Đúng ngày kỷ niệm một năm chấp chánh của TT Trump, Thượng Viện tặng ông món
quà, ngon như xương cá kẹt trong cổ họng: đóng cửa Nhà Nước.
Nhà Nước đóng cửa vì hai chính đảng không đi đến thỏa thuận ngân sách, và
không đi đến thoả thuận vì phe DC đòi cài việc giải quyết đám trẻ di dân DACA
vào ngân sách trong khi CH không chấp nhận.
Tại sao lại có vấn đề DACA? Xin nhắc lại câu chuyện qua một đoạn trong một bài kẻ này đã viết trước
đây:
DACA, viết tắt từ “Deferred Action for Childhood Arrivals” là danh từ
văn hoa của chương trình chấp nhận những trẻ vị thành niên, di dân lậu, bị bố mẹ
là dân Trung/Nam Mỹ, đẩy qua Mỹ qua ngã biên giới Mễ, làm ‘mỏ neo’ để ở lại Mỹ,
rồi sau đó có thể lấy lý do đoàn tụ gia đình, bảo lãnh cho cả gia đình qua Mỹ
theo. Trên căn bản, tất cả đều như là cô nhi, không có bố mẹ, gia đình gì ở Mỹ.
DACA là sắc lệnh Hành Pháp của TT Obama ký tháng 6/2012 mà không thông qua quốc hội, đúng vài tháng trước bầu
cử tổng thống tháng 11/2012, với mục tiêu lộ liễu là thu hút phiếu dân
Mỹ La-Tinh.
Trên căn bản, theo DACA, việc trục xuất các trẻ em di dân lậu được hoãn lại
(deferred) nếu chúng làm đơn
xin ở lại và được chấp nhận. Hầu như tất cả đều được chấp nhận nếu không phạm
án lớn. Chúng sẽ được ở lại hợp pháp trong thời gian hai năm, có quyền đi làm,
hưởng trợ cấp,... Chương trình này áp dụng cho tất cả trẻ em đến Mỹ khi còn dưới
16 tuổi, đã ở Mỹ liên tục từ
giữa năm 2007, đang đi học, hay
có việc làm, hay gia nhập quân đội Mỹ. Sắc lệnh đã giúp cho khoảng 800.000 trẻ em vị thành niên di dân lậu tránh
không bị trục xuất về nguyên quán. Thời hạn hai năm được gia hạn gần như tự động
mỗi khi hết hạn, vô hạn định. Do đó, DACA trên thực tế chỉ là một hình thức ân
xá trá hình.
DACA không áp dụng cho khoảng 2,5 triệu đứa trẻ khác cũng đã qua Mỹ lậu cùng với bố mẹ.
Sắc lệnh DACA của TT Obama trên căn bản là vi phạm Hiến Pháp, đi quá quyền
hạn của tổng thống. Bằng chứng rõ ràng là sau khi ký DACA, TT Obama thuận tay
ký luôn một sắc lệnh tương tự nhưng áp dụng cho di dân thành niên, gọi là DAPA.
Bị thưa kiện, toà phán ngay sắc lệnh DAPA vi Hiến, TT Obama đành rút lại. Nhưng
không ai dám thưa kiện DACA để thu hồi vì đụng vào trẻ vị thành niên.
Những trẻ em trong khối DACA này được gọi là “Dreamers”, ý nói chúng đang
ôm mộng được sống hạnh phúc tại xứ Mỹ, là ‘thiên đàng’ mà đảng CH bảo thủ đang ‘tàn
ác’ tìm cách đóng cửa, đuổi chúng đi. Nhận định về chuyện này, TT Trump đã nói
ông hoan nghênh chào đón khối Dreamers này, nhưng trẻ em Mỹ cũng là Dreamers vậy,
ai lo cho tương lai chúng?” Ai cũng hiểu khi bố mẹ chúng thất nghiệp hay lệ thuộc
vào trợ cấp bèo bọt thì tương lai chúng không thể khá.
Tháng 9/2017, TT Trump ký
sắc lệnh sẽ chấm dứt chương trình DACA tháng 3/2018 nếu quốc hội không giải quyết vấn đề trọn gói qua
một luật quy mô hợp Hiến về khối di dân bất hợp pháp đang sống ở Mỹ. Gần kề kỳ
hạn của TT Trump mà quốc hội vẫn không đi đến thỏa thuận gì.
Trên căn bản, TT Trump đã bày tỏ ý định muốn chấp nhận cho đám trẻ ở lại
luôn, trở thành công dân Mỹ. Nhưng ông gặp nhiều khó khăn. Trước hết là sẽ làm
khối bảo thủ và khối cử tri của ông thất vọng và chống đối vì họ chống lại việc
ân xá dưới mọi hình thức cho bất cứ hạng di dân bất hợp pháp nào. TT Trump cũng
lo ngại việc chấp nhận đám trẻ này sẽ đưa đến hậu quả trực tiếp là tình trạng
di dân dây chuyền –chain migration- qua liên hệ gia đình, tức là đám trẻ này sẽ
bảo lãnh họ hàng bà con dây dưa bất tận.
Trên căn bản, phe CH, và cả TT Trump
chấp nhận một hình thức ân xá hết đám trẻ này, không trục xuất, cho ở lại nhập
tịch Mỹ luôn. Nhưng có điều kiện, đại khái:
1.
Phải
nằm trong một luật di dân chung, giải quyết toàn bộ vấn đề DACA và 12 triệu di dân bất hợp pháp; kèm theo việc cấp
quỹ xây tường biên giới Mễ; phe CH lo ngại việc ân xá đám trẻ DACA sẽ gửi một
thông điệp cho dân Nam Mỹ là cứ tống đám con cháu qua Mỹ đi rồi trước sau gì
cũng được ân xá, và cả gia đình có thể qua sau, do đó phải xây tường và có luật
di trú mới để ngăn đám di dân mới;
2.
Chính
sách di dân phải dựa trên tuyển lựa theo nhu cầu của nước Mỹ và theo khả năng đóng
góp của từng người [merit system], chứ không phải theo liên hệ gia đình [chain
migration] bị lạm dụng qua tiểu xảo ‘thả mỏ neo’; phe CH lo sợ nhận di dân dựa
trên tiêu chuẩn liên hệ gia đình sẽ đưa đến hậu quả là sẽ nhận 1) toàn là dân nghèo hay lớn tuổi (đưa đến hậu
quả trực tiếp là gia tăng gánh nặng xã hội cho Mỹ như tăng tiền trợ cấp, y tế,
giáo dục, an ninh trật tự, tăng tội phạm), 2) hay dân không có tay nghề (đưa đến
tình trạng tăng thất nghiệp, hay giảm mức lương của dân địa phương khi đám người
này sẵn sàng làm việc với mức lương thấp), mà lại 3) vô giới hạn, kiểu như gia
đình ông A bảo lãnh qua, có dính một người có liên hệ với gia đình ông B, rồi
ông C,.... Chú bác, cô dì, dâu rể, xui gia,... liên tu bất tận; [TT Trump định nghĩa gia đình có thể được bảo
lãnh một cách giới hạn gồm có bố mẹ, chồng vợ và con cái chưa thành niên hay
chưa lập gia đình, không kể chú bác, cô dì, anh em họ, xui gia,...]
3.
Chấm
dứt chính sách nhận di dân theo kiểu sổ số rút thăm, chẳng có tiêu chuẩn gì.
Trên danh nghĩa, phe DC đòi hỏi ân xá vô điều kiện cho đám DACA vì lý do
nhân đạo, và dựa trên việc đám trẻ này đã lớn lên trên đất Mỹ, khó có thể trở về
xứ, nhất là những xứ nghèo, không cung cấp cho chúng công ăn việc làm, là gánh
nặng quá lớn cho gia đình chúng. Họ cũng cho việc trục xuất chúng về nước là một
hình thức trừng phạt trong khi chúng bị cha mẹ đẩy qua đây khi còn vị thành
niên không hiểu biết gì, không phải lỗi của chúng.
Phe cấp tiến còn đi xa hơn nữa, chế ra cái gọi là vùng an toàn –sanctuary
zone- cho di dân lậu. Cái ‘vùng’ đó có thể là một tỉnh, một quận, bây giờ leo
thang lên tới cả tiểu bang. Vùng an toàn là gì? Là những vùng không nhìn nhận
luật di trú của liên bang, tự cho mình có quyền có luật riêng, chấp nhận di dân
lậu tha hồ vào sống ‘thoải mái’ không bị ai hỏi giấy tờ, có thể lãnh trợ cấp, dịch
vụ y tế, ..., cũng có thể bị bắt phạt, đi tù nếu phạm luật như bất cứ công dân địa
phương nào. Nhưng không bị trục xuất và chính quyền vùng đó cũng sẽ không hợp
tác với chính quyền liên bang để bắt hay trục xuất di dân lậu. Một vài vùng an
toàn còn ‘siêu’ hơn, cho phép di dân lậu được tham dự bầu bán địa phương (chỉ
là bầu bán địa phương kiểu như Hội Đồng Tỉnh thôi, chưa được bầu bán cấp tiểu
bang hay liên bang), dựa trên lý luận họ cũng là những người sống trong cộng đồng,
tất nhiên phải có quyền có tiếng nói trong cộng đồng.
Tất cả nghe có vẻ nhân đạo và hữu lý, có phải không, thưa quý vị?
Chỉ có hai vấn đề ‘rất nhỏ’: 1) không ai cho phép họ vào xứ này, và 2) họ chẳng có đóng thuế, mua bảo
hiểm y tế,… gì hết, nhưng Nhà Nước, tức là quý vị và tôi đấy, cung cấp đâu cả
trăm tỷ mỗi năm tiền giáo dục con cái họ, tiền trợ cấp và tiền nhà thương, bác
sĩ, thuốc men cho họ. Có công bằng không?
Đảng DC đối xử với di dân lậu như vậy vì lòng nhân đạo? Bé cái lầm. Tất cả
chỉ là bài toán cộng trừ phiếu cử tri thật giản dị, nhất là trong thời điểm hiện
tại.
Qua cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, DC nhìn thấy rõ họ đã mất khối cử tri
da trắng trung lưu và lao động, là những khối cử tri cố hữu và trung kiên của
DC, vì TT Obama đã lơ là họ, hay chú tâm nhưng không biết làm gì để cứu giúp họ.
Với luật thuế mới đặt mục tiêu là tăng trưởng kinh tế để tạo công ăn việc làm,
nếu thành công thì hậu thuẫn của khối trung lưu và lao động đối với TT Trump sẽ
tăng mạnh, và cuộc bầu cử quốc hội cuối năm nay sẽ gây khó khăn lớn cho DC.
Mất khối này, tất nhiên phải đi kiếm khối khác để bù đắp: đó là lý do quan
trọng nhất bắt buộc DC phải ve vãn khối dân thiểu số, đặc biệt là khối di dân gốc
Mễ, càng ngày càng mạnh. Và cách chiêu dụ, câu phiếu cử tri hữu hiệu nhất là đứng
ra mạnh bạo bênh vực quyền lợi khối dân này, tức là bảo vệ 800.000 trẻ DACA. Càng mạnh càng tốt. Sẵn sàng
đóng cửa tiệm Nhà Nước để bảo vệ di dân. Chỉ vì di dân đã trở thành yếu tố sinh
tử cho đảng DC. Nhất là sau khi DC tính toán việc giảm thuế của TT Trump có triển
vọng thành công, khiến DC khó có thể lôi khối trung lưu và lao động về lại phe
mình.
Vấn đề di dân từ vài chục năm qua, đã là hòn sỏi lọt vào trong giầy của các
chính khách Mỹ, hay đúng hơn là khúc gân gà của Tào Tháo, nuốt không trôi mà nhổ
không xong. Với cả ngàn dặm biên giới, khó có cách nào ngăn cản được dân nghèo,
thất nghiệp, từ phiá nam biên giới tràn qua, gần 90% là dân Mễ.
Chẳng ai biết con số chính xác,
nhưng nhiều người ước lượng ít nhất khoảng 10-12 triệu người. Dân Mỹ nói chung, nhìn vào số dân này với ít thiện cảm, vì họ
là gánh nặng lớn khi thống kê cho thấy Mỹ tốn cỡ 135 tỷ một năm cho đám di dân lậu qua 3 chi phí chính
là giáo dục (46 tỷ), cảnh sát an ninh (23 tỷ), và dịch vụ y tế (29 tỷ). Gần một phần năm (18%) ngân sách của Cali được
chi cho di dân bấp hợp pháp.
Vấn đề xây tường như TT Trump hứa hẹn, nói dễ làm khó. Trước tiên là chưa
tìm ra tiền. TT Trump xin ngân sách sơ khởi 25 tỷ đô, và 5 tỷ để tăng cường biên giới, chưa
đi đến đâu. Ngoài ra còn phải giải quyết cả vạn rắc rối thực tế như luật pháp địa
phương với các luật về môi sinh, bảo vệ thiên nhiên, thêm vào đó là địa thế hiểm
trở, hay những đất một sở hữu chủ nhưng nằm vắt ngang qua biên giới [xây
tường cắt ngang nhà họ sao?],...
Câu chuyện xây tường là một chuyện tiếu lâm. Ba tổng thống Clinton, Bush và
Obama xây hơn 1.000 dặm tường
không sao. TT Trump đòi xây tường, TTDC nhao nhao sỉ vả. Quý độc giả đoán thử
xem tại sao?
Tại vì tường của mấy ông trước cao khoảng 1-2 thước, dân Mễ leo qua như chơi, trong khi tường của
Trump cao cỡ cả chục thước, khó leo qua. Nói cách khác, xây tường leo qua được
thì ô-kê, nhưng xây tường mà không leo qua được thì không ô-kê.
Nghe nói ‘bức tường’, không ai không cảm thấy khó chịu, như có cái gì không
ổn, đi ngược lại những giá trị căn bản về “Tự Do” của xứ Mỹ này. Nhưng thực tế,
không có thì không thể nào giải quyết, tức là ngăn chặn nạn di dân lậu được. Nước
Mỹ quá trù phú, quá giàu, ở sát nách với mấy nước quá nghèo, làm sao không là
nam châm thu hút di dân lậu được? Với đâu 2.000 dặm biên giới, phần lớn là núi non và sa mạc, làm
sao kiểm soát từng thước đất được?
Mà thả lỏng cho vào tự do thì cả chục triệu dân Nam Mỹ sẽ đổ xô vào ngay.
Năm 1980, TT Carter mở cửa đón nhận tất cả dân tỵ nạn
Cuba nào tới được lãnh hải Mỹ. Bị Castro đánh cho một trận để đời. Tay CS ma đầu
này mang cả chục ngàn tù nhân thuộc loại băng đảng ma túy [hầu hết cho đến
nay vẫn đang hoành hành tại Miami, Los Angeles, và New York], trộm cướp hung hiểm nhất, đĩ điếm, người điên, bệnh
nặng, thả xuống tầu đẩy qua Miami. Gần 150.000 dân, gọi là Marielitos vì khởi đi từ hải cảng
Mariel của Cuba, một số lớn thuộc thành phần bất hảo nêu trên, đổ vào Mỹ, gây
xáo trộn xã hội và tài chánh vĩ đại cho Carter.
Di dân lậu là một vấn nạn nhức đầu nhất của Mỹ, cả mấy đời tổng thống không
giải quyết được. Phe chống rất mạnh, nhưng phe chấp nhận cũng không yếu.
Đây là phe chống ân xá:
-
Đại
đa số dân Mỹ bình thường, trung lưu và nhất là lao động, vì coi di dân lậu là
vi phạm luật vào xứ bất hợp pháp, đe dọa công ăn việc làm và mức lương chung,
chưa kể hầu hết là gánh nặng xã hội, y tế, giáo dục, an ninh,... trong khi đóng
thuế tối thiểu.
-
Khối
dân da đen vì sợ cạnh tranh việc làm thấp và bị chia trợ cấp.
-
Đảng
CH vì biết chắc đám di dân lậu nếu được hợp thức hóa, sẽ bầu gần hết cho đảng
DC.
Và phe chấp nhận ân xá:
-
Khối
dân Mỹ gốc La-Tinh dĩ nhiên;
-
Đảng
DC đi tìm cử tri.
-
Các
tiểu bang gần biên giới, Cali, New Mexico, Arizona, cả Nevada, vì nhu cầu nhân
lực, nhất là trong một số khu vực thiết yếu như xây cất, canh nông theo mùa, dịch
vụ (chủ yếu là tạp dịch tại nhà hàng, khách sạn, siêu thị, công ty lớn,…)
-
Các đại
công ty cần nhân công rẻ. Chẳng những rẻ trực tiếp vì di dân bị trả lương thấp,
mà còn giúp dìm mức lương chung.
-
Các nhà
giàu, quan chức lớn, tài tử, ca sĩ cần người phục dịch như tài xế, làm vườn, giữ
trẻ, bồi bếp,...
-
Trí
thức cấp tiến và giới trẻ ngây ngô đã được đào tạo kỹ trong các trường hầu hết
theo khuynh hướng thiên tả, chủ trương một thế giới đại đồng mà danh từ thời
thượng gọi là túp lều đa dạng lớn.
-
Khối
công giáo, chẳng những vì lý do nhân đạo cố hữu của các tôn giáo, mà cũng vì hầu
hết dân Nam Mỹ đều là công giáo trung kiên.
Cho dù chống hay chấp nhận thì cũng không thể nào chối bỏ thực tế thứ nhất
là có 12 triệu người và 1 triệu trẻ em không gia đình đang sinh sống bất hợp
pháp, và thực tế thứ hai là không có cách nào trục xuất hết ra khỏi nước được.
Một thực tế thứ ba nữa là sẽ không thể nào có được một giải pháp mà tất cả
mọi người đều vui vẻ chấp nhận. Một giải pháp chỉ có thể có qua cách áp đảo
chính trị. Nôm na ra, khi hai chính đảng còn mạnh ngang nhau, sẽ khó có giải
pháp. Phải có một đảng thật mạnh, áp đảo đảng kia, áp đặt giải pháp của đảng đa
số. Cùng với một tổng thống dám làm. Bây giờ, đảng CH kiểm soát lập pháp, hành
pháp, cả tư pháp luôn, và có một tổng thống cứng rắn, dám làm, là cơ hội tốt nhất
để có một giải pháp.
Vấn đề là đảng CH có đủ đoàn kết nội bộ để đồng thuận với một giải pháp nào
không. Hay ta lại thấy lịch sử tái diễn với thất bại về giải pháp di dân không
khác gì thất bại về thu hồi Obamacare, chỉ vì cãi nhau nội bộ.
Trên căn bản, chuyện trục xuất cả chục triệu di dân bất hợp pháp là không
tưởng, chẳng những không có cách thực tế nào để làm, mà còn có những tác hại
kinh tế khổng lồ chẳng những cho kinh tế những tiểu bang biên giới, mà cho cả
nước Mỹ luôn. Trước sau gì cũng phải chấp nhận họ, qua cách thiết lập một lịch
trình cùng với điều kiện để trở thành công dân, chẳng hạn như phải có việc làm,
đóng thuế, không phạm tội, được một loại thẻ xanh nào đó trong một thời gian
vài năm thử thách, rồi mới được vào quốc tịch.
Nhưng đồng thời cũng không thể để tình trạng di dân tiếp tục tràn qua vô tận.
Ai cũng hiểu bất cứ hình thức ân xá nào cũng lập tức khuyến khích di dân tràn
qua mạnh hơn nữa, do đó bắt buộc phải có bức tường của TT Trump, không phải cái
tường cao một thước có tính tượng trưng, mà là tường thật. Real wall chứ không
phải... fake wall.
Đây có lẽ là quan điểm chung của cả hai chính đảng và tuyệt đại đa số dân Mỹ.
Vấn đề là đi vào chi tiết thực hành thì bắt đầu tranh cãi để rồi chẳng ra được
đồng thuận cuối cùng. Vấn nạn di dân cực kỳ khó khăn, bởi vậy mới nói đó là cái
gân gà của Tào Tháo.
Tin giờ chót: TT
Trump đề nghị ân xá 1,8 triệu
trẻ di dân lậu (khoảng một nửa tổng số), nhưng với điều kiện Thượng Viện phải
chuẩn chi 25 tỷ để xây bức tường.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire