vendredi 10 mars 2023

TƯỞNG “DỄ” NHƯNG LÀ DỄ THÀNH “HÈN” THÔI ẤY MÀ - Nguyễn Hoàng Dũng

Thi sỹ Đỗ Trung Quân từng có những đoản thơ hay, lay động lòng ái quốc tự nhiên nơi người Việt Nam, như bài “Quê Hương” đã được Giáp Văn Thạch phổ nhạc. Ngoài ra, ông còn thể hiện bên ngoài là một người nghĩa khí, dám cất tiếng nói đấu tranh, chống lại bất công xã hội, bạo quyền áp bức, tham ô hủ bại và bênh vực kẻ yếu thế thân cô. 

Những điều này rất đáng trân trọng. Trân trọng hơn, ông còn đứng ra, bằng uy tín của mình, huy động sự đóng góp từ bạn bè và người hâm mộ khắp nơi, để làm các việc bác ái, thiện nguyện bấy lâu nay. Những điều ấy cho thấy phần nào tâm thiện lành của ông.

Tuy nhiên, khi nhận định về chính trị thời cuộc, ở Việt Nam hay trên thế giới, ông thường tỏ ra xốc nổi, cạn cợt, nhanh nhẹn bất thường và đầy cảm tính trong các phát ngôn của mình. Một phần nguyên nhân có lẽ bắt nguồn từ cá tính có phần hơi bộc trực của ông. Phần còn lại, lớn hơn, xuất phát nơi tính cách “chuộng danh” hơi quá của ông trong cạm bẫy “Ngũ Dục Lạc” gồm tài, sắc, danh, thực, thuỳ không mấy ai dám tự hào vượt qua cách trọn vẹn trong đời. Điều này cũng hoàn toàn bình thường, xét ở góc độ, tuyệt đại đa số chúng ta là những kẻ phàm phu tục tử, chứ đâu phải là những bậc thánh nhân hay giác giả gì cho cam?
Thế nhưng, điều đáng nói ở đây lại là, giá như thi sỹ họ Đỗ đã không lên tiếng bênh vực, một cách vừa phi lý vừa ngớ ngẩn, cho ca sỹ Tuấn Ngọc, nhân vụ scandal gây bão mạng khi nam danh ca này cố ý hát sai lời bài hát trong nhạc phẩm “Tình Bơ Vơ” do cố nhạc sỹ Lam Phương sáng tác, từ “trời vào Thu, Việt Nam buồn lắm em ơi” thành “trời vào Thu, chiều nay buồn lắm em ơi”, không những một lần mà đến tận hai lần (31/12/2022 và 19/2/2023) tại phòng trà Mây Sài Gòn, như nhà đài RFA đã loan tin [1], thì sự vụ đã khác. Chính thái độ “hắc bạch bất phân” trên đã khiến độc giả chợt nhớ lại bài viết đình đám của ông thi sỹ về một ông cựu phó Bi thư thường trực (PBTTT) Sài thành mang nhan đề “Có Hai Anh Ba Đua” [2].
Trong bài viết đầy tính khẳng khái hiếm hoi trên, anh Đỗ Trung Quân đã thẳng thắn “vạch trần” tính cách “hai mặt” của ông Ba Đua, đương kim PBTTT Thành uỷ TP.HCM lúc đó, đại khái, trong khi một anh Đua, lúc còn là Bí thư Quận đoàn 4, ra sức kêu gọi thanh niên thành phố ra trận chống bọn bành trướng Bắc Kinh (1979), thì một anh Đua khác, hiện làm PBTTT Thành ủy TP.HCM (2011), lại ghét ra mặt thanh niên nào ra đường biểu tình chống Trung Cộng xâm lấn biển đảo Việt Nam. Anh Quân còn kết ý rất hay rằng, “anh Đua thời nay” có thể bắt giam “anh Đua ngày xưa” vì dám tụ tập chống Trung Cộng! Phân lập anh Ba Đua như thế thiệt là hay!
Từ “Có Hai Anh Ba Đua”, độc giả tinh ý bắt đầu sửng sốt tự hỏi, lẽ nào cũng “Có Hai Anh Đỗ Quân” nữa sao? Không phải là Đỗ Trung Quân và Đỗ Hồng Quân, mà là hai anh Đỗ Trung Quân chính hiệu con nai vàng, bởi vì 1 năm trước khi “Có Hai Anh Ba Đua” ra đời (2010), nhà báo Đỗ Trung Quân - 55 tuổi, đã đăng bài “Điều Ấy Dễ Thôi Mà” [3] trên tờ tuoitre.vn, phê bình tình trạng các ca sỹ “hát sai lời ca khúc” một cách vô ý. Trong các lời “kể tội”, người ta chú ý đến đoạn này nhất: “…thật khó lý giải vì đến danh ca T.N. hàng chục năm trong nghề vẫn cứ hát sai nhạc Trịnh - ca khúc ‘Chiều Một Mình Qua Phố’, anh vẫn cứ hát ‘có khi nắng mưa chưa lên’, thay vì ‘nắng khuya chưa lên’”. “T.N.” trong bài chính là Tuấn Ngọc!
Ấy vậy mà, không hiểu vì lý do gì, nay Fbker Đỗ Trung Quân - 68 tuổi, lại viết tút bênh vực cho chính danh ca Tuấn Ngọc khi ca sỹ này “cố tình” hát sai lời nhạc trong “Tình Bơ Vơ” của nhạc sỹ Lam Phương như đã nêu ở trên? Mới có 13 năm mà thế sự đã đảo điên đến nỗi “anh Quân bây giờ” dám phủ nhận cả “anh Quân ngày xưa” luôn?! Chả trách “anh Ba Đua 2011” quên phắt những gì “anh Ba Đua 1979” làm vì cách nhau tới tận 32 năm lận mà😀. Thiệt ra, cách thức anh Quân bênh vực anh Ngọc không khác gì tẩm xăng đốt ca sỹ này thêm bởi, việc nhạc sỹ sửa ca từ trong ca khúc mình sáng tác, tức đứa con tinh thần riêng của họ, hoàn toàn khác với chuyện ca sỹ tự ý sửa lời bài hát đó. Đánh tráo hai khái niệm trên là chuyện không nên.

Peut être une image de 1 personne et texte qui dit ’Đỗ Trung Quân 5p Xin thưa rằng trong từng giai đoạn của cuộc đời ns Phạm Duy cũng từng phải sửa đổi lời của chính mình (xin dẫn chứng trong một tút khác) Hãy trách thể chế cầm tù, quy chụp con người Cs Tuấn Ngọc, nếu có phải thay lời trong một ck nào đó cũng chỉ là chuyện cuộ™c đời đÃi khi... Con người này tư cách không thể xúc phạm... Tiếng hát của anh là một di sản Ký tên Đỗ Trung Quân’


Thật ra, scandal danh ca Tuấn Ngọc hát sai lời “Tình Bơ Vơ” cũng dễ xử lý, không cần thi sỹ Trung Quân tốn công nhúng tay vào. Ca sỹ Tuấn Ngọc gây ra sự cố ở đâu thì cứ để ông trở lại chốn ấy mà giải quyết. Nếu thực lòng muốn, sẽ có một ngày, danh ca Tuấn Ngọc lại trở về Việt Nam, đứng hát ngay giữa thính phòng Mây Sài Gòn, chọn đúng ca khúc “Tình Bơ Vơ” của Lam Phương mà ngân nga: “Trời vào Thu, Việt Nam buồn lắm em ơi”. Chỉ đơn giản vậy và rồi, khán thính giả mộ điệu lại mở rộng lòng đón ông. Nói vậy thôi, đó là cả một quyết định sinh tử, theo nghĩa, nếu ông chọn “sống” trong lòng người hâm mộ muôn năm cũ, ông phải hát đúng ca từ của “Tình Bơ Vơ”, còn không, hình ảnh ông sẽ “chết” dần trong lòng họ, như một lẽ tất nhiên.
Sửa thói quen quên lời bài hát do vô ý thì dễ vì chỉ cần thêm một chút cẩn thận và một ít chú tâm nơi ca sỹ là đủ nhưng sửa tính cách hèn hạ, cố ý hát sai lời ca thì khó hơn nhiều, thi sỹ Đỗ Trung Quân ạ, vì nó đòi hỏi đến bản lĩnh lẫn tính thiện của người hát. Nghĩ cũng lạ, một người không cảm thấy “buồn” trong tiết trời Thu xác xơ lá rụng thì làm sao họ có thể biết “vui” khi Xuân sang chồi đâm hoa nở được? Cảm thức của nhạc sỹ và thi sỹ có vấn đề gì rồi chăng?
Lami NGUYỄN HOÀNG DŨNG
[1]. https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10160848960229571&id=130885564570&mibextid=qC1gEa
[2]. https://boxitvn.blogspot.com/.../10/co-hai-anh-ba-ua.html...
[3]. https://tuoitre.vn/dieu-ay-de-thoi-ma-371829.htm

*
*     *



 KHÔNG ĐƯỢC BUỒN DẪU… TRỜI CÓ VÀO THU
Con người là một “tiểu vũ trụ”, liên hệ và hoà nhập mật thiết với đại vũ trụ bao bọc xung quanh họ. Bởi vậy mà, khi thiên nhiên vạn vật biến đổi theo mùa, cách sinh hoạt, ăn uống lẫn tâm trạng, suy tư của con người cũng thay đổi tương ứng theo, như bài thơ “Bốn Mùa Viễn Du” (tương truyền của Thôi Hiệu) đã lột tả hết sức tinh tế:
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi
(Xuân thăm miền cỏ hoa thơm
Hạ về thưởng lãm sen đơm xanh hồ
Thu sang rượu cúc uống vô
Đợi Đông ngắm tuyết ngâm thơ trắng trời)
Ấy vậy mà, kể từ khi chủ nghĩa bách chiến bách thắng từ Nga-La-Tư du nhập vào Việt Nam và nhất là khi Việt Minh tổ chức “cướp chính quyền” từ tay Chính phủ Trần Trọng Kim thành công vào mùa Thu năm nào thì mọi chuyện đã đổi khác hoàn toàn. Việt Nam chỉ còn mỗi một mùa: Mùa cách mạng!
Mùa Thu đã không còn sầu “chết” trên cành hoa thạch thảo như trong ”Lời Vĩnh Biệt” của Guillaume Apollinaire hay trong “Mùa Thu Chết” do Phạm Duy phổ nhạc nữa. Cũng vậy, mặc cho sắc phong vàng đỏ và cỏ úa xác xơ khắp nơi trong tiết trời Thu, dân chúng Việt Nam cũng không được buồn một tí tẹo gì vì đã có cuộc “Cách Mạng Tháng 8“ năm 1945 phà hơi đắc thắng.
Thậm chí, cả những cuộc biệt ly sinh tử bên chén hoàng hoa tửu, ngay trên “bến Hoàng Hoa”, vào những mùa bắt lính tiết Trùng Cửu khi hoa cúc vàng nở rộ, cũng không được mang màu sắc bi ai như trước nữa vì đã có cuộc khởi nghĩa mùa Thu long trời lở đất vừa nêu toả khí thế ngút trời lấn át.
Kể từ đó, nét sầu vương man mác đầy thi vị trong “Buồn Tàn Thu” (Văn Cao), “Đêm Thu” (Đặng Thế Phong), “Thu Quyến Rũ” (Đoàn Chuẩn), “Mùa Thu Cho Em” (Ngô Thuỵ Miên), “Thu Ca” (Phạm Mạnh Cương) hay “Nhìn Những Mùa Thu Đi” (Trịnh Công Sơn)… đành phải lép vế, khép nép bên cạnh khí thế hừng hực lửa bỏng, cũng của “Cách Mạng Tháng 8”.
Bởi thế, không chút ngạc nhiên khi mới đây (tháng 2/2023), trong một buổi ca nhạc phòng trà tại Mây Sài Gòn, khi trình bày nhạc phẩm “Tình Bơ Vơ” của cố nhạc sỹ Lam Phương, danh ca Tuấn Ngọc đã buộc phải sửa lời nhạc gốc “trời vào Thu, VIỆT NAM buồn lắm em ơi” thiệt hay thành “trời vào Thu, CHIỀU NAY buồn lắm em ơi” đầy trớt quớt!


Biết nói gì đây khi cả mùa Xuân đầm ấm, yên vui và ngày Tết đoàn viên, sum vầy bao đời đã vụt trở thành dịp bắn giết, chết chóc tang thương như ở Mậu Thân 1968? Phải chăng khởi nguồn của nó cũng là từ mùa Thu tháng 8, 1945? Chỉ đáng tiếc là, một giọng ca hải ngoại, không từng “lớn lên trong mùa cách mạng” nhưng đã “gục chết” hết sức lãng xẹt bởi dư âm của nó 78 năm sau đó! Thiệt tiếc!
Lami NGUYỄN HOÀNG DŨNG

*
*     *

Về hát ở Sài Gòn, Tuấn Ngọc sửa lời 'Tình Bơ Vơ' của Lam Phương

TÌNH BƠ VƠ - Lam Phương - Thanh Thúy (pre75)
 
Càng nhìn em yêu em hơn và yêu em mãi
Dù phút êm đềm xa xưa nay đã đi vào quên lãng
Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi
Mây tím đang dâng cao vời mà tình thương chưa lên ngôi
Ngày mình yêu anh đâu hay tình ta gian dối
Để bước phong trần tha hương em khóc cho đời viễn xứ
Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi
Gom góp yêu thương quê nhà dâng hết cho người tình xa
Anh đâu ngờ có ngày đàn đứt dây tơ
Một phút tim anh ơ hờ trọn kiếp anh vương sầu nhớ
Nói đi em cả đời mình đã đi tìm
Cả đời mình xây ước mơ cho ngày mộng được nên thơ
Cuối cùng là tình bơ vơ cho anh xin một đêm trăng trối
Gợi đống tro tàn năm xưa dâng hết cho lần yêu cuối
Rồi từng đêm từng đêm nhịp bước cô đơn
Em khóc cho duyên hững hờ anh chết trong mộng ngày thơ
Anh đâu ngờ có ngày đàn đứt dây tơ
Một phút tim anh ơ hờ trọn kiếp em vương sầu nhớ
Nói đi em cả đời mình đã đi tìm
Cả đời mình xây ước mơ cho ngày mộng được nên thơ
Cuối cùng là tình bơ vơ cho anh xin một đêm trăng trối
Gợi đống tro tàn năm xưa dâng hết cho lần yêu cuối
Rồi từng đêm từng đêm nhịp bước cô đơn
Em khóc cho duyên hững hờ anh chết trong mộng ngày thơ
 
VNX (10/3/2023)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire