Trong hàng ngàn ca khúc nổi tiếng của tân nhạc Việt Nam, khởi đầu từ thập niên 1930 cho đến năm 1975, chủ đề các ca khúc viết về mẹ luôn mang lại những xúc cảm dâng trào của người nghe, người hát. Trong bài viết này, hãy cùng nhìn lại những ca khúc viết về mẹ hay nhất và tiêu biểu nhất được sáng tác trước năm 1975.
Lòng Mẹ – nhạc sĩ Y Vân
Bài hát “Lòng Mẹ” của nhạc sĩ Y Vân được xem là ca khúc tiêu biểu, sâu sắc và thiêng liêng nhất về tình mẹ.Trên trang wiki có đăng thông tin bài hát được viết năm 1952. Tuy nhiên theo nhạc sĩ Y Vũ, em trai của nhạc sĩ Y Văn, năm 1952 nhà ông còn ở Hà Nội, đến năm 1954 mới di cư vào miền Nam sinh sống và sáng tác bài Lòng mẹ năm 1957.
“Cuối thập niên 1950, anh Y Vân là nhạc công chơi cho các nhà hàng ở Sài Gòn. Hằng đêm, mẹ ở nhà giặt quần áo ở máy nước công cộng, có lần giặt đến 2 giờ sáng thì bị cảnh sát đến nhắc nhở vì quá giờ giới nghiêm. Đến sáng, anh tôi về nhà, biết chuyện đã khóc và viết ra Lòng Mẹ“, em trai của nhạc sĩ kể lại.Nhạc sĩ Y Vũ còn nói thêm, khi viết xong những câu hát tha thiết này, nhạc sĩ Y Vân đã hát cho mẹ nghe và bà đã khóc:
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.
Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.
Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.
Con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao.
Thương con khuya sớm bao tháng ngày.
Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn.
Dù cho mưa gió không quản thân gầy Mẹ hiền.
Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền.
Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm.
Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên.
Nhạc sĩ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, từ nhỏ mồ côi cha, nhà nghèo, mấy mẹ con dắt díu nhau nương náu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên – Hà Nội. Chính vì thế Trần Tấn Hậu rất thương mẹ và các em.
Nhạc sĩ Y Vân qua đời khi mới tròn 60 tuổi, đúng với bài hát định mệnh mà ông đã sáng tác thời trẻ:
“em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời…”
Mẹ Tôi – nhạc sĩ Nhị Hà
Trong các ca khúc trữ tình trước 1975 viết về mẹ, bài Mẹ Tôi của nhạc sĩ Nhị Hà xứng đáng là một trong những ca khúc hay nhất. Có một điều đặc biệt hơn khi chúng ta biết rằng ca khúc này được nhạc sĩ Nhị Hà sáng tác khi mới tròn 13 tuổi.Mẹ ơi con nguyền nhớ lời mẹ khuyên…
Nhạc sĩ Nhị Hà tên thật là Lê Quang Mại, sinh năm 1935 ở Quảng Bình. Ông là người con thứ 2 trong một gia đình có 5 người con.
Ca khúc Mẹ Tôi của nhạc sĩ Nhị Hà là một sự phối hợp đặc biệt giữa khả năng thiên phú về âm nhạc và lòng thương yêu hết lòng người mẹ đã cả đời tận tụy cả đời vì con cái.Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai
Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại
Cầu mong con mình có một ngày mai
Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn
Mẹ tôi mỉm cười nhìn bóng con ngoan
Không than không phiền dù lâm hoạn nạn
Lòng tin con mình xứng thành người dân
Chiều chiều, bên liếp lều tranh
Mẹ tôi đứng đợi đàn con
Trước gió tóc trắng loa xòa
Đôi mắt dịu hiền như bể tình thương
Đàn con xứng thành người dân
Nhưng nay con đã nên người
Thì nay còn đâu bà mẹ hiền xưa
Chiều nay đốt hương tưởng niệm trước mồ
Nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa
Công ơn sinh thành ngày nao đền trả
Mẹ ơi con nguyền nhớ lời mẹ khuyên
Đèn Khuya – nhạc sĩ Lam Phương
Trong làng nhạc vàng miền Nam trước 1975, nhạc sĩ Lam Phương luôn được xem là một trong những tên tuổi tiêu biểu nhất. Sáng tác của ông rất đa dạng và nhiều chủ đề. Xuất hiện trong nhạc của ông là những người lính, người tình, người lữ thứ, người nông phu… và có cả người mẹ trong ca khúc Đèn Khuya.
Nhạc sĩ Lam Phương từng chia sẻ rằng nhạc phẩm Đèn Khuya được ông sáng tác năm 1958, cùng khoảng thời gian với bài Kiếp Nghèo, là những nhạc phẩm thể hiện bóng dáng người mẹ mà ông yêu thương rất mực. Ông thể hiện tình cảm với mẹ: “Tôi thương má tôi lắm! Má tôi là một người đàn bà quê mùa, nhưng mà thực lòng thương tôi lắm.
Khi mới 10 tuổi, nhạc sĩ Lam Phương (tên thật là Lâm Đình Phùng) đã rời quê lên Sài Gòn tìm việc làm để phụ giúp gia đình. Đêm đêm, sau những giờ lang thang khắp thành phố để mưu sinh, ông đi qua con hẻm dưới ánh đèn đường vàng vọt để trở về căn nhà của người dì ở khu Đakao (Tân Định) và thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Hình ảnh của mẹ và những đứa em ở quê nhà hiện lên trong tâm trí:“Nhớ khi mẹ lo sớm chiều
Nhớ nụ cười khi nâng niu
Đôi tay run run ánh mắt dịu hiền…”
Những đêm mưa, nỗi nhớ quê nhà càng thêm da diết và những lời nói của mẹ hiền từ thuở ấu thơ dường như văng vẳng bên tai:
“Lời mẹ hiền ru còn nhớ khôn nguôi:“Khi lớn con đi trên vạn nẻo đời
Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay…”
Ánh đèn vàng hiu hắt trong những đêm mưa chỉ soi rõ hơn chiếc bóng đơn độc của mình trong ngõ hẻm lầy lội:
“Đêm về quạnh hiuNghe tiếng mưa rơi mà nhớ thương nhiều
Đường về đèn khuya in bóng cô liêu…”
Khi đã về đến mái nhà trọ hoang lạnh, kẻ tha hương lại thao thức suốt đêm, nhớ lại những ngày ấu thơ bên cạnh mẹ và mong chóng đến ngày đoàn viên:
Không biết đêm nay vì sao tôi buồn?
Buồn vì trời mưa hay bão trong tim?
Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm
Để rồi buồn ơi nghe tiếng mưa đêm
Lời mẹ hiền ru còn nhớ khôn nguôi:
“Khi lớn con đi trên vạn nẻo đời
Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay”
Trong một ca khúc khác, nổi tiếng hơn, là Kiếp Nghèo, nhạc sĩ Lam Phương cũng nhắc tới bóng dáng mẹ hiền trong câu hát:
“Êm êm tiếng hát ngân nga, ôi lời mẹ hiền ru thiết tha…”Nội dung bài hát Kiếp Nghèo là một bức tranh thu gọn nhưng sống động về xóm nghèo ngày xưa. Đó là những lối quanh lầy lội, đường đê tối tăm… Ở từ cái nơi u tối đó bỗng sáng lòa lên một hình tượng rất đẹp: “Êm êm tiếng hát ngân nga, ôi lời mẹ hiền ru thiết tha…”
Đối lập với sự ấm áp đó là bên ngoài có một người lữ khách một mình lạnh lùng đi trong mưa gió, nhìn vào khe cửa thấy khung cảnh đầm ấm rồi xót thương cho mình, thương cho đường về quá xa…Bà Mẹ Gio Linh – nhạc sĩ Phạm Duy
Với nhiều thế hệ yêu nhạc, Bà Mẹ Gio Linh là một trong những bài hát nằm lòng, ca khúc này viết về sự bi thương tột cùng của những bà mẹ mất con trong thời chiến.Câu chuyện trong Bà Mẹ Gio Linh xảy ra ở làng Mai Xá Chánh, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ca sĩ Thái Thanh từng nói lần nào hát Bà Mẹ Gio Linh, bà cũng khóc và nhiều người trong chúng ta cũng từng rưng rưng khi nghe ca khúc này. Bài hát là sự pha trộn giữa những nỗi căm phẫn, sự bao dung, một niềm đau không gì bù đắp nổi, nhưng rồi người ta cũng vẫn phải sống.
Câu chuyện đã được nhiều người biết là năm 1948, lính Pháp ở đồn Nhĩ Hạ bắt được ông Nguyễn Đức Kỳ người làng Mai Xá Thị, và Nguyễn Phi – người làng Mai Xá Chánh rồi đem hành quyết, cắt đầu găm vào đòn xóc, thả xuống đoạn sông trước chợ, cũng là trước cửa đình.
Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu
Hò ơi ơi ới hò ! Hò ơi ơi ới hò!
Nghẹn ngào không nói một câu
Nghe tin dữ, bà mẹ của ông Kỳ – cùng người nhà ông Phi – cắp thúng ra chợ, gói đầu con vào chiếc khăn rồi giấu trong thúng đem về, sau đó bỏ vào hộp vuông đem đi chôn cất.
Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầyMẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay
Ta yêu con ta, môi thắm bết máu cờ
Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta
Câu chuyện này, khi vào Bình Trị Thiên công tác, nhạc sĩ Phạm Duy (lúc đó tham gia kháng chiến) được nghe kể lại, và ông xúc động sáng tác ca khúc Bà Mẹ Gio Linh.
Trong cuốn nhạc được nhạc sĩ Phạm Duy phát hành trong nước năm 2005 (sau khi về định cư tại VN), ông nói:“Bà Mẹ Gio Linh (1948) là chuyện một bà mẹ ở huyện Gio Linh, Quảng Trị, có người con đi dân quân bị lính Pháp bắt rồi bị chặt đâ`u treo giữa chợ. Không ai dám lấy cái đầu của anh dân quân xuống để đem đi chôn. Rốt cuộc bà mẹ lẳng lặng ra chợ lấy đầu con bỏ vào khăn gói mang về. Tôi đã viết ra những câu ca:
Mẹ già tưới nước trồng rauNghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu…
Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Đường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa gieo…
Bài hát Bông Hồng Cài Áo được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác dựa theo bài tùy bút của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đây là một ca khúc đặc biệt, thường được cất lên vào mỗi dịp Vu Lan tháng 7 để ca ngợi công đức của đấng sinh thành.
Về hoàn cảnh sáng tác này, có một lần Phạm Thế Mỹ đã kể lại:“Năm 1963, do tham gia phong trào đấu tranh của Phật giáo tôi bị chính quyền cũ bắt giam 1 năm tù. Ở trong tù, người tôi nghĩ đến nhiều nhất là mẹ tôi. Cho nên khi ra tù, tình cờ đọc được tập văn xuôi ‘Bông Hồng Cài Áo’ của thiền sư Thích Nhất Hạnh, những tình cảm trìu mến về mẹ lại bùng lên và tôi đã hoàn thành ca khúc ‘Bông Hồng Cài Áo’ vào năm 1967”
Miên Đức Thắng – Bông Hồng Cài Áo
“Vào những năm đệ thất hay đệ lục (lớp 6,7), lúc đó tôi đang hát trong ban Tiếng Thùy Dương của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ tại Đà Nẵng, một buổi chiều đến nhà nhạc sĩ để tập nhạc như thường lệ, tôi vô cùng ngạc nhiên nhìn thấy thầy của mình đang ngồi nghiêm vòng tay bên cạnh cây đàn piano quen thuộc ở góc nhà.
Thấy tôi bước vào, thầy nói rằng: “Thầy có lỗi bị mẹ thầy phạt, vậy em đứng chờ đi, khi nào mẹ thầy tha thì thầy sẽ dạy em”.
Ngay lúc đó, mẹ thầy từ nhà sau bước ra và nói: “Thôi học trò con đến rồi, mẹ tha cho con đó”.Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đứng dậy và nói: “Con cảm ơn mẹ!”
Hình ảnh cảm động đó đeo đuổi tôi suốt đời vì chỉ có tình yêu thương mẹ vô vàn, bằng cả tấm lòng quý mến vô biên, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mới viết được ca khúc “Bông Hồng Cài Áo”.Ngoài những bài hát tiêu biểu đã nhắc đến, trong dòng nhạc vàng còn rất nhiều ca khúc nổi tiếng viết về mẹ khác, được nhiều thế hệ yêu thích, có thể kể đến Lời Của Mẹ (Rồi 20 Năm Sau) – Trầm Tử Thiêng & Tấn An, Mùa Xuân Của Mẹ – Trịnh Lâm Ngân, Bóng Mát – Phạm Thế Mỹ, Lạy Mẹ Con Đi – Anh Bằng, Ca Dao Mẹ – Trịnh Công Sơn…
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire