samedi 21 octobre 2017

Bản sắc Hà Nội “Bún Mắng – Cháo Chửi” - Huy Phương

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiNLCEtv-C0NqroXm2LfUfg15l0rxqNgZfoXNGxDfYT0q8ekOt2kDfAuQZnNKv_Ao8ITUGttQR_zNrTPksH2XcY-UyPp7p6N7pmIJOtdtPXNtU8bw7F83PRxxqnwJo0h4yb1LerPH8k9s4/s400/1-36-678x381.jpgMặc dầu sang định cư ở Mỹ đã lâu, một ông cụ vẫn còn giữ phong cách ăn uống lịch sự ngày trước. Một buổi sáng Chủ Nhật được các con dẫn đi ăn ở phố Bolsa, nhưng khách đông phải chờ. Khách ghi tên và đứng đợi, ngóng nhìn về cửa chính, nhiều khi hơn nửa giờ, để chờ nhân viên nhà hàng kêu tên mình. Biết chuyện, ông cụ nhất định đòi về cho bằng được, vì cho rằng vì miếng ăn mà phải chầu chực như thế là quá nhục nhã, khó coi. Lần sau mời đi ăn tiệm kiểu này, là không bao giờ ông chịu đi nữa.
Nhưng ngày nay, người ta không xem chuyện phải xếp hàng trước cửa một tiệm ăn ngon để được đến phiên mình được gọi vào là khó chịu nữa, mà là chuyện quá đỗi bình thường!

Bản sắc Hà Nội “Bún Mắng – Cháo Chửi” 
Bài viết: Huy Phương - Cát Bụi trình bày 

Nếu ông cụ trong câu chuyện trên biết rằng dân Hà Nội, mỗi ngày vẫn phải cúi đầu ăn uống sì sụp ở những cái quán đầu đường, trong khi mụ chủ quán thẳng thừng chửi khách như chửi con ở, người làm với những danh từ thô lỗ như “Cút đi!” “Biến đi!” “Phắn đi!” thì không biết cụ nghĩ sao về chuyện này?
“Phóng viên người Mỹ Anthony Bourdain – người từng ăn bữa bún chả “nổi tiếng thế kỷ”với Tổng thống Obama – đã đem toán làm phim CNN, lần đầu tiên đến ăn ở quán bún chửi Ngô Sỹ Liên. Bourdain đã đưa hình ảnh âm thanh của “quán chửi” lạ lùng này vào chương trình Parts Unknown, vừa phát sóng trên đài truyền hình CNN vào cuối tháng 9-2016.




Bún mắng Hà Nội trên kênh CNN
Bún mắng Hà Nội trên kênh CNN
Trong chương trình đã phát hình này, đầu bếp Bourdain được một cô gái Hà Nội đưa đến giới thiệu món “bún chửi” ở phố Ngô Sĩ Liên và nói rằng đó là quán ăn yêu thích nhất của cô. Chương trình truyền hình này quay cảnh đang có đông người đang ăn sì sụp những bát bún. Lúc đầu có lẽ thấy khách Tây đến ăn, nên mụ chủ quán bún cũng còn nương tay, nhưng chỉ một lúc, bản chất thô lỗ của mụ không thể che đậy được, khi một cô gái trẻ hỏi mua một bát bún có mọc (thịt nạc giã nhuyễn viên thành viên) không lấy giò, thì mụ nọ đã nổi đoá, quát: “Tốt nhất là đi về nhà nấu mà ăn, đi luôn!” hay: “Gọi nhanh lên, sao gọi chậm thế! Tôi không có thời gian, ra khỏi đây!” Trong phần phụ đề, chúng ta còn thấy câu quát được dịch ra Anh Ngữ: “Get out of here!”
Ca sĩ Bằng Kiều đã làm một cuộc thử nghiệm khi ghé quán “Bún chửi bà Thảo” phố Ngô Sĩ Liên, Hà Nội, đã ghi lại câu nói của mụ Thảo như sau, khi Bằng Kiều yêu cầu: “Chị cười lên cái xem nào”, thì được mụ phạng ngay cho một câu: “Giờ này đang nước sôi lửa bỏng thế này, cười giề! Biến đi cho chị bán hàng!”
Ngôn ngữ đôi khi chưa đến mức quá đáng, nhưng giọng nói dấm dẳng, thô bạo, bất cần và bản mặt người bán hàng là “đặc tính” của quán bún Ngô Sĩ Liên.
Cô gái chỉ yêu cầu làm bát bún theo sở thích của mình, nhưng mụ chủ quán đã nói như tạt nước vào mặt cô, xua đuổi cô trước mặt đám đông, trước cả ống kính truyền hình ngoại quốc, trong khi những khách hàng khác vẫn thản nhiên ăn uống, chăm chú vào bát bún, như không nghe những câu chửi nhau cho rằng những câu chửi là đương nhiên, không cần quan tâm và phê phán. Khách hàng cho rằng, mụ chủ quán không chửi họ, thì cần gì họ phải quan tâm, mặt khác những người bị chửi cũng chưa hết có câu mắng lại, mà vẫn vô tâm đưa tay nhận bát bún, gằm đầu ăn hết bát bùn với lý do là: “Ở đây nấu ngon!”
Bún mắng, cháo chửi ở “thủ đô văn hiến” Hà Nội đã được ghi nhận chính thức (hay còn gọi với các tên khác là phở chửi, bún quát, ốc lắm mồm) trong Wikipedia Việt Nam  “là một hành vi cư xử thiếu lịch sự trong kinh doanh buôn bán ảnh hưởng lớn đến nét văn hóa ở Hà Nội. Người bán, chủ yếu hàng ăn có thái độ phục vụ không lịch sự như chửi tục, mắng, nói khích với khách mua hàng. Ðiều đặc biệt là việc này có sự đồng thuận của khách hàng, vì họ cho rằng miếng ăn là miếng nhục, cố gắng nhẫn nhịn vì người bán thường bán đồ ăn ngon hay nhẫn nhịn ăn được mới chứng tỏ bản thân. Do đó, nhiều hàng quán mắng chửi khách hàng vẫn đắt khách và làm ăn phát đạt trái với lẽ thường. Hiện tượng bún mắng, cháo chửi là một dạng kết hợp hoàn hảo giữa hành vi cư xử tệ hại của người bán hàng và sự đồng lõa của khách hàng.




Chủ quán bún mắng - nguồn aFamily
Chủ quán bún mắng – nguồn aFamily
Hiện tượng bún mắng cháo chửi là đáng báo động, là một nét văn hóa xấu xí ở Hà Nội. Nhiều người dân miền Nam Việt Nam ra thăm Hà Nội cảm thấy rất ngạc nhiên. Tuy nhiên, theo nhiều người bán hàng, vì khách quá đông nên họ mới gắt gỏng, mắng chửi. Theo một số người, hiện tượng này cũng xuất hiện tại thành phố Saigon.”
Chúng ta nhìn sự việc từ hai phía. Chủ quán cho rằng hàng của họ đắt, họ có quyền lớn tiếng, hay hách dịch, lấy lý do khách đông, làm không kịp hay khách đòi hỏi món này món nọ, cần một lát chanh, miếng rau bị chủ quán lớn tiếng đuổi khách. Ðây là quan điểm của mụ Thảo “bún chửi”: “Mọi người vẫn bảo khách hàng là thượng đế, họ bỏ tiền ra thì phải được phục vụ đến tận răng, nhưng tôi thì khác, không bán cũng được, chứ không thể đáp ứng những yêu cầu quá đáng hoặc hoạnh họe ra vẻ ta đây… Cứ vớ vẩn đòi hỏi là tôi đuổi.”
Khách hàng có người không nhịn được với cung cách của người bán hàng. Chuyện kể rằng, có lần gặp vị khách Sài Gòn, vừa chê cháo nhạt, anh xin thêm chút muối, liền bị chủ quán chửi thẳng mặt:“Mặn nhạt cái gì, cả trăm người có ai chê đâu. Không ăn thì biến”. Quá sốc, vị khách cầm cả tô cháo đổ xuống rãnh vỉa hè, rồi anh vứt trả cả tờ 50 ngàn đồng. Nhưng trong khi đó những người khác vẫn ngồi “thưởng thức” sì sụp bát cháo của mình, chủ chửi ai thì chửi, đâu có chửi mình! Mà nếu có bị chửi, chưa chắc khách đã nổi giận, “thì cứ ăn cái đã!”
Hà Nội có nhiều nơi đã nổi tiếng bởi “ngón chửi!”
Quán bún chửi của bà Thảo tại chợ Ngô Sĩ Liên nổi tiếng khắp Hà Thành. Quán cháo bà Mỹ có biệt danh là hàng cháo “quát” ở 15 Lý Quốc Sư cũ, chuyên bán món cháo gà. Quán ốc đầu đường Hồ Ðắc Di, gần cây xăng Nam Ðồng được mệnh danh là ốc “lắm mồm.”
Nhưng vì sao những chuyện này chỉ xảy ra ở đất Hà Nội “văn vật,” “đỉnh cao của trí tuệ” mà không, hay chưa xảy ra ở Saigon. Nhiều người cho rằng đây là những thái độ rơi rớt còn lại từ thời bao cấp, khi mà dân chúng khốn đốn vì miếng ăn, phải chầu chực để mua được miếng mỡ, cân đường, trong khi các “mậu dịch viên” là những người đại điện của chính sách đảng, có quyền phân phát, hoạnh hoẹ, chửi bới, mà vì miếng ăn, người dân phải cúi đầu chịu nhục.
Câu hỏi được đặt ra ở đây, là vì sao ngày nay, con người Hà Nội vẫn còn chịu nhục để ngồi húp hết bát bún, trong cái không khí “ô nhiễm” này? Phải chăng đây là thái độ nhẫn nhục đã thành thói quen tích lũy từ hơn nửa thế kỷ nay dưới một chế độ coi dân như cỏ rác, từ anh dân phòng, người công an đứng đường, đến anh chủ tịch bảnh chọe ngồi trà lá trong các văn phòng quận, huyện có những cái bảng đỏ, kẻ những dòng chữ “Học tập và lao động theo gương bác Hồ vĩ đại!”




Quán cháo bà Mỹ có biệt danh là hàng cháo “quát”- nguồn news.zdn.vn
Quán cháo bà Mỹ có biệt danh là hàng cháo “quát”- nguồn news.zdn.vn
Mặt khác như người vào Chợ Cá, được ít lâu chẳng còn thấy mùi hôi tanh như lời ông Khổng Tử:
– Ở với người hiền cũng như vào nhà (trồng) hoa lan, ở lâu không còn nghe hương thơm nữa tức đã hóa thơm rồi. (Dữ thiện nhân cư, như nhập chi lan chi thất, cửu nhi bất văn kỳ hương, tức dữ chi hóa hĩ.)
– Ở với kẻ ác (kẻ xấu) cũng như bước vô thùng (hay chợ) cá thối, lâu ngày không nghe thối nữa vì đã hóa thối rồi. (Dữ bất thiện nhân cư, như nhập bảo ngư chi tứ, cửu nhi bất văn kỳ xú, diệc dữ chi hóa hĩ.)
Huống chi chúng ta đã ở với đảng quá lâu!
Từ trên xuống dưới, nếu chịu nhục mà có được miếng ăn thì người ta cũng cam chịu!

http://baotreonline.com/ban-sac-ha-noi-bun-mang-chao-chui/

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire