mercredi 27 juillet 2022

GIÁO SƯ NGUYỄN XUÂN VINH VÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC VÕ TÁNH NHA TRANG.

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh vừa mới qua đời vào lúc 2 giờ 39 phút chiều ngày 23 tháng 7 năm 2022 tại tư gia, thành phố Costa Mesa - California, hưởng thọ 92 tuổi. Người ta biết danh và hết lòng ngưỡng mộ, không chỉ vì ông là một nhà toán học tài ba, một khoa học gia không gian lỗi lạc, đã đóng góp nhiều công trình quí giá cho nhân loại, mà còn ái mộ ông là một nhà văn dưới bút hiệu Toàn Phong với tác phẩm nổi tiếng Đời Phi Công, ra đời năm 1960, môt năm sau nhận được giải thưởng văn chương toàn quốc, và được giới thiệu trên Le Journal d’ Extrême-Orient của Pháp, khi ông đang là vị Tư Lệnh Không Quân trẻ tuổi nhất của QLVNCH (28 tuổi)

Một con người vĩ đại như vậy, với cá nhân và ngòi bút quá nhỏ bé của mình, tôi thực sự không thể (và cũng không dám) viết điều gì về ông, ngay cả với danh nghĩa là một đứa học trò nhỏ nhất. Bởi vì trên thực tế, tôi chưa và không bao giờ xứng đáng để được làm học trò của ông, mặc dù ông đã từng dạy ở ngôi trường trung học mà tôi có thời theo học, (nhưng khi tôi chuyển vào học từ lớp đệ Tam thì ông đã rời khỏi nơi này cả mấy năm trước đó) Điều duy nhất mà tôi có thể viết, đó là niềm hãnh diện, sự cảm kích và lòng biết ơn về tình quí mến mà ông đã đặc biệt dành cho. Mặc dù ông khiêm nhường bảo đó là tình đồng ngũ và thầy trò.

Lần đầu tiên, cách nay hơn 15 năm, một hôm tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên khi nhận được điện thư của ông gởi thăm, nói vài cảm nghĩ sau khi đọc một vài câu chuyện của tôi viết về đời quân ngũ, những năm tháng tù đày và đặc biệt là những kỷ niệm về Nha Trang, cùng ngôi trường Võ Tánh mà tôi từng theo học trước kia. Ông cho biết những bài viết ấy đã gây cho ông nhiều cảm xúc, về một cuộc chiến mà ông không có mặt để cùng gánh vác sẻ chia trong những thời điểm tàn khốc và bất hạnh nhất, và một thành phố biển đẹp đẽ thơ mộng đã làm cho ông cảm thấy được an ủi, thú vị trong hơn một năm ông bị “đi đày”, khi còn mang cấp bậc trung úy, và cũng ở đó ông rất vui với công việc dạy Toán cho học sinh lớp Đệ Nhị của một trường trung học, đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Tôi xin phép được gọi ông bằng Thầy kể từ khi ấy.

Sau khi di chuyển từ San Jose (Bắc Cali) xuống Huntington Beach (Nam Cali), nhân dịp sinh nhật thứ 80 của Thầy, chị Phiến Đan, phu nhân của Thầy gọi tôi đến chung vui, chúc mừng và hàn huyên cùng Thầy. Tôi thật sự cảm kích về sự gần gũi, lòng yêu thương, quí mến mà Thầy đã dành cho. Từ đó tôi thường lui tới viếng thăm và chuyện vãn với Thầy.

Có lần, chị Phiến Đan cho biết là nhà thường bị ăn trôm, và xảy ra vài điều không may khác. Chị tin vào Phong Thủy nên hỏi tôi có biết người nào giỏi về môn này không. Tôi nghĩ ngay đến nhà phong thủy nổi tiếng Quảng Đức Nguyễn Văn B., người bạn cùng lớp đa tài thời trung học ở Nha Trang, nhưng tôi ái ngại khi nghĩ Thầy là một nhà khoa học, nên bảo chị Phiến Đan dò hỏi ý kiến của Thầy. Không hiểu tin về Phong Thủy, chiều vợ, hay vì thương một thằng học trò Võ Tánh Nha Trang, mà Thầy theo lời chỉ dẫn của anh bạn tôi, tự tay phụ vợ sơn lại màu khác trên mấy bức tường nhà. Tôi hỏi, Thầy chỉ cười. Thấy Thầy cười là tôi vui rồi!

Một lần, đọc ở đâu đó thấy Thầy có ít phiền toái khi sinh hoạt trong Tập Thể Cựu Chiến Sĩ, tôi tha thiết khuyên Thầy nên nghỉ ngơi vì tuổi đã già và cống hiến đã nhiều. Tôi cũng đề nghị chị Phiến Đan tìm cách nói thêm với Thầy, nhưng Thầy trầm ngâm rồi bảo:

-Tướng Lê Minh Đảo rủ tôi cùng vận động anh em, bây giờ Tướng Đảo đã rút ra, trong lúc đang khó khăn tôi bỏ anh em lại sao đành!

Ngày 20.3.2022, trong một buổi lễ rất trang trọng do Hội Giáo Chức VNCH, Hội Bưởi&Chu Văn An, và Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt tại Nam Cali phối họp tổ chức để vinh danh Giáo Sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, tôi có dịp được nghe các vị giáo sư, một số cựu sĩ quan cao cấp Không quân, cùng một số bạn hữu của Thầy đã nói về những thành tích, về những vinh dự lớn lao mà ông đã nhận được tại Hoa Kỳ, và một số quốc gia khác, đặc biệt trên một bảng tuyên dương tại Viện Khoa Học Không Gian Liên Xô, tên của Thầy được đặt lên hàng đầu, trên cùng, trước những khoa học gia Không Gian Thế Giới khác…, đã làm tôi thêm hãnh diện khi nghĩ là đã  từng có một người Việt nam như thế!

Vài hôm sau đó, tối ngày 24.3.2022, qua Giáo sư Trần Huy Bích, tôi nhận được lời mời của Thầy và chị Phiến Đan đến nhà dùng cơm tối. Tôi rất bất ngờ và cảm động khi thấy Thầy đã già yếu, sức khỏe không được tốt mấy mà vẫn còn nghĩ đến mình. Thầy đã dọn về ngôi nhà mới một tầng ở thành phố Costa Mesa từ mấy năm nay, vì ngội nhà cũ, phòng ngủ nằm trên lầu nên không mấy thuận tiện cho Thầy. Ngôi nhà mới khá đẹp, rộng rãi nằm trong một khu yên tĩnh, với bàn tay khéo léo của chị Phiến Đan, nên các phòng ốc được trang trí rất trang nhã hài hòa, khu vườn trồng nhiều loại hoa thơ mộng, hợp với sở thích của Thầy. Khách của buổi cơm gia đình hôm ấy, ngoài Giáo sư Bích và tôi, còn có vợ chồng Bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, học trò cũ Chu Văn An cũng là bác sĩ riêng của Thầy, cùng vợ chồng Nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Hôm ấy Thầy rất vui. Chúng tôi nói chuyện thoải mái, về đủ mọi vấn đề. Thầy còn bảo chúng tôi cứ hỏi bất cứ điều gì muốn hỏi, Thầy sẽ trả lời. Chị Phiến Đan trở thành “ký giả”, ngồi ghi chép lại các câu hỏi của chúng tôi để nhắc cho Thầy. Biết bao nhiêu câu hỏi cho đủ về cuộc đời quá thành đạt và phong phú của Thầy. Có người hỏi về gia đình, thời tuổi thơ, đời phi công. Có người hỏi lúc làm Tư Lệnh Không Quân xảy ra vụ hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử dội bom Dinh Độc Lập đúng lúc Thầy đang công tác ở Đài Loan, có bị TT Diệm khiển trách hay không. Thầy cũng giải thích trường hợp Thầy xin giải ngũ để sang Mỹ du học và được TT Diệm đồng tình, khuyến khích. Có người hỏi trong ba thiên chức: nhà văn, nhà giáo và nhà khoa học, vai trò nào để lại cho Thầy nhiều kỷ niệm đáng nhớ, hoặc Thầy ưa thích nhất. Thầy cười, bảo ở mỗi lãnh vực đều có những thích thú riêng, nên Thầy thích làm toán cộng thay vì trừ hay phải chia ra.

 Bỗng tôi khựng lại khi có một vị nêu câu hỏi:

- Thầy đã trải qua nhiều công việc và sống ở nhiều nơi, vậy thời gian và nơi nào Thầy cảm thấy thích thú và đáng ghi nhớ nhất?

Thầy trả lời không do dự:

 -Thời tôi ở Nha Trang và dạy ở trường Trung học Võ Tánh!

Vốn là một người Nha Trang và cũng là một cựu học sinh Võ Tánh, câu trả lời khá bất ngờ của Thầy dường như đã chạm vào trái tim tôi. Tôi lễ phép hỏi Thầy:

 -Có phải lúc ấy Thầy còn trẻ, đang yêu đời và gặp nhân vật Phượng để viết nên tác phẩm Đời Phi Công sau đó?

Thầy cười, bảo:

 -Mới từ Pháp về nước, trong khi Không Quân đang rất cần những phi công, thì tôi lại bị “đẩy”ra Nha Trang làm huấn luyện viên bay kèm cho mấy anh sĩ quan mới tập bay. Có lẽ ông Tư Lệnh lúc ấy nghĩ tôi là người do Tướng Nguyễn Văn Hinh giới thiệu đi học phi công, nên có ác cảm. Không ngờ ra Nha trang, thấy biển trời mênh mông, thơ mộng và con người hiền hòa nên tôi lại thích thú.  Nhưng rồi cũng chỉ được hơn một năm, khi TT Ngô Đình Diệm chấp chánh thì tôi nhận lệnh về lại Bộ Tư Lệnh Không Quân.

Sau đó, trong lúc chỉ còn có hai thầy trò, Thầy đã tâm tình thêm:

-Chỉ dạy Toán hơn một năm ở mấy lớp đệ nhị Trường Võ Tánh, nhưng tôi rất quí mến các thầy cô giáo và đặc biệt các em học sinh. Tất cả đều lễ độ, hiền hòa và hiếu học. Tôi đoán trong số họ sẽ có nhiều người thành công trong nhiều lãnh vực và đóng góp cho sự phát triễn của đất nước, kể cả cho nền văn học. Điều đó bây giờ đã là sự thật. Sau này tôi đã có dịp quen biết hay gặp lại một số học sinh Võ Tánh thành đạt trong nhiều lãnh vực như thế, tôi mừng lắm, chỉ tiếc là VNCH của chúng ta không còn tồn tại nữa!

 


Và đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp và hàn huyên với Thầy.

Viết những dòng này để tưởng nhớ và thay cho lời vĩnh biệt Thầy, khi Tang Lễ của Thầy vào ngày 28 và 29.7.2022 tại Nam Cali, tôi không thể có mặt để cùng các huynh đệ Võ Tánh tiễn biệt Thầy về miền miên viễn.

Xin cúi đầu bái biệt Thầy!

Bắc Âu, 25.7.2022

Phạm Tín An Ninh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire