều thân ra nơi quan tái lấy máu đào tô thắm sử xanh
Từ thân chinh nhân hoang phế các anh người chiến sĩ vô danh trở về..
Bao chiến tích liệt oanh còn hằn sâu trơ hốc mắt
Trong bóng tối nghiệt oan gậy là kiếm chống giữa trời
Vòng xe lăn theo cơm áo tiếng hát khàn thay “Khúc Xuất Quân”
Tàn y phai theo năm tháng những huyết lệ oan trái xót xa
Ngưới thương binh đã mất nước vẫn âm thầm cay đắng hiên ngang làm NGƯỜI
Người Thương Binh Việt Nam ! Non sông nợ ơn người
Người Thương Binh Việt Nam !Tổ Quốc nhớ công anh
Người Thương Binh Việt Nam !chúng tôi vẫn nhớ người
(Người Thương Binh Việt Nam ! Giữa quê người tôi vẫn nhớ anh)
Người Thương Binh Việt Nam ! Giữa quê người tôi hát tên anh
*
* *
Giữa Quê Người Tôi Hát Tên Anh
Dzuy Lynh - Trình bày: Võ Thu Nga & Huy Hoàng
*
* *
* *
Giữa Quê Người Tôi Hát Tên Anh
(Nhạc:DzuyLynh-Tiếng hát: Hạt Sương Khuya)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire