lundi 27 mars 2023

Khởi đầu nền tân nhạc - Trang Nguyên

Tân nhạc Việt Nam ra đời muộn hơn nghệ thuật cải lương chừng thập kỷ, khoảng 1930. Theo nhạc sĩ Trần Quang Hải gọi đây là “giai đoạn tượng hình”. Còn Phạm Duy cho rằng, thập niên 30 là “thời kỳ đi tìm nhạc ngữ mới”.


Nếu bài Dạ Cổ Hoài Lang của ông Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu viết hồi năm 1920 mở đầu cho hình thức cải lương đổi mới của nghệ thuật ca kịch truyền thống, thì cũng có vài biên khảo cho rằng bài Kiếp hoa (thơ Nguyễn Văn Cổn, nhạc Nguyễn Văn Tuyên) là bài tân nhạc đầu tiên viết vào năm 1938 

Thật ra, trong khoảng thời gian 1938 được giới nghiên cứu âm nhạc đánh giá là điểm mốc của sự hình thành tân nhạc Việt Nam do trong thời gian này, có khá nhiều bài nhạc được các nhạc sĩ sáng tác tạo được tiếng vang trước công chúng. Tuần báo Ngày Nay của Nhất Linh số 121, số 122 (1938) cho đăng phổ biến liên tục những bản nhạc đầu tiên như bài Bình minh của Nguyễn Xuân Khoát, Kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên, rồi Bản đàn xuân của Lê Thương, Khúc yêu đương của Thẩm Oánh, Ðám mây vàng, Cám dỗ của Phạm Ðăng Hinh, Ðường trường của Trần Quang Ngọc… Và từ đầu năm 1939, các sáng tác của những nhạc sĩ tân nhạc được in thành tờ nhạc bày bán tại các hiệu sách khắp nước.

 
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, người có công quảng bá tân nhạc khắp cả nước (Ảnh: Internet)

 Theo tài liệu Lịch sử Âm nhạc Việt Nam, Nguyễn Văn Tuyên sinh năm 1909 ở Huế. Ông được học nhạc Tây từ lúc nhỏ, tự học căn bản từ những sách giáo khoa về lý thuyết âm nhạc của Pháp. Năm 1936 ông di cư vào Nam và trở thành người Việt duy nhất tham gia hội Ái Nhạc (Philharmonique) ở Sài Gòn. Ông bắt đầu hát nhạc Tây và được cảm tình của báo chí và radio (truyền thanh). Năm 1937 ông phổ bài thơ ‘Kiếp Hoa’ của bạn ông là nhà thơ Nguyễn Văn Cổn và viết thành ca khúc đầu tay cùng tên. Thống đốc Nam Kỳ (Cochinchina) khi đó Pagès nghe ông hát và mời ông du lịch tới Pháp để tiếp tục học nhạc nhưng Nguyễn Văn Tuyên từ chối vì lý do gia đình. Thay vì vậy ông lại đề nghị và được thống đốc Pagès tài trợ đi một vòng Việt Nam để quảng bá những bài nhạc mới này.

 Năm 1938, Nguyễn Văn Tuyên có những buổi biểu diễn và diễn thuyết ở Huế, Hải Phòng và Hà Nội. Những bài hát đầu tiên của ông khi đó là Kiếp hoa, Bông cúc vàngAnh hùng ca. Sau đó tờ Ngày Nay của Nhất Linh đã xuất bản một vài tác phẩm của Nguyễn Văn Tuyên cùng với của các nhạc sĩ khác. Nguyễn Văn Tuyên tiếp tục trình diễn ở Hải Phòng và Nam Ðịnh cho những khán giả nhiệt tình.


Những bài hát tình cảm lãng mạn bắt đầu lan truyền phổ biến, các nhóm Myosotis và Tricéa cùng các nhạc sĩ khác cũng bắt đầu tung ra những ca khúc của mình viết trước đó một hai năm như: Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1936) của Lê Yên; Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung. Tại Huế, Nguyễn Văn Thương viết bản Trên sông Hương năm 1936. Lê Thương ở Hải Phòng cũng có Xuân năm xưa năm 1936.

Từ đây, tân nhạc Việt Nam bắt đầu hình thành và phổ biến và nhạc sĩ Phạm Duy gọi là “thời kỳ chuẩn bị của Tân nhạc Việt Nam”. Theo đánh giá của các nhà phê bình, tuy là người khai sinh ra tân nhạc, quảng bá nhiều ca khúc ra công chúng nhưng những sáng tác của Nguyễn Văn Tuyên không thực sự có giá trị nghệ thuật cao, nên với thời gian chúng đã bị quên lãng. Ông mất tại Sài Gòn, thọ đúng 100 tuổi.

Một nhân vật nữa có công trong việc phổ biến tân nhạc và sân khấu nữa là nghệ sĩ Tư Chơi, tên thật là Huỳnh Thủ Trung (người chồng đầu tiên của nghệ sĩ Phùng Há). Là một nghệ sĩ thực thụ về nghệ thuật cải lương, đàn và biên soạn tuồng cho gánh hát Huỳnh Kỳ và sau đó là gánh Trần Ðắc ở Mỹ Tho, nghệ sĩ Tư Chơi rất am hiểu về nhạc lý phương Tây. Vào năm 1929, ông viết bài tân nhạc Tiếng nhạn đêm xuân và nhiều ca khúc khác đưa tân nhạc vào trình diễn cùng tuồng cải lương như một cách làm phong phú thêm hình thức trình diễn. Thời đó các bản nhạc tình của Pháp rất thịnh hành ở Sài Gòn, Hà Nội và các thành phố lớn ở Việt Nam như bài J’ai deux amours, Marinella, Ma Tikiki Ma Tonkinoise, Tant qu’il y aura des étoiles… do nam ca sĩ Tino Rossi và nữ ca sĩ Joséphine Baker ca, ông đã viết lời Việt các bản nhạc này và cho nghệ sĩ ca trong tuồng cải lương.

Bấy giờ gánh Trần Ðắc có cô đào Kim Thoa còn rất trẻ hát cải lương rất hay lại có giọng ca tân nhạc trong trẻo, cao vút được khán giả ngưỡng mộ. Sau khi gánh Trần Ðắc tan rã, ông cưới cô đào Kim Thoa và lập nên gánh hát Kim Thoa. Gánh hát này có cả một dàn nhạc Tây dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Bénito. Nhờ vậy các bài ca nhạc Pháp lời Việt được dàn nhạc nầy đệm cho ca sĩ hát, thu hút khán thính giả trong giai đoạn mà âm nhạc cải cách và nhạc Tây lời Việt đang rất thịnh hành ở Việt Nam. Nhiều nhà bình luận tân nhạc đều công nhận ông Huỳnh Thủ Trung được xem như nhạc sĩ sáng tác tân nhạc đầu tiên của Nam Kỳ.

 Trang Nguyên

 *
*     *


“Dạ cổ hoài lang” Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - Độc tấu Đàn Tranh - Hương Lan trình bày

Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong (phán) lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Năm ơ canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi gan vàng quặn đau í a.
Đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
Đêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trông tin chàng
Lòng xin chớ phụ phàng.

[ĐK:]

Chàng hỡi chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
Biết bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm đừng lạt phai í i.
Thiếp nguyện cho chàng
Nguyện cho chàng đặng chữ an bằng an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi í i.

*
*     *
Một Kiếp Hoa_Thơ Nguyễn Văn Cổn- Nhạc Nguyễn Văn Tuyên-Ngọc Hà

Rồi mỗi ngày sắc tươi thêm phai lạt 
Rồi mỗi ngày cánh hoa thêm rời rạc
Trông thấy hoa mà lòng những lo thầm
Nghĩ kiếp hoa càng động mối thương tâm
Nhớ tới hoa một buổi mai tìm lại
Ôi! Trước cảnh tượng biết bao thương hại
Thấy thân hoa như giấc sơ mơ màng 
Dưới thân cây cánh rời rụng ngổn ngang
Ngọn gió Ðông bỗng lạnh lùng thổi
Tới quét tan tành những cánh hoa vô tội
Ta tưởng đâu như những mảnh tình xưa
Ðang bị ngọn gió lôi cuốn xa đưa
Tàn tạ hoa ơi, biết vì đâu
Thấy hoa khôn giữ lệ âu sầu
Hoa tan tác, lòng ta tan tác
Một kiếp hoa, kiếp người đâu khác
Tàn tạ hoa ơi, biết vì đâu
Thấy hoa khôn giữ lệ âu sầu... 

VNX (27/3/2023)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire