Theo tin từ gia đình chị Túy Nga (chị ruột của Túy
Hồng) hiện ở Phan Thiết cho biết, nhà văn Túy Hồng đã qua đời tại Mỹ vào
sáng ngày 19-7-2020 (giờ Mỹ), hưởng thọ 82 tuổi. Xin thành kính chia
buồn cùng gia đình chị Túy Nga và anh Nguyễn Thành Hổ.
Nhà văn Túy Hồng tên thật Nguyễn Thị Túy Hồng, sinh
năm 1938 tại Chí Long, Phong Ðiền, tỉnh Thừa Thiên. Tốt nghiệp Đại học
Sư phạm Huế, giáo sư Trường trung học Hàm Nghi, Huế. Đoạt giải Văn học
Nghệ thuật của VNCH năm 1970. Chị là vợ của nhà văn Thanh Nam, di cư vào
Nam từ năm 1953, khi 22 tuổi đã là tổng thư ký báo Thẩm Mỹ. Năm 1975
gia đình sang Mỹ định cư ở thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Năm
1985, Thanh Nam qua đời vì bệnh ung thư thanh quản, lúc còn 54 tuổi.
Tác phẩm đã xuất bản: Thở dài (NXB Đời Mới 1965, Kim Anh tái bản 1966), Vết thương dậy thì (NXB Kim Anh, 1966), Trong móc mưa hạt huyền (NXB Đồng Nai, 1969), Tôi nhìn tôi trên vách (NXB Đồng Nai, 1970), Những sợi sắc không (Giải Văn chương toàn quốc, NXB Khai Trí, 1971), Biển điên (NXB Văn Khoa, 1971), Bướm khuya (NXB Đồng Nai, 1971), Mùa hạ huyền (truyện dài, 1971), Nhánh tóc sợi dòn (truyện dài, 1972), Mối thù rực rỡ (truyện dài, 1972), Eo biển đa tình (truyện dài, 1973), Kinh thiên thu (truyện dài, 1973), Trong cuối cùng (truyện dài), Sạn đạo (truyện dài), Tay che thời tiết (truyện dài, 1988), Mưa thầm trên bông phấn (truyện dài), Thông đưa tiếng kệ (truyện dài, 1991).
Năm 2007, Túy Hồng có viết bài dài về Thanh Nam đăng trên Gió-O. Còn Tạ Tỵ trong “Mười khuôn mặt văn nghệ”
cũng có bài về Túy Hồng, tờ Văn Việt có đăng lại bài này. Sau đây xin
giới thiệu một đoạn trên blog của Nguyen Chinh về mối quan hệ văn chương
giữa hai nhà văn Túy Hồng và Võ Phiến:
…
“Giữa Nhã Ca và Túy Hồng có nhiều điểm chung. Thứ
nhất, cả hai đều sinh trưởng tại Huế và thành công trong văn nghiệp tại
Sài Gòn. Thứ nhì, cả hai đều có chồng trong giới văn nghệ: Nhã Ca kết
hôn với Trần Dạ Từ, có 5 người con, trong khi Túy Hồng lập gia đình với
Thanh Nam (mất tại Seattle năm 1985) với 4 người con.
Chất Huế có phần đậm nét trong văn của Nhã Ca, từ
ngôn từ cho đến cảnh trí, nhưng lại chỉ bàng bạc trong những trang viết
của Túy Hồng, thay vào đó là những trang viết “bạo” về sex, cụ thể hơn
là những đoạn có liên quan đến nhục dục. Theo nhà văn Trần Phong Giao
nhận xét: “… gái Huế chỉ nên là người tình chứ đừng nên bê về làm vợ”
(sic). Kết cuộc là nhà văn Túy Hồng và Nhã Ca đã phản đối tác giả Trần
Phong Giao kịch liệt.
Túy Hồng dạy học tại Trường Trung học Hàm Nghi, phía
sau cửa Thượng Tứ. Đây là một ngôi trường khiêm tốn, không nổi tiếng như
Quốc Học và Đồng Khánh. Từ trường Hàm Nghi, Túy Hồng xin thuyên chuyển
về trường Gia Hội, nằm sau đầm sen trước tư dinh ông Hoàng Mười. Ký ức
về Huế được dàn trải trên những trang viết:
“Những đêm rằm, tôi chèo thuyền về xóm Đập Đá đất khô
cứng, ngó xuống thôn Vĩ Dạ xanh um hàng cau lả mình trong gió đa tình,
trong ánh trăng Hàn Mặc Tử, lòng thấy nhớ những cuốn sách dày, những tập
thơ mỏng, những tên tuổi người viết lách…
Những ngày thứ bảy, tôi phóng xe đạp lên đồi Vọng
Cảnh, hướng về điện Hòn Chén, thả tầm mắt ngắm núi Ngự Bình trọc đầu,
nhìn xa xa về cửa Thuận An, rồi đăm chiêu ngắm Thành Nội êm đềm tĩnh
lặng…
Giữa khung cảnh trầm lắng của khung trời Huế đa tình
đó, Túy Hồng nảy sinh tham vọng viết văn qua nhiều đêm thức trắng, vật
lộn với truyện ngắn đầu tay và gửi đăng báo “Văn Hữu” ở Sài Gòn. Một
tuần lễ trôi qua, tòa soạn “Văn Hữu” phúc đáp, trong thư trả lời có
1.000 đồng tiền nhuận bút và những dòng chữ hồi âm của nhà văn Võ Phiến:
“Sao tôi khờ dại và ngu như bò! Sao tôi thật thà chất
phác như trâu. Suốt thời gian làm việc ở sở thông tin Huế, tôi dốt nát
và u mê như heo! Tôi không dám tìm gặp cô một lần, và không đủ can đảm
làm quen với cô hồi đó! Xứ Huế đang yêu ai và có bao giờ sông Hương ngủ
đò. Chào cô!”.
Đó là bước khởi đầu trong văn nghiệp của Túy Hồng với
1.000 đồng nhuận bút và cũng là “mối duyên văn nghệ” của một cô giáo xứ
Huế với nhà văn nổi tiếng ở Sài Gòn. Túy Hồng và Võ Phiến thư từ qua
lại đều đặn mỗi ngày. Nhưng vào một buổi sáng khi “nắng Huế hung hăng
bốc nóng” Túy Hồng nhận được bức thư từ ông cai trường. Trong thư Võ
Phiến… thú tội: “Anh xin thú thật với em một tội lỗi, vì một ngày kia em
sẽ hỏi. Xin em tha thứ cho anh: anh đã lập gia đình từ lâu, và vợ chồng
anh có bốn đứa con”.
Trong bài viết mang tựa đề “Võ Phiến”, Túy Hồng viết:
“Đó là cái nghiệp của ít nhiều nhà văn và nhà thơ nữ miền Hương Ngự,
những kẻ tháo gỡ vòng dây trói Khổng Mạnh Huế để vào Nam hòa nhập với tự
do Sài Gòn. Những người viết nữ thường sa vào tay những kẻ đã có vợ và
nhiều con. Nếu tôi là một ông thầy tướng số mù, (thầy bói thì phải mù,
chứ thầy bói mà hai mắt mở thao láo thì nói ai nghe), tôi sẽ tiên đoán
vận mệnh của các nhà văn nữ: văn chương thì rạng rỡ, nhưng tình duyên
thì trắc trở. Những nhà văn nữ thường thích sinh sống ở Sài Gòn hơn ở
Huế, Vĩnh Long, Phan Rang. Sài Gòn thông cảm tâm sự của họ hơn Huế, và
những nơi khác. Sài Gòn có đủ đàn ông để họ lãng mạn và làm bạn”.
Túy Hồng thú nhận một cách thành thật: “Tôi tham vọng
viết truyện dài, nhưng không có thực tài, khả năng chỉ đủ để sáng tác
truyện ngắn. Trong một truyện vừa, không ngắn không dài, tôi miêu tả
hình ảnh một tên đàn ông đểu giả gian dối, một kẻ ngọai tình với tôi và
phụ tình với vợ. Nhiều đêm dài mất ngủ, cùng với hoa quỳnh ngày tàn đêm
nở, tôi trút giận hờn vào những câu văn ác ôn. Tình yêu là một giọt máu
mang số 35”.
Võ Phiến khuyên: “Em hãy liên lạc với tòa báo, nói
với ông chủ bút gửi trả lại cái truyện ngắn đó… không đăng báo. Em mà để
cái truyện ngắn đó đăng lên báo… thì em lỗ, anh thì chẳng mất mát gì…
Em hãy thay đổi bút pháp, thay đổi giọng văn, đừng
trút giận hờn vào bài viết. Đừng đùa với dư luận, đừng khai sự thật với
độc giả… Phải giấu kín, phải niêm phong bí mật lại. Dư luận độc địa lắm.
Chúng ta không lấy được nhau thì chúng ta sẽ làm sui gia với nhau. Con
anh sẽ lấy con em”.
Túy Hồng từ Huế vào Đà Lạt chấm thi, tạm trú tại cư
xá Bùi Thị Xuân và Võ Phiến từ Sài Gòn lên thành phố sương mù vài giờ
trước đó. Đà Lạt ẩn hiện dưới ngòi bút của nhà văn nữ mới chập chững vào
đời:
“Chúng tôi đi đêm dưới trăng mờ Dalat. Vườn nhà ai,
những búp hoa quỳnh màu bạch ngọc đã uốn cong cánh từ chiều muộn để sẽ
nở bung cánh ra khi màn đêm dần xuống. Mỗi bước đi của chúng tôi là mỗi
nhịp đời nhẹ êm, mỗi hé nở âm thầm của quỳnh hoa, mỗi hơi thở dài sâu
của câm lặng tình cảm. Bóng tối chụp lên cảnh vật, nhưng ánh trăng cũng
sáng soi chiếu xuống vòm cây cành lá. Đêm nhẹ êm, thế giới về khuya tĩnh
lặng, hương quỳnh-tương thơm dịu trời mây. Trong thời gian và không
gian này, quỳnh hoa sẽ bung nở với trăng, với khoảng không bao la và với
bóng tối lan tràn để khi đêm hết, quỳnh hoa sẽ tàn vì mặt trời chói
sáng, quỳnh hoa sẽ chết đúng vào ngày mai với ánh thái dương nóng cay.
Cuộc đời của hoa quỳnh chỉ trường thọ được một đêm thôi”.
Phải chăng hoa quỳnh ẩn dụ một mối tình sớm nở tối tàn? Cũng tại Đà Lạt, Võ Phiến tâm sự với Túy Hồng:
“Anh không ham muốn em từ phút ban đầu, cũng không
ham muốn em sau cái phút anh nhìn em qua cửa kính cư xá Bùi Thị Xuân, mà
anh chỉ yêu em bởi vì những câu văn đầu tay em viết trong truyện ngắn
gửi đăng báo… Yêu đời sống, chúng ta hãy đầu cơ khả năng, thì giờ và
lòng thành vào văn chương. Anh cho nghệ thuật tất cả tài sản tinh thần
của anh. Con đường anh đi là con đường văn nghệ, chấp nhận sống và chết,
trừu tượng và cụ thể. Anh không phải là họa sĩ, nhưng anh có màu sắc
nét vẽ; anh không phải là nhạc sĩ nhưng anh có âm thanh tiếng động.”
Tình yêu của họ cũng tựa như hoa quỳnh. Theo lời của
Túy Hồng, nó kết thúc ngay tại Đà Lạt trong một tình huống khiến người
đọc ngỡ ngàng:
“Khi chúng tôi ngang qua quân trường võ bị, bỗng có
một người đàn bà đi ngược chiều, tay dắt một đứa con gái mặc áo đầm. Võ
Phiến mặt mày tái xanh, sợ hãi, vụng về hoảng hốt quýnh lên: “Vợ anh, em
tìm xe về đi”.
Võ Phiến có một nhận xét rất “trắng trợn” về Túy
Hồng: “Em không bằng Nguyễn Thị Hoàng, em thua kém Nguyễn Thị Thụy Vũ.
Họ kính nể người yêu, họ không oán trách người tình, không căm giận
những người đàn ông mà họ đã thương. Còn em, em không tốt, em nói xấu
anh dữ dội trong truyện ngắn em viết…”.
Túy Hồng cũng nhận xét về chính mình một cách thẳng
thắn: “Em là gái trời cho không đẹp, và trời không cho một đàn ông. Một
cô gái đã già, một nữ giáo chức cô đơn dạy học ở một tỉnh lỵ chậm tiến…
nhưng tôi không Huế một chút nào cả, tôi nhanh chóng hội nhập đời sống
Sài Gòn. Hồi đó, tôi nói tiếng Bắc, phát âm rõ từng chữ và đúng giọng,
nhưng không bắt chước được giọng Nam”.
Chuyện Túy Hồng -Võ Phiến vẫn chưa chấm dứt ở Sài Gòn. Túy Hồng gửi bản thảo “Những sợi sắc không”
để dự thi Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc năm 1970 cùng với Nhã Ca,
Nguyễn Thị Thụy Vũ… và hội đồng giám khảo gồm Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo
và có cả… Võ Phiến!
Trong vai trò giám khảo, Võ Phiến loại bỏ “Những sợi sắc không”
với lý do “tác giả chỉ đánh máy bản thảo chứ không gửi sách”. Trong
phiên họp cuối cùng, hội đồng giám khảo cho biết sẽ không có tác phẩm
trúng giải nhất, mà chỉ có hai tác phẩm đoạt giải nhì đồng hạng vì không
hội đủ sự đồng tình của cả ba giám khảo.
Nhà văn Thanh Nam, khi đó đã gắn bó với Túy Hồng,
nhận xét: “Có những kẻ nhớ lâu và giận lâu… Anh, một người con gái anh
đã quen và đã yêu thì không bao giờ anh ghét. Anh công bằng nói rằng Võ
Phiến thù em.”
Túy Hồng chỉ nghĩ một cách thật đơn giản: “Văn không
phải là người. Những gì tôi viết ra đều là đùa nghịch giỡn chơi thôi.
Tôi chỉ biết một điều về Võ Phiến là ông ta rất thương yêu vợ…”
Ở một bài khác, Túy Hồng viết: “Tôi chưa thấy một
người đàn ông nào thương vợ nhiều như thế, yêu vợ kỹ như thế. Vợ anh, vợ
anh… cái miệng cứ tía lia vợ anh vợ anh, làm như người ta sắp giựt mất.
Bà Võ Phiến tên cúng cơm là Viễn Phố”.
Mối tình Thanh Nam-Túy Hồng cũng có nhiều điều đáng
chú ý. Gặp nhau năm 1966, và chỉ một tháng sau họ lấy nhau, khi đó, theo
lời Túy Hồng, “Thanh Nam đã là một lực sĩ đuối sức trên hai vòng đua
tình và tiền”.
“Khi một phụ nữ gặp gã đàn ông chưa quá vài lần mà đã
ngủ với hắn ngay và lấy hắn làm chồng liền, đó là hoả hoạn của tình
dục, của hoang dâm bấy lâu đè nén đã thừa cơ bật dậy. Những cuộc hôn
nhân vội vã như thế này thường xuyên có thể đưa đến đổ vỡ, nhưng Thanh
Nam và tôi lì lợm chung sống với nhau hoài bên bầy con bốn đứa. Hôn nhân
của chúng tôi đứt đôi chỉ vì có một cái chết”.
Túy Hồng tiết lộ qua bài tản mạn mang tựa đề “Thanh
Nam”: “Chín năm chung sống với nhau ở Saigon, Thanh Nam không phải là
người chồng tốt. Chúng tôi lấy nhau có đám cưới nhưng không có hôn thú.
Khi con gái đầu lòng học hết lớp mẫu giáo, chàng mới chịu đóng tiền đút
lót một ông lý trưởng ở Quảng Nam để ông ta cấp cho một tờ hôn thú lậu
và làm giấy thế vì khai sinh cho con”.
Dưới con mắt Túy Hồng, Thanh Nam, chỉ là “một văn sĩ
nhỏ nhưng chơi toàn với những tay lớn”, nên đã nhờ một ông thiếu tá giới
thiệu với một bác sĩ quân y để xin một giấy chứng nhận bị bệnh thần
kinh để nghỉ phép ăn lương. Túy Hồng làm ở đài phát thanh bốn năm mà vẫn
lãnh thêm lương giáo chức.
Sau đó Thanh Nam nhờ nhà báo Lê Phương Chi giới thiệu
Túy Hồng với ông giám đốc Khai Trí để bán tất cả những tác phẩm đã
viết, đang viết, và sẽ viết với một số tiền trả trước. Thanh Nam nói:
“Em cứ làm theo lời anh. Trời phạt anh chịu.”
Không biết nói chơi như vậy có đúng hay không nhưng
những ngày tháng cuối cùng của Thanh Nam bên Túy Hồng tại Seattle là cả
một chuỗi bi kịch kể từ khi bác sĩ tuyên bố Thanh Nam bị chứng ung thư
cổ họng. Để chữa trị, ống nhựa, ống hút đặt trong mũi, trong miệng khiến
Thanh Nam không nói được. Hai người chỉ dùng giấy bút để nói chuyện…
Như đã nói, hai nhà văn Nhã Ca và Túy Hồng có nhiều
điểm chung nhưng giữa họ cũng có một điểm khác biệt lớn: truyện của Nhã
Ca dựa vào bối cảnh chiến tranh, trong khi Túy Hồng lại dựa vào tính dục
của con người.
Các nhà phê bình thường cho rằng nhiều nhà văn nữ có
lối viết mới hơn, kêu hơn, vào sâu hơn trong vấn đề tình dục, nhưng vấp
phải cái hỏng ở phần xây dựng nhân vật. Họ không vẽ được cái mặt và cái
chân tướng của người đàn ông, nghĩa là không thể hiểu một cách cặn kẽ
tâm lý đàn ông. Nhân vật của Túy Hồng thường là cô giáo trong khi Nguyễn
Thị Thụy Vũ lại khai thác đối tượng là các cô gái bán bar. Lê Châu nhận
xét: “Đọc văn đàn bà ngày nay, ta nhận thấy đàn ông trong các tác phẩm
hình như phải nhận một hình phạt nho nhỏ nào đó. Phải chăng trên cõi đời
này đàn bà đã yêu đàn ông nhiều hơn họ được yêu lại? Phải chăng khi đọc
họ, ta nghe được tiếng kêu buồn của tình yêu không được thoả mãn?”.
Nhà phê bình Nguyễn Văn Lục trong bài “Phụ nữ và vấn
đề tình dục” trên Hợp Lưu năm 2005, viết: “Trước đây, thập niên 60-70,
đã có Túy Hồng viết rất bạo dạn, dữ dội. Gái Huế đa tình… nay đã có nhà
văn như Túy Hồng buông thả, phóng khoáng, mở toang…”.
Nhà văn nữ người Pháp, Françoise Sagan, là một hiện tượng trong văn học VNCH với các tác phẩm như Bonjour Tristesse (Buồn ơi chào mi, Nguyễn Vỹ dịch năm 1959), Un certain sourire (Có một nụ cười, Nguyễn Minh Hoàng dịch) và Dans un mois, dans un an (Một tháng nữa, một năm nữa,
Bửu Ý dịch năm 1973). Sagan đưa ra một lối viết thật ngắn, lối sống,
lối nghĩ thẳng băng đến thản nhiên, đến vô tình. Và đặc biệt hơn cả,
quan hệ tình dục ngang trái, khác đời của một nữ sinh còn trên ghế nhà
trường trực tiếp tác động trên đời sống thanh thiếu niên thành thị miền
Nam.
Các nhà văn nữ vào thập niên 60 như Nguyễn Thị Hoàng,
Túy Hồng, Lệ Hằng, Nguyễn Thị Thụy Vũ có những nét gì trùng hợp với
Sagan? Chúng ta không dám khẳng định họ “bắt chước” Sagan nhưng khi đọc
các tác phẩm của họ, người đọc cảm thấy hình như phảng phất đâu đó không
khí của Sagan.
Túy Hồng trong bài phỏng vấn của Hoài Nam, “Phụ nữ và
Văn chương”, trình bày quan điểm của mình về lớp nhà văn nữ sau này ở
hải ngoại như Lê Thị Thấm Vân, Trịnh Thanh Thủy, Nguyễn Thị Thanh Bình,
Nguyễn Thị Ngọc Nhung… và ở trong nước như Vi Thùy Linh, Đỗ Hoàng Diệu…:
“Viết là tưởng tượng – fiction – căn cứ trên thực tại
– fact. Tôi yêu fiction dựa trên fact. Nghệ thuật có giá trị khi nó là
sự thật, không phải của giả. Tình dục không cho ta một nắm to của cái
cảm xúc gọi là “sướng”, và không gây cho ta một chỗ đau nào đó trên thân
thể. Sự thật, giây phút tuỵệt đỉnh lúc ân ái chỉ diễn ra chừng năm bảy
tích tắc kim đồng hồ, và cái lượng đam mê cũng nhỏ thôi chứ đâu có bự
như những nhà văn nữ lớp mới đã tả. Sự thật thì ít nhưng chúng ta đã xít
ra cho nhiều. Sự thật thì bé nhưng chúng ta đã xé ra cho to”.
N.C.
_____
Ảnh 1. Nhà văn Túy Hồng
Ảnh 2. Ký họa của Tạ Tỵ
Ảnh 3. Thủ bút của Túy Hồng
Ảnh 4. Nhà văn Thanh Nam
Ảnh 5. Vợ chồng nhà văn Võ Phiến
Ảnh 6. Đám cưới Thanh Nam – Túy Hồng tại nhà hàng Văn
Cảnh, SG. Ngồi bên trái là nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, đứng bên phải là
nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.
Nguồn: FB Nguyễn Phú Yên
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire