vendredi 7 juin 2019

Thị trấn nằm giữa hai ngọn núi - Phạm Ngũ Yên


thi-tran-nam-giua-hai-ngon-nuiCó người hỏi tôi, kết thúc một chuyện tình cảm, có bao nhiêu đau lòng?
Tôi nói, tôi chỉ đau lòng khi tôi chưa từng cố gắng để đuổi theo tình yêu đến hết đường.
Tôi không biết phải nói ra sự muộn phiền hay lời cám ơn về một khoảnh khắc mà cuộc đời đã ném đến cho tôi hay cuộc đời hiến tặng? Người ta thường nói về định mệnh và tại sao chỉ ước ao một đời duy nhất, trong khi có rất nhiều …
Thị trấn nằm giữa hai ngọn núi - T/g: Phạm Ngủ Yên
Kiều Loan và Chân Như trình bày 

Tôi 60 tuổi và tháng Giêng này sẽ là ngày sinh nhật của tôi. Sinh nhật của một người đàn ông vừa sắp sửa ly hôn, dĩ nhiên không có hoa và ly rượu ấm áp đi kèm. Hoài Hương thì khác. Nàng đang bình an trong ngôi nhà của đứa con gái. Mỗi ngày bồng ẵm hôn hít đứa cháu ngoại vừa một tuổi và nghe tiếng cười của nó để rồi lim dim dựa lưng vào hạnh phúc. Hoài Hương nhỏ hơn tôi 10 tuổi. Người phụ nữ thực sự không có chỗ về từ ngày rời nhà thương. Chiếc gối đỏ hình trái tim ôm theo và đôi mắt nhìn xoáy vào tôi, đau buốt. Tôi không biết nàng đã ngả bóng mình xuống tôi hay tôi chết trân vụn vỡ đời mình trước nàng. Mùa đông cách đây ba năm, Hoài Hương ngậm nỗi buồn chấp chới và mang cô độc từng ngày. Một chỗ tựa vững chắc và một tình vợ chồng vừa vắng biệt đàng sau một nghĩa trang. Và những vòng bánh xe lăn như vòng đời chóng mặt. Có những người can đảm đứng lên sau một rạn vỡ. Nàng đã từng như vậy. Cho đến một ngày… nàng ngã xuống… tôi thấy lòng chao nghiêng khi đi qua ai đó đang cần giúp đỡ…
Mỗi năm vì yêu cầu nghề nghiệp khiến tôi phải về Việt Nam ba tuần. Ðó là vào dịp cuối tháng Mười Hai hoặc bước qua tuần lễ đầu Dương Lịch. Một điều không dễ dàng khi bạn đang đụng đến những ngày mà không biết đâu là khởi đầu và đâu là kết thúc. Vì rõ ràng là tôi đang có những ngày như vậy với Hoài Hương. Ðó là thời gian trước khi tôi nghe thưa dần những tiếng chân đêm của nàng trong phòng. Trước khi Hoài Hương coi những ngày lái xe chạy về nhà thăm con là niềm vui không thể thay thế.
Công việc của tôi là bảo trì máy khoan cho một hãng dầu tại Houston có chi nhánh tại Vũng Tàu. Ngày trước thuộc công ty Dầu Khí liên doanh với Liên Xô. Sau khi Liên Xô rút đi hợp tác với vài công ty nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ. Có nhiều nhân viên ngoại quốc đến rồi đi. Ða phần họ làm việc ngoài khơi nơi đặt các giàn khoan. Thời gian trở lại đất liền là để nghỉ ngơi, hoặc chờ ngày trở về nơi chốn mà họ xuất phát. Thường là một tuần hay mười ngày mới có chuyến bay…
Ngày cuối cùng ở Vũng Tàu tôi xuống phòng tiếp tân làm thủ tục trả phòng.
Khi tôi nhìn lui về khung kính nơi cầu thang máy, người đàn bà đã khuất. Trước đó, bên bậc thềm nóng hổi tiếng kêu sôi của ve sầu, tôi thấy vạt áo của nàng rõ hình những hoa sứ. Gió từ biển thổi về mang mùi của muối, của quá khứ đầm đìa tức tưởi cơ hàn. Biển như nỗi buồn bao la nếu không nói là đậm màu bất trắc có khả năng nhấn chìm mọi cánh buồn nào ra khơi.
Chỉ vài phút ít oi để tôi nghe nàng nói:
“Chúc ông đi bình an.”
“Cô cũng vậy… ở lại bình an.”
Tôi thu gom một vài tài liệu quan trọng trong hộp thư có mã số dành riêng khi mướn phòng. Ký xuống vội vàng những mẫu giấy mà nếu ở Mỹ nó sẽ không nói lên một giá trị nào hết. Trong khi chờ tài xế của khách sạn đến rước, tôi loanh quanh trong phòng và cũng kịp pha một ly cà phê từ chiếc bình cà phê pha sẵn. Kịp gọi phone cho Hoài Hương nói với nàng là tôi đang chờ xe đưa ra phi trường và sẽ về kịp ngày hôm sau…
Mãi đến khi đứng trước quầy check in nơi phi trường, tôi mới biết mình đã làm rơi đâu đó bằng lái xe của Mỹ… Không biết từ lúc nào. Dĩ nhiên là tôi bị từ chối làm thủ tục và nói theo cách nói của bóng đá, là tôi đã bị loại ngay từ vòng “gởi xe”.
Tôi kêu xe chạy gấp trở lại khách sạn, lòng nguyền rủa những con đường và những dòng người xuôi ngược. Những ngọn đèn xanh đỏ vô cảm từ những ngã tư. Và thù ghét vô cùng cái khách sạn mà tôi trú ngụ suốt hai tuần qua. Tôi thù ghét luôn cả nàng…
“Ông làm rơi lúc rời khỏi đây hồi sáng sớm, mãi đến trưa nhân viên dọn dẹp ở phòng lễ tân mới nhìn thấy. Nhưng không biết làm sao để đuổi theo ông để trao lại. Mà nếu đuổi theo kịp thì ông cũng lỡ chuyến bay.”
Nàng cười, nụ cười khiến tôi ghìm cơn giận không để lộ ra.
“Biết ông thế nào cũng trở lại,” nàng nói mà cây viết trăn trở trong bàn tay như một người làm xiếc. Bàn tay có những ngón trau chuốt dễ chừng chưa từng đụng đến bếp núc, soong chảo, khiến người ta liên tưởng đến điều khác.
Tôi nhớ khi ấy nàng nói:
“Ông giã từ một nơi chốn từng nấn ná suốt một thời gian dài mà không có gì hết? Cả một nụ hôn, hay một cái nắm tay, cũng không có… thử hỏi có đành lòng hay không?”
Tôi không từng đón nhận những câu nói như vậy. Nó giống như một lời thoại chỉ có từ các phim ướt át ngôn tình và người ta sẽ dễ ngã vào nhau sau những điều như vậy. Tôi cảm giác như mình đang trong một thế giới nào đó, tụt hậu không theo kịp với một trào lưu mới và sự hổ thẹn ùa về làm trái tim đau điếng.
Tôi không biết mình có đỏ mặt hay không nhưng trước mặt tôi, ngực áo trái của nàng đang phập phồng bảng mica ghi rõ tên và chức vụ. Nó tượng trưng sự nghiêm túc và dễ chừng tôi nghe cả tiếng thở của tôi đang bị hơi thở của nàng nghiền nát. “MĂNG MAI, Manager.” Chiếc áo sơ mi màu trắng có tay và nút gài tinh khôi như tên của nàng. Ðôi khi cuộc đời là một kịch bản và chúng ta làm tốt vai trò như thể không cách nào làm khác hơn.
“Chắc những điều mà cô nói nó chỉ là trong giấc mơ.”
“Chỉ là giấc mơ thôi sao?”
“Còn điều gì khác? Nhưng hiện tại tôi phải tiếp tục ở đây cho đến tuần tới mới có chuyến bay. Có một giá nào “bèo” nhất để cho một người nghèo túng như tôi trú ngụ không vậy?”
Nàng đưa tôi một tờ giấy và giải thích:
Policy của khách sạn cho phép khách được ở lại thêm vài ngày mà không tính phí. Nếu lỗi không hoàn toàn từ khách.”
“Tôi bất cẩn để rơi giấy tờ tùy thân, lỗi ở tôi mà.”
“Vẫn là của chúng tôi một phần, coi như đền bù lại chuyện ông trễ chuyến bay.”
Giọng nói giống như cả hai đều muốn dành phần lỗi về mình. Ngộ chưa?
Ðó là lý do tôi biết nàng.
Vũng Tàu không thiếu những khách sạn hàng đầu và những quán ăn sang trọng. Nhưng nếu nói về sự riêng tư, thì Nhà Hàng Nổi là một địa chỉ luôn đông khách với nét đặc trưng của riêng mình. Ngày trước gọi tên là quán Tím vì nó sơn màu tím. Lợi thế của quán là nằm trên một triền đá thoai thoải với mặt biển chạy dài về phía Ô Quắn, nhìn xuống mặt đường lót bằng đá hoa cương – Và một phần vì chủ nhân là dân Vũng Tàu thứ thiệt, từng có thời mài mòn đũng quần ở trường. Quán vừa là khách sạn mini, vừa nhà hàng có bán cà phê. Từ ghế ngồi sát ban công khách có thể nhìn xuống mặt biển trước mặt. Phía bên phải con đường chạy dài đến Dinh Ông Thượng và Núi Lớn. Nhìn về phía trái là đường chạy ra Bãi Sau. Nhìn về phía nào cũng thấy biển.
Khách khứa bắt đầu một ngày mới với buổi tập Yoga ngoài trời, sau đó là một ly cà phê pha chế theo phong cách Ý. Từ các bàn tròn đặt dưới bóng mát của các cây cọ mới trồng nhưng những cây bàng có tuổi đời mấy chục năm, người ta nghe được những trải nghiệm cuộc đời, là những gì cho đi, sẽ không thể lấy về.
Buổi trưa, nắng sẽ nằm lại đâu đó trên các ngạch cửa sổ phòng ngủ vì chiếc màn sẽ ngăn chúng lại không cho lọt vào phòng.
Chiều tối, là các món nếm tại hành lang, những món hải sản hấp dẫn. Nếu chúng ta thấy tận mắt những con tôm hùm, những con sò đang đổi đời như thế nào trên các lò nướng than, chúng ta sẽ từ chối sự chọn lựa nào khác ngoài một món mồi chỉ có từ biển cả. Mùi thơm của món ăn tươi cộng với mùi cháy khét lan tỏa trong khoảng không gian chật. Sau đó, lấy một chai Cabernet ra ngồi ở hiên quán, và tiếp đó chậm rãi đưa ly rượu lên mũi thưởng thức mùi vị của nó, nghe tiếng vải bạt che đang phần phật trên đầu… tiếng chim dành chỗ ngủ với nhau trên một hốc đá màu chiều… Tiếng của xe hai bánh vụt qua. Tiếng người bán rong bằng xe đạp rao hàng. Giọng cao và chát không phải người miền Nam, giống như một ngụm rượu khai vị vừa uống vào không đúng lúc. Còn gì nữa? Dĩ nhiên là tiếng của những viên đá bỏ vào ly.
Tối qua, tôi có một đêm cùng với nàng trong một tiệc mời mà cả tôi và nàng đều là khách. Ðúng hơn, tôi là một khách mời ăn theo. Tôi và nàng không ai nói với nhau về thân phận của mình. Tôi không nói tôi là dân Vũng Tàu, và nàng cũng vậy. Buổi trưa trước khi xuống ca trực, nàng đột ngột nói:
“Có một buổi hội ngộ nhóm học sinh già của trường, mấy chục năm mới gặp lại, mời em… Họ đặt tiệc tại khách sạn này, anh có định đi không?”
“Anh cũng người Vũng Tàu đây?”
“Vậy sao? Anh học thời gian nào vậy?”
“Không nhớ. Nhưng thời anh học trường chưa xây lầu. Có một sân bóng chuyền ngay cạnh cổng vào. Và anh biết có những cây điệp mà tuổi đời của nó nếu còn, dễ chừng đã 60 năm.”
“Anh học trước em,” nàng nói. Chiếc cổng mà anh nói, là cổng cũ.”
“Cổng cũ, dành cho những học trò cũ… Bao nhiêu hào kiệt anh thư từ nơi đó bước ra để đi xuống cuộc đời.”
“Cuối cùng anh có chịu đi với em không vậy? Chắc mọi người sẽ ngạc nhiên?”
“Nếu anh nói không đi thì người ta tưởng anh còn trẻ. Mà đi bên cạnh em, người ta tưởng anh già.”
“Ðừng nói chuyện khùng với em.”
Tôi không biết có bao nhiêu người nhớ đến mình, vì thời gian làm trí nhớ con người bị mòn. Nhưng với Măng Mai, người ta không thể nào quên và lầm lẫn với ai được.
Trong khi nàng dáo dác kiếm chỗ ngồi và tôi cũng phân vân ngại len lỏi giữa những bàn ghế cùng những màu sắc, da thịt, tôi nghe tiếng người hướng dẫn chương trình đang hét vào micro.
“Chúng ta có một người bạn mới vừa bước vào. Người này chắc không ai mà không biết. Vì chị là một trong những người học trò rất đặc biệt của trường. Chị thuộc niên khóa 1968- 1975. Một niên khóa ghi dấu cả hai biến cố. Ðó là chị Măng Mai. Chúng ta có nên cho chị một tràng pháo tay không vậy?”
Những gương mặt chưa gì đỏ au vì bia rượu chợt quay về phía nàng. Dĩ nhiên là người ta không dè sẻn những tiếng vỗ tay.
Nội bao nhiêu đó thôi đủ làm nàng luống cuống… Sự dạn dĩ trong dáng điệu của một Manager đã trôi biến để rồi tôi nghe hơi ấm bàn tay nàng lan tỏa trong tay tôi từ lúc nào không nhớ. Những bàn tay chưa từng già đi cùng nhau nhưng cũng chưa từng son trẻ.
Ðêm vắng ngắt để nghe rõ ràng những bản tình ca. Nhắc mọi người về một tiền kiếp khôn nguôi. Cùng lúc tiếng biển vọng về, gần gũi…
“Mai muốn ra khỏi đây. Hít thở và ngắm trời đêm.”
“Với anh? Sớm vậy?
”Uh. Họ nhìn chúng ta dữ quá. Coi chừng lát nữa họ bắt em lên đứng trên đó…”
Tôi nghe nàng. Ðứng lên và không quên cầm theo ly rượu. Ra đến tận ngoài, tôi nghe rõ tiếng biển như cái thời trẻ trung tôi đi dưới đêm nghe hồn liêu xiêu vì lạc gió. Cái thời mà nàng còn ngồi ở trường, cũng là lúc tôi vào lính. Nên biển trong tôi vẫn là của nàng, vẫn muôn đời quen thuộc nghìn trùng, nhưng thành phố đã đổi thay.
“Ðâu có ai uống rượu mà bỏ đá?” Măng Mai nói.
“Ðể làm bớt đi những hình ảnh huyễn hoặc kể từ khi nghe người ta nói về em.”
“Em trừu tượng vậy sao?”
“Em giống như một người đàn bà đến từ giấc mơ của anh… Nó bất chợt và không thường xuyên.”
“Vậy người trong giấc mơ của anh đẹp hay xấu?”
“Không nhớ. Nhưng chắc chắn có những cá tính. Ðủ để anh ngạc nhiên và tiếc rẻ khi tỉnh dậy, nghĩ rằng tại sao giấc mơ lại không thể kéo dài?”
“Từng tuổi này chắc em không dại dột để tin những gì đàn ông nói ra.”
“Em không dại dột nhưng phải tự tin chứ?
“Tin điều gì?
“Là em đủ đẹp để làm dừng một bước chân.”
“Không chắc. Rõ ràng là một tai nạn.”
Màu đêm trên vai nàng có lúc xô lệch, có lúc im ắng, mỗi khi nàng hất mái tóc về phía sau. Nơi hai cánh vai, gần xương quai xanh mờ nhạt vệt sáng của dây áo ngực vì nắng ban ngày không chạm đến. Có thể nàng từng có những buổi sáng nằm đâu đó phơi cơ thể mình để nghe tiếng gió réo gọi một lời tình hay ngã sóng soài trên một kinh nghiệm tàn khốc?
“Anh vẫn còn giận em khi em làm anh trễ một chuyến bay?”
Nàng nói với tôi bằng một giọng pha lẫn sự tiếc nuối thực sự, dù cho đến giờ phút này điều đó không cần thiết. Tôi đang cám ơn những rủi ro nhiều hơn là trách cứ.
“Ðúng ra là lúc trở lại khách sạn anh rất giận. Mà người gặp đầu tiên là em,” tôi nói.
“Anh không căm ghét em chứ?”
“Về chuyện gì?”
“Vì em đang rù quến anh.”
“Ðể coi, nếu em nói cho anh nghe về một tình yêu từng là đẹp nhất…”
“Sẽ không phải tình yêu đâu… Nhưng để bắt đầu, em muốn uống thêm một ly cocktail pha với cà phê.”
Một ly cà phê như vậy đem ra từ bartender nhưng nàng vẫn chưa nói.
“Anh muốn nghe tình yêu dài hay ngắn?”
Tôi không biết đêm có khuya lắm không vì khách khứa đã rời phòng bar để ra ngoài nhìn biển đêm. Họ ngồi trên những ghế bố vải nghe gió thổi về tung tải.
Chúng tôi cũng tìm đến một chỗ có ít ánh sáng.
“Ðể khỏi ai nhìn thấy,” nàng nói.
Sợi dây chuyền trên cổ nàng rưng rức giống như những ngôi sao đi lạc giữa hai bầu ngực um vúp mà nắng biển buổi sáng làm hồng. Tôi không ngại ngùng nhìn vào đó, trong khi nàng không tránh né. Ngọn hải đăng nằm đâu đó trên cao, sau lưng nhà hàng. Nếu ban ngày người ta sẽ thấy một tòa tháp trắng nằm yên trên đỉnh núi, nhỏ nhoi.
Ngày nào tôi còn trẻ dại, dưới ngọn đèn pha ngồn ngộn ánh sáng như một chiếc xe đêm lao vào trong thinh lặng, tôi đã đánh mất tuổi học trò của mình. Từng cơ hàn theo gió đêm bay vào trong miên viễn.
Trong khoảnh khắc đó, tôi chẳng thể nào nói cho nàng hiểu được. Căn nhà, dưới chân ngọn núi, mùa mưa nước cuốn theo bao rác rến từ trên cao chảy xuống. Tôi cố ngăn mình không bước vào nỗi buồn em.
Một người nào đó đi qua chỗ chúng tôi, hỏi nàng:
“Bạn đang có hẹn à?”
Măng Mai nhìn cô gái hình như bạn học ngày trước, rồi quay về tôi:
“Họ đang muốn tìm hiểu anh là ai?”
“Có đáng bỏ nhiều công sức vậy không?”
“Mỗi người đều có câu chuyện để nói… Mọi thứ đều có câu chuyện để kể…”
“Ðó là chuyện bình thường trong thị trấn nhỏ này… Người ta rảnh nên ít có công việc gì để làm… Nhưng với em, nó không bình thường. Em là một Manager nhưng đêm nay em lột bỏ lớp phấn son nghiêm nghị để trở nên một nhân vật bình thường trong câu chuyện tình yêu.”
Măng Mai hớp một ngụm từ chiếc ống hút. Như để làm dịu cơn mệt vì một câu nói dài. Ánh đèn bị che lấp dưới một nhánh cây không biết tên, tôi thấy gương mặt nàng đuối.
“Anh muốn uống thêm gì không?”
“Anh không uống quá hai ly rượu trong một đêm.”
“Một thói quen tốt,” nàng gật gù. “Còn em, cà phê thả giàn, từ sáng đến tối.”
o O o
“Một ngày nào đó em sẽ viết về anh.”
“Anh chưa từng nghe như vậy. Em viết văn à?”
“Uh. Viết chơi thôi, không dám nhận mình là văn sĩ.”
“Sao vậy?”
“Em chưa từng thấy tốt khi làm công việc đó.”
“Miễn có người đồng cảm là được.”
“Anh nhen?”
Nàng cười như say.
Còn tôi, khi kề sát gương mặt nàng, tôi nghe mơ hồ mùi nước hoa từ chân tóc nàng, nhưng màu son trên môi lúc nào cũng đỏ là một sự thật. Nó khiến người ta vực dậy một cảm xúc và thấy lòng mình mây bay.
“Lần đầu tiên gặp, đã thấy anh tia nhìn rất buồn. Em tự hỏi sao anh lại đau khổ như vậy?”
“Vì chắc hai ta không dành cho nhau rồi!”
“Chắc vậy.”
Khi đó, Măng Mai cũng vừa nhận ra một miếng hôn vừa phớt qua trên má. Không lâu, nhưng đủ làm nàng rung động.
“Sao anh hôn em?”
“Vì em làm phiền anh.”
“Anh có thể chạm vào ngực em được mà?”
Một lúc lâu, tôi không nghe nàng nói gì.
“Em ổn không?”
“Ổn.”
“Sao em khóc?”
“Chỉ khóc thôi, không có gì buồn…”
Ðàn bà từng trải khi dàn trải lòng mình chỉ vỏn vẹn như vậy. Bởi qua rồi. Và hơn bao giờ hết, người đàn bà chỉ nói về mình khi cảm giác có người biết lắng nghe. Và đàn bà khi yêu cũng như buồn đều giống nhau.
“Bên đó anh sống với ai?”
“Anh đã kết hôn nhưng hiện sống một mình.”
“Có một hôm anh đi đâu vắng, có tiếng phone từ Mỹ gọi về phòng tiếp tân và một giọng nói đàn bà… nghe giọng nói, biết người của anh rất đẹp.”
“Nhưng không đẹp và không nổi tiếng bằng em.”
“Vậy tối nay anh có muốn ở lại nhà với gương mặt nổi tiếng không?”
Nàng nói và hôn tôi.
“Coi chừng. Những ông bà già Vũng Tàu vẫn chưa rời khỏi hết đây.”
Nàng lùi ra xa tôi và cười. “Em chỉ giỡn thôi mà.”
Khi tôi rời khỏi ngôi nhà nàng, người phụ nữ ấy vẫn còn say ngủ. Nàng quay mặt về phía tôi nhưng hai mắt vẫn nhắm kín và hai tay vòng qua gối. Tôi để lại cho nàng một mẫu giấy. Ngoài bờ vai, khuôn ngực nàng ra, tôi viết xuống những câu văn không có dấu chấm câu, không có chỗ dừng. Như tình yêu không có ngày báo hỉ: “Anh ra phố tìm mua một món quà nào đó, để đánh dấu một tình yêu. Rồi trở lại khách sạn gia hạn phòng. Em đợi anh về … ăn sáng.”
Lúc tôi trở về, tôi nhận lại một tờ giấy khác, to gấp mấy lần tờ giấy của tôi và những gì nàng viết:
“Ông già của em. Người học trên em cả chục lớp…
Chúng ta không ngủ kể từ hai ngày? Một tuần…?
Mỗi người đều có câu chuyện để nói… Một lần em nói với anh như vậy.
Em vẫn thường lắng nghe những chuyện từng chiếc lá kể. Những ngày mưa, những ngày nắng và ngọn gió nào đã thổi qua các cuống lá? Em lắng nghe các câu chuyện về những hành trình của nó. Kể cả tiếng mưa. Mọi thứ đều có câu chuyện để kể.
Ðó là lý do, tối qua ngọn gió nào đã thổi qua sân vườn nhà em. Lúc đó anh đã ngủ. Không có một ánh trăng như ngày chúng ta còn thơ dại. Không có cả một vì sao đêm để thắp sáng một giấc mơ. Chỉ có màu đèn xanh bâng khuâng từ bàn phấn dọi vào mắt anh, như một màu biển, như muốn nói với em- về nụ cười của anh – đó là lý do anh tỏa sáng.
Chúng ta được sinh ra trên cuộc đời này để nhìn và nghe những gì đang hiện hữu, nên chúng ta không thể trở thành ai khác. Mỗi chúng ta đều có ý nghĩa riêng cho cuộc đời mình. Nhưng không biết sao, khi gặp anh đang giận dỗi trước quầy tiếp tân, em thấy dường như em đã thuộc về anh. Lúc đó anh giống như một đứa trẻ.
Em chưa kể câu chuyện tình yêu của em như đã hứa mà anh cũng quên hỏi. Thôi hãy để nó nằm yên, đừng khuấy động, như anh và em đã khuấy động lại một cổng trường.
Cũng đừng mua gì cho em. Ðám cưới và trăng mật là hai danh từ mà người ta nói nhiều nhất. Anh và em từng chạm tay vào đó, từng vì nó mà hạnh phúc hay khổ đau. Không biết anh thì sao, nhưng với em thì không cần.
Anh sẽ hỏi tại sao? Vì cái giọng nói qua phone nơi quầy tiếp tân gọi từ Mỹ về cho anh. Nó không hẳn là người ta muốn ly hôn như anh nói. Câu trả lời của em, là đừng biến bản thân mình thành kẻ thứ ba, đừng yêu một người chỉ coi mình là bản sao nháp của ai đó, trong khi mình xứng đáng là cả bầu trời của người khác.
Em cũng có hai đứa con gái và có cả một đám cháu ngoại. Rồi anh sẽ kinh nghiệm những gì anh đã kinh nghiệm với người trước đó. Và anh sẽ chán nản đến chừng nào. Nhưng anh sẽ dừng lại tại đó, trong khi đàn bà, dù hạnh phúc hay khổ đau họ cũng sẽ trở về sau tất cả.
Còn những nụ hôn mà chúng ta trót gởi cho nhau, coi như kỷ niệm. Em sẽ rất buồn khi không còn muốn hôn một ai đó nữa. Và đôi khi nỗi buồn sẽ không quá tệ. Nó sẽ làm cho em sống tốt hơn…”
o O o
Từ nơi một thị trấn nằm giữa hai ngọn núi, tôi đã kết thúc mối tình của tôi như vậy.
Cơn bão đang đi vào thành phố trong những ngày tới, tháng Mười Hai. Nó mạnh tương đương cấp 5, từ Thái Bình Dương tiến vào đất liền với sức gió hai trăm mười dặm một giờ.
Ngày xưa, tôi không hiểu tại sao thành phố lại có thể bình an trụ được dù bao nhiêu bão giông? Nhưng bây giờ thì tôi hiểu. Ít ra là lúc này.
Tôi muốn nói rằng, hãy yêu như là ta muốn yêu, đừng yêu như xã hội nói. Bởi vui hay buồn, tự mình sẽ gánh chịu. Khi còn trẻ chia tay một mối tình, cảm thấy chết đi sống lại, nhưng khi già rồi, mới hiểu bắt đầu hay kết thúc, đều luôn đi chung trên một hướng đường.

http://baotreonline.com/thi-tran-nam-giua-hai-ngon-nui/ 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire