jeudi 23 février 2023

Ngôn Ngữ Saigon - Sài-gòn Cô Nương

Đọc lá thư của bạn kể kỳ rồi về Saigon, đi đâu cũng nghe người ta nói 'không dám đâu', 'biết chết liền'...thật buồn cười...
Những chuyện chữ nghĩa như thế rất nhiều. Bạn ở xa về lạ tai nhưng người trong nước nghe hoài mỗi ngày, câu cửa miệng nói hoài hằng ngày nên chẳng bao giờ để ý ngẫm nghĩ ý nghĩa và âm thanh để thấy buồn cười hay không. Trên trang viết, điều ấy cũng hiển hiện khá rõ. Một ông chủ bút có nhận xét đọc truyện từ Saigon gửi đi biết ngay người viết được đào tạo sau 75, lớn lên sau 75 trong khi một ông chủ bút khác lại nhận xét tác giả hẳn là một ông Bắc-kỳ thời tiền chiến chứ không phải một cô nương được sinh ra nơi xứ miền Nam thừa thãi gió và nắng vàng.
Ngôn ngữ SaiGon - Saigon cô nương
Diễn đọc Bích Hà & Nguyễn Đình Khánh
 
Chắc chắn sống ở Saigon ba mươi năm nay, ít nhiều gì dân Saigon và dân tứ xứ nhập cư cũng phải chịu ảnh hưởng, nói chính xác hơn, bị áp đặt phải dùng loại ngôn từ của nhà nước để giao tiếp với nhau vì các phương tiện thông tin đại chúng: báo chí, truyền thanh, truyền hình, loa phóng thanh, internet...đều chỉ dùng một cách nói như vậy. Thí dụ như để 'quay' bài trong phòng thi, thí sinh dùng tài liệu giấu giếm ngày xưa gọi là 'bùa', nhưng bây giờ là 'phao'. Mới đầu nghe 'phao' không quen, thật chướng tai. Nhưng rồi bắt buộc ai cũng phải dùng bởi nói 'bùa' thì nhiều người trẻ không hiểu. Từ ngữ và cách diễn đạt rập khuôn ra rả và đầy dẫy khắp nơi bất cứ lúc nào nên khi chuyện trò với nhau, người ta lập lại như cái máy không thể khác đi.

Cứ nói năng không suy nghĩ theo một kiểu để một hôm nào đó ngồi chơi nghĩ lại bỗng bật cười không hiểu sao ngôn ngữ của mình trở nên kỳ cục vậy. Những cuộc chuyện trò thường có vẻ cứng ngắc vì hay bị xen vào bởi: 'em xin có ý kiến'ø kiểu áo này đẹp hơn, và sau đó: 'xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ được giao là'...đi chợ, bồng em; 'nhất trí' hẹn hò chiều nay, 'kiểm điểm rút kinh nghiệm' sau hai lần tới trễ... Trong bữa ăn, không phải nhận xét mà là 'phê bình, góp ý' các món ăn xem món nướng nào 'đạt chỉ tiêu chất lượng' và món kho nào 'cần phấn đấu'... để lạt bớt!!!

Có điều, một số ít từ ngữ không còn mang đúng ý nghĩa ban đầu. Trong câu chuyện đùa cợt, 'Thưa cán bộ' là câu nói mở đầu đầy hài hước, 'đồng chí' là đồng đảng khi rủ rê nhau họp mặt nhậu nhẹt hoặc lẻn cúp giờ...mang đầy ý giễu cợt. Chỉ những người già rút lui vào nhà, không có nhiều mối quan hệ ngoài xã hội mới giữ được hoàn toàn cách diễn đạt với những ngôn từ cũ.

Có điều rất khó để giữ như vậy. Tiếng Việt như mọi ngôn ngữ khác đang được cả một dân tộc hiện dùng. Ngôn ngữ mang sự sống trong lòng, chính bản thân ngôn ngữ là sự sống nên luôn luôn thay đổi. Nhiều chữ ít dùng dần dần bị mất đi và nhiều chữ mới được thêm vào tùy theo thời gian, hoàn cảnh lịch sử, xã hội thay đổi...Miền Nam nói chung, thành phố Saigon nói riêng đã rẽ một bước ngoặt lớn, bị đào xới, bật gốc. Vô số chữ từ miền Bắc du nhập vào miền Nam và từ trong lòng Saigon, ngôn ngữ tự nó cũng có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên dù hoài cổ cách mấy, một số chữ mang ý nghĩa mới bắt buộc phải dùng vì không có chữ cũ tương đương. Ví dụ vô số chữ dùng trong lĩnh vực máy tính dĩ nhiên trước 75 không có. Marketing cũng là một từ mới như vậy, dịch sang tiếng Việt là tiếp thị, không đồng nghĩa với quảng cáo vì nó không hẳn chỉ là quảng cáo, hay như chữ slogan, poster trong quảng cáo...chẳng hạn, trước kia chưa từng xuất hiện những ý niệm này và báo chí Saigon hiện nay thường giữ nguyên khi nhắc tới. Không phải chữ nào cũng tìm cách để dịch sang chữ Việt được vì như vậy đôi khi trở nên rườm rà, nôm na và không diễn đạt hết ý. Vì thế rất ít chữ vẫn giữ nguyên gốc là chữ ngoại quốc nhưng hầu hết đều tìm được chữ mang nghĩa tiếng Việt tương đương. Dù bằng cách nào thì điều đó cũng làm giàu thêm cho ngôn ngữ Việt. Nếu không có sự thay đổi như vậy hẳn đó phải là một tử ngữ. Những ngôn ngữ chừng nào con người còn xử dụng trong đời sống hằng ngày thì vẫn phập phồng hơi thở của cuộc sống, như giòng nước vận động, chảy trôi mạnh mẽ. Cốt lõi giữ nguyên nhưng dĩ nhiên không thể có sự bất biến trong ngôn ngữ đó. Ngôn ngữ cũng phản ảnh không gian và thời gian hết sức rõ ràng nơi nó tồn tại.

Người miền Bắc không nói 'sức mấy' và người miền Nam không nói 'bức xúc'. Việt kiều không nói 'không dám đâu' và dân Saigon không nói OK... Tuy nhiên chắc chắn là vô tình trong một số bài viết, ngay cả của các vị lớn tuổi gần đây, độc giả vẫn có thể đọc thấy rải rác đây đó 'bức xúc, 'tư duý, 'tranh thủ'...không nằm trong ngoặc kép. Bởi vì đó là những chữ quá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người trong nước. Thậm chí 'chữ' dùng nãy giờ cũng có sự khác biệt trước và sau này. HOA là một từ, H là một chữ. Nhưng trước kia HOA là một chữ còn H là một chữ cái... Đúng là trên trang viết, có thể đoán được nơi chốn và thời kỳ tác giả đã trải qua.

Lần đầu tiên cầm một tờ báo VN hải ngoại rồi vài số báo khác sau đó nữa gửi về, tôi rất ngạc nhiên. Thật khó diễn tả được cảm xúc lúc bấy giờ. Giống như sau nhiều dâu biển, phía bên kia của xa cách thăm thẳm là người quen. Gọi là gì nhỉ, góc chân dung của một quãng lịch sử, một quãng đời, mảnh tin bất ngờ từ nơi đâu một chốn bao la gửi về. Thời gian của lúc thơ ấu, của thuở mới lớn bao giờ cũng gắn chặt, nhớ sâu trong lòng hơn những giai đoạn cuộc đời về sau, nên cảm xúc đó như là bồi hồi, hoài nhớ...

Những hình ảnh, kỷ niệm của quãng thời gian đó hiển hiện trong tờ báo với hình thức và cách diễn đạt, lối hành văn và nội dung giống y trước kia, hoặc không giống y thì cũng khiến tôi dễ dàng liên tưởng vì nó rất giống các báo cũ và hoàn toàn khác báo VN bây giờ. Như người miền Bắc năm nào khi rời quê di cư đã mang theo Đêm Giã Từ Hà Nội, Nhớ Về Năm Cửa Ô Xưa... Những người VN di tản cũng gói ghém trong máu thịt cả một đất nước miền Nam để nơi vùng đất mới, dường như không tái hiện, không đứt đoạn, không phải vẽ nên diện mạo cũ bằng một nét vẽ mới mà chính là miền Nam ngày ấy, giờ đây như đuôi một nét vẽ được kéo dài rạ Dẫu rớt rơi trên biển cả, trên dặm trường bôn ba có mảnh đi, nhạt hơn, có pha vào sự đổi thay... vẫn chỉ là nét vẽ duy nhất đó, kéo dài rạ.. vô cùng quen thuộc, dùng một câu có vẻ hơi 'cải lương' nhưng rất đúng, rất 'tới' là quen thuộc đến rưng rưng!

Vấn đề chính nơi những sự việc này có lẽ do thói quen và định kiến bởi vì các văn nghệ sĩ di cư năm 54 đã góp phần thay đổi nền văn học miền Nam bấy giờ, tạo nên một giai đoạn văn hóa phát triển rất rực rỡ tiêu biểu cho một chính thể, một quốc gia độc lập, đến bây giờ vẫn là niềm tự hào, hãnh diện của miền Nam. Thế nhưng điều này đã không xảy ra sau 75. Rất đơn giản bởi vì văn hóa nói chung, văn học nói riêng của CS quá đỗi thấp kém, ọp ẹp nên chỉ có thể mượn tay cường quyền để dẫm xé, chứ không chinh phục, khuynh loát nổi miền Nam, tức không thể chinh phục được tinh thần miền Nam. Cho đến bây giờ vẫn không thể xóa nhòa trong ký ức mọi người, và về sau này trong lịch sử, hành động của đám thanh niên rầm rộ đi đến từng nhà để tịch thu sách vở. Suốt ba mươi năm nay văn hóa VN bị kéo lui trì trệ do bị cầm đầu, chỉ huy bởi một thế lực độc tài, thiển cận... Thua một thế lực dường kém cỏi hơn mình, điều ấy khiến người miền Nam uất ức trong chiến bại, mang trong lòng tâm trạng kiêu hãnh của kẻ đành ngã ngựa bởi những lý do ngoài ý muốn...
Cho nên ngoài việc thu nhập, bị ảnh hưởng một cách thụ động thì người thua vẫn 'nhìn xuống', vẫn 'dị ứng' với những từ ngữ mới. Những chữ mới xuất hiện này thường khiến người Việt ở xa, một cộng đồng bị đẩy vào cảnh ly hương, không nằm trong vòng kiềm tỏa dĩ nhiên nghe rất chỏi và họ có toàn quyền để không chấp nhận. Người miền Nam khó chịu khi nghe đến phấn đấu, triển khai, xử lý... còn nữa những tăng năng suất, vượt chỉ tiêu, rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ... mà khi dùng đến, chỉ hàm ý chế giễu, mỉa mai. Và Việt kiều cũng cùng cảm giác ấy khi nghe người trong nước nói, dù từ miền nào.

Sở dĩ dài dòng như vậy chỉ để đưa tới, nhắc lại một kết luận cũ kỹ rằng đó là kết quả của chính sách kỳ thị đã phân hóa một cách sâu sắc dân tộc VN, là điều mà ngay bản thân chính sách đó đến nay đã nhận lấy hậu quả kéo dài trên nhiều phương diện. Cuối cùng chỉ thấy thương xứ mình đến xót xạ.. Nhiều người đành than thở thôi thì do lỗi tổ tiên, ngày xưa Lạc Long Quân và Âu Cơ sao chẳng tìm cách cho đại gia đình xum họp một nhà. Trăm trứng vừa nở ra đã chia lìa năm mươi con lên núi, năm muơi con xuống biển cho nên không lạ khi chuyện thiên di, ly tán đã vận vào định mệnh của dân tộc này suốt mấy ngàn năm. Một vài ý nghĩ trao đổi cho vui. Những lạm bàn về ngôn ngữ và văn học trong thư không nhằm mổ xẻ về lãnh vực to lớn này mà chỉ minh họa thêm cho những ý nghĩ, tình cảm tản mạn... Do vậy, hẳn có nhiều sai sót.
Mong nhận được thư của bạn. 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire