dimanche 21 mars 2021

Danh Ca Anh Ngọc

Anh Ngọc “Giọng hát Trượng phu” là ngôn từ mà cố ca sĩ Quỳnh Giao đã dùng khi viết về danh ca Anh Ngọc – nam ca sĩ trọng tuổi nhất còn lại trên dương thế. Và chắc rằng có lẽ không có từ ngữ nào gắn gọn và hay hơn nữa để nói về ông – nam danh ca nhận được nhiều nể trọng nhất của tân nhạc Việt Nam. 

Đến nay (2020), danh ca Anh Ngọc đã bước qua tuổi 95 – ở cái tuổi mà người ta thường gọi là “thượng thượng thọ”, gần qua ngưỡng “đại thọ”, có thể nói ông là nam ca sĩ trọng thọ nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Có người còn gọi đùa ông là “The Last Samurai”, người hiệp sĩ cuối cùng trong số những hiệp sĩ tiền phong của trên nửa thế kỷ tân nhạc, mà vũ khí chính là giọng hát từng chinh phục tình cảm, sự ái mộ của khán thính giả Việt Nam trong hai thập niên 1950 và 1960. Ông chỉ giã từ sân khấu ở tuổi 79, một kỷ lục mà ít người có thể hát được ở tuổi gần 80 như vậy.
TUYỆT PHẨM ANH NGỌC - Một Thời Tôi Hát 
 
Thực ra Anh Ngọc đã có ý định giã từ sân khấu từ khi bước vào tuổi 70. Nhưng mãi cho đến đầu năm 2004, ông mới thực hiện được ý định đó, sau khi xuất hiện lần cuối trên sân khấu trong hai chương trình nhạc thính phòng mang mục đích từ thiện tại San Jose và Orange County ở California.
Danh ca Anh Ngọc sinh năm 1925 tại Hà Đông. Ông trưởng thành tại Hà Nội và từng theo học các trường Thăng Long, Puginier và Louis Pasteur ở đây. Dù sinh trưởng trong một gia đình mang tính truyền thống, nhưng từ khi còn rất trẻ, ông đã yêu thích ca hát, đặc biệt là các bài nhạc Tây, khi mà tân nhạc Việt Nam vẫn chưa hình thành rõ nét.
Trong số 8 người con trong gia đình gồm 1 chị và 7 anh em trai, chỉ có ông và người em là ca sĩ Ngọc Long đi theo con đường văn nghệ và trở thành những ca sĩ tên tuổi. Riêng Anh Ngọc có thời gian theo học nhạc lý với nhạc sĩ Tạ Phước và đàn với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, rồi sau đó tình cờ bước vào con đường ca hát, khởi đầu từ những năm đầu thập niên 1940.
Năm 1947, ông vào Huế thăm một người anh làm việc ở đây và lưu lại Huế hơn 1 năm. Trong thời gian này ông được nữ danh ca Minh Trang mời hát trên đài phát thanh Huế.
Năm 1949 Anh Ngọc vào Sài Gòn để khởi đầu cộng tác với đài phát thanh Pháp Á, nơi Minh Trang đang cộng tác. Sau đó, ông lần lượt được mời hát trong chương trình ca nhạc của các đài phát thanh Quân Đội, Đài phát thanh Sài Gòn, đài Mẹ Việt Nam, đài Tiếng Nói Tự Do và Đài Truyền Hình Việt Nam.
Thời gian sau đó, Anh Ngọc trở xướng ngôn viên trên đài phát thanh, đồng thời phụ trách chương trình ca nhạc “Tiếng Nhạc Tâm Tình” từ đầu thập niên 1960 cho đến tháng 4 năm 1975. Chương trình “Tiếng Nhạc Tâm Tình” của Anh Ngọc từng được nhà văn Mai Thảo nhận xét là “một chương trình được yêu mến, đợi chờ và tán thưởng nhất trong nhiều năm”, được sự cộng tác của các giọng ca thượng thặng của nền tân nhạc Việt Nam ở trong thời kỳ vàng son, như là các canh ca Kim Tước, Thái Thanh, Mai Hương, Hà Thanh,… cùng sự phụ hoạ của một ban nhạc đàn dây gồm những nhạc sĩ tên tuổi.
Một số những nhạc phẩm ghi âm trong thời gian này, sau khi Anh Ngọc sang hải ngoại, ông đã phục hồi lại bằng kỹ thuật digital để đưa vào 2 CD do ông thực hiện là Trở Về Dĩ Vãng và Một Thời Để Nhớ
Đến năm 1954, Sài Gòn đón nhận một làn sóng di cư ồ ạt, rất nhiều ca sĩ nhạc sĩ tài năng từ phía Bắc vào Nam sinh hoạt văn nghệ, góp phần thúc đẩy cho phong trào tân nhạc ở miền Nam bùng phát rất mạnh. Tân nhạc bắt đầu được phổ cập đến công chúng thưởng thức nghệ thuật qua các chương trình phụ diễn tân nhạc tại các rạp chiếu bóng cùng những đại nhạc hội. Anh Ngọc chính là một trong những “bầu sô” đứng ra tổ chức các chương trình đó với số khán giả  rất đông đảo.
Cũng từ đó trở đi, tiếng hát của Anh Ngọc đã trở thành một trong những tiếng hát được ưa thích nhất, do “ngoài việc truyền đạt lời hát một cách rõ ràng và chuẩn xác, còn sử dụng cách luyến láy cũng như phân đoạn câu hát để nói lên ý nghĩa của bài hát, hay nói đúng hơn là những ý nghĩa chứa đựng trong bài hát”, đó là nhận định của nhà khảo cứu âm nhạc người Mỹ Jason Gibbs chuyên nghiên cứu về tân nhạc Việt Nam.
Afficher l’image source 

Còn nữ ca sĩ Quỳnh Giao, kiêm nữ ký giả chuyên viết về các ca nhạc sĩ tân nhạc, thì có nhận xét như sau: “Tiếng hát ông rất mạnh, sang sảng. Ông lên tới những nốt rất cao mà không mỏng, xuống được những nốt trầm mà vẫn dầy, vẫn rõ. Khoảng cách của các nốt nhạc được ông xướng lên đồng đều, không lép mà chắc nịch. Phải nói đến chuyện trời cho ấy vì ngày nay nhờ kỹ thuật âm thanh ai cũng có thể tự nghĩ rằng mình có giọng ca thiên phú.
Anh Ngọc có làn hơi phong phú. Ông là một trong số ca sĩ hiếm hoi của Việt Nam vẫn giữ được trường độ của một câu nhạc rất dài. Từ chuyện thiên phú phải nói đến chuyện nhân tài: ông hiểu nội dung ca khúc và cách diễn tả. Nói một cách khác ông rất thông minh và nắm được cách thế bắt buộc của câu hát.
Cố ca sĩ Quỳnh Giao cũng lấy ví dụ bằng ca khúc Trở Về Mái Nhà Xưa để minh chứng cho giọng hát thượng thừa của Anh Ngọc,
“Câu kết bài hát là “Người ngồi im bóng… lắng nghe tháng ngày qua”. Nhiều ca sĩ, nếu không phải là đa số, đều phải ngắt hơi từ chữ “ngày” mới có sức ngân dài ở chữ “qua” để dứt điểm với nốt cuối của dàn nhạc. Lối ngắt hơi đó là tối kỵ khi trình bày một ca khúc. Hãy nghe lại cách trình bày của những danh ca thực sự thì mình thấy.
Những người dài hơi hơn thì cố để dành sức, và ngắt ở chữ “bóng” trong “người ngồi im bóng” để có thể một hơi mà vượt qua sông, trình bày cho đủ cho rõ câu kết kinh hoàng “lắng nghe tháng ngày qua…” cho tới khi dứt hơi cùng ban nhạc.
Luciano Pavarotti và Anh Ngọc thì hát cả câu, nguyên một lèo mà không cần ngắt hơi.
Anh Ngọc lấy hơi rất chuẩn và ngắt câu rất chính xác, nghĩa là rất đúng với nguyên bản của tác giả. Cách trình bày của ông vì vậy có thể là “khuôn vàng thước ngọc” về nghệ thuật xướng âm, xướng ca hay “phraser” một câu hát. Phải dài hơi và thấm ý tác giả thì mới xướng âm được cho rõ lời. Danh ca là người làm ta nghe rõ lời và hiểu ra hồn nhạc.
Từ giọng ca thiên phú đến cách trình bày có chuẩn mực như thế, Anh Ngọc tự gây khó cho mình vì tinh thần kỷ luật. Người nghe nhạc bằng mắt thì cho rằng ông trình bày thiếu chất đam mê, nồng nhiệt, không thuộc loại gào lăn sống chết với nhạc. Sự thực thì cung cách diễn tả của Anh Ngọc lại rất khó, khó hơn lối phô trương ồn ào của người lấy bóng che hình” (trích bài của Quỳnh Giao)
Mặc dù được mọi người xem là một nam danh ca thế hệ đầu của tân nhạc, nhưng ít người biết rằng ca hát không phải là nghề chính của Anh Ngọc. Ông nói: “Thực ra ca nhạc đâu phải là nghề của tôi. Nhiều người không biết đến chuyện đó, nên cho là tôi suốt đời hoạt động ca nhạc. Nhưng thực ra không phải. Điều đó người ta không nghĩ ra, tôi cũng không muốn nói đến. Thực ra tôi không phải là một người ca sĩ nhà nghề, đi hát chỉ là chuyện phụ thêm thôi.” 

MỘT ĐỜI TÔI HÁT - Thanh Trang - cothommagazine.com 

Kể từ khi chuyển vào định cư ở Sài Gòn năm 1949, danh ca Anh Ngọc là nhân viên của Sở Thông Tin Hoa Kỳ trong hơn 10 năm. Đầu thập niên 1960, ông vào quân ngũ phục vụ trong ngành Tâm Lý Chιến, là xướng ngôn viên tại Đài Phát thanh Quân Đội. Sau khi giải ngũ, ông làm việc cho đài Tiếng Nói Tự Do, vừa là xướng ngôn viên, vừa tham gia những chương trình ca nhạc phát thanh.
Năm năm 1975, ông ở lại Việt Nam và không tham gia vào bất cứ sinh hoạt ca nhạc nào trong 15 năm, trước khi sang Hoa Kỳ năm 1990 theo diện đoàn tụ. Ban đầu ông cư ngụ ở Orange County và tham gia trở lại với sân khấu tại nơi có cộng đồng người Việt đông đúc này. Từ năm 1993, ở tuổi gần 70, với ý định nghỉ ngơi, giã từ sân khấu, Anh Ngọc cùng gia đình về cư ngụ tại thành phố Burke, tiểu bang Virginia. Tại đây, thỉnh thoảng ông vẫn nhận lời xuất hiện trong những chương trình tổ chức tại các tiểu bang khác.
Tuy nhiên, một khi nhận lời ông đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, chỉ nhận lời tham gia (một cách hạn chế) các buổi trình diễn có ban nhạc lớn hoặc dàn nhạc thính phòng cùng những ca khúc loại nhạc bán cổ điển, tiền chiến thích hợp với ông.
Anh Ngọc tâm sự trong một bài viết của cố nhà báo Trường Kỳ như sau: “Sau mấy chục năm hoạt động, lúc bước ra sân khấu trình diễn đối với tôi trước đó là một chuyện rất là bình thường, như người ta đi làm hàng ngày vậy. Nhưng bây giờ thì khác. Mỗi lần bước ra sân khấu tôi lại cảm thấy rất lo ngại và hồi hộp. Hay nói theo danh từ chuyên mnôn là rất “khớp”. Tôi không hiểu liệu mình có thể hát được hết ca khúc trình bày hay không, có diễn tả được bài hát như ý muốn và không hiểu phản ứng của khán giả như thế nào”.
Trong những năm cuối trước khi giã từ sân khấu, Anh Ngọc từng nói rằng ông không còn có được sự tự tin như trước đó nữa, vì ông nghĩ rằng một khi hát không còn được hay mà cứ cố lên sân khấu thì sẽ làm mất đi hình tượng đối với khán giả.
Tuy nhiên, trong 2 lần cuối xuất hiện trình diễn trước khi giã từ sân khấu, dù phong độ không còn như thời kỳ đỉnh cao, nhưng Anh Ngọc vẫn được khán giả có mặt tán dương bằng những tràn pháo tay không ngớt, là cái kết đẹp của một đời cống hiến cho tân nhạc.
Đã hơn 15 năm kể từ ngày đó, Anh Ngọc lui về sống những năm tuổi xế chiều trong tâm trạng thật thư thả và bình yên, không chút ưu tư khi nghĩ về một thời để nhớ và một đời ca hát. Ông nói: “Bây giờ trời cho mình sống đến đâu, mình biết như vậy thôi, đừng đòi hỏi nhiều gì cả, thế thôi”.
Dù danh ca Anh Ngọc đã giã từ sân khấu đã lâu, nhưng hình ảnh phong độ cùng “giọng hát trượng phu” đó sẽ không bao giờ bị phai mờ theo thời gian.
=====
Anh Ngọc – Gương Mặt Tiêu Biểu cho nền Tân Nhạc Việt Nam
Nếu phải chọn một giọng ca nam tiêu biểu cho nền tân nhạc Việt Nam, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến danh ca Anh Ngọc.
Người ta nghĩ đến Anh Ngọc không phải vì ông là nam ca sĩ đầu tiên của nền tân nhạc Việt. Ông sinh năm 1929. Khi Tân Nhạc Việt bắt đầu hình thành và phát triển, Anh Ngọc vẫn còn là một cậu bé ở đất Hà Thành. Nhưng niềm đam mê âm nhạc đã khiến ông tìm đến học nhạc với các nhạc sĩ tên tuổi thời bấy giờ là Tạ Phước và Nguyễn Thiện Tơ. Rồi cơ duyên đưa đến giúp ông có nhiều điều kiện đến gần với sinh hoạt âm nhạc hơn. 
Anh Ngọc: Một đời để sống và một thời để hát | Hoàng Trọng 

Năm 1947, ông vào thăm gia đình tại Huế và lưu lại thành phố này một năm. Nhờ vậy, ông có dịp biết đến danh ca Minh Trang và được cô mời đến hát tại đài phát thanh Huế., Hai năm sau, 1949, Anh Ngọc vào Sài Gòn, khởi đầu sự nghiệp ca hát và làm việc cho đài phát thanh.
Công việc chính của ông là xướng ngôn viên nhưng vai trò mà ông gây ấn tượng mạnh nhất với đại chúng lại chính là ca hát. Ông còn làm luôn cả việc tổ chức đại nhạc hội và thực hiện những chương trình ca nhạc cho đài phát thanh. Tên tuổi của ca sĩ Anh Ngọc gắn liền với chương trình “Tiếng Nhạc Tâm Tình”- một chương trình phát thanh ca nhạc chọn lọc đựọc chuẩn bị công phu và có lời giới thiệu cho từng ca khúc do nhà văn Mai Thảo viết. Anh Ngọc đã thực hiện chương trình “Tiếng Nhạc Tâm Tình” từ đầu thập niên 60 cho đến ngày chung cuộc 30 tháng 4 năm 1975. Cộng tác thường xuyên với chương trình này là các giọng ca tên tuổi như Thái Thanh, Kim Tước, Tuyết Hằng, Mai Hương, Mộc Lan, Quỳnh Giao, Ngọc Long, Nhật Bằng, Nhật Trường … Đó là chương trình phát thanh ca nhạc luôn được đông đảo công chúng háo hức mong đợi.
Vào thập niên 70s, ca sĩ Anh Ngọc còn bước sang lĩnh vực điện ảnh và xuất hiện trong cuốn phim Yêu do đạo diễn Đỗ Tiến Đức thực hiện. Sau phim này thì ông nhận ra điện ảnh không phải là đất dụng võ của mình nên đã quyết định không tiếp tục với sân chơi điện ảnh nữa.
Công chúng cũng chỉ thích nghe ông hát. Ca sĩ Anh Ngọc có một giọng hát khỏe. Trầm và khỏe! Tự mình, ca sĩ Anh Ngọc chỉ coi ông là một ca sĩ nghiệp dư nhưng cả nước Việt Nam thời bấy giờ ngưỡng mộ giọng hát ông như một khuôn mẫu của ca nhạc Việt. Ông hát rõ lời và có một làn hơi đủ dài để có thể ngân nga theo đúng trường độ của bài nhạc.
Nhiều người cho rằng đó là khả năng thiên phú mà ca sĩ Anh Ngọc may mắn có. Điều này có thể đúng nhưng không thể không kể đến sự rèn luyện và trau dồi thanh nhạc của ông. Có lẽ chính nhờ vào yếu tố này mà cái “thiên phú” trong giọng hát của ca sĩ Anh Ngọc mới có thể tiếp tục vang rộng đến giới thưởng ngoạn trong suốt nhiều thập niên. 
 
 

Giọng hát của ca sĩ Anh Ngọc có âm vực rộng nên khi lên cao thì vang lộng mà xuống nốt trầm thì vẫn dầy và rõ chứ không bị mờ đi. Ông hát tự nhiên, không có gắng cũng không làm dáng nên dù bài nhạc có khó đến đâu, Anh Ngọc vẫn làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu.
Ca sĩ Anh Ngọc đã cộng tác cho nhiều ban nhạc cả để hát đơn ca và hợp ca. Ông hát nhiều ca khúc tiền chiến nên đôi khi có người gọi ông là giong ca chuyên về những bài nhạc tiền chiến. Thật ra ca sĩ Anh Ngọc cũng có trình bày nhiều ca khúc mới sáng tác và thịnh hành.
Ông hát được nhiều loại nhạc, từ tình ca đến dân ca, từ cổ điển đến thời trang. Ông chủ trương hát diễn đạt nội dung bài hát và truyền cảm xúc của ca khúc đển người nghe theo đúng nội dung chứ không cường điệu hóa. Người khó tính đôi khi than phiền vi giọng ông “khô” quá, khó cho đại chúng cảm nhận. Người khác lại say mê tiếng hát của ông khi trình bày những bài nhạc có giá trị nghệ thuật cao của các tên tuổi như Cung Tiến, Vũ Thành, …
Nhưng ngay ca đối với những người khó tính, người ta cũng thích xem ông hát vì Anh Ngọc sáng sân khấu. Danh ca Anh Ngọc có gương mặt khôi ngô và kiểu chải tóc ngược ra phía sau, luôn bóng lưỡng nhờ dùng dầu Brillantine. Hình ảnh của ông làm gợi nhớ một Tino Rosi lẫy lừng của Pháp Quốc.
Sau năm 1975, ca sĩ Anh Ngọc bị kẹt lại Việt Nam và lui về ở ẩn chứ không tiếp tục đi hát nữa. Đến năm 1990 thì ông di dân sang Hoa Kỳ để đoàn tụ với gia đình. Tuy không còn xuất hiện thường xuyên trên sân khấu như khi còn ở quê nhà, tiếng hát của danh ca Anh Ngọc vẫn còn được công chúng tìm nghe. Khoa học kỹ thuật tiến bộ cho phép người yêu nhạc đến gần với giọng hát của ông.
 Kỹ thuật số đã làm sống lại các ca khúc do ông ghi âm từ trước năm 1975. Những người của Sài Gòn năm cũ tìm đến giọng hát của ông để ôn lại kỷ niệm của một thời vàng son. Giới thưởng ngoạn thuộc thế hệ sau năm 1975 nghe các ca khúc do danh ca Anh Ngọc trình bày như là cách để chiêm nghiệm về một khuynh hướng hát tân nhạc, biết sử dụng kỹ thuật thanh nhạc tây phương nhưng vẫn giữ đậm nét Việt Nam. Ông xứng đáng được coi là một trong những giọng ca tiêu biểu cho nên tân nhạc Việt Nam.
Chu Văn Lễ
nguồn: fb
Khai Trí

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire