dimanche 10 juillet 2022

Như chuyện thần tiên

Hoàng Ngọc Tuấn sinh năm 1947 tại Huế. Từ năm 1967, ông phiêu bạt vào Nam sinh sống, theo học Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, và bắt đầu bước vào nghề cầm bút từ thời gian này. Ông được giới trẻ miền Nam đặc biệt yêu thích, đón nhận như một “hiện tượng văn học” từ trước 1975. 

 Trước 1975, Hoàng Ngọc Tuấn từng được chọn là 1 trong 5 nhà văn được yêu thích nhất của tuổi trẻ miền Nam, do tuần báo Khởi Hành (nhà thơ Viên Linh làm chủ biên) trưng cầu ý kiến bạn đọc. Có lẽ, ông là nhà văn hiếm hoi đã bắt trúng ngôn ngữ và tâm trạng của lớp trẻ vào thời điểm ấy. 

Từ năm 1989 – 2005, các tác phẩm Hoàng Ngọc Tuấn được NXB Trẻ tái bản nhiều lần qua các tựa sách: Tuyển tập Hoàng Ngọc Tuấn (3 tập), Lời cầu hôn, Hình như là tình yêu… Thế nhưng, Hoàng Ngọc Tuấn vẫn ít được công chúng biết, bởi ông có đời sống riêng khá lập dị, kín đáo và lặng lẽ cho đến khi qua đời, do lâm bạo bệnh, vào tháng 7-2005. 

Để tưởng niệm nhà văn của một thời, mời các bạn theo dõi bài viết ghi lại những kỷ niệm và bước đường đời của Hoàng Ngọc Tuấn qua bài viết của người bạn thân Hoàng Xuân Sơn. Như Chuyện Thần Tiên. 

 NGUYỄN & BẠN HỮU 

Như chuyện thần tiên - HOÀNG XUÂN SƠN
Kể từ khi Quán Văn tan hàng không dự báo, bọn trẻ chúng tôi; những tên gầy dựng nên cái địa điểm thơ mộng và đầy ắp kỷ niệm này, đã phải cố gắng chia tay trong bùi ngùi thương cảm, ghi nốt quãng đời hoa niên còn lại trên những trang nhật ký không ngày tháng, lục tục trở về cùng mái ấm gia đình. Ðã xa thật rồi những đêm hạ nồng, những sáng mưa xuân nối kết chuỗi ngày rong chơi diễm ảo trong tình đệ huynh và bằng hữu thắm thiết. Chỉ còn lại đôi bạn chân tình Trịnh Công Sơn/Hoàng Ngọc Tuấn cố tử thủ chái nhà nhỏ nhoi sau cùng của trụ sở Hội Họa Sĩ Trẻ nơi góc đường Lê Thánh Tôn/Công Lý. Rồi cũng buông tay, cho đến khi tất cả khu vườn cỏ mộng mơ được đào xới lên, sửa soạn cho một công trình xây cất mới: Thư Viện Quốc Gia! Nhà chứa sách tương lai đã xóa tên CPS, Quán Văn; xua những tên lãng tử cuối cùng ra khỏi vòng rào kỷ niệm.

Trịnh Công Sơn trở về Huế. Và Hoàng Ngọc Tuấn (HNT) tiếp tục những dấu chân lang bạt kỳ hồ. Khoác áo treillis đi khắp 4 vùng chiến thuật, HNT đã có một thời như thế. Khi trở lại cuộc sống dân sự, Tuấn – chàng trai nước Việt tân thời – vẫn nổi trôi một đời vô định, lang thang rày đây mai đó. Mái ấm gia đình chỉ còn là một hồi tưởng, một vết thương mưng mức nơi «Thủa Ấy Có Nhà». Bọn tôi hiếm khi gặp nhau giữa dòng đời tan tác. Phương chi sau cuộc đổi đời 75, cả nước đều rách nát tang thương. Họa hoằn lắm, tôi mới gặp lại HNT ngồi trầm ngâm giữa mịt mù khói thuốc ở cà-phê Huy Tưởng. Hay mặt đỏ gay sau vài hiệp đánh chén thịt cầy dã chiến nơi quán vỉa hè. Hút vội với nhau điếu thuốc. Uống vội với nhau cốc bia dỏm bên đường rồi mạnh ai nấy đi. Nhưng mà biết đi đâu khi bụi đời đã phủ mờ mọi lối. HNT nom tội nghiệp nhất. Còm cõi. Xơ xác. Còn đâu dáng dấp hào hoa ngày nào! Bọn tôi đã kẹt mà HNT càng túng bấn hơn. Chàng đã tự xưng là ông vua của những tay Chúa Chổm về nợ nần. Tôi biết tánh bạn rất nghệ sĩ, hào phóng; có được đồng nào tiêu hết đồng nấy xả láng với bạn bè, không lý gì tới ngày mai.


 

Khởi đi từ những truyện ngắn đầu tay thời còn nằm ở Quán Văn, HNT bỗng trở nên một hiện tượng văn chương thời thượng. Truyện HNT thu hút độc giả mọi giới, ở khắp mọi nơi, sau đó. Ngay cả làng văn lớn bé cũng xúm nhau lại khen chàng nức nở. Nhiều tác phẩm của HNT được in ấn và phát hành liên tục qua những nhà xuất bản uy tín: An Tiêm, Trí Ðăng, Quế Sơn, Thời Mới v.v.  Thời đó, HNT là người có sách bán chạy nhất và được bạn đọc hâm mộ nhất qua những cuộc thăm dò dư luận độc giả trên báo chí. Bạn bè chúng tôi rất hãnh diện về Hoàng Ngọc Tuấn, kẻ đã đem văn chương đến giữa cuộc đời như một tặng phẩm quý giá! Vậy mà cả bọn chúng tôi cũng bó tay, không làm được một chút gì giúp HNT trong cơn ngặt nghèo. Những năm từ sau quân ngũ, lao đao vì không có một công việc vững vàng, cố định để kiếm sống qua ngày, HNT nhất quyết đeo nợ văn chương, sáng tác miệt mài trong nghèo túng, và nhất quyết không chịu dừng bước giang hồ làm kẻ lãng tử quy đầu về với mái ấm gia đình! Âu cũng nhờ thế mà từ gian nan đã mài giũa nên nhiều viên ngọc rạng ngời: những trước tác để đời mang tên Hoàng Ngọc Tuấn đã được tiếp tục sản sinh .
 Cuối năm 1981, tôi có cơ may đi định cư ở nước ngoài theo diện đoàn tụ gia đình. Một số bằng hữu văn nghệ gửi gắm mang tác phẩm sang trình diện xứ người. Trịnh Cung, Nghiêu Ðề, Tôn Thất Văn, Trương Ðình Quế v.v. gửi tranh mang theo. Chỉ duy có HNT đã ủy quyền cho tôi mang tấm giấy đòi nợ tác quyền khi nghe ngóng tin có một lượng lớn tác phẩm của mình được in lại tại hải ngoại. HNT còn cẩn thận yêu cầu được xác nhận mặt chữ của mình trên giấy ủy quyền đòi nợ qua những người có liên hệ cũ như thầy Thanh Tuệ của nhà xuất bản An Tiêm và nhà văn Võ Phiến, một người rất ưu ái ngòi bút HNT từ những sáng tác đầu tay. Nhưng rồi tất cả chỉ là không tưởng! Tranh nằm một xó, không ai ngó ngàng tới (ở Âu/Mỹ, muốn trưng bày tranh ở các galleries lớn phải kinh qua một quá trình tu tập ghê gớm!). Và giấy đòi nợ của HNT, dù cố gắng đến đâu cũng chỉ là một tiếng kêu vô vọng. Chỉ là muối bỏ biển. Ở hải ngoại, những công trình tim óc văn học nghệ thuật thời cũ được thiên hạ in lại hà rầm, vô tội vạ. Không ai nghĩ tới chuyện trả tác quyền và đòi bản quyền. Có chăng chỉ là một chút lòng của kẻ hảo tâm còn nghĩ lại, gửi về cho những tác giả còn kẹt ở quê nhà chút quà tượng trưng, quấy quá, gọi là cà phê cà pháo qua đường!

Suốt một đời viết lách, HNT không màng chuyện tiền bạc lắm. Có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Dốc túi tới đồng bạc cuối cùng với bạn bè, người thân. Và ngay cả với kẻ chỉ mới quen biết, qua đường. Chỉ vì quẫn bách quá đành phải lên tiếng thôi .

 Suốt một đời cầm bút, dù có ngàn ngàn độc giả ái mộ, HNT chỉ ấp ủ một điều: đi tìm một tầng lớp độc giả lý tưởng biết chia sẻ mối đồng cảm đồng thuận với tác giả ngay trong cuộc đời này – ở đây và bây giờ – mà không phải chờ đợi đến mai sau như Nguyễn Du đã từng thốt: Ba trăm năm nữa còn ai khóc cho Tố Như… Trong Nhật Ký Sau Một Tác Phẩm, HNT đã viết: «…Ðáng tiếc là ngày nay, con số độc giả lý tưởng mỗi lúc một ít đi. Một số người đọc sách không vì tấm lòng yêu mến văn chương và ước muốn sinh động tinh thần, mà chỉ đọc để thỏa mãn nhu cầu giải trí và thói quen tò mò… Một tác phẩm rộng mở trước đôi mắt của mọi người, nhưng chỉ dâng hiến tinh hoa cho những người đã chuẩn bị và sẵn sàng đón nhận. Ðọc văn, cần một sự buông thả, đắm chìm, rung cảm, không đòi hỏi, không vụ lợi, sẵn lòng hòa điệu và mơ mộng. Trang cuối của một cuốn sách khép lại và đồng thời mở ra một đường bay mới cho đôi cánh tâm hồn…».
Nghề cầm bút ở Việt Nam, nếu phải gọi là một nghề nghiệp để sinh nhai, thì quả là gặp muôn ngàn khó khăn. Mấy ai sống sung túc nổi nhờ ngòi bút? Ðời sống vật chất của HNT không vực lên được nổi bằng văn chương chữ nghĩa đã đành. Nhưng có phải sự đời là cùng đường như thế cả không? Ta vẫn tin giữa sa mạc nóng cháy vẫn còn những ốc đảo xanh tươi. Có phần thưởng tinh thần nào diễm lệ và quý giá hơn đối với người cầm bút bằng phần thưởng này – Vẫn có độc giả lý tưởng trong cuộc đời này dành cho bạn đấy, Tuấn ơi! – Câu chuyện dù bình thường hay khác thường, vẫn nghe ra Như Chuyện Thần Tiên.




“Ở một nơi ai cũng quen nhau”

Chuyện kể như thế này: Có một người thiếu nữ mang tên niềm-mơ-ước-của-nhân-loại: Hòa Bình, đến với văn chương Hoàng Ngọc Tuấn thật ngẫu nhiên, không hẹn mà có, và đẹp như một giấc mơ. Chuyện kể trong một chuyến bay dài định mệnh, người-nữ-hòa-bình đã được bạn đồng hành giới thiệu văn chương HNT qua tác phẩm Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau (OMNACQN). Tác phẩm mà HNT đã gửi gắm : « …Tiếng cười điệu hát, giọt lệ hân hoan của một thời tuổi trẻ chân thực. Ðây là những bài thơ, những nhạc khúc được trình tấu bằng văn xuôi. Dành cho những ai còn chan chứa yêu thương trong một thời đại đang giết chết tình người…». Người-nữ-hòa-bình, lần đầu tiên tiếp xúc, đã choáng ngợp trước tính chất thơ mộng khôn cùng của văn chương HNT qua những truyện ngắn trong OMNACQN. Theo chị, đây là cuốn sách trời cho, ở trên trời rớt xuống. Và cũng mang cùng ý nghĩ với người bạn đồng hành: OMNACQN là cuốn sách dễ thương nhất tất cả trên đời! Quả thật truyện HNT đã xuất hiện kịp thời đúng lúc: Giữa bầu không khí chiến tranh ngột ngạt trùm phủ lên khắp nẻo đường quê hương, truyện HNT như cơn gió tươi mát ăm ắp tình yêu thổi qua bộ mặt u ám của phận người trong cuộc chiến tàn khốc. Truyện Thủa Ấy Có Nhà là truyện đầu tiên chị Hòa Bình tìm đọc trước trong toàn tập OMNACQN. Chị đã thố lộ: Chị đọc và thương liền. Tất cả những dòng chữ trong ấy là tiếng sét ái tình. Từ đó, Hòa Bình là một độc giả trung thành của Hoàng Ngọc Tuấn. Chị đọc không sót một truyện nào của Tuấn. Ðọc đi đọc lại nhiều lần, thuộc nằm lòng, mê và thương cảm tất cả nhân vật HNT đã dựng nên.

 Chưa hết, Hòa Bình vẫn âm thầm theo dõi những bước chân của nhà văn mình ngưỡng mộ  nếu không muốn nói là thần tượng) trên mọi nẻo đường đời. Khi hay tin HNT đi trình diện nhập ngũ ở Trung Tâm 3, chị đã không ngần ngại gói ghém quà cáp, bươn bả tìm thăm, nhưng không được gặp mặt vì không phải là thân nhân trực tiếp! Nhưng rồi trời không phụ người có lòng: Hoà Bình đã được hội diện với nhà văn mình thương mến trong một dịp tiếp tân của Thủy Quân Lục Chiến tại Sàigòn, khi HNT còn khoác áo binh chủng này. Dù chỉ dăm ba phút hàn huyên, mối hảo cảm giữa người viết và bạn đọc càng đậm đà thêm. Ðôi cánh tâm hồn đã cùng nhau bay lượn theo trời xanh cao!

Sau khi sinh sống ở nước ngoài, chị Hòa Bình trở lại thăm quê hai lần vào năm 2002 và 2004, đôn đáo chạy ngược chạy xuôi dò la tin tức HNT để vấn an và yểm trợ phần nào, nhưng người vẫn «bặt vô âm tín». Thời gian này HNT tuyệt tích giang hồ, bạn bè không mấy ai được gặp. Sau 75 cuộc diện đảo lộn, hầu như HNT không sáng tác được gì thêm, ngoài những cung cấp tin tức và bình luận thể thao kiếm sống qua ngày. Hỡi ơi, có đeo bám cuộc sống cùn mằn từ sau tháng Tư đen mới thấy cảm thương cho một đời tài hoa tan tác!
Giữa năm 2005, nghe hung tin HNT qua đời vì bạo bệnh, chị Hoà Bình đã khóc không còn một giọt nước mắt. Tức tưởi và đau buồn vì không giáp mặt được người mình thương mến trước khi phủi tay rồi nợ văn chương. Sau cùng chị cũng tìm cách liên lạc được với mẹ và em HNT, gửi một số tiền nhỏ để nhang đèn hoa quả cho người quá cố. Trở lại Sài Gòn năm 2006, chị Hòa Bình và phu quân cũng đã được gặp gia đình, thân nhân HNT, được thắp một nén nhang lòng tưởng niệm người xưa, và được nhìn lại một vài kỷ vật thân thương của nhà văn mình một-đời-ngưỡng-phục.Chị Hòa Bình còn nhiều nghĩa cử đáng yêu khác đối với HNT mà tôi xin dành phần cho bạn đọc chia sẻ trong những trang viết của chị: Nói Với Hoàng Ngọc Tuấn, nhân dịp tập truyện Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau được tái bản ở hải ngoại, như một món quà kỷ niệm 60 năm một cõi đi về của nhà văn tài hoa mệnh bạc.

Tôi muốn gọi câu chuyện Hoàng Ngọc Tuấn/Hòa Bình là một sự giao thoa, một mối tình cực đẹp giữa những tâm hồn cao thượng, vượt trên cõi vật chất tầm thường và quá hiếm hoi trong cuộc đời này. Xin đốt một nén nhang thơm cho buổi về Hoàng Ngọc Tuấn. Và xin gửi tặng một đóa hồng nhung cho tấm lòng Hòa Bình.

Laval- Quebec- Canada
HOÀNG XUÂN SƠN
Tháng mười năm 2007

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire