Mẹ tôi và tôi phải chen chúc mãi mới vào được trong trường.”
Trên đây là một đoạn văn dịch tôi đã trích ra nguyên bản từ cuốn sách “Tâm Hồn Cao Thượng” của nhà giáo Hà Mai Anh. Ðoạn văn này tôi đã phải học thuộc lòng khi còn là học sinh lớp Ba ở trường tiểu học Bonnal ở Hải Phòng, nghĩa là khi tôi vào tuổi ấu thơ, năm lên tám hay lên chín tuổi. Từ dạo đó đến nay, mỗi năm vào dịp cuối hè, cảnh tượng khai trường này lại tới với tôi, dù ở phương trời nào hay ở tuổi nào. Lúc còn nhỏ, vào dịp khai trường, tôi thường theo mẹ đi mua giấy bút, sách vở. Cho đến khi học xong lớp Nhất ở trường tiểu học Hải Phòng, mẹ tôi là người mua sắm mọi thứ cho tôi, kể cả đôi giầy và chiếc mũ mới, ở phố Cầu Ðất, không xa trường tôi học là mấy.
Tôi cũng giống như cậu bé An-Di ở trong cuốn truyện, là mỗi năm được lên một lớp, bao giờ tôi cũng thấy quyến luyến ông thầy ở lớp dưới, nhưng chỉ vài tuần lễ sau, quen lớp, quen thầy, tôi lại thấy quý mến ông thầy học mới.
Từ ngày lên học trường trung học ở Hà Nội, và sau này ở bậc đại học, theo học ở Pháp hay ở Mỹ, tôi phải tự mình mua lấy sách vở giấy bút, nhưng bao giờ vào những dịp khai trường, vào thăm những hiệu sách và đi quanh quẩn ở giữa những chồng sách vở, thơm mùi giấy mới, tôi lại nhớ đến thời thơ ấu, nhớ những kỷ niệm xa xưa, cho đến năm học lớp Ba, bao giờ mẹ tôi cũng đưa tôi đến tận lớp vào ngày tựu trường. Mẹ tôi là người ở Nam Ðịnh, nhưng từ ngày lấy chồng, gần như suốt cuộc đời, bà sống ở thành phố Hải Phòng, lại có đông con cháu nên mẹ tôi quen thuộc với tất cả các trường trung và tiểu học. Riêng với trường Bonnal, sau này đổi tên thành trường Ngô Quyền, thì có lẽ trong mấy chục năm trời vừa qua, không biết bao nhiêu lần mẹ tôi đã dắt các con, và các cháu tới chào các thầy giáo, hay cô giáo những ngày đầu tựu trường. Giờ nghĩ lại, tôi mường tượng nhìn thấy những đứa em tôi, hay có thể sau này là những đứa cháu, một tay cầm chiếc cặp da mới mua, tay kia nắm lấy vạt áo của mẹ hay của bà, đôi mắt đầy vẻ lo âu nhìn thầy giáo mới. Và mẹ tôi chắc sẽ ôn tồn bảo đứa nhỏ: “Ðây là thầy giáo con. Con ở lại học ngoan, bà phải về.” Hết năm này qua năm khác, mẹ tôi đã giành để làm công việc ấy, mỗi buổi khai trường, hồi còn trẻ đưa các con, lúc về già lại dẫn các cháu, có lẽ vì mẹ tôi nghĩ rằng bà quen biết với các thầy giáo, cô giáo hơn, và mấy đứa cháu đi với bà chúng nó vững tâm hơn.
Tháng 10 năm 2000, trường trung học Ngô Quyền ở Hải Phòng tưng bừng làm lễ kỷ niệm 80 năm xây dựng và phát triển (1920-2000). Nhân dịp này ban giám đốc in ra một đặc san trong đó có một trang in hình của 9 thầy giáo đã dạy ở trường và được học sinh quý mến. Họ lại dành một trang in hình của 9 học sinh được ghi là “học sinh tiêu biểu của trường Bonnal-Ngô Quyền”. Ông hiệu trưởng đương nhiệm đã đến nhà để xin mẹ tôi cho mượn một tấm hình của đứa con xa vắng mà cách đây hơn sáu mươi năm bà đã dắt đến trường giao tận tay cho thầy giáo mới và dặn dò: “Con ở lại với thầy, học cho ngoan, mẹ phải về.” Ðã đúng nửa thế kỷ, tôi xa Hải Phòng, và cũng từng ấy năm trời tôi không gặp lại mẹ tôi. Nguồn vui cuối đời của bà có lẽ là biết tôi vẫn còn chờ đợi cho ngày nào quê hương thật có tự do, thanh bình mới trở về. Xa con, và mong có ngày được gặp mấy đứa cháu, những đứa con tôi mà bà đã không có dịp được cầm tay để dẫn tới trường, thỉnh thoảng có những lá thư và vài tấm hình gia đình chúng tôi gửi về bà lại trân trọng lưu giữ để thỉnh thoảng mang ra khoe với những khách đến thăm. Mẹ tôi đã cho trường Ngô Quyền mượn một tấm hình thật tiêu biểu của tôi, để in vào tập kỷ yếu, tấm hình tôi đang ngồi đọc sách. Thuở nhỏ, đôi khi tôi nghe thấy mẹ nói về tôi với những bà khách: “Thằng ấy nó chỉ biết chúi đầu vào học!” Tôi không biết trường Ngô Quyền khi in tập kỷ yếu, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập, đã lựa chọn những học sinh tiêu biểu ra sao nhưng trên trang giấy in hình 9 cựu học sinh, đặt thành ba hàng, thì ở hàng trên cùng, bức hình đầu tiên là của Nguyễn Văn Linh, cựu tổng bí thư BCHTƯ đảng CSVN, với phụ đề là học sinh khóa 1926-1930.
Những học sinh tiêu biểu khác, trong số những người tôi từng nghe thấy tên trong văn học, tôi thấy có Thế Lữ, học sinh khóa 1920, Nguyễn Ðình Thi, học sinh khóa 1930, Nguyễn Huy Tưởng, học sinh khóa 1920, và Văn Cao, học sinh khóa 1930. Những người này đều có phụ chú là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch hay nhạc sĩ. Tôi đã được ban giám đốc đương thời chọn là một trong những học sinh tiêu biểu của trường, và tấm hình tôi ngồi đọc sách đã được xếp sau cùng với lời phụ chú: “Giáo sư viện sĩ Viện Hàn Lâm Không Gian Quốc Tế Nguyễn Xuân Vinh. Học sinh khóa 1935.” Tôi được biết là ngày lễ kỷ niệm mẹ tôi cũng nhận được giấy mời, nhưng bà lấy cớ tuổi già, đã ngoài chín mươi tuổi nên không tham dự. Hai năm sau, vào cuối năm 2002, mẹ tôi qua đời. Trước khi bà mất hai tháng, đứa con trai út của chúng tôi, cùng đi với vợ và gia đình người chị đã về thăm mẹ tôi, và bà đã vui mừng khóc ròng khi lần đầu tiên được nhìn thấy hai đứa cháu nội, một trai một gái, và cả hai chắt ngoại. Khi về Mỹ, đứa con trai của tôi đã nói lại một câu: “Bà nói là bà nhớ bố lắm!”
Cuốn sách có ảnh hưởng nhất
Ðầu năm 1982, tôi được Ðại Học Washington ở Seattle mời tới thuyết trình về quỹ đạo tối ưu, và nhân dịp đó anh Thanh Nam của Báo Ðất Mới đã hỏi tôi là thích đọc cuốn truyện nào nhất. Tôi đã trả lời là tôi rất thích cuốn “Hoa Vông Vang” của Ðỗ Tốn. Ý nghĩ đó chợt đến với tôi vì tôi đã có dịp gặp cả Ðỗ Tốn và Thanh Nam hàng ngày trong một khoảng thời gian ngắn chừng vài tháng vào cuối năm 1957 khi tôi chờ đợi nghị định bổ nhiệm làm tham mưu trưởng Không Quân và lúc đó tạm thời giữ chức vụ trưởng phòng Báo chí Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Bộ Quốc Phòng, kiêm nhiệm chủ bút hai tờ báo Quân Ðội và Phụng Sự mà các anh đều ở trong ban biên tập. Thật ra trong cuộc đời, tôi đã đọc nhiều cuốn sách mà mình thấy ưa thích, kể cả những cuốn sách chuyên môn về toán hay về khoa học, nhưng không bao giờ tôi có ý nghĩ là chọn lựa ra một cuốn sách nào mà mình cho là hay nhất.
Thuở nhỏ tôi chỉ được đọc sách Pháp, mới đầu là cuốn “Lettres de mon Moulin” của Alphonse Daudet vì có ghi ở trong chương trình học. Sau đó tôi đọc tiếp cuốn “Le Petit Chose” của ông. Hồi học ở Pháp tôi đã lái xe mô tô đi khắp vùng Provence và tới thăm chiếc cối xay là nơi tác giả đã viết những lá thư hay tuyệt vời, sau này được giảng dậy trong chương trình trung học. Cuốn truyện đầu tiên bằng tiếng Việt tôi đọc là cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” của ông Hà Mai Anh. Ðó là những cuốn sách Pháp và Việt tôi đọc đầu tiên, và là những cuốn sách hay đã xâm nhập vào tiềm thức của tôi, để sau này dù có tạo ra được một văn phong riêng cho mình, tôi vẫn chỉ có thể viết được những câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng giống như trong những cuốn sách đầu đời tôi đã đọc mà thôi. Sau này, khi đã đọc những cuốn “Hồn Bướm Mơ Tiên” và “Tiêu Sơn Tráng Sĩ” của Khái Hưng và “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân, là những cuốn sách tôi thấy viết thật hay, thì tôi nhận thức được rằng chúng ta có thể dùng tiếng Việt để tạo dựng nên những tác phẩm văn chương sánh ngang được với những tác phẩm lớn của các quốc gia khác trên thế giới. Với lòng tin vào sự phong phú của tiếng Việt, tôi đã yên tâm viết văn và làm thơ từ năm 1950 khi được mời vào nhóm “Thế Kỷ” của các anh Bùi Xuân Uyên, Viên Phong và Tạ Tỵ.
Năm ngoái, nguyệt san văn hóa văn học nghệ thuật “Khởi Hành” mở cuộc phỏng vấn và đặt câu hỏi: “Cuốn sách nào đã ảnh hưởng nhiều nhất từ trước tới nay và cho biết trường hợp đọc cuốn sách đó” để gửi tới các nhà văn nghệ sĩ. Ðể trả lời anh chủ nhiệm-chủ bút Viên Linh, tôi đã không ngần ngại ghi xuống là cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng”, bản dịch tiếng Việt của nhà giáo Hà Mai Anh, dù rằng sau đó tôi cũng đọc bản dịch tiếng Pháp, đề là “Grands Coeurs” của ông A. Piazzi. Tác giả cuốn sách nguyên bản là Edmondo De Amicis (1846-1908), một nhà văn hào Ý, đã kể lại như là một tập nhật ký, trọn một niên học của một cậu bé tên là An-Di ở một trường tiểu học tại thành phố Tuy-Ranh bên Ý Ðại Lợi. Những câu chuyện ở học đường, và trong gia đình, về các thầy giáo, cô giáo và bè bạn của An-Di, những mẩu chuyện vui hay buồn đã xẩy ra trong thành phố cổ xưa này đã được kể lại trong sách bằng một văn phong giản dị và trong sáng, thắm đậm tình người. Ở thời đại này, những nhà giáo dục và những nhà tâm lý học đôi khi cho rằng những cảnh tàn bạo diễn xuất trên màn ảnh TV có ảnh hưởng rất nhiều đến giới thiếu niên, kích thích bọn trẻ gây nên những bạo động, nhưng qua nhiều cuộc tranh cãi và hàng trăm bài viết, vẫn chưa đi đến một kết luận nào cụ thể. Riêng tôi thì tôi nghĩ là những cuốn sách giáo khoa, học ở những lớp tiểu học, và đặc biệt là cuốn truyện đầu tiên bằng tiếng Việt tôi được đọc, tả cuộc đời của cậu bé An-Di trong một năm học ở lớp Ba, đã cho tôi nhiều bài học về lòng thương người, phương cách cư xử chung thủy với bè bạn, và hiếu kính với mẹ cha. Tôi đã bắt đầu bài viết này bằng một đoạn trích nguyên bản phần đầu trong cuốn truyện tả “Ngày Khai Trường.” Thay cho đoạn kết trong phần này, tôi xin trích đăng lại những dòng cuối cùng của cuốn truyện là những lời viết của bà mẹ cậu bé An-Di dặn con đừng quên mái trường xưa.
“An ơi! Mai sau, con nên người, con sẽ du lịch trong thế giới, con sẽ trông thấy những thị thành hoa lệ, những đài các nguy nga, nhưng con phải nhớ luôn luôn đến nếp nhà trắng tầm thường kia với cửa chớp khép, với vườn cây xanh, vì đấy là nơi bông hoa trí tuệ đầu tiên của con đã nẩy nở. Mẹ tin rằng hình ảnh trường cũ của con sẽ in vào ký ức cho đến lúc tàn sinh cũng như không bao giờ mẹ quên được bóng dáng cái nhà cũ kỹ mà ở đấy mẹ đã nghe tiếng nói ban đầu của con.”
Tập truyện thơ còn dang dở
Cuốn sách của nhà giáo Hà Mai Anh, tôi đã đọc nhiều lần và vì thấy thích thú nên, thuở còn là sinh viên ở Hà Nội, tôi đã dùng thơ ngũ ngôn để viết ra một tập nhật ký của một em bé Việt Nam trong suốt một niên học ở bậc tiểu học cũng giống như cậu bé An-Di ở trong sách của ông Edmondo De Amicis. Cũng như vào mấy năm đầu ở trường tiểu học tôi đã phải học thuộc lòng nhiều đoạn sách trong cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng”, tôi có mộng ước rằng tập thơ của tôi sau này được dùng làm sách tập đọc cho các em học sinh còn nhỏ, tuổi chưa lên mười. Cuốn truyện thơ lấy đề là “Tuổi Thơ”, tôi viết tay chỉ có một bản, khi đang là sinh viên “Toán Học Ðại Cương”, đã được truyền giữa đám bạn cùng là dân khoa học. Năm sau đó tôi đi Pháp du học, và trước khi đi tôi trao cho anh Bùi Xuân Uyên và sau này được biết anh có trích đăng vài bài trên báo “Thế Kỷ” của anh, còn ngoài ra bản thảo độc nhất nay ở trong tay ai thì tôi không biết. Mới đây ngồi nói chuyện với Giáo Sư Hà Mai Phương là thứ nam của cụ Hà Mai Anh thì được anh cho biết là anh cùng bào huynh là cựu đại tá thiết giáp Hà Mai Việt, cũng là một người bạn của tôi, có dự án cho in lại cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” của thân phụ, và lần này có thêm tiểu sử của nhà giáo cùng những kỷ niệm viết bởi thân hữu và môn sinh. Riêng tôi, sẽ là một điều hân hạnh cho tôi nếu có dịp đóng góp vào ấn phẩm này để vinh danh công nghiệp của một nhà mô phạm đã dịch thuật và giới thiệu nhiều tác phẩm ngoại quốc tới giới trẻ Việt Nam ở thế hệ tôi.
Bản chất của tôi là một nhà toán học, quen dùng lý luận, nên không có thi tài, và cũng không có trí nhớ dai nên tập truyện thơ viết cách đây gần nửa thế kỷ, tôi chỉ còn nhớ vài đoạn. Khi viết, tôi đã soạn thành từng bài thơ ngắn, mỗi bài giới thiệu một người trong gia đình, hay thầy cô giáo cùng bạn học trong trường, hay kể lại một truyện ở học đường hay ngoài xã hội. Tôi viết như vậy để cho những thầy cô giáo dùng tập sách có thể dễ dàng trích ra từng bài cho học sinh tập đọc. Tôi đã hình dung cậu bé ở tuổi ấu thơ bằng những vần thơ năm chữ:
Em ăn no ngủ kỹ,
Nhìn đời chẳng ước mơ.
Áo cánh điều tươi thắm,
Quần xanh biếc như lơ.
Mẹ nhìn em say đắm,
Ðôi tóc đào phất phơ.
Mẹ ru, em ngủ say,
Tấm lòng mẹ phơi bầy.
Qua lời ca, gửi gấm:
Lớn khôn, thành người ngay.
Phô tài năng kẻ sĩ,
Làm vui lòng mẹ cha.
Thành công dân tài trí,
Cho vẻ vang sơn hà.
Tập sách của nhà văn hào người Ý luôn luôn có hình ảnh của người cha khuyên bảo đứa con, và nhiều lúc tâm sự như đối với một người bạn nhỏ. Trong tập thơ của tôi lại có tình cảm thân yêu săn sóc của một người mẹ hiền.
Mẹ Em
Hình mẹ không phai mờ.
Mẹ thật là tiên nữ,
Ðẹp như một bài thơ.
Mẹ là ánh trăng thanh,
Lời mẹ nghe dịu lành.
Mẹ là nguồn hạnh phúc,
Mẹ có công sinh thành.
Còn nhỏ, mẹ bế bồng,
Lớn khôn, em cậy trông:
Từ cơm ăn, áo mặc,
Dậy em, mẹ vun trồng.
Tình mẹ như biển Ðông,
Nghĩa mẹ thật vô cùng.
Mai sau em khôn lớn,
Hiếu kính nhớ nằm lòng.
Khác với gia đình của người Âu Mỹ, trong một gia đình Việt Nam bao giờ cũng có sự đoàn viên của các anh chị em và ông bà cùng dưới một mái nhà. Tôi đã tả người chị của cậu bé qua những vần thơ dịu dàng:
Chị Thanh
Ai cũng khen nết na.
Nói năng êm và dịu,
Dáng người đi thướt tha.
Tóc mây xòa trên trán,
Nụ cười tươi như hoa.
Ngó sen, trăng tươi sáng,
Không sánh kịp làn da.
Chị hơn em năm tuổi,
Ðã biết trông việc nhà.
Sáng, trưa, chiều mấy buổi,
Làm vui lòng mẹ cha.
Cứ mỗi sáng tinh sương,
Tà áo bay trên đường.
Chân đều theo nhịp bước,
Chị tới trường Trưng Vương.
Bài “Ngày Khai Trường” trong cuốn sách của nhà giáo Hà Mai Anh tôi đã thuộc nằm lòng từ thuở ấu thơ, nay tôi viết thành thơ để in trong tập sách nhỏ bé, có thể gọi là sáng tác đầu tay của tôi.
Ngày Ðến Trường
Em dậy sáng tinh sương,
Mặc áo quần mới sắm,
Rồi ngắm mình trong gương.
Ðôi má em ửng hồng,
Mừng vui hay sượng sùng?
Ngày đầu tiên đi học,
Lo âu đầy trong lòng.
Cùng mẹ, em tới trường,
Chân đi, lòng vấn vương.
Ngước mắt nhìn lên mẹ,
Vỗ về, mẹ thân thương.
Mẹ nhìn em rồi cười:
Trông con tôi thật tươi.
Ði học chăm con nhé,
Gắng công cho bằng người.
Tập sách “Tuổi Thơ” tôi viết ra chỉ đưa cho một số bạn thân đọc nhưng họ đều là dân khoa học vào hạng gạo cội, suốt ngày chỉ mê mải với những phép tính nguyên hàm và đạo hàm nên chẳng ai cho tôi được ý kiến gì. Tuy vậy sau này tài thơ của tôi cũng cảm hóa được một anh bạn là anh Ngô Quốc Quýnh, nay là giáo sư-tiến sĩ dạy môn vật lý ở Trường Ðại Học Tổng Hợp ở Hà Nội, để anh viết một bài cảm đề, qua nhiều năm tháng tôi còn nhớ được vài đoạn:
Tuổi Hoa Niên
Thời thơ ấu khuất bóng dần xa.
Ðường đời giây phút dừng chân bước,
Chẳng khỏi ngậm ngùi, tiếc tuổi hoa.
Sợ một mai đây, tựa nắng hồng,
Ngày tàn héo hắt, chếch bên song.
“Tuổi Thơ” ghi để vài trang nhỏ,
Gửi lại nơi đây một tấm lòng.
Tập thơ tôi viết, tuy dựa vào cuốn nhật ký của cậu bé An-Di ở một trường tiểu học tại thành phố Tuy-Ranh bên nước Ý Ðại Lợi, nhưng nay khi tả suốt một niên học ở lớp Ba của một trường tiểu học ở Việt Nam, tôi đã đưa vào câu chuyện những phong vị của quê hương, có những đoạn tả cảnh chiều vàng năm ba mục đồng cưỡi trâu về thôn xóm, có những ngày hội xuân tưng bừng, người đi lễ chùa khói hương nghi ngút,và cũng có những khung cảnh ở học đường để người đọc thấy cậu bé trong truyện cũng có những bạn tốt, và cũng có những tên dữ dằn chuyên môn hà hiếp người yếu đuối. Tập thơ nguyên thủy tôi đã viết, tôi ước chừng có vào khoảng một ngàn năm trăm câu, nay tôi mới nhớ lại được chừng một phần mười. Trải qua nhiều tháng năm trong cuộc đời, luôn luôn phải tranh đấu vượt những trở ngại để mưu sinh, trước kia ở nước nhà và nay bên quê người, trí nhớ của tôi nay cũng đã suy sụp không cho tôi nhớ lại được toàn bộ những trang sách đã viết. Tuy vậy tình cảm với mái trường xưa đối với tôi vẫn còn nguyên vẹn. Lòng thương nhớ người mẹ hiền, với sự săn sóc ưu ái khi xưa, vẫn còn cánh cánh trong tôi. Mộng ước của tôi là rồi đây tìm lại được sự thanh thản trong tâm hồn như thuở học trò để viết cho trọn toàn bộ tập truyện thơ, nay hãy còn dang dở.
(Tháng Sáu, 2003)
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire