mercredi 11 novembre 2020

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Lê Dinh

Nhạc sĩ Lê Dinh là một trong những tên tuổi nổi tiếng được biết đến trước những năm 1975 với nhiều sáng tác để đời được khán giả mến mộ. Đặc biệt ông còn là một trong ba nhạc sĩ trong nhóm tác giả Lê Minh Bằng: Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng. Các ca khúc sáng tác nổi tiếng của ông được biết đến như: Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao, Đường Về Khuya, Chiều Lên Bản Thượng .v..v 
70 năm Tình Ca Việt Nam - Nhạc sĩ Lê Dinh 
 Hoài Nam - SBS Radio

 Nhạc sĩ Lê Dinh (1934) tên đầy đủ là Lê Văn Dinh, sinh tại Gò Công – Tiền Giang. Vào giữa thập niên 1950, Lê Dinh là một thầy giáo trẻ bắt đầu sáng tác nhạc. Bài hát đầu tay ra đời năm 1956 – “Làng Anh Làng Em” rất được yêu thích tại Gò Công khi đó và dần dần giúp cho người yêu nhạc xa gần biết đến cái tên Lê Dinh. Trong những năm 60, sự nghiệp sáng tác của Lê Dinh nở rộ với hàng loạt những bản tình ca được khán giả yêu thích nồng nhiệt và được các giọng ca hàng đầu khi đó thể hiện.

Ở giai đoạn đỉnh cao của mình, nhạc sĩ Lê Dinh còn được trở lại với công việc mà ông yêu thích đó là dạy học. Và ông cũng đã góp phần tạo nên những tiếng hát lừng lẫy đương thời. Là một người sống trầm lặng, kín tiếng, Lê Dinh từ những ngày đầu tiên cho đến tận bây giờ vẫn luôn âm thầm cho ra đời những bài hát mà ông tự nhận là để kể thay cho muôn người trên thế gian này những câu chuyện buồn vui trong cuộc đời và trong tình yêu đầy đam mê có nụ cười và có nước mắt.

Trong quá trình dạy học ở Gò Công, ông bén duyên cùng cô giáo tên Kim Quyên đang dạy cùng trường chỉ sau một năm quen biết và sống chung với nhau hạnh phúc đến trọn đời.

Năm 1956, Lê Dinh tham gia làm việc tại Đài Phát Thanh Saigon và gắn bó với công việc này cho đến sự kiện 1975 với chức vụ là Chủ Sự Phòng Sản Xuất sau đó là Phòng Điều Hợp của Đài. Tại đây, ông chủ yếu phụ trách về mảng kỹ thuật đúng với chuyên môn được đào tạo khi đang trên ghế nhà trường.

Nhạc sĩ Lê Dinh sáng tác từ rất sớm khi ông còn đi học và ca khúc đầu tiên phát trên đài phát thanh Pháp Á là ca khúc Quê Mẹ thể hiện qua tiếng hát của Linh Sơn.

Vợ của cố nhạc sĩ Lê Dinh chia sẻ ông có thói quen sáng tác lúc đêm khuya, trong bầu không khí yên tĩnh mọi người đã say giấc nồng hoặc lúc sáng sớm. Lúc sáng tác ông luôn có môt ly cà phê nóng bên cạnh để nhâm nhi thưởng thức.

Thời gian làm việc tại Đài Phát Thanh, Nhạc sĩ Lê Dinh quen biết và kết thân cùng nhạc sĩ Minh Kỳ. Cũng từ đây ông và Minh Kỳ hợp tác cho ra đời những ca khúc nổi tiếng với bút danh là Lê Dinh – Minh Kỳ như: 13 tuổi lính, Cánh thiệp đầu xuân, Chiều thu sơn cước, Đường chiều sơn cước, Đường về khuya, Gác nhỏ đêm xuân, Giấc mộng đêm xuân, Hạnh phúc đầu xuân, Một chuyến xe hoa, Mùa xuân gửi em, Mùa đông xứ Huế, Người em xứ Thượng, Tiếng hát Mường Luông, Tôi đã gặp.

Sau đó, Nhạc sĩ Lê Dinh tiếp tục quen biết và chơi thân với Anh Bằng, cũng từ đây hai nhạc sĩ tài hoa cho ra đời nhiều ca khúc với bút danh Lê Dinh – Anh Bằng như: Chỉ Hai Đứa Mình Thôi Nhé, Nếu Hai Đứa Mình, Đôi Bóng, Bóng Đêm…



Sau khi hợp tác với hai nhạc sĩ Anh Bằng và Minh Kỳ cho ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng, Lê Dinh kết nối và thanh lập nhóm sáng tác mang bút danh Lê Minh Bằng với sự có mặt của ba nhạc sĩ. Nhóm nhạc Lê Minh Bằng đã trở thành nhóm nhạc nổi tiếng huyền thoại với nhiều sáng tác bất hủ được khán giả yêu mến. Bài hát đầu tiên do nhóm nhạc sáng tác là ca khúc Đêm Nguyện Cầu được ra mắt công chúng vào năm 1966.

Ngoài bút danh Lê Minh Bằng, nhóm còn dùng các tên Vũ Chương, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ, Dạ Cầm, Giang Minh Sơn, Hoàng Minh, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Huy Cường, Mặc Vũ..

Ngoài sáng tác ca khúc, các hoạt động chính của nhóm còn có:

Mở lớp nhạc Lê Minh Bằng ở tại số 102/8 đường Hai Bà Trưng, Tân Định. Cả ba thay phiên nhau giảng dạy về lý thuyết (nhạc lý, ký âm pháp) và thực hành luyện giọng, xướng âm. Có khoảng một trăm học viên nam nữ theo học, đào tạo được những ca sĩ nổi tiếng như Trang Mỹ Dung, Kim Loan, Trúc Mai, Giáng Thu,…

Thành lập ban nhạc Sóng Mới chuyên trình diễn trên Đài Phát thanh Sài Gòn.

Cố vấn cho ông Nguyễn Tất Oanh – giám đốc hãng dĩa hát Asia và nhà xuất bản Sóng Nhạc ở số 37 đường Phạm Ngũ Lão, trong việc lựa chọn bài hát và ca sĩ để thu thanh vào dĩa nhựa và ấn hành các bản nhạc rời để tung ra thị trường.

Phụ trách tổ chức chương trình tuyển lựa ca sĩ được tổ chức hàng tuần ở rạp hát Quốc Thanh, do Đài Phát thanh Sài Gòn thực hiện và được trực tiếp truyền thanh trên toàn quốc vào mỗi sáng Chủ nhật. Cuộc thi đã lựa chọn được những ca sĩ tên tuổi thắng giải như Tùng Lâm, Tăng Hồng (Duy Khánh), Hùng Cường, Vân Hùng, Hoàng Yến, Bích Thủy… Xen kẽ chương trình thi là các màn phụ diễn văn nghệ của các nghệ sĩ chuyên nghiệp của nhóm Lê Minh Bằng và vài nhóm khác.

Sau sự kiện 1975, Nhạc sĩ Lê Dinh chưa thể xuất ngoại, ông ngưng viết nhạc tuy nhiên vẫn có rất nhiều ý tưởng sáng tác được ông lưu lại trong đầu.

Đến năm 1978, Ông và gia đình di cư sang một hòn đảo thuộc Đài Loan bằng một con tàu đánh cá nhỏ. Hai tháng sau họ đến được Hong Kong tiếp tục di chuyển sang Canada và định cư tại đây.

Sau định cư tại Montreal, Canada, nhạc sĩ Lê Dinh sáng tác rất nhiều ca khúc nhưng phần lớn là nhưng ca khúc thể hiện nổi nhớ quê hương của một người con xa quê như: Thương Về Gò Công, Sao Anh Không Nhớ Gò Công, Chữ Tình, Huế Buồn,…

Tại đây, ông cũng xin được việc tại một hãng tàu hàng hải lớn chuyên chở hàng hóa đi khắp mọi nơi trên thế giới. Ông gắn bó với công việc này 20 năm thì nghỉ việc, Lê Dinh thành lập Đài Phát Thanh Tiếng Nói Việt Nam tại Montreal và trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Ngày 09/11/2020, Nhạc sĩ Lê Dinh qua đời hưởng thọ 86 tuổi.

 

                                          Nhạc Sĩ Lê Dinh & Những tình khúc không quên

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire