samedi 16 septembre 2023

Còn Nụ Cười Buồn - Hoàng Nga

Tôi với Phú là bà con bắn một trăm quả đại bác không tới. Sở dĩ còn biết được cái tên nhau là vì mẹ Phú buôn bán chung với ba mẹ tôi. Lúc nhỏ tôi hay nghe chị Thu, mẹ Phú, than thở về ông con trai duy nhất không chịu học hành tử tế, chỉ ham nhảy đầm, tụm năm tụm bảy với một đám bạn rặt khuôn. Tôi không biết mặt Phú dù nhiều lần đến nhà chị Thu. 
Năm tôi lên đệ tam mà ba mẹ tôi vẫn bắt anh Chuân đón đưa đi về. Anh Chuân rầu rĩ vì giờ giấc bắt buộc mà tôi cũng quê với bạn bè. Tôi “xuống đường” liên miên nhưng vẫn không thay đổi được ý định của ông bà cụ. 
Tôi với Phú là bà con bắn một trăm quả đại bác không tới. Sở dĩ còn biết được cái tên nhau là vì mẹ Phú buôn bán chung với ba mẹ tôi. Lúc nhỏ tôi hay nghe chị Thu, mẹ Phú, than thở về ông con trai duy nhất không chịu học hành tử tế, chỉ ham nhảy đầm, tụm năm tụm bảy với một đám bạn rặt khuôn. Tôi không biết mặt Phú dù nhiều lần đến nhà chị Thu.
Năm tôi lên đệ tam mà ba mẹ tôi vẫn bắt anh Chuân đón đưa đi về. Anh Chuân rầu rĩ vì giờ giấc bắt buộc mà tôi cũng quê với bạn bè. Tôi “xuống đường” liên miên nhưng vẫn không thay đổi được ý định của ông bà cụ.
Một hôm, anh Chuân đến đón tôi, kèm theo một ông lính Không quân cao lớn đẹp trai. Anh giới thiệu:
- Phú, con chị Thu. Còn đây là dì Oanh. Trưa nay tao kẹt công chuyện, Phú đưa mày về.
Tôi ngỡ ngàng nhìn Phú. Bởi Phú trong trí tôi hoàn toàn khác. Phú phải như đám con trai yé yé trong trường, tóc dài chấm vai, áo chemise phanh ngực, chứ đâu phải là một ông lính, lại là lính Không quân, lớn hơn tôi gần chục tuổi, phong cách chững chạc, lịch sự vượt quá mức tưởng tượng của tôi.
Anh Chuân khi để lại lời cám ơn tên bắn là vọt đi mất như thể sợ Phú đổi ý. Phú nhìn tôi cười cười:
- Mời dì.
Tôi cũng bật cười, ngập ngừng leo lên ngồi phía sau xe. Phú chạy chiếc vespa màu lam nhạt. Khi ga vừa rú lên là đám bạn tôi ồ xào phía sau lưng như mưa rào. Có đứa còn gào lên “ai vậy Oanh ơi” om òm.
Phú chạy xuống con đường dọc bờ sông. Ngang qua dãy quán nước dừa lội thiên, Phú đưa mắt nhìn những cặp tình nhân ngồi bên nhau rồi cười cười hỏi tôi:
- Dì có bồ chưa?
Tôi đáp vội:
- Chưa, còn nhỏ mà.
Phú tỉnh bơ:
- Cỡ tuổi dì nhiều cô có bồ rồi. Dì đẹp, sức mấy mà chưa.
Tôi đỏ mặt la lên:
- Ba trợn, chưa có. Nếu có đâu để anh Chuân đưa đi học.
- Ông bà bắt chứ bộ dì tình nguyện để cậu Chuân chở đi sao!
Tôi bặm môi:
- Ông Chuân cũng có bồ. Ông bắt thì bắt nhưng nếu tui có, tui điều đình với ông Chuân không được sao.
Phú bật cười, giọng cười dòn như nắng vỡ:
- Có lý. Tin dì một nửa. Nửa kia để kiểm tra lại. Dì có bồ, chở dì đi kiểu này có ngày bị ăn gậy.
Tôi bĩu môi:
- Tui có bồ bồ tui cũng hiền queo. Chứ ai như Phú, còn đi học mà bày đặt mang dao vào lớp để bị đuổi.
- Á à! Sao dì rành quá vậy?
Tôi phì cười:
- Chị Thu kể.
Phú cười theo. Không hiểu sao tôi thấy Phú rất gần gũi, như đã biết từ lâu rồi vậy. Ở Phú, có cái gì đó, không khô khan như anh Chuân, không ghê gớm như lời chị Thu kể về ông quý tử của mình.
Trưa đó Phú ở lại nhà tôi ăn cơm, chiều đưa tôi đi học thêm lần nữa. Đám bạn tôi chặn ngay trước cổng bắt tôi khai về Phú. Nói Phú là cháu, chẳng có đứa nào tin. Đoan chọc tôi:
- Vậy thì mày cho phép tao gọi mày là dì nhé!
Tôi cười. Gần hai tháng sau, tôi mới có dịp gặp lại Phú để kể cho Phú nghe chuyện mấy con nhỏ bạn xí xọn nghi Phú là bồ tôi, ngày nào cũng réo tên Phú ra chọc. Phú bảo anh Chuân để Phú đến đón tôi buổi chiều đó.Tôi bắt đám bạn ra trình diện Phú. Tôi hỏi:
- Hôm nọ đứa nào đòi làm cháu tao đâu?
Cả lũ im re, cứ dúi vào lưng nhau cười khúc khích. Lâu sau, Huy Đông huých Đoan một cái:
- Hôm nọ con nhỏ này hùng hổ lắm mà.
Đoan đỏ mặt la ơi ới, và đấm vào vai Đông túi bụi. Phú cười cười quan sát Đoan, Huy Đông và cả bọn rồi rủ chúng tôi qua đường ăn kem. Đám bạn tôi lao nhao thân thiện với cháu Phú của tôi ngay. Tụi nó gọi Phú bằng anh, xưng tên. Phú gọi lại các cô, xưng tôi như gọi tôi là dì Oanh, xưng tôi vậy. Lúc đưa tôi về, Phú khen đám bạn tôi dễ thương. Phú ở Sàigòn lâu, về thấy con gái miền trung đi học mặc áo dài trắng, quần trắng thì thích lắm.
Phú hỏi tôi:
- Dì là cái gì Oanh?
Tôi đáp “Thôi Oanh Oanh”, Phú cười. Lát sau Phú hỏi:
- Dì cũng đọc truyện Tàu nữa hả?
- Không, ông Chuân đọc, đọc theo thôi.
- Dì đứng nhất luôn không?
- Nhất hoài... Còn Phú chắc chót hoài phải không?
Phú cười:
- Không. Còn một thằng nữa. Giờ nó cũng đi pilot.
Tôi khúc khích:
- Sao ngành này nhiều người đội sổ quá vậy?
Phú không biết trả lời sao, chỉ cười. Chúng tôi cứ nói chuyện không đâu vào đâu nhưng thật vui. Thỉnh thoảng Phú từ phi trường chạy ra chỗ anh Chuân uống cà phê rồi đến đón tôi về học. Nhiều hôm Phú còn mặc đồ bay. Lúc này đám bạn tôi đã thân với Phú lắm rồi. Lần nào nhìn thấy mặt Phú, tụi nó cũng bắt Phú dẫn đi ăn chè. Huy Đông hỏi đùa tôi:
-Mày hỏi xem thử đứa nào trong tụi tao được lọt vào cặp mắt nâu của ông cháu mày nhé!
Tôi nói lại với Phú. Phú cười cười. Tuần sau Phú ra bằng xe jeep, đưa cả bọn đi uống cà phê ở một cái quán sang nhất thị xã, có cái tên rất ư là Tây: quán Danube. Phú hỏi chuyện mấy đứa lung tung, khéo léo bắt các cô khai ra có mấy anh theo tán tỉnh, trồng cây si. Lũ bạn tôi u mê khai thật ra hết. Sau đó Phú chở từng đứa về nhà. Lúc còn lại mình tôi, Phú hỏi:
- Dì đoán xem cô nào lọt vào mắt cháu dì?
Tôi ư ư trong cổ họng, nhớ lại từng cử chỉ, từng lời nói Phú đối với từng đứa. Thục thì Phú khen hiền. Đoan nhạy cảm. Đông nhí nhảnh dễ thương. Trúc Quỳ dịu dàng. Và tùy theo từng tính tình của mỗi đứa, Phú có cách ứng xử khác nhau. Phú khôn quá. Tôi nói. Phú cười, quay nhìn tôi giây lâu rồi tiếp tục lái xe. Tôi đặt hai tay lên cặp, níu lấy sợi giây khóa. Trời hanh nắng, và dù đang ngồi vững vàng trên chiếc xe jeep mà tự dưng người tôi cũng run bắn lên. Cái ánh mắt lấp lánh vui và long lanh hạnh phúc của Phú làm tôi không dám nói thêm với Phú lời nào. Lần đầu tiên tôi cảm thấy hết sức bối rối. Cái lém lỉnh cố hữu tự dưng tan biến mất. Tôi thật sự mất bình tĩnh trước Phú.

 

Phú đưa tôi về đến cửa nhà. Vẫn không hẹn bao giờ sẽ gặp lại, nhưng tự dưng Phú bảo tuần sau Phú phải bay. Tôi sựng lại rất lâu trước khi chúc Phú may mắn. Phú đáp cám ơn dì và lặng lẽ quay đi.
Tôi xuống xe. Bước chân gấp gáp lên thềm. Có cái gì chùng xuống thật sâu trong tôi. Tuần sau Phú bay. Có nghĩa là tuần sau Phú sẽ tham dự một trận đánh nào đó. Có nghĩa là tôi sẽ chẳng còn bao giờ gặp lại Phú nếu có bất trắc xảy ra. Có nghĩa là thần chết đang rình mò đâu đó trên đường bay, trên nhịp thở của Phú. Tim tôi đập nhanh và tôi hoảng hốt quay lại nhìn. Nhưng trên đường đã không còn bóng xe của Phú. Cũng chẳng còn hạt bụi nào rơi rớt lại để tôi có cớ đổ cho những hạt nước mắt vừa long lanh.
Tôi sống trong tình trạng như vậy đến suốt mấy tuần sau đó. Lần nào thấy bóng chị Thu, tôi cũng cuống quít, hồi hộp quan sát. Chỉ sợ chị khóc lóc báo tin bất thường. Nhưng không. Chị Thu tươi tỉnh lắm. Khoảng hai tuần sau khi Phú hành quân về, chị lại nhà tôi ăn cơm trưa. Chị khoe:
-Kỳ này con bắt thằng Phú đi hỏi vợ. Hôm nọ nó ra trận, con lo gần chết, mất ăn mất ngủ cả tuần. Gia tài con vỏn vẹn chỉ có mình nó nên không yên cậu ơi. Con mới dẫn nó đi coi mắt con ông dược sĩ Khanh. Cô cậu đẹp đôi lắm. Con bé còn một năm nữa là ra trường...
Tôi ù tai. Miếng cơm trong cổ nghẹn cứng không chịu trôi xuống. Phú đi hỏi vợ. Thảo nào Phú về bình yên mà không cho tôi hay. Thảo nào mà đám bạn tôi không đứa nào lọt vào mắt Phú! Lòng tôi rưng rưng. Phải gắng lắm tôi ăn xong bữa. Có chị Thu, tôi khỏi phải giúp mẹ tôi rửa chén, nên tôi vội vã chạy lên lầu nằm vật ra khóc. Vậy đó mà tôi đã lo lắng, sợ hãi cho Phú bao nhiêu ngày, Vậy đó mà tôi đã ròng rã mất ăn mất ngủ mấy tuần nay. Phú đi hỏi vợ, không kèn không trống, không một lời báo tin cho tôi hay...
Tôi nằm mãi đến năm giờ chiều. Hai mắt tôi sưng lên và đầu nặng trĩu. Sau cùng khi nghe tiếng mẹ tôi ra khỏi nhà, tôi mới len lén xuống bếp rửa mặt. Nhưng xui cho tôi, tôi đụng ngay anh Chuân ở cửa bếp. Anh hoảng hốt, ngạc nhiên nhìn tôi hỏi chuyện gì. Tôi không biết trả lời anh ra sao, nhưng khi nghe anh hỏi giọng lo lắng, dưng không tôi tủi thân quá và lại òa lên khóc. Tôi làm anh Chuân sốt vó. Mãi về sau tôi mới sực nhớ ra tôi vừa bị sụt hạng tháng này nên sụt sùi bịa đặt kể lể với anh. Anh Chuân hoàn hồn, vỗ vai tôi an ủi:
- Mày ít khi bị hạng nhì nên thất vọng như vậy, chứ người ta chỉ cầu được vậy thôi.
Rồi bỗng dưng anh cười:
- Cỡ thằng Phú ngày xưa thì được hạng ba mươi cũng mừng chết rồi.
Lại Phú. Tôi cười mếu. Phú làm biếng. Phú học dốt. Phú cà chớn. Phú ba trợn. Phú là nguyên nhân của những giọt nước mắt “thất vọng” này của tôi. Phú vậy đó mà tôi đã để lòng lo lắng cho Phú. Phú vậy đó mà ngang nhiên phá sự bình yên của tôi trong nhiều ngày nay. Cả buổi chiều, tôi cứ cố dối lòng, tự cho mình bị tổn thương tự ái vì biết cái tin Phú sắp lấy vợ qua chị Thu mà không phải do Phú nói...
Tôi lau nước mắt. Phú lấy vợ. Thế là chấm hết. Chấm hết những hôm Phú đón đưa về học. Hết những buổi chiều ngồi đấu láo chuyện nọ chuyện kia. Hết những lo lắng, sầu não, bồn chồn. Hết cả những tiếng thở dài sâu nặng không hiểu vì sao. Tôi ngước mắt nhìn anh Chuân, bảo với anh, tôi đi học bài và sẽ trở về vị trí nhất cố hữu của mình vào tháng tới, như tự hứa với chính lòng mình.
Tôi lên lầu học một mạch bài vạn vật ba trang giấy không sót một dấu chấm dấu phẩy. Nhưng khi không còn gì để học nữa, tôi mới thấy lòng quạnh quẽ, trống trải. Phú cứ ẩn hiện đâu đó, với nụ cười tươi tắn, với ánh mắt nâu tinh nghịch như cố tình làm tôi sầu não, héo hon.
Tiếp những ngày sau đó tôi đi học trong tâm trạng hết sức bối rối, bần thần. Tôi chẳng hề để ý bạn tôi đã có đứa nghỉ học không lý do. Tôi với nỗi buồn riêng mang, nên không hề biết cuộc chiến đã bắt đầu thay đổi. Thị xã tôi ở và miền Trung nói chung vào những ngày đầu của tháng ba đã xuất hiện những sinh hoạt không bình thường. Người ta đã lục đục di tản vào phía nam. Nhiều nơi trong thành phố đã treo bảng bán nhà và nhiều hàng quán lớn đã đột ngột đóng cửa. Tình hình mỗi ngày một xấu hơn, nhưng tôi cứ ủ rũ buồn bã, cứ mong ngóng một cái tin nào đó của Phú, dù vui hay buồn. Tôi chỉ lặng lẽ theo dõi chị Thu chạy lên chạy xuống rỉ tai bàn tán với ba mẹ tôi mà cừ tưởng tượng chị đang lo bề gia thất cho Phú.
Tôi hoàn toàn không biết lính bị cấm trại và hành quân liên miên. Mãi cho đến hạ tuần tháng ba, khi tận mắt chứng kiến người ta tay bồng tay dắt, vai xách nách mang tản cư lũ lượt trên đường, mới biết ra Quảng Trị đã mất và Huế đang bị đe dọa trầm trọng. Người ta đổ về thành phố tôi y hệt hồi bảy hai. Chiến tranh đã đến giai đoạn quyết liệt nhất, tôi mới sửng sốt nhận ra. Tôi thức suốt đêm hôm đó. Sáng hôm sau tôi đến trường trong tình trạng rã rời. Thành phố cũng rã rời như tôi. Sân trường vắng hoe và nghe đâu vài trường khác đã bắt đầu đóng cửa để tiếp người tản cư. Hai giờ Anh văn của lớp tôi không có thầy dạy. Tôi đứng lặng nhìn từng chỗ ngồi của bạn bè. Nhiều đứa đã không đến lớp. Thục, Đoan và Trúc Quỳnh không biết đang ở đâu. Tôi xót xa nhận ra sự thờ ơ, vô tâm của mình.
Huy Đông rủ tôi bỏ hai giờ Việt văn còn lại. Hai đứa lang thang xuống sân trường rồi xuống phố. Phố xá buồn tênh, váng lặng như không còn sức sống. Lòng tôi òa vỡ. Lần đầu tiên trong đời, tôi có ý niệm về chiến tranh và sự tan tác, phân ly. Tôi nhớ đến những đứa bạn còn lại bàn tán trong lớp sáng nay và tự hỏi tôi sẽ sống như thế nào nếu người phía bên kia về chiếm thành phố?
Tôi đi bằng đôi chân hoang mang đến tột độ. Và khi về đến nhà, lòng tôi càng hoang mang hơn. Ba mẹ và anh Chuân không có nhà để chia sẻ với tôi sự sợ hãi. Tôi ngồi lặng trên bàn học, nhìn mớ sách vở, và trong những tận cùng ấy, tôi nhớ Phú thiết tha. Tôi nhận ra cái nghiệt ngã của đời sống, cái nghiệt ngã của chiến tranh. Tôi tự hỏi không biết giờ ấy Phú đang làm gì. Có ai, thượng đế, hay thần thánh nào che chở cho Phú thoát khỏi lưỡi hái của tử thần hay không.
Vào một ngày áp chót của tháng ba, khi lòng tôi đã thật sự dẫy chết như cái không khí hấp hối của thành phố thì Phú xuất hiện. Phú đến như một cơn lốc, Phú lao vào nhà tôi, trên người còn khoác bộ quân phục khét nắng. Phú đen sạm và hốc hác đến kinh người. Chỉ vừa kịp hỏi ba mẹ tôi đâu mà không cần nghe trả lời, Phú lao đến ôm chặt tôi. Phú nói như điên như cuồng:
- Đi, dì đi với Phú. Ông bà không chịu di tản thì dì phải di tản với Phú. Phú không thể nào rời nơi này mà không có dì, dì hiểu chưa?
Tôi hoảng hồn. Tôi sửng sốt. Vì sự có mặt quá bất ngờ của Phú. Vì cái hành động không đoán được của Phú và vì cả sự choáng ngợp trong tôi. Phú đẩy tôi vào phòng học, hôn như mưa bấc lên mặt, lên môi tôi. Phú nói như trong cơn điên:
-Dì đi với Phú! Dì phải đi với Phú! Phú suy nghĩ kỹ rồi. Ra sao thì ra nhưng không có dì thì Phú không thiết sống nữa, dì hiểu chưa?
Tôi bủn rủn trong vòng tay và trong môi hôn của Phú. Mãi thật lâu sau tôi mới sực tỉnh, dùng hết sức mình để đẩy Phú ra. sợ hãi:
-Phú điên rồi!
Và tôi ứa nước mắt. Bấy giờ mới đến lượt Phú sựng lại. Phú chăm chăm nhìn tôi bằng ánh mắt sửng sốt, bàng hoàng. Tôi lắp bắp bảo với Phú là tôi không muốn đi đâu hết. Hai bàn tay tôi bấu chặt vào mép bàn. Tôi nhìn Phú trân trân.
Sau cùng, như đã lấy lại được bình tĩnh, Phú bước tới, đặt tay lên tay tôi, và nói:
-Phú xin lỗi dì. Nhưng Phú cùng quẫn rồi. Ngày mỗi ngày Phú nhìn thấy đồng đội mình ngã xuống. Phú buồn và cả sợ hãi. Nhưng không phải Phú sợ cho Phú mà sợ cho dì, cho những người phía sau mặt trận. Đến giờ này thì Phú không cần nói ra chắc dì cũng hiểu Phú nghĩ sao về dì. Phú đã cố gắng để lìa xa dì, nhưng càng ở trong tình trạng dao động, Phú càng nhớ dì. Ông bà nhất định không đi. Ông hy vọng tình thế sẽ thay đổi, nhưng Phú có linh tính là mình bó tay rồi. Phú trốn ra vì sợ không còn dịp gặp dì. Chuyến bay này là chuyến bay cuối cùng rời thị xã...
Phú còn nói gì đó, nhiều nữa, nhưng tôi không nghe đuợc gì. Tôi chỉ khóc. Và rồi tôi không biết chúng tôi chia tay nhau ra sao, Phú về như thế nào. Chỉ biết tôi cương quyết từ chối không đi với Phú. Và lại khóc.
Tôi khóc rất nhiều ngày sau khi đất nước đổi cờ. Những tháng năm đầu tôi đau đớn khổ sở vì cơm áo bi đát và vì hối hận đã không nghe lời Phú di tản. Không ai biết tôi quắt quay, mòn héo vì hình ảnh Phú. Tôi lao vào đời sống, đánh đấm với khoai sắn, vật lộn với chủ nghĩa Mac-Lênin ở trường cao đẳng sư phạm với mục đích duy nhất là quên Phú để tồn tại. Hai năm sau, tôi ra trường, vừa đi dạy, vừa đi thâu hụi, buôn lậu thuốc tây. Tôi lam lũ cơm áo, và tôi kiếm sống được qua ngày. Kể ra so với bạn bè, tôi vượt lên khá xa vì sự bươn chải của mình. Tôi đã không ngắc ngoải trong cái xã hội kinh hoàng ấy. Và tôi cũng không nửa điên nửa dại với mối tình mà tôi đã cưu mang.
Tôi hết khóc sau nhiều năm nhận ra rằng tôi đã không dám làm một Juliet thì Phú không thể là một Romeo. Tôi lấy chồng. Ngày cưới tôi, chỉ mình Huy Đông xoay đủ tiền xa vào Sàigòn dự. Hai đứa nằm nói chuyện với nhau cả đêm. Nhắc nhở đủ chuyện ngày còn đi học ở Đà Nẵng. Mấy lần tôi định kể cho Đông nghe về cái kỷ niệm óng ả nhưng cũng rất ngậm ngùi của mình mà lòng cứ rưng rưng, lời cứ chực tràn trên môi nhưng không hiểu sao tôi không nói được.

*
Mười năm sau, sau ngày chúng tôi chia tay nhau, Huy Đông gửi cho tôi một lá thư từ nơi nó vừa định cư. Đông viết:
“Chiều hôm qua, một buổi chiều giữa đất trời rộng mênh mông và xa lạ như thế này thì tao gặp lại Phú. Phú của mày đấy Oanh ạ. Giữa một rừng người không quen, chúng tao nhận ra nhau và la lên ơi ới. Tao không ngờ Phú còn nhớ tao. Anh ấy già và phong trần nhiều lắm. Tao rủ Phú vào uống cà phê ở một cái quán Việt Nam để nhớ mày. Phú cho tao biết đã không liên lạc với gia đinh mày nhiều năm nay là vì muốn quên mày. Từ ngày ấy, tao đã biết Phú yêu mày nhưng tao không ngờ Phú yêu mày đến độ ấy. Phú cho tao xem một tấm thẻ học sinh cũ của mày, có dán tấm hình mày còn con nít ơi là con nít. Mày đẹp thế mà chụp hình buồn cười không chịu được. Tao bàng hoàng đọc tên mày, nhìn mặt mày, ngó nét chữ tròn trĩnh dễ thương của mày. Tấm thẻ học sinh cũ nằm trong đống thẻ visa, master card của Phú làm tao rưng rưng. Tao không muốn kể cho Phú nghe mày đã có gia đình, có hai đứa con thật dễ thương. Cũng như tao không muốn kể cho mày nghe chuyện tao đã gặp lại Phú ở nơi này.
Nhưng đó là cuộc sống, phải không? Tao biết là tụi mình đã qua tuổi ba mươi, mày sẽ kiên nhẫn đọc hết cái thư này của tao, và đâu đó trong mày chút bùi ngùi xúc động đưa lên, mày sẽ khóc hay sẽ mỉm cười. Cười chứ, phải không Oanh? Dù là cười buồn. Bởi sống trong xã hội mày đang sống, thì cười buồn cũng còn hơn là khóc mếu, nhỏ nhỉ...”

Tôi xếp lá thư của Đông lại, cất vào chiếc hộp gỗ kỷ niệm thời còn đi học. Như để làm chứng tích cho tình yêu tôi ngày ấy. Lòng tôi đớn đau.
Phú, Phú có được tấm thẻ học sinh cũ của tôi để lâu lâu mở ra nhìn; còn tôi, chắc chỉ còn nụ cười buồn cho Phú mà thôi...

HOÀNG NGA   
http://www.saigonocean.com/trangHoangNga/truyennganHoangNga.htm                                                                      

1 commentaire:

  1. Sau cuộc đổi đời. Bọn man rợ thắng văn minh. Cả đất nước còn bị đọa đày tang tóc. Thì nói chi thân phận của những con người trong đất nước đó!!!

    RépondreSupprimer