mardi 26 septembre 2017

Tình Anh Lính Chiến - Chương trình ca nhạc & khiêu vũ



Tình Anh Lính Chiến

Có lẽ với tôi, trong quá khứ hay hiện tại. Hình ảnh người Lính luôn là nỗi khắc khoải đi theo tôi suốt chặng đường của một kiếp người. Những năm tháng chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau luôn là vết sẹo chẳng thể lành bởi những thương tích trên da thịt vẫn còn đang lở loét nỗì  nhục nhằn vì chén cơm manh áo.
Có đi qua chiến tranh, mới thấu hiểu được cái tình của người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Ai nhớ, ai quên chẳng phải là một dấu chấm hỏi để trách hờn nhau. Chẳng phải các Anh vẫn sống hiên ngang trong  tận cùng của sự hủy diệt từ thể xác lẫn tinh thần đấy sao ?.
Người  ta chỉ thấy được những giọt mồ hôi rớt trên từng  tấm vé số cùng với đôi chân không  nguyên vẹn, có mấy ai thấu được phía sau của cánh cửa tâm hồn khi mở ra chỉ thấy toàn máu lệ. Những  vệt máu  tưởng chừng như đã khô khốc sau bao nhiêu năm dài trong nỗi lặng câm đã không còn chảy thành đôi dòng lệ ứa. Các anh đã cố cất đi những dòng lệ đau thương, để giữ tròn tiết tháo của một người Lính ngoài chiến trường trong những ngày bom rơi đạn nổ.
Thời gian đã qua hơn nửa kiếp người, kể từ khi quê hương ngừng tiếng súng. Tôi không biết có bao người đã ra đi cho yên một phận đời cơ cực ? Và còn bao người vẫn tiếp tục sống cảnh lang thang màn trời chiếu đất.
Thời gian… nước mắt tôi cũng cạn dần. Nó nằm khuất đâu đó trong một góc hồn, để mỗi khi thu về, đông tới, cái lạnh của tiết trời sẽ nhắc nhớ tôi những hình ảnh của người Lính năm xưa đang vật vã với cái lạnh của tiết trời, với đôi tay không còn, đôi chân đã cụt, đôi mắt đã mù và đau đớn hơn đó là những tấm thân nằm bất toại chỉ để chờ ngày được trở về cùng với đồng đội năm xưa.
Bốn mươi hai năm trôi qua, người Lính trẻ nhất cũng đã bước vào ngưỡng cửa lục tuần. Mộng sông hồ chưa thỏa chí, bỗng cơn đại hồng thủy từ đâu kéo về phủ kín trên những phận đời nghiệt ngã, mở ra một trang sử mới, bi thiết hơn những vết thương  đến từ bom đạn.  Người Thương Binh chưa kịp vá lành vết thương trên thân thể, nay lại mang thêm những vết hằn tủi nhục đến từ những chiếc roi đồng chủng , quất mạnh vào trái tim vẫn còn đang lở loét bởi sự kết thúc của một cuộc chiến đầy những oan khiêng, bi hận.
Bốn mươi hai năm, có biết bao cuộc bể dâu. Người còn, kẻ mất. Nhưng đau đớn thay, hình ảnh người Thương Binh chỉ còn là những vệt mờ theo năm tháng, định hình nơi một ngăn ký ức được gọi là «quá khứ». Những chương trình gây quỹ cho Thương Binh ngày một rời rạc bởi nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân lớn nhất là «niềm tin gẫy đổ» không bởi kẻ thù trước mặt, mà chính là những giáo nhọn của đồng đội đâm từ phía sau. Thật đắng lòng khi phải nhìn thẳng vào sự thật để nói rằng : Cộng Sản Việt Nam lại một lần nữa hưởng lợi đôi đường, vừa thu về ngoại tệ, vừa phân hóa được bên phía người Quốc Gia chia năm xẻ bảy, cấu xé lẫn nhau.
 Trong khi đó, một cuộc xả lũ miền trung do nhà cầm quyền Cộng Sản cố tình gây ra để bòn tiền của người Việt hải ngoại, được cả triệu triệu người hưởng ứng qua các cuộc gây quỹ rầm rộ, ai cũng khóc thương miền Trung , khắp nơi đồng loạt hát bài miền Trung khổ ải, nhưng  lại quên đi kẻ đã gây ra cảnh tang tóc, khiến bao người phải kéo lê phận đời trong cảnh màn trời chiếu đất. Máu đổ ruột mềm mà. Ai không thương, ai không xót ? Và rồi cứ thế, khi cần tiền, khi cần nhiễu thông tin…nhà   
cầm quyền Cộng Sản Việt Nam  lại tiếp tục xả lũ và thế là «chúng ta» lại nai lưng ra gánh chịu. Từ thiện…một việc làm cao cả không ai có quyền phủ nhận, nhưng không khéo đôi khi lại là miếng mồi ngon cho những kẻ cường quyền sử dụng trong mục tiêu chính trị, vơ vét cho đầy túi tham.
Chẳng còn bao lâu nữa, những chương trình Cám Ơn Anh rồi đây sẽ phải chấm dứt khi người Thương Binh cuối cùng lìa xa cõi tạm. Điều này cá nhân tôi đã cảm nhận được khi nhóm anh em nhảy Dù ngày càng vơi dần trong danh sách được «trợ giúp». Tôi không cho đây là một chương trình từ thiện, mà là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người chúng ta đã nợ các Anh. Họ đã để lại một phần thân thể tại chiến trường, và chính họ là những người phải hứng chịu những thiệt thòi lớn nhất, đau thương nhất kể từ sau ngày miền Nam mất vào tay Cộng Sản Bắc Việt. Hãy thử tính nhẩm một con số để thấy những việc chúng ta làm tưởng chừng như rất lớn với con số tiền triệu, nhưng nếu đem một triệu chia cho mười ngàn Thương  Binh, thì mỗi người chỉ nhận được 100$. Trong khi số thương binh của Việt Nam Cộng Hòa lên đến cả triệu. Làm sao tránh khỏi người được, người không được trợ giúp ? Vì thế tôi quan niệm rằng : Hãy làm hết khả năng những gì có thể, dù chỉ để xoa dịu vết thương trong tâm hồn đã chai lì theo cùng nỗi đau thân phận. Có lẽ hạnh phúc nhất của các anh chính là những cuộc gặp gỡ lại đồng đội năm xưa, để hoài niệm về một thời quá khứ oanh liệt, dù nay chỉ còn nằm sâu trong tâm tưởng. Nhưng ít ra cũng còn một chút gì đó làm hành trang ở cuối đời.
Tình Anh Lính Chiến là chủ đề của « Chương Trình Ca Nhạc Và Khiêu Vũ » tại Paris vào ngày 8 tháng 10. Được phối hợp cùng với các anh chị em tại Oslo – Nauy, trong chuyến lưu diễn của nhạc sĩ Nam Lộc cùng với các ca sĩ đến từ Hoa Kỳ trong chương trình Cám Ơn Anh, mà tôi và một vài anh em tại Paris chỉ góp một phần sức mọn bằng khả năng rất hạn hẹp. Mong đem đến mọi người những ca khúc của một thời dấu binh lửa, tìm lại cho mình một chút gì để nhớ, để thương về một quãng đời thật đẹp, thật bình an, dù ngoài kia bom đạn vẫn cào nát trên mảnh đất hiền lành của một miền Nam thân yêu.
Một đêm nhạc sẽ gợi lại trong lòng chúng ta về cái tình của người Lính đối với người em gái hậu phương. Một đêm sống cho hoài niệm, cho một thời được yêu trong cái thú của đau thương. Chiến tranh, bom đạn dù có tàn nhẫn…  nhưng ký ức của một thời dấu binh lửa sẽ mãi in hằn trong trái tim của chúng ta, những người đang sống lưu lạc chờ mong ngày hát khúc khải hoàn trên quê hương yêu dấu ngàn đời.
Paris 20 tháng 09 năm 2017
Hạt sương khuya



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire