samedi 2 juillet 2022

Chúng ta ca ngợi nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng - Nguyễn Gia Việt

Thiệt sự giựt mình cái đụi,hú hồn!Bực mình,trố mắt,cười muốn rụng răng hay là thấy khinh khỉnh? 
 Nói giựt mình không phải vì "Gia tài của mẹ" hay là cách ca sĩ Khánh L giờ thích nói nhiều hơn hát,giựt mình vì ông ...Trầm Tử Thiêng 
 Nhìn cái danh sách "chịu phép" ,"cho phép" và "ban phép" kìa,tên là là "Trần Tử Thiêng"(Xin xem dưới cmt).Danh sách này của công ty,có lẽ copy nguyên đai nguyên kiện từ "giấy phép"của bề trên(??) 
Ôi chời đất quỷ thần ôn hột vịt lộn ơi!Chữ Trầm nó khác chữ Trần chứ
 Vô ý hay do ngu dốt,hay do xem thường? Không tôn trọng tác giả,cũng coi thường người mộ điệu
Ông Trầm Tử Thiêng mà còn sống dám ông hát rằng:
"Hát nữa đi Mai hát điệu nhạc buồn,điệu nhạc quê hương..."
Trầm Tử Thiêng,tác giả những bài nổi tiếng một thời như "Bài hương ca vô tận","Trộm nhìn nhau","Hòa bình ơi!Việt Nam ơi!","Bài vinh thăng cho một loài chim","Chuyện một chiếc cầu đã gãy","Bảy ngàn đêm góp lại","Kinh khổ","Đêm nhớ về Sài Gòn"...
"Bài hương ca vô tận" được ông Trầm Tử Thiêng viết năm 1958 tại Sài Gòn,là một trong những bài đầu tiên của ông
THÁI THANH - BÀI HƯƠNG CA VÔ TẬN (TRẦM TỬ THIÊNG)

Coi hồi ký Lệ Thủy thấy cô đào cải lương này kêu Trầm Tử Thiêng là "Thầy Lợi" vì những năm 1950 thầy Nguyễn Văn Lợi dạy nhạc ở trường tiểu học Tân Thuận ,Lệ Thủy con nhà nghèo học ở đó,sau đó viết nhạc lấy tên là Trầm Tử Thiêng
Trầm có thể là mùi thơm của trầm hương.Tử là bất tử,Thiêng là thiêng liêng 
Trầm hương có hai loại là:
- Kỳ tức là Kỳ Nam
- Trầm tức là Trầm Hương 
Trầm sẽ thơm hơn Kỳ 
Lấy chữ Trầm làm họ cho bút danh có thể ông "thầy Lợi" nhắc về trầm hương Quảng Nam quê ông 
Là người viết nhạc mà lấy âm ngũ cung truyền thống hòa vào từng đoạn nhạc,tình yêu quê hương luôn in sâu trong lòng Trầm Tử Thiêng,thiết tha,rộng mở,hồ hỡi mà cũng da diết, ray rứt và khắc khoải đoạn trường 
"Lời nguyện cầu này dành cho nhau
Từ khi loạn ly vào đêm đầu
Tình người tiêu hao
Niềm tin bội bạc
Gà giục sang canh mãi ngoài hiên đầu tỏ tròn tiếng gáy
Lạnh lùng một ngày một qua mau
Lời kinh mù sương mờ trên đầu
Mộng chờ sau đêm
Ngày mai thật lạ
Thù hằn anh em
Bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà" 
Kinh Khổ (Trầm Tử Thiêng - Lâm Dung)

Bài "Kinh khổ" hát có nhịp đều đều như tụng cầu an,kinh sám hối,kinh cứu khổ .Chỉ với bốn nốt nhạc,kiểu tụng kinh này mới hơn cả kiểu tụng kinh ngắt nhịp một,hai của Cao Đài 
Phải công nhận Trầm Tử Thiêng rất giỏi đem đời vô nhạc,qua ca từ con chữ,nó gợi hình,gợi âm,gợi tất cả những bi ai thống khổ của một dân tộc đang chịu cái ách chiến tranh rồi sau đó bạo tàn,áp đặt thô bạo 
Ông yêu quê hương kinh hoàng,yêu da diết,ông khóc cười với nỗi bi ai đau đớn đó 
Chúng ta thấy Trầm Tử Thiêng những năm đầu kêu phía bên kia là "người anh em" rất tình cảm dạt dào,hy vọng một sự tôn trọng và hướng thiện vì tinh thần dân tộc 
"Thù hằn anh em
Bỗng nhìn nhau gọi nhau thật đậm đà"
Trong "Hòa bình ơi Việt Nam ơi!" Trầm Tử Thiêng rất dễ thương khi nói về tấm lòng yêu thương của người cùng một dân tộc
"Ta gánh chung đau thương một trời
Nam Bắc ơi,Quê hương, Tình người"
Ông mơ rằng:
"Con tàu chở đoàn người di cư
Về thăm đất Bắc thân yêu
Ðã xa lìa cả thời niên thiếu
Hôm qua Sài Gòn
Bây giờ có mặt tại Kontum
Chiều nay khăn gói ra Trung
Sớm mai này đã về Hải Phòng"
HÒA BÌNH ƠI VIỆT NAM ƠI | HẰNG PHẠM

Nhưng với Huế 1968 Trầm Tử Thiêng vô cùng phẫn nộ.Người xìu xìu ển ển giỏi che đậy cảm xúc như Trịnh còn viết "Bài ca trên những xác người" kia kìa
"Chuyện một chiếc cầu đã gãy" Trầm Tử Thiêng kêu đích danh là "giặc" và đòi trả thù: 
"Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui
Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi
Cầu thân ái đêm nay gãy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài
Vì sao không thương mến nhau còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu
Mối thù chờ sang ngày nào nối lại nhịp cầu rửa hờn cho nhau" 
Chuyện một chiếc cầu đã gãy -Hoàng Oanh

Nhạc Trầm Tử Thiêng vô cùng dễ hiểu: 
"Cuộc đời là bể cả,là dòng sông
Như con nước lớn nước ròng
Mà ta như chiếc là khô
Nước chảy về nguồn, lá đành trôi theo"
Cuộc đời với Trầm Tử Thiêng như con đò tách bến trôi cùng dòng sông đời 
"Hò lơ, ho lờ! 
Đò dọc lặng trôi
Trôi trên con sông đời
Đưa người lìa xa, xa bến thương mang theo bao vấn vương
Đời vỗ mạn thuyền nên sóng xô tan cuộc bình yên"

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng còn dính lại Sài Gòn sau 1975 và ông ở tới những năm 1980 ,vượt biên nhiều lần,bầm dập như trái cà chín,chứng kiến vô số sự kiện lịch sử,thành nhân chứng lịch sử 
Thành ra nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng rất bơ vơ và ông nhắc đến và hoài vọng "Nhạc vàng" trong vài bài nhạc của ông
Trong "Người ở lại đưa đò" có nhạc vàng: 
"Quanh năm đưa đò,đưa người tìm Tự Do
Quanh năm đưa đò..con đò không bến chờ
Đò Xuân Hạ, đò Thu Đông
Đò bến ngoài, đò bến trong
Ta đưa bao nhiêu chuyến,ta đau bao nhiêu lần 
Nhạc vàng sót trong mơ, còn gợi thương và nhớ
nhắc ta ôm hy vọng mà chờ
Một ngày bao người đi sẽ về đây dựng cờ
Nhạc vàng hát ru mờ, hát mong chờ mãi mãi
Lửa ngục tù bốc cháy cõi u tối hát về rạng đông
bên tình người giấc mặn nồng
Lửa rực muôn tấm lòng
Quanh năm đưa đò,đưa người tìm Tự Do ..."
Người Ở Lại Đưa Đò - Nhật Lâm

Nhìn thấy rõ tâm lý ông nhạc sĩ già khi ông lấy nhạc vàng làm liều thuốc an ủi,động viên ông bước tiếp trong hoàn cảnh cực kỳ bi đát lúc đó 
"Nhạc vàng sót trong mơ, còn gợi thương và nhớ nhắc ta ôm hy vọng mà chờ"
Ông hy vọng :"Một ngày bao người đi sẽ về đây dựng cờ.Nhạc vàng hát ru mờ, hát mong chờ mãi mãi" 

Với Sài Gòn Trầm Tử Thiêng có một bài để đời 
“Những con đường thèm đôi chân vui
Đã bao lâu chờ đợi 
Đường im nghe quá khứ trong sâu 
Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau 
Tình lẻ loi canh thâu” 
Trầm Tử Thiêng  lãng mạn,ông ru mình trong dòng miên man của nhạc vàng du dương 
"Đêm nhớ về Sài Gòn
Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa
Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa…" 
Ông đau đớn:
“Ta như cậu bé mồ côi
Cố vui cuộc sống nhỏ nhoi
Cố quên ngày tháng lẻ loi để lớn
Ðể đêm đêm nhớ về Sài Gòn…"
Đêm Nhớ Về Sài Gòn-Hồ Hoàng Yến

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng những năm sau có bài "Cám ơn anh" có những lời lẽ rất xúc động,ông tả được cái hồn của người lính Miền Nam,trong có có người thương binh:
"Cám ơn nôi và tiếng hát đầu đời
Cám ơn mưa và nắng gió quê tôi
Cám ơn cha đã cho con hạt bụi
vo tròn trong bụng mẹ cút côi
Để ngày thương đau chưa nghe ai nhắc đến tên
Nghìn lời hát vang vang
Nghìn lời trong tôi
Cám ơn anh! 
Cám ơn anh! người chiến sĩ vô danh"
Cám Ơn Anh - Trầm-Tử-Thiêng - Hợp-Ca ASIA

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng là một nhà giáo nên ca từ ông rất mô phạm và thẳng thuốm,nó không ướt át nhưng cứa thẳng vào lòng người ta đến nín thở 
Nhạc của ông là nhạc vàng,nhạc an ủi,nhạc hy vọng 
Nghe nhạc Trầm Tử Thiêng ta sẽ có cảm giác trở lại khung trời của Miền Nam ngày xưa với một xã hội mà ông thầy Lợi làm nghề dạy học ráng cố giữ gìn 
Xã hôi có ý thức, biết trên dưới, xã hôi tiến bộ,học trò lễ phép với thầy cô, người lớn,ghét chửi tục
Người dâ ra đường ăn mặc lịch sự, con nít được dạy vệ sinh, ý thức và tôn trọng,lòng trắc ẩn,bao dung,thương yêu gia đình và xã hội khốn cùng 
Mọi người biết nhìn về cái chung của cộng đồng,biết yêu thương ,được rèn luyện tinh thần dân tộc Việt,rất tự trọng dân tộc, biết tự ái, biết giữ thể diện quốc gia để không làm tổn hại nó 
Một xã hội mà:
"Không phá của công.
Không xả rác ngoài đường
Phải nhường ghế cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai trên xe buýt
Phải dắt em bé hay cụ già qua đường
Phải ngả nón chào khi xe tang đi qua
Không gian lận
Nói dối là xấu xa…"

Sở dĩ mọi người ca ngợi Trầm Tử Thiêng là vì nhạc của ông luôn trăn trở với đất nước,với thời cuộc,với con người VN trong nước, tấm lòng mở rộng với quê nhà 
"Từng đêm gian nan, ta ngỡ mình sắp đuối
Nhưng em tình vẫn hát từ bến chờ"
Hiện nay người ta cố tình kêu nhạc vàng là "nhạc bolero" là ép đặt,vì bolero có bà con với nhạc sến và nó không thể đủ nghĩa khi chỉ là một nhánh của nhạc vàng xưa mà thôi 
Với Trầm Tử Thiêng,với chúng ta,cất lên tiếng hát là tiếp lửa cho quê nhà 
"Khi em cất tiếng hát lên
ta nghe giữa miên mang cuộc sống
Đời sầu héo tiếp nối đời vui
Dù quê ta hay nơi quê người
Khi em cất tiếng hát lên
lời dân ca lai láng tình quê
Đời phiêu du đôi lúc ta lắng nghe
Bàn chân đi, lòng vẫn mong về..."
Từ Tiếng Hát Tiếp Nối-Trầm Tử Thiêng-Duy Khánh

"Dù em ca nỗi buồn quê hương,hay mưa giăng thác đổ đêm trường" 
Thì em vẫn cứ hát nữa đi Hương,hát nữa đi Hồng,hát tiếp đi anh chị em .....!
Nhạc vàng còn đó,từng chữ từng câu lấy máu tim còn đó.Ông bà còn lời vàng đá để lại vẫn còn đó,Trầm Tử Thiêng để lại di sản còn đó,con người còn đó
Cháu con thì phải nhớ.

nguồn: fb Nguyễn Gia Việt
sưu tập video: vongngayxanh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire