dimanche 20 juin 2021

Nhớ Cam Ranh, thương nhớ Ba Ngô Bổng.

Nhớ Cam Ranh, thương nhớ Ba Ngô Bổng. 
-  Mấy tuần nay trên Facebook của Việt Hưng CR, được đọc những bài viết về Cam Ranh với những địa danh quen thuộc, những người dân chân chất hiền hoà, cần mẫn lao động, sống thật tình cảm chan hoà với nhau, bao nhiêu là kỷ niệm ùa về, lấp đầy tâm trí tôi, phải viết ngay mới được. Rất mong các anh em, bạn bè, học sinh cũ sẵn lòng đón nhận, chia sẽ những kỷ niệm của riêng mình. Sẽ cố gắng hệ thống lại theo thứ tự thời gian, có thiếu sót chi, xin được đóng góp ý kiến, thành thật cảm ơn.
 - Trước khi gia đình tôi dời vào Cam Ranh, tôi chỉ nghe đến địa danh Ba Ngòi mỗi khi cả nhà vào ăn gỏi cá Ngọc Sương, ghé uống nước dừa ở Mỹ Thanh. Thị Trấn Ba Ngòi còn hoang vắng lắm, những khu đất trống lưa thưa cỏ dại, nắng chang chang và gió nóng rát mặt người, chạy dài theo quốc lộ số 1, ven biển.
- [ ] Đến năm 1964, Ba tôi được thay đổi nhiệm sở, từ hiệu trưởng trường tiểu học Khánh Hoà trên Thành, về làm trưởng ty giáo dục Cam Ranh sau khoá tu nghiệp Thanh Tra tiểu học.  Cả nhà tôi lại lếch thếch dời vào Cam Ranh.  Những ngày đầu ở đây cả bọn anh em tôi thấy thật oải,  cả nhà trú trong gian nhà tole
- [ ] sau văn phòng Ty, chật chội, thiếu tiện nghi, không nhà vệ sinh, buổi tối điện cắt lúc 9 giờ, thiếu nước sinh hoạt.  Căn nhà nằm bên dưới Miếu Bà, trước những tảng đá lớn, sau tiếp là biển.  Biển ở đây không giống biển Nha Trang, không có bãi cát trắng để bơi, đá san hô rất nhiều, mỗi lần thủy triều xuống, nước rút ra thật xa.  Dù vậy biển vẫn đủ hấp dẫn chị em chúng tôi, gió mát, leo lên những tảng đá trên biển rồi loa miệng hú hét thật vui.  Rồi cào sò, bắt ốc, những con ốc gạo bé xíu cũng có thể làm vui cho chúng tôi.
- [ ]  Văn phòng Ty Tiểu Học được dùng tạm trong một ngôi trường nhỏ có 4 phòng học, 2 phòng làm việc, tiếp theo là phòng dành cho ông Thanh tra, còn lại cho các giáo viên ở xa về CR dạy học.  Sau dãy văn phòng , Ba tôi cho đào cái giếng nước, nước rất ít dù đã dào rất sâu, nước uống rất thiếu.  Mọi sinh hoạt cần nước đều dùng giếng công cộng bên cạnh con lạch gần nhà văn phòng Ty.
- [ ] Ban ngày thì nắng cháy da, tối đến chỉ nghe tắc kè chắc lưỡi, buồn rợn người, không dám ra ngoài đi vệ sinh.  Ban ngày nếu các em không tranh thủ học hoặc làm bài thì tối phải học bằng đèn dầu.  Từ cuộc sống đầy đủ khá tiện nghi ở thành phố, phải dời về cái thị trấn nhỏ này, những ngày đầu thật vất vả, thế nhưng Ba Má và các em tôi đã vượt qua được và hoà nhập vào cuộc sống mới, thích nghi với những thiếu thốn vật chất và vui vì cả nhà vẫn sống cùng nhau.  Nếu chúng tôi không theo Ba vào đây, làm sao Ba yên tâm để làm việc, công việc của một người đi tiên phong dựng trường, mở lớp.
- [ ] Vào năm 1964 này, Cảm Ranh chỉ mới mở đến lớp đệ ngũ (lớp 8😎, tôi vào lớp đệ tứ nên phải trở ra Nhatrang, ở trọ nhà người cậu để đi học.  Trường Trung học CR lúc ấy cũng chưa có cơ sở chính thức, phải học tạm ở dãy trường tiểu học Cam Linh.  Do mới mở mang thành thị xã nên trường trại thiếu rất nhiều, các hải đảo như Bình Ba, Bình Hoà, Bình Hưng (Tý) đều không có trường.  Các em nhỏ nếu không có điều kiện để qua đất liền trọ học thì phải cam chịu mù chữ.  Ba Ngô Bổng đã hết sức nỗ lực, tìm mọi nguồn tài chánh từ chính sách phát triển giáo dục của chính phủ, từ chương trình xoá mù chữ từ viện trợ của chính phủ Mỹ, vận động sự cộng tác của người dân, trường học dần mọc lên như nấm mùa mưa.  Có lần chị em tôi được đi ké với đoàn giáo viên qua các đảo, mang theo trống đờn, máy phát điện để vận động phụ huynh cho con đến trường.  Người dân biển có rất nhiều con vì phương tiện kiếm tiền của họ là đi biển nên rất cần nhân lực, sức lao động.  Con đông,cuộc sống thiếu thốn vất vả nên hầu hết người dân ở đây đều không biết chữ, già cũng như trẻ.  Đêm xuống, chúng tôi khiêng bàn làm sân khấu, các anh nổ máy điện, câu dây, bắt loa,đàn trống rộn ràng.  Bà con từ khắp nơi trên đảo dồn về để xem văn nghệ miễn phí.  Chương trình cỏ đủ cả, đơn ca,hợp ca, song ca, kịch, tuy là nghiệp dư, tài tử nhưng cũng đủ sức hấp dẫn mọi người, họ nằm ngồi la liệt trên bãi cát.  Khi hết chương trình vẫn còn rất đông ngủ ngay dưới sân khấu, không cần phải về nhà!
- [ ] Bên cạnh đó những xã ven thị trấn cũng có thêm nhiều học sinh, cơ sở vật chất được mở rộng hơn.  Mỗi xã đều có trường tiểu học, ngay cả các nơi xa.  Phải nói Ba tôi rất giỏi ngoại giao, ông đi khắp nơi tìm sự hỗ trợ cho giáo dục .  Đến năm 1974, phía Bắc đã có thêm một trường trung học đệ nhị cấp ngoài trường Tr học trong Cư Xá Đoàn kết.
- [ ] Rất tiếc là tôi không biết tra cứu để có nhưng số liệu chính xác nhưng những điều tôi nói trên đây là sự thật.  Lúc đó tôi lớn đủ để nhận biết những điều này.  Ba tôi suốt đời tâm huyết với sự nghiệp cao cả của ngành giáo, luôn học hỏi, để tự hoàn chỉnh bản thân mình.  Những đêm khuya chúng tôi bị thức giấc vì tiếng nói mớ trong mơ của ông khi gặp những trường hợp bất như ý trong công việc.  Sức chịu đựng dưới những áp lực từ những con người ghen ăn tức ở, không ngừng quấy phá, bôi nhọ Ba tôi thật khủng khiếp.  Ba tôi ngày càng sa sút, chúng tôi góp ý với Ba Má nên trở về Nha Trang, Ba trở lại là một nhà giáo bình thường để bảo tồn sức khỏe.  Các em tôi cũng rất vui khi được trở về ngôi nhà xưa.
- [ ] Sau 8 năm cật lực đóng góp cho nền giáo dục thị xã Cam Ranh, trường lớp khá đủ cho nhu cầu lúc ấy, ty còn có một giàn nhạc thật xuất sắc cho các giáo viên thư giãn, có 2 chiếc xe con phục vụ cho công việc đi lại, thăm viếng, kiểm tra các trường ở những xã xa, 1 chiếc school bus cho gv đi du ngoạn vào dịp hè.   Bữa giỗ đã sẵn mâm bác, người ta đan tâm đá hất Ba tôi.  Nhân tình thế thái!   Nhìn lại những kẻ ấy giờ cũng chẳng khá hơn ai.  Nhưng thôi chuyện cũ đã qua, ai làm điều không phải, tự lương tâm họ biết.  Nhưng phải nhớ, tôi đã đủ lớn để biết nhiều chuyện, có thể chưa đủ hết, xin mọi người sửa sai, đóng góp.

BẢI BIỂN TÒA THỊ CHÁNH CỦ DÁ BẠC CAM LINH CAM RANH

- Tháng 4 năm 1974, Ba tôi từ nhiệm sau khi gửi bức thư sau cho mọi người.  Ba trở về Nha Trang, làm việc ở Sở Giáo Dục Khánh Hoà cho đến “đứt phim”.
- Tạ từ uẩn khúc thư.
 (Đọc trong buổi lễ Tống cựu nghinh Tân chức Chánh sở học Chánh Cam Ranh ngày 23-4-1974)
  “Lá rụng về cội”, nguồn cơn muốn tả,
  Nỗi lòng u uất,ray rứt tâm can.
  Bao nhiêu lâu, chứa chất nặng can tràng,
  Nay có dịp bộc bày cho thỏa dạ.
  Ngao ngán thay cho cuộc đời nghiệt ngã!
  Công chưa thành, dành vội vã sang ngang.
  Chí bình sinh không ích kỷ cầu an,
  Nhưng thời thế, thế thời nên từ giã.
  Ngẩng lên trên xin cuối đầu bái tạ,
  Nhìn chung quanh lòng dạ luống hoang mang.
  Suốt tám năm, trong sấm bể mưa ngàn,
  Mùi cay đắng, thủy chung cùng một dạ.
  Ai biết chăng, khi được ngồi nhàn nhã?
  Giọt mồ hôi vun xới quảng thời gian?
  Ai biết chăng, thao thức những đêm tràng?
  Dồn tâm trí, tính suy cho việc cả?
  Nay ra đi, luyến lưu lời từ tạ,
  Cạn chén Quỳnh, lòng chúc tụng bình an
  Ráng chen chân cho đến hết quảng đàng
  Danh lợi, thế nhân sao cho trọn vẹn!
  Cuộc tái ngộ một ngày nào không hẹn,
  Chốn thâm Sơn cùng cốc khắp dương gian
  Để thung dung rong ruổi những ngày tàn,
  Đừng mang tiếng phường “túi cơm giá áo”
                          NGÔ ĐỒNG. (NGÔ BỔNG)

 Sau đây là bài thơ “Đáp lời từ tạ của Thầy” từ một giáo viên.

 Thầy là Đèn là Trăng, là hương hoa thơm ngát,
  Con xin gieo vần tuyệt tác của nguồn thơ
  Hôm nay lòng buồn mang mác,
  Mượn tình con dệt vần thơ.
  Kính dâng lên người Thầy (Chánh Sở) đầy khả kính
  Chán lợi danh Thầy trở về nguyên thủy
  Mộng vàng son oằn oại lắm đua tranh
  Hình ảnh cũ, còn đây ngày tiễn biệt
  Và mai kia, ôi viễn ảnh xa vời,
  Ôm ước vọng mà người đang tin tưởng.
  Một tiếng Thầy mang nặng chí xa xôi.
  Ngày mai ấy, một ngày xa xăm quá!
  Máu đi rồi, có nhớ trở về tim ?
  Máu lọc máu chan hoà trong mạch sống
  Trăng ngàn trăng xin nhớ rọi qua miền
  Mây trôi lạc trong u buồn lẳng lặng
  Và thôi sầu, thôi hết nợ Trần gian
  Cầu mong gió chớ phủ phàng
  Vì mai người đã thoát đàng lợi danh
  Lợi danh hai chữ nhủ mình
  Chúng con ngơ ngác nhìn Thầy ra đi
                            Tháng 4 -1974

Fb Ngô Thị Kim Tuyến


 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire