mercredi 11 mai 2022

NHẠC SĨ TÔI QUEN - Hoàng Hải Thủy

Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích. Ngày 22 Tháng Tám, 2014. 
Tôi viết về một số nhạc sĩ tôi quen, tôi không viết về những nhạc sĩ tôi biết. Nhạc sĩ tôi biết thì nhiều, nhạc sĩ tôi quen – thân đến độ xưng hô mày tao – thì không bao nhiêu. Hai nhạc sĩ tôi thân và biết nhiều về đời tư nhất là Trọng Khương và Lê Trọng Nguyễn. 

 Trọng Khương – Bánh Xe Lãng Tử, Lê Trọng Nguyễn – Nắng Chiều. Internet ghi: Nhạc sĩ Trọng Khương là một trong những nhạc sĩ tân nhạc Việt Nam tiên phong, tác giả ca khúc “Bánh Xe Lãng Tử.” Có rất ít tài liệu về ông. Chỉ biết Trọng Khương làm nhân viên trong Ban Kiểm soát Kỹ thuật, Đài Phát thanh Sài Gòn từ trước 1953. 

 CTHĐ: Trọng Khương không có thời gian nào làm việc trong Đài Phát Thanh Sài Gòn. Anh là một công tử Hà Đông: anh sinh trưởng ở thị xã Hà Đông. Nhà anh ở cùng một con phố với nhà tôi. Anh hơn tôi khoảng 5 tuổi. Trước năm 1945 ở Hà Đông, anh là bạn của ông cậu tôi, ông anh tôi. Anh có tập tuần báo “ Cậu Ấm, Cô Chiêu,” khoàng 30 số báo, từ Số 1 đến Số báo cuối cùng. Đóng thành tập, bìa các-tông. Từ 1942 đến 1945 tôi vài lần đến nhà anh hỏi muợn “Cậu Ấm, Cô Chiêu” về đọc. Trang bìa sau đăng truyện Tranh Vẽ của Họa sĩ Mạnh Quỳnh. Hai nhân vật của truyện này là hai anh nhô tên Vá, tên Vếu.

Trước 1945 ở Hà Đông Nhạc sĩ Trọng Khương tên là Thiêm, Trọng Khương là tên anh tự đặt. Từ năm 1943 Trọng Khương đã chơi nhạc. Năm đầu anh chơi accordéon, năm 1944 anh chuyển sang guitare espagnole. Năm 1952 anh là nhân viên Phòng Năm, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Quốc Gia Việt Nam. Năm ấy quân đội Việt Nam tổ chức theo Quân Đội Pháp. Phòng Năm – Cinquième Bureau – Phòng Tâm Lý Chiến. Năm 1952 Thiếu Tá Trần Tử Oai là Trưởng Phòng Năm. Một số nhạc sĩ, ca sĩ được tuyển vào làm nhân viên Phòng Năm. Trọng Khương, Hoàng Giác, Vũ Huyến, Lê Đô.. v..v..trở thành quân nhân với cấp bậc Trung Sĩ đồng hoá. Từ năm 1952 Phòng Năm được đặt ở Sài Gòn. Năm 1952  Trọng Khương, Hoàng Giác, Vũ Huyến, Lê Đô đã làm việc trong Phòng Năm ở đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn.

 Năm 1956, 1957 tôi trở thành bạn mày-tao với Trọng Khương. Anh cho tôi biết năm 1947 anh bị Mật Thám Tây bắt, giam ở Nhà Tiền. Tôi nghe nói về Nhà Tiền Hà Nội nhưng không biết cái nhà đó ở đâu trong thành phố Hà Nội. Anh kể chuyện khi Mỹ cho quân Pháp những thùng thịt bò đông lạnh, một vài thùng được đưa đến Nhà Tiền cho tù ăn. Nhà bếp mở thùng thấy những tảng thịt bò đông lạnh cứng hơn gỗ lim. Dao búa không sao cắt xẻ được những tảng thịt bò này. Cả nửa ngày tù hì hục mới được chỉ cách dùng nước sôi dội lên thịt cho thịt mềm ra. Anh kể năm 1948 quân Pháp đánh lên Việt Bắc. Một số tù biết tiếng Pháp trong Nhà Tiền được tuyển làm interprète – thông ngôn – đi cùng quân đội Pháp. Sau chiến dịch, khi trở về những tù nhân interprète này được trả tự do. Trọng Khương từ Nhà Tìền đi chiến dịch Việt Bắc.

Sau 1954, ở Sài Gòn, Trọng Khương có vợ con. Anh nghiện hút nặng nên gia đình anh tan vỡ. Vợ anh nuôi con. Từ năm 1965 anh không kiếm được đồng nào, anh sống nhờ những nhà người quen. Sau năm 1975 những người quen anh không ai có thể cưu mang anh, anh chết trong Nhà Ga Hoà Hưng. Bản nhạc nổi tiếng nhất của anh là bài Bánh Xe Lãng Tử:

Peut être une image de 1 personne

Bánh Xe Lãng Tử - Trọng Khương - Thanh Lan

Bánh xe quay nhanh nhanh
Chiếc thân xe rung rinh
Chìm trong làn cát trắng
Xe nhịp nhàng quay bánh lướt
Hồn ta mờ khuất trong mênh mông

Ta luyến lưu một kiếp giang hồ
Dù rằng cuộc sống vô bờ
Tim nồng giòng máu vô tư

A ha ha! Suối in hình chiếc xe tàng
Đêm nao đập vỡ cây đàn, giận đời nào ai mắt xanh

Vó câu bấp bênh, trên đường gian nan
Chiếc xe lắc lư ru hồn nghệ sĩ tới nơi xa ngàn

Xe lăn êm êm dưới ánh trăng vàng
Môi ai say sưa hé mấy cung đàn
Ca lên cho tan nỗi niềm cay đắng

Vui ca lên đi trong chiếc xe già
Sau khi men say lắng mấy tơ đàn
Hồn ta vụt bước lên trời xanh lam

***
Về Miền Nam (Trọng Khương), hợp ca: Ban Tù Ca Xuân Điềm 
 
***

Đây là lời bản nhạc thứ hai của Trọng Khương:

Đường về nhà tôi

Đường về nhà tôi xa quá ai ơi
Qua biết bao sông còn đi nhiều lối
Đường về nhà tôi quen quá đi thôi
Sau mấy nương dâu nhà nép bên đồi

Đường mòn nằm im mơ tiếng chân ai
Chân bước hiên ngang người trai ngày ấy
Đường mòn lặng nghe trong gió heo may
Như tiếng chân ai vang trong ngàn cây

 Nhà tôi như một bức tranh
Có ba gian nhà gỗ với giàn thiên lý xanh
Đằng xa nước hồ in bóng
Liễu buồn rung thành tiếng với đàn chim trìu mến
Chiều lam mờ trong khói sương
Những mái tranh nhỏ bé với hồn quê vấn vương
Đường quen ai về nơi cũ
Nhắn rằng tôi còn nhớ cho vợi bao nhớ thương

Lạc loài lìa quê lê gót tha hương
Chân bước hoang mang lòng đau nhiều nỗi
Chiều nào ngoài thôn tiếng guốc reo vui
Xa quá đi thôi đường về nhà tôi
***
Chiều Tưởng Nhớ Nhạc: Lan Đài-Thơ: Hoàng Hương Trang-Thanh Lan

Lan Đài, Chiều Tưởng Nhớ:

Tìm kiếm mãi chỉ hoài công thôi
Còn riêng anh tóc xanh buồn vây quanh
Nhớ thương em thương mãi hoài
Đường thêu hoa nay úa phai

Chiều đi lặng lẽ
Thương nhớ muôn bề
Khi người yêu đã chết.
Nhạc thu chưa thấy về.

Chiều buông mờ sương
Quạnh vắng phố phường
Khi người yêu đã chết
Nhạc tình sao luyến thương?

Bàn tay đâu tìm không thấy nữa!
Bờ môi đâu, mắt đâu ôi tìm đâu?
Dấu chân em xa vời vợi
Nghìn muôn xưa quên lãng rồi

Hồn chìm tưởng nhớ
Dòng thư xanh mờ
Hôn tình thư em viết
Gửi anh xưa đến giờ

Chiều đi lặng lẽ
Mộ chí  hoa tàn
Ôi màu hoa tang trắng
Liệm tình anh nát tan

Một chiều Sài Gòn năm 1983 khoảng 5 giờ, tôi đạp xe đến nhà Lê Trọng Nguyễn rủ anh đi uống ruợu. Những năm ấy, như mọi người Sài Gòn – hai chúng tôi quá buồn. Không có tiền, Nguyễn và tôi thường đến một quán rượu nghèo ở ven đường xe lửa Cổng Số 6. Quán rượu này có thể là quán rượu nghèo nhất hành tinh xanh, nôm na là Trái Đất. Năm giờ chiều quán mới dọn ra. Một tấm nylon căng bên bức tường căn nhà ven đường rầy. Vài cái bàn gỗ thông thấp tè. Quán chỉ có một thứ rượu đế giá một đồng tiền Hồ một ly, một gói lạc rang một đồng một gói. Mỗi chiều chúng tôi đến quán ngồi từ 5, 6 giờ đến 8,9 giờ tối. Mỗi tên uống hai ly rượu, nhâm nhi với hai gói lạc rang. Có 10 đồng chúng tôi qua một buổi chiều.

 Tôi quen Lê Trọng Nguyễn qua Duy Sinh. Năm 1980 Duy Sinh đi chui sang Mỹ. Tôi trở thành người bạn thân của Nguyễn. Trong buồn phiền và tuyệt vọng, tôi có mấy câu thơ tặng Nguyễn:

Xót mày dạ trúc, lòng tơ,
Họa cung đàn mọi, bây giờ hẳn đau.
Tóc chia hai thứ trên đầu,
Thương thì đã muộn, mà sầu lại dư.
Này Lê, này Nguyễn đều hư.
Nắng Chiều mà gặp trời mưa thì phèo.


Đầu năm 1983 Nguyễn đưa tôi bản nhạc anh mới sáng tác, bản hành khúc ngắn. Anh bảo tôi:

“Tao tặng bản này cho những kháng chiến quân. Mày làm lời cho tao.”

Tôi nói:

“Thường thì chỉ có Thơ phổ Nhạc. Ít khi có Nhạc trước, Thơ sau. Tao mù tịt về nhạc. Tao phải nghe đàn bản này nhiều lần mới làm lời được.”

Nguyễn viết lời rồi đưa bản nhạc cho tôi. Tôi đặt tên bản nhạc là “Tiếng Hát Trở Về.” Tôi đặt tên tác giả là Trung Nhân, viết  lời giới thiệu:

“Tác giả Tiếng Hát Trở Về là một nhạc sĩ tên tuổi. Nhạc sĩ sống ờ Sài Gòn nên ta tạm gọi ông là Trung Nhân.”

Tôi gửi bản nhạc sang một số bạn tôi ở Pháp, ở Mỹ. Bản nhạc được công bố trên một số báo Việt ở Pháp và Mỹ.

Cuối năm 1983 Nguyễn và vợ con đi sang Mỹ. Gia đình vợ Nguyễn làm bảo lãnh. Vì các con nhỏ, Nguyễn phải bỏ bà mẹ ở lại. Mẹ anh chỉ có anh là con trai và cô em gái anh. Cô em sớm qua đời, để lại con gái sống với bà ngoại và ông bác. Nguyễn rất đau lòng nhưng vì các con mà phải theo vợ ra đi.

Một chiều trên xe đạp tới cửa nhà Nguyễn, tôi gặp Lan Đài và con gái anh từ nhà Nguyễn đi ra. ai bố con chở nhau trên xe đạp. Tôi dừng xe trao đổi vài câu với Lan Đài. Khi vào nhà tôi nói với Nguyễn:

“Tao vừa gặp Lan Đài với con gái nó ngoài kia. Tao thấy nó có vẻ như muốn nói gì với tao mà lại không nói.”

Nguyễn:

“Mày tinh ý đấy. Bố con nó sắp đi chui. Nó đến từ biệt tao.”

Vài ngày sau gặp lại nhau, Nguyễn nói như khóc:

“Lan Đài nó chết rồi. Nửa đêm, từ taxi lên tầu ở cửa sông, nó ngã xuống sông. Người ta tìm được xác nó rồi.”

Tôi hỏi:

“Con nó có đi được không?”

“Con nó cũng không đi được.”

Tôi đọc thấy trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Văn Nghệ Giải Phóng loan tin “ Nhạc sĩ Lan Đài về quê ăn giỗ, bị bạo bệnh qua đời.”

 o O o

Internet ghi về Duy Trác:

Tên thật Khuất Duy Trác, là một ca sĩ nổi tiếng, thành danh ở Sài Gòn từ những năm trước 1960. Tuy là một ca sĩ tài tử – không chuyên nghiệp – Duy Trác được coi là một trong những giọng ca Nam lớn nhất của tân nhạc Việt Nam.

Khuất Duy Trác là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Tháng Sáu năm 1975 ông bị đi tù khổ sai. Một hôm, ở một trại tù miền Bắc ông cùng các bạn tù – toàn là sĩ quan – cuốc đất, đào mương ở bên đường vào trại tù. Thấy các bà vợ tù vào trại thăm nuôi chồng đi trên đường, một ông tù hỏi:
Sài Gòn Chỉ Vui Khi Các Anh Về Nhạc và lời: Bảo Chương-KhanhLy

“Sài Gòn có gì vui không, mấy chị?”

Một bà trả lời:

“Sài Gòn chỉ vui khi các anh về.”

Cảm khái vì câu trả lời, người tù Duy Trác làm bản nhạc “Sài Gòn chỉ vui khi các anh về.”

Lời bản nhạc:

Tôi đã gặp em bỡ ngỡ tình cờ
Đôi mắt ngây thơ đến từ thành phố
Ngục tù tối tăm nói với cuộc đời
Sài Gòn có vui ? Sài Gòn có vui ?
Em ngước nhìn tôi cúi đầu nói nhỏ:
“Còn gì nữa đâu thành phố mộng mơ
Thành phố đớn đau vẫn còn nhắn nhủ
Sài Gòn chỉ vui khi các anh về.”

Tôi sẽ về đòi lại quê hương đã mất
Tôi sẽ về cùng em lau khô hàng nước mắt
Tôi sẽ mời em dạo chơi phố xá tươi vui
Những con đường tình, trường xưa công viên tràn nắng mới
Tôi sẽ về quỳ bên thánh giá bao dung
Tôi sẽ nguyện cầu cho Tình Yêu và cuộc Sống
Đem tiếng khóc cười dâng đời khúc hát say mê
Cám ơn Sài Gòn tôi sẽ trở về
Sài Gòn mến yêu ! Người tình dấu yêu ! Tôi sẽ trở về !

Năm 1980 người tù khổ sai sĩ quan Duy Trác trở về Sài Gòn. Bản nhạc “Sài Gòn chỉ vui..” được gửi ra nước ngoài. Tháng Tư năm 1984 nhạc sĩ tác giả “Sài Gòn chỉ vui…” bị bọn P25 Việt Cộng bắt. Chúng giam ông 4 năm ở Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu và Nhà Tù Chí Hoà. Ông bị xếp vào nhóm tù văn nghệ sĩ  mà bọn Phản Gián VC gọi là “Bọn Biệt Kích Cầm Bút.” Sau 4 năm tù, nhóm Biệt Kích Cầm Bút ra toà, người tù tác giả “ Sài Gòn chỉ vui..” bị án tù 4 năm. Vừa phơi rốn đủ 4 năm, ông ra khỏi tù ngay..

o O o

Lê Trọng Nguyễn trên Intenet:

Lê Trọng Nguyễn (1926-2004) là một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng, tác giả ca khúc Nắng chiều. Lê Trọng Nguyễn không sống bằng âm nhạc. Năm 1965, ông làm Giám đốc công ty Centra Co., một công ty thương mại của Pháp. Từ năm 1968, ông là Giám đốc điều hành của công ty Sealand tại Đà Nẵng. Năm 1970 sau khi lập gia đình, ông từ bỏ chức vụ Giám đốc công ty SeaLand về sống tại Sài Gòn. Năm 1973, ông làm Giám đốc nhà máy Dầu Hỏa Cửu Long. Sau biến cố 1975, ông mở lớp dạy nhạc tại nhà và tự chế tạo các loại đàn do chính tay ông làm để sinh sống.

 Lê Trọng Nguyễn đến Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 1983, định cư tại Rosemead cùng vợ và bốn người con. Ông mất ngày 9 tháng 1 năm 2004 tại bệnh viện City of Hope, Rosemead vì bệnh ung thư phổi.

Lê Trọng Nguyễn viết ca khúc đầu tay “Ngày mai trời lại sáng” năm 1946. Ông sáng tác không nhiều, nhưng các nhạc phẩm của ông đều có giá trị nghệ thuật cao, với giai điệu và lời ca trau truốt, nhiều hình ảnh đẹp. Trong những tác phẩm của Lê Trọng Nguyễn, nổi tiếng hơn cả là bản Nắng chiều, được ông sáng tác vào năm 1952. Nhạc phẩm này không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà nó còn được biết tới nhiều ở Nhật Bản, Đài Loan và ở Hồng Kông với tên Bản tình ca Việt Nam. Nắng Chiều cũng là ca khúc trong bộ phim cùng tên thực hiện năm 1971 của đạo diễn Lê Mộng Hoàng với sự tham gia diễn xuất của diễn viên nổi tiếng Thanh Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn, Lê Trọng Nguyễn nói:

“Tôi viết bản đó ở Huế, thời gian sau khi bỏ vùng kháng chiến về thành… Tâm sự tôi trong bài Nắng Chiều nó như thế này, kể anh nghe cho vui. Sau cuộc đảo chính của Nhật vào đêm 9 tháng 3 năm 45, có một gia đình công chức Nam triều từ Quy Nhơn chạy ra tạm trú ở Hội An, mà tôi cũng ở Hội An lúc đó. Gia đình đó có một người con gái. Tôi yêu người con gái ấy!”

Nắng Chiều
Nắng Chiều Lê Trọng Nguyễn-Ngọc Lan

Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
khi đến cuối thôn chân bước không hồn
Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em mầu ngà tóc thề nhẹ bay

Nay anh về qua sân nắng
chạnh nhớ câu thề tim tái tê
chẳng biết bây giờ
người em gái duyên ghé về đâu
Nay anh về nương dâu úa
giọng hát câu hò thôi hết đưa
hình bóng yêu kiều
kề hoa tím biết đâu mà tìm

Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà
Gợn buồn nhìn anh em nói yêu anh
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi…

***

Sao đêm

Còn gì nữa ? Tuổi vàng qua mất rồi
Làn môi khô khan câm nín đau thương
Và tóc rối bời hồn đang lạnh trống
Ðôi mắt mơ xanh mờ theo ánh tà dương

 Chờ gì nữa ? Nửa trời sao úa rồi
Vì sao em quên câu hát yêu thương ?
Tìm ít gió lành còn trong cuộc sống
Dìu nhau qua bến vượt sóng đại dương

Em, cánh sao mờ xa cuối trời đi về đâu ?
Em biết chăng hồn ta rã rời trong sầu đau ?
Tìm em không gian hồ đổ vỡ, theo tinh cầu bay
Rồi đêm gối sách mơ trăng sao

Còn gì nữa ? Bầu trời rạn nứt rồi
Ðường lên Thiên Thai sao tắt mây vương
Lạc bước, thiếu tài, nhạc lôi, rượu cuốn
Người yêu xa mãi tìm gió ngàn phương

Những năm 1981, 1982 LT Nguyễn và tôi gặp nhau gần như mỗi ngày. Tôi sang Hoa Kỳ sau Nguyễn mười năm. Giao tình của chúng tôi đứt đoạn trên đất Mỹ. Không một lần chúng tôi gặp lại nhau.

o O o

 ndt

Chiều Trong Tù Nhạc: Nguyễn Đình Toàn-Anh Dũng

Nguyễn Đình Toàn, Chiều trong tù

Chiều trong tù anh nhớ em
Ôi đất trời dường như tấm khăn
Bưng kín đời người trong tối tăm
Phương hướng nào nhìn ra mắt em

Hàng song sầu che mắt sâu
Những bóng người ngẩn ngơ ngó nhau
Tay xanh nào thầm ra dấu đau
Thay cho lời chào thăm mỗi chiều

Ai nghe chăng tiếng đời xa vắng
Ta nghe ta đã dường khác xưa
Tay qua ngang vết hằng năm tháng
Trong đau thương tóc người cứng khô

 Trên hoang vu những vầng mây trắng
Ta nghe ra trong niềm xót xa
Vai em thơm như mùa thu nắng
Vai bao nhiêu .. máu hồng tình xa

Chiều trong tù anh nhớ em
Anh trông trời , trời như tấm khăn
Trông quanh mình những hàng khóa câm
Những mắt người quầng thâm cũng trông

Người nhớ người, hơi nhớ hơi
Trong âm thầm còn ai nhớ ai
Cho mưa lạnh lùng rơi xuống rồi
Cho đêm buồn, một cơn đau dài

Tháng Bẩy năm 1976 Nguyễn Đình Toàn và tôi cùng đi dự cái gọi là Khoá Bồi Dưỡng Chính Trị. Nhà Toàn ở Làng Báo Chí, buổi trưa Toàn không thể đạp xe về nhà ăn trưa rồi trở lại lớp lúc 2 giờ; tôi rủ Toàn về nhà mẹ tôi ăn cơm trưa. Trong bữa ăn nghèo có đĩa đậu phụ kho với tóp mỡ, cà chua, đĩa rau luộc, đĩa dưa, mẹ tôi cùng ăn với chúng tôi, bà bảo Toàn:

“Ông ăn đậu đi chứ. Sao ông cứ gắp rau dưa thôi.”

Tôi nói:

“Đau thật. Trước kia mình mời khách thì nói : Ông ăn thịt đi chứ, sao ông cứ ăn đậu thôi.”

Một buổi trưa trời mưa, ngồi chờ đến giờ đi học, Toàn ôm cây guitar của con tôi, đệm đàn, hát nhẹ vài câu. Mẹ tôi nói:

“Nhạc của ông buồn quá.”

Toàn nói với tôi:

“Tao là một nhạc sĩ lỡ.”

o O o

Internet ghi về Nhạc sĩ Văn Phụng: Văn Phụng(1930-1999) là một nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc tình miền Nam trước 1975. Một số nhạc phẩm của ông được xếp vào thể loại Nhạc tiền chiến. Văn Phụng còn được xem như một trong những nhạc sĩ hòa âm hay nhất của Miền Nam trước 1975.
Văn Phụng và Châu Hà

Văn Phụng và Châu Hà


Nhạc sĩ Văn Phụng tên thật là Nguyễn Văn Phụng, sinh năm 1930 tại Hà Nội trong một gia đình bốn anh em mà ông là thứ hai. Học đàn dương cầm từ nhỏ, được sự chỉ dạy của hai giáo sư dương cầm là bà Perrier và bà Vượng, năm 1945 Văn Phụng đoạt giải nhất độc tấu dương cầm trong một cuộc tuyển lựa tại Nhà Hát Lớn Hà Nội với nhạc phẩm “La Prière d’Une Vierge”.

 Thời đi học Văn Phụng là một học sinh xuất sắc, ông học tiểu học tại trường Louis Pasteur, trung học ở trường Albert Sarraut. Năm 16 tuổi, sau khi tốt nghiệp Tú tài, Văn Phụng theo học ngành Y vì ý muốn của thân phụ ông. Nhưng chỉ được một năm Văn Phụng bỏ học Y khoa để theo âm nhạc.

Năm 1946,  chạy loạn về Nam Định, Văn Phụng trú tại nhà thờ Tứ Trùng ở Chợ Cồn, ông gặp linh mục Mai Xuân Đình ở đây. Vị linh mục đã chỉ dạy cho ông về âm nhạc và giáo lý.

Năm 1948, Văn Phụng về Hà Nội. Theo lệnh tổng động viên, ông gia nhập Ban Quân nhạc Đệ tam Tiểu đoàn Danh dự. Ở đây, Văn Phụng đã quen và kết thân với những người về sau cũng trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam như Nhật Bằng, Đan Thọ ,Nguyễn Hiền, Văn Khôi, Vũ Thành… Thời gian đó, ông được nhạc trưởng người Pháp gốc Đức tên Schmetzer chỉ dẫn về hòa âm.

Năm 1948 là năm Văn Phụng sáng tác ca khúc đầu tay “Ô mê ly.”  Bài hát được hoan nghênh đón nhận và kể từ đó tên tuổi Văn Phụng được giới yêu nhạc chú ý. Về sau “Ô mê ly” còn nổi tiếng hơn qua  tiếng hát của ban Thăng Long với Thái Thanh, Hoài Trung, Phạm Đình Chương..

Khoảng 1954, 1955 Văn Phụng di cư vào miền Nam, ông là Nhạc Trưởng của Đài Phát thanh Quân đội thuộc Nha Chiến tranh Tâm lý (Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa) và phụ trách chương trình ca nhạc trên Đài Phát thanh Sài Gòn.

Khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc với “Ô mê ly” vào năm 1948 và kết thúc với “Chán nản” vào năm 1972, Văn Phụng đã sáng tác hàng trăm ca khúc, trong số đó có rất nhiều nhạc phẩm đặc sắc như “Trăng sơn cước”, “Yêu”, “Tôi đi giữa hoàng hôn”, “Suối tóc”, “Mưa”, “Tiếng dương cầm”, “Giấc mộng viễn du”, “Tình”, “Bức họa đồng quê”…

Bóng Người Đi Nhạc Văn Phụng-Tiếng hát Thái Thanh

Tuy được xem như là một trong số các nhạc sĩ theo trường phái nhạc cổ điển Tây Phương, Văn Phụng cũng viết những bản nhạc giá trị với âm hưởng dân ca như “Trăng sáng vườn chè” (thơ Nguyễn Bính), “Các anh đi” (thơ Hoàng Trung Thông), “Đêm buồn” (phổ ca dao), “Nhớ bến Đà Giang”… Ông còn hòa âm cho nhiều cuốn băng nổi tiếng và được xem như một trong những nhạc sĩ hòa âm xuất sắc nhất của Sài Gòn khi đó.

Năm 1978, gia đình Văn Phụng vượt biển đến Malaysia. Sau 5, 6 tháng ở đây gia đình ông đến định cư tại Mỹ, ở tiểu bang Virginia, cư ngụ tại quận Fairfax.

Ngày 17 tháng 12 năm 1999, Văn Phụng qua đời do tác hại của bệnh tiểu đường.

Suối tóc

Tìm cho thấy liễu xanh-xanh lả lơi
Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai
Ghi trong khóe mắt u hoài hình bóng ai
Anh với em một đêm thu êm ái

Người em gái đứng im trong hồi lâu
Anh ngập ngừng lòng muốn nói đôi câu
Xin cho suối nước non ngàn tìm đến nhau
Như chúng ta đôi lần hàn gắn thương yêu

 Anh muốn đưa em qua miền giòng núi xanh
Chúng ta cùng thăm con suối dịu êm
Nhưng thiên nhiên không êm như tóc huyền
Nhưng thu qua không trong như đôi mắt em

Lòng anh muốn viết lên đôi vần thơ
Hay cung đàn cùng nét bút tranh hoa
Xin em biết nhé cho tình hai chúng ta
Trong ý thơ, cung đàn và suối tóc mơ

CTHĐ: Sang Hoa Kỳ, tôi gặp Văn Phụng nhiều lần. Anh và chị Châu Hà và tôi ở cùng một thành phố. Nghe nói anh nhiều đêm một mình lái xe vào ở cả đêm trong những sa mạc Mỹ, tôi hỏi anh ban đêm vào sa mạc làm gì, anh nói:

“Tôi vào đó nghe cái im lặng của sa mạc.”

Tôi nghe nói trong những năm cuối đời Văn Phụng không muốn sống. Anh không chịu uống thuốc.

o O o

Nay chỉ còn Duy Trác, Nguyễn Đình Toàn sống ở Kỳ Hoa. Duy Trác ở Houston, Texas, Nguyễn Đình Toàn ở Santa Ana, Cali. Tất cả những nhạc sĩ được kể trong bài này đều đã qua đời.
 
Hoàng Hải Thủy

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire