Phạm Duy ra đi về cõi vĩnh hằng đã hơn 10 năm (27/1/2013 – 27/1/2023).
Tôi đã từng nhiều lần nghe Lệ Hồng hát ca khúc này trong một “video clip” với tiếng đàn của “guitarist Thiên An” mấy năm trước đây. “Hẹn Hò” cũng đã được nhiều ca sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước trình bày như Thái Thanh, Ý Lan, Ngọc Hạ, Quang Dũng, Tuấn Ngọc, Họa Mi, Hương Lan, Thanh Thúy, Đức Tuấn, Thiên Tôn, Duy Quang, Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Hiền, Thanh Hà…Trong số này, tôi thích nhất là giọng ca mượt mà của hai ca sĩ Ngọc Hạ và Họa Mi.
HẸN HÒ I Lệ Hồng hát Kỷ niệm 10 năm ngày mất NS Phạm Duy
Dẫu vậy, cái lạ là, so với nhiều ca khúc khác của Phạm Duy, “Hẹn Hò” lại không nằm trong số những ca khúc phổ biến nhất của ông đối với công chúng cũng như đối với những nhà văn hay nhà nghiên cứu về nhạc Phạm Duy. Đọc qua hàng chục bài viết về Phạm Duy, rất ít tác giả đề cập đến ca khúc này. Thực tình, từ hồi còn nhỏ, võ vẽ tập đàn tập hát, tôi cũng không mấy khi “đụng” đến nó, có lẽ là vì mấy lý do sau: - lời ca kể một chuyện tình yêu tuyệt vọng, nhưng mơ mơ hồ hồ với khá nhiều hình ảnh ẩn dụ, không mấy gần gũi với mọi người, chỉ trừ hai chữ “mùa Ngâu”, ám chỉ một chuyện cổ tích mà bất cứ trẻ em nào cũng biết.
- nhạc điệu lê thê, trầm đều, ít kịch tính và lời ca cũng thế, lê thê, mỗi câu nhạc dài đến…12 chữ. Đây là một bản nhạc không… khó hát, nhưng hát…khó hay. Tôi thích đọc lời ca, nhưng không mấy khi hát, dù chỉ hát cho mỗi một mình nghe.
Nhắc lại việc sáng tác “Hẹn Hò”, Phạm Duy cũng chỉ nói qua loa trong hồi ký của ông. Ông cho biết, bản nhạc này chịu ảnh hưởng của dân ca, “được xây dựng trên giai điệu ngũ cung, kể lể một câu chuyện tình thảm thiết, giống như chuyện Ngưu Lang Chức Nữ.” (Hồi ký Phạm Duy, chương 3).
Giai điệu ngũ cung, hèn gì! Tôi chẳng rành gì về nhạc lý, nhưng khi nghe ông nói “ngũ cung”, tôi xem lại, mới hay toàn bản nhạc chỉ xoay lui xoay tới trong có năm nốt nhạc: Đô, Rê, Fa, Sol, La. Đã thế, chỉ trừ đoạn điệp khúc có hơi khác đôi chút, còn tất cả những câu 12 chữ, thì 5 chữ ở giữa câu đều cùng một nốt, chẳng hạn:
(Một người ngồi) bên kia sông im nghe (5 nốt sol)…
(Trời thì mưa) rơi mưa rơi không ngưng (5 nốt rê)…
Rõ ràng tác giả có dụng ý làm cho bài hát trở nên lê thê, phù hợp với câu “chuyện tình thảm thiết” mà ông “kể lể”. Mà thảm thiết thật! Trong truyện cổ, Ngưu Lang và Chức Nữ chỉ bị chia cách, nhưng rồi được gặp lại nhau hàng năm, do đó, những giọt nước mắt “mùa Ngâu”, dù sầu khổ, nhưng chỉ là nước mắt tạm biệt. “Hẹn Hò” của Phạm Duy, ngược lại, là vĩnh biệt. Chúng ta hãy theo dõi lại diễn tiến câu chuyện tình bi thảm này.
Hai người yêu nhau hẹn hò ở một địa điểm nào đó – bến đò hay một nơi vắng vẻ chẳng hạn - của giòng sông. Vào mùa nước cạn, có lẽ họ có thể qua lại dễ dàng để gặp nhau. Nhưng rủi thay, khi đến chỗ hẹn thì gặp tiết tháng Bảy mưa Ngâu, trời mưa liên tục, dòng sông nước lớn, không cách gì “sang sông” được. Cả hai đành ngồi, mỗi người ở một ven sông, người thì “im nghe”, người thì “trông hoa trôi”, chờ cho đến khi “chóng tạnh mùa Ngâu”:
Một người ngồi bên kia sông im nghe nước chảy về đâu
Một người ngồi đây trông hoa trôi theo nước chảy phương nào
Trời thì mưa rơi mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau
Người thì hẹn nhau sang sông mong cho chóng tạnh mùa Ngâu
Theo lời kể thì có vẻ như cả hai không chọn đúng thời điểm hẹn hò. Thực ra, đây là một cuộc tình vốn trắc trở ngay từ đầu, chắc chắn là do hoàn cảnh gia đình hai bên “cách một biển sâu”, kiểu “Em ngồi trong song cửa/Anh đứng dựa tường hoa/Nhìn nhau mà lệ ứa/ Mỗi ngày một cách xa” (thơ Lưu Trọng Lư), nên cho dù không có mùa Ngâu chăng nữa, họ cũng không thế nào chung sống với nhau được. Họ hẹn gặp nhau chẳng qua để làm trọn một lời “hứa vui về sau” của cái “thuở ban đầu” lưu luyến ấy, vì biết là họ “cách biệt dài lâu”:
Cuộc đời làm cho đôi bên yêu nhau cách một biển sâu
Hẹn hò tàn thu sang xuân bên nhau biết thuở ban đầu
Dù tình không nguôi đôi ta xin cho hứa vui về sau
Trời còn làm cho mưa rơi mưa rơi cách biệt dài lâu.
Hai người ngồi hai bên bờ sông nhìn giòng nước “không màu”, cứ vô tình trôi đi ngày này qua tháng khác, chẳng thể nào hiểu được cõi lòng tan nát của hai kẻ yêu nhau ngồi đợi chờ trong tuyệt vọng:
Nước vẫn trôi mau/ mắt vẫn hoen sầu
Đành để hồn theo nước trôi không màu
Cuối cùng, dù không trao đổi được với nhau bằng lời, nhưng cả hai đều hiểu từ trong trái tim của nhau rằng chỉ còn một cách để họ có thể “gần nhau” là “sông nước”:
Số kiếp hay sao/ không cho bắc cầu
Thì xin sông nước sẽ cho gần nhau.
Nghĩa là sao? Nghĩa là, họ quyết định chọn một giải pháp đau lòng: cùng nhau quyên sinh. Thế là bi kịch bắt đầu. Ở bên này sông:
Một người bèn ra ven sông buông theo nước cuồn cuộn mau
Một khoảnh khắc trước đó, ở bên kia sông:
Một người chìm sâu trong khi mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu
Cả hai, kẻ trước người sau, cùng nhảy xuống sông tự tử, một kẻ thì đã “chìm sâu”, một kẻ thì “buông theo nước cuồn cuộn mau”. Oái oăm thay, chính vào lúc đó, “mưa Ngâu” đã ngừng. Nhưng muộn mất rồi, hai thân xác đã theo dòng nước trôi về một nơi vô định:
Cuộc tình thương đau êm êm trôi theo nước xuôi về đâu
Cuộc “hẹn hò” cụ thể ở trên bến sông trở thành một cuộc hẹn hò huyền ảo ở cõi vĩnh hằng, cõi “thiên thu”:
Hẹn hò gặp nhau thiên thu…
Đó là nơi không còn ai có thể chia cắt được mối tình da diết của họ. Phạm Duy kết thúc câu chuyện tình bi thảm bằng niềm hy vọng rằng người đời sau sẽ lấy đó làm gương: đừng bao giờ tìm cách cản trở mối tình của đôi lứa yêu nhau:
…cho phong phú đời người sau
Cuộc tình “Hẹn Hò”, như thế, trông có vẻ còn “bi kịch” hơn cả cuộc tình Romeo-Juliet của Shakespeare: trong lúc Romeo và Juliet chọn cái chết vì do hiểu lầm, thì đôi trai gái trong “Hẹn Hò” chọn cái chết vì do quá hiểu lòng nhau. Cũng là một cách nói cho vui thôi. Bi kịch là bi kịch!
Thời tôi còn nhỏ, khoảng thập niên 1960, mỗi khi cầm đến bản nhạc này là tôi nghĩ đến những vụ tự tử vì tình thỉnh thoảng lại xảy ra ở Huế. Phần nhiều trong số đó là các cô gái lứa tuổi mười tám, hai mươi nhảy tự tử ở sông Hương, trên cầu Bạch Hổ, gần cồn Dã Viên – nơi nước sông thì sâu mà đoạn cầu này lại rất vắng vẻ - vì gia đình hai bên không tán thành mối tình của họ, hoặc do không “môn đăng hộ đối” hoặc do những nguyên nhân riêng biệt khác, “làm cho đôi bên yêu nhau cách một biển sâu.” Cũng có vài vụ tự tử gây chấn động toàn thành phố như vụ một cặp trai gái uống thuốc tự tử chết cả hai ở lăng Thiệu Trị (hay Minh Mạng?) hay vụ một cặp khác cũng uống thuốc tự tử, chàng trai thì chết nhưng cô gái được cứu sống, ở vùng Gia Hội. Cuộc tình của hai cặp này rõ ràng là hao hao cuộc tình trong “Hẹn hò”.
Thực ra, theo tôi, cảm hứng để Phạm Duy sáng tác ca khúc này có lẽ không xuất phát từ một câu chuyện có thực như thế, mà là từ sự đào sâu ý niệm về tình yêu của ông: một tình yêu tuyệt đối. Một mặt, lời ca tuy chứa đựng nhiều chi tiết hiện thực, nhưng mơ mơ hồ hồ, có tính cách tượng trưng, bóng bẩy hơn là “tả thực” như ta có thể tìm thấy trong nhiều ca khúc hiện thực khác của ông. Mặt khác, cũng trong hồi ký, khi đề cập đến “Hẹn Hò”, ông có nói thêm, “Đây là lúc tôi hay nói tới chuyện thiên thu. Phải sống bon chen với thực tại, thỉnh thoảng tôi muốn sống với viễn mơ.”
Trên đây, tôi đã phân tích “Hẹn Hò” dựa theo nội dung văn bản: một cuộc tình bi thảm. Tuy nhiên, có một chi tiết khiến tôi nghĩ đến một cách giải thích khác, đó là, trong ấn bản đầu tiên (1954), vào cuối bản nhạc, tác giả có ghi: Saigon 1954 (thời chia đôi đất nước). Ông viết trong hồi ký: “Vào thời điểm này không phải chỉ có tôi viết về đất nước mến yêu hay soạn những bài hát nhớ quê hương khi đang sống trên quê hương. Cuộc di cư năm 54 của một triệu người đã khiến Vũ Thành soạn bài Giấc Mơ Hồi Hương, Hoàng Dương viết bài Hướng Về Hà Nội.” Ngoài ra, một số ca khúc khác vào giai đoạn này cũng đề cập đến chuyện chia đôi đất nước như “Tình cố đô”, “Chuyến đò vĩ tuyến” (Lam Phương), “Về đây anh” (Nguyễn Hiền & Nhật Bằng)…Cho nên, dù ông nói bản “Hẹn Hò” là để “xưng tụng ái tình”, nhưng rõ ràng Phạm Duy sáng tác ca khúc này trong nỗi ám ảnh – có thể là vô thức - của biến cố chia cắt đất nước mà hậu quả nặng nề của nó đang tác động trên mọi mặt của đời sống cá nhân cũng như xã hội lúc bấy giờ. Con sông trong ca khúc có phần chắc là hình ảnh của sông Bến Hải chia đôi đất nước; hai người ngồi hai bên sông có phần chắc là hình ảnh của người Việt ở hai bên bờ sông. Đọc kỹ lại từng câu, từng ý, và cả từng nhóm chữ, ta sẽ thấy hiện ra rành rành nỗi đau chia cắt: “đôi bên yêu nhau cách một biển sâu”, “cách biệt dài lâu”, “biết thuở ban đầu”, “bắc cầu”, “sông nước gần nhau”, vân vân.
Tuy nhiên, đất nước cũng như con người có lúc thăng lúc trầm, có lúc nhiễu nhương nhưng cũng có lúc thái bình an lạc. Trong cái buồn thảm, có chứa đựng niềm lạc quan về tương lai:
Hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau.
Dù hiểu theo cách nào, tôi cho đó là ý nghĩa tích cực mà Phạm Duy muốn gửi cho chúng ta qua ca khúc chứa đầy chi tiết tiêu cực này.
SỐ ĐẶC BIỆT TƯỞNG NIỆM 10 NĂM NGÀY MẤT
NHẠC SĨ PHẠM DUY
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire