mardi 20 octobre 2015

Khóc, buồn và vui với Vietnamerica ở Newseum - Hà Giang/Người Việt

WASHINGTON DC (NV) - Đúng sáu chiều Thứ Bảy, 17 tháng Mười, đồng hương người Việt ở Washington D.C., và vùng phụ cận rộn ràng cùng nhau bước vào Viện Bảo Tàng Truyền Thông Newseum, tham dự buổi tiếp tân và ra mắt phim “Vietnamerica,” cuốn phim tài liệu do Hội Bảo Tồn Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation - VAHF) sản xuất.



Khán giả đứng lên trong một phút tưởng niệm thuyền nhân tại Newseum
trước giờ chiếu phim. (Hình: Hà Giang/Người Việt)
Họ đến, chỉ ào một cái, phòng tiếp tân đã gần đủ số người tham dự trên dưới ba trăm, trong đó có đủ thành phần, đủ thế hệ người Mỹ gốc Việt. Bên cạnh những mái tóc điểm sương từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền miền Nam Việt Nam trước 1975 là những khuôn mặt chỉ ở tuổi 20 trong quân phục quân đội Hoa Kỳ.
Họ đến, đúng giờ một cách ngạc nhiên. Họ đến, già trẻ như nhau, trong y phục trang trọng, trong dáng vẻ tự tin, và trong những ánh mắt thoáng niềm hãnh diện. Họ có lý do để tự hào: một cuốn phim của người Mỹ gốc Việt, nói về người thật việc thật của người Việt, lần đầu tiên được trình chiếu tại Newseum, bảo tàng viện truyền thông ngay trung tâm thủ đô của quốc gia có truyền thống tôn trọng quyền tự do báo chí hàng đầu thế giới.
Vietnamerica là phim tài liệu đang được nhắc đến nhiều trong giới quan tâm về chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến chấm dứt cách đây 40 năm, nhưng cho đến giờ vẫn tạo được nhiều chú ý. Bằng chứng của sự chú ý này là cuộc triển lãm “Reporting Vietnam,” đánh dấu kỷ niệm 50 năm cuộc chiến Việt Nam, vừa khai mạc ở Newseum cách đây vài tuần, và dự trù kéo dài đến mùa Thu 2016.
Truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến Việt Nam, vì đây là cuộc chiến đầu tiên được chính quyền Mỹ cho phép trường trình trên các đài truyền hình. Cuộc triển lãm “Reporting Vietnam” gồm hơn 100 tấm ảnh, nhiều tấm từng đoạt giải Pulitzer, cùng nhiều tài liệu và phim ảnh, có mục đích khám phá, tìm tòi những câu chuyện đầy kịch tính về việc giới truyền thông Hoa Kỳ đã làm thế nào để đưa tin về cuộc chiến đã tạo nhiều tranh cãi trên đất nước của họ thời ấy, và cho đến cả bây giờ. Một trong những lý do cho sự tranh cãi là vì phần lớn tường trình về cuộc chiến này bị cho là phiến diện, và nghiêng hẳn về quan điểm của giới phản chiến.
Nhiều kỳ vọng
Tọa lạc tại 555 Pennsylvania Avenue, ngay giữa lòng Washington, D.C., Newseum là tòa nhà cao 7 tầng, rộng 23,000 mét vuông, với 15 rạp chiếu phim, 15 phòng trưng bày với những chủ đề khác nhau. Đặc biệt, ở phòng trưng bày có tên Front Page Gallery, là phần triển lãm trang đầu của khoảng 80 tờ báo khắp nơi trên thế giới, trong số đó từng có nhật báo Người Việt.
Và trong tòa nhà nguy nga đó, kỳ vọng của cả ban tổ chức, Hội Bảo Tồn Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation - VAHF) lẫn người đến xem, là phim Vietnamerica sẽ trình bày cho thế giới những khía cạnh khác của cuộc chiến có tên Việt Nam.

Soeur Ana Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết bà đến từ York, Pennsylvania, và là người thân của võ sĩ Vovinam Nguyễn Tiến Hóa, một nhân vật chính trong phim, bày tỏ: “Rất hồi hộp chờ xem phim. Phải là một phim có vai trò quan trọng thì mới được lọt vào đây. Nếu nói theo những gì đã được nói thì người Mỹ gốc Việt chúng ta rất hãnh diện, là đang có tiếng nói, hay nói là đang gây được tiếng vang trong dòng chính, cũng là đúng lắm.”
Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt bộc bạch một tâm tư khác: “Tôi thì thấy không khí nhộn nhịp vui vẻ, nhưng thâm tâm không muốn vào xem, vì tôi là người nhạy cảm nên tôi biết những cảnh trong phim sẽ làm mình buồn. Ngay bây giờ lòng tôi cũng đang rất buồn, dù mình đang ở đây, đang sống ở xứ tự do. Khi vui, lúc nào tôi cũng nghĩ đến những người bất hạnh, mà ngày xưa phần đông chúng ta cũng là những người bất hạnh đó, bây giờ thì chúng ta đã được cứu vớt. Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải nhớ, phải nhớ để bảo tồn, để cho thế hệ thứ hai học được những bài học hy vọng là mai này không xảy ra chuyện tương tự nữa.”





Chuẩn tướng Lương Xuân Việt (trái) cùng một người trong thế hệ hai của người Mỹ
gốc Việt gia nhập quân đội Hoa Kỳ tại buổi chiếu phim. (Hình: Hà Giang/Người Việt)
Ông Nguyễn Tiến Hóa, nhân vật chính trong phim, thổ lộ: “Thật sự mỗi lần xem lại cuốn phim nó là một đau lòng cho chính tôi, vì nó gợi lại cái chết thảm thương của những người thân của mình. Nhưng vì là người Việt Nam, tôi là nhân chứng trong chuyến tàu đó, tôi phải đi đóng phim, tôi phải đến đây để trình diện nó với mọi người rằng tôi là người sống sót, làm chứng để nói cho thế giới biết cái giá của tự do mà chúng tôi phải trả khi đi tìm nó, để cho mọi người phải biết tự do là gì, và phải biết trân quý nó.”
Ông nói về cân nhắc của mình khi được bà Nancy Bùi mời làm phim: “Khi bà Nancy đề nghị làm phim, thì tôi rất xúc động, vì 33 năm tôi đã xếp quá khứ vào một góc. Nhưng bây giờ tôi lại phải sống lại quá khứ. Lúc mới nhận lời làm phim, tôi bị shock quá nên phải vào bệnh viện hơn hai tuần lễ. Rồi suốt thời gian qua Mã Lai, Thái Lan đóng phim, là suốt thời gian tôi đau khổ. Ban ngày đi đóng phim, ban đêm thì tôi bị ác mộng. Biết điều đó cũng gây buồn cho gia đình bây giờ nhưng đó là điều tôi phải làm, vì tôi là nhân chứng của sự thật.”


                        Nhà văn Trùng Dương (trái) vui mừng gặp bạn tại buổi chiếu phim (Hình: Hà Giang/Người Việt)
Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt, ông John Maynard, giám đốc các chương trình triển lãm của Viện Bảo Tàng Truyền Thông Newseum kể lại cơ duyên có buổi trình chiếu này: “Bà Ngọc Giao, thuộc tổ chức ‘Tiếng nói người Mỹ gốc Việt’ giới thiệu tôi với bà Triều Giang Nancy Bùi. Rồi bà Nancy cho tôi xem cuốn phim rất hay, rất độc đáo, và chúng tôi đi đến quyết định Newseum là nơi thích hợp để ra mắt cuốn phim này, một phần cũng vì chúng tôi đang có cuộc triển lãm Reporting Vietnam, và thật tình mà nói, triển lãm Reporting Vietnam không nhắc đến người tị nạn, mà chỉ chú ý đến khía cạnh cách thức giới truyền thông Mỹ tường trình về cuộc chiến. Khi gặp tôi, bà Nancy nói rằng cuốn phim không chỉ dành cho người Mỹ gốc Việt mà cho bất cứ người Mỹ nào tôn trọng tự do. Nội dung của cuốn phim nói đến việc người Việt Nam bỏ nước đi tìm tự do hợp với tôn chỉ của Newseum.”
Trả lời câu hỏi phim Vietnamerica sẽ bổ túc hay đưa ra hình ảnh tương phản thế nào về cuộc chiến Việt Nam so với triển lãm “Reporting Vietnam,” ông Maynard nói: “Cuốn phim Vietnamerica tiếp nối cuộc triển lãm của chúng tôi, vì cuộc triển lãm ‘Reporting Vietnam’ chỉ nói về thời gian từ năm 1965 đến 1975. Phim này kể tiếp câu chuyện chiến tranh Việt Nam, về hoàn cảnh khốn khổ của người Việt tị nạn sau đó. Thực ra thì sau khi xem phim Vietnamerica, cái nhìn của tôi về cuộc chiến Việt Nam không hẳn là thay đổi. Nhưng tôi đã học hỏi rất nhiều về hoàn cảnh thảm hại của người tị nạn trước khi đến được đây, nhất là câu chuyện của võ sư Vovinam Nguyễn Tiến Hóa.”
Hãnh diện làm người Mỹ gốc Việt
Sau phần giới thiệu quan khách của ban tổ chức, gồm nhiều khuôn mặt tên tuổi, quen thuộc trong cộng đồng như cựu Đại Sứ Bùi Diễm, nữ tài tử Kiều Chinh, và những nhân vật có mặt trong phim như Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt, Bà Dương Nguyệt Ánh, Bà Khúc Minh Thơ... không khí trang nghiêm chợt bao trùm lấy rạp hát khi cuốn phim được mở đầu với cuộc diễn hành mừng ngày Cựu Chiến Binh tại Austin, Texas, hình ảnh những cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa bên cạnh các cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam, đại kỳ Hoa Kỳ và cờ vàng ba sọc đỏ.





Một góc trong phòng triển lãm “Reporting Vietnam” tại Newseum.
(Hình: Hà Giang/Người Việt)
Trước đó, nữ tài tử Kiều Chinh được cử tọa vỗ tay vang dội trong bài diễn văn bằng tiếng Anh ngắn mà súc tích. Bà nói: “Giờ đây, trong tòa nhà của tin tức khắp thế giới, sau 40 năm trong cuộc sống lưu vong, chúng tôi khiêm tốn trình chiếu cuốn phim, được làm bằng nỗ lực và tâm huyết của những người làm phim không chuyên nghiệp, để nói về hành trình, đau khổ và mất mát của chúng tôi. Và tôi rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh những người trẻ Việt Nam trong quân phục Hoa Kỳ, đang thi hành bổn phận của họ với đất nước này. Xin cảm ơn người dân Hoa Kỳ, xin cảm ơn đất nước Hoa Kỳ.”
Và bà Triều Giang gây chú ý của khán giả với câu nói trĩu nặng tâm tư: “Chúng ta ở đây đã 40 năm. Chúng ta thành công, có đời sống vững vàng, nhưng còn một nỗi buồn, buồn lắm. Mỗi khi đọc một cuốn sách, xem một cuốn phim, ngay cả cuốn sách giáo khoa dạy cho con em chúng ta, nói về lịch sử chúng ta rất sai sót. Nỗi buồn đó thấm thía lắm, do đó Nancy cùng một số anh chị em lập hội Hội Bảo Tồn Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt cách đây 12 năm, và mài miệt làm công việc đi ghi chép, phỏng vấn, làm phim, làm tapes để đưa vào các trường đại học. Để nói cho đúng lịch sử của chúng ta, khi chúng ta mất đi, con cháu chúng ta biết đâu là sự thật. Do đó công việc của hội không phải là đã xong sau cuốn phim này. Chúng ta còn phải làm sách sử để đưa vào các thư viện, các trường học của con em chúng ta...”




Nhà sản xuất phim Vietnamerica , bà Nancy Bùi (phải) đưa quan khách vào phòng tiếp tân.
(Hình: Hà Giang/Người Việt)

Phim được thực hiện với hình thức kể chuyện, qua giọng của đạo diễn Scott Edwards, với nhiều cảnh vượt biên bằng đường biển của thuyền nhân. Đặc biệt là chuyện của nhân vật chính, võ sư Vovinam Nguyễn Tiến Hóa, người vượt biên từ Rạch Giá cùng vợ và hai con trên chiếc ghe cùng với 71 người khác, và ông là người duy nhất còn sống sót để kể lại sự tàn ác của bọn hải tặc và nỗi hãi hùng của người chồng người cha bị trói tay nhìn cảnh vợ mình bị hãm hiếp mà không thể làm gì để bảo vệ. Hành trình đi tìm mộ vợ con của võ sư Hóa ở tuổi 70, với hình ảnh của hàng trăm ngôi mộ hoang tàn trên những hoang đảo hay ven biển của các nước Đông Nam Á cũng làm khán giả sụt sùi khóc. Và cảnh chiếu những người tị nạn đứng chen chúc nhau trên mảnh đất chật chội khiến thỉnh thoảng có người trong khán giả trẻ tuổi kêu lên, “Oh my God! My God!”
Lồng trong câu chuyện chính là câu chuyện của những nhân vật khác, như Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt, nhà sản xuất Nancy Bùi, bà Dương Nguyệt Ánh, bà Khúc Minh Thơ, nhạc sĩ Trúc Hồ và ông Trần Tử Thanh, cựu sĩ quan quân đội VNCH, tất cả nói lên một câu chuyện bi hùng, nhưng có hậu, vì tất cả, giờ đây đã vượt qua được quá khứ đau thương để trở thành những người đóng góp cho đất nước đã cưu mang họ.
Cuốn phim dài 90 phút qua nhanh không ngờ. Phim hết với cảnh các thành viên của Hội Bảo Tồn Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt hợp ca “Việt Nam Việt Nam” rồi chuyển qua bài “American The Beautiful” một cách thật nhịp nhàng như hai bản sắc giờ đây đã trở thành tự nhiên của khán giả, người Việt và người Mỹ, người Mỹ gốc Việt. Khán giả không ai bảo ai cùng đứng lên, bày tỏ cảm tình cho cuốn phim bằng một "standing ovation" khiến ban tổ chức xúc động.
Về cảm tưởng của mình, sau khi xem phim, chuẩn tướng Lương Xuân Việt phát biểu: “Tôi nghĩ là việc cuốn phim được chiếu ở đây là rất tốt cho việc bảo tồn văn hóa và lịch sử Việt Nam, vì tôi biết trong vài năm nay khi tôi gặp chị Triều Giang tôi biết chị ấy làm việc cực khổ để phỏng vấn rất nhiều người để thực hiện dự án oral history. Khi tôi thấy chị muốn thực hiện cuốn phim, tôi thấy đây là điều rất tốt. Khi đồng minh rời chúng ta bỏ đi, thì nhiều phần lịch sử đã mất đi, và phần đông người viết báo viết một chiều, như chị đã thấy trong cuộc triển lãm này, đa số là khuynh hướng phản chiến.”
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Linh bày tỏ cảm tưởng: “Cuốn phim gây trong tôi nhiều ấn tượng. Tôi muốn hỏi bà Nancy Bùi là chúng ta phải làm gì thêm để tường trình lại cho đúng cuộc chiến Việt Nam, để đưa ra những khía cạnh còn thiếu sót trong những cuốn sách viết về cuộc chiến Việt Nam?”
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích nhận định: “Sự kiện phim được chiếu ở Newseum, với tôi là một biến cố trong lịch sử của cộng đồng người Việt ở đây. Điều này, tôi cho là cái quan trọng nhất, còn việc lấy phim để đến với tuổi trẻ với người Mỹ thì cũng đã nhiều người có chiều hướng đó rồi. Cốt làm sao đi được vào mạch của dòng chính là điều quan trọng. Buổi chiếu phim hôm nay ở Newseum là một bước đột phá.”





Bà quả phụ Ngô Quang Trưởng (trái) và phu nhân Giáo Sư
Nguyễn Ngọc Bích (Hình: Hà Giang/Người Việt)
Bà Tara Thu, đến từ New York, chỉ để xem phim, nói: “Tôi là một thuyền nhân, rất nhiều cảm xúc khi xem cuốn phim này, gợi nhiều kỷ niệm khi phải chạy trốn Cộng Sản đi tìm tự do. Cuốn phim khiến tôi thấy rất vui và rất hãnh diện được làm người Việt Nam ở nước Mỹ.”
Hay, hay không hay, khán giả nào cũng có vẻ vừa lòng với phim Vietnamerica. Đã đạt được bước đột phá rồi, người Mỹ gốc Việt còn phải làm gì kế tiếp, họ băn khoăn hỏi nhau. Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời, nhưng có lẽ niềm hãnh diện mình là một người Mỹ gốc Việt là một bước đầu thỏa đáng.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=216158&zoneid=1



Phim tài liệu Vietnamerica trong mắt khán giả trẻ - Trà Mi-VOA: http://phailentieng.blogspot.be/2015/10/phim-tai-lieu-vietnamerica-trong-mat.html

Cuộc chiến Việt nam nhìn theo cách khác: Phim Vietnamerica 



  
Giới Thiệu Phim VIETNAMAMERICA 19/10/2015 
Thy Nga và Nhóm Phóng Viên Bản Tin HOA THỊNH ĐỐN Thực Hiện

Giới Thiệu Phim VIETNAMAMERICA
Giới Thiệu Phim VIETNAMAMERICA19/10/2015Thy Nga và Nhóm Phóng Viên Bản Tin HOA THỊNH ĐỐN Thực Hiện
Posté par Vong NgayXanh sur lundi 19 octobre 2015


 

 

 



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire