lundi 19 décembre 2022

Từ Những Góc Khuất, Việt Dzũng - Du Tử Lê.

Đó là sáng Thứ Sáu, ngày 20 tháng 12-2013. Như thường lệ, chúng tôi gặp nhau ở café Tài Bửu. NH. Phương tiếp tục kể chuyện Phương Dung và đêm trước anh em tập trung ở nhà một bạn học cũ. NB. Hòa nói về chuyến bay về phương đông, đã cận kề… Tôi hỏi thăm NL. Vỵ, tin Khánh Minh, sau khi người nữ có nhiều bài thơ khá tốt trong thời gian gần đây, té ngã, phải vào nhà thương, vì một phần xương bánh chè bị bể. Và, Thiên Hương, cô chủ quán dài lâu của café Tao Nhân - - Một thời là “địa chỉ Thơ”; điểm hẹn quen thuộc của nhiều sinh hoạt VHNT ở quận hạt Orange County nhiều thập niên, đang ở nhà thương, chưa có ngày về. Vỵ giải tỏa phần nào mối bận tâm của tôi bằng hai “short briefs”… 

Sau đó, Vỵ gọi cho Sơn, người bạn đời của Thiên Hương, khi tôi ngỏ ý muốn đi thăm Thiên Hương trong bệnh viện. Tôi nói, từng nằm bệnh viện nhiều ngày, tháng, nên rất hiểu giá trị của mọi cuộc thăm viếng… Vỵ gọi cho Sơn và, chuyển máy… Sơn kể, lần này, các bác sĩ phát hiện Thiên Hương bị một cục bướu đè lên ống dẫn mật. Đã mấy ngày qua rồi, nhưng bệnh nhân và thân nhân vẫn còn chờ kết quả các thử nghiệm, nhất là kết quả biopsy để biết bướu lành hay ưng thư, trước khi quyết định có cần giải phẫu? Sơn nói, Thiên Hương đang nằm ở Orange Coast Memorial Hospital, thành phố Huntington Beach, phòng số…

Chúng tôi chia tay nhau sớm, khi gió giở chứng, đem thêm nhiều lưỡi dao buốt giá, liếc qua, liếc lại thân thể chúng tôi, ngoài hành lang nhà hàng Tài Bửu. Tôi lái xe về, với nỗi buồn không hy vọng có ngày sẽ thành quen thuộc: Nỗi buồn mỗi cuối năm/ Quê người/ Nhẩm tính người còn, kẻ mất. Và, luôn luôn câu hỏi cuối cùng ở tôi, vẫn là “khi nào tới phiên ta"?

vietdzung_02-content 

Đó là lúc 10:50AM (vẫn Thứ Sáu 20 tháng 12-2013), T. gọi cho tôi, báo tin Việt Dzũng không còn nữa!!! Khi tôi đang xếp hàng chờ trả tiền đổ xăng. Tai tôi ắp đầy những âm thanh nhọn hoắt… Câu nói ngắn của T. bị chẻ nát, thành những tiếng lạc lõng. Giống như những dội sóng ì ầm, đứt đoạn. Không thật. Người đàn bà Mễ đứng sau quầy tính tiền tỏ dấu khó chịu thấy tôi không nói gì. Có thể chị ta không (hay đã) nhận ra vẻ thất thần trên mặt tôi!?!

Cây xăng tôi dừng lại hôm đó, nằm ngay ngã tư Brookhurst và Trask. Chỉ cần chạy thêm vài trăm thước là đường Garden Grove, rẽ tay mặt, cũng chỉ vài trăm thước thôi, đài truyền hình SBTN nằm bên trái, SBTN. Nơi VD phải lui tới hàng ngày, không chỉ một lần; đôi khi nhiều hơn, vì nhu cầu công việc. Tôi nghĩ, chỗ tôi đứng, vòi xăng tôi đang dùng, nhiều phần cũng là chỗ và vòi xăng VD đã từng đứng. Từng dùng. Từng chờ đợi. Trong tôi, một ý nghĩ hoang tưởng vụt đến: Biết đâu chốc lát sẽ có người đặt tay lên vai mình. Nói, theo thói quen “Dzũng đây anh!” Và, “Cậu Út” (1) sẽ vẫn nụ cười trẻ thơ, gương mặt bụ bẫm, rất “babyface” cải chính: “Tin đồn đó anh. Dzũng chưa chết đâu! Dzũng còn nhiều việc phải làm mà anh ..!”

Cho tới khi rời cây xăng, vẫn không một bàn tay đặt lên vai tôi. Cũng chẳng có tiếng nói nào, dù thì thầm với riêng tôi.

Đó là lúc 7 giờ tối (vẫn Thứ Sáu 20 tháng 12-2013): Tôi không biết mình đã nhận được bao nhiêu điện thoại?!? Khởi đầu là điện thoại của NH. Phương.

Nhiều lần. Tôi biết Phương muốn nói gì. Tôi không nghe. Tôi không muốn nghe lại cái điệp khúc “Việt Dzũng mất rồi!” hay, “Việt Dzũng chết rồi!” đã lùng bùng trong tôi hơn nửa tiếng trước.

Nhưng khi Nguyệt Hạnh, rồi Topaz Trần, Lê Văn Hào (Houston), Phiến Đan, Lâm Lý Trí, Đỗ Vẫn Trọn, từ Việt Nam, Pleiku, Trần Thu Miên từ Boston, Mass.… gọi… thì tôi nghe. (2) Họ không gọi để thông báo hay, hỏi tôi có biết tin Việt Dzũng mất. Họ gọi để bày tỏ những bàng hoàng, bất ngờ và, nỗi buồn quá lớn, trước sự “đi xa” đột ngột của Dzũng.

Ở từng vị trí quá khứ, mỗi người khua thức trong tôi, những cảnh đời mà, họ đã có chung với tôi và Dzũng. Chúng như những hòn than dĩ vãng cháy bỏng và, nỗi muộn phiền là mặt bên kia của một thời rực rỡ!

*
Tiếng nói lạc giọng của Topaz Trần ném tôi trở lại những ngày đầu thập niên 1980s. Đó là những buổi tối, nơi phòng khách căn nhà nhỏ đường Ranchero Way, Garden Grove, Việt Dzũng ôm đàn hát gần như tất cả những ca khúc có trong băng nhạc “Kinh Tỵ Nạn.” Chúng tôi sững người. Đứng tim. Khi nghe Dzũng hát bằng giọng của mình, những ca khúc như “Một chút quà cho quê hương”:

“Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đoạ đầy.

“Gởi về cho chị dăm ba xấp vải
Chị may áo cưới hay chị may áo tang
Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng.

“Con gởi về cho cha một manh áo trắng
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình.

“Em gởi về cho anh một cây bút máy
Anh vẽ cuộc đời như ước vọng mong manh
Gởi về cho mẹ dăm gói chè xanh
Mẹ pha hộ con nước mắt đã khô cằn”.
(3)

Hay “Lời kinh đêm”:

“Lời kinh đêm ôi lời kinh đêm.   
Lời kinh buồn như tiếng mẹ thở dài.
Ai có nghe thấu lời kinh khổ,
Sao cúi mặt gục đầu ngủ quên. 
 
“Trời mong manh ôi đời lênh đênh.    
Thuyền bấp bênh cuộc sống mơ hồ…
Lời kinh cầu từng ngày quen thuộc
Lời mẹ buồn giữa tiếng Nam-mô.


“Thuyền trôi xa về đâu ai biết
Thuyền có về ghé bến tự do.
Trời cao xanh hay trời oan nghiệt.
Trời có buồn hay trời chỉ làm ngơ.

“Trời chơ vơ ôi người bơ vơ.
Người vẫn ôm mảnh ván rũ mục.
Lời kinh cầu từng hồi nấc nghẹn.
Lời mẹ buồn giữa tiếng Amen.

“Người buông xuôi về nơi đáy nước
Người có mộng một nấm mộ xanh.
Biển ngây ngô hay biển man rợ
Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ.”
(4)

Tôi nhớ, tôi đã yêu cầu Dzũng hát lại nhiều lần, hai ca khúc vừa kể. Riêng “Lời kinh đêm” Dzũng phải hát lại không dưới 3 lần.

Tôi yêu tất cả những ca khúc của Dzũng trong “Kinh tỵ nạn” tới độ, hai ngày sau, tôi mời thêm một số bằng hữu tôi quý, trong số đó, có Topaz Trần, để nghe “Người buông xuôi về nơi đáy nước/ Người có mộng một nấm mộ xanh/ Biển ngây ngô hay biển man rợ/ Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ”?

Thời gian này, cũng là thời gian chúng tôi mới khởi sự thực hiện nguyệt san Nhân Chứng (NC) mà, linh hồn của phần kỹ thuật, sắp chữ bằng máy IBM (quả cầu, bỏ dấu tay) là Việt Dzũng.

Thời gian này, quận hạt Orange County có rất ít nhà hàng. Một trong những nhà hàng thuộc hạng sang, là nhà hàng Pagoda, ra đời, tọa lạc gần ngã tư Harbor và Garden Grove. Một buổi trưa, Topaz Trần mời tôi đến ăn để ủng hộ chị Nicole, chủ nhà hàng. Ba ngày sau, tôi trở lại, cũng buổi trưa với Việt Dzũng, chị Nicole cho tôi biết, Topaz Trần dặn chị, bất cứ lúc nào tôi đến, thì đừng lấy tiền và ghi vào “chương mục riêng của Topaz…” Tôi nhờ chị Nicole nói lại với Topaz, ngoài tôi, nếu có thêm Việt Dzũng thì có OK? Ít tiếng sau, Topaz gọi cho tôi ở tòa soạn, nói, ai chứ Việt Dzũng thì Topaz vui lắm, để được mời vào “account” riêng của Topaz ở Pagoda.

viet_dzung_03-content 
 Từ trái: Bạch Tuyết, Hồng Vân, Việt Dzũng, Topaz, vợ chồng Tuấn Minh
 
Ðấy là thời khởi đầu huy hoàng của Topaz Trần trong lãnh vực địa ốc. Ðấy cũng là thời gian nữ ký giả Connie Chung của nhật báo Register (không biết có phải qua sự giới thiệu của Topaz Trần?) ngỏ ý muốn phỏng vấn Việt Dzũng cho tờ Register. (4) Việt Dzũng nhận lời và chúng tôi “nhất trí” chọn Pagoda để Dzũng trả lời phỏng vấn với tư cách nhạc sĩ kiêm tổng thư ký tòa soạn Nhân Chứng. Vì, chúng tôi không muốn Connie Chung thấy được “thực trạng” nghèo nàn tới đáng xấu hổ của cái gọi là tòa soạn Nhân Chứng, thuở đó.

Du Tử Lê

 Chú thích:

(1) ‘Cậu Út”, nickname Trương Trọng Trác (1940-2009) đặt cho Việt Dzũng khi chúng tôi tập trung quanh tạp chí Nhân Chứng rồi tuần báo Tay Phải, hồi đầu thập niên 1980s. Trong anh em, Dzũng nhỏ nhất và, cũng đa tài, đa năng nhất, nên được mọi người cưng chiều nhất.

(2), (3) Nguồn: Wikipedia – Tiếng Việt.

(4) Connie Chung (1946-) Sau đấy đã dời tờ Register, để trở thành cộng tác viên nổi tiếng của những hệ thống truyền hình lớn như NBC, CBS, CNN và MSNBC ở New York. Cho tới ngày về hưu, ba lần bà được trao giải Emmy dành cho những nhà báo xuất sắc nhất trong năm (theo Wikipedia) 
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire