jeudi 5 décembre 2019

Nhạc Sĩ Vĩnh Điện

VÄ©nh Điện6Nhạc Sĩ Vĩnh Điện
Và Tiếng Hát Thao Thức Tức Tưởi
Trước Những Cơn Biển Động Lịch Sử

Có lẽ nhạc sĩ Vĩnh Điện vẫn còn là một tên tuổi gần như xa lạ với khán thính giả Việt Nam tại hải ngoại. Khi đọc một số nhạc phẩm của nhạc sĩ Vĩnh Điện, tôi rất ngạc nhiên và tự hỏi: “Tại sao một dòng nhạc gắn liền với những cơn biến động của lịch sử như những nhạc phẩm của Vĩnh Điện lại ít người biết tới?”

VĨNH ĐIỆN - NHẠC TRƯỚC 1975 - ALBUM 4


Gồm 14 ca khúc :
1-Đó quê hương tôi (E.Phương) 2-Hỡi người em hòa bình (Thái Thanh) 3-Ca nguyện (Thanh Thúy) 4-Từ lòng quê hương (E.Phương) 5-Xa xôi (Lệ Thu) 6-Hãy ngồi lại gần nhau (E.Phương) 7-Vết thương sỏi đá (E.Phương) 8-Tôi chỉ muốn làm người (Julie Quang) 9-Bài ca hòa bình (Connie Kim). Thu âm sau 1975 : 10-Hát cho quên hận thù. 11-Dòng máu hờn căm. 12-Hãy nói tôi nghe chuyện hòa bình. 13-Người ta cho anh, người ta cho tôi (Tâm Thư). 14-Huế 1968 (Bảo Triều)


Có lẽ nhạc sĩ Vĩnh Điện ít khi tìm dịp để những ca khúc của ông được phổ biến. Khán thính giả chỉ có thể biết đến một số nhạc phẩm của nhạc sĩ khi nhạc phẩm đó được trình bày bởi những ca sĩ, nhất là những ca sĩ nổi tiếng và được nhiều người ái mộ trên những băng nhạc lớn. Điều này có lẽ đúng, vì từ trước tới nay, tôi chưa hề xem hay nghe một ca sĩ nào hát những ca khúc của nhạc sĩ Vĩnh Điện trên những băng nhạc lớn như Paris By Night, Asia, v.v.. cũng có thể những ca khúc của nhạc sĩ Vĩnh Điện không phải là nhu cầu cần thiết đối với những ban nhạc ấy, vì ngoài những nhu cầu nghệ thuật, những băng nhạc ấy còn có những nhu cầu về thương mại, chỉ cần một ca khúc của nhạc sĩ góp mặt trong cuốn băng video Paris By Night chẳng hạn, chắc chắn băng nhạc đó không được phổ biến ở trong nước. Trên phương diện nghệ thuật, những ca khúc của Vĩnh Điện đã nổi tiếng từ trước năm 1975 và được rất nhiều ca sĩ trình bày, chẳng hạn như “Vết Thương Sỏi Đá” do Elvis Phương trình bày; “Hỡi Người Em Hòa Bình” với tiếng hát Thái Thanh; “Xa Xôi” với giọng ca Lệ Thu và “Ca Nguyện” với ca sĩ Thanh Thúy.

Đặc biệt ca khúc “Tôi Chỉ Muốn Làm Người” đã được nhạc sĩ Phạm Duy lựa chọn để hát tại Paris vào đầu thập niên 70, lúc mà Hội Đàm Paris về chiến tranh Việt Nam đang diễn ra – Phạm Duy là một tên tuổi lớn trong nền âm nhạc Việt Nam và từ trước đến nay, trước khán thính giả, nhạc sĩ Phạm Duy chỉ trình bày những ca khúc do chính ông sáng tác. Khi lựa chọn ca khúc “Tôi Chỉ Muốn Làm Người” của nhạc sĩ Vĩnh Điện, hẳn nhạc sĩ Phạm Duy muốn khơi dậy cho thế giới biết qua ca khúc “Tôi Chỉ Muốn Làm Người”, cái tính chất nhân bản, cái tình tự bao la dạt đào đầy ắp tình người của dân tộc Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng tự do và hòa bình, yêu chuộng nếp sống bình dị, hiền hòa, an vui và tâm hồn gắn bó thiết tha với những đồng ruộng quê hương - có lẽ nhờ sự bén nhạy của tâm hồn nghệ sĩ - tôi nghĩ - Phạm Duy đã có sự lựa chọn tuyệt vời bởi nhạc và lời của ca khúc “Tôi Chỉ Muốn Làm Người” đã diễn tả một cách tha thiết cái tình tự, niềm ước mơ, vẻ bình dị, niềm tự hào dân tộc của quân dân miền Nam Việt Nam.
Tôi Chỉ Muốn Làm Người - Sáng tác Vĩnh Điện - Ca sĩ Quỳnh Lan trình bày 

Nhân đề cập đến nhạc sĩ Phạm Duy và ca khúc “Tôi Chỉ Muốn Làm Người”, người viết bài này nhớ lại trên cuốn băng video Paris By Night 73, nhạc sĩ Phạm Duy đã xuất hiện bên cạnh MC Nguyễn Ngọc Ngạn và tự hào rằng ông là người duy nhất áp dụng “ngữ thuật vào âm nhạc Tây phương” vào những bài dân ca mà ông phổ nhạc. Người viết bài này nghĩ rằng ông đã dùng sai từ ngữ. Đúng ra ông phải nói ông đã áp dụng “Nghệ thuật lập lại” (art of repetition - art of reiteration) mà thuật ngữ âm nhạc (musical terms) gọi là nghệ thuật “luyến láy”. Vậy thì “nghệ thuật tuyến láy” là nghệ thuật lập lại một cụm từ và sau mỗi lần lập lại, thường hay đổi độ trầm bổng của chuỗi âm thanh phổ vào cụm từ đó. Quả thật áp dụng nghệ thuật luyến láy, nhạc sĩ Phạm Duy đã thành công trong một số ca khúc mà ông phổ nhạc, nhất là bài “Mùa Thu Chết” phổ từ bài thơ “Adieu” của William Apollinaire, Phạm Duy đã sử dụng nghệ thuật luyến láy tài tình tuyệt vời và có thể nói, ca khúc “Mùa Thu Chết” tạo cho ta cái cảm xúc mãnh liệt hơn bài thơ “Adieu”.

Trở lại ca khúc “Tôi Chỉ Muốn Làm Người” của nhạc sĩ Vĩnh Điện để thấy rằng Phạm Duy không phải là người duy nhất áp dụng nghệ thuật luyến láy như ông đã nói trên băng video Paris By Night 73 - trong ca khúc “Tôi Chỉ Muốn Làm Người” ngay từ đầu, nhạc sĩ Vĩnh Điện đã sử dụng nghệ thuật luyến láy “Xin đừng hỏi tôi - Xin đừng hỏi tôi.” Đặc biệt cụm từ “xin đừng hỏi tôi” hoặc “đừng hỏi tôi” hoặc “thôi đừng hỏi tôi” được lập lại suốt trong bài hát sử dụng nghệ thuật luyến láy, nhạc sĩ Vĩnh Điện đã tạo nên cường độ mãnh liệt của âm thanh vào niềm mơ ước tha thiết và giản dị. “Tôi Chỉ Muốn Làm Người”, “Tôi chỉ muốn sinh ra làm người mà thôi”… “và làm người, và làm người Việt Nam thôi”.

Tôi đã khá dài dòng với ca khúc “Tôi Chỉ Muốn Làm Người” chỉ vì ca khúc đó liên hệ với nhạc sĩ Phạm Duy và chính nhạc sĩ Phạm Duy là người phụ họa trong việc sáng tạo ca khúc ấy - Bây giờ người viết xin được trở lại chủ đề của bài viết.

Nhạc sĩ Vĩnh Điện sinh tại Khánh Hòa “miền quê hương cát trắng ấy” đã làm nên một nhạc sĩ Vĩnh Điện với những nhạc phẩm sáng tác từ năm ông mới 17 tuổi. Cũng như mọi chàng trai khác trong thời loạn, nhạc sĩ Vĩnh Điện xếp bút nghiên, thụ huấn khóa 22 SVSQ/TB/TĐ. Vì thế những sáng tác của nhạc sĩ Vĩnh Điện đã gắn liền với từng giai đoạn lịch sử đấu tranh chống Cộng Sản của quân dân miền Nam, đó là cột mốc của cuộc đời mọi chàng trai thời loạn như thi sĩ Hô Tuấn Nhã, một bạn thân của tôi đã viết:

“Ta cắm cột mốc đời trên đồi Tăng Nhơn Phú
và lòng ta bén rể xuống quê hương”

Đối với nhạc sĩ Vĩnh Điện, đó cũng là cột mốc sáng tác nhạc của ông. Những nhạc phẩm của Vĩnh Điện theo từng giai đoạn lịch sử có những tính chất khác nhau: giai đoạn chiến tranh chống Việt Cộng xâm lăng miền Nam Việt Nam trước năm 1975; giai đoạn tù đày sau khi Việt Cộng chiếm được miền Nam và giai đoạn lưu vong trên đất nước Hoa Kỳ. Giai đoạn chiến tranh trước 75, Vĩnh Điện đã sáng tác những nhạc phẩm Tôi Chỉ Muốn Làm Người - Đó Là Quê Hương Tôi - Từ Lòng Quê Hương - Hãy Ngồi Lại Gần Nhau - Vết Thương Sỏi Đa. Giai đoạn tù đầy, Vĩnh Điện viết những ca khúc tiêu biểu như: Trên Nhánh Rong Đời - Nếu Tôi Câm Đi, Ắt Đá Phải Lên Tiếng - Vạch Mặt – Hãy Sống Cho Nhau - Quê Hương Tôi Xa Lạ - Sẽ Không Bao Giờ Quên - Dưới Nấm Mồ Sâu. Giai đoạn lưu vong: Tình Xưa Trái Tim Người Viễn Xứ - Xa Hết Một Đời - Xin Người Hãy Quên - Mây Xa – Bài Tháng Chạp Thênh Thang.  Chỉ cần đọc tựa đề của những nhạc phẩm, ta đã thấy cái tính chất khác của từng giai đoạn lịch sử - sự cảm nghĩ của Vĩnh Điện, tâm sự, hy vọng, ước mơ, lo âu, xao xuyến, căm hận, v.v.. theo từng giai đoạn lịch sử được Vĩnh Điện chuyên chở vào tác phẩm của ông. Những tiết tấu âm thanh Vĩnh Điện gây lên chính là lời nói tha thiết, tiếng kêu ai oán, lời than thỉ nỉ non, tiếng gầm căm phẫn trong dòng sinh mệnh lịch sử đau thương của dân tộc Việt Nam. Để thấy rõ được những dữ kiện ấy, ta hãy bước vào một vài tác phẩm tiêu biểu của Vĩnh Điện trong mỗi giai đoạn.

Ở giai đoạn trước 75, đó là niềm ước mơ giản dị của con người Việt Nam, của người dân miền Nam Việt Nam chỉ muốn sống yên vui thanh bình, yêu thương gần gũi gắn bó với nhau. Cũng như mọi người dân Việt Nam,  Vĩnh Điện oán trách kẻ thù gây hờn oán thê lương cho nhau và Vĩnh Điện cũng ngây thơ như mọi người dân miền Nam, ông kêu gọi “Ngồi Lại Gần Nhau” ông có biết đâu chính đối phương mà ông kêu gọi, bọn người ấy đã bán cả linh hồn thể xác cho loài quỷ đỏ và cũng đã trở thành loài quỷ đỏ không tim. Lời kêu gọi của Vĩnh Điện càng trở nên tha thiết khi ông xử dụng nghệ thuật luyến láy “Hãy ngồi lại gần nhau... Hãy ngồi lại gần nhau cho nhau nghe đớn đau trong tim. Xin cho nhau thấy ruộng đồng cây khô cỏ dại... Xin cho nhau, cho nhau thấy nụ cười tin yêu tràn đầy, thấy loài người không ai hận thù...”

Đó là cả tính cách nhân bản trong tâm hồn người Việt Nam mà Vĩnh Điện là một tiêu biểu điển hình: Tôi nghĩ rằng có lẽ bây giờ Vĩnh Điện, sau những năm tháng tù đày, sau những năm tháng lưu vong, đã hiểu thế nào là loài quỷ đỏ. Tôi nhớ lại hình như trong bài “Lá Thư Canada” ông Nguyễn Văn Lục, người viết mục “Lá Thư Canada” trên tuần báo Chính Luận đã trích lời một trung úy TQLC/QL/VNCH: “Sở dĩ chúng tôi thua vì chúng tôi không biết hận thù”. Tôi cảm thấy thật thấm thía lời phát biểu của viên trung úy đó và tôi cũng cảm thấy lợm giọng, vì cho đến bây giờ, bọn Việt Cộng vẫn duy trì bài quốc ca của chúng mang tính chất khát máu của loài quỷ đỏ không tim: “Thề phanh thây uốn máu quân thù”. Vẫn tính chất nhân bản của tâm hồn của con người VIỆT NAM, vẫn tâm tình khao khát tự do hòa bình, “Từ Lòng Quê Hương” Vĩnh Điện đã thét lên những lời kêu than tủi nhục đớn đau, “Đói ngô khoan, đói tự do và đói cả tình người” và cảnh chiến tranh chết chóc tù đày đã khiến Vĩnh Điện ngạc nhiên thét lên, “Ô hay chỉ là người cùng tiếng nói Việt Nam” và như mọi người Việt Nam, tâm hồn Vĩnh Điện dấy lên niềm khao khát; khao khát hòa bình, chấm dứt chiến tranh, “Bao nhiêu năm khao khát một ngày, một ngày thôi chiến tranh, một ngày thôi chiến tranh…”

Nếu trong giai đoạn chiến tranh, nhạc phẩm của Vĩnh Điện là niềm khát khao hòa bình, chấm dứt chiến tranh hận thù thì ngược lại, trong giai đoạn tù đày, nhạc của Vĩnh Điện là nỗi đau thương tuyệt vọng, là tiếng thét đầy căm phẫn, là lời thề chớ quên hận thù. Thân phận của quân dân miền Nam, nhất là thân phận của người sĩ quan QL/VNCH như “Nhánh Rong Đời” trôi dạt lênh đênh và “Cùm Gông Tù Tội” như bao nhiêu bạn tù khác Vĩnh Điện tưởng chừng như tên tuổi chết đi.. “Trên nhánh rong đời bó tay chịu trận…” Và chính tôi, người viết bài này, trong ngục tù Cộng Sản, tôi tưởng chừng không còn hiện hữu nữa. Và ta như món đồ bỏ quên lâu ngày đóng bụi trong xó kẹt tối tăm… là trong cảnh điêu tàn thê lương của xã hội miền Nam sau ngày Việt Cộng xâm chiếm, ngục tù nhiều hơn trường học, Vĩnh Điện đã nghĩ rằng, “Nếu Tôi Câm Đi Ắt Đá Phải Lên Tiếng” nhưng rồi căm phẫn quá Vĩnh Điện đã gào thét trong đêm... cho hận thù sôi réo trong người như giông bão và Vĩnh Điện đã gây lên những âm thanh sắc mạnh cao vút đầy uất hận, “Nếu Tôi Câm Đi Ắt Đá Phải Lên Tiếng”, âm thanh cao vút của cung Fa thăng, phổ vào những “tiếng”, ngân lên như nỗi hận thù sôi réo tàn lòng. Và như trên tôi đã viết, trong giai đoạn chiến tranh, như bao nhiêu người khác, Vĩnh Điện đã ngây thơ tưởng loài quỷ đỏ cũng có tim, thì trong giai đoạn ngục tù, Vĩnh Điện đòi “vạch mặt” loài quỷ đỏ bởi ông đã chứng kiến tận mắt sự tàn bạo dối trá gian manh giả nhân giả nghĩa của chúng. Ta hãy nghe Vĩnh Điện gây lên những âm thanh sắc, mạnh, đầy sự mỉa mai đau thương, “... Bao năm qua, giặc nói nhiều về áo cơm nhưng người dân nào được bát cơm đầy... nuôi tháng ngày bằng rau hoang sắn mót và trọn đời bằng xâu thuế âu lo…” Và ông sỉ vã xỉa xói chúng, “Loài ác thú kia mà cũng khoe khoang mưu cầu hạnh phúc...”, “Bọn giả nhân kia mà cũng huênh hoang tự do tôn giáo, thần thánh trên ngai cũng quắc mắt chau mày…”

Trên bước đường lưu vong, những âm thanh trong nhạc phẩm Vĩnh Điện đã trầm lắng xuống với nỗi ưu hoài về ngày tháng cũ, về kỷ niệm xưa. Trong giai đoạn này, phần lớn những tác phẩm của Vĩnh Điện có phần góp lời về bạn hữu ông, những nhà thơ đã thành danh từ lâu như Trần Hoài Thư, Thái Tú Hạp, v.v.. những âm thanh trầm buồn, u hoài và xa vời vợi phổ vào lời thơ “Tình Xưa” của Trần Hoài Thư, những âm thanh êm đềm, thánh thót và đầy ắp vẻ mơ màng quyện vào lời thơ trau chuốt của Thái Tú Hạp trong bài “Trái Tim Người Viễn Xứ” với nhịp điệu  Boston, là sự hướng xe cội nguồn, hướng về quê hương thân yêu với mái chùa xưa, về tiếng chuông đang vọng là vườn vú sữa rợp bóng, là lối sầu riêng ngát thơm hoa bưởi, ngọt lịm dừa xiêm. Đã không còn tiếng bom đạn trong chiến tranh, đã hết rồi những lo âu xao xuyến, đã phôi pha những hận thù chất ngất, ta có thế nhắm mắt nằm nghe những âm thanh thánh thót nhịp nhàng khơi dậy những kỷ niệm ngày tháng cũ, khơi dậy những hình ảnh êm đềm của quê hương thân yêu. Nỗi nhớ thật ngọt ngào ru ta về chốn cũ tình xưa và tôi nghĩ các tâm tình ấy là nét rất chung chung và phổ quát trong tâm hồn người Việt hải ngoại.

Và nếu gọi nhạc sĩ Vĩnh Điện là dòng nhạc đấu tranh là rất thích hợp và chính xác trong giai đoạn ngục tù. Và nhạc phẩm của Vĩnh Điện trên bước đường lưu  vong là những ca khúc lãng mạn ngọt ngào và nỗi ưu hoài ngày tháng cũ. Kỷ Niệm Xưa là nỗi nhớ quê hương sâu đậm. Tóm lại những bản tình ca êm đềm thánh thót nhịp nhàng.

Tôi đã mạo muội phác thảo vài nét về dòng nhạc của nhạc sĩ Vĩnh Điện và tôi nghĩ còn rất nhiều thiếu sót và chỉ là những bay lượn vòng ngoài, chưa đào sâu vào nghệ thuật âm nhạc, chưa diễn tả được một phần nhỏ những tiết tấu âm thanh trong dòng nhạc của nhạc sĩ Vĩnh Điện. Giới thiệu một cách khái quát của dòng nhạc nhạc sĩ Vĩnh Điện, người viết chỉ muốn mời gọi khán thính giả, cộng đồng người Việt hãy nghe nhạc của nhạc sĩ Vĩnh Điện, quý vị sẽ nhớ lại thân phận mình trong dòng sinh mệnh đau thương của dân tộc Việt Nam. Hãy nghe nhạc của nhạc sĩ Vĩnh Điện, để khơi dậy niềm đắng cay và nỗi hận thù do bọn Cộng Sản tham tàn, bạo ngược gây nên, và riêng tôi, người viết bài này, muốn nhắc nhở Vĩnh Điện hãy dùng nhạc của mình để duy trì sự căm phẫn bọn Cộng Sản tham tàn là yếu tố tối cần thiết đế đấu tranh trong giai đoạn cam go nhất của lịch sử, và xin kết thúc bài này bằng sự nhắc nhở ấy.

Trên bước đường lưu vong ta còn gì
Tuổi già sức lực đã suy vi
Có cần giữ lại lòng căm phẫn
Hay lại nghĩ nào có ích chi? !

Lưu Bá Bắc
http://www.saigonocean.com/nhacchude/html/bac-VD.htm
*
*     *
NHẠC SĨ VĨNH ĐIỆN –NÉT NHẠC VÀ CUỘC ĐỜI

Vĩnh Điện3Có lẽ, trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, đều giữ trọn tâm hồn mình cho một bài hát thương yêu nhất, một giọng ca hay một nhạc sĩ gây cho mình ấn tượng tốt đẹp nhất. Ở đây, tôi muốn nói đến người nhạc sĩ tài hoa. Người đã tạo cho tôi thật nhiều cảm xúc; khi những bản nhạc của ông lên tiếng:  nhạc sĩ Vĩnh Điện
 Vĩnh Điện (tên thật Nguyễn Phúc Vĩnh Điện) là một nhạc sĩ gắn bó sâu sắc với những tác phẩm về quê hương, tình yêu và con người Việt Nam từ những ngày còn trẻ tuổi cho đến sau năm 1975 và nhất là sau ngày ly hương. Là người con Việt, ông đã sống trong vai trò nhạc sĩ suốt hơn năm mươi năm. Các sáng tác gần như cả cuộc đời, chỉ để nói lên tiếng nói của người Việt Nam trước bao biến động của thời cuộc. Nhạc của ông chỉ có thể gói gọn trong ba thời kỳ: trong chiến tranh, trong cảnh tù ngục và trên bước đường lưu vong. Và gần đây nhất là những trăn trở về thân phận dân oan; những người đã và đang còn ở lại quê hương Việt Nam. Nhưng khả năng dùng nét nhạc để nói lên thân phận con người của ông; phát triển mạnh nhất vào thời chiến tranh . Tên của ông cũng đã nói lên nguồn gốc của mình. Thế nhưng, qua những nhạc phẩm ông đã viết; với những ca từ giản dị, mộc mạc và trong sáng đã làm bật lên một khát khao duy nhất: tình yêu quê hương và con người VN . Qua 14 CD trong hơn 200 bài nhạc đã sáng tác, đã phổ thơ, ta thật ngạc nhiên: ông đã dùng trái tim để viết lên những lời tình tự về tình yêu đôi lứa, tình người; những nỗi khát khao, trăn trở trong cảnh cùng một giòng máu, cùng một màu da, một tiếng nói thế mà lại đang tâm chém giết lẫn nhau,  quê hương tan rã…con tim của ông không thể im lặng trong cảnh nồi da xáo thịt. Nét nhạc của ông dàn trải khắp nơi; bền bỉ, siêng năng, như đặt trên vai mình một trọng trách ghi lại những cảnh tượng đau thương của chiến tranh, cùng mong muốn quê hương được thanh bình. Ông luôn quan sát và quan tâm đến hoà bình của đất nước; nhưng cũng không quên thân phận con người trong  hoàn cảnh đó.
CÓ BAO GIỜ (Thơ Thùy Vân, nhạc Vĩnh Điện) Diệu Hiền 

 NS Vĩnh Điện- Nét nhạc cuộc đời của tác giả 
Người yêu nhạc Việt Nam( Nguyễn Thu Hà).

*
*     *
 http://love.easyvn.com/_easyweb/idv/vinhdien/banner.jpg
  
*
*     *


HỠI NGƯỜI EM HÒA BÌNH (Nhạc và lời Vĩnh Điện) 
Tiếng hát Thái Thanh, Mai Hương, Phượng Bằng, Thanh Thoại. 
*
*     *
Hãy Ngồi Lại Gần Nhau (Vĩnh Điện) Elvis Phương 
*
*     *
Đó Quê Hương Tôi (Vĩnh Điện) Elvis Phương 
*
*     *
TÔI CHỈ MUỐN LÀM NGƯỜI (Nhạc và lời Vĩnh Điện) Julie Quang 
*
*     *
CA NGUYỆN (Nhạc và lời Vĩnh Điện) Tiếng hát Thanh Thúy 
*
*     *
Bài Ca Hòa Bình (Vĩnh Điện) Connie Kim 
*
*     *
Xa Xôi (Vĩnh Điện, Nguyễn Thanh) Lệ Thu 
*
*     *
Vết Thương Sỏi Đá (Vĩnh Điện) Elvis Phương

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire