mardi 25 avril 2023

Có bao giờ Em hỏi ? - Thơ Duyên Anh

Ngày xưa tôi tiếc không chú ý đến Duyên Anh vì tôi không ngờ một tài năng như vậy. Tôi đã nói với Vũ Đức Nghiêm: “Giá mà Duyên Anh sống lại, tôi nói với anh ấy rằng tôi cảm phục anh ấy“. Tôi sướng lắm bời vì lúc bấy giờ tôi đã coi thường Duyên Anh bởi những bài viết chuyên “đả kích” ký tên Thương Sinh. Nhưng khi đọc tập thơ này thì tôi cảm nhận được ra Duyên Anh quả thật là một nhân tài. Tôi chưa bao giờ thấy một người nào viết thơ tranh đấu đạt đến bằng Duyên Anh.

Tại sao nhiều người khen thơ Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Chí Thiện… mà ít người biết đến thơ Duyên Anh ? 

Vì thơ Duyên Anh không được phổ biến nhiều. Nó phải lâu lắm anh à. Cái gì cũng thế, nếu muốn thưởng thức được thì không phải ai cũng là tri âm. Thí dụ như Dostoievsky là một đỉnh cao của văn học thế giới nhưng mà mãi đến năm 1923 mới được đề cập đến một cách rốt ráo rồi được công nhận. Thật sự ra có mấy người hiểu được Dostoievsky đâu bởi vì họ không thấy được giá trị chân thật của ông ấy. Cần phải kinh qua sự lọc lõi của thời gian vì thời gian chính là thước đo. Như Truyện Kiều, không phải một sớm một chiều mà người ta thưởng thức được. Cha giảng con, thầy giảng trò rồi dần dần nó thấm vào.

Hơn nữa, bao giờ cũng thế, phải có người đi trước rồi mới có kẻ đi sau. Đó là sự mở lối, là thói quen của con người. Thí dụ người ta đang khen ông A là hay mà ta lại cứ chúi mũi khen ông B thì người ta cười mình. Mình không dám nói cái lý lẽ của mình ra là vì lẽ đó. Thế cho nên bây giờ nếu thiên hạ cứ nói ông này hay, ông kia dở, mình không dám nói ngược lại.

Người ta thường thích cái giản dị nhất, cái tầm thường nhất. Từ người con gái quê, đầu tiên chỉ biết cái màu chói lọi. Đến khi biết cái màu nhạt nhạt tức là bắt đầu biết làm dáng. Việc ấy phải cần đến thời gian. Giống như lúc đầu người ta chỉ biết có vàng thôi, mấy ai biết đế hột xoàn đâu? Biết đến hột xoàn là cao rồi đó. Thơ của Duyên Anh là có nghệ thuật rồi. Tôi có thể chủ quan nhưng vì cả cuộc đời tôi với hơn 70, 80 năm trời theo thơ nên tôi nghĩ tôi cũng có tư cách để nói lên nhận định ấy.

Tôi thật không hiểu vì sao có những người như Duyên Anh được, tài hoa quá. Tôi không thể hiểu nổi vì người thường viết được một, hai bài như thế đã ghê rồi mà Duyên Anh viết cả một loạt bài như thế này. Anh ấy không chỉ có tài thơ mà cả tài văn nữa. Tôi không được đọc hết nhưng tôi biết Duyên Anh viết nhiều lắm, viết kinh khủng lắm. Nhất là cái quật cường của anh ta làm tôi sợ đó. Một người đã bị tàn phế rồi mà còn tập viết bằng tay trái nữa. Cái chí của Duyên Anh ghê gớm quá.

Duyên Anh là một con người rất có giá trị. Đằng Giao, nhân chuyến qua Mỹ, đã nói với tôi: “Cháu cam đoan với bác là Duyên Anh nhất định không phải ăng-ten. Nhất định không phải. Nhưng Duyên Anh mà, bác còn lạ gì về tính hắn. Hắn hay sốc óc người ta lắm. Thí dụ như hắn hay nói: Ông sẽ dẫm lên xác chúng mày. Và chẳng thèm cải chính gì hết“.

Theo tôi, thái độ không thèm cải chính lại còn muốn nói hơn nữa là một thái độ cao ngạo, bất chấp dư luận. Duyên Anh là một thứ người tự tin mình quá đi. Tin vì người ta không thể ngờ mình như thế được. Vì mình không thể là hạng người như thế được cho nên anh ấy bất chấp cả dư luận. Tôi là tôi thôi. Những người mà họ có giá trị thật là như vậy. Tôi tử tế thì không bao giờ tôi nói tôi tử tế cả vì đó là chuyện đương nhiên rồi. Thành ra tôi nghĩ một người như Duyên Anh không thể nào là ăng-ten được. Tuy nhiên, thái độ ấy của Duyên Anh lại có sự thiệt thòi. Thật ra ngay cả lúc ban đầu tôi còn hồ nghi cho đến lúc tôi được đọc thơ Duyên Anh và được nghe Đằng Giao xác nhận: “Cháu nói, bác có tin cháu không ? Bác là bạn thân của bố vợ cháu. Bác biết rằng cháu kính trọng bác. Cháu không nói dối. Duyên Anh không hề làm ăng-ten“. Theo tôi, có thể vì Duyên Anh không phục ai cả.

Tôi không biết rõ vì tôi không chơi thân với Duyên Anh nhưng tôi biết chắc một điều: “Người có tài như thế không phục ai được.” Đương nhiên như vậy vì không thấy thằng nào đáng cho mình phục cả.

Người có chí hướng như Duyên Anh hiếm lắm. Phải có tâm lắm mới viết được những vần thơ như thế vì nếu không có tâm với đất nước, với nhân dân thì không thể nào viết như thế được. Duyên Anh đã đem máu xương mình gửi trong những vần thơ.

Ngày nay đọc thơ Duyên Anh tôi cảm thấy tiếc lắm vì trước đây tôi không được đọc. Nếu không tôi sẽ viết nhiều về thơ Duyên Anh lắm. Chẳng thể nói sơ sơ như thế này được.

Bác có thể giới thiệu một nhà thơ nào phân tích thêm về thơ Duyên Anh ?

Tôi sợ người ta không đủ khách quan, anh ạ. Nguy nhất là ở chỗ đó.

1/ Bấy giờ, em ơi:
Có bao giờ em hỏi
Quê hương mình ở đâu
Có bao giờ em đợi
Tháng mấy trời mưa ngâu ..

Mình xa quê hương mà hỏi quê hương mình ở đâu? Tại sao trời mưa ngâu? Trời mưa ngâu vì đó là thời điểm hẹn hò của đôi tình nhân mà cả năm mới gặp nhau có một lần.

Có bao giờ em nói
Lời tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi
Hồn ta về với nhau ..

Ca dao là tiếng mẹ đẻ ra mình ngày nhỏ. Cái đó tha thiết lắm. Những câu thơ này thì chẳng có gì là lạ nhưng mà nó khơi dậy trong lòng người viễn xứ cả một nỗi niềm ..

Mùi hương nào gợi nhớ
Vườn trăng thoảng hương cau
Con diều nâu đòi gió
Gửi nhạc sáo lên cao ..

Nếu các anh có ở nhà quê các anh mới biết được. Tiếng lá mo cau mà rụng ở cuối vườn lúc nửa đêm, nó lạ lùng lắm. Anh nhà quê thường đi lượm mo cau về để đựng cơm nếp muối vừng đem theo đi học trường xa. Cái mo cau là cả một kỷ niệm. Các câu thơ nhắc đến hoa cau, diều nâu, nhạc sáo… đã gợi nhớ đến thời trai trẻ. Ban đêm anh đi đâu về nghe thoang thoảng mùi thơm của hoa bưởi, hoa cau trước sân nhà. Đó là quê hương, là tuổi trẻ .. (lượt trích bài viết của nhà thơ Hà Thượng Nhân, CA 2015)

Gần như có hai con người đối lập trong ông. Một Duyên Anh nhà văn có lối viết nhẹ nhàng, trong sáng, mơ mộng, đầy ấp tình người. Và một Duyên Anh nhà báo ngổ ngáo, tai tiếng, lắm kẻ thù với những bài viết sống sượng và cay độc. Ông được đánh giá là một nhà văn, nhà báo có chỗ đứng cao trong văn học nghệ thuật Việt Nam, sức sáng tạo dồi dào: 34 năm cầm bút với 101 tác phẩm.

Tiếp tục giới thiệu bài thơ thứ hai trong tuyển tập thơ “Em Tôi Saigon Và Paris” được văn thi sỹ Duyên Anh phát hành một năm sau khi đặt chân ly hương tới Pháp năm 1984 và nhạc sỹ Phạm Duy đã chọn hai bài thơ để phổ nhạc gồm “Ai Tín” phổ nhạc thành ca khúc với tựa “Em, anh đã tới Paris” (Kyphan đã giới thiệu) và bài thứ hai có tên Bấy Giờ Em Ơi ! phổ thành ca khúc mang tựa “CÓ BAO GIỜ EM HỎI” (Slow rumba).

Hãy vào đọc toàn bộ lời ca từ bài nhạc phổ của n/s PD để cảm nhận đầy đủ điều thi sỹ tài hoa, bất hạnh DA muốn gởi gấm ..

Có bao giờ em hỏi
Quê hương mình ở đâu
Có bao giờ em đợi
Tháng mấy trời mưa ngâu.
Có bao giờ em nói
Câu tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi
Hồn ta về với nhau!
[ĐK1:]
Mùi hương nào gợi nhớ
Vừơn trăng thoảng hương cau
Con diều nâu theo gió
Gởi nhạc sáo lên cao.
Nhịp võng trưa mùa hạ
Ngày xưa ru ngày sau
Thi ca trong sữa lúa
Tiểu thuyết trên lụa đào.
[ĐK2:]
Em, bao giờ em khóc
Có Bao Giờ Em Hỏi
Ngơ ngác vì chiêm bao
Chưa kịp mê Tam Cúc
Xuân hồng đã trôi mau.
Chưa kịp hôn môi tết
Tháng giêng son phấn sầu
Bây giờ em mới biết
Em đã chết từ lâu
Em đã chết từ lâu.
Có bao giờ em hỏi quê hương mình ở đâu?
Có bao giờ em đợi tháng mấy trời mưa ngâu?
Có bao giờ em nói câu tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi hồn ta về với nhau
Mùi hương nào gợi nhớ vườn trăng thoảng hương cau
Con diều nâu theo gió gợi nhạc sáo lên cao
Nhịp võng trưa mùa hạ ngày xưa ru ngày sau
Thi ca trong sữa lúa tiểu thuyết trên lụa đào.
Có bao giờ em hỏi quê hương mình ở đâu?
Có bao giờ em đợi tháng mấy trời mưa ngâu?
Có bao giờ em nói câu tình tự ca dao
Có bao giờ em gọi hồn ta về với nhau
Em bao giờ em khóc, ngơ ngác chuyện chiêm bao
Chưa kịp mê tam cúc, xuân hồng đã trôi mau
Chưa kịp hôn môi Tết, tháng Giêng son phấn sầu
Bây giờ em đã biết, em đã chết từ lâu.
Chết từ lâu .....

Tri ân, tôn vinh hai bậc tài hoa nước Việt Duyên Anh – Phạm Duy cùng bài thơ và bài nhạc phổ vào năm 1984. Mời các bạn vào đọc bài viết tổng hợp của Kyphan, cùng nghe bài tâm ca buồn “Có Bao Giờ Em Hỏi” để hoài nhớ về những kỉ niệm, cùng tiếc nhớ hai nghệ sỹ tài danh PD – DA .. 

Có bao giờ Em hỏi ? 
Thơ Duyên Anh - Nhạc Phạm Duy Tiếng hát Hạt Sương Khuya

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire