jeudi 27 juillet 2023

Giấc Mơ Việt Nam - Trần Trung Đạo


Giấc mơ Việt Nam là một bài tâm bút của Trần Trung Đạo, Bích Huyền và Đan Thanh xin phép được chia sẻ cùng quý vị và các bạn.
Giấc mơ Việt Nam là giấc mơ của những người đã tạo nên nền văn minh hòa bình. Nơi đó, ngay từ 20 thế kỷ trước công nguyên tổ tiên chúng ta đã biết trồng cây ăn trái, biết làm đồ gốm, biết đẽo đá thành những lưỡi cuốc nhỏ, biết đắp đất ngăn bờ để đưa nước sông vào ruộng.
Từ thuở nhân loại còn trong buổi sơ khai, tổ tiên chúng ta đã biết xây dựng các cơ cấu xã hội, lấy thôn làng làm căn bản, lấy nông nghiệp làm nền tảng kinh tế, lấy tình nghĩa đồng bào làm sức mạnh, lấy nguồn gốc tổ tiên một mẹ trăm con cùng chung bọc trứng để làm nơi nương tựa tinh thần. Những hình ảnh thân thương quen thuộc của cây đa bến nước, sân đình gắn liền trong tâm thức của mỗi người Việt Nam đã bắt đầu từ thuở xa xưa đó…

 

Giấc Mơ Việt Nam (P1)
Bích Huyền và Đan Thanh trình bày 
*
*     *
Giấc Mơ Việt Nam (Phần 2)
Bích Huyền và Đan Thanh trình bày 
*
*     *
Giấc Mơ Việt Nam (Phần 3)
Bích Huyền và Đan Thanh trình bày

GIẤC MƠ VIỆT NAM
Nhà bình luận nổi tiếng của chương trình News Hour, Roger Rosenblatt, tóm lượt về nguồn gốc nước Mỹ: “Quốc gia được thành lập từ những giấc mơ, và cũng qua đó, đã hun đúc nên giấc mơ của cả một quốc gia”
Vâng đúng thế. Ngoài trừ số nhỏ người bản xứ, đất nước Hoa Kỳ được xây dựng nên do bàn tay và khối óc của những kẻ bên ngoài. Họ đến đây từ trăm ngã đường khác nhau và hàng trăm vùng đất khác nhau.
Cậu bé có tên Mỹ là Irving Berlin sinh tại Nga vào năm 1888. Cậu theo cha mẹ đến định cư tại New York khi mới vừa lên 4 tuổi. Khi còn rất nhỏ, cậu Irving phải vừa làm nghề dọn chén bát trong một nhà hàng và vừa học sáng tác nhạc, một bộ môn mà cậu say mê. Sau khi nhạc phẩm đầu tay được xuất bản vào lúc 13 tuổi, tên tuổi của nhạc sĩ trẻ tài ba Irving Berlin đã trở thành đồng nghĩa với nền âm nhạc Hoa Kỳ thế kỷ 20 qua những nhạc phẩm vượt thời gian như God Bless America, White Christmas, v.v...
Bà Madeleine Albright, cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao và là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ cao cấp nhất trong chính phủ Hoa Kỳ, vốn là người Tiệp Khắc. Cha mẹ bà đã phải vượt qua nhiều biên giới để trốn tránh chế độ Cộng Sản khi tiếng xích xe tăng Liên Xô nghiền nát đường phố thủ đô Prague vào năm 1948. Cuối cùng bà cùng gia đình đã vượt thoát được và định cư tại Hoa Kỳ khi Madeleine Albright vừa 11 tuổi. Bà theo học Luật, đỗ tiến sĩ và cách đây không lâu, trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức Ngoại Trưởng Hoa Kỳ.
Edward Bannister, họa sĩ nổi tiếng về phong cảnh của Mỹ là một người da đen thuộc vùng West Indian, Phi Châu. Ông đến định cư tại Mỹ qua ngã Canada vào năm 1848. Tác phẩm Under The Oaks của ông là một trong những thành tựu nghệ thuật lớn của nền hội họa Hoa Kỳ thế kỷ 19. Tác phẩm này đoạt giải nhất trong cuộc thi đánh dấu 100 năm hội họa tại Philadelphia Centennial Exposition. Khi khám phá ra Edward Bannister là người da đen, ban giám khảo có ý định thu hồi giải thưởng. Tuy nhiên, trước sự đấu tranh của những họa sĩ đồng nghiệp, nhất là của những họa sĩ da trắng đã từng cùng tranh giải với ông, Ban Giám Khảo đã hủy bỏ dự tính.
Những người di dân điển hình thuộc nhiều lãnh vực, màu da và chủng tộc khác nhau. Họ không từng quen biết nhau, không cùng một thế hệ, không cùng huyết thống và chẳng hẹn hò đính ước gì nhau. Những người di dân đầu tiên thường không giàu có, học hành, trí thức, trái lại phần đông họ rất nghèo nàn, ít học, đến đây từ hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, dù từ đâu đến và trong hoàn cảnh nào, họ đã cùng góp bàn tay đưa nước Mỹ từ một vùng đất hoang vu thuộc địa của Anh thành một cường quốc tự do, dân chủ và thịnh vượng nhất thế giới ngày nay.
Câu chuyện thành công của nước Mỹ, đúng như Roger Rosenblatt viết, đã bắt đầu từ một giấc mơ chung: Giấc Mơ Người Mỹ hay American Dream như chúng ta thường nghe gọi bằng tiếng Anh. American Dream được định nghĩa trong tự điển Wordsmyth như là “một lý tưởng của người Mỹ, nhờ đó, con người nhận được sự giàu có vật chất, bình đẳng, tự do, và các giá trị tương tự (the American ideal that any man or woman may obtain material wealth, equality, freedom, and the like)”.
American Dream đã giúp nhân dân Mỹ chiến thắng đạo quân tinh nhuệ của Anh Hoàng George III trong cuộc chiến tranh giành độc lập (1775-1783), đã giúp nhân dân Mỹ vượt qua những bất đồng kinh tế chính trị sâu sắc trong thời kỳ chiến tranh nội chiến (1860-1865), đã giúp đưa nước Mỹ trở nên quốc gia có lợi nhất sau cả hai cuộc chiến tranh thế giới.
American Dream là giấc mơ mà những người cha sáng lập của quốc gia Hoa Kỳ từng ôm ấp và theo đuổi: Tự Do, Dân Chủ và Cường Thịnh. Tổng Thống đầu tiên George Washington đã từng dặn dò: “Tôi mong được thấy Hoa Kỳ mãi mãi là đất nước của tự do và công lý”. Tượng đài kỷ niệm Tổng Thống George Washington được kiến trúc dựa theo tinh thần độc lập, tự chủ và vươn lên đó.
American Dream là giấc mơ bình đẳng mà Mục Sư Martin Luther King đã đọc trên thềm đài kỷ niệm Lincoln ngày 28 tháng 8 năm 1963: “Tôi mơ một ngày, trên đồi Georgia, con cháu của những người nô lệ cũ, và con cháu của những chủ nô cũ, ngồi lại với chung một bàn trong tình huynh đệ...Tôi mơ một ngày, bốn người con của tôi sẽ được sống trong một đất nước, nơi đó, chúng sẽ không bị phán xét do màu da mà chính bằng tư cách riêng của chúng”.
American Dream, qua nhiều thời đại, từ những người trên chiếc tàu Mayflower cho đến hôm nay, đã được làm phong phú thêm để trở thành một bản sắc văn hóa, một truyền thống đặc biệt của quốc gia này.
Trở về với lịch sử Việt Nam, tổ tiên chúng ta, ông bà chúng ta đã bao giờ mơ và theo đuổi Giấc Mơ Việt Nam chưa?
Trong lúc khó có thể so sánh giữa 380 năm dựng nước của Hoa Kỳ thời hiện đại với gần 5 ngàn năm lịch sử Việt Nam, qua bao nhiêu thăng trầm thay đổi, chúng ta vẫn vững tin rằng tổ tiên chúng ta, không những đã mơ mà còn từng đeo đuổi giấc mơ độc lập, tự chủ và cường thịnh như thế từ nhiều ngàn năm trước.
Giấc Mơ Việt Nam là giấc mơ của những người để lưng trần, tóc cắt ngắn, đóng khố che thân, đầu đội mũ lông chim Hồng, tay ẵm đàn con Lạc Việt, vượt bao nhiêu núi rừng ghềnh thác trong cuộc Nam tiến đầy gian nan nhưng vô cùng hiển hách, từ vùng Nam Hoa di dân xuống lưu vực sông Hồng cách đây 48 thế kỷ. Trong lúc bao nhiêu bộ tộc Bách Việt khác đã hoàn toàn bị tiêu diệt hay đồng hóa vào những tỉnh, những huyện như Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Phúc Kiến của Trung Quốc ngày nay, giòng giống Lạc Việt qua bao độ thăng trầm, vẫn tồn tại và trưởng thành nên quốc gia Việt Nam độc lập và tự chủ.
Giấc Mơ Việt Nam là giấc mơ của những người đã tạo nên nền văn minh Hòa Bình. Nơi đó, ngay từ 20 thế kỷ trước Công Nguyên, tổ tiên chúng ta đã biết trồng cây ăn trái, biết làm đồ gốm, biết đẽo đá thành những lưỡi cuốc nhọn, biết đắp đất ngăn bờ để đưa nước sông vào ruộng. Từ thuở nhân loại còn trong buổi sơ khai, tổ tiên chúng ta đã biết xây dựng các cơ xấu xã hội, lấy thôn làng làm căn bản, lấy nông nghiệp làm nền tảng kinh tế, lấy tình nghĩa đồng bào làm sức mạnh, lấy nguồn gốc tổ tiên (một mẹ trăm con, chung cùng bọc trứng) làm nơi nương tựa tinh thần. Những hình ảnh thân thương quen thuộc của cây đa, bến nước, sân đình gắn liền trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, đã bắt đầu từ thời xa xưa đó.
Giấc Mơ Việt Nam là giấc mơ của những bàn tay khối óc xây dựng nên nền văn hóa Đông Sơn, bắt đầu từ hàng ngàn năm trước, trải dài đến thời điểm cực thịnh vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Những chiếc trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lữ được chạm trổ tinh vi đánh dấu một thời đại vàng son trong tiến trình phát triển văn minh nhân loại. Những cổ vật quý giá đó, không phải chỉ là những biểu tượng cho văn minh dân tộc chúng ta mà còn đại diện cho cả nền văn minh vùng Nam Á đương thời. Chính tinh thần văn hóa Hòa Bình, Đông Sơn đã hun đúc thành sức mạnh dân tộc, để các thế kỷ sau đó, đủ sức đối kháng với sự xâm lăng thô bạo của các nguồn văn hóa mang ý đồ đồng hóa phát xuất từ phương Bắc.
Thật vậy, mặc dù hơn một ngàn năm trong bóng đêm nô lệ nhà Hán, nhà Ngô, nhà Đường với bao nhiêu cực hình đày đọa, sáng xuống bể tìm ngọc châu, chiều lên non săn ngà voi, trầm hương, châu báu, dân tộc Việt vẫn bảo vệ được tính độc lập, vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt trong sáng và thuần nhất. Đất nước chúng ta đã hơn một lần bị mất đi và giành lại được nhưng chúng ta hãnh diện nói lớn rằng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ bị mất gốc. Hiếm có trên một đất nước nào, ở đó, tên của một con sông, một ngọn núi, một thôn làng, cũng có thể làm cho người dân khi nhắc đến phải rơi nước mắt. Những Phong Hóa, Nam Quan, Mê Linh, Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Thiên Trường, Diên Hồng, Chi Lăng, Lam Sơn, Đống Đa, v.v... không phải chỉ đơn giản là những địa danh lịch sử, mà hơn thế nữa, còn là là nơi giữ gìn anh linh hùng khí của dân tộc chúng ta. Hình ảnh những chiếc búa, những chiếc rìu, những mũi thương, mũi đao, mũi tên bằng đồng đào được ở vùng Trung Châu, Bắc Việt, ở Sông Bạch Đằng, dọc Ải Nam Quan không chỉ là những cổ vật mà còn là chứng tích của bao nhiêu trận mạc, bao nhiêu cuộc chiến đấu, bao nhiêu máu xương và nước mắt của tổ tiên Lạc Việt đã đổ xuống trước áp lực của các triều đại Bắc phương xâm lấn khác.
Giấc Mơ Việt Nam là giấc mơ của hai người phụ nữ Việt đất Mê Linh uy danh lừng lẫy, đã can đảm thắp lên ngọn lửa tự do cho dân tộc. Một ngàn năm trăm năm trước Jeanne d'Arc, người phụ nữ Pháp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống ách cai trị của người Anh, tại vùng Đông Á đã có hai người phụ nữ Lạc Việt, Trưng Trắc và Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa chống nhà Hán và lập nên một triều đại huy hoàng. Dù chỉ trị vì được 3 năm, tinh thần “giặc đến nhà đàn bà phải đánh” của hai bà đã trở thành truyền thống yêu nước tồn tại đến ngày nay.
Giấc Mơ Việt Nam là giấc mơ của các bô lão được Vua Trần Thánh Tông triệu đến Điện Diên Hồng để hỏi ý trước cuộc xâm lăng của đại quân Mông Cổ vào tháng Chạp năm 1284. Lần đầu tiên trong lịch sử, sức mạnh dân tộc Việt thể hiện không chỉ bằng lòng yêu nước nhưng còn bằng tinh thần dân chủ. Chính sức mạnh tổng hợp vô địch của lòng yêu nước và tinh thần dân chủ đã đẩy lui bao nhiêu vạn hùng binh Mông Cổ trong ba cuộc chiến chống quân Nguyên lừng lẫy. Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đã cảm khái sau cuộc kháng Nguyên lần thứ hai:
Xã tắc hai phen bon ngựa đá
Non sông muôn thưở vững âu vàng
Giấc Mơ Việt Nam là giấc mơ của Bình Định Vương Lê Lợi sau ba lần tổn thất phải lui về tử thủ Chí Linh. Quân kháng chiến đã phải đào củ chuối, giết ngựa chiến mà ăn. Suốt mười năm nằm gai nếm mật đầy hy sinh gian khổ, khi hòa khi chiến, lúc cương lúc nhu, tổ tiên chúng ta trong thời đại nhà Lê cuối cùng đã giữ được Giấc Mơ Việt Nam còn sống. Nguyễn Trãi đã kết luận trong Bình Ngô Đại Cáo: “Xã tắc từ đây vững bền, giang sơn từ đây đổi mới, càn khôn bĩ rồi lại thái, nhật nguyệt hối rồi lại minh, ngàn năm vết nhục nhã sạch làu, muôn thuở nền thái bình vững chắc, âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ”. Sử gia Phạm Văn Sơn trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã nhận xét về Giấc Mơ Việt Nam: “Và cũng có thể nói rằng những cuộc hưng vong thê thảm này đã hun đúc cho dân tộc chúng ta một tinh thần tranh đấu bền bỉ, để tồn tại đến ngày nay, oanh liệt dưới vòm trời Đông Nam Á”.
Một điều hiển nhiên rằng, nếu tổ tiên chúng ta không có Giấc Mơ Việt Nam thì ngày nay Dân Tộc Việt Nam đã không còn là dân tộc Việt Nam nữa, và đất Nước Việt Nam đã không còn là đất Nước Việt Nam nữa.
Thế nhưng, các thế hệ con cháu Hùng Vương, trong cũng như ngoài nước ngày nay, có còn biết mơ, có còn biết sống với giấc mơ, có còn biết theo đuổi một Giấc Mơ Việt Nam như bao nhiêu thế hệ Việt Nam trước chúng ta đã hằng ôm ấp và theo đuổi hay không?
Nếu có, xin hãy cùng tôi mơ.
Một ngày, những khách du lịch nước ngoài sẽ không còn vội vã dừng xe bên những cánh đồng lúa cằn khô ở Quảng Nam, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thái Bình để chiêm ngưỡng hình ảnh một bác nông phu, con trâu già với chiếc cày để lại từ thời Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp.
Xin hãy cùng tôi mơ, một ngày, trên màn ảnh truyền hình của các chương trình du lịch sẽ không còn chiếu cảnh những chiếc ghe bầu với cánh buồm mang hàng trăm mảnh vá, đang bồng bềnh trên Vịnh Hạ Long.
Tại sao? Bởi vì, người du khách thu hình bác nông phu đang cày ruộng, sẽ không bao giờ ghi được và hiểu được một điều quan trọng, rằng phía sau vẻ đẹp thiên nhiên, bên trong chiếc áo bà ba đen, chiếc khăn rằn vắt ngang cổ, chiếc nón lá rách viền, là một thân thể Việt Nam đẫm ướt mồ hôi với hàng trăm vết hằn in sâu trong da thịt già nua của bác. Cuộc đời bác nông phu, có thể là người lính già trở về sau trận Điện Biên, Hà Nam, Hà Bắc, giống như bao nhiêu thế hệ nông dân Việt Nam trước bác, đã chịu đựng cảnh nghèo nàn, lao khổ. Họ là thế hệ đã bị lãng quên và lừa gạt về những chân trời không bao giờ có thực.
Tương tự, những khán giả truyền hình xem những chiếc thuyền buồm, thoạt trông vô cùng thơ mộng, đang lênh đênh giữa Vịnh Hạ Long, sẽ không bao giờ biết được rằng, bên trong chiếc ghe bầu cũ kỹ kia là một đám dân chài cùng khổ. Họ là những con người không biết đến hai chữ tương lai. Họ không đủ cơm để ăn, áo để mặc. Họ được sinh ra ở hầm ghe, ăn đó, ngủ đó, cưới nhau đó, sinh con đẻ cái và lớn lên từ đó. Không thể gọi cảnh bác nông phu đang cày ruộng, cảnh những chiếc thuyền buồm trôi lênh đênh kia là nét đẹp Việt Nam. Những cảnh đó không đại diện cho một quê hương Việt Nam gấm vóc với gần năm ngàn năm văn hiến. Hình ảnh chiếc thuyền buồm, con trâu, cái cày chỉ nói lên sự buồn thảm, tuyệt vọng của một dân tộc không có một cơ hội để vươn lên. Những cảnh đó, có thể đẹp và lạ với người nước ngoài nhưng đối với những người Việt Nam tự trọng, là một sỉ nhục. Những cảnh đó chỉ nói lên sự lạc hậu của một nền kinh tế đứng yên tại chỗ từ bao nhiêu thế kỷ và tố cáo sự bất lực, thờ ơ, của một nhà cầm quyền vô trách nhiệm.
Xin hãy cùng tôi mơ, một ngày, trên đất Nước Hùng Vương, sẽ không còn cảnh hàng trăm em bé Việt Nam đói khát đang ngồi chờ những đồng bạc lẻ trên những bậc tam cấp ở Chùa Hương, trong sân Nhà Thờ Đức Bà, trong những quán ăn của người ngoại quốc, giữa Chợ Bến Thành, ngoài đường phố Sài Gòn, Hà Nội. Một ngày, người dân Việt sẽ không còn mắt thấy tai nghe thảm cảnh tuổi thơ Việt Nam giành giật chém giết nhau chỉ vì một chén cơm thừa, một tô canh cặn. Những con cháu Hùng Vương đáng thương kia sẽ có cơ hội đến trường như bao nhiêu triệu trẻ thơ khác trên thế giới. Các em sẽ lớn lên trong thanh bình, tự do, no ấm. Tâm hồn Việt Nam trong sáng của các em sẽ không còn bị những chủ thuyết ngoại lai nhuộm đen, nhuộm đỏ. Hạt mầm trí thức xanh tươi của các em sẽ không còn bị đầu độc bằng những liều thuốc hận thù, rẽ chia, ganh ghét. Giòng sông chảy róc rách qua tâm hồn các em không phải là Sông Gianh phân cách hay Bến Hải chia đôi, mà là giòng sông huyết thống Lạc Hồng bắt đầu tận cội nguồn Dương Tử từ 48 thế kỷ trước đây. Bài hát các em hát mỗi ngày không phải bắt đầu bằng những lời hô hào đấu tranh giai cấp mà sẽ bắt đầu bằng lòng kính nhớ đến ơn đức tổ tiên, công ơn cha mẹ, tình thương yêu dành cho đồng bào ruột thịt và kết thúc bằng ý chí vươn lên sánh ngang vai cùng thời đại con người đang không ngừng đổi mới.
Xin hãy cùng tôi mơ, một ngày, những mục đích đấu tranh vì tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, cơm áo mà dân tộc ta đang theo đuổi hôm nay sẽ không còn cần thiết, hay ít ra không còn là một ưu tiên tối thượng nữa.
Một ngày, những khái niệm, những phạm trù chính trị cộng sản, quốc gia, cách mạng, phản cách mạng, thanh trừng, cải tạo, ly khai, phản động, một thời vốn là những ám ảnh nặng nề trong tư duy, trong cảm xúc của mỗi người Việt Nam, sẽ không còn là những vấn đề đáng quan tâm nữa.
Một ngày, các chế độ độc tài đã thật sự tàn lụi và nền dân chủ đã mạnh khỏe lớn lên. Các nhà tù chính trị đã được san bằng và cũng từ trên đó, nhiều trường đại học, viện hàn lâm vừa được dựng nên. Người dân Việt sẽ không còn nghe nhắc về những bản án dành cho những người ly khai chống đối. Nhân dân Việt Nam sẽ chẳng còn ai bận tâm về chuyện Bắc Nam. Những con số thống kê sẽ không còn là dụng cụ tuyên truyền mà là những con số nói lên thành quả.
Một ngày, nhà thờ, chùa chiền, thánh thất sẽ thật sự là nơi rao giảng đức tin và tinh thần Chân Thiện Mỹ. Các Thầy, các Cha sẽ là những người dìu dắt, những chủ chăn của tín đồ, giảng cho họ bằng ngôn ngữ của thương yêu và tương kính.
Một ngày, những vướng mắc lịch sử, một thời xé nát trái tim dân Việt, thật sự đã đi vào lịch sử. Trên đất Nước Hùng Vương của thời đại mới, trọng tâm của các nhà lãnh đạo một Nước Việt Nam Mới là xây dựng và phát triển đất nước thành một cường quốc đa phương được thế giới kính nhường, một đất Nước Việt Nam có ý thức cao về dân chủ, độc đáo và sáng tạo về văn hóa, vững mạnh về kinh tế, hiện đại về khoa học kỹ thuật và chan hòa tình dân tộc.
Việt Nam sau hơn một phần tư thế kỷ, như nhà văn Dương Thu Hương đã viết: “trên dải đất này vẫn chỉ nghe rõ tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen trên các nghĩa địa nối dài từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Con chim ngậm cành ô-liu kia còn lẩn khuất nơi chân trời mù sương nào đó. Trên dải bờ xa xôi. Và chờ đợi bình minh”. Vâng, nếu chỉ nhìn vào thế hệ Cách Mạng mùa Thu 1945, thế hệ Điện Biên 1954, hay thế hệ gọi là “chống Mỹ cứu nước” còn sống sót hiện nay để trông chờ một cuộc cách mạng dân tộc, thì đó quả là một thực tế bất hạnh cho đất nước. Bởi vì điều đó sẽ không bao giờ đến.
Những thế hệ 45, thế hệ Điện Biên dù ở miền Bắc hay miền Nam đều kiệt sức như nhau. Họ là những múi chanh đã bị vắt đến khô cằn, xơ xác. Họ là những dây cung đã hết độ đàn hồi. Những chiếc bóng già nua thu mình trong căn nhà tập thể với những đồng tiền hưu cố định, chua xót nghĩ về hàng triệu anh em đồng chí đã thật sự làm ma ở Hà Bắc, Sông Lô, Trường Sơn, Khe Sanh, An Lộc. Có chăng, một vài tiếng rên u uất vang lên đâu đó không đủ mang lại sinh lực cho một thế hệ đã kiệt mòn năng lực. Có chăng, một vài ngọn đèn le lói được thắp lên từ những căn phòng tập thể, không đủ xua đi bóng đêm dày đặc mấy mươi năm đã phủ trùm trên đất nước.
Nhà thơ Tạ Ký, một nhà thơ miền Trung thuộc thế hệ 45, dù may mắn ở lại miền Nam, cũng chua chát nhìn lại thời hăng say cách mạng của ông:
Thời gian qua đã ba chục mùa Xuân
Trai mười tám tóc ngả màu sương gió
Những đêm đô thành men cay mắt đỏ
Nhìn trong ly bỗng thấy bóng mình xưa
Gác trọ buồn thiu nằm khểnh nghe mưa
Xót thân thế, nhớ từng thằng bạn học
Ngâm thơ người xưa đau mình cô độc
Rồi áo cơm thay thế chuyện giang hồ
Đôi lúc buồn tình làm một bài thơ
Bốn lăm!
Bốn lăm!
Những kẻ ra đi, những kẻ đang nằm
Những kẻ chết, những kẻ còn vất vưởng
Chúng ta làm gì?
Thuyền trong cơn gió chướng!
Đúng thế, tâm trạng của nhà thơ chắc chắn cũng là tâm trạng của những ai đã một thời hăng say chiến đấu, hăng say khăn gói lên đường tập kết ra miền Bắc, để rồi sau cuộc chiến trở thành những kẻ đứng bên lề. Những kẻ sống sót chắc chắn đã “sáng mắt sáng lòng” nhưng không đủ can đảm để nói lên sự thật, không đủ can đảm tố cáo sự lọc lừa phản bội của giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam.
Chế Lan Viên, sau mấy mươi năm làm thơ ca tụng đảng, cuối cùng đã viết hàng loạt bài thơ để thú nhận tội đồng lõa của chính mình, trong đó có bài “Tôi? Ai?” dưới đây:
Mậu Thân, 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi! Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong.
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ.
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời,
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ.
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười.
Tuy nhiên, dù hoàn cảnh đất nước còn bất hạnh, một điều rất thật, rằng con chim ngậm cành ô-liu mà nhà văn Dương Thu Hương ám chỉ, vẫn chưa chết.
Dù còn lẩn khuất bên kia khu rừng già hay dưới chân trời xa, Giấc Mơ Việt Nam vẫn còn sống trong lòng nhiều triệu người dân Việt. Trong lòng mỗi người Việt Nam vẫn còn đó một giấc mơ về một Việt Nam Mới dân chủ, nhân bản và hiện đại.
Cuộc cách mạng nào cũng thế, đều bắt đầu từ một nhu cầu, một giấc mơ thời đại, và được biến thành hiện thực từ những người cùng ôm ấp một giấc mơ của thời đại đó. Việt Nam đang cần, không phải là những đổi mới nửa vời, nhưng là một cuộc cách mạng Dân Tộc, Dân Chủ và Nhân Bản thật sự, toàn diện và triệt để.
Và một trong những lực lượng chủ yếu để biến mơ ước hôm nay thành bão tố cách mạng không ai khác hơn là tuổi trẻ.
Gần sáu chục triệu tuổi trẻ Việt Nam (65 phần trăm của dân số Việt Nam trong và ngoài nước), dù đang ngồi trong giảng đường đại học xứ người hay đang chăm lo đèn sách nơi quê nhà, rồi vẫn phải vươn vai gánh lấy trách nhiệm lịch sử để ngậm cành ô-liu về trên quê hương đầy bất hạnh của họ.
Quốc Gia Do Thái không chỉ được thành lập từ những người lính nhảy dù xuống Palestine vào buổi sáng tháng 5 năm 1948 nhưng một phần không nhỏ từ túi tiền của những nhà tài chánh Mỹ gốc Do Thái đang làm việc trên Wall Street ở New York, từ những khối óc đang ngồi trong các giảng đường Harvard, từ sự vận động của những nghị sĩ, dân biểu, bộ trưởng gốc Do Thái đang nằm trong các cấp lãnh đạo chính quyền Mỹ, Anh, Pháp, và từ những đóng góp máu xương của hàng triệu người Do Thái lưu dân khắp thế giới. Tuổi trẻ Việt Nam cũng thế, những tinh hoa dân tộc Việt đang lưu lạc khắp bốn bể năm châu, chắc chắn một ngày sẽ cùng với anh em, bè bạn cùng thế hệ trong nước, bằng tài năng và bằng khối óc, ra sức phục hồi sức sống Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam, dù sinh ra ở Hà Nội, Sài Gòn, ở trại tỵ nạn hay lớn lên ở Paris, Boston, London, trái tim của họ vẫn cùng chung một nhịp đập và lòng họ đều ôm ấp một giấc mơ chung: Giấc Mơ Việt Nam. Đàn nai tơ Việt Nam đáng yêu kia, dù đi lạc trong rừng già tăm tối, vẫn dể dàng nhận ra nhau qua tiếng hú thân quen, để rồi từ đó cùng đưa nhau về bên dòng suối mát Mẹ Việt Nam.
Tuổi trẻ Việt Nam là thế hệ của những kẻ biết bay, biết vượt thoát ra khỏi ao tù nước đọng của quá khứ. Tuổi trẻ Việt Nam, khi bước qua sông, không mang theo trên lưng chiếc ghe quá khứ nặng nề như các thế hệ cha anh. Tâm hồn họ trong sáng như ước mơ của đời họ. Những gì nên giữ họ sẽ giữ và những gì cần phải xóa bỏ, họ sẽ không ngần ngại đập đổ đi mà không hề nuối tiếc, vấn vương công sức. Hành trang trên vai của họ là một tương lai đất nước đầy hy vọng. Họ sẽ dắt tay nhau đi về phía chân trời có thực, đó là bình minh cho một đất nước Việt Nam Mới.
Dân tộc Việt Nam, sau bao nhiêu chịu đựng, xứng đáng để có và chắc chắn sẽ có một cơ hội tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau. Giọt nước mắt vui mừng cuối cùng sẽ nhỏ xuống để làm tràn Giấc Mơ Việt Nam. Đêm liên hoan của lịch sử dân tộc sẽ không còn xa xôi nữa.
Xin hãy cùng tôi mơ.
TRẦN TRUNG ĐẠO

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire