Buổi trưa ở Chennai. Làm việc xong
trên đường trở về khách sạn, tôi nhờ người lái xe đưa đi thăm vịnh
Bengal. Đứng bên bờ vịnh nhìn sang phía bên kia bờ là Đông Nam Á. Tôi tự
hỏi Việt Nam đang nằm ở đâu sau dòng nước xanh xa thẳm kia. Và cùng lúc
tôi chợt nghĩ đến bài hát "Việt Nam tôi đâu" của Việt Khang đang trở
thành khẩu hiệu cho tuổi trẻ trong vào ngoài nước.
Câu hỏi của tôi vang lên theo từng đợt sóng dội vào bờ cát Chennai nhưng
tuyệt nhiên không có tiếng trả lời. Một người đứng trên đất khách và
một kẻ đang ở trong tù có cùng một câu hỏi.
Thì ra, không phải người đi xa mới thấm thía nỗi đau của kẻ thiếu quê
hương mà cả những người đang sống trên đất nước vẫn đi tìm kiếm quê
hương. Và quê hương chúng tôi đang tìm kiếm, không chỉ là núi đồi, sông
biển, ruộng vườn, cây trái nhưng là một quê hương có khối óc tự do, có
tâm hồn nhân bản, có trái tim dân chủ, có đôi chân tiến về phía trước và
đôi tay kiến tạo một xã hội thanh bình thịnh vượng cho mãi mãi Việt
Nam.
Thì ra, không phải người đi xa mới thấm thía nỗi đau của kẻ thiếu quê
hương mà cả những người đang sống trên đất nước vẫn đi tìm kiếm quê
hương. Và quê hương chúng tôi đang tìm kiếm, không chỉ là núi đồi, sông
biển, ruộng vườn, cây trái nhưng là một quê hương có khối óc tự do, có
tâm hồn nhân bản, có trái tim dân chủ, có đôi chân tiến về phía trước và
đôi tay kiến tạo một xã hội thanh bình thịnh vượng cho mãi mãi Việt
Nam.
Thời gian tôi sống ở xứ người dài hơn so với thời gian sống ở Việt Nam
và đã nhiều năm làm công dân Mỹ nhưng ngoại trừ việc phải điền vào những
giấy tờ cần thiết, khi được hỏi tôi là ai, tôi luôn trả lời tôi là
người Việt Nam. Một phần, tôi cảm thấy chút gì đó ngượng ngùng khi nhận
mình là người Mỹ và một phần khác tôi không thể từ chối đất nước đã sinh
ra tôi. Tôi cám ơn nước Mỹ đã cứu vớt tôi từ biển cả, cho tôi chiếc nệm
ấm, giúp tôi có cơ hội học hành, dang rộng đôi tay chào đón khi tôi
bước xuống phi trường lần đầu trong một đêm đông lạnh, nhưng suy nghĩ và
phân tích cho cùng, tôi vẫn là người Việt Nam. Tôi nghĩ về nước Mỹ với
một trách nhiệm công dân mang tính pháp lý hơn là một người con mang
trên vai nghĩa vụ tinh thần. Tôi không biết kiếp sau, nếu có, tôi là gì
nhưng kiếp này tôi là người Việt Nam. Tôi dặn lòng như thế.
Việt Nam tôi đâu?
Câu hỏi có vẻ ngô nghê nhưng không phải dễ trả lời. Nếu ai hỏi, thật khó
cho tôi gỉải thích đủ và đúng trong một câu ngắn gọn. Việt Nam của tôi
không phải là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và dĩ nhiên không phải
là chế độ cai trị con người bằng nhà tù và sân bắn như hiện nay.
Nhìn chiếc ghe hư nằm trơ trọi trên bờ biển Chennai, tôi chợt nhớ đã có
một thời, nhiều thuyền nhân Việt Nam từng hỏi “Việt Nam tôi đâu” và đã
đồng ý với nhau rằng Việt Nam đã chết như trong bài hát Một lần miên
viễn xót xa quen thuộc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Thành:
Giờ đây, mỗi đứa con lạc loài mỗi nẽo
Đứa London, đứa Paris, đứa đèo heo gió hút
Gặp nhau từng hàng lệ xót xa, buông những câu chào
Đôi ba sinh ngữ, Bonjour, Au revoir, Hello, Good bye
Con gục đầu chua xót đắng cay.
Thưa me, thưa me, thưa me, quê hương mình
Đã chết rồi, mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ Việt Nam ơi ..."
Vì “quê hương mình đã chết rồi” nên hàng triệu đứa con của mẹ phải bỏ ra đi khắp chân trời góc biển.
Có người không đồng ý và cho rằng quê hương vẫn còn đó, núi sông vẫn còn
đó, chết chóc gì đâu mà than vãn. Việt Nam là quê hương của tất cả
chúng ta. Không có quê hương của người quốc gia hay quê hương của người
cộng sản. Không có quê hương tư sản hay quê hương vô sản. Quê hương vẫn
còn có đó và sẽ mãi mãi còn đó cho ngàn đời sau.
Đúng hay sai, còn hay mất, sống hay chết tùy theo cách hiểu và cách nhìn
về đất nước. Với tôi và có thể với nhiều đồng bào cùng cảnh ngộ, quê
hương không chỉ là những vật vô tri, vô giác nhưng phải là một quê hương
sống động và có tâm hồn. Sau 30 tháng Tư năm 1975, quê hương Việt Nam
đã mất tâm hồn và thậm chí trở thành tù ngục. Việt Nam, nơi con người bị
đối xử như con vật. Việt Nam, nơi con người không có quyền nói những
điều họ muốn nói, hát những bài hát họ yêu thích, viết những dòng thơ họ
muốn viết. Hàng triệu người Việt Nam đã không còn chọn lựa nào khác hơn
là ra đi.
Hành trình của hai hơn hai triệu người Việt Nam từ sau tháng Tư năm 1975
không chỉ được ghi bằng những bước chân rỉ máu trên những chặng đường
đầy đau thương thử thách nhưng còn qua những bài hát được viết như tiếng
thét gào của đoàn lưu dân trên sa mạc trần gian.
Mai tôi đi, tôi đi vào sương đen
Sương rất độc tẩm vào ngươì nỗi chết
Quê hương ta sống chia dòng vĩnh biệt
Chảy về đâu những nước mắt đưa tin.
(Mai tôi đi, nhạc Nguyễn Đình Toàn)
Những ngày tháng lênh đênh đó, ai không dừng tay dù đang làm việc gì khi nghe Người di tản buồn của nhạc sĩ Nam Lộc, Sài Gòn niềm nhớ không tên của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn hay Đêm nhớ về Sài Gòn
của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cất lên từ giọng ca Khánh Ly? Có ai
không chợt nghe lòng mình chùng xuống khi chị Nguyệt Ánh cất lên những
lời não nùng trong Một chút quà cho quê hương của nhạc sĩ Việt
Dũng? Có ai không nghe như có tiếng mưa rơi dù đang đứng giữa phố Bolsa
nắng gắt khi nghe giọng Ngọc Lan kể lể trong Khóc một dòng sông của nhạc sĩ Đức Huy? Và nhiều nữa, Phạm Duy với 1954 Cha bỏ Quê 1975 Con bỏ Nước, Nhật Ngân với Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh, Châu Đình An với Đêm chôn dầu vượt biển, Phan Văn Hưng với Ai trở về xứ Việt, Phan Ni Tấn với Bài hát học trò, Tô Huyền Vân với Quê hương bỏ lại v.v..
Và tất cả đã đóng góp phần mình viết nên bài trường ca đầy bi tráng của
một bộ phận dân tộc Việt Nam sau mùa bão lửa 1975. Từ Camp Pendleton đến
Leamsing, Palawan, Pulau Bidong, Sungai Besi, Bataan, White Head, Panat
Nikhom, Galang, những tên tuổi địa danh đi vào lịch sử Việt Nam qua
cái chết tủi buồn của mẹ, qua giọt nước mắt của em, qua tiếng gào thống
thiết của anh vọng lên giữa Thái Bình Dương bát ngát.
Thời gian cuốn đi bao vết tích, tạo ra bao đổi thay của thời thế và con
người. Bây giờ, một số nhạc sĩ đã qua đời, một số đang qua đời trong
cách khác và một số vẫn tiếp tục đi trên con đường lý tưởng dù tuổi tác
đã già. Nhưng dù sống hay chết, bỏ đi hay ở lại, những bài hát của họ
đánh dấu một giai đoạn lịch sử nhiều bi tráng của đất nước và góp phần
xây lên tấm bia đá thuyền nhân bi thương ngàn đời trong lịch sử Việt
Nam.
Và những người còn ở lại, phải chăng họ dễ dàng trả lời “Việt Nam tôi đâu?”
Không. Tôi không nghĩ thế. Nếu ai hỏi những người thuộc thế hệ đã trải
qua giai đoạn cùng cực những năm sau 1975 còn sống hôm nay có thể họ
cũng sẽ trả lời trái tim Việt Nam có một thời ngừng đập. Thời gian dừng
lại. Không gian đóng kín bịt bùng. Việt Nam đã chết ngay cả trong lòng
những người đang sống giữa lòng đất nước. Một triệu dân Sài Gòn dắt nhau
sống lây lất trong các vùng kinh tế mới. Nhiều trăm ngàn sĩ quan viên
chức miền nam bị đầy đọa khắp các trại tù. Con người Việt Nam sau 1975
vẫn phải sống, phải thở, phải tìm mọi cách để sinh tồn trong hoàn cảnh
nghiệt ngã chứ không phải là những con người an vui hạnh phúc như phần
lớn của sáu tỉ người còn lại trên thế giới. Chính ông Võ Văn Kiệt khi
còn sống đã phải thừa nhận niềm vui của đảng Cộng Sản là nỗi buồn của
nhiều triệu người dân Viêt.
Dân tộc nào cũng có thể phải trải qua những chặng đường đau thương gian
khổ nhưng Việt Nam có thể nói là một trong số rất ít quốc gia mà sự chịu
đựng kéo dài qua nhiều thế hệ. Hơn nửa đời người trôi qua, tiếng thét
vẫn còn vang vọng qua bài hát của nhạc sĩ Việt Khang:
Việt Nam ơi
Thời gian quá nửa đời người
Và ta đã tỏ tường rồi
Ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói
Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời
Người lầm than đói khổ nghèo nàn
Kẻ quyền uy giàu sang dối gian.
Sau 36 năm, Việt Nam chẳng những không bước thêm một bước nào; trái
lại, về kinh tế, chính trị, so với đà tiến nhân loại, đã lùi xa hơn vào
quá khứ, và văn hóa đạo đức đang trở về với thời sơ khai nô lệ, nghĩa là
thời kỳ mọi của cải đều có thể mua bán, trao đổi, kể cả mua bán, trao
đổi chính con người. Người mẹ đang từng cơn xót dạ nhìn đời mà Việt
Khang gặp hôm nay không khác gì người mẹ mà tôi gặp đi bán máu ngoài nhà
thương Chợ Rẫy mấy chục năm trước. Nếu ai hỏi Việt Nam của mẹ ở đâu,
chắc chắn mẹ sẽ chỉ ra những nấm mồ vô chủ. Những bầy em đói khổ nghèo
nàn mà Việt Khang mô tả hôm nay cũng không khác gì đám trẻ tôi đã gặp ở
vùng kinh tế mới Đồng Xoài ba mươi lăm năm trước. Nếu ai hỏi Việt Nam
của các em đâu, các em sẽ chỉ ra những vỉa hè bụi bặm, những góc phố tối
tăm. Nhưng hiểm họa đất nước đang phải đương đầu không chỉ là độc tài,
tham nhũng mà còn là đại họa mất nước.
Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất
Mà giặc tàu ngang tàng trên quê hương ta
Hoàng Trường Sa, đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc tàu
Là một người con dân Việt Nam
Lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm
Người người cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi
Từng đoàn người đi chẳng nệ chi
Già trẻ gái trai giơ cao tay
Chống quân xâm lược
Chống quân nhu nhược
Bán nước Việt Nam
Việt Nam tôi đâu
Việt Nam tôi đâu
Chúng ta đọc quá nhiều, nghe quá nhiều, hãnh diện quá nhiều về lịch sử
hào nhùng bốn ngàn năm giữ nước. Vâng, nhưng đó là chỉ là những hào
quang của quá khứ, là những thành tựu của tổ tiên, không phải của chính
chúng ta. Những bài học thuộc lòng về một quá khứ hào hùng của dân tộc
không thể giúp lau khô đi dòng nước mắt hôm nay:
Kính thưa thầy đây bài thuộc lòng của con
Tổ quốc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến
Một trăm năm Pháp thuộc
hai mươi năm đọa đày
Làm sao con thuộc được truyện Kiều Nguyễn Du.
Kính thưa thầy đây là quyển vở của con
suốt một năm không hề có chữ
con để dành ép khô những giòng nước mắt
của cha con, của mẹ con, của chị con, và của... chính con.
(Bài học của con, nhạc Phan Ni Tấn)
Lịch sử không phải là một ngôi miếu để thờ cúng nhưng là một đời sống
luôn đổi mới. Truyền thống chỉ là một thói quen lỗi thời nếu truyền
thống không được hiện đại hóa. Angkor Wat, Angkor Thom nguy nga, đồ sộ
nhưng không cứu được một phần tư dân tộc Khờ Me khỏi bàn tay Pol Pot.
Tương tự, Ấn Độ, một dân tộc có nền văn minh lâu đời nhất nhân loại và
trải qua các thời đại hoàng kim từ Ashoka đến Gupta, cũng đã chịu đựng
hàng loạt ngoại xâm từ Mông Cổ, Hồi Giáo và thực dân Anh kéo dài suốt
600 năm.
Việt Nam cũng thế. Nếu chỉ biết tôn vinh quá khứ và làm ngơ trước hiểm
họa Trung Quốc hôm nay, rồi lịch sử dân tộc với những chiến công hiển
hách của các thời Ngô, Đinh, Lý, Trần cũng sẽ chỉ là những tấm bia trong
một ngôi đền cổ. Hãy tưởng tượng, nếu tất cả chúng ta đều im lặng, làm
ngơ, chịu nhục trước hiểm họa mất nước, rồi bốn ngàn năm nữa, những đứa
trẻ dòng Việt tộc, đi ngang qua di tích đền Hùng, sẽ căm hận biết bao
khi nghĩ về tổ tiên nhu nhược của chúng vào bốn ngàn năm trước đó.
Đừng để lại cho các thế hệ Việt Nam tương lai một ngôi đền mà ngay hôm
nay hãy xây cho họ một căn nhà Việt Nam Mới tự do, dân chủ, công bằng,
bác ái.
Bài hát Việt Nam tôi đâu của Việt Khang là tiếng chuông
đánh thức hồn thiêng sông núi đang ngủ quên trong lòng người. Ngọn đuốc
Việt Khang thắp lên soi sáng con đường đi về phía trước. Các thế hệ Việt
Nam từ lúc chào đời đã mang tinh hoa tinh huyết của dòng giống Lạc
Long, nhưng tinh hoa tinh huyết đó phải được mài dũa thành vũ khí để
bảo vệ đất nước hôm nay. Cứu Việt Khang, do đó, không phải chỉ cứu một
thanh niên, một nhạc sĩ đang bị tù đày nhưng hơn thế nữa, tự cứu chính
mình và từ đó đứng lên cứu dân tộc mình.
Trần Trung Đạo
danlambaovn.blogspot.com
*
* *
“Việt Nam tôi đâu?” câu hỏi của nhiều thế hệ
Bài viết Trần Trung Đạo- Hạt Sương Khuya trình bày
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire