lundi 6 avril 2015

Những Ngày Nắng Vỡ - Cam Li Nguyễn Thi Mỹ Thanh

https://encrypted-tbn1.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcRhZDZ1yRCaf2pr_GJI0JgPfFBIShBfI0ziMCTGjGk1YI_1jR1h0gBài viết mới của tác giả cho Trước 1975, tác giả đã có nhiều chuyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, cô không viết, chỉ chuyên làm công tác nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, Cam Li bắt đầu góp bài cho Việt Báo từ 2009 và đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo 2005, kể về tháng Tư 40 năm trước.

1. Nắng lập lòe...

Những tiếng nổ như vỡ ra từ ống khói của chiếc xe Cady màu vàng. Không có gì bền vững hơn nó, cũng không có gì mong manh hơn nó, chiếc xe Cady. Đoan cau mày suy nghĩ. Cái tiếng xe nổ dòn vui mọi ngày, hôm nay được thay bằng một tràng những tiếng là lạ, như xô đẩy nhau, như giục giã, như bất an. Đoan vuốt nhẹ lên "ghi-đông" sáng bóng. Chỉ có chỗ đó là sáng bóng. Còn lại là một chiếc xe bám đầy bụi bặm. Đoan đã không có thì giờ để lau chùi như thói quen lâu nay. Bàn tay của Đoan như mơn man trên đầu của một con ngựa nhỏ. Phải, nó như con ngựa nhỏ, chở Đoan đi, về mỗi ngày vài bận, khi đến trường, khi vào bệnh viện.

Nhà để xe như vơi đi hơn một nửa. Đoan ngỡ mắt mình hoa lên vì nắng. Không! Đúng là như vậy mà! Đám xe gắn máy, xe đạp, sao thưa thớt quá! Ngày nào mà hai giảng đường Một và Hai đều có lớp, như hôm nay, thì sân để xe phải chật cứng mới đúng. Sinh viên nghỉ học đi đâu cả? Đoan dựng xe, khóa lại, chào bác giữ xe rồi chạy vội đến trước Giảng đường Một. Những hàng ghế thưa vắng. Sinh viên ngồi trông ra ngoài như chờ đợi. Trên bục giảng, không có thầy.

http://radio.oneway.vn:88/oneway_data/image/2014/02/oneway71.jpg 
Giảng đường Hai cũng vậy!

Đoan chạy nhanh lên lầu. Các "labo" (*) vẫn mở cửa, lác đác người ra vào. Nhưng cái không khí lạ lắm, như một nốt nhạc trầm chùng xuống lạ kỳ. Đoan bước nhanh về phòng thí nghiệm Ký Sinh Trùng. Cánh cửa chớp đang lung lay như có ai vừa mới vào phòng. Quả nhiên, Đoan thấy Thầy Tính, dường như Thầy mới đến. Thầy chưa khoác áo blouse. Nghe động, Thầy Tính ngó ra. Thầy hơi mỉm cười khi thấy Đoan. Đoan chào:

"Dạ thưa Thầy con mới đến ạ!"

Thầy Tính gật đầu, hỏi:

"Chị vẫn đi học?"

Đoan ngơ ngác:

"???"

Thầy gật gù:

"Tốt lắm!"

"Dạ cám ơn Thầy. Hôm nay... Thầy dạy bài nào để con soạn hình vẽ ạ?"

"Không. Vì... có lẽ sinh viên sẽ không đến nhiều đâu! Tôi muốn cho họ nghỉ."

"Dạ."

Rồi không biết nói thêm điều gì, Đoan tiến đến phòng thay áo, định thay áo blouse để làm nốt những công việc còn dở dang hôm qua. Nhưng Thầy Tính gọi:

"Không cần phải làm gì đâu! Sẽ có những thay đổi cho labo này, cho cả trường này, cho cả..."

Thầy bỏ lửng câu nói. Thấy Đoan bỡ ngỡ, Thầy lại tiếp:

"Sáng nay Khoa trưởng đi rồi!

"Dạ, sao ạ?"

"Ông Khoa trưởng đi rồi, mới nhậm chức có một ngày. Nhưng sẽ có ông khác thay. Mình không phải lo. Tôi có chuyện muốn nói với chị. Chị ngồi đi!"

Đoan ngồi ở băng ghế dành cho học trò. Thầy Tính ngồi ở bàn giấy của Thầy. Ông nói:

"Chị Đoan, có bao giờ... chị gặp V.C. chưa?"

Đoan giật mình, tê dại trong một tích-tắc, nhưng đáp ngay được, như một cái máy:

"Dạ thưa Thầy... chưa ạ."

Thầy Tính cười, nụ cười không lộ tình cảm, nói chắc nịch:

"Tôi là V.C. đây! Chị nghĩ sao?"

Đoan thấy mình giật bắn người. Đoan trân mắt nhìn Thầy Tính, chưa nói được lời nào thì Thầy tiếp:

"Nghe vậy chị có sợ không?"

Đôi mắt của Đoan càng mở to hơn nữa. Ôi! Sao giống như thuở nhỏ đi xem phim ma với anh chị, khi đến đoạn gặp ma, ông anh - lúc ấy cũng là một cậu nhóc, thường hỏi: "Ma đó! Em có sợ không?" Và con bé khóc ré lên.

Bây giờ thì không. Đoan không thể khóc, dù câu hỏi đột ngột và câu tự trả lời của Thầy Tính cũng đột ngột. Sao lại sợ nhỉ? Đoan tự trấn an mình. Thật ra thì V.C. cũng là người mà! Theo báo chí phim ảnh tin tức hàng ngày là như thế. Thầy Tính nhìn Đoan, chờ đợi câu trả lời. Đoan có câu trả lời rồi!

"Dạ thưa Thầy, nếu V.C.... giống như Thầy thì... con không sợ ạ!"

Đoan còn định nói thêm một tràng dài, rằng Thầy là người tận tuỵ trong phòng thí nghiệm, lo lắng cho sinh viên qua mỗi kỳ thi; Thầy làm việc quên ăn, quên thời gian; Thầy là người dìu dắt Đoan và các bạn làm phụ tá cho Thầy, kỹ lưỡng từng bài vở từng nét vẽ, sắp xếp một cách khoa học cái phòng thực tập này, v.v... Nhưng Đoan thấy gương mặt của thầy Tính bỗng dưng xa lạ. Xa lạ như tiếng nổ kỳ khôi của chiếc xe Cady hồi nãy ở dưới sân. Như là Đoan cùng một lúc nhìn thấy hai con người.

Thầy Tính cười, lại một cái cười không biểu lộ cảm xúc buồn hay vui:

"Không có gì phải sợ cả. Chị còn trẻ, chưa biết nhiều về thời cuộc. Tôi tin rằng chị sẽ sớm hòa nhập vào cuộc sống mới."

Đoan ngơ ngác. Cuộc sống mới? Đoan không hiểu nổi. Thầy Tính nói tiếp:

"Sẽ có cuộc sống mới. Chị tin đi!"

Đoan ù cả hai tai. Cuộc sống mới là thế nào? Những ngày xảy ra bao nhiêu thay đổi trong trường là chuẩn bị cho "cuộc sống mới" ư? Như một cái sân khấu chính trị thu nhỏ, nhà trường này trong vài ngày đã xảy ra lắm điều trọng đại. Chức Khoa trưởng được bàn giao cho một vị giáo sư cũng là người giảng dạy trong trường. Ngày hôm sau thì người tân Khoa trưởng biến mất, và người khác lên thay. Sân trường vắng vẻ. Các giảng đường và phòng thí nghiệm thưa thớt người. Chỉ có những sinh viên chăm chỉ như Đoan đến trường. Thật ra không phải là chăm chỉ. Tâm trạng của Đoan cũng rối bời. Nhà của dì Đoan đông nghẹt người di tản từ các thành phố đến. Họ cũng chờ đợi. Đoan muốn thoát khỏi bầu không khí chờ đợi ngột ngạt ấy nên vác xe chạy đến trường. Chỉ còn nơi này, sự yên tĩnh ít ra cũng giải tỏa được phần nào căng thẳng.

Nhưng giờ đây lời nói của Thầy Tính làm Đoan hoang mang, chóng mặt. Đoan xin phép thầy, ra khỏi labo. Đoan tì người vào thanh lan can, nhìn xuống sân trường vắng. Hai nhỏ bạn thân không đến. Hai đứa thuộc loại "sâu gạo" thế mà lại biến mất. Hôm nay có giờ thực tập Vi Trùng Học, có lẽ chỉ một mình Đoan với mớ đĩa thủy tinh, với đèn cồn, que cấy và đám vi trùng vô tri.

"Chị Đoan, sao chị đứng đây?"

Đoan quay lại. Một người bạn học đồng thời là em họ của Đoan: Hùng, con của người cô ruột. Hùng hỏi lại:

"Chị làm gì mà đứng một mình vậy?"

"Chị đi học."

"Đi học?"

" Vâng."

"Học cái gì giờ này?"

"Thế còn Hùng?"

"Em chạy vào tìm mấy đứa bạn... rồi về nhà ngay."

Hùng kề sát tai Đoan, nói nhỏ:

"Em đi chị à!"

"Đi đâu?"

"Di tản."

"Sao?"

"Di tản. Em ra bến tàu ngay đây!"

Hùng vội vã bước đi. Bỗng Hùng dừng phắt lại, hỏi Đoan:

"Chị đi với em không?"

Đoan thấy mình giật mình. Giống như cái giật mình khi nghe câu hỏi của Thầy Tính ban nãy. Và... bỗng như một phản xạ, Đoan lắc đầu, nói nhanh:

"Chị không đi đâu!"

Đoan không biết Hùng còn nói gì nữa. Nhưng cái bóng nhanh nhẹn của Hùng đã khuất sau khúc quanh hành lang rồi.

Đoan chạy đến phòng thực tập Vi Trùng. Không có ai. Buồn rầu, Đoan vòng trở lại và lên thang lầu. Tầng trên cùng thường ngày đã vắng, giờ lại càng vắng hơn. Đứng ở vị trí cao nhất này, tầng thứ ba của tòa nhà chính, Đoan thấy mình giống như một người đã thoát khỏi những phiền toái vụn vặt. Đoan nhắm mắt lại, muốn hít thở luồng không khí mát lành vào thật sâu đến hai buồng phổi.

Không được năm giây, Đoan phải mở mắt ra vì nghe vẳng lại tiếng khóc rấm rứt. Tiếng khóc như đến từ phía cầu thang. Tiếng khóc của con gái. Đoan rón rén tiến về phía đó.

Tiếng khóc bỗng im bặt. Đoan ngạc nhiên, không ngăn được mình bước nhanh hơn. Và, Đoan đã thấy, nơi đầu cầu thang, hai người, một nam một nữ. Họ như đang khóa chặt vào nhau trong một cái hôn tưởng chừng không thể dứt. Đoan chợt nghĩ ngay đến Hùng. Trong một hoàn cảnh vỡ tung như thế này, có lẽ một trong hai người đã chọn ra đi. Họ hầu như không còn biết gì về xung quanh. Đoan đứng lặng chỉ trong tích-tắc, rồi lại rón rén đi ngược trở về. Đoan dùng chiếc cầu thang ở đầu bên kia, vì muốn tôn trọng phút giây cảm động của họ.

Đoan không biết phải làm gì. Sân trường càng vắng thêm. Đoan vòng ra phía vườn dược thảo. Khu vườn vẫn xanh một vẻ đẹp hiền lành. Đoan như con chim muốn bay vào đó trốn nắng. Đoan đi bên những cây đại thụ, rồi ngồi xuống bên đám bông dừa. Những cây thuốc này có chữa lành được ngay các vết thương chiến cuộc đang nóng bỏng hay không? Đoan bàng hoàng, cảm thấy lênh đênh như người đang bơi trong một vùng nước quá lớn.

Hôm nay chắc là sẽ không được học gì cả. Như cái bánh xe đang lăn đều bỗng có ai lấy một vật cản chẹn ngang, mọi sinh hoạt đều khựng lại. Mấy hôm trước, khi thực tập cùng với nhau trong phòng Sinh Hóa, Đoan thấy vẻ mặt của nhỏ Mỹ có vẻ khác thường. Mỹ như muốn tránh nói chuyện với bạn bè. Nhỏ bạn này, cái gì cũng chia sẻ với Đoan, kể cả chuyện về những người cô người chú bí ẩn của hắn. Còn nhỏ Xuân nữa, cái miệng lúc nào cũng líu lo, lại mau nước mắt, nhưng trong buổi thực tập ấy cô nàng cũng có vẻ trầm ngâm. Đến hôm nay thì cả Mỹ và Xuân cùng vắng mặt. Chưa bao giờ Đoan cảm nhận một nỗi cô đơn như thế này.

Đứng phắt dậy, Đoan vùng chạy ra khỏi vườn. Nắng lại lóa trước mặt như quất lên da. Chưa bao giờ thấy một thứ nắng quái đản như vậy. Một vài tiếng nổ xa xa nghe như tiếng súng. Đoan hoảng hốt. Chiến trận đã về gần! Mỗi ngày nhà của dì lại tiếp đón một số người mới. Mọi người cùng chen chúc nương náu trong một không gian chật hẹp. Như là một cái trạm vậy. Và mỗi ngày lại có một vài người biến mất. Họ có lẽ đã như Hùng, chạy ra bến tàu, hay chạy vào phi trường? Những người còn lại thì chờ đợi. Chờ đợi gì? Sự chờ đợi hằn trên đôi mắt thâm quầng của người lớn, trên nụ cười gượng gạo của trẻ con vì phải sống quá gò bó. Mọi thứ đều vượt quá khả năng của gia đình dì. Đoan ngoài giờ học và làm ở trường, về nhà cũng xắn tay áo phụ dì nấu nướng, dọn dẹp. Gần năm mươi miệng ăn. Một con số gây choáng váng. Nhưng mọi người vẫn cố gắng vén khéo để vượt qua những ngày khó khăn. Mỗi khi có một người hay một gia đình thoát chạy được về đến Sài Gòn, mọi người đều reo mừng hớn hở. Như cái dòng nước chảy xuôi ra hướng biển, làn sóng người cuốn dần xuống nam. Mỗi ngày lại nghe một phần đất bị mất. Và trong hoàn cảnh vỡ vụn đó, Thắng từ Khánh Dương trở về. Cánh tay đã bị thương nhiều lần, bây giờ lại treo lên ngang ngực. Anh được tản thương về Sài Gòn ngay ngày Khánh Dương thất thủ. Thắng đứng lặng trước cửa nhà, không dám bước vào, vì kẻ nằm người ngồi đầy nhà không có chỗ chen chân. Đoan cùng Thắng ra quán nước gần nhà để trò chuyện. Rồi Thắng trở vào bệnh viện. Từ hôm đó Đoan thường vào thăm Thắng bằng chiếc xe Cady vàng.

Đoan đi vào nhà để xe. Nắng vẫn chói lọi. Có lẽ phải về thôi! Không có gì để làm ở trong trường nữa. Đoan chạy theo dòng xe cuồn cuộn. Đường phố xao xác những con người hối hả. Có một cái gì đè nặng lên những gương mặt lướt qua. Chợt có tiếng còi hụ của xe cứu thương. Đoàn xe tấp qua bên phải để tránh đường. Đoan chợt lạnh người. Thảng thốt, Đoan vụt có ý nghĩ: "Phải vào đó ngay!". Và Đoan phóng xe thật nhanh.

Vượt qua nhiều phố xá tấp nập, Đoan rẽ vào con đường yên tĩnh quen thuộc. Đường cây còng. Trại Hoàng Hoa Thám trước mặt đây rồi! Đoan sẽ gặp Thắng trong bệnh viện Đỗ Vinh. Đoan sẽ được nhìn thấy Thắng ngồi trên giường, đang tự tay tháo lớp băng, chờ y tá đến thay. Đoan sẽ thấy yên lòng vì ít ra Thắng cũng đã được bình an.

Đoan phải xuống xe. Người lính gác cổng ngăn lại. Đoan chuẩn bị trình thẻ căn cước. Nhưng anh lính lắc đầu, nói:

"Hôm nay không ai được vào trại hết, cảm phiền cô trở về."

Đoan ngơ ngác:

"Ồ, sao vậy thưa anh?"

"Lệnh đã ban hành, tôi không thể giải thích thêm, xin cô thông cảm."

"Nhưng tôi chỉ xin vào thăm bệnh."

Người lính lại lắc đầu, giọng ái ngại:

"Dù là thăm bệnh cũng không được. Mọi người đều được lệnh cấm trại, không ai được ra vào."

"Nhưng..."

Chưa ai nói được gì thêm thì người lính gác phải mở cổng cho một chiếc quân xa chạy vào. Đoan chỉ kịp nhìn thấy những người lính trên xe với những bộ quân phục đầy bụi bặm. Những đôi mắt thấm mệt nhìn xuống.

Đoan đứng lặng bên vệ đường. Người lính gác như quên mất sự có mặt của Đoan. Đoan nhón chân nhìn vào bên trong. Chiếc quân xa đã nhỏ dần, mất hút. Bỗng như bật ra một tiếng nấc từ trong tim. Thắng ơi! Thắng ơi!..

Nắng vỡ vụn dưới những tán lá của hàng cây còng.

2.

Lũ trẻ kéo nhau chạy theo Đoan. Chúng tưởng chị Đoan của chúng đang bày một trò chơi. Mà thật giống như một trò chơi. "Rồng rắn lên mây"! Mười đứa nhỏ níu áo nhau. Đoan dẫn chúng vào phòng ngủ của bà ngoại. Đây là căn phòng kín đáo nhất nhà.

Thêm một tiếng nổ ầm vang. Lũ trẻ dáo dác. Như một phản ứng không thể nào khác hơn, Đoan bảo lũ trẻ ngồi hết xuống đất, rồi kéo nhanh tấm nệm giường, dùng tấm nệm ấy che chúng lại. Lũ trẻ hồn nhiên lại thấy như trò chơi tiếp tục. Chúng khoái chí với cái mái nhà dầy cộp trên đầu. Nhưng rồi những tiếng nổ tiếp theo nhau dồn dập làm cho mấy đứa nhỏ bắt đầu sợ hãi. Chúng biết không phải là trò chơi rồi. Giờ đây, tiếng trái đạn như đang bay vút qua đầu. Một đứa ré lên khóc. Vài đứa khóc theo.

Và tới lượt Đoan muốn khóc. Bởi Đoan không biết mình đang làm cái gì đây. Không phải là phương tiện che chở an toàn nhưng tấm nệm giường lại được Đoan dùng như một cái mái che. Nhà ở thành phố làm gì có hầm trú! Mà đạn pháo kích thì réo ầm bên tai. Nghe người lớn ở nhà ngoài bảo nhau đang có pháo kích ở Tân Sơn Nhất. Đoan không biết rồi cuộc pháo kích này sẽ kéo dài bao lâu. Và nếu lỡ như có một trái rớt ngay căn nhà này thì sẽ ra sao? Cái "mái che" này có đủ bảo vệ mấy đứa trẻ yếu ớt không? Nhưng thôi kệ, Đoan nghĩ cách làm cho bọn nhỏ yên tâm. Đoan bắt đầu kể một chuyện vui. Bầy trẻ dễ dụ, nghe chuyện rồi rủ nhau cười.

Rồi thì "Ngày xửa ngày xưa"... Ồ, không được, chuyện cổ tích không hợp trong lúc này. Đoan chuyển sang câu chuyện của bé Tuyên. Chuyện của đầu tháng tư mà cũng như một chuyện đời xưa.

"Có một chú bé ngoan thật là ngoan, đi theo bố vào Sài Gòn chơi. Bố đi làm ở trong trại lính, chú bé ở nhà người cô ruột. Bố lại bay ra thăm nhà ở Đà Nẵng. Chú bé được gửi lại nhà người cô ruột, chờ bố vào đi làm tiếp. Đùng một cái, không được tin gì của bố, của mẹ và cả nhà. Chú bé không biết sự gì xảy ra, vì không có ai nói cho chú bé biết cả. Nhưng chú bé tinh ý lắm, chú nhìn nét mặt kỳ lạ của mọi người là chú đoán được có một cái gì ghê gớm lắm đã xảy ra. Mọi người có vẻ nâng niu chiều chuộng chú bé hơn, lo lắng cho chú hơn, và có lúc, cô và các anh chị nhìn chú và chảy nước mắt. Chú bé không dám hỏi họ, không dám thắc mắc. Chú mới bốn tuổi thôi, là con út của bố mẹ. Chú lặng lẽ ngồi vào một góc. Chú cũng muốn khóc lắm, mà chú không hiểu tại sao. Mọi người xem ti-vi, đọc báo. Chú bé chưa đi học, nên chỉ xem hình ảnh trên ti-vi và nghe người ta giải thích trên đó. Chú bé hiểu. Chú biết nơi bố mẹ và các anh chị mình ở đã "mất". Chữ "mất" nghe kỳ quặc quá, chú không muốn nghe, bởi vì đó mà chú không biết gì về bố mẹ và các anh chị mình nữa."

Đoan ngừng kể, thở một chút. Lũ trẻ quá biết đoạn tiếp theo của câu chuyện, nhất là chú bé Tuyên ngồi trong đám "khán giả" đây. Nhưng chúng vẫn thấy vô cùng hấp dẫn. Hầu như tiếng đạn thỉnh thoảng xéo ngang không còn làm chúng để tâm. Đoan nhớ lại khoảng thời gian đó, mỗi khi bé Tuyên giương đôi mắt to đen nhánh nhìn mình, Đoan đã không chịu nổi. Cái viễn cảnh một đứa bé con không bao giờ còn gặp lại cha mẹ và anh chị của nó làm mọi người nát lòng. Cả một gia đình bặt tăm. Và số phận của Đà Nẵng như đã khép lại.

Chừng như tiếng đạn pháo đã ngưng. Tụi con nít bắt đầu cảm thấy ngột ngạt. Đoan giở tấm nệm, bảo chúng ra ngoài. Từng đứa, từng đứa đứng dậy. Mồ hôi lấm tấm trên trán chúng. Đoan thở ra. Chưa thấy cảnh trốn đạn nào kỳ quặc thế này. Chẳng biết nơi nào là an toàn cả. Khi bọn trẻ ra hết ở nhà ngoài, Đoan thu xếp lại căn phòng. Sẵn đó, Đoan quét dọn cả nhà. Đống giày dép để ngoài cửa ai nhìn thấy cũng thất kinh. Khoảng năm mươi đôi. Vâng, năm mươi đôi! Và cũng con số chừng đó người hiện giờ đang trú ngụ trong căn nhà nhỏ chỉ vừa cho một gia đình. Một cái trại tị nạn thu nhỏ! Và căn nhà, nhà của dì, từ gần một tháng nay hầu như ngày nào cũng có người vào thêm. Thoạt đầu là bà con từ Đà Lạt, sau đến Nha Trang, rồi Phan Thiết kéo vào. Và, cái gia đình ở Đà Nẵng tưởng như đã tuyệt vọng, gia đình của cậu, đã theo được chuyến tàu cuối cùng, lênh đênh nhiều ngày rồi vào đến Sài Gòn - gia đình của bé Tuyên. Mọi người sống xúm xít, mỗi gia đình một mảnh nhỏ trong căn nhà. Họ cố gắng tiết giảm tối đa những sinh hoạt, sao cho những ngày tạm trú được an vui. Mà họ không biết sau những ngày tạm trú này sẽ là cái gì. Bởi họ không dám chắc họ sẽ còn dịp trở về nơi chốn cũ của họ hay không. Họ thấy tương lai mờ mịt. Mỗi ngày lại có tin mất một thành phố, một thị xã, thậm chí một tỉnh. Họ bó gối ngồi nhà theo dõi tin tức hoặc rủ nhau đi lang thang nơi này nơi khác vì căn nhà chật quá. Không làm lụng, không học hành. Chỉ có gia đình của chủ nhà là còn duy trì được các sinh hoạt tối thiểu, bên cạnh đó là lo cho sinh hoạt của "trại tạm cư" này. Đoan mấy năm nay ở trọ nhà dì để đi học, nên cũng làm việc y như các con của dì, đi học về là xắn tay áo lên để giúp mọi người nấu nướng, giặt giũ. Công việc cũng như các vật dụng đều "phình" lên gấp bội. Và những ngày này, cuối tháng, Đoan không đến trường, bởi sinh hoạt nhà trường cũng đã ngừng lại. Không ai bảo ai, mọi người rút về lo cho công việc của nhà mình. Một số bạn bè đã đột nhiên biến mất trước đó. Những sinh viên cần mẫn nhất khi đến trường cũng thất vọng vì không thấy thầy cô.

Tháng tư, nóng bức, ngột ngạt. Dù trời đã tối nhưng cái nóng như vẫn quyện lấy từng con người. Bữa cơm cũng đã xong. Không có dọn bàn, mà chỉ là thay nhau lấy cơm ăn vì không có đủ chỗ cho mọi người cùng ngồi ăn. Bé Tuyên, chú bé bốn tuổi, giờ không còn buồn rầu theo người lớn nữa, vì đã được đoàn tụ với gia đình. Chú bé còn được gặp chị giúp việc của nhà mình, là chị Son, cũng từ Đà Nẵng chạy theo vào. Chị này là một cô gái đôi mươi, vạm vỡ như nam giới. Đoan thường hay hỏi thăm chị về gia đình, biết chị ở thôn quê, nghèo nên không được đi học, từ mười ba tuổi đã đi làm thuê giúp việc để phụ nuôi gia đình. Trông vẻ mặt chị rất hiền lành. Bỗng tối nay, khi nghe tin tức dồn dập về những cuộc chạy loạn, chị nói lẩm bẩm mà như nói với Đoan:

"VC mà vô thì tui sướng."

Đoan giật mình, hỏi ngay:

"Ai bảo với chị như vậy?"

"Người anh bà con của tui nói."

Đoan lặng người. Cảm giác y như cảm giác lúc nghe thầy Tính, người thầy dạy môn Thực tập Ký Sinh Trùng trong trường, thản nhiên nói "Tôi là VC đây! Chị có sợ không?"

3.

Đêm qua dường như không ai ngủ được. Không nói ra, nhưng ai cũng thấy mình mong chấm dứt cảnh chen chúc này. Trở về! Ai cũng đang mong được về lại những thành phố đã mất. Nhưng không đơn giản chỉ thế, đã có vài thanh niên trong họ hàng nhà Đoan tìm đường ra đi. "Ra đi", từ ngữ lạ tai. Có người ra phi trường, có người ra bến tàu.

Một người bà con chạy ra Tân Sơn Nhất chờ chực cả đêm, rồi trở lại với gương mặt hốc hác. Anh đi không lọt. Anh bảo ngoài đường đang náo loạn cả lên. Nhiều cảnh cướp bóc đã xảy ra.

Má và dì đang bưng khệ nệ một giỏ thức ăn mua ở chợ đầu xóm để lo cho "trại tạm trú" qua ngày. Đoan chạy tới phụ khiêng vào nhà bếp. Chợt có tiếng của cậu:

- Mọi người lại đây, nghe này!

Tiếng nói từ trong radio vang ra, mọi người lắng nghe.

"Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu thì ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng, vì chúng tôi ở đây đang chờ gặp chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào."

Mọi người nhìn nhau, như tê cứng lại một phút. Cậu nhắm nghiền mắt lại. Người sĩ quan dành cả thời trai trẻ cho binh nghiệp, từng nếm mùi gian nguy trên chiến trường, từng chia sẻ niềm vui nỗi buồn của người dân suốt hai mươi năm, trong phút giây này đầu óc hồ như trống rỗng. Mọi người cùng im lặng theo với cậu. Trong những ngày cuối cùng của Đà Nẵng, gia đình bị kẹt lại, cậu đã thấy trước được làn sóng dữ đang cuồn cuộn chảy vào Nam. Cậu tưởng không bao giờ thấy lại người thân, nhất là đứa con trai út còn ở trong Sài Gòn. Như có một phép lạ, vào lúc nguy nan nhất gia đình cậu đã hòa cùng dòng người tất tả lên được một chiếc tàu tư nhân và xuôi vào Sài Gòn. Những ngày cuối, khi vào công tác trong Sài Gòn, cậu đã có nhiều cơ hội ra đi để tránh cho mình những nguy hiểm sau này. Cậu bị giằng xé trong tư tưởng. Cậu thương anh thương chị, thương đại gia đình của cậu. Cha mẹ mất sớm, cậu gắn bó với anh chị, với cái đại gia đình này biết bao! Cậu biết cái cơ hội cuối cùng sẽ dễ vuột mất. Trong đầu của cậu, hai chữ "không đi" hiện ra thật lớn. Nhiều người sẽ cho là cậu dại, nhưng họ không thể nào hiểu cậu đâu! Nhiều lần cậu đã quay đi để tránh ánh mắt trách móc của mợ. Và đến giây phút này, cậu tự hỏi phải chăng cậu đã sai.

Không khí ngột ngạt. Đoan lấy cớ đi mua thêm mấy thứ cần dùng, nổ máy xe Cady chạy ra đường. Bỗng nhiên Đoan muốn chạy vào đó, con đường cây còng. Nhưng đã không được, vì mấy ngày nay người ta cấm không cho ra vào khu vực ấy. Họ giờ đang ra sao, những người thương binh đang nằm trong bệnh viện? Nếu có một sự thay đổi lớn xảy ra, họ sẽ bị đối xử thế nào? Và Thắng nữa, vết thương của Thắng ra sao rồi? Thắng có được bình an không? Đoan thấy mình lênh đênh trong một thứ không khí nhờn nhợn.

Người ta xô đẩy nhau chạy náo loạn, chạy cả xuống đường. Có ai đó nói "Hôi của! Hôi của!" Đoan hoảng sợ chạy nép vào sát lề đường. Mấy hôm trước đã có một "phong trào" xông vào những nhà mà chủ đã bỏ chạy, lấy bàn ghế đồ đạc - bất cứ cái gì khiêng vác và chở được là họ lấy, và tha về nhà mình. Hôm nay cảnh này còn hỗn loạn hơn nữa. Đoan không chịu nổi. Đầu óc váng vất, Đoan quay xe trở về.

Vừa đến cửa, Đoan nghe tiếng của dượng:

- Mọi người nghe đi, thôi rồi!

Và đây!

"Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân đội Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn, từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao toàn chính quyền từ trung ương đến địa phương lại cho chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam."

Có tiếng phụ nữ bật khóc. Nhưng tiếng khóc sớm ngưng vì sự im lặng của phía nam giới. Còn bầy trẻ nhỏ thì kéo nhau lên gác. Chúng không biết cái gì đã xảy ra, nhưng con nít tinh ý lắm, chúng bảo nhau chơi một trò chơi không có tiếng ồn.

Đoan dự vào trò chơi im lặng đó. Đoan cắm đầu nhìn xuống một trang giấy. Trang giấy trắng bóc. Có đột ngột quá không? Rõ ràng đã có những điều như báo trước. Từ những địa danh nóng bỏng - Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Ban Mê Thuột, Khánh Dương, Xuân Lộc... là những nơi mất dần theo luồng sóng dữ, từ sự hiện diện của năm mươi người từ khắp nơi về chen chúc trong một căn nhà nhỏ, từ câu tuyên bố thẳng thừng của một ông thầy "Tôi là VC đây!", đến lúc Đoan bị từ chối không cho vào thăm bệnh trong quân y viện. Tất cả là những dấu hiệu thấy được trong cuộc sống của một người thường dân. Dấu hiệu của một sự tan vỡ. Nó không để người ta chờ đợi thấy lại sự chiến thắng, như trong Tết Mậu Thân, như trong Mùa Hè Đỏ Lửa. Người ta không có đường để hy vọng.

Nghe bên hàng xóm thoáng có tiếng người nói với nhau đi xem xe tăng vào Dinh Độc Lập. Thế nữa ư? Mấy hôm trước đây cũng những người đó bù lu bù loa nói với dì Đoan rằng rồi đây sẽ bị họ rút móng tay. Bỗng như một phản xạ, Đoan mở hộc bàn, lấy ra một tấm bằng đã được bao bọc rất cẩn thận. Hàng chữ "Giải Nhất Cuộc Thi Văn chương Nữ sinh Toàn quốc, năm..." trông hoa mỹ quá! Đoan nghe đau nhói nơi ngực. Có là cái gì quý giá lắm không? Có quý như những sinh mạng đã mất đi trong cuộc chiến? Có quý như những gì mà mảnh đất này đã có và nay mất đi vào tay những người xa lạ? Có quý như những thầy, bạn, anh em đã ngã xuống trên chiến trường? Có quý như những gì mình đã học được trong bao năm ngồi ở ghế nhà trường? Đã có ai nói gì chưa? Vẫn đang ở những phút giây giữa thắng và bại. Nhưng có lẽ sẽ thay đổi hết, cả một nền văn hóa và giáo dục.

Đoan đi vào bếp. Bếp có nồi cơm thật lớn, đủ cho năm mươi người - chưa ai ăn nổi trưa nay. Nồi canh, chảo cá cũng rất lớn. Lò than đỏ hồng. Đoan lột bỏ bao plastic, cuộn tròn tấm bằng lại như một thanh củi, cho vào lò. Giấy bắt lửa, loại giấy dày chậm cháy. Ngọn lửa yếu ớt từ từ liếm vào giấy, ăn dần theo hình cong chữ S. Đến cuối cùng, ngọn lửa bùng lên, sáng chói, rồi lịm đi. Không còn gì.

4.

Đêm qua dường như không ai ngủ được. Không nói ra, nhưng ai cũng thấy mình sắp chấm dứt cảnh chen chúc này. Trở về! Họ phải trở về thôi! Về lại những thành phố đã mất. Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng... Nhưng đâu còn ý nghĩa đó nữa! Tất cả đều đã như nhau. Một mối!

Sáng sớm đã có mấy người ra bến xe xem thử có xe chạy chưa. Mợ ra mua thức ăn sáng, trở về nói khắp đường phố đã ngập cả cờ. Cờ đỏ và cờ xanh đỏ.

Mợ vào bếp, đưa cho chị Son mấy tờ giấy bạc, nói khẽ:

-Son, đi về quê đi nhé! Sắp tới chắc khó khăn lắm, không mướn em nổi đâu!

Son cầm tiền, chưa kịp nói gì thì mợ đã tiếp:

-Nhà này ai cũng quý Son, nhất là bé Tuyên, nó sẽ buồn lắm nếu không có em, nhưng đành vậy...

Đôi mắt Son chợt rưng rưng. Chị thấy Đoan cũng có mặt ở đó. Chị cúi đầu ấp úng những gì nghe không rõ. Đoan quay đi, rùng mình khi nghĩ đến những gì có trong đầu của cô gái này. Liệu chúng có xâu xé chị ta hay không, ai mà biết được!

Ở nhà ngoài có tiếng xôn xao. Đoan và mợ chạy ra. Anh Đan, người anh họ đi lính ở Gò Công, đang có mặt. Anh đã về. Mọi người mừng rỡ xúm lại hỏi han. Hôm qua ai cũng lo rằng anh bị kẹt dưới đó không biết ra sao. Nhà biết tính anh không bao giờ chịu nhịn nhục, nên nghĩ dại nhiều chuyện có thể xảy ra. Nét mặt anh thất thần. Chị Đan rót nước, lấy khăn cho anh. Thằng con chập chững đi đến bên cha. Anh bế con lên, hôn nó, và siết chặt, chặt quá đến nỗi nó khóc ré lên. Chị Đan hoảng hốt bảo anh trao con cho chị. Anh chạy nhanh ra cửa sau. Mọi người nghe anh khóc to, tiếng khóc đau lòng. Anh đấm tay vào cột gỗ nghe rầm rầm. Khi chị can anh được rồi, hai nắm tay anh đã rỉ máu.

Đoan nghĩ mình phải ra đường, và phải đến trường. Hôm nay không còn tiếng súng, có lẽ trường mở cửa lại. Đầu óc hoang mang, Đoan chạy trên những con đường quen thuộc sao bỗng thấy lạ hoắc. Đường phố còn vương vãi quần áo giày mũ của lính. Và những cờ là cờ, đầy đường. Cờ đã thay màu. Mai đây những con đường này chắc cũng sẽ thay tên.

Chạy qua cổng trường ở đường Cường Để, lòng nghe một chút bình an. Dù sao đây cũng là nơi thân ái của mình. Quả thật trường đã đông đúc trở lại. Có lẽ qua những ngày sóng gió, thầy trò sẽ cố gắng tạo được sinh hoạt bình thường.

Đoan gặp trước tiên là thầy Tính. Ông đứng dưới sân trường, không phải ở trong labo nơi cố hữu của ông. Tất cả sinh viên được thông báo vào họp trong Giảng đường lớn. Thầy Tính nán lại chờ Đoan. Ông cười, nụ cười lạ lùng không lộ tình cảm:

"Mừng gặp lại chị Đoan."

Đoan hơi ngơ ngác, chợt hiểu ra rằng sau một biến cố lớn như vậy, sẽ có cảnh người đi kẻ ở. Ông mừng là phải. Đoan chỉ biết nói "dạ". Thầy Tính nói tiếp:

"Mọi việc rồi sẽ bình thường thôi chị Đoan nhé!"

"Dạ, thưa thầy."

"Tôi biết những người như chị rất giàu tình cảm. Nhưng chị hãy nhớ một điều: sống trong chế độ này, chỉ cần mình yêu nước, yêu dân tộc là đủ."

"Dạ, thưa thầy. Con nghĩ điều đó... là có thể ạ."

"Vậy tôi chúc mừng chị."

Trên bục giảng, "ban giám hiệu mới" đang ra mắt. Người mới được gọi là Hiệu trưởng, không gọi là Khoa trưởng. Vị Khoa trưởng của "những ngày trước ngày hôm qua" được mời lui về làm giáo sư giảng dạy. Đoan nghe được thêm một chữ mới: "tiếp quản". Trường được những người mới "tiếp quản". Nhìn quanh, thấy thiếu một số bạn quen. Đoan nghĩ mình đã thành "người ở lại", rõ ràng như thế thôi.

Sau buổi họp, nhà trường cho sinh viên về lớp "họp tổ"- lại một chữ mới. Không thấy người trưởng lớp - chắc đã đi rồi. Một ban phụ trách lớp đã được chỉ định sẵn ra mắt, sau đó giới thiệu các "tổ trưởng phụ trách thảo luận". Nhiều bạn ngơ ngác nhìn nhau, như ngầm hỏi: "Thảo luận cái gì? Trước đây cũng có nhóm mà là nhóm thực tập, không phải để thảo luận ". Nhưng rồi những ánh mắt cũng dịu lại - tuổi trẻ dễ đón nhận cái mới.

Những gương mặt tổ trưởng thảo luận đây rồi, không lạ, cũng là các bạn trong lớp mình thôi. Một người chuyên vắng mặt giờ "học cours" trong giảng đường, chỉ đi thực tập vì thực tập là bắt buộc. Một người có thành tích học không mấy khá. Một người có vẻ bề ngoài rất nhút nhát, hầu như chưa ai được nghe bạn ấy nói trọn vẹn một câu. Một người có cách nói cộc lốc. Một người có giọng nhỏ nhẹ. Muôn màu muôn vẻ! Họ cho biết sắp tới sẽ chia nhóm để thảo luận chính trị.

Chỉ là những bước mở đầu cho giai đoạn mới. Không có giờ học. Đoan lấy xe ra về. Trên đường, Đoan cứ nghe như văng vẳng câu nói của thầy Tính: "sống trong chế độ này, chỉ cần mình yêu nước, yêu dân tộc là đủ". Có phải thế không? Đoan giật mình khi có một tiếng còi xe nghe lạ đàng sau lưng. Đoan chạy xe sát vào gần lề, ngước nhìn những chiếc xe mà mình đã từng xem thấy trên báo. Xe Molotova. Những người lính trên xe lướt mắt nhìn người dân đi dưới đường, nhìn phố xá lạ lùng đối với họ. Có nhiều gương mặt còn quá trẻ. Súng trên tay. Áo màu xanh lá rừng. Nón cối. Giày hình dạng như dép có quai chéo nhau, làm bằng cao su màu đen, Đoan đoán là cao su của vỏ bánh xe hơi.

Đoan lại đi ngang những con đường vương vãi quần áo giày mũ của lính. Đoan ngậm ngùi. Thấy trước mắt gương mặt tuyệt vọng của cậu, nắm tay rỉ máu của anh Đan, vết thương của Thắng. Tôi khóc đây!

5.

Xong một "buổi học"! Đoan đứng dậy, đầu óc choáng váng. Sáng nay đã có một nữ sinh viên ngất xỉu trong giảng đường và được đưa ra ngoài. Chẳng qua là vì trời khá lạnh nên người ta đóng kín cửa hội trường lại. Không quạt máy, không máy lạnh. Bầu không khí tù túng với cả ngàn con người. Thiếu không khí, chịu không nổi, chị ấy xỉu.

Cái rạp hát trước đây thường lệ mỗi tuần làm nơi xổ số, "xổ số quốc gia giúp đồng bào ta mua lấy xe nhà giàu sang mấy hồi", nay được dùng làm giảng đường để học chính trị. Ít nhất có sinh viên của bốn trường cùng đến học chung, rồi sau đó về trường vào "tổ thảo luận": Trường Y, trường Dược, trường Luật, trường Kiến Trúc. Nghe hấp dẫn vậy nhưng không có mối liên kết nào cả, chỉ là ghép lại cho tiện các "thầy". Sinh viên mạnh ai nấy ghi chép, về nhà học, thảo luận, rồi làm bài thi. Ngay cả trong chính nhóm trường lớp của mình, Đoan cũng là một người cô độc. Một mình một bóng đến rồi ra. Khác với trước đây, mỗi lần đi học "cours" hay thực tập Đoan đều có hai nhỏ bạn thân là Xuân và Mỹ. Nhưng Xuân đã đi mất. Mỹ thì không còn thân nữa, bởi chính Đoan đã tự lìa xa. Mỹ bây giờ làm tổ trưởng một nhóm thảo luận. Còn Đoan lặng lẽ, lặng lẽ như cây sầu đâu trong vườn dược thảo.

Đoan ra khỏi rạp. Đúng, nó là cái rạp hát, không thể là giảng đường. Mấy hôm nay Sài Gòn chịu ảnh hưởng của một cơn bão ngoài biển Đông nên mưa nhiều và khá lạnh. Đoan khoác áo mưa, lấy xe đi về trường. Chỉ một cái ngã ba, quẹo trái. Thật ra cũng không cần về trường vì thời gian này tất cả sinh viên đều chỉ học chính trị, không có giờ chuyên môn. Nhưng Đoan vẫn muốn hưởng một chút cái lặng yên của một buổi chiều mưa. Đoan vào cất xe ở chỗ cũ trong nhà xe, chào bác giữ xe con người ốm o, dáng nhẫn nhục - rồi lên đứng nơi hành lang, nhìn xuống những nhánh sông, chính là những dòng nước chảy men theo bờ tường thấp. Đoan nhắm mắt lại, tưởng như đó là nhánh sông đời của mỗi người. Chỉ riêng với những con người trong ngôi trường này thôi, biết bao nhiêu nhánh đời đã thay đổi. Đoan thở dài...

Mỹ xuất hiện. Mỹ đi một mình. Như một phản xạ, Đoan lùi lại một bước. Nhưng Mỹ đã thấy Đoan. Mỹ mỉm cười. Đoan mỉm cười đáp lại. Hai đứa chào nhau. Đoan tưởng chỉ đơn giản như vậy thôi, như bao lần, nhưng có vẻ như Mỹ định nói một điều gì. Mỹ đi về phía Đoan. Đoan vẫn đứng yên khi bạn đến gần. Mỹ nói một cách hơi vui vẻ:

"Định ngày mai sẽ nói với Đoan, nhưng đã gặp đây rồi, hay quá! Đoan nè, Đoan còn nhớ có lần Mỹ nói Mỹ có cô và chú ở "trỏng" không?"

Đoan hơi khựng, nhưng trả lời được ngay:

"Đoan có nhớ."

"Cô và chú đã về rồi. Họ đang công tác bên trường Văn Khoa."

"Ừ, Đoan nhớ... Mỹ nói họ là sinh viên Văn Khoa."

"Đoan nè, cô của Mỹ muốn gặp Đoan để nói chuyện đó!"

"Vậy à? Nhưng cô chưa gặp Đoan bao giờ mà!"

"Mỹ có nói nhiều với cô về Đoan, bởi Đoan là bạn thân của Mỹ mà!"

"Thì... cũng đâu có gì đặc biệt!"

"Đặc biệt chứ! Cô biết Đoan viết văn, Đoan là nhà văn của tuổi học trò."

Đoan cố cười ra tiếng cho nhẹ bớt bầu không khí:

"Trời ơi! Cho Đoan xin đi Mỹ ơi! Đoan có tự xưng mình là nhà văn bao giờ! Chỉ là viết cho con nít."

"Dù muốn hay không, Đoan cũng đã đăng bài trên báo, Đoan đã xuất bản sách truyện. Nhiều người đã biết đến Đoan."

Đoan thở ra:

"Biết để làm gì chứ? Đoan không nghĩ đến những cái đó nữa Mỹ à! Nhưng... cái đó có liên quan gì đến cô của Mỹ?"

"Có chứ! Cô đang lo về công tác văn hóa văn nghệ cho thành phố mà! Cô nói rất muốn gặp Đoan. Mỹ cho Đoan địa chỉ, cuối tuần Đoan ráng đến nhé! Mà không phải nhà của cô đâu, nhà này là nhà của một người Đoan quen biết đấy!"

"Ai thế?"

"Nhà văn Mai Huyền, cùng tòa soạn với Đoan đó!"

Đoan ngơ ngác:

"Cô Mai Huyền... cũng quen với cô của Mỹ hở?"

"Mới quen thôi! Mai Huyền là nhà văn khá nổi tiếng, cô của mình mời cô ấy cộng tác."

"À!..."

Không có gì để trao đổi thêm. Đoan hứa với Mỹ, rồi cũng như hứa với mình:

"Sẽ đến... xem sao."

6.

Đoan từng nghe nói về nhà của cô Mai Huyền, nhưng chưa đến. Thật ra, Đoan không thân lắm với nhà văn này như đã thân với các anh chị khác. Chỉ một vài lần gặp nhau khi có dịp họp tòa soạn, thế thôi. Cô Mai Huyền thường viết hoặc dịch những truyện về gia đình và xã hội, cũng chuyên cho lứa tuổi học trò. Cô có cái cách nói chuyện của người trong thế hệ học chương trình Pháp - thế hệ của Ba. Đoan có chút cảm mến đối với cô, nhưng thấy hơi khó gần. Nhưng thôi, hãy gác lại tất cả.

Đoan đến trước cửa. Cánh cửa đã mở sẵn. Cô Mai Huyền đi ra ngay khi thấy Đoan. Cô đón Đoan vào nhà. Trong phòng khách đã có sẵn một người. Nhìn nét mặt, Đoan biết ngay là cô Liên của Mỹ. Người đó lên tiếng trước:

"Chào em Đoan."

"Dạ cháu chào cô."

"Cứ gọi chị là chị nhé! Chị chỉ hơn em vài tuổi."

"Dạ."

Cô Mai Huyền mời:

"Đoan ngồi đi, cô rót nước cho uống nhé!"

"Dạ cám ơn cô, xin cô để cháu tự nhiên ạ!"

Trong khi cô Mai Huyền đi rót nước, Liên lấy ra một tờ nhật báo. Cái tên báo đập vào mắt Đoan, tờ báo duy nhất được phép phát hành. Dù muốn hay không, Đoan và mọi người đều đã quen với cái tên này Sài Gòn Giải Phóng. Thành phố đã không còn tên Sài Gòn, nhưng hai chữ "Sài Gòn" lại nằm bình an trên cái tên của tờ báo ra mắt vào những ngày đầu tiên của tháng Năm. Liên lại mở ra một trang trong, đặt tờ báo lên bàn. Đoan nghe tim nhói đau. Cái trang báo mà Đoan đã đọc đi đọc lại cả chục lần ở nhà, bây giờ đang được bày ra trước mắt mình. Để làm gì cơ chứ? Chắc hẳn Liên đã có một dụng ý.

"Em xem đi!"

"Thưa chị, số báo này em đã xem ạ!"

"Em... thấy sao?"

"Dạ, ý chị là...?"

"Chị muốn hỏi em cảm thấy thế nào khi đọc mục này?"

"Dạ em..."

Đoan nghẹn lời. Đoan cố gượng cho mình được tỉnh táo. Dù sao, Liên cũng chỉ là một người lạ. Đoan không thể khóc với người này.

Một khoảng lặng ngắn qua đi. Cô Mai Huyền đưa cốc nước cho Đoan, rồi ngồi xuống ghế bên cạnh. Liên nói:

"Chị tiếc cho em, rất tiếc. Em là một nhà văn đầy triển vọng. Nhưng trong danh sách này đã có tên hai truyện dài của em bị cấm, trong khi cô Mai Huyền và những cây bút khác thì không, tuy họ cùng trong một nhóm với em."

Như người đưa tay đỡ một nhát roi đang bồi vào vết thương đang mở, Đoan nói:

"Em biết, thưa chị. Bởi em viết về những chuyện em sống, không giống quý vị ấy."

"Hơn thế nữa, em à, là cái nhìn của em, chứ không phải chỉ những sự kiện mà em chứng kiến."

"Thưa chị, em chưa hiểu..."

"Cùng những sự kiện đó, người khác không viết như em. Em đã đứng về một phía. Cái phía đó, hiện nay đang là đối tượng mà nhân dân chê trách."

Đoan thấy mình cần phải cứng rắn lên. Đoan nói:

"Thưa chị, em đã viết trong sự tự do của em. Không ai yêu cầu em viết cả. Và cũng không ai yêu cầu em nên hoặc phải viết thế nào cả. Em sống và cảm nhận, và viết, thế thôi ạ."

Cô Mai Huyền lên tiếng:

"Liên à, cũng nên thông cảm cho các em như Đoan, mở mắt ra đã thấy Mỹ."

Liên đáp:

"Dạ phải. Không trách được. Các em không được tiếp xúc với tư tưởng cách mạng."

Chúa ơi! Đoan cảm thấy không thể chịu đựng được nữa. Đoan đứng lên, nói nhanh:

"Thưa cô, cháu có việc gấp, xin phép cô, xin phép chị..."

"Khoan đã Đoan à Liên nói. Mục đích của buổi gặp hôm nay không phải là chuyện em có tác phẩm bị cấm, mà là chuyện xây dựng. Đoan hãy nán lại, nghe chị nói. Chị đang giữ trách nhiệm làm văn hóa văn nghệ cho thành phố. Trước mắt, chị sẽ xây dựng một tờ báo, phổ biến văn nghệ cách mạng. Chị thấy trong những truyện còn lại của em, có một quyển em viết về những người nông dân kháng Pháp, hay lắm! Nếu em phát triển ý đó, tiếp tục đi con đường của em, chị tin em sẽ tiến bộ."

Đoan hơi dịu lại, ngồi xuống ghế. Liên gấp tờ báo lại, cất đi. Giọng của Liên thật nhẹ nhàng:

"Đoan à, thời đại này rất cần những người như em. Tuy có chút lệch hướng, nhưng không quan trọng. Chị biết nhìn người. Qua cô Mai Huyền và qua Mỹ, bạn thân của em, chị tin rằng em là người rất tốt. Nếu được dìu dắt, em sẽ đóng góp rất nhiều cho xã hội."

"Thưa chị, em đã vào danh sách đen rồi!"

"Rất nhiều người vào danh sách đó lắm, có phải riêng em đâu! Em hãy quên cái danh sách ấy đi, tiến tới, em nhé! Chị bảo đảm em sẽ thấy còn nhiều cơ hội cho em."

Cô Mai Huyền nói thêm vào:

"Đoan hãy còn trẻ lắm, hãy vươn lên Đoan ạ! Theo như cô đây, cô thấy rất dễ dàng để bắt tay vào cuộc sống mới."

Cuộc gặp gỡ rồi tàn. Đoan có cảm giác mình như người tù được tha bổng.

7.

"Danh sách những sách báo phản động và đồi truỵ bị cấm"

Đoan thừ người trước tờ báo mà mình đã định xé bỏ ngay khi thấy đăng cái danh sách này, nhưng lạ sao Đoan lại cất nó đi. Bây giờ đem ra xem lại, tay lần theo từng cái tựa, mắt dò chăm chú như người đi coi bảng thi đậu. Nhiều người "rớt", mình "đậu"! Hai cuốn truyện dài được vào danh sách. Ngày đầu thấy nó thì Đoan bật khóc. Nhưng bây giờ thì không. Giống như người tù khi thấy mình đã ở sau chấn song thì không còn gì để tiếc rẻ hay lo sợ. "Phản động" và "đồi trụy" được gom lại làm một. Đoan cười chua chát. Mình, một cô bé mới lớn, đang ở trong một khu vườn ngát hoa thơm, bỗng vén bức màn lên, thấy mình chìm ngập trong màu xám xịt của khói. Đoan bập bùng trong đó...

Phản động và đồi trụy, hai khái niệm nhưng đã thành một, qua danh sách đó. Người ta đã thật nhanh chóng nắm bắt được tất cả những hoạt động văn hóa văn nghệ của miền Nam, nhanh chóng lên được một danh sách để thông báo khắp nơi. Một "nhà văn của tuổi học trò", lại có hai tác phẩm "phản động và đồi truỵ" bị cấm! Đã mấy ngày qua, Đoan như người mắc một căn bệnh nhiễm trùng, nhưng còn trong giai đoạn hâm hấp sốt, nay sau khi Đoan gặp cô Mai Huyền và Liên, bệnh bước qua giai đoạn bùng phát. Nhiệt độ tăng cao, những triệu chứng hiển hiện, quật ngã người bệnh. Không! Đó chỉ là trong trí tưởng tượng của Đoan mà thôi, còn vẻ bề ngoài của Đoan vẫn luôn là một mặt hồ êm ả. Đoan muốn tránh tất cả các tác động cho gia đình. Các vị đã quá mệt mỏi với những biến cố xảy ra. Các vị đã đương đầu với những nỗi sợ, nỗi lo, nỗi buồn, nỗi chán. Đoan không có quyền làm tăng thêm một chút gì trong những nỗi ấy.

Đoan lại cất tờ báo đi. Sau này, khi mình già, mang ra xem lại, có khi lại cười. Ôi, nhưng từ nay cho đến khi mình già, mình sẽ làm gì? Mình có còn viết được gì nữa không? Hiện giờ thì mình không bị bắt, không bị ai "ngó ngàng" tới, chẳng có gì phải sợ. Miễn là mình đừng làm cái gì như là "phản động đồi trụy" nữa. Ồ nhưng cũng không được, người ta nói có cơ hội khác mở ra cho mình kìa! Viết, viết tiếp!

"Mở mắt ra đã thấy Mỹ". Bỗng nhiên câu nói của nhà văn Mai Huyền vang lên, xoáy mạnh trong tai Đoan. Đoan muốn la lên: "Không! Không phải như thế! Sao một nhà văn lại có thể nói như thế?"

Người phát thư đi qua, ném vào nhà mấy lá thư. Có thư của Liên gửi cho Đoan. Trong thư, Liên hối thúc Đoan viết một bài cho tờ báo mới ra do Liên làm chủ nhiệm. Liên nhắc đến việc "dùng văn chương phổ biến triết học Mác-Lê-nin". Đoan nghe ù cả hai tai. Những buổi học chính trị gồng mình trong rạp xổ số chưa đủ hay sao? Những buổi "thảo luận tổ" nghe tổ trưởng gào thét "tinh thần đấu tranh giai cấp" chưa đủ hay sao?... Có một hôm, trong giờ họp tổ thảo luận mà các tổ viên phải ngồi vòng tròn, ngồi bệt dưới đất trong sân trường - Đoan đã lớn tiếng cãi lại tổ trưởng khi anh ta mạ lị những người lính của "chế độ cũ". Cả tổ nhìn Đoan ái ngại. Kể cả người bạn có cha đang ở trong tù "học tập cải tạo" cũng nhìn Đoan ái ngại. Đoan nói ngay:

"Xin các bạn đừng nghĩ tôi nói vì tôi. Ba tôi không phải là quân nhân. Tôi nói cho những người bạn tôi. Tôi nói vì lòng tôi luôn cám ơn những người lính. Tôi nói vì sự hy sinh của họ. Còn anh tổ trưởng muốn nhận xét, phê bình tôi ra sao là quyền của anh. Anh hãy nhớ lại trong khi anh bình yên học hành ở thành phố thì ai là người đã bảo vệ anh. Có khi họ phải què cụt. Có khi họ phải chết. Ngày hôm nay họ là kẻ chiến bại thì anh quay lưng với họ, anh miệt thị họ... Tôi xin dứt lời."

Sau buổi họp tổ ấy, tổ trưởng nói ít hơn. Các tổ viên ít phát biểu hơn. Đoan càng im lặng hơn.

Một hôm, Mỹ tìm Đoan trong sân trường, mở lời:

"Mỹ muốn nói với Đoan một chuyện."

"Chuyện gì hở Mỹ?"

"Cô Liên nhờ Mỹ "động viên" Đoan."

"Về chuyện gì?"

"Về chuyện viết văn. Đoan... chưa viết gì gửi cho cô Liên phải không?"

"Chưa. Ơ... phải nói là Đoan chưa biết viết gì."

"Đoan giấu nghề thôi! Mình là bạn thân của Đoan từ mấy năm nay, mình biết hễ Đoan muốn viết thì chỉ một đêm là xong một truyện ngắn. Còn truyện dài thì Đoan cũng viết vèo vài tuần là xong."

"Nhưng... Mỹ à, Đoan đâu phải là cái máy viết. Đoan phải có cảm hứng, có chất liệu để viết."

"Thế bây giờ... không có chất liệu sao?"

Đoan yên lặng. Người bạn nói là thân này sẽ không hiểu Đoan đâu! Mỹ lại thuyết phục:

"Mỹ hiểu Đoan lắm. Có khi Đoan còn vương vấn những cái thuộc về quá khứ. Chứ hiện nay đời sống quanh mình có vô số chất liệu cho Đoan viết mà! Đoan thấy không, xã hội đang thay đổi, đất nước đang vươn mình. Tụi mình còn trẻ lắm mà, sẽ hòa nhập dễ dàng Đoan à!"

Đoan nhìn Mỹ, chợt thấy mình không cảm động. Mỹ nói giống như thầy Tính nói với Đoan trong ngày đầu tiên trở lại trường với Ban Giám hiệu mới: "Sống trong chế độ này, chỉ cần mình yêu nước, yêu dân tộc là đủ." Hai cách nói khác nhau, nhưng sáo rỗng giống nhau. Đoan cười nhẹ một cách ơ thờ, không muốn nói nữa.

Mỹ đưa cho Đoan một cuốn báo:

"Tạp chí số đầu tiên đây, cô Liên nhờ Mỹ đưa cho Đoan. Chưa có bài của Đoan đấy nhé! Cố gắng số tiếp theo sẽ có Đoan xuất hiện ha!"

8.

Đoan đặt cuốn tạp chí Mỹ mới đưa bên cạnh cuốn tạp chí cuối cùng của Đoan, số ra ngày 1 Tháng Tư 1975. Cuốn tạp chí của tuổi học trò! Đoan còn giữ cả chồng báo và sách của tuổi học trò. Lẽ ra Đoan đã ngoan ngoãn đem ra phường để nộp như một số bạn của mình đã làm, rồi đứng nhìn người ta đốt những sách báo đó. Nhưng một sức phản kháng lặng lẽ khiến Đoan không làm vậy. Đoan giữ lại hết. Cùng lắm nếu họ có biết được thì mình nộp, chẳng ai bắt mình bỏ tù cho tốn cơm. Đoan và chị Thúy cười khúc khích với ý kiến này. Chẳng những vậy, mấy ngày nay Đoan lục những cuốn "cours" của lớp cũ đã học xong rồi đem ra tiệm sách cũ bán lại, cũng được một ít tiền. Ra đó Đoan mới biết hóa ra tiệm cũng đang tìm mua sách báo cũ để bán lại cho những người "săn sách". Thật buồn cười! Và thế là Đoan cùng chị Thúy lại ra tìm sách cũ để mua về đọc, đương nhiên là đọc lén.

Đoan cười một mình. Có lẽ cái vườn hoa kỷ niệm của mình vẫn không thể mất. Theo quán tính, Đoan lật cuốn tạp chí học trò của mình, không với ý định tìm kiếm cái gì cả, chỉ để hít lấy mùi giấy quen thuộc. Cuốn báo vẫn còn như mới. Đó là cuốn báo do tòa soạn tặng Đoan. Vẫn còn mới mà! Mới Tháng Tư! Tay vẫn lật sách, mắt nhắm lại, Đoan hít thật sâu cái mùi giấy thơm tho đó. Chợt khi mở mắt ra, Đoan dừng lại ở trang "Từ Mọi Góc Đời", một mục mới toanh Đoan nhận phụ trách kể từ số báo này. Một mục chết non!!!

Đoan đọc, bài "Trong Những Bức Thư Của Danh"...

Phước Tuy 22-9-1974

Tôi lại bắt đầu nghĩ đến việc mình phải làm. Làm gì bây giờ hả chị Huyên? Nằm không thì buồn chết. Còn học thì... đang thử. Chắc chắn là có rất nhiều trở ngại. Còn làm ruộng... không thể được rồi! Buồn buồn xem lại một cuốn truyện. Tôi phân vân quá! Không biết rồi mình có "vĩ đại" như nhân vật Nghiêm trong "Khúc Lan Can Gãy" được không?

Phước Tuy 22-12-1974

... À, chị Huyên, tôi mới thêm một lần nữa nhập viện để chuẩn bị cắt xương dư và điều trị vết thương nơi chân phải. Lại một đoạn văn của chị làm tôi nhớ đến. Và không hiểu tôi nên vui hay nên buồn cho cái sự đang tăng trưởng của mình, cho lứa tuổi đang "trẻ" của mình (nhiều khi tôi cứ tưởng mình đã già từ lâu!)

...

"Khúc Lan Can Gãy", một trong hai tác phẩm bị cấm của Đoan! Đoan viết về họ, cho họ. Chất liệu là họ. Cảm hứng cũng là từ họ. Danh cũng trở thành "nhân vật" của Đoan rồi! Những Danh của đất nước sau ngày đổi đời đã trôi dạt đi đâu không biết.

Đoan lại mở cuốn tạp chí mà Liên muốn mời Đoan viết. Cách viết của những người này hoàn toàn khác. Đoan không thể nào giống họ được. Không bao giờ!

Đoan phải sống, phải làm người chân thật. Không thể nào Đoan nặn óc viết theo sự khuyến khích của Liên, của Mỹ, của nhà văn Mai Huyền. Đoan phải là chính mình, phải viết theo cảm xúc thật của mình.

Mà cũng có thể không bao giờ Đoan cầm đến cây bút nữa, biết đâu được!

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

(*) labo: laboratory, phòng thí nghiệm

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire