mardi 19 avril 2016

17.04.1975: Trận Chiến Xuân Lộc

https://hientinhvn.files.wordpress.com/2012/04/3803020605_4d51227683.jpg?w=640&h=430CQ tấn công vào phía Nam thị xã Xuân Lộc
Trong ngày 17 tháng 4/1975, các đơn vị thuộc 3 sư đoàn 3, 6, 7 Cộng quân tiếp tục mở các đợt tấn kích vào phòng tuyến phía Nam thị xã Xuân Lộc do 2 tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn 1 Dù án ngữ. Những pha cận chiến giữa chiến binh Nhảy Dù và CQ đã diễn ra quanh các vườn cây rộng mênh mông của khu vườn cây của cố Thống tướng Lê Văn Tỵ, nằm sát đường rầy xe lửa. Không quân đã thực hiện nhiều phi tuần F-5 và A-37 oanh kích vào vị trí đóng quân của một trung đoàn Cộng quân trong khu vườn này.
Phòng tuyến Bình Thuận
Tại phòng tuyến Ninh Thuận-Bình Thuận, sau khi CQ chiếm Phan Rang, bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 Tiền phương và Sư đoàn 6 Không quân đã hoàn toàn tê liệt sau khi Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Sang bị bắt. Theo lệnh của tân Tổng trưởng Quốc phòng VNCH Trần Văn Đôn, Quân đoàn 3 lập tuyến phòng thủ tại Phan Thiết. Chỉ huy mặt trận Phan Thiết là Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh từ Phan Rang rút về. Lực lượng phòng thủ thị xã Phan Thiết do Ttrung đoàn 6 của Sư đoàn 2 BB và lực lượng Địa phương quân của Tiểu khu Bình Thuận phụ trách.
Thế rồi vào lúc 5 giờ 30 ngày 9 tháng 4/1975, khi vạn vật bắt đầu một ngày mới, chim chóc rời tổ kiếm ăn, dân chúng dọn hàng ra chợ, các tín đồ Thiên Chúa Giáo đi xem lễ sớm tại các nhà thờ, các loa phóng thanh của Ty Thông Tin Xuân Lộc mở đầu bằng các bài hát trữ tình thương lính… thì cũng là lúc Bắc Việt bắn hàng trăm ngàn loại pháo đũ loại vào thành phố, đa số rớt vào chợ, nhà thờ và các nhà của dân chúng khiến cho người dân vô tội chết và bị thương như rạ. Trận pháo kích kéo dài trong 2 tiếng đồng hồ với hơn 3,000 trái đạn liên tục không dứt, dân chúng người thì ngã gục, kẻ thì rụng rời không biết chạy đâu để trốn tránh tử thần.
Tám giờ… bộ đội Bắc Việt tấn công vào thành phố nhưng bị chận lại bởi Trung Ðoàn 43 Bộ Binh và Tiểu Ðoàn 3/4 Ðịa Phương Quân Long Khánh. Quân Bắc Việt rút lui, bỏ lại tại chỗ 100 tử thi. Nhiều xe tăng T-54 và thiết vận xa PT-76 bị hạ khắp nơi bởi các hỏa tiễn M-72 và các phản lực cơ A-37 cùng F-5 của Không Quân VNCH.
Ngày 10 tháng 4/1975, Cộng quân trở lại tấn công Xuân Lộc với 2 Sư Ðoàn 6 và 7, cùng các trung đoàn thiết giáp trên khắp các mặt trận Đông, Tây, Nam, Bắc thành phố từ tòa thị chánh Long Khánh đến sân bay, nơi nào Cộng quân cũng sử dụng quân số cấp trung Ðoàn. Cuộc chiến kéo dài trong nhiều ngày, cả hai phía giành giật từng ngôi nhà, phòng tuyến để sống. Không Quân VNCH yểm trợ tích cực và hữu hiệu cho các đơn vị dưới đất bằng các phản lực cơ F-5E, góp phần tiêu diệt số lớn Cộng quân. Trung Ðoàn 43 Bộ Binh mặc dù bị Cộng quân cắt ra từng đơn vị nhỏ, nhưng vẫn tiếp tục chống trã mãnh liệt, gây cho địch nhiều tổn thất, như Văn Tiến Dũng đã xác nhận trong tác phẩm Mùa Xuân Đại Thắng sau này
Qua đến ngày thứ tư của cuộc chiến, Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù gồm các tiểu Ðoàn 1, 2, 8, 9 và Tiểu Ðoàn 3 Pháo Binh Dù mới từ miền Trung về, được lệnh tăng cường cho Xuân Lộc. Tất cả trực thăng của hai trung Ðoàn 3 và 4 Không Quân với hàng trăm trực thăng UH-1 đã thả hơn 2,000 binh sĩ Nhảy Dù từ Trảng Bom vào trận địa. Các pháo đội cũng được trực thăng Chinook chuyển vận đến Bộ Chỉ Huy Hành Quân Nhảy Dù đóng cạnh bên Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh.

Hai tiểu đoàn Dù đầu tiên đã nhảy xuống đồn địch để chiếm lại Bảo Định và Quốc Lộ 1, nơi 2 trung đoàn thuộc Công Trường 6 Cộng Sản Bắc Việt đang tập trung tấn công Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 18 VNCH tại Tân Phong. Một tiểu đoàn Dù khác nhảy xuống chiếm lại khu vực vườn cây của cố Thống Tướng Lê Văn Tỵ. Các tiểu đoàn Nhảy Dù khác nhảy vào Xuân Lộc để giải vây cho các lực lượng Ðịa Phương Quân và Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Long Khánh.

Tại ngã ba Dầu Giây, Cộng Sản Bắc Việt đã đồng loạt tấn công Chiến Ðoàn 52 Bộ Binh từ ngày 12 tháng 4/1975 bằng các trận đánh biển người, kèm theo xe tăng và pháo. Lần lượt các tiền đồn của Trung Ðoàn 52 Bộ Binh từ Kiệm Tân về tới ấp Phan Bội Châu trên Quốc Lộ 20 bị tràn ngập. Một trận chiến ác liệt và đẫm máu đã xảy ra chiều ngày 15 tháng 4/1975 ngay tại xã Dầu Giây (ở ngã ba giao điểm của Quốc Lộ 1 và 20) giữa Chiến Ðoàn 52 Bộ Binh (gồm Trung Ðoàn 52, Lữ Ðoàn 3 Thiết Kỵ, các lực lượng Ðịa Phương Quân ở Kiệm Tân, tổng cộng khoảng 2,000 người) và Binh Ðoàn 4 Cộng Sản Bắc Việt (trong đó có Sư Ðoàn 341, một sư đoàn tổng trừ bị của Hà Nội vừa từ Thanh Hóa vào), do Trần Văn Trà thay thế Hoàng cầm chỉ huy.
Trong trận này, bộ đội Bắc Việt đánh trận biển người. Trong trận chiến nướng quân man rợ, tàn bạo và khủng khiếp này của Bắc Việt, mỗi một người lính VNCH đã phải chọi với 10 bộ đội Cộng Sản được yểm trợ bằng tăng và pháo. Chiến Ðoàn 52 Bộ Binh cuối cùng đã tan hàng vào đêm 15 tháng 4/1975. Tất cả pháo binh, thiết giáp, người, đều bị Cộng Sản Bắc Việt hủy diệt sau mấy ngày đêm cầm cự. Chín giờ đêm đó, khi chiếc hầm chỉ huy của chiến Ðoàn bị bắn sập, đại tá chiến đoàn trưởng mới cho rút quân. Cùng theo ông chỉ còn 200 người sống sót.
2 TRÁI BOM “DAISY CUTTER” TẠI MẶT TRẬN NGÃ BA DẦU GIÂY
Trong cuộc phỏng vấn của nhà văn Phạm Huấn sau ngày 30 tháng 4/1975, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân Ðoàn 3 đã cho biết, sau khi trình Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH ông đã ra lệnh cho Không Quân sử dụng 2 trái bom “Daisy Cutter” tại ngã ba Dầu Giây trong đêm 15 tháng 4. Hai trái bom này được thả vào vùng tập trung của quân Bắc Việt ngay khi lúc Chiến Ðoàn 52 Bộ Binh VNCH tan hàng. Gần 10,000 quân Bắc Việt với chiến xa T-54, đại pháo đang di chuyển trên Quốc Lộ 20 vừa tới ngã ba Dầu Giây đã bị hủy diệt toàn bộ.
Bom “Daisy Cutter” còn được gọi là bom “con heo” hay là bom “tiểu nguyên tử,” trọng lượng 7 tấn vừa vỏ bọc, vừa thuốc nổ TNT đến 15,000 cân Anh. Bom Daisy Cutter dùng để mở bãi đáp phi cơ cho cấp sư đoàn hay lộ quân trong bất cứ địa thế nào và có hiệu quả sát hại trong một khoảng rộng với đường kính 5 dặm Anh.
Mười giờ sáng ngày 16 tháng 4/1975, Không Quân VNCH gọi về Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 báo cáo về rừng người, chiến xa, đại pháo Bắc Việt đang tập trung trong xã Dầu Giây để chuẩn bị tiến về Saigon. Mười một giờ cùng ngày, 2 chiếc vận tải cơ C-130 được lệnh mang 2 quả bom khổng lồ, xuất phát từ phi đạo 39 tại phi trường Tân Sơn Nhất, thả xuống vùng tập trung quân của quân Bắc Việt. Sau khi bom nổ, đại quân của Hà Nội đã rối loạn trong 3 ngày liền, và Bắc Việt la làng rằng Mỹ đã vi phạm Hiệp định Paris và cho B-52 trở lại chiến trường Việt Nam.
QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA RÚT KHỎI LONG KHÁNH
Về việc rút khỏi Long Khánh, trong khi các đơn vị chiến đấu tại đây (ngoại trừ ngã ba Dầu Giây) vẫn còn giữ nguyên được các vị trí, cũng có nhiều nguồn tin. Theo lời đồn từ những kẻ thân cận làm việc trong Dinh Độc Lập thì Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nhận được tin các quân nhân tại Phan Ran đã uất ức trong cảnh gia đình ly tán, đất nước lâm nguy nên bất tuân thượng lệnh, dùng xe ủi đất và chiến xa M-113 san bằng mồ mả gia đình Tổng Thống Thiệu. Bởi vậy quá đau đớn, trước khi bỏ ngai vàng, ông đã cho rút khỏi Long Khánh để Bắc Việt mau vào Saigon thay thế ông, vì theo các thầy tướng số mà ông tin, thì nếu ông từ chức, Nam Việt Nam không ai có thể thay thế được, trừ Cộng Sản.
Nhưng theo lời Tướng Nguyễn Văn Toàn, thì chính ông ra lệnh rút bỏ Long khánh vì thấy rằng phòng tuyến này không còn giữ được nữa, hơn phân nữa quân CSBV, sau khi bị thiệt hại nặng nề, đã cho thay đổi kế hoạch tấn công Saigon bằng chiến dịch thứ nhì với với 5 sư đoàn đánh vào Biên Hòa, Phước Tuy, đồng loạt với 3 sư đoàn khác tại Tây Ninh. Vì vậy, Long Khánh không còn là điểm nóng, nên tất cả lực lượng tham chiến tại đây phải rút về Biên Hòa để lập phòng tuyến mới.

Trong cuộc rút quân này, Lữ Ðoàn Nhảy Dù bị thiệt thòi và chịu số phận bi đát nhất vì là đơn vị đi đoạn hậu. Họ phải chống trả với đại quân Cộng Sản Bắc Việt. Hai bên còn đang giao tranh ác liệt tại Bảo Định thì 7 giờ tối ngày 20 tháng 4/1975 có lệnh rút quân, trong khi các thương binh và tử thi lính VNCH chưa được di tản. Nhưng tất cả đành phải bỏ lại như năm nào tại Hạ Lào, bởi vì đối với người còn sống, đoạn đường đầy xác lính VNCH hơn 4 km trong rừng cao su đen nghịt để ra Quốc Lộ 1, là các cửa địa ngục phải vượt qua. Tất cả thảm trạng trên đều là những oan khiến bi thảm của người lính VNCH mà ít ai biết đến.

Chín giờ tối, các tiểu đoàn Nhảy Dù mới tới quốc lộ và một hoạt cảnh cảm động đã diễn ra, tất cả giáo dân của xóm đạo Bảo Đình, Bảo Toàn, Bảo Hòa đã tập trung sẵn 2 bên vệ đường để theo chân lính di tản. Mấy chục cây số đường rừng bị bỏ hoang trên Liên Tỉnh Lộ 2 từ Tân Phong đến Đức Thành, Long Lễ và Bà Rịa không phải là chuyện bình thường của một đoàn quân có dân chúng lẫn lộn. Bởi vậy ngay trong đêm rút quân 10 tháng 4/1975, Đại Tá Phạm Văn Phúc và Trung Tá Lê Quang Định, hai vị sĩ quan tiểu khu trưởng và tiểu khu phó của tiểu khu Long Khánh đã bị tử thương vì nhiều loạt B-40 của CSBV bắn sả vào đoàn quân dân đang di chuyển. Lữ Ðoàn 1 Dù rút lui sau cùng, chỉ riêng Tiểu Ðoàn 3 Pháo Binh đươc di chuyển trên đường lộ với Ðại Ðội Trinh Sát Dù, các tiểu đoàn tác chiến đến mở đường bọc sâu trong rừng.
Bốn giờ sáng ngày 21 tháng 4/1975, tại ấp Suối Cá, gần ranh giới Long Khánh-Phước Tuy, Tiểu Ðoàn 3 Dù bị 2 tiểu đoàn CSBV phục kích. Pháo Ðội C và trung đội trinh sát bảo vệ, hầu hết đều bị thương vong trước biển người tấn công. Cánh quân đi đầu của Tiểu Ðoàn 9 Dù cũng đụng độ nặng với CSBV tại thung lũng Gia Rai, dưới chân núi Cam Tiên. Ngoài những thiệt hại kể trên, cuộc rút quân trên Liên Tỉnh Lộ 2 coi như hoàn tất, kết quả tốt đẹp. Sư Ðoàn 18 Bộ Binh được chỉ định về phòng thủ tuyến phía Đông thủ đô Saigon từ Long Bình đến kho đạn thành Tuy Hạ, tiếp cận với các lực lượng của trường Bộ Binh Thủ Đức, trường Thiết Giáp và một lữ đoàn Dù có trách nhiệm bảo vệ Quốc Lộ 15 từ Long Thành về Bà Rịa. Tất cả chiến đấu với giặc cho tới khi Dương Văn Minh ra lệnh bỏ súng, tan hàng vào lúc 11 giờ 30 mới chấm dứt.
Chuẩn tướng Lê Minh Đảo và Bộ Chỉ Huy của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh đóng bản doanh sát căn cứ Hải Quân ở Cát Lái. Ngày ngày nhìn thấy thiên hạ bỏ chạy bằng tàu thuyền, ông và các binh sĩ dưới quyền cũng có thể bỏ chạy dễ dàng như dân chúng. Nhưng họ đã ở lại và sau ngày 1 tháng 5/1975, cái giá mà Tướng Đảo phải trả là sự đày ải, hành hạ, chịu tủi nhục trong các trại tù từ Nam, Trung ra tận biên giới Việt Nam, Lào, Trung Hoa, cho đến thập niên 1990, ông vẫn còn bị Cộng Sản trả thù, hành hạ tại trại tù Z30D, Long Khánh.
Hồ Ðinh

https://hientinhvn.wordpress.com/2012/04/17/1233/

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire