samedi 11 février 2023

Duy Khánh (1938-2003)

Một giọng ca vàng truyền cảm đầy tình tự dân tộc, không còn nữa Viết sau ngày Duy Khánh qua đời và sửa lại nhân ngày giỗ lần thứ 2 của Duy Khánh, để thắp nén hương tưởng nhớ người nghệ sĩ tài hoa nhất của nền tân nhạc Việt Nam những thập niên 50 đến 70.
Đỗ Văn Phúc 

Trên mảnh đất Quảng Trị nhỏ bé nghèo nàn hai mùa nắng cháy mưa dầm đó, đã sản sinh biết bao nhân tài nổi tiếng trên các lãnh vực tôn giáo, học thuật, văn hoá, văn nghệ. Các lãnh tụ hàng đầu các tôn giáo lớn, các lãnh tụ đảng phái chính trị cầm vận mệnh cả nước cũng từ chiếc nôi Quảng Trị mà thành danh. Ðặc biệt trong hậu bán thế kỷ 20, Quảng Trị đã đóng góp cho nền văn nghệ tân nhạc Việt Nam nhiều nhân tài lỗi lạc mà sự nghiệp của họ đã vững vàng trong cả hơn nửa thế kỷ qua. Ðó là các nhạc sư Nguyễn Hữu Ba, các nhạc sĩ Hoàng thi Thơ, Nguyễn Hữu Thiết, Ðỗ Kim Bảng, Hoàng Nguyên, Trần Hoàn, và ca sĩ kiêm nhạc sĩ Duy Khánh.

Thân Thế:

Duy Khánh tên thật là Nguyễn văn Diệp, sinh năm 1938 tại Quảng Trị. Anh khởi nghiệp là một ca sĩ từ năm 1954 rồi mới chuyển qua viết nhạc từ những năm đầu thập niên 60. Anh là một người con Quảng Trị chân chính. Khi đã thành danh, nổi tiếng toàn quốc với hàng triệu thính giả ái mộ, chàng ca nhạc sĩ đẹp trai cao lớn này đã không những không chối bỏ mà còn rất hãnh diện về gốc tích quê hương nghèo khổ của mình: “Tôi sinh ra giữa lòng miền Trung, miền thùy dương, ruộng hoang nước mặn đồng chua; thôn xóm tôi sống đòi dân cày” (Tình Ca Quê Hương). Anh đã nói chuyện, tiếp xúc báo giới, truyền thanh truyền hình với một giọng nói hoàn toàn Quảng Trị dù đã sống xa quê hàng 50 năm dài trên các thành phố, thủ đô miền Nam, hay trên mảnh đất tạm dung Hoa Kỳ. Ðúng như lời nhạc sĩ Phạm Duy đã phát biểu trong ngày đưa tiễn anh về bên kia thế giới: “Trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh”
Ca nhạc sĩ Duy Khánh, mà suốt một cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với nền tân nhạc miền Nam, đã trở thành biểu tượng cho lòng chung thủy tha thiết yêu mến quê hương; là niềm hãnh diện cho những con dân núi Mai sông Hãn dù ở thế hệ nào, dù ở bất cứ địa bàn nào trên năm châu bốn biển.
Là con áp út trong một gia đình vọng tộc, gốc làng An Cư, Triệu Phong (dòng dõi Quân Công Nguyễn Văn Tường, Phụ chánh Ðại thần có uy quyền tối thượng trong nhiều đời vua triều Nguyễn). Duy khánh đã lớn lên trong một nền giáo dục cổ truyền nặng ảnh hưởng Nho và Phật giáo. Thân sinh anh là cụ Nguyễn Văn Triển, từng dạy học trước khi làm Trưởng phòng Hành chánh tỉnh QT. Cụ Triển (thường được biết dưới tên ông Trợ Triển) lại là Hội trưởng hội Phật giáo tại tỉnh nhà, từng là dân biểu thời đệ nhị công hòa, có nhiều uy tín lớn trong tỉnh. Thân mẫu Duy Khánh là con gái của cụ Thị Lang bộ Công Ðỗ Văn Diêu, chánh quán làng Ðâu Kênh, Triệu Phong, là một phụ nữ mẫu mực, nghiêm khắc. Gia đình duy Khánh có 6 anh chị em, ba trai, ba gái, mà hiện nay chỉ còn một chị đầu còn sống tại Canada.

Khởi nghiệp:

Sau khi đỗ tiểu học năm 1949, Duy Khánh, cũng như các con nhà giàu quyền thế trong tỉnh, đã được cha mẹ cho vào Huế để học chương trình Trung học. Lúc bấy giờ, tại Quảng trị chưa có trường Trung học. Chính tại cố đô trầm mặc này, Duy Khánh đã tìm cho mình con đường tiến thân đúng với khả năng thiên phú của mình. Tưởng cũng cần nhắc lại một chi tiết nhỏ: trong một dịp nghỉ hè năm 1952, Duy Khánh đã về Quảng Trị tham gia một nhạc hội tại chùa Tỉnh Hội. Anh diễn và hát bài Nhớ Người Thương Binh của Phạm Duy, trong đó có câu: “Chàng về nay đã cụt tay.” Duy Khánh đã sửa lại: “Chàng về nay đã cụt chân,” và nhảy cò cò trên sân khấu. Duy Khánh, khi đó lấy biệt hiệu là Tăng Hồng, đã lần vào Saigon tham gia các chương trình phụ diễn tân nhạc trong các rạp chiếu bóng. Anh hát song ca với nữ ca sĩ Tuyết Mai những bài ca rất đậm tình quê hương. Trong một chương trình phụ diễn tại rạp Thanh Bình, trên đường Phạm Ngũ Lão, cạnh chợ Hòa Bình, anh đã tiếp xúc lần đầu với nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1955, anh đã đoạt giải nhất tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á tại Huế qua bài hát Trăng Thanh Bình.

Sự phản đối của gia đình không làm anh chùn bước. Anh chuyển hẳn vào Sài Gòn; bắt đầu hát trên các sân khấu đại nhạc hội, đài phát thanh, và bắt đầu thu đĩa nhựa. hay hợp tác với đại ban của Hoàng Thi Thơ đi lưu diễn khắp nước. Lúc này, anh là nam ca sĩ nổi tiếng nhất. Anh Ngọc, Duy Trác cũng là những nam ca sĩ nổi tiếng nhưng chỉ hát giới hạn cho các hãng thu băng, đài phát thanh với những bản nhạc tiền chiến rất chọn lọc, trong khi Duy Khánh thì lựa chọn nhạc có khuynh hướng dân ca, rất thành công vì dễ dàng hợp với thị hiếu của đa số khan giả hơn.
Anh lần lần nổi tiếng qua các bản: Tiá Em Má Em, Vợ Chồng Quê, Ngày Trở Về, Nhớ Người Thương Binh, Tình Nghèo, Quê Nghèo, Về Miền Trung. ..
Sau một lần đổi biệt danh thành Hoàng Thanh, cuối cùng anh chọn tên Duy Khánh. Chữ Duy Khánh lấy từ tên một người bạn rất thân Phạm Hữu Khánh (con trai cụ Phạm Tri, từng làm Phó Tỉnh trưởng Quảng Trị) đã tử nạn tại Pháp. Anh giữ tên này đến cuối đời.


Tưởng Niệm Duy Khánh - Đỗ Văn Phúc (Phần 1)
*
*     *
Tưởng Niệm Duy Khánh - Đỗ Văn Phúc (Phần 2)  

Thành Danh:

Nhìn thấy tương lai rực rỡ của chàng ca sĩ mầm non này, nhạc sĩ Phạm Duy mời anh tham gia vào chương trình Hoa Xuân trên đài phát thanh Sài Gòn cùng với Nhật Trường, Mai Trường, Trần Ngọc, Y Vân. Duy Khánh là giọng Tenor chính của ban nhạc nhờ tiếng hát trong sáng, mạnh và giàu sức ngân. Anh có thể ngân dài đến 21 nhịp và chuyển từ thấp lên cao vuợt hai bát độ một cách nhe nhàng như cánh diều lướt êm ái vào không gian. Có lần, anh trình bày bản Vọng Ngày Xanh của nhạc sĩ Khánh Băng, anh đã ngân đoạn kết lâu đến nỗi khán giả vổ tay tán thưởng đến lần thứ tư mà tiếng ngân của anh vẫn còn nhẹ nhàng dần dần đi vào tan biến.
Quả thực Phạm Duy – và cả các nhạc sĩ sau này như Trầm Tử Thiêng, Nhật Ngân, Phạm Thế Mỹ – đã thổ lộ: “Chính nhờ giọng ca truyền cảm của Duy Khánh mà các nhạc phẩm của chúng tôi được mọi người biết tới và nhiệt liệt tán thưởng.”
Hai bản trường ca Con Ðường Cái Quan và Mẹ Việt Nam chỉ có thể trở thành bất hủ qua hai tiếng hát tuyệt vời nhất Việt Nam. Ðó là Thái Thanh và Duy Khánh. Phạm Duy đã lần nữa công khai bày tỏ sự biết ơn thầm kín của ông với hai tài danh đó trong ngày tang lễ của Duy Khánh tại quận Cam tháng 2-2003 vừa qua. Ông đã cho rằng chính Duy Khánh và Thái Thanh đã tái tạo hai bản trường ca của ông.
Những năm đầu thập niên 60, Duy Khánh thường hát các nhạc phẩm của Y Vân, Lê Thương, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Trúc Phương. Ba bản Hòn Vọng Phu cuả Lê Thương đã đưa anh lên tột đỉnh của sự ái mộ trong lòng hàng triệu khán thính giả miền Nam. Giọng anh khi thì rộn ràng như tiếng trống trận đưa đoàn quân nườm nượp lên đường theo tiếng gọi của quê hương; khi thì nhẹ nhàng thấm đượm sự cảm xúc của người thiếu phụ bồng con đứng giữa trời mưa gió kiên nhẫn chờ đợi chồng đến nỗi hoá thành tượng đá; khi thì nghẹn ngào tức tưởi hình ảnh người chinh phu trở về tưởng tìm lại vợ con thân yêu, nhưng chỉ là tan vỡ trong tâm hồn khi nhìn thấy người vợ hoá đá của mình. Duy Khánh không chỉ hát mà còn diễn đạt hết tình cảm của mình theo từng nội dung bản nhạc làm cho người nghe phải hòa điệu theo từng cảm xúc rất sống động của lời ca và âm thanh tuyệt vời của anh. Cái tài năng đó, thượng đế chỉ ưu ái ban cho rất ít nhân tài.

Tác phẩm:

Từ cuối năm 1959, Duy Khánh bắt đầu viết nhạc. Những bản nhạc đầu tay của anh viết về quê hương miền Trung: Thương Về Miền Trung, Ai Ra Xứ Huế, Bao Giờ Em Quên; tiếp theo là các bản: Giã Từ Ðà Lạt, Tình Ca Quê Hương, Sao Không Thấy Anh Về, Sầu Cố Ðô, Huế Ðẹp Huế Thơ, Vùng Quê Tương Lai, Ði Từ Ruộng Ðồng Bao La. Nhạc của anh mang âm điệu rất Huế, đôi lúc thiết tha, não nùng; đôi lúc uyển chuyển tươi sáng. Lời ca tuy không trau chuốt bóng bẩy như lời ca của các nhạc sĩ tiền chiến, nhưng chân thành, tha thiết đi thẳng vào lòng người với những cảm xúc bồi hồi rung động nhẹ nhàng.
Hai bản nhạc sáng tác đầu tay của anh là bản Thương Về Miền Trung và Ai Ra Xứ Huế nhắc nhở nhiều về hình ảnh con đò bồng bềnh trên sông Hương trong những đêm trăng hay những tiếng thông reo khi chiều buông trên núi Ngự Bình. Lời ca nồng nàn lồng trong âm điệu buồn não ruột rất Huế làm chạnh lòng bao khách lữ thứ xa quê.
Lời nhạc anh trong sáng, thiết tha, chan chứa một tình quên hương nồng nàn, chân thật. Anh không sử dụng sáo ngữ, những chữ thời thượng thật kêu mà chỉ dùng đơn sơ ngôn ngữ của người dân thường. Nhạc của anh không khó hát, nhưng chỉ hát hay được khi hát bằng một tâm hồn rất Trung, rất Quảng Trị, rất Huế. Anh không viết những bản nhạc ca tụng tình cảm trai gái thông thường; mà thường lồng vào bối cảnh một quê hương chinh chiến điêu tàn (Biết Trả Lời Sao,Thư Về Em Gái Thành Ðô, Mưa Bay Trong Ðời, Mùa Chia Tay, Ðêm Bơ Vơ, Màu Tím Hoa Sim, Ngày Xưa Lên Năm Lên Ba). Tôi đoán rằng sau khi chị Kiều Oanh, em gái của tay trống Linh Giang từ giã anh đi lấy chồng, anh đã sáng tác bản Bao Giờ Em Quên. Tôi có gặp chị Kiều Oanh một lần tại Quảng Trị khi hai người sắp chia tay. Chị Oanh rất đẹp, đẹp như cô gái trong tranh. Chị người miền Bắc, ăn nói nhỏ nhẹ, khổ người thanh tú, rất duyên dáng. Hôm đó chị mặc chiếc áo dài màu vàng tươi sáng. Ðôi mắt buồn nhìn xa vời vợi, chị nói với anh: “Bây giờ, ai có phận nấy, thôi đừng thương tiếc nữa.” Sau thời điểm này, anh có đeo đuổi ca sĩ Thanh Thúy nhưng không rõ mối tình đi về đâu. Chỉ biết chị Thanh Thúy đã hát rất xuất sắc bản nhạc Bao Giờ Em Quên của anh. Chị vẫn giữ mối giao hảo vớI anh, vẫn hát cho băng nhạc Trường Sơn đều đặn.

Duy Khánh: Người lính trên mặt trận văn hoá:

Không như những nhà chính trị viết ra những tuyên ngôn nặng nề chém đinh chặt sắt, nhạc và lời ca của anh có sức mạnh hơn ngàn lời cổ vũ đánh thức lòng tự hào quê hương, thôi thúc bao thế hệ thanh niên lên đường làm tròn nghĩa vụ với quê mẹ (Người Anh Giới Tuyến, Mừng Anh Chiến Sĩ Giữ Ấp, Lối Về Ðất Mẹ, Vùng Quê Tương Lai). Anh nhắn gửi người lính biên cương bằng những lời chân thành hơn ngàn tờ truyền đơn chiến tranh tâm lý (Người Anh Giới Tuyến, Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê, Khúc Trường Ca Lớp Lớp Phù Sa). Ngoài những bản nhạc anh sáng tác, anh cũng chọn hát các bản nhạc mang tình tự quê hương, gửi những an ủi chân tình đến các chiến sĩ biên cương; vì chính anh cũng là một người lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Anh đã chiến đãu tích cực và có hiệu quả trên mặt trận tâm lý trong suốt chiều dài cuộc chiến chống Cộng Sản Việt Nam. Anh đã không phục vụ các khán giả thường tình, ăn chơi phù phiếm nơi đô thành bằng các bản nhạc yêu đương nhảm nhí, than khóc đớn đau vì tình phụ. Anh phục vụ một đại đa số quần chúng đau khổ vì phân ly, tan vỡ, chết chóc do hậu quả của chính sách xâm lược của Hà Nội. Anh làm nhạc, ca hát để phục vụ quê hương, trong đó có quê nghèo Quảng Trị nơi anh mở mắt chào đời và lớn lên giữa mùa ly loạn. Vì thế, khán thính giả yêu mến anh bao gồm tất cả mọi tầng lớp quần chúng. Lời ca của anh luôn luôn được phát trên các băng tần các đài phát thanh, truyền hình, từ thủ đô cho đến các tỉnh thành xa xôi hàng chục năm trời; Cả cho đến ngày nay trong lòng chế độ Cộng sản, người Việt Nam vẫn lén du nhập và thưởng các CD của anh làm tại hải ngoại.
Phạm Duy đã không quá lời khi nói rằng Duy Khánh là nhạc sĩ của quê hương. Anh đã để lại cho đời trên ba mươi bản nhạc giá trị vừa mang âm hưởng dân ca vừa mang nội dung nhân bản và đầy dân tộc tính. Những năm giữa thập niên 60, anh tự phát hành tuyển tập nhạc 1001 Bài Ca Hay, mỗi tháng ra vài bản. Bìa nhạc phần lớn do họa sĩ Kha Thuỳ Châu trình bày với nét vẽ tân kỳ độc đáo hoàn toàn khác hẳn với lối trình bày cổ điển của họa sĩ Phi Hùng. Ðích thân Duy Khánh chọn mẫu bìa và màu sắc. Anh sử dụng kỹ thuật in offset trên giấy láng nên các bản nhạc 1001 Bài Ca Hay thường bắt mắt khách hàng hơn các bản nhạc khác. Cũng thời gian này, anh phát hành các cuốn băng nhựa Trường Sơn dùng cho máy thu băng lớn rất thịnh hành. Khi về ở chung cư đường Trần Hưng Ðạo, anh mở lớp luyện ca cho để gầy dựng một lớp mầm non ca sĩ mới. Các ca sĩ trong nhóm Trường Sơn của anh, ngoài một ít ca sĩ thượng thặng như Thái Thanh, Hoài Bắc, Thanh Thúy; số còn lại thường là ca sĩ bậc nhất nhì như, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Phương Dung, Xuân Thu, hoặc các ca sĩ mới lên do anh dạy dỗ và lăng xê như Băng Châu. Qua 1001 Bài Ca Hay và các băng nhạc Trường Sơn của anh mà nhạc sĩ Dũng Chinh, ca sĩ Phương Dung được nổi tiếng qua bản Màu Tím Hoa Sim.
Trong thời gian này, Duy Khánh rất thân cận với nhạc sĩ Trúc Phương và tay sáo nổi tiếng Nguyễn Ðình Nghĩa. Hầu như tất cả các bản nhạc do Trúc Phương sang tác đều được Duy Khánh giới thiệu trong 1001 Bài Ca Hay và băng nhạc Trường Sơn. Duy Khánh cũng rất tâm đắc các bản Mưa Nửa Ðêm, Con Ðường Mang Tên Em của Trúc Phương. Khi Duy Khánh tổ chức các buổi đại nhạc hội, anh không bao giờ bỏ quên phần cổ kim hòa điệu, với tiếng đàn tranh và sáo đi theo tiếng đàn guitar, trống. Lời ca Duy Khánh thu băng thường được mở đầu bằng điệu sáo trầm bổng ngân nga của Nguyễn Ðình Nghĩa. Nghĩa cũng là một lực sĩ thẫm mỹ có thân hình đẹp, cơ bắp nở nang nhờ luyện tập công phu. Nhạc Trúc Phương đôi lúc nghe cũng tình lắm, nhưng lời thì hơi lạ tai.
Về sau, Duy Khánh thường hát những bản nhạc tình tứ giai điệu Bolero, Tango Habanera của các nhạc sĩ Trúc Phương, Châu Kỳ, Anh Bằng, Lê Dinh, Phạm Thế Mỹ.

Chuyện riêng tư:

Cuộc đời anh là một mẫu mực của lòng nhân ái, khoan dung, chung thủy độ lương với bạn bè, thân quyến. Dĩ nhiên đời nghệ sĩ thì phóng khoáng về tình duyên. Anh luôn được bao quanh bởi các cô gái đẹp sẵn sàng dâng hiến hết cho người mình ái mộ. Nhưng anh chung thủy với vợ khi còn chung sống. Mối tình đầu của anh là với ca sĩ Tuyết Mai, người cùng hát đôi với anh lúc khởi nghiệp. Chị Tuyết Mai sinh cho anh hai người con. Khoảng năm 1964, anh cưới chị Ấu Phùng, một nữ vũ công xinh đẹp trong ban vũ Lưu Bình Hồng. Chị Ấu Phùng người Hoa, cao, đẹp và rất chiều chồng. Hai anh chị thuê căn phố hai tầng đường Trần Quang Khải, Tân Ðịnh, và sinh hạ dược hai người con. Anh chị lại dọn về một căn nhà nhỏ trong hẻm đường Nguyễn Trãi. Ðây là thời gian anh bị rắc rối với quân cảnh và bị đưa lên Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để trở thành binh nhì Nguyễn Văn Diệp. Anh phục vụ tại Biệt Ðoàn Văn Nghệ Trung Ương thuộc cục Tâm Lý Chiến. Ngày ngày, anh cỡi chiếc xe Suzuki cộc cạch đến đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè, để làm việc. Cuối tuần lại tổ chức nhạc hội, khi thì tại rạp Quốc Thanh, khi tại rạp Hưng Ðạo. Mỗi lần có dịp về Sài Gòn, tôi thích đến ở với anh chị để hàng ngày đi theo anh đến các rạp hát chờ anh hát xong là kéo nhau đến quán Ba Thừa trên đường Phạm Ngũ Lão hay quán thịt dê đường Minh Mạng nhậu nhẹt. Ðám bạn theo anh là các nhạc sĩ, nhạc công có đến 5, 7 người. Anh không hút thuốc nhưng uống nhiều bia, có lần hai anh em uống thi, đếm đủ mỗi người 21 chai. Thường thì anh ngà ngà, ngồi tựa vào thành ghế để mặc cho mấy anh bạn móc túi anh ra thanh toán tiền ăn uống và kêu taxi đưa anh về.

Tôi rất ưa giọng ca điêu luyện của anh nhưng không thích những bản nhạc anh hát sau này và giọng ca một số ca sĩ trong nhóm Trường Sơn. Anh biết điều này và có vẻ không vui. Gần anh nhiều nhưng tôi chưa hề thấy anh biểu lộ sự tức giân quá mức với ai. Anh hiền lành và nhỏ nhẹ. Giận lắm thì chỉ hứ một tiếng là cùng. Có lần tôi đem cả lô bạn vào xem cọp tại rạp Quốc Thanh, bọn này không chịu ngồi ở ghế khán giả một cách đàng hoàng mà đòi vào trên sân khấu, đứng hai bên cánh gà để tán tỉnh các cô ca sĩ. Họ đã làm cản trở các nghệ sĩ ra vào trình diễn. Anh chỉ háy tôi một cái rồi thôi. Thế nhưng cũng đủ làm tôi lo sợ lắm.

Trong cái nhìn của một thanh niên mới lớn chỉ biết đời qua những hào nhoáng bên ngoài, Duy Khánh là một người rất hạnh phúc. Anh có đủ cả: danh vọng, tiền tài và luôn được bao quanh bởi các cô thiếu nữ trẻ đẹp. Căn phòng anh ở tại một chung cư đường Trần Hưng Ðạo sau khi ly thân với chị Ấu Phùng, lúc nào cũng có vài ba cô gái đứng ngồi chờ chực được anh cho chút ái ân. Có cô thậm chí lẻn vào phòng ngủ của anh, đuổi mấy cũng không ra. Khoảng thời gian này anh kết bạn với ca sĩ Băng Châu.
Anh chẳng có nhiều tiền như người ta tưởng đâu. Ðời nghệ sĩ, có đồng nào là hết dồng đó. Phải chi tiêu hậu hỉ, bao biện bạn bè và đám chầu rìa. Những chầu nhậu nhẹt cả bạc ngàn. Bia chảy như suối, thức ăn thừa mứa trên bàn. Có những anh chầu rìa thường lẻo đẻo theo anh hay ở lì trong phòng anh cả tuần lễ nửa tháng. Một lần vào năm 1971, khi tôi từ đơn vị về thăm anh, anh đi công tác xa. Trong phòng có anh nhạc công C. đang nằm bẹp trên giường, lộ vẻ mệt mỏi. C. bảo tôi: “Thằng Khánh nó bỏ tao lại cả tuần nay không còn gì ăn cả. Mày đưa tao đi kiếm chút gì bỏ bụng rồi nói chuyện sau.” Hoá ra anh chàng này đang đói lã người và gần như không lết nổi xuống lầu để đến quán ăn trước đó vài chục mét.

Sau khi anh ly thân cùng chị Ấu Phùng, anh dọn về một apartment 3 phòng trên đường Trần Hưng Ðạo, nơi anh tiếp tục mở lớp nhạc Trường Sơn và hoạt động mạnh trong việc sản xuất băng nhạc.
Duy Khánh ăn mặc rất đúng mốt và lịch lãm. Nhờ thân hình cao, đẹp và cân đối, nên thứ gì khoác vào người anh cũng làm cho anh đẹp thêm ra. Áo quần anh rất nhiều và thường rất chọn lọc. Anh chỉ mặc những chiếc áo độc đáo mà khó kiếm ra một chiếc thứ hai tại Sài Gòn. Áo anh may ở La Ligne, quần ở Văn Quân, giày đóng ở Trinh; là các cửa hiệu may, đóng giày đẹp nhất nước thời đó.
Trong các bản nhạc hay nhất về Ðà Lạt, có ba bản do các nhạc sĩ Quảng trị sáng tác: Hoàng Nguyên với Ai Lên Xứ Hoa Ðào, Hoàng Thi Thơ với Mối Tình Màu Hoa Ðào, và Duy Khánh với Giã Từ Ðà Lạt. Tôi biết nhiều chuyện tình duyên của anh, nhưng không biết anh có vấn vương nào với các cô gái má hồng môi đỏ nào không.

Lưu đày trên quê nhà:

Sau biến cố 30 tháng tư 1975, tôi gặp anh một lần tại nhà anh Nguyễn Văn Dục, là người anh kế Duy Khánh. Sau đó, tôi vào trại tù cải tạo ròng rã 10 năm, còn anh ở lại lăn lóc với cuộc sống mới không lối thoát. Xin đừng ai trách anh đã sáng tác bản Sao Ðành Bỏ Quê Hương để Việt Cộng dùng làm lợi khí tuyên truyền khi những làn sóng ngươi bò nước ra đi tìm tự do. Là một ca sĩ chuyên nghiệp, là một người lính Chiến tranh Chính trị, lại thuộc một gia đình mà Việt Cộng đánh giá đại phản động; tất cả anh chị em, người thì đã ra đi, người thị bị tù cải tạo lâu dài, mọi phương kế sống của anh bị phong toả hoàn toàn. Anh cô đơn và tuyệt vọng thực sự. Khi các đoàn ca nhạc được phép hoạt động lại, Duy Khánh mượn danh Thông Tin Văn Hoá địa phương lập đoàn Quê Hương, quy tụ nhiều nghệ sĩ tài danh miền Nam trước 1975, như các nhạc sĩ Châu Kỳ, Nhật Ngân, và các ca sĩ Ngọc Minh, Nhã Phương, Bảo Yến v.v… rất thành công.
Lúc đó anh làm được rất nhiều tiền, đời sống có phần khá hơn trước nhiều, nhưng tâm trạng vẫn là buồn. Anh uống quá độ và có lẽ do đó gây ra bệnh tình hôm nay.
Tôi có nghe nói đến bản nhạc Ðiệu Buồn Chia Xa nhưng không rõ ra đời tại Mỹ vào năm nào nào. Nhưng khi xem anh hát bài Người Lính Già Xa Quê Hương, tôi thấy hình ảnh của chính mình trong tương lai. Ngậm nhấm nỗi căm hờn mà nhìn ngày tháng đi qua nhanh trên đất khách quê người; tưởng lại một thời oanh liệt xưa và ước mong một ngày về tươi sáng.
Tôi gặp lại anh năm 1988 tại Vũng Tàu. Khi này anh đã thành hôn với chị Thúy Hoa. Anh ra Vũng Tàu tổ chức nhạc hội rất thành công. Người miền Nam vẫn hâm chuộng giọng ca tuyệt vời của anh. Anh cũng thăm dò đường vượt biên nhưng thấy vô cùng hiểm nguy. Lúc đó đã có chương trình đoàn tụ và HO, nên tôi khuyên anh nán chờ.



Những ngày cuối đời:

Duy Khánh đã đến Hoa Kỳ vào ngày 10-8-1988 qua sự bảo lãnh của người em là Nguyễn Thị Giáng Tuyết. Trên đất tự do, lần cuối cùng tôi đến thăm anh trong một căn nhà nhỏ ở Anaheim, Orange County, năm 1994. Ở đây anh sống hơi chật vật cùng chị Thúy Hoa và ba con, một trai và hai gái. Anh đã trông xuống sắc lắm. Nhiều người cho rằng đó là hậu quả của những năm dài sống trong chế độ Cộng sản. Buồn và vô vọng, anh đã uống nhiều rượu. Các loại rượu quốc doanh toàn là chất độc hoá học mà các công ty nhà nước làm ăn cẩu thả miễn sao thu được nhiều lợi nhuận. Anh có vài lần ngỏ ý muốn đi Austin hát, và nhờ tôi tổ chức giùm các chương trình nhạc hội. Tôi phần không có khả năng tổ chức, phần e rằng giọng hát của anh không được giới trẻ ưa chuộng nên chỉ ầm ừ qua chuyện. Nghệ sĩ sân khấu hay điện ảnh khi về chiều, còn có thể đóng các vai lão. Còn ca sĩ khi đã lớn tuổi, làn hơi không còn phong phú, thì khó kiếm được chỗ đứng cạnh tranh cùng các ca sĩ mới lên tươi tắn và giọng ca trong trẻo. Người nghệ sĩ biết dừng lại vào lúc mình đạt đến tột đỉnh vinh quang của nghệ thuật là hay nhất. Vì luôn luôn để lại trong lòng người hâm mộ hình ảnh huy hoàng nhất, tươi đẹp nhất của mình.
Tôi có nghe anh hát trong vài băng nhạc Asia và đĩa CD. Nghe anh mà lòng cứ tê tái, nước mắt cứ chực tuôn trào vì giọng ca của anh vẫn còn còn phong phú và truyền cảm như xưa. Nghe anh mà hình dung hình ảnh quê nghèo và những người nông dân tả lơi lam lũ trên cánh đồng đã cằn cỗi vì nắng hạ mưa đông. Nghe anh để tưởng như những âm thanh trầm bổng của chuông chùa Thiên Mụ vang lên trong buổi chiều tịch mịch bên dòng sông Hương. Nhưng ngoại hình anh thì không còn ăn ảnh nữa. Khuôn mặt anh đã nhiều nếp hằn nhọc nhằn năm tháng chồng chất. Anh vẫn phải hát, vì ngoài tình yêu gắn bó của nghệ thuật, đó còn là sinh kế của anh. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ!

Bạn bè đã hết lòng vì anh. Một tháng trước ngày anh mất, ngày 10 tháng 1, họ đã tổ chức một nhạc hội khiêu vũ mang chủ đề Tạ Tình Tiếng Hát và Giòng Nhạc Duy Khánh với sự góp mặt của các nam, nữ ca sĩ như: Thanh Thúy, Thanh Mai, Kim Tuyến, Nguyễn Hưng, Hoàng Oanh, Phương Hồng Quế, Trần Quốc Bảo, Bảo Yến… thu hút khoảng 600 khách mộ điệu tại vũ trường Majestic, Huntington Beach. Ðêm nhạc hội thành công vượt ngoài sự mong ước của ban tổ chức.
Sau nhiều năm tháng ra vào bệnh viện vì những căn bệnh trầm kha, Duy Khánh đã từ giã gia đình và bạn bè, khán giả hâm mộ để đi vào miền vĩnh hằng vào lúc 12 giờ trưa ngày 12 tháng 2 năm 2003 tại bệnh viện Fountain Valley, Orange County, California. Anh hưởng thọ 65 tuổi (1938-2003). Tang lễ của anh đã quy tụ hầu như tất cả giới văn nghệ sĩ Việt Nam tại hải ngoại; trong đó Phạm Duy đã nói lên những tâm tình dầy yêu thương trìu mến và khâm phục đối với anh, một người em, một người bạn mà nhờ đó nhạc của Phạm Duy và nhiều nhạc sĩ khác đã đi vào bất hủ.

Đỗ Văn Phúc 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire