mercredi 27 juillet 2016

Kẻ Không Chiến Tuyến-Hoàng Nga

https://nguyennaman.files.wordpress.com/2009/05/hnga.jpg


Kẻ Không Chiến Tuyến-Hoàng Nga-Hồng Vân đọc
Kẻ không chiến tuyến



Khoảng đầu thập niên bảy mươi, tôi chỉ mới vừa lên trung học, chiến tranh trong con mắt tôi lúc ấy, hoàn toàn giống hệt như phim truyện nhiều tập, combat, Mỹ đánh Ðức trên TV. Sau khi Mậu Thân qua đi vài năm, thảm kịch mồ chôn tập thể được đài truyền hình Huế gần như chiếu đi chiếu lại mỗi ngày, nhưng tất cả những ấn tượng để lại trong tôi, chỉ là sự rờn rợn xương sống trước cảnh nhiều bà mẹ đã khóc điếng người khi nhận ra một vài dấu hiệu quen thuộc, manh áo, sợi dây chuyền, vòng đeo tay..., của người thân mình còn bám dính trên những mảnh xương vừa mới được đào lên từ hố sâu. Hay khi đôi ba hình ảnh được chiếu gần, hiện rõ lên những sợi dây điện, dây lòi tói dùng để buộc chặt các ống xương tay, xương chân lại với nhau, cùng lời bình luận về những người bị chôn sống ấy, khiến lũ con nít chúng tôi rùng mình, bịt mắt sợ hãi; thì rõ ràng tôi đã không thể nào nhận ra hết được mức độ man rợ của người đối với người, cũng không nhận ra cái tương tàn khủng khiếp của một cuộc chiến giữa những kẻ cùng tiếng nói, cùng văn hóa là thế nào.

Quả thật, ngày ấy chúng tôi đã coi những thước phim như vậy, chỉ vì không có gì khác để coi, và coi theo người lớn. Chúng tôi cũng đã phải nghe chuyện đánh nhau, chuyện chiến tranh qua các đối thoại của người lớn trong các bữa cơm, tiệc tùng, chỉ vì bị bắt buộc phải ngồi gần đâu đó. Vậy thôi.

Vào thời ấy, ngoài đường phố, đi đâu cũng nghe nhạc Trịnh Công Sơn, khi đất nước tôi không còn chiến tranh, đàn bò vào thành phố, người nô lệ da vàng ngủ quên trong căn nhà nhỏ... Thỉnh thoảng, trong trường học, bọn con nít chúng tôi đang ngồi trong lớp, phải túa nhau chạy ra ngoài vì lựu đạn cay bung ra dưới sân cờ. Nhiều bài thơ, bài hát bên trường công chuyền sang, từ những đàn anh đàn chị lớp lớn đưa xuống, không rõ tác giả là ai, nhưng tôi vẫn còn nhớ mang máng, “kính thưa thầy, đây là bài chính tả của con. Bài chính tả nói về nước Mỹ. Con viết hai lần, sai chữ America. Con viết hai lần sai chữ America. Làm sao được. Làm sao được. Bởi anh con vừa chết...”.

Thời ấy, ở trong nhà, có một lần tôi chứng kiến tận mắt cảnh một người quen, người cùng làng với mẹ tôi, nhân dịp ra thành phố chơi, ghé lại thăm ba mẹ tôi, đã ngã xuống đất ngất xỉu, chỉ vì nghe thấy một tiếng đằng hắng của một kẻ cũng tình cờ ghé lại thăm ba mẹ tôi - kẻ đã tra tấn ông trong những đợt huấn chính thời đệ nhất cộng hòa. Và cũng trong nhà, tôi được biết ba mẹ tôi thỉnh thoảng phải làm những công việc hoàn toàn không tự nguyện, không muốn; là phải tiếp tế tiền bạc, thuốc thang cho một người nào đó phía bên kia, rồi thỉnh thoảng phải hối lộ cho một ông nào đó phía bên này, vì lý do, cậu tôi theo mặt trận, trốn vào rừng đã nhiều năm.

Không khí về những ngày ấy, có thể mang nhiều ý nghĩa đối với người lớn, nhưng rốt cuộc, chiến tranh, dường như hoàn toàn vẫn ở ngoài tầm mắt của tôi, vẫn thuộc về một thế giới nào đó mà tôi không tài nào hiểu nổi vì sự bạo tàn của nó. Tuy nhiên, tháng Mười Hai bảy hai, khi những trận mưa bom B52 dội xuống miền Bắc, tôi nhớ rõ đinh ninh cái cảm giác của tôi lần đầu tiên được nhìn thấy hình ảnh Hà Nội; với sông Hồng, với cầu Long Biên..., một cách lờ mờ trong khói bom được chụp từ trên không, đăng ở những nhật báo ba tôi đọc hằng ngày; đã không là cái cảm giác đau đớn, hay thương tâm cho thân phận của dân tộc, mà chỉ là những nỗi niềm bâng khuâng, lãng mạn về một vùng trời gần như đã trở thành huyền thoại. Cái cảm xúc, trữ tình, thương nhớ, có thể nói, “rất Mai Thảo”, mà bọn chúng tôi khi mới vừa bắt đầu lớn, tập tành đọc, tập tành mơ mộng, cứ mang vào trí tưởng tượng, xem như đó là của chính mình.

Thành phố tôi, sau mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị, dân cư đã trở nên đông đúc hơn, nhà cửa bắt đầu được xây san sát nhau hơn, lầu cao hơn, phố xá thênh thang hơn. Tôi nhớ khi hàng cây kiền kiền trước nhà tôi bị đốn vì thiên hạ mở đường, xây cống và làm nhà, tôi đã ngẩn ngơ như tiễn người thân nào đó ra đi không bao giờ trở lại. Thành phố dần dà mất nhiều bóng cây, nhưng dần dà cũng trở nên rộn rã hơn.

Và khi nhiều hàng nhiều quán mọc lên, chen chúc bảng hiệu, đời sống có vẻ nhộn nhịp hơn, thì đâu đó, tôi cũng lãng phai từ từ, mất từ từ đi những tiếc thương vu vơ cho một hàng cây, một góc phố như hàng nghìn đứa con gái mới lớn khác ở thành phố chúng tôi. Chúng tôi có nhiều điều khác để bận rộn hơn. Lúc đó tháng Giêng, bảy ba, hiệp định Paris vừa được ký kết. Vào khoảng thời gian này, tôi mười bốn tuổi, bắt đầu mê làm người lớn, mê thơ Ðinh Tiến Luyện, Từ Kế Tường, mê báo Tuổi Ngọc của Duyên Anh. Nhưng đồng thời cũng bắt đầu mê nhảy đầm, ăn mặc thời trang; kính cận to che trùm cả khuôn măt, áo dài cao quá gối eo xẻ gần chạm dây nịt ngực, mini jupe ngắn cũn cỡn đo từ lưng váy xuống tới gấu chỉ hơn hai mươi phân...





Những tháng năm tôi bắt đầu lớn, ba tôi, vào thời kỳ đất nước lộn xộn như vậy, theo ông, thì phương cách hữu hiệu nhất, chắc ăn nhất để bảo vệ tính mạng cho con, là đưa chúng tôi ra nước ngoài du học. Con gái đi du học, khỏi lấy chồng lính. Con trai đi du học, khỏi đi lính. Ba tôi nói vậy. Và làm vậy. Tuy nhiên khi chị tôi đi rồi, đến lượt ông anh kế lớn hơn tôi vài tuổi, vốn dân học trường Tây từ nhỏ, bỗng thình lình phản đối không chịu đi nước ngoài như vậy. Mãi cho đến bây giờ, tôi thật vẫn không biết anh tôi đã được hay bị giáo dục như thế nào trong suốt những năm chỉ học mỗi tuần vài ba giờ tiếng Việt, hiểu biết lịch sử văn chương Tây nhiều hơn Việt, mà ông lại sợ văn hóa Tây như sợ hủi. Bất đắc dĩ, bất khả kháng, ông mới phun ra một câu tiếng Tây. Tôi vẫn thường hay nói, chúng tôi là... nạn nhân của lòng yêu thương quá đáng từ ba tôi.

Khi anh tôi không chịu đi Tây mặc dầu giấy tờ đã làm xong, visa cũng chuẩn bị lấy, ba tôi đã khóc với anh một trận tơi bời. Nhưng sau cùng thì ba tôi cũng phải đồng ý cho anh tôi học ở Sài Gòn. Ông ra điều kiện, không được tham gia những đêm không ngủ, không được đi biểu tình đấu tranh, không xuống đường, không theo thiên hạ rải truyền đơn, không vào bất cứ tổ chức sinh viên nào; và mỗi năm phải bảo đảm một chứng chỉ để không bị động viên. Tôi không nhớ và không biết anh tôi đã trả lời ra sao với ba tôi, nhưng trong suốt những năm học đại học ở Sài Gòn, anh tôi đậu mỗi năm một chứng chỉ; và hè, Tết, về thăm nhà, anh chỉ lẩn quẩn vào ra nghe nhạc tình, và đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung.

Vào thời gian này, lính Mỹ đã rút quân khỏi Việt Nam rất nhiều. Thành phố tôi, những quán rượu, bar bắt đầu giảm xuống. Những con đường ngày trước, bọn nữ sinh như chúng tôi không dám về qua một mình, đã bắt đầu thấy có vẻ sạch sẽ hơn, bóng dáng những cô gái điếm ăn mặc hớ hênh đã không còn xuất hiện làm gai mắt thiên hạ và làm sợ hãi chúng tôi như trước nữa.

Mọi người rộn ràng hớn hở, sẵn sàng và chờ đón những phép mầu kỳ diệu sắp xảy ra trên quê hương. Hằng ngày người ta nói về chuyện chiến tranh sẽ qua đi. Hòa bình sẽ tới. Chúng tôi nghe Phạm Duy, này em đã đến giờ mẹ đưa em đi chợ; rồi khi đưa nhau về, gặp anh hippy trẻ, mặc áo rách đứng bên lề đường... Cả những loại nhạc chúng tôi không thích, cũng lọt vào tai chúng tôi, một mai khi giã từ vũ khí, rồi sẽ có một ngày chinh chiến tàn....

Hòa bình, trong con mắt mơ ước của nhiều người, lúc ấy, tôi nghĩ có thể chỉ đơn giản là chuyện những anh hippy trẻ sẽ thất nghiệp vì không còn gì để đấu tranh. Là lính không còn phải ra mặt trận. Là những người vợ son không còn phải lắng lo khăn sô sẽ chít lên đầu mình một lúc nào đó. Là lũ chúng tôi, ở lứa tuổi mới lớn, sẽ hết còn hứng những loạt lựu đạn cay, thảy vô trách nhiệm vào sân trường. Là sẽ hết những hôm bị xếp hàng đi biểu tình chống cộng sản. Hết còn phải nghe nhạc phản chiến, nhạc kêu gọi về nguồn...

Hòa bình, đơn giản như con nít đón Tết, vui vẻ như những câu hát, kể chuyện tình bằng lời ca dao. Nhưng hòa bình, chắc chắn không chỉ riêng với chúng tôi dạo ấy, mà với cái không khí chung, là một “cái” gì đó, hết sức trừu tượng, hết sức mơ hồ. Chắc chắn, mỗi người, đã mường tượng, vẽ vời trong trí mình một hình ảnh riêng tư, đặc biệt về ngày ngưng tiếng súng. Hẳn nhiên, chúng tôi không có thể “kết án” người lớn khi mơ về một tương lai tươi đẹp, không nói rằng giấc mơ ấy sai, cũng như không hề phản đối khi người lớn ngợi ca hòa bình; tuy nhiên có thể nói, hầu hết những điều chúng tôi được dạy, được nhồi nhét vào tư tưởng, hoàn toàn không thực tế chút nào.

Nhiều khi tôi tự hỏi có phải chúng tôi đã ngây thơ vì người lớn đã dạy cho chúng tôi những điều ngây thơ, hay bởi chính người lớn cũng ngây thơ? Trong những năm chiến tranh, tôi có cảm giác, nếu tách rời được chúng tôi ra khỏi những diễn biến tàn khốc đang xảy ra trên quê hương chừng nào, thì dường như người lớn càng cố gắng thực hiện chừng nấy. Sau này, tôi vẫn thường tự hỏi, khi gieo mầm lãng mạn vào trí chúng tôi, tình cờ hay hữu ý dạy chúng tôi sống lối sống không dính dáng đến chiến tranh, “ru ngủ” chúng tôi bằng những ảo mộng hòa bình, rời xa thực tế như thế, có người lớn nào đã chịu khó ngồi xuống suy gẫm và tự nhận lấy phần nào trách nhiệm của mình hay không? Có người lớn nào đã đứng lặng yên ở một chỗ, từ trên cao, rồi nhìn xuống những gì chúng tôi trải qua hay chăng? Có ai đã từng nghĩ đến những hoang mang đến gần như tuyệt vọng của chúng tôi, khi đất nước không còn chiến tranh, tất cả mọi điều xảy ra, hoàn toàn chẳng mảy may nào giống như những gì người lớn đã vẽ vời?

Lúc đất nước không còn tiếng súng, tôi chưa học xong trung học. Có nghĩa, ba tôi không còn cần phải đưa tôi ra nước ngoài du học, không còn cần sợ tôi phải lấy chồng lính, cũng không cần phải lo tôi sẽ trở thành góa bụa ở tuổi đương thì. Tất cả mọi thứ lo lắng ấy của ba tôi hoàn toàn biến mất, như người làm xiếc vung chiếc gậy lên làm biến mất những thứ ông ta mới trưng bày trước mặt khán giả.

Nhưng lúc đất nước không còn tiếng súng như vậy, tôi đã ở lại, cách bắt buộc, và đã hứng trọn những cái người ta gọi là đòn thù. Tuổi trẻ tôi, như hàng nghìn hàng triệu người đồng lứa với tôi, đã qua đi trong tối tăm, trong thui chột, mù lòa.




Tôi sẽ không bao giờ dùng chữ hòa bình để nói lên tình trạng đất nước dầu chiến tranh đã qua đi ba mươi năm, bởi vì tôi chưa bao giờ thật sự nhận ra có hòa bình trên quê hương. Tôi hoàn toàn không thể nghĩ đến một điều gì khác, bởi vì vẫn nhìn thấy sự thù hận còn rành rành như một vết cắt trên lớp gốm non, rõ mồn một từng tí chút giữa người và người, giữa kẻ chiến thắng cũng như kẻ bại trận. Tôi cũng không muốn dùng hai chữ hòa bình khi vẫn còn nhìn thấy chính tôi, kẻ chẳng hề tham gia chiến tranh, kẻ chẳng chút nợ nần nào với dân tôi, quê hương tôi, mà vẫn bị người phía bên kia xem như một thứ cặn bã. Hơn như vậy, tôi cũng sẽ chẳng bao giờ dùng đến hai chữ hòa bình, khi ở ngay đây, bên ngoài quê hương, vẫn còn rất nhiều người, mặc dầu cũng đang là những kẻ tị nạn, chính trị, hay kinh tế, như tôi, như bao nhiêu người, nhưng lại dám ngạo nghễ, dùng những giọng điệu hết sức trịch thượng, hợm hĩnh đối với chúng tôi, cái thứ giọng điệu của những kẻ đang ngồi ở ghế thống trị bên nhà. Có thể tôi là người cực đoan, xét nét quá đáng, nhưng cạn lòng mà nghĩ, không lẽ tôi không được phép cho chính tôi được sử dụng những từ ngữ tôi mà tôi muốn hay sao?

Tôi đã ở lại cùng với gia đình mười ba năm. Mười ba năm, dường như chưa hề có một lần tôi được xem là người có thể tin cậy được trong xã hội. Lý lịch gia đình tôi, người ta cho là không bình thường, nói gì đến hai chữ “trong sạch” như yêu cầu. Lý do là lúc ở liên khu năm, ba tôi tham gia kháng chiến, nhưng vì thành thạo tiếng Lào, nên sau thời gian làm việc ở viện quân y, phụ tá cho bác sĩ Tôn Thất Tùng, ông được cử về làm nhiệm vụ canh giữ tù binh Lào. Trên tờ khai lý lịch của anh em tôi sau ngày ba mươi tháng Tư, khi ghi những điều ấy ra, bao giờ người ta cũng tỏ ra nghi ngờ cái thứ công tác lạ tai này của ba tôi. Và chuyện thứ hai, người ta không tin, không chấp nhận được ba tôi, không chấp nhận được tờ khai lý lịch của anh em chúng tôi, là vì ba tôi đã “đưa con ra một nước tư bản, phản động, phát xít” để đi học.

Nên do đó, mặc dầu ở năm cuối cùng bậc trung học, tôi là học sinh xuất sắc của lớp, của trường, là người tham gia đủ mọi công tác, có nhiều khả năng văn nghệ văn gừng báo chí, vượt cả chỉ tiêu nhà trường đòi hỏi, nhưng vẫn không cách gì kiếm ra được một chỗ ngồi trong trường đại học. Hai lần đi thi, tôi hạ từ đại học xuống trung cấp, mà vẫn không đậu. Sau xuống thêm, học nghề chín tháng lại cũng rớt. Ông anh họ tôi, bác sĩ thành ủy Sài Gòn, khuyên tôi nên đi thanh niên xung phong để đổi mới cuộc đời. Mẹ tôi cay đắng bảo tôi nên chịu dốt đi là hơn. Nhưng ngồi nhà vào ra mãi cũng chán ngán, tôi nộp đơn xin đi làm. Không ngờ người ta cho tôi đi làm ngay. Bởi lúc đó công ty cấp ba mới mở, cần gấp một thư ký đánh máy, mà cái huyện lỵ tôi ở, những thứ biết gõ bàn phím chữ dẫu dở như tôi, đếm chắc không đủ mười đầu ngón tay. Tuy nhiên khi đi làm rồi, vào cơ quan nhà nước rồi, tôi mới biết tôi vẫn bị xem như là một thứ lặt lìa, sắp gãy. Thủ trưởng trực tiếp của tôi có lần từng nói với tôi, phải xét lại lý lịch của tôi. Có nghĩa, nếu có “xác minh”, tôi sẽ bị đuổi việc bất cứ lúc nào.

Thuở đó, mỗi ngày tôi gõ năm ba bản công văn, báo cáo của chủ nhiệm công ty thương nghiệp lên huyện, tỉnh, cuối tháng đánh bản lương và hằng tuần lóc cóc mớ hồ sơ, sổ sách cho phòng kế toán, văn bản xin hàng cho phòng kế hoạch... Hoàn toàn đã chẳng có một thứ nào được kể là quan trọng và bí mật. Bởi thứ công văn mật, đã có người khác làm. Tôi giống hệt như một con vẹt chỉ biết nhái lại tiếng người. Khi Trung Quốc chuẩn bị đánh Việt Nam, tôi cũng tham gia tập sử dụng súng và đi gác đêm; nhưng lúc đi khám nghĩa vụ quân sự theo như lời phó phòng hành chánh của tôi tuyên bố “cho có phong trào, chứ không ai kêu nữ đi bộ đội”, thì tôi rớt tuyển. Không phải vì tôi là phụ nữ, mà vì lý lịch tôi đáng ngờ.

Những năm tháng ấy, tôi đã đứng chòng chành trên một chiếc bè, trôi theo dòng định mệnh. Nếu gặp cơn gió mạnh, chắc chắn là tôi đã rơi ngay xuống vũng lầy nghiệt ngã.

*

Tôi ở lại, hứng đủ mọi thứ buồn bã của cuộc đời, từ xã hội đưa đẩy, cho đến những hoàn cảnh chính mình tạo nên do cái vốn sống thiếu thực tế, ngu si về chính trị, dốt nát về ứng xử, đần độn về sự lọc lừa...

Nhiều lúc ngoảnh lại nhìn chặng đường tôi đã đi, tôi tự hỏi, nếu như chính tôi và những người cùng thời tôi, có được một phương hướng nào đó, một chỉ dẫn rõ ràng nào đó, cho dẫu là một phương hướng xấu đi chăng nữa, thì cuộc đời của chúng tôi có thể khá hơn, hay không? Hoặc giả như chúng tôi được dạy dỗ phải căm ghét một chủ nghĩa, thù hận một chế độ, hệt như người miền Bắc đã phải nhận chịu sự giáo dục rập khuôn trong nhiều năm trời, thì có thể chăng, bây giờ chúng tôi cũng được hiên ngang xếp vào một hàng ngũ nào đó?

Ngày xưa ba tôi đơn giản không muốn anh chị em chúng tôi dính dáng gì đến chiến tranh vì chính ông đã từng tham gia, từng dính líu với chiến tranh. Ông từng chứng kiến những nỗi đau đớn của đồng đội ông khi bị bom đạn dày xéo, ông từng tham gia cưa một bàn chân, mổ một quả thận, cắt một khúc ruột đổ ra ngoài thành bụng trong những điều kiện y tế thiếu thốn; nên ông không muốn anh tôi, chồng chị tôi, và chồng tôi sau này, nếu chiến tranh vẫn còn kéo dài, sẽ có một lúc nào đó, giống như những kẻ từng nằm trên bàn mổ của ông ngày xưa.

Ba tôi suy nghĩ đơn giản chỉ vì ông sợ chúng tôi chết trẻ, người phối ngẫu của chúng tôi chết trẻ. Ba tôi căn dặn anh tôi không tham gia đấu tranh. Căn dặn chị tôi lo học cho thành tài. Ba tôi muốn an phận, muốn chúng tôi có một đời sống bình thường. Ông đã khiến được anh tôi bước một bước lùi, vì anh tôi vẫn ở gần ông. Còn chị tôi, những năm tháng chị tôi làm sinh viên xa nhà, học thì học rất giỏi, nhưng đồng thời chị cũng rất tận tình trong những phong trào chống đối chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, phản đối chiến tranh. Tôi không biết nếu như ba tôi vẫn còn sống, và bây giờ có dịp để ngồi xuống với chúng tôi, đề cập đến những vấn đề này, thì ông sẽ trả lời như thế nào đây, và sẽ tự nhận chịu bao nhiêu phần trăm trách nhiệm đối với tổ quốc, quê hương?

*




Người lớn, tôi nghĩ, thường hiểu lầm chúng tôi, như chúng tôi sẽ hiểu lầm thế hệ đi sau mình. Người lớn vẫn đặt ra câu hỏi, tại sao chúng tôi băn khoăn cho hiện tình đất nước, tại sao chúng tôi day trở về những gì đã và đang xảy ra cho quê hương. Tại sao chúng tôi không chịu ngồi yên khi chiến tranh qua đi đã ba mươi năm rồi?

Tôi vẫn thường tự hỏi, cái giá mà đất nước đã phải trả cho bao nhiêu năm chinh chiến là gì? Cái giá mà những đứa nít nhỏ như chúng tôi đã được giáo dục bằng những tư tưởng lãng mạn suốt thời gian ấy là gì? Có ai đã từng tính ra chưa?

Người lớn, có lẽ đã tưởng rằng chúng tôi không tham gia vào trò chơi chiến tranh trong suốt thời gian đất nước có chiến tranh, nên có thể thấy chúng tôi giống hệt như những thứ “nhà giàu đứt tay”. Khi chúng tôi nói lên những suy tưởng của mình về chiến tranh, viết về chiến tranh, có lẽ người lớn tưởng chúng tôi đang nói, đang kể, đang viết về những trận combat trên TV năm xưa. Cũng có người cho rằng vì chúng tôi mất tư thế con ông cháu cha, mất đời sống sung sướng, không còn được hưởng những gì đã có, nên chúng tôi oán hận, chúng tôi thù cộng sản đã đành, mà chúng tôi còn thù cả người lớn, người quốc gia.

Người lớn, hẳn nhiên có quyền nghĩ, và suy diễn theo ý người lớn, bản thân tôi cũng không đại diện cho những người đồng thế hệ mình, để lên tiếng nói. Nhưng tôi thấy không công bình. Thấy dường như chẳng có mấy ai trong thế hệ chúng tôi gọi là người lớn, nghĩ đến những mất mát của chúng tôi. Những mất mát, chẳng phải là một vài cái bằng cấp, một đôi địa vị nào đó trong xã hội, cũng chẳng là những an nhàn vật chất. Mà là tuổi thanh xuân của chúng tôi. Cuộc đời của chúng tôi.

Tôi có thể khẳng định mà không sợ bị chê là nói quá, nói sai, rằng chúng tôi đã không hề có thanh xuân. Bởi chúng tôi chông chênh, không, không phải chông chênh, mà chúng tôi không hề có một chỗ để đứng, không hề có một vị trí để xếp vào hàng. Như lời một người bạn văn lớn tuổi hơn tôi, bảo, chúng tôi là thế hệ những kẻ lọt khe. Thật vậy, chúng tôi đã lọt khe, rơi thỏm, mất hút, giữa dòng lịch sử của dân tộc.

Nước Ðức vừa kỷ niệm sáu mươi năm ngày quân đội đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandie, và ngày Hitler tự sát, để tuyên dương công trạng của quân đội đồng minh, và để nhắc nhở cho thế hệ trẻ về những điều kinh hoàng mà Hitler đã làm trong quá khứ. Nhiều người Ðức đã than phiền rằng lớp trẻ bây giờ vô ơn, không hề biết đến, đoái hoài đến những gì đau thương họ đã từng trải qua. Nhưng chiến tranh đã qua đi trên đất nước này hơn nửa thế kỷ, gần non một đời người, gấp đôi thời gian chiến tranh đã qua đi ở Việt Nam; mà ngoài những điều được kể lại, kể cả những nhọc nhằn, đau đớn cha ông phải chịu đựng, lớp người trẻ của Ðức có quá khứ riêng tư nào về chiến tranh để tưởng nhớ, để mang ơn theo cách người lớn muốn họ tưởng nhớ và mang ơn? Ðôi lúc tôi trộm nghĩ, lớp người trẻ của dân tộc này, một khi còn biết kinh tởm những điều Hitler đã làm, và không gia nhập cái gọi là tân quốc xã, đó đã là điều may cho đất nước họ nói riêng và cho thế giới nói chung rồi.



Người lớn, khi nói về chiến tranh, nói đến cuộc chiến tương tàn của quê hương, thường hay “bắt” chúng tôi đứng ở chỗ, không phía trước, cũng không phía sau. Có nghĩa là không cho phép chúng tôi thờ ơ, lãnh đạm với những gì đã và đang xảy ra cho dân tộc, quê hương, nhưng đồng thời lại cũng không cho phép chúng tôi day trở, băn khoăn như người lớn đang day trở, băn khoăn. Khoảng năm 98, tôi viết xong một cuốn truyện dài (Ở một phía xa lạ), nhắc đến sự nghi ngờ của người lớn khi thấy chúng tôi trong tư thế “đồng minh”. Truyện viết xong, đọc lại, tôi thấy tôi chưa nói được điều tôi muốn nói, nên vẫn để nằm trong máy, không in, mặc dầu có nhà xuất bản đã đọc, và đã đồng ý in cho tôi. Hai năm sau, tôi viết cuốn khác (Ðám táng linh hồn), viết cách cụ thể hơn, tư cách nhân chứng hơn, về những điều xảy ra cho những lớp người cùng lứa tuổi tôi trong thời gian đất nước đã ngưng tiếng súng. Trong truyện, tôi tự lên án chính chúng tôi, và lên án người lớn về những tư tưởng tầm thường, hèn hạ, an phận. Tuy nhiên hoàn tất rồi, tôi cũng vẫn không vừa ý. Sau tôi viết tiếp cuốn thứ ba, chưa có tựa, xong đến hơn phân nửa. Nhưng cuối cùng, đến bây giờ, thì tôi bỏ cuộc. Tôi vất xó hết tất cả những gì tôi đã viết. Bởi tôi luôn luôn cảm thấy những điều tôi viết ra ấy, sẽ có rất ít người đồng cảm, và nếu viết, mà chỉ để giải tỏa một phần nào đó ẩn ức của chính mình, thì tôi sẽ để một chỗ, đọc một mình. Và nếu viết, chỉ để tiêu khiển, thì tôi cứ tiếp tục viết truyện tình yêu sầu đời, chắc chắn sẽ còn được độc giả mến mộ hơn!

Ba mươi năm đã trôi qua, những lớp người biểu tình hò hét phản đối hay ủng hộ chiến tranh, tham gia gián tiếp hay trực tiếp cuộc chiến ấy, giờ hẳn đã biết vị trí mình nằm ở đâu. Kẻ chiến thắng có thể là kẻ hiện đang ngồi sau bốn bức tường nhà giam dưới sự điều khiển của những con người là chiến hữu, là đồng chí của mình năm xưa. Cũng có thể là kẻ đang công thành danh toại, đang làm cái công chuyện ba tôi làm ngày ấy đối với chúng tôi, là chăm chút quần áo, xe cộ cho con cái, rồi gửi chúng ra nước ngoài du học, mặc dầu lý do để đưa con đi không phải vì áp lực của cái chết, cũng không từ đồng tiền lương thiện như ba tôi đã ra sức làm.

Và kẻ bại trận, có thể đang ngồi vá xe, đạp xích lô bên kia đại dương. Cũng có thể đang lãnh lương hưu, tiền welfare, họp bàn chuyện quốc sự, đội đá vá trời đâu đó, với bạn hữu, trong một quán nước, ngoài ghế đá công viên ở Orange County, ở Sydney, ở Toronto. Hoặc cũng thể đang tẩn mẩn viết hồi ký chiến tranh...

Người lớn đã đang và sẽ vĩnh viễn được chọn, được nói đến cái vị trí của mình. Và dẫu cái vị trí đó có thật, hay chỉ là ảo tưởng, thì nó chắc chắn cũng đã là một vị trí, một chỗ đứng một chỗ ngồi. Chỉ có chúng tôi, những lớp người không nhỏ đủ để gọi là chẳng hiểu, chẳng biết gì hết về chiến tranh, nhưng không đủ lớn để tham gia vào cái trò chơi ấy; quả thật chẳng biết mình ở đâu, đi đâu, làm gì cho đúng. Có nên chăng, chúng tôi, tôi và những người đồng thời, sẽ la lối, gào thét lên rằng, chúng tôi là nạn nhân của chiến tranh, của quyền lực, mặc dầu ngày hôm nay, chúng tôi chẳng hề thương phế, chẳng mất đi phần thân thể nào đó của mình trong thời chiến? Cả tâm lý cũng không có dấu hiệu bịnh hoạn, của cái gọi là hội chứng sau chiến tranh.

Nhưng chúng tôi, những kẻ đã sống, ba mươi năm sau chiến tranh, và sẽ còn phải sống nhiều năm nữa, trong trạng thái mập mờ. Bơ vơ và lạc lõng. Không quê hương. Không đồng minh. Không cảm thông.

Chúng tôi đã bị đẩy vào một chốn không có vị trí. Cũng chẳng có chiến tuyến nào dành cho chúng tôi. Xin đừng chất vấn chúng tôi, tại sao... ■

HOÀNG NGA
Nguồn: Kẻ không chiến tuyến - Hoàng Nga

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire