dimanche 5 mai 2019

Vũ Linh: Các TT MỸ và VN (Phần III)

Image result for Pres FordTiếp theo hai bài viết về các tổng thống Mỹ trong chiến tranh VN, diễn đàn này đã nhận được vài yêu cầu viết về các tổng thống Mỹ với chính quyền CSVN sau 75. Bài này sẽ viết qua về đề tài này.
Vì các tổng thống Mỹ trong thời kỳ này ít chú tâm đến vấn đề VN, nên không có nhiều chuyện để bàn, do đó, DĐTC sẽ bàn rộng hơn nhưng ngắn gọn thành tích chung của các vị này.
Từ 1975 đến nay, đã có tổng cộng 8 đời tổng thống Mỹ.



 
TT Ford. Cộng Hòa 1974 – 1976

TT Ford chủ trì việc thu dọn chiến trường VN sau chiến thắng của VC. Ông bị TTDC mô tả như một tổng thống cà đụt, ‘không thể vừa đi bộ vừa nhai kẹo cao su’. Nhưng thực tế, ông đã chủ trì một cách hoàn hảo một trong những thời kỳ khó khăn nhất của lịch sử cận đại Mỹ, phải đối phó với khủng hoảng Watergate đưa đến sự từ chức hiếm hoi của một tổng thống, xã hội Mỹ phân hóa cực độ, rồi sau đó phải chấp nhận việc lần đầu tiên Mỹ thua một trận chiến tốn bạc tỷ và hơn 58.000 thanh niên Mỹ bỏ mạng, và hàng trăm ngàn người khác thương tật.
Sau những cố gắng tuyệt vọng để cứu miền Nam VN thất bại, TT Ford dành mọi nỗ lực vào việc đón nhận và định cư dân Việt tỵ nạn. Đợt đầu, gần 150.000 người hầu hết là dân đã ra khơi khoảng ngày 30/4, được đón nhận vào bốn trại tỵ nạn tại Cali, Arkansas, Florida và Pennsylvania. Ông kêu gọi dân Mỹ giúp đỡ và cả ngàn gia đình Mỹ đã mở cửa đón mời các gia đình tỵ nạn vào sống với họ, giúp họ làm quen với cuộc sống mới.
TT Ford ban hành ngay lệnh cấm vận gắt gao nhất chống CSVN. Sau đó, không nhắc nhở gì tới chuyện VN nữa.
Năm 1976, ông ra tranh cử tổng thống nhưng thất cử, vì dân Mỹ quá mệt mỏi với chiến tranh VN cũng như quá chán ngán với xì-căng-đan Watergate, nên muốn qua trang, dứt khoát với đảng CH. Họ cũng trách TT Ford đã ân xá TT Nixon.
  1. TT Carter. Dân Chủ 1977 – 1980


Image result for Pres carterNhư vừa viết, dân Mỹ quá sợ mánh mung chính trị, nên ngây thơ bầu cho một chính khách ngây thơ nhất lịch sử Mỹ, ông chủ đồn điền đậu phộng, cựu thống đốc tiểu bang Georgia, Jimmy Carter làm tổng thống.
TT Carter chủ trì thời kỳ khó khăn nhất của CSVN, trong cơn say sóng chiến thắng, đã lao đầu vào chủ nghiã CS, mau chóng đi ngay vào ngõ cụt kinh tế khi chính sách kinh tế cộng sản đưa đến việc cả nước tới bờ vực phá sản, vừa phải đối phó với hai anh em CS ‘môi hở răng lạnh’ trở thành tử thù là Căm-Pu-Chia và Trung Cộng.
Để tự cứu, VC ban hành chính sách gọi là “Đổi Mới”, từng bước chấp nhận một hình thức kinh tế thị trường nhưng ngụy biện là “với định hướng xã hội chủ nghĩa”. Mặt khác, VC bắt đầu chính sách đuổi bớt dân, xua đuổi hay nhắm mắt cho họ vượt biển đi tìm tự do để bớt miệng ăn cho cả nước, nhất là đuổi dân gốc Hoa để bớt mối lo tay sai TC nằm vùng, đồng thời cũng có dịp cướp tài sản của họ. Những năm 78-79, hàng trăm ngàn người bắt đầu dễ dàng vượt biển đi tìm tự do. Theo các thống kê chính thức, có hơn 800.000 người đã thành công vượt biển trong giai đoạn từ 1978 tới 1995, được định cư lại tại các nước khác sau một thời gian sống tạm trong các trại định cư Á Châu. Nhưng hàng vạn người cũng đã chết, bị hải tặc cướp, hãm hay giết.
Cuộc di cư thê thảm này rúng động lương tâm nhân loại và tất cả thế giới đều thấy có trách nhiệm phải giúp, đặc biệt là Mỹ. TT Carter ra lệnh cho tàu Mỹ phải cứu vớt dân vượt biển.
Mặt khác, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc thương lượng với các quốc gia liên hệ và nhất là VC, cuối năm 1979 đề ra Chương Trình Ra Đi Trong Trật Tự -Orderly Departure Program, ODP- cho phép những người Việt hội đủ điều kiện nào đó, được ra khỏi VN một cách hợp pháp. Tổng cộng hơn 600.000 người Việt đã ra đi trong diện ODP, trong đó khoảng 450.000 người đã đi Mỹ.
VC chấp nhận chương trình ODP chẳng phải vì nhân đạo gì mà chỉ vì như cầu thực tiễn, phù hợp với chính sách đuổi bớt dân khi đó, cũng như để bớt mất mặt với thế giới khi hàng vạn người liều mạng ra khơi đi tìm tự do.
TT Carter trong khi đó, cũng muốn tìm xác lính Mỹ. Ngay từ đầu 1979, đã gửi một phái đoàn Mỹ qua Hà Nội điều đình việc tìm hài cốt lính Mỹ, phớt lờ việc cả trăm ngàn quân cán chính VNCH vẫn còn đang bị tù rục xương trong các trại tù cải tạo. CSVN lợi dụng cơ hội, muốn TT Carter phải nhận dân tỵ nạn càng nhiều càng tốt, nhất là những tù cải tạo, đổi lấy việc VC cho phép người Mỹ vào VN tìm hài cốt. Một trao đổi có lợi cho cả hai bên. VC đỡ được một số miệng ăn cũng như đỡ phải canh chừng đám ‘ngụy phản động khó tin tưởng’ này, Mỹ được tiếng nhân đạo, cứu giúp các cựu chiến hữu.
Dưới thời TT Carter, dân tỵ nạn VN vào Mỹ nhiều nhất vì chính sách đuổi dân của VC cũng như nhờ chương trình ODP của Liên Hiệp Quốc vừa nêu trên, chứ không phải vì TT Carter nhân đạo nhất.
Tại Mỹ, TT Carter sử dụng quyền ân xá của tổng thống, ân xá toàn diện tất cả những thanh niên Mỹ trốn lính trong thời chiến tranh VN (trong đó có anh sinh viên Bill Clinton).
TT Carter có lẽ là tổng thống tồi tệ nhất lịch sử cận đại Mỹ. Ông là người có vẻ nhân hậu và lương thiện nhất, ra tranh cử với khẩu hiệu ngây ngô “tôi sẽ không bao giờ nói láo”. Một anh cựu cận vệ viết hồi ký đã kể TT Carter là vua ‘mần tuồng’. Mỗi lần lên trực thăng đi kinh lý, có báo chí chụp hình, là ông nhất định phải tự tay xách túi hành lý nhỏ chứ không cho cận vệ xách, nhưng sự thật là cái túi đó chẳng có gì trong đó hết, chỉ cốt để trình diễn tính ‘bình dân’ của tổng thống.
Đối ngoại, ông chống mắt nhìn giáo chủ Ayatollah Khomeini lật đổ vua Iran năm 1979, khai sanh ra đám Hồi giáo quá khích sau này lộng hành khắp thế giới qua các tổ chức Taliban, Al Qaeda, ISIS,… Ông cũng bó tay nhìn sinh viên Iran chiếm tòa đại sứ Mỹ, bắt làm con tin cả trăm nhân viên tòa đại sứ Mỹ trong hơn một năm trời.
Ông cũng bất lực nhìn khối các nước sản xuất dầu hỏa OPEC tăng gấp đôi giá dầu thế giới, đưa đến khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất lịch sử Mỹ, với tỷ lệ lạm phát trung bình 12%, lãi suất ngân hàng 18%, thất nghiệp 8%.
TT Carter là cha đẻ ra cái gọi là ‘nợ mua nhà dưới tiêu chuẩn’ –subprime mortgage loans- trong chính sách mỵ dân bắt các ngân hàng phải cho dân da đen mượn tiền mua nhà dù không đủ tiêu chuẩn vay mượn qua cái luật gọi là Tái Đầu Tư Vào Cộng Đồng, Community Reinvestment Act –CRA. Đưa đến khủng hoảng gia cư và tài chánh lớn nhất lịch sử 30 năm sau. Khủng hoảng có thể đã xẩy ra sớm hơn nhiều nếu không có các TT Reagan và Bush Cha ngăn chặn việc thi hành CRA trong 12 năm. TT Clinton phục hồi lại chính sách này.
TT Carter cũng chết trân đứng nhìn Liên Xô tung quân chiếm Afghanistan năm 1979. TT Carter phản ứng yếu xìu qua việc tẩy chay không cho Mỹ tham dự thế vận hội Moscow 1980, rồi ra lệnh gửi ít vũ khí giúp kháng chiến quân Hồi giáo chống Liên Xô tại Afghanistan. Một lãnh tụ kháng chiến Hồi giáo được TT Carter ‘khai sinh’ ra, hậu thuẫn mạnh và đôn lên hàng lãnh tụ chính là… Osama Bin Laden.
Chỉ sau một nhiệm kỳ, dân Mỹ mời ông Carter về trồng đậu phộng tiếp trong cuộc tranh cử với ông Reagan.
  1. TT Reagan. Cộng Hòa 1981 – 1988


Image result for ReaganCựu thống đốc Cali, Ronald Reagan ra tranh cử, loại TT Carter để vào Tòa Bạch Ốc. Ông Reagan là một ‘hiện tượng’ hiếm có, nhưng rất tiêu biểu cho thể chế dân chủ của Mỹ. Xuất thân từ một tài từ xoàng đóng phim cao bồi rẻ tiền, ông trở thành một trong những tổng thống thành công và để lại dấu ấn quan trọng nhất lịch sử Mỹ, ngang ngửa với các TT Washington, Lincoln, Roosevelt,…
Chưa hết. Ông cũng là chính khách lột xác từ một lãnh tụ nghiệp đoàn của các tài tử thiên tả nhất Hồ Ly Vọng chuyển qua một tổng thống bảo thủ nhất của đảng CH, vì theo ông, ông đã khám phá ra xã hội chủ nghiã thật sự tai hại như thế nào.
Chính sách bảo thủ của TT Reagan đã ‘thống trị’ nước Mỹ suốt 28 năm, cho tới ngày cuối của TT Bush Con, đầu năm 2009. Dĩ nhiên trong giai đoạn này, có TT Clinton của đảng DC, nhưng ai cũng phải nhìn nhận TT Clinton là tổng thống ít cấp tiến nhất trong tất cả các tổng thống DC trong lịch sử cận đại Mỹ. TT Clinton đã từng tuyên bố “thời đại của chính phủ bao đồng đã cáo chung” (the era of Big Government is over), là tuyên ngôn tiêu biểu của khối bảo thủ CH. TT cấp tiến Clinton đã bị chi phối mạnh bởi chính sách bảo thủ của TT Reagan.
TT Reagan là người đã vực dậy một Bác Sam ốm yếu gần chết sau chiến tranh VN, sau Watergate, và sau đại họa Carter. TT Reagan cũng là người có công lớn nhất trong việc chôn vùi chủ nghiã và chế độ CS trong cái ông gọi là ‘thùng rác của lịch sử’ – history dust bin, với cả khối Đông Âu thoát khỏi nhà tù CS và đảng CSLX bị giải tán năm 1989.
Ông tung ra kế hoạch ‘Star War’ tập trung mọi nỗ lực quốc phòng vào hệ thống hỏa tiễn nguyên tử liên lục địa. Liên Xô thấy mối nguy, phải chạy theo, mở màn cho cuộc chạy đua vũ trang vệ tinh và hỏa tiễn mới, cực kỳ tốn kém. Dân Âu Châu hoảng sợ, đùng đùng nổi lên chống, biểu tình khắp nơi chống tay cao bồi hiếu chiến Reagan gây ra mối đe dọa chiến tranh nguyên tử tại Âu châu. Chính vì cuộc chạy đua cực tốn kém này mà Liên Xô gặp khó khăn lớn. Cuối cùng phá sản kinh tế vì chương trình này nuốt hết ngân sách. Rồi cũng đẩy Liên Xô xuống vực thẳm luôn. Dĩ nhiên đây chỉ là giọt nước làm tràn ly thôi, chứ chế độ CS Nga đã ung thối từ trong ra ngoài cả chục năm rồi. Gorbachev cố cứu bằng những chính sách ‘glasnost’ (cởi mở) và ‘perestroika’ (đổi mới), nhưng chỉ giúp giết chế độ nhanh hơn thôi.
TT Reagan vừa đắc cử, chưa kịp tuyên thệ nhậm chức thì các giáo chủ Iran đã mất hồn, vội vã trả về Mỹ tất cả con tin đã bị nhốt hơn cả năm trời. Họ biết có thể ‘ăn hiếp’ TT Carter được, nhưng khó đỡ ông cao bồi Reagan khi ông đe dọa sẽ mang lính qua đánh Iran.
Trong vấn đề VN, TT Reagan duy trì tất cả các biện pháp cấm vận từ thời TT Ford, tiếp tục đón nhận dân tỵ nạn Việt, dân vượt biển cũng như cựu quân cán chính được VC cho đi hợp pháp qua chương trình ODP.
Việc làm ý nghiã nhất của TT Reagan trong vấn đề VN là ông đã chính thức tuyên bố “việc Mỹ tham gia vào cuộc chiến tuyệt đối chính danh và có chính nghiã trong mục tiêu bảo vệ cho Nam VN được tự do, không bị VC thôn tính”. Ông nói cuộc chiến VN nhắm vào một lý tưởng cao cả, “a noble cause”.
Sau cả mấy chục năm bị TTDC bôi bác miệt thị, Reagan là tổng thống đầu tiên đã công khai tuyên dương sự hy sinh của lính Mỹ và cả lính VNCH, phục hồi lại danh dự và niềm hãnh diện cho các quân nhân tham chiến tại VN. Đi xa hơn nữa, phục hồi lại chính nghiã cho cuộc chiến mà hơn 58.000 thanh niên Mỹ đã bỏ mạng và nửa triệu quân nhân VNCH cũng đã hy sinh.
Thời đại của một tổng thống Carter suốt ngày đi biện giải, xin lỗi về việc Mỹ tham chiến tại VN đã cáo chung.
Việc TT Reagan đánh Liên Xô cho xụp luôn cũng có ảnh hưởng lớn tới VN. Liên Xô gặp khó khăn quá lớn, không thể tiếp cứu đàn em VC, trong khi Đặng Tiểu Bình bận cứu Trung Cộng khỏi những đại họa do Mao để lại, VC bị đe dọa diệt vong vì mồ côi, phải tự cứu, tung ra cái gọi là “đổi mới” theo gương Gorbachev. Phần nào giúp dân ta dễ thở hơn một chút, nhưng lại biến chế độ CS tàn bạo nhất thành một chế độ độc tài tham nhũng thối nát nhất.

Bush Cha – Reagan – Gorbachev
  1. TT Bush Cha. Cộng Hòa 1989 – 1992


Image result for pres bush 41Sau hai nhiệm kỳ của TT Reagan, PTT Bush tiếp tục cuộc ‘cách mạng bảo thủ’ của TT Reagan. Nhưng ai cũng thấy TT Bush không có cái ‘hào quang’ của một Reagan. Ông đắc cử chỉ nhờ vào dư âm của Reagan.
Khi tranh cử, ông đã long trọng quả quyết sẽ không tăng thuế. Nhưng vận không may, ông gặp khủng hoảng kinh tế chu kỳ, thâm thủng ngân sách quá nặng, để cứu nước Mỹ, ông tăng thuế, gây bất mãn toàn diện, nhất là trong giới kinh doanh bảo thủ, tố ông phản lại lời hứa.
Tỷ phú Ross Perot bực mình, bỏ tiền túi ra tranh cử với tư cách độc lập. Ông Perot lấy mất 20% phiếu bảo thủ, khiến ông Bush bị thua thống đốc Bill Clinton, thất cử.
TT Bush trong một nhiệm kỳ ngắn ngủi lo giúp Đông Âu xây dựng lại sau khi thoát ngục tù CS, lo đánh Iraq để giải cứu Kuwait, rồi lo đối phó với kinh tế suy trầm, hầu như không làm gì hay nói gì về chuyện VN. Chỉ duy trì các biện pháp cấm vận VC và đón nhận dân ODP.

  1. TT Clinton. Dân Chủ 1993 – 2000


Related imageThống đốc Arkansas, Bill Clinton là một trong những tổng thống trẻ nhất lịch sử Mỹ, cũng là người có óc thực dụng. Tuy là người của đảng cấp tiến DC, nhưng đã thi hành các chính sách tương đối khá ôn hòa.
Ông chủ trương cản di dân mạnh, là tổng thống đầu tiên xây tường dọc biên giới Mễ. Tung ra luật xử rất gắt các tội phạm, mà ai cũng hiểu nạn nhân chính là giới trẻ da đen. Vừa nhậm chức, TT Clinton thành lập một ủy ban đặc nhiệm lo việc cải tổ hệ thống y tế Mỹ, trao cho đệ nhất phu nhân Hillary phụ trách. Sau hai năm làm việc, dự án bị đóng cửa tiệm. Chết trong trứng nước.
Dự án thất bại vì bà Hillary quá phách lối, làm việc với một nhóm chuyên gia bà đích thân lựa chọn và điều khiển theo ý riêng, phớt lờ các lãnh đạo cả hai đảng trong quốc hội, rốt cuộc đưa đến một dự án có vẻ hợp lý trên phương diện kỹ thuật nhưng hoàn toàn thất sách trên phương diện chính trị, không chính trị gia nào ủng hộ hết, kể cả khối dân biểu và nghị sĩ DC. TT Obama đã học bài học này rất kỹ nên ông thành công với Obamacare sau này.
TT Clinton làm đủ hai nhiệm kỳ nhưng nhiệm kỳ 2 hoàn toàn bị chi phối bởi xì-căng-đan Monica. Ông bị Hạ Viện đàn hặc, kết án hai tội, nói láo hữu thệ và cản trở công lý. Nhưng không đủ phiếu tại Thượng Viện để truất phế.
TT Clinton là tổng thống đầu tiên ‘khai thông’ quan hệ ngoại giao với VC. Chính thức nhìn nhận VC, tháo gỡ cấm vận, giúp VN gia nhập WTO –World Trade Organization- để VN được giao thương lại với cả thế giới, nhất là Mỹ. Chính thức mở liên lạc ngoại giao, bổ nhiệm đại sứ tại Hà Nội. TT Clinton được VC coi như ân nhân lớn nhất vì đã là người cứu VC ra khỏi đáy vực trong thời gian đen tối nhất của chế độ. Ông cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên chính thức thăm viếng VN. Có thể nói TT Clinton là tổng thống Mỹ thân thiện với VC nhất.
  1. TT Bush Con. Cộng Hòa 2001 – 2008


Image result for pres Bush 43Sau hai nhiệm kỳ Clinton, dân Mỹ bầu thống đốc Texas, con trưởng của TT Bush, làm tổng thống, trong một cuộc bầu vô tiền mà cũng khoáng hậu, mất cả tháng trời đếm phiếu, tranh tụng loạn xà bần trước các tòa tiểu bang Florida, lên tới cả Tối Cao Pháp Viện. TT Bush con đắc cử, hơn PTT Al Gore đúng 732 phiếu tại Florida trong một xứ với hơn 300 triệu dân.
Ông Bush con đắc cử với một chương trình kinh bang tế thế chẳng có gì đặc biệt hay hấp dẫn khác người. Ông chủ trương một chế độ gọi là ‘bảo thủ nhân hậu’ –compassionate conservative- mà thực tế chẳng ai hiểu rõ là gì.
Ông đặt ưu tiên trên ba việc: giải quyết vấn nạn di dân, cải tổ hệ thống giáo dục, và bảo đảm tương lai lâu dài cho các quỹ trợ cấp liên bang, nhất là quỹ tiền già SSA. Cả ba kế hoạch đều không đi đến đâu, phần vì bị DC chống quá mạnh, phần vì ông bị cuốn hút vào cuộc chiến chống khủng bố sau 9/11.
Nước Mỹ dưới TT Bush con gặp hết đại nạn này đến đại họa khác. Chưa kịp nhậm chức đã đụng cái gọi là ‘khủng hoảng dot com’, khủng hoảng của ngành kỹ nghệ điện toán, khiến thị trường chứng khoán mất ngay 40%-50% trị giá.
Bẩy tháng sau khi nhậm chức, ông bị nạn 9/11 khiến cả hai nhiệm kỳ đều bị chi phối và TT Bush hoàn toàn lột xác, biến thành một tổng thống cả 8 năm vật lộn với các biện pháp chống khủng bố của Hồi giáo quá khích trong nước và hai cuộc chiến lớn tại Afghanistan và Iraq đến nay vẫn chưa chấm dứt hẳn.
Cuối trào, còn một tháng nữa đến bầu cử người thay thế, ông lại đụng khủng hoảng nhà cửa, đưa đến khủng hoảng tài chánh lớn nhất lịch sử Mỹ. Chưa kể cả ba hãng xe hơi chính của Mỹ cũng bị đe dọa phá sản luôn.
Đã vậy, trong hai nhiệm kỳ của ông, TT Bush con cũng phải đối phó với những thiên tai khổng lồ như trận bão Katrina gần như nhận chìm cả thành phố New Orleans, và cả mấy trận bão khác liên tục đánh vào Florida.
Người chống Bush thì gán tất cả mọi tội lên đầu ông, kể cả các cơn bão. Người ủng hộ thì cho TT Bush xui xẻo, số ăn mày nhất.
Với những khủng hoảng lớn và liên tục như vậy, VN đã không là ưu tiên gì cho chính quyền Bush con, tuy ông có đi viếng thăm Hà Nội.
  1. TT Obama. Dân Chủ 2009 – 2016


Related imageTT Obama thay thế TT Bush như một phản ứng của dân Mỹ đã quá chán ngán các khủng hoảng liên tục dưới thời TT Bush con.
Có thể nói TT Obama là người dẻo mép hứa hẹn nhiều nhất, nhưng cũng là người vô tài, làm ít nhất. Thành quả duy nhất ông làm được là thông qua luật cải tổ y tế gọi là Obamacare, mà chính TT Clinton còn phải gọi là “điên rồ nhất”.
TT Obama là tổng thống yếu đuối và nhu nhược nhất lịch sử Mỹ. Ông bắt đầu nhiệm kỳ bằng cách đi hai xứ Hồi giáo lớn nhất, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ để xin lỗi Mỹ đã xúc phạm đạo và văn minh Hồi mà không dám nhắc một tiếng đến vụ 9/11. Rồi xin lỗi Iran về chuyện CIA yểm trợ đảo chánh ở Iran nửa thế kỷ trước mà không dám nhắc lại chuyện Iran nhục mạ Mỹ bằng cách bắt nhốt nhân viên sứ quán Mỹ hơn một năm trời. Ông cũng dự tính xin lỗi đã thả bom nguyên tử xuống Nhật, nhưng bị chống quá mạnh nên rút bỏ ý định này. Vạch lằn ranh cảnh cáo Syria để rồi kiếm cớ núp sau Putin trốn về Mỹ. Bị Pháp áp lực phải tham gia đảo chánh TT Khaddafi để bảo vệ quyền lợi của Pháp trong khi Mỹ chẳng có lý do gì can thiệp, để rồi sau đó đại sứ và nhân viên tòa đại sứ tại Libya bị giết mà không dám cho lính Mỹ qua cứu. Khoe khoang chính sách “lãnh đạo sau lưng” thiên hạ, đi gặp lãnh đạo thế giới nào cũng khom lưng vái lạy. Đi Trung Cộng, bị cho ra cửa sau của máy bay, chỉ có một viên chức trung cấp bộ ngoại giao ra đón.
Năm cuối của TT Obama là năm tranh cử 2016. Nga tìm đủ cách can thiệp, xâm nhập, tuyên truyền, phá bầu cử. TT Obama phản ứng chiếu lệ, trục xuất hơn ba chục viên chức thấp của tòa đại sứ Nga. Bà ngoại trưởng Hillary lập ra Qũy Clinton Foundation thu được hơn 2 tỷ đô tiền ‘làm chuyện phước thiện’ của những tay độc tài sắt máu nhất thế giới từ Đông Âu đến Phi Châu và Nam Mỹ, cho đặt hệ thống emails tại tư gia, trao đổi tin quốc sự không qua kiểm soát của chính quyền, tự động xóa mấy chục ngàn emails, giám đốc FBI xác nhận bà phạm cả triệu tội, nhưng bộ Tư Pháp không truy tố.
Dưới TT Obama, bà ngoại trưởng Hillary ‘tưng bừng khai trương’ siêu sách lược mới, gọi là “Chuyển Trục Qua Á Châu”, để rồi chẳng bao lâu sau, ‘âm thầm đóng cửa’ tiệm. Vị độc giả nào đưa ra được bất cứ một thành quả nào của siêu sách lược đó ra, DĐTC sẽ đăng ngay để mọi người thưởng lãm.
Đối với vấn đề VN, TT Obama rình ràng đi Hà Nội đóng tuồng ăn bún chả sau khi tháo bỏ cấm vận vũ khí cho VC tha hồ mua súng đạn đàn áp đối lập. Ngoài ra chẳng làm gì đáng nói.

Bush Cha – Obama – Bush Con – Clinton – Carter
  1. TT Trump. Cộng Hòa (2016 – …)

TT Trump còn đang tại chức và Diễn Đàn Trái Chiều còn đang viết về ông. Xin quý độc giả tiếp tục theo dõi.
Vũ Linh, 4/5/2019
https://baotgm.net/vu-linh-cac-tt-my-va-vn-phan-iii/ 

*
*     *

 

Vũ Linh: Tin vắn cuối tuần 5/5/2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire