lundi 16 décembre 2019

Diệu Hương – nữ nhạc sĩ hiếm hoi của làng nhạc hải ngoại

Nhạc sĩ Diệu Hương sinh năm 1955 tại Huế trong một gia đình có 13 người con mà bà là người con gái duy nhất. Năm 5 tuổi, Diệu Hương theo cha là một sĩ quan quân đội, cùng với gia đình chuyển vào Đà Nẵng sinh sống. Sau khi hoàn tất bậc trung học, Diệu Hương lên Đà Lạt theo học trường đại học Chính trị Kinh doanh và từng được bầu là trưởng ban văn nghệ trong những năm đại học.

Tại Đà Lạt, Diệu Hương ở nội trú với các dì phước, trong thời gian đó, bà tập guitar rồi về Sài Gòn học tiếp tục với một người bạn.
Sau năm 1975, Diệu Hương rơi vào cảnh buồn chán và viết bản nhạc đầu tay Tôi muốn hỏi tại sao vào năm 1977.
Năm 1990, Diệu Hương và gia đình sang Mỹ theo diện HO. Tại đây bà trải qua nhiều công việc và sau đó theo học ngành thiết kế đồ họa.
Nhạc phẩm đầu tiên Diệu Hương sáng tác tại hải ngoại là bản Mùa Thu Nơi Đây, viết ngay sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ, diễn tả tâm trạng của một người xa quê hương, nhớ về thành phố cũ trong khung cảnh một mùa thu.
Bài hát nổi tiếng nhất của bà là Vì Đó Là Em với tiếng hát ca sĩ Quang Dũng đã giành được giải Mai Vàng 2003 ở trong nước.

 

Diệu Hương là một trong những nhạc sĩ nữ hiếm hoi của làng nhạc hải ngoại. Trước khi tên tuổi trở nên nổi tiếng, bà chỉ âm thầm sống với niềm đam mê của mình là âm nhạc, bà coi đó là phương tiện để diễn đạt những xúc cảm và suy tư của chính mình.
Diệu Hương đã viết nhạc từ khi mới 22 tuổi. Cô sinh viên trường Đại Học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt năm nào đã mang rất nhiều tham vọng và rất hăng say trong các công tác văn nghệ như đàn hát hoặc viết văn. Nhưng trong sự đổi thay của thời cuộc sau biến cố năm 75, Diệu Hương đã dồn tất cả lẽ sống của mình vào âm nhạc.
Nhờ có một số vốn liếng về văn chương đến từ sự thích thú đọc sách nên Diệu Hương đã đưa những suy tư của mình qua lời ca vào trong âm nhạc một cách rất hài hòa. Bà cho biết trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Trường Kỳ 20 năm trước: “Hương mê viết văn lắm. Từ nhỏ Hương mê lắm, tại Hương đọc sách nhiều, Hương đọc sách không ngừng. Khoảng 8, 9, 10 tuổi, Hương để cả một chồng sách ở trong giường để đọc. Đọc sách không ngừng nhưng phải công nhận cũng nhờ qua đọc sách mà Hương cũng có một cái vốn liếng về văn chương”. 
Cũng do sự say mê với chữ nghĩa, nên qua những lời ca của bà, người nghe rất dễ dàng nhận ra sự rất đắn đo và thận trọng trong cách dùng chữ của Diệu Hương, một người luôn tìm cách thoát ra những sáo ngữ.
Trong sự buồn bã triền miên có thể coi như tuyệt vọng như lời Diệu Hương nói về thời kỳ nhiều xáo trộn, bà đã đắm chìm trong âm nhạc để quên đi những phiền muộn.
Vào năm 1977, dòng nhạc mang tên Diệu Hương ra đời với nhạc phẩm đầu tay mang tên “Tôi Muốn Hỏi Tại Sao”. Qua nhạc phẩm này, Diệu Hương cho biết muốn nói lên tâm trạng của mình sau khi lâm vào tình trạng thất vọng chán chường vì thấy những ước mơ khó lòng thành tựu trong một sự xáo trộn không lối thoát. Bà nói:
“Đối với Hương, đời sống lúc đó không có chi nữa hết. Tại Hương ước mơ nhiều quá mà bây giờ Hương bị thất vọng quá nhiều cho nên Hương mới đi tìm một cái hạnh phúc rất là nhỏ bé, Do đó Hương mới viết là ‘tôi muốn hỏi tại sao có những chiều, những chiều mưa xuống nhiều mà sao em không đứng nhìn mưa để nghe trong mạch tim em xao xuyến bất ngờ’.
Cho dù một cơn mưa bất chợt cũng đủ cho mình tìm thấy một niềm hạnh phúc rất nhỏ, như khi nhìn những hạt mưa, những cái bong bóng rớt xuống đường thì đó cũng có thể là niềm vui cũng được”. 
Diệu Hương cho biết đã viết nhạc phẩm đầu tay này trong đêm tối dưới ánh sáng mù mờ của một ngọn đèn nhỏ tại căn nhà trên đường Huỳnh Tịnh Của (Sài Gòn) vì không muốn làm phiền giấc ngủ của gia đình. Sau khi hoàn tất sườn bài được viết nguệch ngoạc, bà để đến ngày hôm sau mới chỉnh lại và đã rất mừng khi nhận thấy mình có được khả năng viết nhạc.
Sau đó mấy ngày, Diệu Hương đã hát cho một số bạn bè nghe trong một buổi sinh hoạt văn nghệ và rất được tán thưởng vì âm điệu dễ nghe cùng lời ca thích hợp với tâm trạng của tuổi trẻ. Thời gian sau đó, Diệu Hương đã tận dụng khả năng viết nhạc của mình để viết nhiều ca khúc khác.
Cho đến tuổi trưởng thành, Diệu Hương vốn chỉ nghĩ là sẽ làm nghề viết văn, thực hiện cho mình một quyển sách. Nhưng rồi sau khi nhạc phẩm đầu tiên ra đời, Diệu Hương đã liên tiếp sáng tác thêm 5,6 nhạc phẩm khác vì bà quan niệm trong cái buồn, bà “phải đi tìm một lẽ sống rất nhỏ để có thể cứu vớt mình một tí”. Nhất là sau khi biết là viết nhạc được nên Diệu Hương đã tận dụng khả năng sáng tạo của mình để “có những dòng nhạc nào bất chợt đến là chụp lấy ngay” – như lời bà tâm sự, và sáng tác tùy theo tâm trạng hoặc chủ đề thích hợp với dòng nhạc.
Diệu Hương và gia đình sang Mỹ vào năm 1990 bằng diện HO. Đời sống nơi đất lạ đã khiến cho Diệu Hương chán nản không còn thiết tha gì đến việc sáng tác vì phải bận bịu với việc mưu sinh qua nhiều lần thay đổi việc làm. Từ thư ký cho các trường dành cho người tị nạn, cho văn phòng luật sư và nhân viên viên bưu điện.
Cuối cùng, thêm một lần nữa, giống như gần 20 năm trước đó, Diệu Hương đã “phải đi tìm một lẽ sống rất nhỏ để có thể cứu vớt mình”. Và lẽ sống đó không khác gì hơn là âm nhạc. Nhạc phẩm Diệu Hương sáng tác đầu tiên ở hải ngoại là Mùa Thu Nơi Đây vào năm 90, ngay sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ, diễn tả tâm trạng của một người xa quê hương, nhớ về thành phố cũ trong khung cảnh một mùa thu: “Mùa Thu nơi đây tôi nhớ thương thành phố xa mờ mà bao năm qua tôi đã đi về trên những đường xưa. Mùa thu nơi đây lạnh lùng, từ nơi phương xa trời rộng lòng ai có nhớ ai không? Có tôi nỗi nhớ vô cùng… Mùa Thu nơi xưa dịu dàng, giờ trong tôi nghe muộn màng. Tình yêu cho anh một ngày, rồi một ngày nào đã phai. Về đây khi tôi ngồi lại, niềm cô đơn ôi còn dài…”.
Thành công đến với nhạc sĩ Diệu Hương một cách nhanh chóng, có lẽ là do dòng nhạc trữ tình dễ tạo được những cảm xúc và ngôn từ sử dụng dễ thấm vào tâm hồn người thưởng thức. Dòng nhạc và lời ca Diệu Hương đã quyện lại với nhau thành một kết hợp tuyệt vời, rất thích hợp với những giọng hát tại hải ngoại như Tuấn Ngọc, Diễm Liên, Don Ho, Thanh Hà…
Ngoài ra, không thể không nhắc tới một sự gắn bó rất đặc biệt khác với những ca khúc của Diệu Hương, đó là tiếng hát Quang Dũng và dòng nhạc Diệu Hương.
36 Ca Khúc Diệu Hương 

Thời điểm đầu thập niên 2000, Quang Dũng là giọng ca trữ tình hàng đầu ở trong nước, còn Diệu Hương là nữ nhạc sĩ nổi bật tại hải ngoại. Sự kết hợp gắn bó trong nghệ thuật này được Diệu Hương gọi là một cơ duyên văn nghệ.
Diệu Hương đã tình cờ phát hiện ra giọng hát Quang Dũng trong một chuyến về Việt Nam vào năm 2000, thời điểm đó bà dự định thực hiện CD đầu tiên.
Trước đó vài năm, Quang Dũng (tên thật là Thái Văn Dũng) cũng mới từ quê nhà là Quy Nhơn vào Sài Gòn. Mục đích của chàng thanh niên sinh ra trong một gia đình đông con và nghèo khó, làm nghề kéo lụa lúc đó chỉ là kiếm tiền với khả năng ca hát thiên phú của mình.
Giấc mơ của anh là một ngày nào với số tiền kiếm được sẽ tạo cơ hội giúp gia đình anh thoát khỏi cảnh vất vả, nghèo túng. Vì vậy, tại Sài Gòn trong thời gian đầu tiên, Quang Dũng đã nhận lời hát tại các quán cà phê, các phòng trà nhỏ với bất cứ giá nào.
Trước khi gặp Diệu Hương, Quang Dũng thường hát nhạc Trịnh Công Sơn và nhạc tiền chiến. Sau đó tiếng hát Quang Dũng đã gắn bó với dòng nhạc Diệu Hương mà nổi tiếng nhất là ca khúc Vì Đó Là Em.
Khi trả lời phỏng vấn với một tờ báo trong nước, Quang Dũng cũng đã xác nhận về mối tình cảm anh gọi là tình cảm văn nghệ của mình đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nữ nhạc sĩ Diệu Hương, anh coi như một người chị thể hiện qua cách xưng hô.
Diệu Hương cho biết khi nghe Quang Dũng hát tại một phòng trà ở Sài Gòn, bà nhận ra giọng hát này có thể phù hợp với dòng nhạc của mình với một âm vực rất rộng nên chợt nảy ra ý muốn mời Quang Dũng thu thử một nhạc phẩm trên CD đầu tay mang tựa đề “Khắc Khoải”.
Lúc đó Quang Dũng vẫn chỉ còn là một giọng ca mới chập chững vào nghề, chưa được biết đến nhiều nên chưa phải là một tiếng hát độc quyền cho một trung tâm nào. Anh tỏ ra e ngại và không được thoải mái khi được Diệu Hương đưa cho một nhạc phẩm để hát thử.
Nhưng sau khi chị cầm cây guitar lên hát bài Khắc Khoải, Quang Dũng đã lên tiếng đề nghị chị để anh thu thanh nhạc phẩm này vì nhận thấy bài hát rất thích hợp với giọng ca của mình.
Đó cũng là lần đầu tiên Quang Dũng hát nhạc Diệu Hương, cũng là một trong những bài đầu tiên anh thu âm giọng hát của mình trong studio.
Từ đó trở đi, tiếng hát Quang Dũng đã bay cao cùng với những nhạc phẩm Diệu Hương trong lòng người hâm mộ.
Có một dạo, gần như bất cứ ở nơi nào trong nước, người ta cũng thấy vang lên tiếng hát của Quang Dũng trong những ca khúc như Vì Đó Là Em, Khắc Khoải, Phiến Đá Sầu,… mặc dù lúc đó tên tuổi của nhạc sĩ Diệu Hương chưa mấy được biết tới ở trong nước.
Mỗi khi nhớ lại sự “khám phá” ra Quang Dũng của mình, Diệu Hương đều luôn cho đó là một cơ duyên văn nghệ đặc biệt trong đời sống đúng vào thời kỳ bà còn mang tâm trạng ngơ ngác khi đến với âm nhạc, và khi Quang Dũng còn là một giọng ca mới chân ướt chân ráo đến với sân khấu ca nhạc. Diệu Hương cũng như ngay cả Quang Dũng cũng không ngờ lại có sự kết hợp hoàn hảo đến như vậy.
Phân tách kỹ hơn, người ta dể dàng nhận ra sự say mê của mỗi người khi kết hợp với nhau ngay từ bước đầu bằng giọng ca và dòng nhạc của mình. Cụ thể hơn là ngay từ CD đầu tiên của Diệu Hương.
Quang Dũng đã rất say mê khi hát những bài tình ca của một người viết nhạc mới, thu thanh trên một CD phát hành tại hải ngoại cùng với những tiếng hát tên tuổi như Tuấn Ngọc, Ý Lan, Diễm Liên nên tỏ ra rất hào hứng. Phần Diệu Hương, việc khám phá ra một giọng hát mới mà nghệ thuật diễn tả rất ăn khớp với những sáng tác của mình đã làm cho bà rất tâm đắc.
Trong một lần tâm sự với người khám phá ra mình mà Quang Dũng xưng hô là “chị, em”, anh tỏ vẻ lo ngại không biết mình có thể nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình hay không, vì thời điểm đó, nhạc thị trường đang thời cực thịnh. Diệu Hương có lẽ đã thấy được tiềm năng của giọng hát Quang Dũng nên đã cổ vũ anh theo đuổi hướng đi riêng.

 

Sau nhiều năm gắn bó với nhau trên con đường nghệ thuật, có lẽ Diệu Hương đã tạo ra được sự ảnh hưởng với tiếng hát Quang Dũng, về tư tưởng diễn đạt trong nội dung một nhạc phẩm cũng như về cách dùng văn, sử dụng chữ,… Do đó nam ca sĩ trẻ này dễ cảm nhận được những ý tưởng trong các tác phẩm của Diệu Hương…
Tất cả những điều đó đã kết hợp thành một sự đồng cảm hiếm hoi giữa hai tâm hồn nghệ sĩ, một ở trong nước và một ở hải ngoại.
Biên tập lại từ bài viết của cố nhà báo Trường Kỳ

*
*     *
PHIẾN ĐÁ SẦU (Diệu Hương) - Tuấn Ngọc

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire