lundi 1 février 2016

Ai Thắng?

Ông Nguyễn Phú Trọng đã thắng trong cuộc đua về chiếc ghế Tổng Bí Thư ĐCS. Ông Trọng có biệt danh là "Trọng Lú", vậy thì ông có lú không? Và, tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng, người mà trước đây, tưởng chừng như chiếc ghế TBT đã ghi tên ông và chỉ cần ông đến là có thể chễm chệ ngồi vào, lại phải "xin rút" tên trong danh sách ứng cử?

Ngược lại với mấy năm trước, khi mà Vinashin chìm xuồng, ông Dũng tưởng như phải bị kỷ luật, nhưng đến lúc phải đem ra hội nghị mổ xẻ, thì trong khi ông Dũng điềm nhiên ngồi khảy móng tay, ông Trọng đã không dám gọi thẳng tên ông Dũng mà phải gọi là "Đồng chí X.". Có người đã nói rằng ông Dũng là Thủ Tướng có nhiều quyền hạn nhất, và ngược lại ông Trọng là TBT ít quyền hạn nhất, trong lịch sử ĐCSVN.

Vậy thì chuyện gì đã xảy ra? Câu trả lời tương đối rõ ràng có lẽ phải đợi nhiều năm nữa, khi mà một số thông tin được bạch hóa, và khoảng vài chục cuốn hồi ký ra đời, thì sự đấu đá khốc liệt trong thâm cung của ĐCS mới có thể một phần nào được hé lộ. Người viết bài này chỉ chia sẻ một vài suy nghĩ để rộng đường dư luận.


Ông Trọng đã tuyên bố TBT phải là người miền Bắc và phải là người có lý luận. Không kể đến tác hại của tuyên bố này đối với sự đoàn kết dân tộc sau hơn hai thế kỷ bị chia cắt vì thuộc địa và nội chiến, tuyên bố đó rõ ràng phản ánh sự chia rẽ và phân biệt vùng miền trong nội bộ ĐCS. Đối với ông Trọng mà nói, nó có lợi cho ông trong việc lôi kéo các đảng viên gốc miền Bắc về phía ông, và đặt ông Dũng ở thế đối đầu với họ. Tuyên bố đó coi như một lời tuyên chiến giữa hai ông Trọng và Dũng trước thềm đại hội. Chia rẽ là kẻ thù của sự hợp tác và phát triển, nhưng nó thường xuyên được sử dụng như là một vũ khí của những chính trị gia. Trước mắt bàn dân thiên hạ thì ông Trọng có vẻ như "lú" càng "lú" hơn khi tuyên bố như vậy, nhưng đối với nội bộ ĐCS thì coi như sau một tiếng chuông mở màn cho hai võ sĩ quyền anh thượng đài, ông Trọng đã đánh trước một cú "direct" (cú đấm thẳng trực tiếp).

Trong khi đó ông Dũng được biết đến như là một người cấp tiến, thân Mỹ, có thể trở thành một Putin phiên bản Việt Nam. Sau vụ Vinashin, ông Dũng trở nên như một nhân vật bất khả xâm phạm. Thực tế cho thấy, ông Dũng sau những năm tháng trong các chức vụ khác nhau đã tạo nên một hệ thống quyền lực chằng chịt, một đế chế Mafia. Ở đó, quyền lực có thể được phân chia cho những thuộc cấp tin tưởng và thân nhân gia đình; nhưng trụ cột chính, mũi nhọn quyền lực vẫn phải nằm trong tay một "Bố Già". Ông Nguyễn Xuân Phúc, người được cho là sẽ thay ông Dũng sau khi ông Dũng chính thức về vườn, đã từng là một cộng sự, cánh tay đắc lực của ông Dũng. Người ta nói ông Dũng thân Mỹ và Tây Phương, nhưng thực ra ông được tập thể các nhân vật nặng ký trong Đảng giao nhiệm vụ làm gạch nối (chính) giữa ĐCSVN với thế giới tư bản; và ông Dũng đã lợi dụng điều này để mở rộng quyền hạn đế chế của riêng ông, cũng như củng cố lợi ích những phe nhóm có liên hệ hay chịu ảnh hưởng.

Điều đó cũng phản ánh chính sách ngoại giao đu dây của ĐCSVN, một chính sách nhằm kéo dài sự tồn tại của của ĐCS hơn là một chiến lược dài hạn nhằm vào sự phát triển đất nước. Bản thân các ông Dũng, Trọng cũng không muốn bị cho là đứng hẳn về một phía: hoặc Mỹ hoặc Trung Cộng. Ông Trọng vẫn thăm dò sự ủng hộ của Mỹ khi viếng thăm chính thức TT Obama. Và, trong khi ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam, ông Dũng đã muốn chứng minh rằng ông cũng được sự ủng hộ của ông Tập qua việc hai ông "ôm qua ôm lại" đến ba lần khi gặp nhau ở VN mấy tháng trước đây. Cho dù là bản thân của các ông, khi ôm nhau như vậy, đã không phải ngây thơ đến nỗi tin tưởng rằng sẽ "sống chết có nhau", nhưng "diễn được thì cứ diễn", tại sao lại từ chối việc "tương kế tựu kế".

Đối với Trung Cộng, mà người đại diện là ông Tập, thì việc lựa chọn giữa ông Dũng và ông Trọng không phải là một câu hỏi khó khăn. Tại sao không chọn cho "người anh em" một ông già lèm nhèm, tham quyền cố vị, không có quyết sách, giỏi việc hậu trường, trung thành với thiên triều; mà phải ủng hộ cho một người giảo hoạt hơn, có khuynh hướng thân Mỹ hơn và đã từng lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ chủ quyền Việt nam đối với các vùng biển và quần đảo Hoàng-Trường Sa. Câu trả lời là dễ dàng và dứt khoát; cho dầu cách đây một thập niên, chính họ đã ủng hộ cho ông Dũng vào các chức vụ quan trọng vì tin tưởng ông này sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế hai nước (và ông này đã thi hành khá nghiêm chỉnh). Trong khi Mỹ không ủng hộ ông Dũng, như vụ đảo chánh năm 1963; và ông Trọng được sự ủng hộ của Bắc Kinh, thì ông Dũng không có cách nào an toàn hơn là đi phía sau ông Trọng.

Ông Dũng nên sớm hiểu là ông đã hết giá trị sử dụng đối với Trung Cộng, vì những người thay ông sẽ mở đường mạnh hơn và rộng hơn cho sự xâm lược của Trung Cộng vào Việt Nam bằng cả hai cách ngấm ngầm và công khai. Người ký bản án tử hình cho sự nghiệp chính trị của ông Dũng, không phải là một ông già đang say men chiến thắng ở gần hồ con Rùa vừa chết, mà chính là đồng chí Tổng Bí Thư kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Đội Trung Cộng Tập Cận Bình, người vừa nồng nhiệt ôm ông Dũng cách đây không lâu. Việc ông Nguyễn Sinh Hùng sang yết kiến ông Tập trước ngày đại hội ĐCS không có gì khác hơn là khẳng định lần cuối cùng sự tồn tại của một bản án như vậy đối với đồng chí X. Có thể nói người thắng cuộc trong cuộc đấu đá vừa rồi trong nội bộ ĐCS VN không phải là một ông "chánh tổng" đang bắn pháo bông ở Bắc Bộ Phủ, mà chính là ông Tổng Chánh ở Trung Nam Hải.

Đồng chí Tổng khẳng định thêm sự ủng hộ của Bắc Kinh cho phe của ông Trọng bằng cách cho tàu đánh cá trá hình và giàn khoan áp sát Vịnh Bắc Bộ và cho máy bay gầm rú trên không phận Việt Nam trước thềm ĐHĐ cũng vừa để đo lường sức mạnh quyền lực và quyết tâm của ông Dũng, cũng như thăm do phản ứng cứng rắn của CSVN nói chung. Thực tế cho thấy là chính phủ Việt Nam chỉ phản ứng có lệ, và ông Dũng cũng không khẳng định sức mạnh quyền lực và quyết tâm bảo vệ chủ quyền như đã từng tuyên bố. Thực ra thì ông không thể có đủ thời gian để đối phó với quá nhiều mũi tấn công trong một thời gian ngắn như vậy. Mô hình "đế chế Mafia" có khả năng bảo đảm uy thế của ông đối với hệ thống mà ông tạo ra không có khả năng bảo vệ ông đối với đòn "đánh hội đồng, có hậu thuẫn" mà phe ông Trọng và Bắc Kinh tiến hành.

Nhưng chỉ như vậy không cũng chưa đủ, phe ông Trọng đã âm thầm chiêu dụ các "tướng tá" trong hàng ngũ của ông Dũng, trong số đó ông Phúc được nhắm đến đầu tiên, vì là người "cực kỳ" giảo hoạt và tham vọng, mặc dù ông đã chứng minh sự trung thành giai đoạn của mình đối với ông Dũng trong việc hạ gục ông Nguyễn Bá Thanh. Với mục tiêu là ông Dũng, phe ông Trọng có thể thỏa thuận ngay cả với lãnh chúa của địa ngục.

Ông Trần Đại Quang, cũng nằm trong tầm ngắm này, và khi gió đã có vẻ đổi chiều, ông Quang không thể không dương buồm theo hướng gió. Những ngày trước đại hội, Hà Nội rung chuyển với "lực lượng chống khủng bố, bảo vệ ĐHĐ". Những bệnh nhân tâm thần cũng không tin là khủng bố Hồi Giáo lại rảnh đến độ đi tấn công ĐHĐ CSVN. "Các thế lực thù địch" thì không đủ mạnh để làm chuyện đó, và phe ông Trọng cũng không cho ông Dũng thấy là ông Dũng "bị dồn vào góc tường" để phải phải chọn một sinh lộ cuối cùng trong tử địa. Cuộc hành binh bảo vệ ĐHĐ không có gì khác hơn là chứng tỏ sự mất kiểm soát của ông Dũng đối với công an và quân đội. Lẽ tất nhiên là ông Dũng không đơn phương chủ trương cuộc hành binh này để có rớt ngay ngay xuống thung lũng tử thần.

Nhưng tại sao một đế chế Mafia của ông Dũng có thể tê liệt nhanh như vậy, cho dù nó đã rất hữu hiệu trong vụ Vinashin. Câu trả lời, theo người viết, vẫn là ở ông Tổng, xin lặp lại: ông Tổng Chánh Tập Cận Bình chứ không phải ông chánh tổng Nguyễn Phú Trọng. Tình báo Hoa Nam đã thâm nhập đến mọi ngóc ngách quyền lực của cả hai phe: Trọng và Dũng, và khi được bật đèn xanh thì họ muốn bên nào thắng thì bên đó có muốn hy sinh chọn thua cũng không được cho phép. Cho dù ông Dũng có cho đàn em phủ đầu ông Trọng trong kỳ họp đầu tiên rằng ông Trọng bán đất biển cho Tàu, làm tay sai cho Trung Cộng v.v... thì với sự giúp đỡ của tình báo Hoa Nam, phía ông Trọng cũng đã chuẩn bị cáo trạng dài hơn 300 trang về các hoạt động "Mafia" của ông Dũng với đầy đủ vật chứng, nhân chứng, trong số đó có những người mà ông Dũng đã hết sức tin tưởng. Giống như nàng Kiều khi biết Sở Khanh là người của Tú Bà, ông Dũng không còn cách nào hơn là chấp nhận ký đơn xin rút khỏi danh sách ứng cử và lùi lại đi phía sau ông chánh tổng Trọng. Dù vậy, không thể coi thường ông Dũng cũng như lính và tướng của ông ta. Cả hai phía đều đi đến một sự thỏa thuận ngầm vì lẽ phía ông Trọng dù "thắng nhanh, thắng đẹp" thực lực ông Trọng có vẻ như "đồ mã" nhiều hơn, và chiêu "dĩ hòa vi quý" được đưa ra để bảo vệ sự toàn vẹn tạm thời của ĐCS. Phía ông Dũng cũng cần thời gian để thu dọn, cài cắm, và quan trọng nhất "hạ cánh an toàn".

Chế độ cộng sản và một nền dân chủ thật sự không thể đứng chung, như nước và dầu, như ban ngày và ban đêm. Mơ ước, khao khát của một dân tộc cũng chỉ mãi là mơ ước chừng nào mà bất hạnh ra đi nhường chỗ cho sự xuất hiện những kỳ duyên. Có vẻ như ngày đó trước mắt vẫn còn xa...

Nguyên Đại
29/1/2016
nguyenbadai@hotmail.com

http://www.vanews.org/2016/02/ai-thang.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire