Đặng Chí Hùng (Danlambao) - Tôi xin được trình bày ở bài viết này sự thật về cái gọi là “Cải cách ruộng đất” man rợ ở Miền Bắc. Nó không mới lạ với đa số bạn đọc. Nhưng lâu nay, người cộng sản hoặc bênh vực cho cộng sản đổ tội cho ông Trường Chinh, Lê Văn Lương... Điều này không sai nhưng chưa đủ. Vai trò và trách nhiệm của ông Hồ Chí Minh trong chiến dịch dẫn đến cái chết của gần 200,000 người dân vô tội cần được vạch rõ.
A. Cải cách ruộng đất (CCRĐ) hay trò chơi với xác người?
1. Bối cảnh lịch sử và vấn đề cải cách nông nghiệp tại miền Bắc:
Đảng cộng sản dưới sự chỉ đạo của
ông Hồ Chí Minh đã thực hiện CCRĐ trong tính toán của minh và theo tinh
thần của “đàn anh” Trung cộng làm trong “Cải cách văn hóa”. Đây cũng là
một trong những điều chứng tỏ ông Hồ và đảng cộng sản luôn luôn đưa
mình vào vị thế làm chư hầu cho Trung cộng (đã trình bày ở phần 4).
Điều này cũng không có gì quá
ngạc nhiên vì trong các chế độ Cộng sản, bản chất của Cải cách Ruộng đất
là đảo lộn toàn bộ tổ chức xã hội bằng cách phế bỏ quyền tư hữu đối với
tất cả ruộng, đất, vườn, ao, hoa màu, trâu bò và dụng cụ sản xuất như
cày, bừa, cuốc, xẻng v.v... …
Thực chất vấn đề là nó biến cuộc
nổi dậy theo cách gọi của Việt Minh thành một cuộc trả thù đẫm máu. Nó
không khác gì một cuộc diệt chủng áp dụng lên chính đồng bào của mình.
Chiến dịch CCRĐ xảy ra vào giai
đoạn mà đảng Cộng sản Việt Nam đã củng cố được địa vị lãnh đạo và quyền
lực. Sau khi cướp được chính quyền vào năm 1945, đảng cộng sản đã tiêu
diệt các lực lượng và đảng phái quốc gia cũng như dân tộc khác từ năm
1946. Trong giai đoạn từ 1946 đến 1950, đảng cộng sản Việt Nam bị tách
biệt với phong trào cộng sản Quốc tế, không thể nhận sự giúp đỡ của Liên
Xô và Trung Quốc và vì còn yếu nên còn cần sự hợp tác của các thành
phần không Cộng sản trong hàng ngũ Việt Minh. Khi đảng cộng sản Trung
Quốc chiếm được chính quyền tại Trung Quốc tháng 10-1949, biên giới Việt
Nam–Trung Hoa thông thương được. Cộng sản Việt Nam được Trung cộng viện
trợ vũ khí, cán bộ huấn luyện. Lúc đó đảng cộng sản cũng đã nắm vững
tình hình trong nước nên có thể thi hành biện pháp có tính cách Cộng sản
mà trước đây đảng cộng sản chưa thể làm vì chưa đủ sức chống đỡ với sự
phản đối của quần chúng và các tổ chức không theo cộng sản.
Chiến dịch Cải cách Ruộng đất và
một số các chiến dịch thuộc vào giai đoạn hai trong sách lược cách mạng
vô sản của đảng Cộng sản: giai đoạn đầu là Cách mạng Dân tộc Dân chủ Nhân dân, giai đoạn hai là giai đoạn Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa.
Chỉ từ giai đoạn hai trở đi thì các đặc tính của cộng sản mới lộ ra.
Đây là chiêu lừa đảo rất tinh vi của cộng sản. Họ lợi dụng cách mạng dân
tộc để lừa bịp nhân dân chiến đấu, đóng góp cho chế độ độc tài kéo dài
đến ngày hôm nay.
Tại văn kiện đại hội đảng để thực hiện việc cải cách ruộng đất (Nhà xuất bản chính trị đảng cộng sản việt nam- trang 5) có đánh giá: “…Việc
đấu tranh giai cấp giữa địa chủ và nông dân đã được đặt ra ngay từ khi
thành lập Đảng. Đây là vấn đề bức thiết cần phải thực hiện trong thời
gian tới đây. Chúng ta nhận thấy rằng từ có từ 90% đến 95% dân chúng
Việt Nam là nông dân, và trong số này thì chỉ có khoảng 5% là địa chủ
phú nông, còn đa số đều là người làm thuê, làm mướn, tá canh, tá điền.
Do đó, chúng ta muốn làm cách mạng xã hội phải lôi cuốn được khối đa số
đó, phải thỏa mãn khối đa số đó bằng quyền lợi để tiến hành cách mạng
dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội...".
Như vậy, qua đây có thể thấy đảng
cộng sản chỉ muốn lợi dụng số đông nông dân có dân trí kém để thúc đẩy
một cuộc cướp bóc, trả thù đẫm máu với giai cấp trí thức hơn. Họ nhằm
hai mục tiêu: (1) Đạt được ý nguyện cướp bóc, trả thù và (2) lợi dụng đó
làm bàn đạp cho chế độ đảng trị khi trói buộc lợi ích của nông dân vào
thòng lọng giăng sẵn.
2. Các bước thực hiện cải cách ruộng đất:
Giai đoạn khởi động: Vào
giữa năm 1949, khi sửa soạn chuyển qua giai đoạn phản công quân sự, Việt
Minh đã vững mạnh ở vùng nông thôn và nhất là rừng núi Việt Bắc. Lúc
đầu, Việt Minh thực hiện cuộc CCRĐ thử nghiệm, chỉ kiếm cách tăng gia
sản lượng nông nghiệp nhắm cung ứng nhu cầu đội quân càng ngày càng gia
tăng. Để khuyến khích nông dân ra sức cày bừa, chính phủ Việt Minh đã ra
sắc lệnh số 78/SL ngày 14-7-1949 thành lập "Hội đồng giảm tô",
ấn định các chủ đất (Việt Minh gọi là địa chủ) phải giảm thiểu đồng bộ
tiền thuê đất (địa tô) cho tá điền là 25%, có nơi có thể giảm tối đa 35%
trong trường hợp tá điền quá nghèo khổ. Sau đó, thông tư liên bộ số
33/NVI ngày 21-8-1949 đưa ra những nguyên tắc chủ yếu về việc phân chia
tạm thời cho nông dân ruộng đất tịch thu của các điền chủ người Pháp và
những điền chủ "Việt gian", tức là những người bị Việt Minh kết tội thân
Pháp, hoặc không cộng tác với Việt Minh.
Giai đoạn hai: Trong năm
1950, một loạt sắc lệnh nông nghiệp ra đời có tính cách mỵ dân, nhắm đẩy
mạnh sản xuất, phục vụ công cuộc kháng chiến của Việt Minh, bắt đầu
bằng sắc lệnh số 20/SL ngày 12-2-1950 ra lệnh tổng động viên toàn bộ "nguồn nhân lực, vật lực (gia súc, công cụ) và tài lực (tiền bạc) cho tổ quốc".
Sau đó, ngày 22-5-1950, xuất hiện cùng một lúc hai sắc lệnh. Sắc lệnh số 89/SL
quyết định xóa bỏ tất cả những hợp đồng vay nợ giữa tá điền với điền
chủ ký kết trước năm 1945, và xóa bỏ cả những hợp đồng ký kết sau năm
1945 nếu con nợ đã trả đủ 100% số tiền đã vay, hoặc con nợ đã từ trần vì
sự nghiệp của Việt Minh thì gia đình khỏi trả nợ.
Sắc lệnh thứ hai do chính phủ VM ban hành cùng ngày 22-5-1950 mang số 90/SL, quốc hữu hóa tất cả những đất đai đã bỏ hoang trong 5 năm liên tục kể từ ngày ra sắc lệnh.
Giai đoạn ba: Giai đoạn
thứ ba bắt đầu bằng sắc lệnh ngày 20-4-1953, đăng trên Công báo Việt
Minh ngày 20-5-1953. Sắc lệnh nầy không có gì mới lạ, chỉ củng cố những
"thành quả" của cuộc Cải cách trước. Lần nầy, giá thuê đất được hạ thêm
25% để "làm thế nào cho tiền thuê đất không thể vượt quá 1/3 lợi tức mùa gặt."
Luật mới quy định các chủ đất không được buộc tá điền phải đóng thêm
tiền cho các phí tổn khác, như tiền thuê dụng cụ hay trâu bò cày bừa
(điều 6), cũng như cấm các chủ đất hủy bỏ những hợp đồng cũ để ký kết
những hợp đồng tương tự khác (điều 14, 16). Sắc luật nầy nhắc lại việc
hủy bỏ hoàn toàn tiền nông dân vay nợ trước tháng 8-1945 (điều 17), và
hoãn lại những món nợ của các thành phần ưu đãi của Việt Minh (binh sĩ
Việt Minh, người nghèo...) trong trường hợp những chủ nợ đang sống trong
vùng do chính quyền Quốc gia kiểm soát (điều 18). Đối với những chủ nợ
sống tại vùng Việt Minh, các con nợ vay sau 1945 cũng được giảm từ 18
đến 20% (điều 21). Sắc lệnh nầy quyết định tịch thu tất cả những tài sản
của "đế quốc" Pháp, "Việt gian" và "địa chủ ác ôn" để phân phối lại cho
những người không có đất đai nhà cửa, và ưu tiên cho những thành phần
nòng cốt của Việt Minh (điều 25 đến 30). Cuối cùng, sắc luật nầy thành
lập "Ủy ban nông nghiệp" các cấp. Ở trung ương, Ủy ban nông nghiệp do
thủ tướng đứng đầu, gồm bộ trưởng Canh nông, bộ trưởng Nội vụ, đại diện
Mặt trận Liên Việt, và hai đại diện của Ủy ban Liên lạc Nông dân. Ở mỗi
cấp hành chính, cho đến cấp xã đều có những "Ủy ban nông nghiệp" gồm
những nhân vật tương tự ở mỗi cấp (điều 35, 36).
Giai đoạn thứ tư: Vào cuối
tháng 11 đầu tháng 12-1953, Việt Minh triệu tập Đại hội Đại biểu đảng
Lao động, và Đại hội Trung ương đảng tại vùng chiến khu Việt Bắc. Đề tài
thảo luận chính của khóa họp đảng Lao động lần này là câu khẩu hiệu "Ruộng đất cho người cày".
Sau gần một tháng hội họp, kết quả thảo luận của Trung ương đảng được
đưa cho quốc hội Việt Minh thông qua để có hình thức dân chủ, trong kỳ
họp ngay sau đó. Quốc hội nầy thành lập từ năm 1946 gồm 444 người, nay
chỉ có 171 đại biểu dự họp. Đảng Lao động quyết định thực hiện dần dần
cuộc CCRĐ theo một kế hoạch được soạn thảo kỹ lưỡng.
Sắc lệnh CCRĐ lần này hơi khác
với đường lối cải cách của Liên Xô. Tại Liên Xô, đảng Cộng sản Liên Xô
xóa bỏ hẳn sự tư hữu đất đai, và nông dân chỉ có "quyền lao động". Việt
Minh theo đường lối cải cách của Trung Cộng và Bắc Triều Tiên, trên lý
thuyết không xóa bỏ hẳn quyền sở hữu đất đai của nông dân mà cho phép
dân cày có quyền có đất. Việc này thực sự chỉ có trên lý thuyết, chứ
trong thực tế, nhà nước Cộng sản quản lý toàn bộ đất đai.
Mở đầu, Sắc lệnh ngày 4-12-1953
nêu lên ý nghĩa và mục đích của cuộc CCRĐ lần nầy là "bãi bỏ toàn diện
quyền sở hữu đất đai của "Thực dân Pháp" và của tất cả những "đế quốc"
khác, đồng thời thiết lập quy chế sở hữu đất đai của nông dân" (điều 1).
Toàn bộ đất đai của "Thực dân Pháp", "Việt gian", "địa chủ phản động",
và những "phú hộ ác ôn" đều bị tịch thu (điều 1). Đất đai của những
thành phần dân chủ tiến bộ, kháng chiến và hợp tác với Việt Minh sẽ được
trưng dụng. Nhà nước sẽ bồi thường hằng năm khoảng 1,5% tài sản (điều
4). Đối với những điền chủ lẩn tránh chính sách bằng cách sang, bán,
chuyển nhượng đất đai sau cuộc CCRĐ lần thứ ba (20-4-1953), nhà nước xem
đó là những hành động bất chính, sẽ trưng dụng đất đai và bồi thường
bằng tín phiếu ngân hàng (điều 5). Cuối cùng, sắc lệnh nầy cấm đoán mọi
sự phản kháng cuộc CCRĐ (điều 35), và quy định việc thiết lập tòa án
nhân dân đặc biệt để xét xử những thành phần chống lại cuộc CCRĐ của
Việt Minh (điều 36).
Giai đoạn thứ năm: Vào
giữa năm 1954, nước Việt Nam bị chia hai bằng Hiệp định Genève ký kết
ngày 20-7-1954, theo đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tức Việt Minh Cộng sản
cai trị ở phía bắc vĩ tuyến 17, Quốc gia Việt Nam ở phía Nam. Nói cách
khác, Cộng sản không còn ở rải rác trong các chiến khu khắp Bắc, Trung
và Nam Việt Nam, mà tập trung tại vùng phía bắc vĩ tuyến 17 đến biên
giới Trung cộng. Hồ Chí Minh và đảng Lao động muốn áp đặt một chính
quyền độc tài theo chủ thuyết Mác-Lê trên lãnh thổ miền Bắc. Muốn thế,
họ nhắm ngay đến thành phần rộng rãi chiếm đại đa số xã hội Việt Nam, đó
là nông dân ở thôn quê. Nắm được nông thôn, kho lương thực của dân
chúng, thì Cộng sản sẽ nắm được thành thị không mấy khó khăn.
Tình hình ruộng đất ở Bắc Việt
thay đổi lớn lao sau hiệp định Genève, vì khoảng 1,000,000 người bỏ đất
Bắc di cư vào Nam, để lại toàn bộ điền sản tại quê nhà. Sau khi tái tổ
chức chính quyền, tạm ổn định tình hình, Hồ Chí Minh ký sắc luật về CCRĐ ngày 14-6-1955.
Sắc luật nầy dựa căn bản trên hai sắc lệnh tháng 4 và tháng 12 năm
1953, theo đó nhà nước tịch thu toàn bộ tài sản (đất đai, nhà cửa, gia
súc, nông cụ…) của những người "Thực dân", địa chủ gian ác, cường hào ác
bá, "Việt gian" phản động; trưng thu không bồi thường và thu mua đất
đai, nông cụ, gia súc thuộc các nhân vật "tiến bộ", các địa chủ đã tham
gia kháng chiến, các địa chủ thuộc thành phần thương gia hay kỹ nghệ
gia; truất hữu đất đai của các tổ chức tôn giáo như Công giáo, Phật giáo
(chương 2).
Chú ý: Tất cả các
văn bản, công văn có số ở phần trên có trong cuốn: Tập hợp văn kiện văn
bản của đảng trước 1975 (Nhà xuất bản văn hóa- của đảng cộng sản) và một
số lưu tại thư viện quốc gia Việt Nam. Đây là các tài liệu củ đảng cộng
sản, được đảng cộng sản công khai. Bạn đọc có thể kiểm chứng. Hoặc có thể truy cập vào:
sẽ có đầy đủ các văn bản tại phần trên (Website này là thư viện pháp luật của bộ tư pháp Việt Nam).
3. Tiến hành:
Từ 1949 đến 1956, Việt Minh Cộng
sản mở năm đợt Cải cách Ruộng đất (CCRĐ). Sau mỗi đợt, Việt Minh tổ chức
hội nghị rút ưu khuyết điểm, để rồi tiến hành tiếp đợt khác. Trong hai
đợt đầu (1949 và 1950), Việt Minh thực hiện cải CCRĐ nhẹ nhàng để phục
vụ nhu cầu lương thực, nuôi quân trong hoàn cảnh chiến tranh.
Năm 1949, Mao Trạch Đông và đảng
Cộng sản chiếm được lục địa Trung Hoa, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa. Trung cộng thừa nhận chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của
Hồ Chí Minh ngày 18-1-1950. Tiếp theo, Liên Xô thừa nhận ngày 30-1-1950.
Tháng 2-1950, Hồ Chí Minh qua Bắc Kinh và Moscow xin viện trợ. Khi gặp
Hồ Chí Minh, Stalin ra lệnh cho Hồ Chí Minh phải thực hiện ngay hai
việc: thứ nhất tái công khai đảng Cộng sản và thứ hai đẩy mạnh CCRĐ theo
đường lối Cộng sản. Stalin chỉ đạo cho Hồ Chí Minh phải cử người sang
Trung cộng học tập phương pháp CCRĐ triệt để, vì lúc đó mối liên lạc
Xô-Trung còn bình thường và vì Việt Nam nằm sát biên giới Trung cộng.
(Links : http://tennguoidepnhat.net/2012/04/06/về-chuyến-tham-bi-mật-lien-xo-va-trung-quốc-nam-1950/). Đây là trang web của ban tuyên giáo Trung ương đảng cộng sản Việt Nam.
Sau khi về nước, Hồ Chí Minh liền
triệu tập Đại hội lần 2 đảng Cộng sản Đông Dương tại chiến khu rừng núi
Tuyên Quang, tái công khai đảng Cộng sản dưới danh xưng mới là đảng Lao
động ngày 19-2-1951, do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, Trường Chinh làm tổng
bí thư. Trong Đại hội nầy, Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Về lý luận,
đảng Lao động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin… lấy tư tưởng Mao Trạch
Đông làm kim chỉ nam… Tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin”. (Trích Hồ Chí Minh toàn tập-Sách của đảng cộng sản Việt Nam). Chẳng những thế, cũng trong Đại hội này, Hồ Chí Minh còn nhiều lần tuyên bố: “Ai có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể sai được”. (Nguyễn Minh Cần, Đảng Cộng sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào Cộng sản quốc tế, 2001, tr. 63.)
Để tiến hành CCRĐ, sau Đại hội 2,
Việt Minh cử người sang Trung cộng tham dự khóa học tập về chủ nghĩa
Mác-Lênin tổ chức tại Bắc Kinh cho các đảng Cộng sản các nước Á Châu như
Indonesia, Mã Lai, Thái Lan, Pakistan, Philipin, Nhật Bản, chính là để
học phương thức CCRĐ theo đường lối Trung cộng. Phái đoàn nầy trở về
liền được đảng LĐ gởi tổ chức thí điểm CCRĐ, bắt đầu phát động "giảm tô,
giảm tức" ở vài tỉnh Việt Bắc và ở Thanh Hóa.
Các thành phần theo quy định của
Việt Minh cộng sản Đối với các thành phần nông nghiệp, VM ra sắc lệnh
vào tháng 3-1953 ấn định các thành phần xã hội ở nông thôn như sau (Bernard Fall, sđd. tr. 283):
Địa chủ: là những người có
nhiều ruộng đất mà không trực tiếp canh tác. Địa chủ được chia thành ba
hạng: địa chủ thường (có khoảng dưới 5 mẫu ta, đủ ăn, không phạm tội ác
ôn dưới thời Pháp thuộc), địa chủ cường hào ác bá (những người hiếp
đáp, ngược đãi bần nông và bần cố nông), địa chủ phản động (quan lại
phong kiến, Việt Quốc, Đại Việt, hay thân Pháp).
Phú nông: có khoảng 3 mẫu ta đất, có một con trâu, tự đứng ra canh tác và thuê nông dân trong việc canh tác.
Trung nông: có dưới 3 mẫu
ta, trực canh, đủ sống. Trung nông chia thành 2 loại: trung nông cấp cao
(có dưới 3 mẫu ta, có một con trâu hay bò), và trung nông cấp thấp (có
dưới 1 mẫu ta ruộng).
Bần nông: có ít sào đất, không đủ sống, phải đi làm thuê cho địa chủ hay thuê đất của địa chủ rồi trả địa tô.
Bần cố nông: hoàn toàn
không có đất, không có gia súc, không có nông cụ, làm thuê đủ thứ nghề
để sống. (Lâm Thanh Liêm, bđd. sđd. tt. 187-188).
Đường lối đấu tranh CCRĐ là: dựa vào bần cố nông, lôi kéo (tranh thủ) trung nông, cô lập phú nông, và tập trung mũi nhọn vào địa chủ. (Trích trong hồ sơ của hội đồng CCRĐ- thư viện pháp luật Việt Nam).
Khích động khát máu - "Thà chết mười người oan còn hơn để sót một địch":
Để khích động nông dân hưởng ứng cuộc CCRĐ, ban cải cách phải theo đúng
ba giai đoạn đề ra do sắc lệnh ngày 12-4-1953 như sau:
Thứ nhất: kích động
tâm lý quần chúng chống lại các địa chủ bằng cách đưa cán bộ về thực
hiện "tam cùng" hay "tam đồng" với bần nông, để "thăm nghèo hỏi khổ" và
sau đó "bắt rễ, xâu chuỗi".
Thứ hai: Sau khi
len lỏi "bắt rễ xâu chuỗi", và nhờ thông tin của rễ chuỗi nầy, nắm vững
tình hình các gia đình trong địa bàn hoạt động, cán bộ bắt đầu đánh giá
và xác định lại các thành phần xã hội đã được Ủy ban hành chánh địa
phương sắp xếp theo Sắc lệnh tháng 3-1953 nêu trên. Từ đó, đội công tác
mới quyết định các đối tượng sẽ bị đấu tố. Đây là cơ hội giải quyết
những ân oán đã có từ trước ở trong làng, ví dụ rút địa chủ xuống hàng
phú nông cho nhẹ tội, hay ngược lại đưa phú nông lên hàng địa chủ cho
nặng tội.
Thứ ba: Thiết lập
tòa án nhân dân để xét xử những kẻ có tội với nhân dân. Để việc xét xử
đạt kết quả đúng yêu cầu của đảng LĐ, các bần nông được tổ chức chặt chẽ
và sửa soạn kỹ càng để họ chủ động đấu tố.
Trong năm 1953, mọi việc đã chuẩn
bị đầy đủ để tiến hành CCRĐ, nhưng vào đầu năm 1954, chiến tranh đến
hồi khốc liệt và sắp kết thúc, chính phủ VM bận giải quyết chiến trường,
vận động ngoại giao, rồi ký kết Hiệp định Genève nên cuộc CCRĐ tạm đình
hoãn vì sợ tiếng vang lan truyền khắp nơi, khiến dân chúng lo sợ bỏ di
cư vào Nam. Việt Minh chỉ đình hoãn chứ không bãi bỏ.
Sau Hiệp định Genève ngày
20-7-1954, đảng Lao Động cai trị phía bắc vĩ tuyến 17 (bắc sông Bến Hải,
Quảng Trị). Ổn định xong tình hình, đảng Lao động mở lại cuộc CCRĐ giai đoạn 5. Lần này việc tổ chức có quy củ rõ ràng, do Ủy ban CCRĐ đứng đầu.
Ủy ban cải cách: gồm hai cấp trung ương và địa phương.
Cấp trung ương: do tổng bí thư đảng Lao động là Trường Chinh - Đặng Xuân Khu làm chủ tịch, có ba người phụ tá là Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương (đều là ủy viên Bộ chính trị) và Hồ Viết Thắng
(ủy viên Trung ương đảng). Hồ Viết Thắng giữ chức giám đốc, trực tiếp
điều hành cuộc Cải cách theo mệnh lệnh của Trường Chinh. Hồ Viết Thắng
đã từng đi học ở Trung cộng, được Trường Chinh giao nhiệm vụ mở "Trung tâm đào tạo cán bộ Cải cách Ruộng đất" tại chiến khu Cao Bắc Lạng.
Cấp tỉnh: Hồ Viết
Thắng bổ nhiệm những người đã được đào tạo về các tỉnh tổ chức các đoàn
CCRĐ. Trung bình mỗi tỉnh có 10 đoàn, mỗi đoàn có khoảng 100 cán bộ do
một đoàn trưởng đứng đầu, quyền hạn tương đương với một bí thư đảng cấp
tỉnh, nhận lệnh trực tiếp từ Ban cải cách trung ương, không qua trung
gian hệ thống đảng hay chính quyền địa phương. Mỗi đoàn gồm nhiều đội,
mỗi đội có khoảng 6 hay 7 cán bộ. Đội trưởng được chọn trong số bần nông
hay bần cố nông, nhất là những người đã từng có kinh nghiệm tham gia
các CCRĐ trước đây. Các đội có quyền hạn tuyệt đối, nhận lệnh thẳng từ
Ủy ban CCRĐ, đúng như câu tục ngữ lúc đó "nhất đội nhì trời", được quân
đội bảo vệ để thi hành công tác, và được nhà cầm quyền địa phương cung
cấp đầy đủ tài liệu theo chính sách của đảng và nhà nước. (Lâm Thanh Liêm, sđd., bđd. tt. 184-185).
Nguyên tắc hành động căn bản của các Ủy ban CCRĐ là câu khẩu hiệu: "Thà chết mười người oan còn hơn để sót một địch" (Trích trong hồ sơ của hội đồng CCRĐ- thư viện pháp luật Việt Nam). Chính câu khẩu hiệu nầy đã đưa đến việc giết hại tràn lan biết bao nhiêu lương dân vô tội.
Câu khẩu hiệu này xuất hiện trong bài diễn văn của luật sư Nguyễn Mạnh Tường.
Theo bài diễn văn luật sư Nguyễn Mạnh Tường đọc tại cuộc họp Mặt trận
Tổ quốc ở Hà Nội ngày 30 tháng Mười 1956, cuộc cải cách ruộng đất được
thực hiện với phương châm "thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch".
Phương châm này đi ngược lại với quy tắc cơ bản của pháp luật, trong
trường hợp này là "thà 10 địch sót còn hơn một người bị kết án oan". Cụ
thể các quy tắc pháp lý đã bị xâm phạm là:
Không xử phạt các tội đã phạm quá
lâu đến hiện tại mới điều tra ra. Trách nhiệm của phạm nhân thì chỉ một
mình phạm nhân chịu, không quy kết cho vợ con, gia đình. Muốn kết án
một người phải có bằng chứng xác đáng. Thủ tục điều tra, xét xử phải bảo
đảm quyền lợi của bị can. Bị can có quyền nhờ luật sư bào chữa. Phải
tôn trọng bị can trong quá trình truy tố và xét xử; khi bị can ra trước
tòa không được xiềng xích và không được dùng nhục hình.
Đoàn và đội công tác phóng tay
phát động quần chúng đấu tranh CCRĐ hoạt động theo kiểu khủng bố: Bí mật
đến một địa phương nào đó, bí mật hành động... và gieo rắc tai ương
khủng khiếp cho địa phương. Không những chỉ địa chủ, phú nông sợ hãi mà
toàn thể dân chúng và cả các cấp chính quyền cũng như quân đội địa
phương đều sợ hãi, vì bất cứ ai cũng có thể bị dính tên vào sổ đấu tố mà
không ai có thể đoán lường trước hậu quả.
Tòa án nhân dân:
Sắc lệnh năm 1953 cũng như Sắc lệnh năm 1955 đều thiết lập tòa án nhân
dân để xét xử những tội phạm trong CCRĐ. Tòa án nầy được tổ chức ở những
vùng có cải cách, chánh án là một đội viên trong đội cải cách, biện lý
(công tố) là một nông dân hay bần nông đã từng làm việc (gia nhân, tá
điền…) trong nhà của bị cáo, biết rõ lý lịch khổ chủ. Các quan tòa nầy
chỉ là những kẻ dốt nát, lâu nay thấp kém, bỗng chốc được cất nhắc lên
địa vị quan trọng, nên hạch sách trả thù, moi ra hay bịa đặt mọi thứ gọi
là thói hư tật xấu của khổ chủ, đặc biệt là tội dâm ô, để đấu tố. Đặc
biệt trong tòa án nhân dân không có người đóng vai trò luật sư biện hộ,
và cũng chẳng ai dám biện hộ cho bị cáo cả. Quân đội bảo vệ tòa án và
những người tham dự đều là những người do Cộng sản sắp đặt trước, hò hét
khuyến khích người đóng vai "công tố", bằng cách chửi rủa hoặc tố cáo
thêm những “tội ác”.
4- Hậu quả của cải cách ruộng đất:
Cộng sản độc quyền đất đai: Theo
nguồn tin từ phía Liên Xô, cuộc Cải cách Ruộng đất đã tịch thu 702,000
mẫu tây ruộng đất, 1,846,000 nông cụ, 107,000 trâu bò, 22,000 tấn thực
phẩm. Tất cả những thứ đó đã được chia lại cho 1,500,000 gia đình nông
dân và bần nông. Như thế mỗi gia đình nhận được 0,46 mẫu tây, một nông
cụ, và những gia đình 13 người mới nhận được một con trâu hay bò. Theo
tác giả Bernard Fall, một gia đình nông dân bốn người cần có ít nhất 1,5
mẫu tây để bảo đảm đời sống, đó là chưa kể đến thuế nông nghiệp phải
đóng hằng năm. (Bernard Fall, sđd. tt. 271, 282).
Hoặc tài liệu của đảng cộng sản trích trong cuốn: (Những điều cần nhìn lại sau CCRĐ- NXB Văn hóa- của ĐCSVN):
Cải cách Ruộng đất đã tịch thu của bọn địa chủ và cường hào 760,000 mẫu
ruộng đất canh tác, 112,000 con trâu bò và gia súc, 26,000 tấn thực
phẩm, lương thực….
Sự phân chia đất đai theo đơn vị gia đình, dựa trên số thành viên thực sự lao động và không dựa trên giới tính.
Tuy chia đất cho nông dân, nhưng
sau cuộc CCRĐ, Cộng sản tổ chức những hợp tác xã nông nghiệp, và ép nông
dân phải gia nhập hợp tác xã nông nghiệp. Quá khiếp sợ trước cảnh tra
tấn trong CCRĐ, không một nông dân nào dám phản đối. Thế là tất cả nông
dân phía bắc vĩ tuyến 17 đều phải gia nhập hợp tác xã nông nghiệp. Khi
vào hợp tác xã, ruộng đất riêng tư của nông dân đều phải nạp cho hợp tác
xã, và trở thành ruộng đất tập thể của hợp tác xã. Thế là chẳng những
số đất đã được chia, mà cả đất đai do cha ông để lại, cũng đều bị lọt
vào tay hợp tác xã, tức vào tay nhà cầm quyền Cộng sản. Toàn thể nông
dân nay trở thành vô sản, và nhà cầm quyền Cộng sản trở thành chủ nhân
ông độc quyền của tất cả ruộng đồng nông thôn. Thật là một tiến trình
cướp đất rất hoàn hảo, mà không một nông dân nào dám lên tiếng tố cáo.
Số lượng người bị giết: Những
địa chủ “Việt gian” hay địa chủ “cường hào ác bá” đều bị tử hình. Trong
trường hợp họ đã qua đời trước đó lâu ngày, vợ con họ bị đem ra xét xử
và kết quả không khác. Những địa chủ Việt Nam Quốc Dân đảng (Việt Quốc)
hay Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách), dầu đã theo Việt Minh
tham gia kháng chiến cũng bị tử hình. Những địa chủ các đảng bù nhìn của
chế độ Hà Nội như đảng Dân chủ, đảng Xã hội cũng chịu y số phận.
Khi bị tử hình, bản án tử hình
được thi hành ngay tại chỗ bằng nhiều cách: bị bắn, bị trấn nước chết,
bị phơi nắng (không được ăn uống), hoặc bị đánh đập cho đến chết. Nhiều
khi nạn nhân qua đời, thân nhân không được cho phép chôn cất, xác bị để
phơi nắng mưa. Gia đình quá đau lòng, phải hối lộ các chức việc, rồi ban
đêm đến ăn cắp xác đem đi chôn.
Dựa vào tài liệu các nước ngoài,
giáo sư Lâm Thanh Liêm, cho rằng số người bị giết trong cuộc CCRĐ năm
1955-1956 ở Bắc Việt có thể lên đến từ 120,000 đến 200,000 người. (Lâm Thanh Liêm, bđd., sđd. tt. 203-204).
Theo sách Lịch sử Kinh tế Việt Nam 1945-2000 tập 2, viết về giai đoạn 1955-1975, xuất bản tại Hà Nội năm 2004
(tài liệu mới của nhà nước cộng sản Việt Nam) cho biết cuộc CCRĐ đợt 5
(1955-1956) được thực hiện ở 3,563 xã, có khoảng 10 triệu dân, và tổng
số người bị sát hại trong CCRĐ đợt nầy lên đến 172,008 người, trong đó có 123,266 người (71,66%) sau này được xác nhận đã bị giết oan
Nền nông nghiệp bị suy sụp:
Thông thường, nhà cầm quyền tổ chức CCRĐ nhắm giải quyết những sai lầm
của nền nông nghiệp cũ, giúp nông gia tăng gia sản lượng nông nghiệp,
thăng tiến đời sống dân chúng. Nhưng cuộc CCRĐ của Cộng sản chấm dứt năm
1956 lại đi đến kết quả ngược lại: đời sống nông dân tụt hậu, sản lượng
giảm xuống rõ rệt. Lý do vì trong các giai đoạn đầu của cuộc Cải cách,
đất đai bị chia thành nhiều mảnh nhỏ. Nông dân mới nhận đất chưa có kinh
nghiệm tổ chức sản xuất, thiếu tài chánh để mua trâu bò dụng cụ, phân
bón để cày cấy. Sau đó, vào cuối giai đoạn 5, việc suy sụp kéo dài nhiều
năm vì nhà nước Cộng sản đưa ra kế hoạch hợp tác lao động, tổ chức hợp
tác xã nông nghiệp và những nông trường quốc doanh tập thể từ khoảng năm
1957, 1958. (Bernard Fall, sđd. tt. 284-287).
Đảo lộn luân lý xã hội, tiêu diệt tình người:
Chiến dịch CCRĐ của Cộng sản đã khủng bố tinh thần dân chúng, làm cho
mọi người sợ hãi khép mình vào kỷ luật cai trị Cộng sản, và nhất là đánh
tan nề nếp xã hội cũ, làm sụp đổ nền tảng luân lý cổ truyền của dân
tộc, tiêu diệt tận gốc rễ tình cảm giữa người với người. Trong khi quyết
tâm thực hiện phương châm “trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận ngọn” (nghĩa
là tiêu diệt từ trên xuống dưới bốn thành phần trí thức, phú thương,
địa chủ, cường hào), Cộng sản đã khuyến khích, ép buộc, đe dọa mọi người
tố cáo, đấu tố lẫn nhau, dù đó là cha mẹ, vợ chồng, con cái. Do đó,
chẳng những đã xảy ra cảnh đấu tố giữa người với người ngoài xã hội, mà
trong gia đình cũng xảy ra cảnh đấu tố với nhau giữa cha mẹ, con cái, vợ
chồng, và anh chị em.
Dư luận lúc đó ở Hà Nội còn cho
rằng, một nhà lãnh đạo khác của đảng Lao động, tổng bí thư Trường Chinh
Đặng Xuân Khu, đã đấu tố cả cha mẹ của ông ta. Vì vậy, ở Hà Nội lưu
truyền một câu đối hết sức bất hủ: “Đấu tố phụ mẫu, tôn thờ Mác-Lê,
nhục ấy đời chê thằng họ Đặng/ Hãm hại sĩ nông, đảo điên văn hóa, tội
kia sách chép đứa tên Khu.”
B. Kẻ chủ mưu thực sự là ai?
Trên thực tế cuộc cải cách ruộng
đất đã thất bại và là một tội ác của cộng sản. Tuy nhiên từ trước tới
nay chúng ta thường biết đến Trường Chinh và các thuộc cấp của ông ta là
thủ phạm. Vì lúc đó ông Trường Chinh đang là Tổng bí thư đảng Lao động.
Nhưng những dẫn chứng sau đây sẽ làm sáng tỏ ai là kẻ chủ mưu thực sự.
1. Người viết ra cương lĩnh hành động làm tiền đề cho CCRĐ:
Ông Hồ Chí Minh đã hiểu rất rõ
nguyện vọng "người cày có ruộng" của nông dân Việt Nam. Khi còn ở Pháp
ông có viết một số bài lên án việc chiếm hữu đất đai của thực dân Pháp
và của nhà thờ Công giáo. Trong thời gian hoạt động tại Trung Hoa, ông
ta tiếp nhận và để tâm nghiên cứu cách mạng thổ địa tại đây. Nó vừa là
một phương tiện đấu tranh giai cấp, vừa để xây dựng chuyên chế vô sản.
Trong một lá thư gởi các lãnh đạo Quốc tế Nông dân đề ngày 08/02/1928,
ông viết: "Tôi tranh thủ thời gian viết 'những ký ức của tôi' về
phong trào nông dân, chủ yếu là phong trào Hải Lục Phong, nơi có các
xô-viết nông dân. Người 'anh hùng' trong 'những ký ức của tôi' chính là
đồng chí Bành Bái, cựu Dân ủy nông nghiệp của Xô-viết Quảng Châu và hiện
là lãnh tụ của nông dân cách mạng". (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2 trang 265). Năm 1953 tại Hội nghị nông hội và dân vận toàn quốc, ông lại nhắc đến : "...
đồng chí Bành Bái ở Trung quốc, gia đình đồng chí là đại địa chủ, đại
phong kiến, nhưng đồng chí ấy đã tổ chức và lãnh đạo nông dân đấu tranh
rất quyết liệt chống địa chủ phong kiến" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2 trang 357).
Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông
Dương (tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam) được thành lập. Cương lĩnh
của đảng này là lấy việc chống đế quốc, chống phong kiến và địa chủ,
giành ruộng đất về cho nông dân làm sách lược hàng đầu. Sách lược thứ
hai của Đảng cộng sản ghi rõ: "Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân
cày và phải dựa vững vào hạng dân cày nghèo, phải hết sức lãnh đạo cho
dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong
kiến" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2 trang 297). Chương trình hành động
thì hướng đến việc: "Đảng tập hợp đa số quần chúng nông dân, chuẩn bị cách mạng thổ địa và lật đổ bọn địa chủ và phong kiến" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2 trang 299). Chúng ta nên nhớ Các văn kiện thành lập ĐCS Đông Dương đều do Hồ Chí Minh, đại diện Quốc tế Cộng sản, soạn ra.
Ít tháng sau, ĐCS đã lãnh đạo nông dân nổi dậy ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Khẩu hiệu "trí - phú - địa - hào, đào tận gốc, trốc tận rễ" được dùng làm tiêu đề cho cuộc đấu tranh mới - đấu tranh triệt tiêu giai cấp địa chủ và phong kiến.
Kết luận: Ông Hồ
Chí Minh là người chỉ ra đường lối của CCRĐ đẫm máu. Ông ta là người
phát biểu và người viết các cương lĩnh hoạt động cho đảng cộng sản. Vậy tội của ông ta có thể xem là chủ mưu. Tuy nhiên để rõ ràng hơn xin bạn đọc chú ý các ý sau đây.
2. Những hành động cụ thể:
Ngày 25/01/1953, tại Hội nghị lần
thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động, Hồ Chí Minh chủ tọa,
đọc báo cáo đề ra nhiệm vụ phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực
hiện giảm tức, đấu tranh chống giai cấp địa chủ phong kiến, tiến đến
CCRĐ.
Ngày 12/04/1953 Hồ Chí Minh ban
hành Sắc lệnh số 150 /SL về Cải Cách Ruộng Đất, tịch thu ruộng đất của
thực dân Pháp và địa chủ phản động chia lại cho nông dân nghèo.
Ngày 14/11/1953, Hội nghị lần thứ
5 Ban Chấp hành Trung ương và Hội nghị toàn quốc của Đảng Lao động đã
quyết định tiến hành CCRĐ.
Trong báo cáo trước Quốc hội khóa I kỳ họp lần thứ ba, ông Hồ đã phát biểu "Phương châm của Cải Cách Ruộng Đất là: phóng tay phát động quần chúng nông dân" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6 trang 509). Hành động kêu gọi “ phóng tay” chính là sự cổ vũ giết người của Hồ Chí Minh.
Cũng trong báo cáo trước Quốc hội này, Hồ Chí Minh đã ra chỉ tiêu: "Giai cấp địa chủ phong kiến không đầy 5 phần trăm dân số, mà chúng và thực dân chiếm hết 7 phần 10 ruộng đất ..". (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6 trang 509). Chính chỉ tiêu này đã giết hại không biết bao con người vô tội.
Vụ Việc bà Nguyễn Thị Năm:
Trong thời gian tiến hành giảm tô
tiến đến CCRĐ, sáu xã tại huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên đã được chọn
làm thí điểm. Người đầu tiên bị mang ra xử bắn là bà Nguyễn Thị Năm. Bà
còn được gọi là bà Cát Hanh Long. Bà là người đã che giấu và nuôi dưỡng
các lãnh đạo cộng sản như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng,
Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Lê Giản... trong thời gian Đảng cộng sản còn
hoạt động bí mật. Hai con trai bà, ông Nguyễn Công và ông Nguyễn Hanh
đều theo Việt Minh từ trước 1945. Khi CCRĐ được phát động, ông Nguyễn
Công đang làm chính ủy trung đoàn và ông Nguyễn Hanh là đại đội phó bộ
đội thông tin.
Trong Hồi ký “Làm người rất khó, làm người xã hội chủ nghĩa khó hơn”, nguyên Phó thủ tướng CHXHCN Việt Nam, ông Đoàn Duy Thành cho biết việc bà Năm bị bắn đã làm xôn xao dư luận. Ông cho rằng việc làm này có 3 điều làm sai chính sách là:
(1) Địa chủ kháng chiến được chiếu cố;
(2) Địa chủ kiêm công thương được chiếu cố;
(3) Địa chủ hiến ruộng được chiếu cố. Và một điều sai đạo lý là "... bắn một địa chủ là nữ, không phải là cường hào gian ác sẽ trái đạo lý thông thường của người Việt Nam".
Ông viết tiếp: "Sau này khi
sửa sai CCRĐ xong, tôi được nghe nhiều cán bộ cao cấp nói lại: 'Khi
chuẩn bị bắn Nguyễn Thị Năm, Bác Hồ đã can thiệp và nói đại ý: ‘ Chẳng
lẽ CCRĐ không tìm được một tên địa chủ, cường hào gian ác là nam giới mà
mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ hay sao?’ Nhưng cán bộ thừa hành
báo cáo là đã hỏi cố vấn Trường Chinh và được trả lời là: 'Hổ đực hay hổ
cái, đều ăn thịt người cả!'. Và thế là cái chết đã đến với bà Năm.
Trong hồi ký “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, ông Hoàng Tùng cho biết: "Chọn
địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn
Trường Chinh. Họp Bộ Chính trị Bác nói: 'Tôi đồng ý người có tội thì
phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại
nổ vào một người đàn bà, mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho cách mạng,
người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ là đánh bằng một cành
hoa.' Sau cố vấn Trường Trinh là Lê Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: 'Tôi
theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải.' Và họ cứ thế làm".
Trước hết ông Hồ Chí Minh có lỗi
lớn. Thà rằng không biết gì về chuyện này, và dù không biết, là chủ tịch
nước, chủ tịch Đảng ông cũng phải chịu phần trách nhiệm. Huống hồ ông
đã biết rõ cụ thể, ông nhận định là bà Năm bị xử trí oan, thế mà ông giữ
im lặng, ông không can thiệp. Đây là thái độ vô trách nhiệm.
Bài thơ “Địa chủ ác ghê”:
Trong tập tài liệu Phát động quần
chúng và tăng gia sản xuất của tác giả C. B. do báo Nhân Dân xuất bản
năm 1955, trang 27 và 28, có bài "Địa chủ ác ghê". Bài viết này đã được
đăng trên báo Nhân Dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 và phổ biến lại trong
tập liệu này. Đúng như nhà báo Thành Tín(ông Bùi Tín) cho biết, "các
phóng viên báo chí các nhà văn hạ phóng tham gia cải cách đã viết sẵn
bài tố cáo, lên án, kết tội bà Năm rồi". Nhân tiện người viết xin được
đăng toàn bài để bạn đọc có thể cùng suy ngẫm.
Địa chủ ác ghê
Thánh hiền dạy rằng: "Vi phú
bất nhân". Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô
cao lãi nặng, chây lười thuế khóa - thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ
giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ:
Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:
- Giết chết 14 nông dân.
- Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.
- Làm chết 32 gia đình gồm có
200 người - năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai
ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực
khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.
- Chúng đã hãm chết hơn 30
nông dân - Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm
đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30
người đã chết ở xóm Chùa Hang.
- Năm 1944-1945, chúng đưa 20
trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách,
bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ
mạng.
Như chúng ta đã biết Báo Nhân Dân
là cơ quan tuyên truyền của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, bài báo
phải được duyệt xét kỹ của Trung ương Đảng trước khi cho phổ biến. Khi
đọc bài báo này, người viết cảm nhận một điều là bố cục, hình thức và
văn phong của bài viết rất tương tự với bản "Tuyên ngôn Độc lập" do Hồ
Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 02/09/1945, phần lên án thực
dân Pháp.
Tập tài liệu Phát động quần chúng và tăng gia sản xuất ghi rõ tên tác giả các bài viết trong đó là C. B.
- đây là một trong những bút hiệu của Hồ Chí Minh. Chỉ riêng trong tập 6
(từ 01/1951 đến 07/1954) của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập do nhà xuất
bản Sự Thật Hà Nội in năm 1989, người viết đã đếm được tất cả 15 bài
viết của Hồ Chí Minh ký tên là C. B.
Mặc dù bài viết này không được
nhắc đến trong bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập. Tuy nhiên trong Hồ Chí Minh
biên niên tiểu sử tập 5 trang 418 (Sách của nhà xuất bản Sự thật- ĐCS VN) ghi rõ: "Bài
viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Địa chủ phản động ác ghê, ký bút danh Đ.
X. đăng trên báo Cứu Quốc, số 2459 (ngày 02/11/1953), tố cáo tội ác của
một số địa chủ phản động đã cấu kết với thực dân và bù nhìn để phản
dân, phản nước, mưu phá hoại chính sách ruộng đất của Chính phủ. Chúng
là bọn ‘mặt người dạ thú’ và tội ác của chúng là ‘tuyệt vô nhân đạo’". Như vậy Có thể kết luân bài viết của ông Hồ trên báo Nhân Dân đã được đăng lại trên báo Cứu Quốc.
Ông Hồ Chí Minh gọi cuộc tắm máu nhân dân là “Chiến thắng”:
Trong hội nghị “Tổng kết thành
tích Cải cách nông nghiệp đợt 5”, Hồ Chí Minh đã gởi văn thư đề ngày
1-7-1956 cho đoàn cán bộ CCRĐ, trong đó có đoạn viết: “Bác thay mặt
Đảng và chính phủ gởi lời an ủi gia đình những cán bộ đã hy sinh vì
nhiệm vụ, đợt 5 Cải cách Ruộng đất rất gay go, phức tạp. Song nhờ chính
sách đúng đắn của Đảng và chính phủ, nhờ nông dân hăng hái đấu tranh nên
chính sách Cải cách Ruộng đất đã thu được thắng lợi to lớn… Giai cấp
địa chủ đã bị đánh đổ, các tổ chức ở xã đã được trong sạch hơn v. v… và
bản thân cán bộ được thử thách, rèn luyện…"
Trong một lá thư, đề ngày
18/08/1956, gởi đến "đồng bào nông thôn" nhân dịp CCRĐ căn bản đã hoàn
thành, Hồ Chí Minh xác định CCRĐ là "một thắng lợi vô cùng to lớn" và "có thắng lợi này là nhờ Đảng và Chính phủ ta có chính sách đúng đắn". Ông viết tiếp: "Cải
Cách Ruộng Đất là một cuộc đấu tranh giai cấp chống phong kiến, một
cuộc cách mạng long trời lở đất, quyết liệt gay go. Lại vì kẻ địch phá
hoại điên cuồng; vì một số cán bộ ta chưa nắm vững chính sách, chưa thực
đi đúng đường lối quần chúng; vì sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và
Chính phủ có chỗ thiếu cụ thể, thiếu kiểm tra đôn đốc, cho nên khi CCRĐ
đã xảy ra những khuyết điểm sai lầm" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, trang 507). Riêng việc "kẻ địch phá hoại điên cuồng" đã được ông giải thích như sau: "Như con giun không biết nhảy, khi ta giẫm lên nó, nó cũng giãy trước khi chết. Giai cấp địa chủ cũng thế". (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, trang 358).
Vài năm sau, nhân kỷ niệm 30 năm
ngày thành lập ĐCSVN, 06/01/1960, Hồ Chí Minh lại gắn liền cuộc kháng
chiến chống Pháp và cuộc CCRĐ, ông tuyên bố: "Buổi đầu kháng chiến,
Đảng vẫn tiếp tục thực hiện chính sách giảm tô, giảm tức. Nhưng đến lúc
kháng chiến đã phát triển mạnh, cần phải bồi dưỡng hơn nữa lực lượng
nhân dân, chủ yếu là nông dân thì Đảng đã cương quyết phát động quần
chúng Cải Cách Ruộng Đất hoàn thành thực hiện người cày có ruộng. Nhờ
chính sách đúng đắn này, lực lượng kháng chiến ngày càng mạnh thêm và đã
liên tục thu được nhiều thắng lợi" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, trang 596).
Kết luận: Trong
quá trình thực hiện thể hiện bằng bài thơ, vụ án bà Năm hay các tuyên bố
về CCRĐ coi là “thắng lợi” sau này, bài thơ “Địa chủ ác ghê” đã chứng
tỏ ông Hồ Chí Minh coi CCRĐ là một chuyện bình thường chứ không ân hận
về sai lầm như báo chí cộng sản. Bản chất của CCRĐ là màn kịch đẫm máu
ông Hồ học ở Trung cộng về và những giọt nước mắt ông ta khóc sau này
chỉ là “nước mắt cá sấu”.
3. Điểm vô lý:
Về mặt hành chính, ngày 2-11-1956, báo Nhân Dân đăng thông báo của Hội đồng Chính phủ, theo đó:
- Ủy ban CCRĐ không có quyền chỉ đạo nữa, mọi việc sẽ thuộc chính phủ trung ương.
- Hủy bỏ Tòa án Nhân dân đặc biệt (tức tòa án chuyên đấu tố).
- Hồ Viết Thắng thôi chức Phó chủ nhiệm và Ủy viên thường trực Ủy ban CCRĐ Trung ương, cũng như Thứ trưởng Nông lâm.
- Lê Văn Lương thôi chức Thứ trưởng bộ Nội vụ và Chủ nhiệm phòng Nội chính Chính phủ. (Chính Đạo, I-C, sđd. tr. 106.)
Tuy thế, chẳng bao lâu sau,
Trường Chinh được cử làm Phó thủ tướng (29-4-1958), rồi Chủ tịch Ủy ban
thường vụ Quốc hội (7-7-1960). Hoàng Quốc Việt lẫn Lê Văn Lương về sau
vẫn tiếp tục giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy cầm quyền Hà
Nội, còn Hồ Viết Thắng sau đổi tên là Hồ Thắng, làm thứ trưởng bộ Nông
nghiệp.
Những điều đó chứng tỏ các người
này chỉ là những kẻ thừa hành chủ trương chính sách của đảng Lao động
lúc đó. Khi chủ trương đó bị dân phản đối, họ bị làm vật hy sinh để
chống đỡ và cứu nguy cho đảng, tạm thời bị huyền chức một thời gian, rồi
được trọng dụng trở lại. Nếu các kẻ này mà tự ý làm sai trái chủ trương
của đảng Lao động, nếu không bị thủ tiêu hoặc tù tội, thì cũng bị loại
luôn, mà không bao giờ trở lại được chính trường, như trường hợp Dương
Bạch Mai... trong vụ án mà cộng sản gọi là “Vụ án Tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”.
Kết luận: Ông Hồ
Chí Minh đã dùng những “kẻ thế thân” để trốn tránh tội ác của mình.
Thực ra ông ta là kẻ chủ mưu và chạy tội khi bị nhân dân lên án.
Nhận xét chung:
Cải cách ruộng đất là một cuộc
hành quyết đẫm máu nhân dân vô tội. Nó không những ảnh hưởng đến đời
sống nhân dân mà còn ảnh hường lâu dài đến kinh tế cũng như nền tảng đạo
đức.
Sự thực tôi đã chứng minh ở 3
luận điểm: Ông Hồ là người vạch ra cương lĩnh của đảng, của CCRĐ. Sự
việc cụ thể khi ông xử án bà Năm, bài báo “Địa chủ ác ghê” và những
tuyên bố sau CCRĐ, sự vô lý trong việc “xử lý” những người được cho là
có tội trong CCRĐ chứng tỏ một điều: Nếu thực sự ông ta “ân hận” như đã
nói thì chắc chắn ông ta không tuyên bố “CCRĐ là thắng lợi” và những vị
như Trường Chinh… không bao giờ có thể ngóc đầu dậy sau biến cố đó được.
Khẳng định: CCRĐ
là do ông Hồ chủ trương và điều hành. Ông là thủ phạm đứng đầu trong
một chiến dịch bắt chước toàn bộ theo mô hình lẫn cố vấn tại chỗ của
đảng cộng sản Trung Quốc, dẫn đến cái chết của gần 200,000 người dân vô
tội và phá hủy toàn bộ những giá trị đạo đức, quan hệ giữ người và người
mà hệ quả đã kéo dài cho mãi đến ngày hôm nay.
Chỉnh sửa và hoàn thiện: 18/06/2012
Những sự thật không thể chối bỏ (phần 5) - Nỗi đau Cải Cách
Tác giả Đặng Chí Hùng
Thực hiện Audio Lam Sơn 719
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire