mercredi 20 avril 2022

VỀ MỘT BÀI HÁT CỦA NGUYỄN ÁNH 9 MÀ HÀ NỘI KHÔNG THÍCH

Ngày 14-4-2021 vừa rồi, là kỷ niệm 5 năm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, một trong những tác giả lừng danh của âm nhạc Việt Nam, nằm trong danh sách số ít những nhạc sĩ miền Nam Việt Nam ở lại sau 1975, vẫn tỏa sáng với tài năng của mình. Các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 (1940-2016) tuy không rầm rộ về số lượng nhưng rất biểu trưng cho phong cách sáng tác của ông, không thể lẫn với ai. 

Vài năm trước khi mất, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tạo nên một làn sóng dư luận, khi lên tiếng thẳng thắn nhận xét về việc khác biệt âm nhạc cũng như cách trình bày của hai miền Nam-Bắc, dù được gọi là một quốc gia thống nhất.

Ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lúc đó mở ra một cánh cửa mà lâu nay nhiều người nghĩ đến, nhưng không ai dám nói: Văn hóa âm nhạc miền Nam qua thời kỳ hai nền Cộng hòa đòi hỏi sự thể hiện bằng thấu cảm và tâm hồn – rất khác, chứ không phải bằng kỹ thuật và bắt chước lại, và đó là thứ khó đạt được nhất. Từ đó, ông gọi thẳng tên nhiều ca sĩ đương thời, gọi là thành danh sau năm 1975, thời đại Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vẫn không có khả năng trình diễn thuyết phục. Thậm chí gọi là ca sĩ hạng B, so với thời sinh hoạt văn nghệ trước của ông. Có thể quan điểm này của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tạo nên sự khó chịu không ít với thị trường âm nhạc giai đoạn mới, nhưng ông cũng nhận được vô số những lời tán thưởng và xác nhận đồng điệu với suy nghĩ trực diện này.

Sau năm 1975, rất nhiều bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 được giới thiệu trên sân khấu, báo chí và truyền hình. Nhưng cũng có bài hát không bao giờ được nhắc đến, xem như là một điều tối kỵ. Đó là bài hát Mẹ Việt nam ơi, chúng con vẫn còn đây, phổ thơ của Hoàng Phong Linh. Đây là một trong những bài hát thường được sử dụng cho thể loại hợp ca, các phong trào sinh hoạt… cũng như được các ca sĩ lừng danh như Thái Thanh, Khánh Ly trình bày với giá trị biểu đạt như một dạng tâm ca.

BM

Bài hát được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cho ra mắt công chúng vào 20 tháng 1 năm 1975, trong bối cảnh lúc đó người dân miền Nam đang loay hoay với tình hình cuộc chiến đang có những chiều hướng xấu đi cho chính quyền miền Nam. Vào thời điểm đó hầu như các hoạt động âm nhạc đều đình trệ, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vẫn chọn cách tự mình in và phát hành bài nhạc này đến với công chúng.

Bài Mẹ Việt nam ơi, chúng con vẫn còn đây được phổ từ thơ của Hoàng Phong Linh. Tác giả này là ai?
Tên thật của nhà thơ Hoàng Phong Linh là Võ Đại Tôn, vốn là sĩ quan cấp tá trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã từng được biệt phái ngoại ngạch sang nhiều công vụ dân chính tại miền Nam trước 1975 (Phụ Tá Tổng Trưởng Bộ Thông Tin, Giám Đốc Công Tác Bộ Chiêu Hồi).

Sau năm 1975, ông vượt biển đến định cư tại Úc Châu. Năm 1976, ông bí mật trở lại Việt Nam để tham gia Kháng Chiến Phục Quốc (qua đường rừng Thái-Lào) nhưng rồi bị nhà cầm quyền mới bắt giữ vào tháng 10, 1981, tại biên giới Lào-Việt.
Trong cuộc họp báo với giới phóng viên quốc tế về trường hợp của mình, do Hà Nội tổ chức, mà trước đó tưởng chừng như đã thuyết phục được ông công khai nhận tội và xin khoan hồng, nhưng Võ Đại Tôn đã bất ngờ cầm micro tuyên bố giữ vững lập trường “không đầu hàng Cộng Sản” trong cuộc họp báo quốc tế ngày 13-7-1982 tại Hà Nội. Cuộc họp báo bị hủy bỏ ngay lập tức và sau đó, ông Võ Đại Tôn đã bị nhà cầm quyền mới biệt giam hơn 10 năm tại trại tù Thanh Liệt (B-14), ngoại thành Hà Nội.
Nhờ sự vận động của quốc tế, ông được trả tự do trở lại Úc Châu ngày 11-12-1991

Câu chuyện nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và bài hát này, là một món nợ rất lâu rồi, chưa có dịp trả được. Bởi đã có một số bạn yêu âm nhạc nhắn tin và thắc mắc về những chi tiết này. Hy vọng những thông tin không có gì mới này, sẽ giúp làm đầy thêm về cuộc đời, sự nghiệp và con người nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

Nhân tiện, cũng xin nói thêm là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có họ hàng với nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm, tác giả lừng danh với những ca khúc Tháng sáu trời mưa, Lời Tình Buồn... hiện sinh sống tại Úc. Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm gọi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là cậu.  
TUẤN KHANH
_____________
PS: Sau khi tôi, VT, posted bài này, NT Cuong Vuong posted cmt rất có giá trị nhằm bổ túc cho bài viết trên:
“Cuong Vuong: Nguyễn Ánh 9 "mổ xẻ" Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Hà Hồ.  
Với sự am hiểu sâu sắc, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 không ngần ngại ‘mổ xẻ’ các gương mặt đình đám nhất làng nhạc Việt như  Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hà Hồ.
- Có thâm niên 60 năm trong nghề, ông đánh giá thế nào về thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay?
- Việt Nam hiện tại chỉ có giải trí, không có nghệ thuật. Bây giờ, nhạc để xem nhiều hơn là để nghe. Người ta làm giải trí kiếm tiền, coi qua rồi bỏ chứ hiếm người tâm huyết làm nghệ thuật. Điều này khiến tôi buồn lắm vì con đường nghệ thuật của mình không có những người chung chí hướng để làm tốt vai trò nghệ sỹ.
- So với thế hệ trước như ông, giới ca - nhạc sỹ Việt hiện nay có gì khác biệt đáng nói?
- Hồi xưa, người nhạc sỹ viết ca khúc từ những cảm xúc thật của họ, họ viết ra để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cho mọi người chứ họ không viết nhạc để bán. Còn bây giờ, nhạc sỹ viết nhạc theo yêu cầu đơn đặt hàng nên âm nhạc không có hồn, không có cảm xúc thật của người sáng tác.
Ca sỹ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc, make-up cho đẹp và lên sân khấu hát thì sau lưng có một đám múa. Nhưng ít chú trọng đến xúc cảm âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát.
Hồi xưa, có những giọng ca còn để tiếng đến bây giờ như Lệ Thu, Thanh Thúy, Thái Thanh… nhưng bây giờ những ca sỹ hát giọng tốt đếm trên đầu ngón tay, đã vậy lại bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc.
Tôi nói có lẽ sẽ đụng chạm đến những người học thanh nhạc. Người ca sỹ học thanh nhạc hát phải phát âm cho tròn chữ, và cố gắng đưa giọng mình cho tròn trịa, giọng ngân cao vút… nhưng quá mải lo kỹ thuật nên hát không có cảm xúc!
Giọng Hồ Ngọc Hà yếu lắm...
- Những ca sỹ được phong hàng diva như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà có bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc?
- Thanh Lam, Mỹ Linh giọng hát rất đẹp, cái gì cũng tốt nhưng đều bị vướng kỹ thuật thanh nhạc nên nhiều lúc nhạc cảm không có, tâm hồn bài hát không có. Hồng Nhung hát tốt hơn Mỹ Linh, Mỹ Linh tốt hơn Thanh Lam.
Đơn cử, nghe Thanh Lam hát bài Cô đơn của tôi, tôi buồn lắm! Nó không ra cái cô đơn, không có hồn dù giọng đẹp thiệt! Thanh Lam hát những bài sâu lắng nhiều khi đóng kịch nhiều hơn là hát.
Mà đóng kịch phải như người diễn viên, người ta nhập hồn vào vai diễn đó, ví dụ Kim Cương trong Lá sầu riêng, cô là nhân vật cô gái đau khổ tên Tâm chứ không phải là nghệ sỹ Kim Cương, phải quên Kim Cương đi! Ca sỹ cũng phải hát 'nhập vai' như vậy mới ra ca sỹ.
Trần Thu Hà thì khôn hơn, biết cách lợi dụng kỹ thuật để áp dụng. Nhưng mấy người được như Trần Thu Hà? Người nào cũng phô trương, tôi phải hát giọng cao tới nốt đó tôi mới là ca sỹ, còn hát chưa tới thì chưa phải là ca sỹ. Cái đó là sai lầm tai hại vô cùng và không ai chấp nhận.
Quang Dũng hát được vài bài của Trịnh Công Sơn chứ không phải là tất cả. Còn Đàm Vĩnh Hưng chỉ được bề nổi vậy thôi, tôi không cho là ca sỹ đúng nghĩa. Tôi chỉ cho Đàm Vĩnh Hưng là một người hát. Đàm Vĩnh Hưng cố hát nhạc xưa, nhạc vàng mà hát có ra đâu!
Đàm Vĩnh Hưng hát bài Ai đưa em về của tôi, tôi bảo ‘con đừng hát bài của bố nữa, tội nghiệp bố lắm’. Tôi không thích, tôi nói thẳng luôn. Đàm Vĩnh Hưng nói ‘nhưng con thích hát nhạc bố…’, tôi nói ‘nhưng con không nên hát nhạc của bố thì hay hơn’.
Thật ra, giọng Đàm Vĩnh Hưng nửa Nam nửa Bắc, cách thức hát cũng không có và lối hát cũng vậy. Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sỹ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sỹ chính của phòng trà đâu.  
( sưu tầm )
fb VinhThanh.

Mẹ Việt Nam Ơi Chúng Con Vẫn Còn Đây
Nguyễn Ánh 9 - thơ Hoàng Phong Linh - Nguyệt Ánh & Việt Dzũng
 
Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây...
Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây...
Mang giòng họ của Lê Lý Nguyễn Trần
Mẹ dưỡng nuôi con giòng sữa Bắc Trung Nam
Con của Mẹ đều một giống da vàng
Quyết một lòng diệt hết lũ tham tàn

Trên đầu voi rạng ngời vung ánh thép
Gái Triệu Trưng bồ liễu chống xâm lăng
Hé môi cười nghe tiếng sóng Bạch Đằng
Con Hưng Đạo như Rồng Tiên vùng vẫy
Vượt Trường Sơn, Nguyễn Huệ, Bắc Bình Vương
Quyết một lòng đi giữ vững quê hương
Và còn nữa con của Mẹ toàn danh tướng
Lòng Mẹ vui hãnh diện với đàn con....

Nhưng Mẹ ơi giờ đây sao Mẹ khóc ?
Hai vai gầy run rẩy nát tâm can
Mẹ lòng đau thương xót cảnh lầm than
Áo nâu nghèo Mẹ rách để phơi thân
Một đàn con rồi quên ơn Mẹ nuôi dưỡng
Súng đạn cày tan nát luống quê hương
Mẹ lòng đau thương xót cảnh lầm than
Xót xa nhiều phương Bắc chiếm phương Nam

Nhưng Mẹ ơi Mẹ đừng than khóc nữa !
Vì chúng con tuổi trẻ vẫn còn đây
Chúng con nguyện cùng ra sức đắp xây
Quê hương mình trong TỰ DO ấm no
Xin Mẹ yêu Mẹ đừng than khóc nữa !
Vì chúng con mười bảy triệu vẫn còn đây
Chúng con nguyện cùng ra sức đắp xây
Chúng con nguyện đi dựng lại Quê hương

Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây
Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây...
Không phản bội giòng sữa thơm nuôi đưỡng
Chúng con nguyện đi dựng lại Quê hương
Mẹ Viet Nam ơi.. Mẹ Viet Nam ơi... Mẹ Viet Nam ơi...
*
*     *
Những ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire