samedi 22 avril 2023

Đừng Đem Bố Về - Thơ Trần Văn Lương

ddbv1 

Đừng Đem Bố Về
(Dựa trên lời một vị lính già dặn dò con trai mình trước khi ông mất:
– Chỉ khi nào nước mình hết Cộng sản thì con mới đem tro của Bố về quê chôn cạnh Ông Bà Nội)
Dạo:
Giặc còn tàn hại non sông,
Thì dù xương trắng vẫn không chịu về.
Con ơi hãy lắng nghe lời Bố dặn,
Sau khi mà Bố nhắm mắt xuôi tay,
Nhúm tro tàn, hãy tạm để nơi đây,
Đừng có vội đem ngay về chốn cũ.
Bố chỉ sợ con nghe người ta dụ,
Theo kết bè kết lũ để “thăm quê”,
Rồi tiện tay mang tro Bố trở về,
Để Bố lỗi lời thề khi bỏ xứ.
Nơi cắt rốn, ai mà không thương nhớ,
Ai không hề trăn trở bước lưu vong.
Nhưng con ơi, phải nghĩ đến non sông,
Đang đau đớn chờ mong ngày giải thoát.
Tháng Tư đó, quê hương mình tan nát,
Bao nhiêu người gạt nước mắt ra đi.
Lòng dặn lòng, trong giây phút phân ly,
Còn giặc Cộng, quyết thề không trở lại.
Lời khấn nguyện, Bố hằng ghi nhớ mãi,
Và dẫu lòng luôn khắc khoải xót xa,
Bố quyết tâm không phản bội quê nhà,
Dù khi đã hóa ra người thiên cổ.
*
* *
Về sao được khi quê cha đất tổ,
Còn trong tay đám hổ báo sài lang
Đang đê hèn làm nô lệ ngoại bang,
Nhưng độc ác hung tàn cùng dân Việt.
Làm sao Bố yên tâm dù đã chết,
Khi dân Nam vẫn rên siết trong tù,
Từ học trò, tu sĩ đến nông phu,
Chỉ vì “tội” chống kẻ thù xâm lược.
Vong hồn Bố làm sao siêu thoát được,
Khi đau lòng nhìn đất nước thân yêu,
Bỗng trở nên, trong một sớm một chiều,
Nơi sản xuất rặt những điều tồi tệ.
Xã hội đã suy đồi từ gốc rễ,
Già lưu manh, đến trẻ cũng lưu manh,
Người với nhau chỉ lừa đảo tranh giành,
Cả đất nước biến thành hang trộm cướp.
Dù kẻ khác về ăn chơi nườm nượp,
Nhưng mình không làm thế được, con ơi.
Nhìn khắp nơi tội ác vẫn ngập trời,
Ai là kẻ không bồi hồi phẫn chí.
Làm sao mà an nghỉ,
Khi mộ phần bao chiến sĩ miền Nam
Bị bọn cầm quyền độc ác gian tham,
Muốn cướp đất, đã san thành bình địa.
Nỗi đau càng thấm thía,
Khi thấy người chạy mất vía năm nao,
Nay trở về thật diêm dúa bảnh bao,
Cùng nhăn nhở, ồn ào nâng chén cạn.
Làm sao mà thanh thản,
Khi phải nhìn đứa bạn ngày xưa,
Nạng gỗ mòn, ống quần rỗng đong đưa,
Khay vé số dầm nắng mưa kiếm sống.
Làm sao không tuyệt vọng,
Khi chung quanh tràn ngập bóng quân thù,
Ngoan ngoãn tuân theo lệnh của Tàu phù,
Hung hăng gác căn nhà tù vĩ đại.
Làm sao không tê tái,
Khi dân mình cứ mãi gánh khổ đau.
Và dù cho ở tận đáy mộ sâu,
Người chết cũng phải gục đầu than khóc.
Chỉ đem Bố trở về khi dân tộc
Có nhân quyền và độc lập tự do,
Người người đều được áo ấm cơm no,
Không còn bị loài Cộng nô thống trị.
Con hãy nhớ những lời này thật kỹ:
Bao lâu bầy Cộng phỉ vẫn thong dong,
Gót chân Tàu còn giẫm nát non sông,
Thì mình vẫn quyết một lòng son sắt.
Con ơi nếu Trời xanh kia quá quắt,
Bắt dân mình vĩnh viễn mất quê hương,
Thì chút tro tàn của kiếp tha phương,
Đổ giùm Bố, đừng tiếc thương giữ lại.
*
* *
Mộng cứu nước bao năm rồi chưa toại,
Lối quay về, ngàn quan ải cách ngăn.
Trong đêm đen, đôi khóe mắt nhọc nhằn,
Nỗi đau đớn thầm lăn trên má lạnh.
Trần Văn Lương
Cali, Quốc Hận 2016

*
*     *

Nhanketroco 

Dạo: Quê hương mất, cửa nhà tan, Sao còn theo lũ tham tàn hại dân.
Nhắn Kẻ Trở Cờ
Hỡi người bạn trở cờ theo lũ giặc
Đang nắm quyền sinh sát ở quê tôi,
Đừng chỉ vì chút canh cặn cơm ôi,
Mà thay chúng nói rặt lời dối trá.
Chúng luôn mồm ra rả,
Đánh lừa thiên hạ khắp nơi.
Và chẳng may, đâu đâu cũng có người,
Vẫn nhẹ dạ tin trò chơi bịp bợm.
Này bạn hỡi, đừng đem lời chúng mớm,
Để qua đây luôn sớm tối kêu gào.
Bạn giết người mà chẳng dụng gươm dao,
Khi theo chúng rêu rao điều gian dối.
Đừng dẫn chứng đám cò mồi múa rối,
Bọn thầy tu giả mạo mới ra lò,
Rồi phùng mang trợn mắt hót líu lo,
Rằng đất nước có tự do tôn giáo.
Chúng tóm kẻ chức quyền cao trong đạo,
Cho xênh xang áo mão để reo hò,
Để thổi phồng chiếc bánh vẽ “xin cho”,
Hoặc trình diễn lắm trò hề tương tự.
Chúng bắt chẹt tình cảm người xa xứ,
Dụ họ về bằng hai chữ “quê hương”,
Bằng những câu giả dối ngọt như đường,
Bằng hình ảnh của “vườn” kia “trái” nọ.
Rồi hốt trọn bầy “cá hồi” vô rọ,
Vắt cạn tiền, xong vất bỏ thẳng tay.
Chuyện sờ sờ trước mắt chẳng chịu hay,
Sao bạn vẫn luôn cối chày ngụy biện?
Đừng núp bóng dưới chiêu bài “từ thiện”,
Miệng oang oang toàn nói chuyện thương người,
Nhưng thực ra là về để ăn chơi,
Cùng đóng kịch mong được đời ca ngợi.
Đừng lợi dụng chuyện thiên tai lụt lội,
Để làm giàu trên nỗi khổ của dân.
Thiên hạ ai cũng biết rõ trăm phần,
Mà sao bạn vẫn trần thân lải nhải?
Đừng ong óng toàn những câu nhai lại,
Nào ” giao lưu”, nào “hòa giải”, “thứ tha”.
Sao bạn không dám bảo bọn tà ma,
Ngưng bách hại người sa cơ thất thế?
Đừng trâng tráo nói “không làm chính trị”,
Khi chính mình xin tỵ nạn nơi đây,
Khóc sụt sùi khai với Mỹ, với Tây,
Vì sao phải đắng cay rời quê cũ.
* *     *
Thân nhược tiểu, mong manh quyền tự chủ,
Bị “đồng minh” bán cho lũ sài lang.
Nên chúng tôi phải đau đớn tan hàng,
Chua xót đứng nhìn giang san tơi tả.
Vì lương thiện, chúng tôi đà trả giá,
Bằng khăn tang của cả triệu người thân,
Bằng những dòng lệ ngập mắt cá chân,
Bằng sinh mạng ngàn quân dân cán chính.
Vì tưởng chúng còn mảy may nhân tính,
Nên bao người đã dính phải tai ương,
Kẻ bỏ mình trong núi thẳm mù sương,
Kẻ giũ kiếp giữa trùng dương sóng gió.
Cũng vì bởi những người như bạn đó,
Mà quê ta, giặc đỏ vẫn cầm quyền,
Sống giàu sang, phung phí những đồng tiền
Từ xa trút liên miên về chốn cũ.
Bạn hỡi bạn, sao đang tâm hưởng thụ,
Trên vết thương đầy máu mủ dân mình,
A tòng theo bọn bán nước cầu vinh,
Để tiếp tục làm điêu linh đất tổ.
Dân tộc Việt chỉ hoàn toàn hết khổ,
Khi lũ này không còn chỗ dung thân,
Khi Cờ Vàng phất phới giữa trời xuân
Theo nhịp bước đoàn quân Nam anh dũng.
* *     *
Bốn mươi mấy năm từ khi buông súng,
Quá khứ buồn giờ chắc cũng phôi pha.
Bao triệu người, còn mấy kẻ xót xa,
Khi nhớ đến một quê nhà đã mất.
Trần Văn Lương Cali, đầu mùa Quốc Hận 4/2016

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire