lundi 18 juillet 2022

ĐÃ BỐN MÙA NÀO AN BỘI (Abe Shinzo) ĐI QUA?

Có lẽ giờ này, khi bài viết này được đăng lên, di cốt hỏa thiêu của cố Thủ tướng An Bội Tấn Tam (Abe Shinzo) đã về đến tư dinh của vợ chồng ông, chờ ngày đưa tới Yamaguchi cố hương để nằm cạnh mộ chí người cha Abe Shintaro (An Bội Tấn Thái Lang), cố Ngoại trưởng Nhật giai đoạn 1985 - 1990 của mình rồi và có thể, trong niềm tinh tâm linh Nhật Bản, cũng không xa mộ phần của ông ngoại Kishi Nobusuke (Ngạn Tín Giới), cố Thủ tướng Nhật giai đoạn 1957 - 1960, cùng của ông ngoại vai chú Sato Eisaku (Tá Đằng Vinh Tác), cũng từng là Thủ tướng Nhật Bản từ 1964 đến 1972, là mấy. Cứ theo những lời chia sẻ cô đọng, lắng lòng của phu nhân Abe Akie (An Bội Chiêu Huệ), mượn lời giáo huấn xưa của Yoshida Shoin, một nhà tư tưởng khởi xướng phong trào Minh Trị Duy Tân đưa Nhật Bản phát triển hùng cường như các nước phương Tây, tề danh với Fukuzawa Yukichi cùng thời, cố Thủ tướng Abe Shinzo “đã trải qua Xuân Hạ Thu Đông rất riêng của mình, nay anh ấy đã đón mùa Đông cuối cùng”. Một lời tiễn biệt nhẹ nhàng, không bi luỵ và đáng để nghĩ suy biết bao.

Tăng Thượng Tự (Zojo-ji), nơi quàn linh cữu mùa Thu ông Abe Shinzo. 

Bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông đâu chỉ thuần túy là vòng thời gian sinh tử vô tình của một đời người 67 tuổi như An Bội tiên sinh, từ lúc ra đời, lớn lên, học hành cho tới khi lập gia đình và tham gia chính trường lên đến chức thủ tướng, qua giai đoạn về hưu từ năm 2020 đến lúc bị ám sát ngày 8/7/2022, nó còn bao hàm ý nghĩa những thăng trầm, vinh nhục, sướng khổ, buồn vui… ông đã trải qua với tư cách là một chính khách xuất thân từ trong một “Gia Tộc Tuyệt Đỉnh” gồm 3 đời thủ tướng Nhật (chưa kể 1 người khác tưởng chừng sẽ làm thủ tướng nếu không bị bệnh mất, là thân phụ của ngài Abe) và 3 thế hệ kế tiếp nhau làm Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đương quyền, còn chính khách thường thì nhiều khỏi kể. Nhìn gần hơn một chút cho mang tính thời sự, “Xuân - Hạ - Thu - Đông” ấy chính là chuyến hành trình ngắn ngủi cuối cùng của ông Abe trên dương thế, từ Nara nơi ông đang hăng say diễn thuyết và bị ám sát chết về Tăng Thượng Tự (Zojo-ji, Đông Kinh), trước khi được hoả thiêu ở nhà tang lễ Kirigaya, rồi sẽ được mai táng ở quê hương Yamaguchi của ông. Phải nói đây là chuyến hành trình gian trần rất đỗi hào hùng của một võ sĩ đạo phiên Chosun thời hiện đại. 

Nếu xem lời chia sẻ trên của bà phu nhân An Bội Chiêu Huệ là một bài Hài Cú (Haiku) diễn theo thể văn xuôi, liệu độc giả hay khán thính giả có thể ngẫm nghĩ ra những ẩn ý gì bà muốn gửi gắm chăng? Trong cái nhìn của Phật giáo, thời gian thiệt ra chỉ là ảo ảnh, cho nên Xuân - Hạ - Thu - Đông cứ nối tiếp nhau như một vòng tròn miên viễn không dứt, vô thuỷ vô chung. Đông lạnh cóng, làm tê liệt sự sống đó nhưng hết Đông lại là Xuân, báo hiệu mầm sinh của vạn vật. Hơn nữa, mùa Đông của người này đôi khi lại là tiết Xuân của những người khác. Điều này đúng với cái chết của ông Abe, qua câu kết bài ai điếu của bà Akie cho vị phu quân đã khuất, cũng là lời nhắn nhủ và niềm hy vọng bà ý nhị gửi đến cho những ai yêu quý chồng bà: “Anh đã gieo rất nhiều hạt giống và hẳn là những hạt giống ấy sẽ nảy những mầm xanh.” Một trong số những hạt giống quan trọng nhất ông Abe đã gieo (đúng ra là cả “Gia Tộc Tuyệt Đỉnh” [1] của ông đã gieo) xuống tâm tư những người Nhật thời hậu chiến là quyết tâm sửa đổi bản “Hiến pháp Hoà bình” năm 1947 do Hoa Kỳ soạn thảo, không cho phép Nhật Bản sở hữu một quân đội đúng nghĩa, chỉ được phòng vệ là chính, nghĩa là không được phép đem quân đi tham chiến nước ngoài, dù là để đánh phủ đầu kẻ thù xâm lăng. Hạt giống này, sau cái chết mùa Đông của ông Abe, gần như chắc chắn sẽ nảy sinh ra mầm non mùa Xuân “Thay Đổi Hiến Pháp” nay mai thôi.



Thật vậy, với chiến thắng vang dội trước Đảng đối lập chính là Đảng Dân chủ Lập hiến (CDPJ) ngày 10/7 vừa qua, Đảng LDP đã giành được 63/125 ghế Thượng viện (Tham Nghị viện) bầu lại để cùng với Đảng Công minh (Komeitou) và hai đảng đối lập ủng hộ thay đổi Hiến pháp khác chiếm hơn 170 ghế trong Thượng viện, vượt qua ngưỡng 166 cần thiết (2/3 trong tổng số 248 ghế Thượng viện ) để lần đầu tiên hướng tới việc sửa đổi Hiến pháp năm 1947. Cũng cần biết thêm, hiện Liên minh LDP - Komeitou cũng chiếm đa số hơn 2/3 trong Hạ viện (Chúng Nghị viện) với 324 ghế trong tổng số 465 Dân biểu, trong khi mãi hơn 3 năm nữa Hạ viện Nhật mới tiến hành bầu cử lại (30/10/2025). Như vậy, gần như chắc chắn tiến trình thay đổi Hiến pháp năm 1947 do Hoa Kỳ soạn thảo, áp đặt lên Nhật Bản sau Thế chiến thứ II sẽ được Quốc hội Nhật Bản biểu quyết thông qua. Vấn đề còn lại chỉ là kết quả cuộc trưng cầu dân ý Nhật mà thôi. Thế nhưng, sau cái chết của Thủ tướng Abe Shinzo, nhiều dự báo cho thấy sẽ có trên 50% người Nhật đồng ý thay đổi điều 9 của Hiến pháp 1947 cấm Nhật Bản sở hữu quân đội. Như vậy, có thể nói, tâm thế của chính quyền và quốc dân Nhật Bản hiện nay là THAY ĐỔI HIẾN PHÁP, một ước mơ cháy bỏng mà 3 đời chính khách gia tộc Abe, từ ông ngoại Kishi Nobusuke, qua người cha Abe Shintaro, tới người con Abe Shinzo, đều nhất mực theo đuổi. Đó chính là ẩn ý bà quả phụ Abe, nói hộ thay cho nhạc mẫu Kishi Yoko, người giữ ngọn lửa thay đổi Hiến pháp trong khuôn khổ Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật và cũng là “Tổng Tư lệnh” của gia tộc này. 

“Tổng Tư lệnh” gia tộc Abe tuyệt đỉnh Kishi Yoko, thân mẫu của cố Thủ tướng Abe Shinzo, năm nay đã 94 tuổi.

Phải đặt công cuộc thay đổi hiến pháp trên trong nội hàm Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật (tên đầy đủ “Hiệp ước Hợp tác và An ninh Song phương Hoa Kỳ và Nhật Bản”) mới hiểu hết được tầm quan trọng của nó. Sau Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ đã tiến hành giải giới vĩnh viễn quân đội Nhật bằng Hiến pháp 1947 đã nêu, khiến Nhật Bản bị kẹt giữa 2 gọng kìm bành trướng liên tục của Liên Xô (tức Nga hiện nay) và Trung Cộng từ năm 1949 đến 1989 mà không thể làm gì hơn. Từ đó, không cách gì khác, Nhật Bản phải bằng mọi cách bảo vệ Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật để phòng vệ trước Liên Xô và Trung Cộng. Đó chính là lý do, cả gia tộc Abe nói riêng và đảng LDP nói chung đã phải quyết tâm bảo vệ liên minh Mỹ - Nhật từ khi ra đời đến nay, trước sức ép của bao cuộc biểu tình lớn nhỏ đòi hủy bỏ hiệp ước này. Các chính khách nhà Abe đã sớm nhìn ra trục ác Nga - Tàu trong tương lai nên đã quyết giữ gìn Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật bằng mọi giá. Trong khi đó, một mình Hoa Kỳ không thôi thì không đủ lực lượng để đối trọng lại 2 đối thủ tiềm tàng này, nhất là từ năm 2000 trở đi khi Trung Cộng vụt nhiên lới mạnh và gia tăng cường độ quấy phá, bắt nạt trên toàn vùng châu Á, trong đó nóng bỏng nhất là Biển Đông, Biển Hoa Đông và Eo Biển Đài Loan. Chính Hoa Kỳ cần đến vai trò cộng tác quân sự của Nhật Bản trong giai đoạn này để kềm chế Trung Cộng. Đương nhiên, cả Bộ Tứ QUAD và “chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở” (FOIB) cũng phải cần viện nhờ đến sức mạnh quân đội Nhật. Do đó, vướng mắc duy nhất là Hiến pháp 1947 phải được dỡ bỏ càng sớm càng tốt và Nhật Bản đang đứng trước cơ hội lịch sử này. 

Thế là, Đảng Dân chủ Tự do đã đề nghị Nhật Hoàng truy tặng “Đại Thụ Chương” (Đại huân vị Cúc hoa chương), huân chương cao quý nhất của Nhật Bản cho cố Thủ tướng Abe Shinzo, vì những đóng góp không ngừng nghỉ của ông nhằm nâng cao vị thế của Nhật Bản trên chính trường quốc tế, nhất là nỗ lực thay đổi Hiến pháp 1947. Trong số 4 thủ tướng Nhật hiếm hoi được tặng thưởng huân chương này, “gia tộc tuyệt đỉnh” đã chiếm một nửa: Đó là hai cố Thủ tướng Sato Eisaku và Abe Shinzo. Hai vị khác là Yoshida Shigeru và Nakasone Yasuhiro. Vẫn chưa hết, chính phủ Nhật Bản vừa chính thức đề nghị và cũng coi như đã quyết định (vì LDP là đảng đương quyền ở Nhật) sẽ tổ chức quốc tang cho cố Thủ tướng Abe Shinzo vào mùa Thu năm nay, một quốc lễ mà tính cho tới nay, chỉ có mỗi cố Thủ tướng Yoshida Shigeru được vinh dự nhận đặc ân. An Bội Tấn Tam sẽ là thủ tướng thứ hai nhận được vinh dự này. Sẽ đặc biệt hơn nếu quốc tang này được tổ chức sau khi tiến trình thay đổi hiến pháp được hoàn thành theo ý nguyện ông Abe lúc sinh thời. Ngoài ra, còn một điều ngạc nhiên hết sức thú vị khác. Nếu Yoshida Shigeru vì ký Hiệp ước San Francisco (tên đầy đủ “Hiệp ước Hoà bình với Nhật Bản”) ngày 8/9/1951 với 48 đồng minh trong Thế chiến Thứ II để triệt để giải giáp quân đội Nhật mà được vinh danh, thì Abe Shinzo, trái lại, vì nỗ lực cởi trói cho quân đội Nhật Bản thông qua thay đổi Hiến pháp 1947 mà sẽ được tôn vinh! Nhân quả và có hậu đến thế là cùng! 

“Đại Thụ Chương”, tức “Đại huân vị Cúc hoa chương”, huân chương cao quý nhất Nhật Bản, đã được truy tặng cho cố Thủ tướng Abe Shinzo   

Hơn nữa, xét cho thấu đáo, là một đất nước chảy tràn dòng máu Samurai trong huyết mạch, Nhật Bản không thể nào không sở hữu một quân đội đúng nghĩa, vừa để bảo vệ quốc gia vừa để hành hiệp trượng nghĩa khi cần. Giống như những quốc gia Á Đông khác, khí phách làm trai của các Samurai có thể gói gọn trong 4 câu thơ của “Chinh Phụ Ngâm”, rút ý tứ từ lời cảm khái của tráng sỹ Kinh Kha, môn khách nước Yên, với Thái tử Đan trong “Yên Đan Tử”:

“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”

Phải như vậy mới được. Đối với kẻ sỹ lẫm liệt mà nói, có cái chết nặng hơn cả Thái Sơn, có cái chết lại nhẹ tựa lông hồng, chỉ là chết như thế nào mà thôi. Thế nhưng, với bốn bề là biển, vó ngựa của các Samurai chỉ có thể là những đội thuyền, cả thương thuyền lẫn chiến thuyền, để thoả chí tang bồng ra thiên hạ. “Hiến pháp Hoà bình” 1947 của Hoa Kỳ đã cột chân các chiến binh Samurai suốt 70 năm tròn (tính từ ngày Hiệp ước San Francisco có hiệu lực 28/4/1952). Đã đến lúc cường quốc biển Nhật Bản tự cởi trói cho chính mình để tiếp tục thực thi tinh thần “Đại Đông Á” của tiền nhân. Sở dĩ Trung Cộng tự tung tự tác ở Đông Á bấy lâu nay là bởi vì Nhật Bản chưa thể triển khai quân đội ra nước ngoài do vướng Hiến pháp 1947 thôi. Hãy nhớ lại trận Hải chiến Đối Mã lừng lẫy tháng 5/1905, nơi Nhật Bản đã chôn vùi thanh danh của hải quân Nga Hoàng mạnh nhất nhì thế giới lúc đó. Cũng đừng quên trận Trân Châu Cảng kinh hoàng năm 1941 khi Nhật Bản đánh tan tác hải quân Mỹ mạnh nhất địa cầu. Khí phách “một đi không trở lại” của các chiến binh Phù Tang còn cả vạn lần hơn Kinh Kha tráng sỹ. Trung Cộng chẳng là gì! Việt Nam hãy mạnh dạn đón chào quân đội Nhật trở lại và cũng hãy nhanh tay hợp tác an ninh, quân sự với họ để phòng ngừa bọn Hung Nô phương Bắc. Có thể khẳng định, học thuyết quân sự “Bốn Không” đã hết thời, khi Nga đơn phương tấn công, xâm lăng Ukraina. Mỹ - Nhật - Ấn - Úc là 4 cái tên ưu tiên hợp tác, trong đó, Nhật Bản phải là ưu tiên một đối với Chính phủ Việt Nam. 

Sau hết, trong tinh thần “đồng văn” Việt - Nhật, quý độc giả có thể lắng lòng ngẫm lại tâm tình chắt lọc, cô đọng, nén ý của bà An Bội Chiêu Huệ một lần nữa trong điếu văn vĩnh biệt đấng phu quân của bà ngày 12/7/2022, qua bài thơ “Minh Khúc 2” do thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên sáng tác. Ông dường như đã nói hộ giùm bà rất nhiều điều trong đoạn thơ 8 dòng sau:

“Khi mà, dòng đã xa sông
Thì trăng vẫn chiếu buồn trong tháng ngày
Khi mà, chim đã xa bay
Thì cây vẫn trái tình hoài trông mong
Khi mà, mồ cỏ thu đông
Thì xuân xanh vẫn phượng hồng hè xưa
Khi mà, lạnh bếp tàn tro
Me long lanh lá rừng chưa hết ngàn…”

Lami NGUYỄN HOÀNG DŨNG

[1]. Xin tìm đọc “SHINZO ABE & Gia Tộc Tuyệt Đỉnh” do nhà báo Kenya Matsuda viết, bản dịch của Nguyễn Đỗ An Nhiên Nhien Nguyen.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire