mercredi 2 novembre 2022

5 năm, 10 năm, và…nghìn năm, thời gian trong những ca khúc tình cũ.- Cát Linh, phóng viên RFA

Không biết có phải vô tình hay không mà trong âm nhạc, đã có nhiều nhạc sĩ chọn những mốc thời gian như 5 năm, 10 năm, 20 năm, rồi nghìn năm để làm đơn vị đo cho sự tồn tại của một cuộc tình, mặc dù tất cả đều gọi là “tình cũ”.
“Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình buồn
Xin một đời thôi tiếc thương nhau
Xin một đời ngủ yên dĩ vãng

Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình sầu
Kỷ niệm nào ghi dấu trên tay
Cho lòng này dài những cơn đau…” (Ru con tình cũ)
5 năm, 10 năm, và…nghìn năm, thời gian trong những ca khúc tình cũ.
Cát Linh, phóng viên RFA

Đó là ca khúc Ru con tình cũ, một sáng tác của nhạc sĩ Đinh Trầm Ca qua tiếng hát của danh ca Thanh Thuý.
Thời gian là liều thuốc kỳ diệu nhất. Không ai biết câu nói này có tự lúc nào, của ai và đúng hay sai? Không ai có thể trả lời được. Nhưng ai ai cũng thường mượn câu nói này để vượt qua những khúc quanh gai góc nhất trong cuộc đời mình. Cho dù cũng không ai biết là phải mất bao lâu, một năm? Ba năm? Hay năm năm? Mười năm? Hay lâu hơn nữa?
Còn trong âm nhạc, thi ca thì thời gian có vẻ như được nhắc đến nhiều mỗi khi các tác giả muốn ghi dấu cho một cuộc tình. Với Đinh Trầm Ca, sau ba năm, ông vẫn thốt lên rằng gió bão vẫn chưa tan, vẫn nhớ và tự hỏi người nơi xa xôi có hờn trách không?
Chỉ sau ba năm của Đinh Trầm Ca, người cũ trở thành thiếu phụ. Nhưng chuyện tình buồn của chàng lính lãng tử trong thi phẩm của nhà thơ Phạm Văn Bình, thì có đến năm năm để gọi là tình cũ.
“… Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mải
Đời chia hai nhánh sông
Phong thư tình ngây dại
Và vai môi rất mềm
Những hẹn hò cuống quýt
Trên lối xưa thiên đường…”(Chuyện tình buồn)
Quý vị vừa nghe ca khúc Chuyện tình buồn, sáng tác của cố nhạc sĩ Phạm Duy, phổ nhạc từ bài thơ “5 năm rồi không gặp” của nhà thơ Phạm Văn Bình qua tiếng hát cố ca sĩ Duy Quang.
Năm năm dài người đi biệt, quên đường xưa lối về. Và khi quay trở lại thì bàng bạc một màu tang
“Năm năm rồi trở lại
Một màu tang ngút trời
Chúa buồn trên thánh giá
Mắt nhạt nhòa mưa qua…”(Chuyện tình buồn)
Người ra đi và quay trở lại sau 5 năm. Thời gian vẫn chưa đủ để làm cho niềm cũ thôi nguôi ngoai trong ngày trở về. Vì vẫn có những nỗi nhớ mà sau 10 năm, vẫn tròn vẹn một vùng ký ức và một trời thương yêu.
“Mười năm không gặp tưởng tình đã cũ.
Mây bay bao năm tưởng mình đã quên.
Như mưa bay đi một trời thương nhớ.
Em ơi! Bên kia có còn mắt buồn?...”(Mười năm tình cũ)
Chỉ cần mỗi khi tìm đến một bản nhạc nào đó để nói về sự hoài niệm cho một cuộc tình, thì có lẽ người ta sẽ nhớ ngay đến giai điệu nhẹ nhàng nhưng man mác một nỗi buồn và những câu hỏi ray rứt trong “Mười năm tình cũ” của Nhạc sĩ Trần Quảng Nam.
Ca khúc này không xa lạ với những người yêu nhạc. Và chính nhạc sĩ cũng nhiều lần chia sẻ về sự ra đời của tác phẩm này. Cát Linh xin mượn lời của ông trong một lần trò chuyện trước đây với Đài Á Châu Tự Do, ông nói rằng:
“Bài nhạc này tôi viết trong tình cờ thôi. Vào một ngày khoảng chừng năm 1985, có một dịp tôi dọn dẹp, thấy tập ảnh cũ và hình người bạn gái, lúc đó cũng xa cách lâu lắm rồi chưa  gặp lại. Nhưng khi nhìn lại, mình xúc động lắm nên mình mới viết, một lúc ngắn thôi, thì tôi viết bài nhạc này và bắt đầu bằng câu “mười năm không gặp…” cho nên tôi đặt tên là “Mười Năm Tình Cũ” luôn.”
10 năm vẫn chưa gọi là dài. Ít nhất là với nhạc sĩ Trần Quảng Nam. Vì ông cất trọn cuộc tình ấy trong một nơi sâu thẳm suốt 20 năm. Mười năm tình cũ ngày trước, giờ vẫn dạt dào với “Hai mươi năm tình cũ”.
“Bao nhiêu năm gặp lại.
Nụ cười héo trên môi.
Bao nhiêu năm tình cạn.
Tìm nhau đã mòn hơi.
Bao nhiêu năm một lần.
Mình nhìn nhau chơi với...” (Hai mươi năm tình cũ)
Cũng trong lần trò chuyện trước đây với Đài Á Châu Tự Do, nhạc sĩ Trần Quảng Nam có nói:

“‘Hai Mươi Năm Tình Cũ’ là một sự hoài niệm mối tình cũ và thấy rằng con tim của mình vẫn y như cũ. Đến “Ba Mươi Năm Tình Cũ” là mình trả lại tất cả những day dứt, trả lại tất cả yêu thương, trả lại tất cả những hi vọng của mười năm, hai mươi năm trước trả lại cho người tình của mình để họ được yên ấm với cuộc sống của họ. Đó là tâm tình của tôi gửi gắm trong ba bài nhạc.”
5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm, thời gian cứ thế trôi đi và dài thêm mãi. Người nhạc sĩ qua những ca khúc của mình đã nói lên giùm cho thế gian những cuộc tình chờ đợi, hy vọng, day dức, và cả lòng vị tha qua những cột mốc thời gian hạn hữu.
Hạn hữu vì người ta còn đếm được, còn có thể nhìn thấy số năm tháng mình chờ đợi hay nhớ về một điều gì đó. Đôi khi, người nhạc sĩ còn nhìn thấy trước được thời gian đó sẽ là trăm năm.
“Tình yêu ấy anh mang về trao cho người tình mới đi anh
Rồi năm tháng em nơi này vẫn thương hoài người tình lỡ trăm năm

Lòng như giông tố phong ba khi thuyền yêu trôi xa
Thuyền anh tách bến sang sông nước mắt em tuôn thành giòng…” (Tình lỡ trăm năm)

Tuy thời gian là vô hạn, tuy tất cả rồi sẽ qua, nhưng có những điều mà cho đến nghìn năm, vẫn chưa quên, đó là điều mà cố nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong một ca khúc của ông.
“Như một dòng sông nhỏ
Cuộc tình đã ra đi
Ra đi cùng năm tháng
Ra đi tít muôn trùng

Ôi cuộc tình thơ mộng
Chỉ còn thoáng dư âm
Năm năm rồi không gặp
Mười năm mất nhau không
Có mất nhau không?...” (Nghìn năm vẫn chưa quên)

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/Time-in-love-song-11012015094645.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire