vendredi 11 décembre 2015

Bài Học Từ Vụ Khủng Bố 911 - Vi Anh

http://skds3.vcmedia.vn/2014/1-fdfc123-1-mvem-jpg-1412710039280.jpgCuộc khủng bố ngày 2/12/2015 ở San Bernardino quá nhỏ so với cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 ở New York và Washington DC. Nhưng các chính khách Mỹ ồn ào quá nhiều về cuộc khủng bố Nam Cali. Phe thân Hành Pháp thì lôi tội lỗi tổ tiên ra trách đã cho dân Mỹ quyền có súng, nhiều súng mà phe bên kia đã đánh bại mọi cố gắng kiểm soát và hạn chế. Phe chống Hành Pháp đòi hỏi cấm cửa người nhập cư từ Syria và Iraq, coi là mối đe doạ cho nền an ninh nước Mỹ, bị phe thân Hành Pháp tố là không xứng đáng ra tranh cử tổng thống. Người dân Mỹ đa văn hoá, đa sắc tộc rất buồn. Nhà cha mẹ cháy, anh chị em đồng bào chết, mà không đoàn kết nhau chữa cháy, cứu thương, tìm cách diệt kẻ thù, mà cứ rầy lộn nhau, thật là đáng tiếc.

Ôn cố tri tân. Xin nhắc lại bài học bổ ích và tích cực của tình đoàn kết quân dân cán chính Mỹ đã biến đau thương thành hành động đoàn kết, thống nhứt ngay trong một quốc gia đa văn hoá, đa sắc tộc chính Hiến Pháp cũng nói rõ ràng với danh xưng của nước là Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ. Tình đoàn kết này vẫn keo sơn sau 10 năm Mỹ trải qua cơn khủng bố 911.

Trước nhứt Cựu Tổng Thống Bush và Đệ nhứt Phu nhân Laura Bush thuộc Đảng Cộng Hoà đứng bên cạnh TT Obama và Đệ nhứt Phu nhân Michelle Obama thuộc Đảng Dân Chủ trước đài tưởng niệm Ground Zero, trong kỳ tưởng niệm thứ 10 cuộc khủng bố 911. Thật là cảm động, thật là long trọng trong lần đầu tiên này, từ khi TT Bush mãn nhiệm kỳ bàn giao cho TT Obama.

Khi Toán Người Nhái hạ được trùm khủng bố Bin Laden, TT Obama có đến đây tưởng niệm những người đã bị khủng bố sát hại. Ông có mời Cựu TT Bush cùng đến nhưng TT Bush từ chối. Vì khác với Cựu TT Clinton thường xuất hiện trước công chúng và truyền hình, Cựu TT Bush không muốn xen vào việc làm của vị tổng thống đương nhiệm. Nhưng trong lễ tưởng niệm cuộc khủng bố 911 thứ mười này, lần đầu hai vị TT- TT Bush người ra lịnh đem Bin Laden ra trước công lý sống hay chết và TT Obama kế nhiệm ra lịnh quân đội đột kích đem xác Bin Laden đi chôn ở địa điểm ngoài biển khơi bí mật, không để lại dấu tích - đứng bên nhau cùng tưởng niệm những người vô tội bị khủng bố sát hại một cách oan uổng.

Càng cảm động và đoàn kết hơn khi Bà Michelle Obama ôm choàng Bà Laura Bush khi khóc nức nở trước hồn thiêng những người bị khủng bố tàn sát, ngay tại hiện trường.

Kế đến là ý định hy sinh để cứu thủ đô Mỹ của hai phi công F16. Hai phi công, một nữ trung úy và một nam đại tá, nhận lịnh phải cất cánh hoả tốc, máy bay không gắn kịp hoả tiễn. Hai người dự định dùng máy bay của mình như hoả tiễn để phóng vào diệt chiếc máy bay mà không tặc dùng tấn công vào thủ đô nước Mỹ, theo cuộc phỏng vấn truyền hình của C- Span, nữ phi công đó lúc bấy giờ là Tr/úy Heather Penney, thuộc binh đoàn phòng vệ Quốc gia của Washington DC. Hai phi công này biết mình không có vũ khí cần thiết để hạ máy bay nên quyết định dùng máy bay của mình làm hỏa tiễn. Hai người đồng ý máy bay của đại tá đâm vào buồng lái và máy bay của trung úy đâm vào đuôi máy bay nào không nghe lịnh tránh xa thủ đô Mỹ. Mục đích đâm vào đầu và đuôi là hy vọng giảm bớt nguy cơ cho hành khách thuờng ngồi ở giữa.

Khi cất cánh khỏi sân bay, Tr/úy Penney nói Cô nghĩ đây là lần cất cánh cuối cùng trong đời của mình, vì dùng máy bay đâm vào để tấn công như thế phần chắc là chết như Đội Thần Phong tử chiến của Nhựt. Khó thoát thân vì ghế không bung kịp con người của phi công, và hàng ngàn mảnh vụn của sự đụng chạm sẽ giết người phi công nếu bung lên được.

Nhưng hành khách và phi hành đoàn của chiếc máy bay 93 bị không tặc còn anh hùng hơn. Những người Mỹ này đã khống chế không tặc và máy bay rớt chết hết ở một cánh đồng TB Pennsylvania. Máy bay 93 không đến tấn công được thủ đô Washington, mục tiêu sau này tìm hiểu là khủng bố muốn tấn công Quốc hội Mỹ. Lúc bây giờ Tr/úy không biết tin ấy và vào buổi xế chiều, Tr/úy nhận lịnh hộ tống chiếc máy bay Air Force One chở TT Bush trở lại căn cứ không quân Andrews.

Nữ phi công nói cảm nghĩ của mình. Vì nhiệm vụ khẩn cấp, phải kềm chế cảm xúc, không cần biết chết sống ra sao, thoát hiểm ra sao vì bao nhiêu tâm trí bị nhiệm vụ hoả tốc cuốn hút. Thật đúng với tâm lý người quân nhân trước giờ xung phong sát địch.

Nữ Tr/úy này thuộc lớp phi công nữ đầu tiên được không lực Mỹ tuyển dụng và huấn luyện sử dụng loại phản lực cơ siêu thanh chiến đấu của Mỹ. Sau đó Cô có chồng hai con và giải ngũ một cách danh dự với cấp bực thiếu tá và lần đầu tiên nhận cuộc phỏng vấn truyền hình của C-SPAN.

Tiếp theo là một em bé người Mỹ Đa Đen mới 10 tuổi khi cha bị chết trong cuộc khủng bố 911 ở Tháp Đôi. Em đã biến đau thương thành hành động, như lời Đức Huỳnh Giáo chủ của Phật Giáo Hoà Hảo khuyên bổn đạo: “Kẻ chết đã yên rồi một kiếp, người sống còn tái tiếp noi gương”. Đó là cháu Peter Negron. Ngày lễ Father Day năm 2002, em không muốn gặp, nói, nhìn ai mà chỉ muốn ra nghĩa trang nói “Con nhớ Ba quá, Ba ơi”.

Nhưng hai năm sau, em 13 tuổi, ăn mặc chỉnh tề, dáng đi đau khổ, giọng rung rung, em đọc bài thơ "Stars" do một nhà thơ bé nhỏ Deborah Chandra viết trong lần tưởng niệm thứ hai cuộc khủng bố 911.

Lần tưởng niệm thứ 10 này, Peter Negron đã 21 tuổi, qua truyền hình xuất hiện trước toàn dân Mỹ chia xẻ những suy nghĩ biến đau thương thành hành động của mình. Negron nói Anh dạy người em trai là Austin lúc cha chết mới 2 tuổi bây giờ là 12. “Tôi ráng dạy em tôi tất cả những điều ba tôi dạy tôi. Chụp banh thế nào, lái xe đạp ra sao” và cách làm việc siêng năng ở trường. Negron nói y học được ở người cha nhiều hơn khi cha chết. Negron nói muốn trở thành một pháp y và Negron hy vọng cha anh sẽ hãnh diện về hai người trẻ, anh và em anh. “Con nhớ Ba rất nhiều, Ba ơi.” Là lời kết luận bài nói chuyện của Anh.

Và người Mỹ cũng vậy, tổ chức và dự lễ tường niệm ngày 11 tháng 9, toàn dân và toàn quốc. Tưởng niệm vì coi nhớ là bổn phận, nhớ để rút bài học cho hiện tại và tương lai. Có người đến Ground Zero từ chiều hôm trước, đứng tưởng niệm, hồi tưởng, nhớ nhung, suy nghiệm đến mặt trời mọc ngày hôm sau. Trong buổi lễ hai vị tổng tồng nói chuyện và tất cả khối người tham dự mười lần im lặng để mặc niệm. Tên của 2.983 người vô tội chết oan vì khủng bố xuớng lên, trầm buồn, tức tưởi. Hình ảnh của những người chữa lửa hy sinh để cứu nạn nhân như phảng phất đâu đây. Bóng tối của đau thuơng, uất hận hoà lẫn với ánh sáng của niềm tin và hy vọng. Hàng hàng, lớp lớp người Mỹ đến tham dự lễ tưởng niệm bất chấp nguy cơ khủng bố có thể tấn công vào ngày thảm kịch này. Có người từ ngoại quốc bay về để thể nghiệm điều đau khổ của thảm kịch Mỹ và chia xẻ quyết tâm đoàn kết của đất nước nhân dân Mỹ.

Truyền thông đại chúng Mỹ bỏ thói quen nhìn mặt trái tiêu cực của sự kiện để làm tin tức lạ hấp dẫn, trong mấy ngày tưởng niệm đi hầu hết các tin trong đau thương con người đoàn kết lại, tinh thần Mỹ out of many one.

Qua cuộc tưởng niệm vụ khủng bố 911 thứ mười, cảm tưởng đọng lại rõ rệt, là người Mỹ "Không bao giờ quên". Nhiều người nghĩ và làm như thế và có người nói lên ý này qua hàng chữ in trên áo.

Sau cùng là suy luận tương cận cuộc khủng bố 911 của Mỹ và 30 tháng Tư của VN. Người Việt tỵ nạn CS ở hải ngoại, nhứt là người Mỹ gốc Việt học được gì qua bài học đau thương 30 tháng Tư 75 của Việt Nam nước nhà mình. 30-4-75 là ngày Quốc Hận đối với người Việt Quốc gia nhứt là với người Việt ở vùng Việt Nam Cộng hòa và người Việt may mắn đi tỵ nạn CS. Tưởng niệm 30 tháng Tư là nhớ chân lý đất nước còn là còn tất cả, đất nước mất là mất tất cả. Hơn 40 năm sau sau khi CS Hà nội gồm thâu cả nước, VN đang đứng trước một nguy cơ nước VN mất vào tay Trung Cộng với sự thông đồng của Việt Cộng đang thống trị VN. 40 năm sau, CS Hà nội vẫn coi người Việt yêu và đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN là lực lượng thù địch. Chẳng những CS Hà nội triệt hạ người Việt yêu và đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN trong nước mà còn thò bàn tay lông lá ra phá các cộng đồng người Việt sống không nổi với CS độc tài đảng trị toàn diện phải đi ngoại quốc để tỵ nạn CS. Người Việt tỵ nạn CS hải ngoại rút kinh nghiệm lịch sử sẽ thấy nếu để CS xâm nhập, lũng đoạn, khống chế các cộng đồng hải ngoại thì khác với ngày 30-4-1975. Bây giờ nếu cộng đồng người Việt ở hải ngoại bị CS khống chế, thì người Việt yêu tự do, dân chủ không còn nơi nào để tỵ nạn CS nữa./.(VA)

https://vietbao.com/a246601/bai-hoc-tu-vu-khung-bo-911


 

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire