mardi 24 mai 2022

Cái Cặp Táp Lạ Đời ! - Nguyễn Thanh Ty

Bọn con nít xóm tôi đông hàng hà sa số. Xóm tôi, đàn bà ai cũng mắn đẻ và đẻ sai nữa kìa. Nghe người ta " bình lựng" rằng những xóm ở gần đường xe lửa là những hảng chuyên sản xuất con nít hàng lô, hàng lốc. Không biết tại sao ở gần đường rầy đàn bà lại hay đẻ? Đẻ sòn sòn năm một. Có lẽ cái âm thanh "xình xịch" của xe lửa mỗi "chuyến đi về sáng” đồng thanh cộng hưởng với độ rung của cái giường ngủ giúp cho những đứa trẻ hăng hái ra nhìn đời chăng ?



Cái Cặp Táp Lạ Đời ! - Nguyễn Thanh Ty
Thanh Phương diễn đọc

Bọn con nít xóm tôi đông hàng hà sa số. Xóm tôi, đàn bà ai cũng mắn đẻ và đẻ sai nữa kìa. Nghe người ta " bình lựng" rằng những xóm ở gần đường xe lửa là những hảng chuyên sản xuất con nít hàng lô, hàng lốc. Không biết tại sao ở gần đường rầy đàn bà lại hay đẻ? Đẻ sòn sòn năm một. Có lẽ cái âm thanh "xình xịch" của xe lửa mỗi "chuyến đi về sáng” đồng thanh cộng hưởng với độ rung của cái giường ngủ giúp cho những đứa trẻ hăng hái ra nhìn đời chăng ?

Hay cái tiếng kin kít nghiến lên đường rày của tiếng bánh xe đánh thức những cặp vợ chồng trẻ “nửa đêm về sáng” thức dậy bất ngờ rồi không ngủ lại được nữa, bèn đem bàn cờ của bà Xuân Hương ra đánh một ván chơi ? Cứ mỗi ván cờ là có một khán giả bất đắc dĩ thò ra để chứng kiến cuộc cờ ?
Nhưng xóm tôi là xóm chài. Ba bề bốn phía là nước. Đâu có dính dáng gì tới xe lửa đâu, sao con nít cứ mỗi năm mỗi đông ? Vậy chúng từ trong nách nhảy ra hay sao ? Nếu thế thì chúng sẽ giống bà Ê Và được Đức Bời Lời làm ra từ cái xương sườn thứ sáu của ông A Đam và sẽ không có lỗ rún. Nhưng bọn chúng, trai gái, phần đông đứa nào cũng có cái rún lồi trước bụng to bằng ngón tay cái kia mà ! Thật không hiểu được! Muốn biết con nít xóm tôi đông cỡ nào cứ nhìn những lúc các ông Cố, bà Cố người Tây đi xuống xóm rao giảng đạo thì rõ. Các ông, bà truyền giáo mắt xanh mũi lõ đi trước. Đám con nít, đứa quần đùi, đứa ở truồng, rồng rắn theo sau, dài hơn mấy " goong" xe lửa. Không cách nào đếm được. Bọn nó có chịu đứng yên đâu mà đếm.
Riêng nội nhà tôi thôi, lúc đó đã bảy anh em rồi. Ai ai trong làng cũng nói một rập như nhau:
- Trời sinh voi, sinh cỏ. Ông bà cho bao nhiêu nuôi bấy nhiêu.
- Người ta thì giàu hào của! Mình giàu hào con!
Cha tôi cũng nói y như vậy, khi ông thấy bầy heo con của ông mỗi bữa ăn, quay quần xung quanh cái mâm cơm làm bằng nhôm đã có vài chỗ nứt bể sứt sẹo.
Nhưng trong cái đám con nít đông hàng hà như cát biển ấy, số được cặp sách đến trường thì mười ngón tay chưa đếm hết. Từ đuôi cồn cho đến đầu cồn, e chừng mới hơn tám đứa. Gạo không có đủ ăn nói gì đến chuyện sách vở ? Mà học thì nên ông nghè, ông cống gì ?
- Đó ! Học cho giỏi như Chín Ú, như Bảy Dẹo đó rồi thành khùng, thành điên chớ ích lợi gì!
Đa số người làng tôi luôn đưa hai nhân vật này ra như những nhân chứng tệ hại để nại lý do không cho con cái đi học. Nhất là con gái lại càng không được.
- Con gái đi học biết chữ chỉ tổ viết thơ cho trai chớ lợi lộc gì ! Năm tôi được mười tuổi thì đã biết hai người này, chú Chín Ú và anh Bảy Dẹo là người học giỏi nhất làng rồi. (Xin đọc Hình bóng nhạt nhòa để biết rõ về hai nhân vật này)
Không cần phải là thầy địa lý Tả Ao mới có thể biết rằng làng tôi khó mà phát lên được trước các lập luận đầy tự ti này.
Chúng tôi chỉ có vài móng loe ngoe được ôm cặp đến trường với sự cố gắng vượt bực của cha mẹ. “Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” như gia cảnh cụ Tú Xương thuở xưa thật đã là phờ râu tôm rồi. Cho nên, cái việc chúng tôi được ôm cặp đến trường là một điều quá sức rồi. Còn cái chuyện học được hay không, giỏi hay dốt là cha mẹ phú cho Trời. Có ai biết chữ đâu mà kèm cặp thêm cho con cái ? Có giờ giấc rảnh đâu mà ngó nhìn đến cái vở, cuốn tập của thằng con ?
Chúng tôi đi học giống như những con ngựa hoang ngoài đồng nội, như những con chim chiền chiện trên rừng, như những con cá lạc bầy dưới biển. Hôm nào thích thì vào trường. Hôm nào ham vui theo tiếng gọi " thiêng liêng" tức là mùa trái rừng bắt đầu chín tới là dấu cặp trong bụi rậm, trốn học đi hoang trong những bãi ma dương, dũ dẻ, chùm bao, nhãn rừng... Ôi ! Thời gian đi học là cả một thiên đường thần tiên cho tuổi trẻ chúng tôi !
Thật sự đi học là cả một chuyện khó nhọc cho chúng tôi chứ chẳng dễ dàng gì ! Anh em thằng Bụi, thằng Bờ con bác Sáu Chúc nói cũng có lý của nó:
- Đi học khổ chết cha! Ở nhà đi qua lồ sướng hơn, lại có tiền ăn hàng nữa!
Chúng tôi khổ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Quần áo thì chỉ một bộ duy nhất vì bị bắt buộc của nhà trường mới có: quần soọc xanh, áo sơ mi trắng. Mặc suốt một tuần, giặt một lần ngày chủ nhật, sáng thứ hai mặc tiếp. Ba năm quần sờn đít, bạc màu. Áo bục ra từng mãng sau lưng. Mới may bộ khác. Năm năm ở tiểu học tôi được cha mẹ may cho ba bộ. Về nhà là đánh trần với cái quần đùi may bằng vải ú đen. Vở thì bao bìa bằng bao giấy xi măng. Cái nhãn vở làm bằng tờ giấy học trò cắt ra theo cái mẫu "ê ti két" có vẽ hoa lá chung quanh của mấy đứa trên Đầm, mua ở tiệm tạp hóa Vĩnh An Thành đường Phan bội Châu.
Gáy mấy cuốn vở lâu ngày bị mồ hôi tay ôm mỗi ngày, sờn ra, rách lòi lưng cái bìa vở thấp thoáng in bảng cửu chương bên trong. Cây viết thì đút túi. Chạy nhảy, nô đùa một hồi, ngó lại, nó đã rớt mất ở đâu rồi. Tìm cả ngày không ra. Đành phải lấy tre vót thành cái cán rồi xin ngòi viết lá tre cũ đã bị rè của thằng bạn vất ra, cột vào, xài đỡ. Ngòi viết lá tre rẻ nhất. Năm cắc ba cái. Ngòi viết dẹp năm cắc hai cái. Đắt nhứt là ngòi viết bầu. Một đồng hai cái. Mất viết là chuyện dài dài. Đâu thể mỗi tuần xin tiền mua viết một lần vì tội ham chơi làm mất. Bình mực thì lấy giây nhợ cột tòng teng ở cổ bình, đeo bên hông. Nhảy một hồi, nắp bung ra, mực chảy tá lã xuống quần, xuống lưng, ròng ròng theo ống cẳng. Ngó lại mực trong bình còn chút xíu không đủ ngập một phần tư ngòi viết. Đổ nước thêm vào cho đủ chấm. Lúc viết bài, mực lạt nhách chỉ thấy mờ mờ. Xin thằng bạn kế bên một chút pha vào cho thêm độ đậm. Ai ngờ mực nó loại khác, pha vào chống nhau, mực bị thúi, không ra màu gì cả. Giơ bình lên trời soi, thấy nước trong veo, còn mực thì đóng cục lợn cợn những hột li ti. Phải đem đi đổ, súc bình cho sạch, mới bỏ mực khác vào. Nay mực xanh. Mai mực tím. Xin được mực nào viết mực ấy. Hóa ra cuốn vở đủ màu. Một màu dơ dáy. Chữ viết lẫn lộn lung tung như gà bới rác.
Nói đến sách học “thêm" thì càng khổ hơn nữa. Đầu năm, thầy giáo cho biết một số sách cần phải mua để tự học thêm ở nhà. Quan trọng nhất là sách toán pháp. Trò nào muốn mua thì góp tiền cho lớp trưởng gom lại, Thầy sẽ gửi nhà sách mua dùm một lần cho rẽ hơn giá bán từng cuốn. Năm tôi học lớp Ba với thầy Phạm văn Thanh, cuốn sách toán pháp chỉ có ba đồng, mà tôi vẫn không có nổi để góp mua. Năm ấy, thầy đã xuống tận nhà tôi, tặng cho tôi cuốn sách đó trong lúc tôi đang xây bột nếp để Má tôi nấu chè sôi nước bán.
Thầy chép miệng:
- Con thiệt là nghèo cháy túi !
Suốt đời tôi không bao giờ quên được cái ngày này. Ngày lịch sử trọng đại nhất đời tôi.
Tập vở cũng là vật che mưa che nắng. Ngày nắng chang chang thì đội vở lên đầu mà đi. Ngày mưa phùn, mưa lai rai cũng dùng vở che đầu thay cho nón lá. Gặp ngày mưa to hay mưa dông thì đút vở trong bụng mà chạy thục mạng. Loi ngoi lóp ngóp. Tập vở bèm hem, nhàu nát. Chữ nghĩa quanh rìa lem nhem loang lỗ như bức tranh mây chó.

Đâu có đứa nào có cặp, dù là cái cặp nhựa một ngăn của Ba Tàu sản xuất, in hình mấy đứa trẻ Tàu mặt mũi ngô nghê, màu sắc loè loẹt, cũng đang mang cặp trên lưng đến trường. Tôi mơ ước có một cái cặp táp làm bằng da bò màu vàng, có ba ngăn. Thằng Trụ ngồi bên cạnh, có một cái mới "keng". Ngày ngày nó xách cặp táp đi học. Nhìn cách nó cầm cái quai cặp táp da bò đi vào lớp, bộ điệu chững chạc như người lớn, tôi thèm thuồng và kính nể nó biết bao. Sách vở nó lúc nào cũng tinh tươm sạch sẽ. Nó lại học giỏi nữa. Tôi định bụng nó học giỏi một phần cũng nhờ vào cái cặp táp này. Nếu tôi có được một cái như nó nhỉ ! Lúc ấy tôi cũng sẽ học giỏi, biết chừng còn hơn nó nữa là đằng khác.
Nhưng suốt thời gian đi học, tôi không bao giờ có được một cái cặp táp như trong ước mơ. Dù rằng sau này lên trung học, những cái cặp làm bằng da thuộc, màu đen, lớn hơn, có nhiều ngăn hơn, oai vệ hơn càng làm tăng thêm cái thèm thuồng ước muốn của tôi.
Một ngày kia, không biết cha tôi mua hay xin được ở đâu đó một miếng bạt vải bố nhà binh màu xám xanh cứt ngựa, rất to, bằng chiếc chiếu đôi. Tôi thấy ông lấy dây thước thợ may đo dọc, đo ngang miếng vải bố nhiều lần rồi lẫm nhẩm tính toán. Một lúc, ông lại bảo tôi cho ông mượn cuốn vở. Ông dùng cuốn vở tôi làm ni, đo tới, đo lui. Ông dùng cục than bếp và cái đòn gánh má tôi làm thước, gạch một đường dài theo chiều ngang tấm bố. Ông lại dùng dao rọc cho đứt rời ra làm hai mãnh. Mãnh nhỏ bề ngang lớn hơn cuốn tập một chút, ông cuốn tròn lại dựng ở sau tủ thờ. Miếng lớn ông làm cho má tôi tấm phên che nắng, che mưa ngồi bán hàng, thay cho tấm phên làm bằng lá dừa nặng trịch, di chuyển khó khăn. Mấy hôm sau, ông đem về một cái dùi, một cuộn dây cước mãnh, loại tôi hay dùng để câu cá sơn lòng tong và một cây kim to, loại kim thiến heo. Ông đem miếng vải bố ra, vừa dùi lỗ, vừa xỏ kim, may may, cột cột.
Tôi tò mò không biết ông làm cái gì. Dần dần nó thành hình cái túi dết, giống như cái túi đặt trên lưng lừa, thồ vật dụng. Túi dết có hai ngăn. Ngăn bên trái, ngăn bên phải. Gấp đôi lại, hai túi nằm bên trong.
A ! Tôi biết rồi! Cha tôi may cho tôi một cái cặp táp để cho tôi đựng vở và viết cùng những thứ linh tinh như gôm, bút màu, bút chì...
Tôi sung sướng nhìn cha tôi, lòng thầm cám ơn ông. Ông đã quan tâm tới chuyện học hành của tôi từ lâu mà tôi không biết. Cha tôi không biết chữ nên ông không cách nào giúp gì được cho tôi trong việc học hành. Ngày ngày ông chỉ có la rầy là tôi ham chơi và một câu duy nhất ông nói với tôi như vừa nhắc nhở vừa hăm he:
- Bữa nay học bài thuộc chưa ?
Dĩ nhiên, trăm lần như một tôi đều trả lời như máy:
- Dạ ! Thưa cha ! Thuộc rồi.
Hai ngày sau cái cặp táp hoàn tất. Ông xin dầu rái trong của ông ngoại tôi phết lên lớp bố. Lớp này vừa khô, ông phết lớp khác lên. Nhiều lần như vậy, tuần sau tôi có chiếc cặp cứng cáp, bóng lưỡng, ngon lành. Tôi dồn hết mọi thứ vô hai ngăn. Hai ngăn đầy sách vở phồng lên giống như bụng con lừa có chửa. Cha tôi quên, không may cái quai xách. Bây giờ có may cũng hết vải bố rồi!
Ngày đầu tiên tôi ôm cái cặp táp vải bố hăng hăng mùi dầu rái đi học, bọn trong xóm đứa nào cũng trầm trồ, chạy theo coi. Tôi hãnh diện vô cùng. Tám đứa học trò trong làng chỉ có mỗi mình tôi có cặp. Ôi chao ôi ! Còn niềm hãnh diện nào bằng!
Tôi sẽ học giỏi vượt bực nhờ cái cặp này ! Tôi sẽ làm toán dễ dàng cũng sẽ nhờ cái cặp này. Nghĩa là nhờ cái cặp này, ngày mai cuộc đời đứa học trò dốt toán, ít khi thuộc bài của tôi sẽ đổi khác. Cứ ôm cái cặp trong lòng là mọi sự sẽ như phép lạ của bà Tiên, đều tốt đẹp hết. Tôi sẽ bằng rồi qua mặt thằng Trụ một cái vù. Nó sẽ há hốc miệng ra và tha hồ mà ngạc nhiên. Tôi vừa đi vừa miên man nghĩ bao điều thú vị trong đầu. Bất giác cười thành tiếng.
Khi tôi vừa vào đến lớp, chưa kịp khoe cái cặp mới tinh cho mấy đứa bạn ngồi gần thì bọn chúng đã xô tới, giằng cái cặp trong tay tôi, chạy vòng vòng xung quanh dãy bàn học vừa cười hô hố, vừa banh cái cặp làm hai ra. Sách vở bút mực, bút chì rơi ra tung toé trên nền xi măng. Chúng chuyền cái cặp tôi như chuyền banh cho nhau xem rồi cười ngặt nghẽo. Ban đầu tôi giận tím mặt. Chúng dám đem cả một công trình của cha tôi ra mà chế diễu. Tôi chạy theo giựt lại. Vừa túm được đứa này thì nó đã tung sang cho đứa khác. Thấy tôi càng đuổi theo chúng càng đùa dai. Chúng đem cái cặp da bò của thằng Trụ so với cái cặp mới của tôi rồi hò lên:
- Chúng mày hãy xem cái cặp táp tân kỳ có một không hai trên đời nè!
- Cái cặp của nó bay mùi Cồn quá tụi bay ơi!
Bây giờ thì tôi mới nhận ra rõ ràng cái cặp của cha tôi may, nằm bên cạnh cái cặp táp da bò của thằng Trụ, thật quê mùa, xấu xí quá đỗi. Trông nó trụi lũi, bóng láng một vách vô duyên như cô gái quê tập đánh phấn lần đầu vụng về, hai gò má đỏ như hai khuôn dấu ịn lên vậy. Cuối cùng thì trò chơi quái ác của chúng cũng phải chấm dứt khi trống vô lớp đã đánh thùng thùng.
Tôi bẽn lẽn lấy lại cái cặp và thu gom sách vở xếp vào như cũ. Tôi bỏ nó vào hộc bàn rồi ngồi thu lu buồn xo. Bao nhiêu hý hửng buổi sáng mai khi ra khỏi nhà bây giờ tan biến hết. Thay vào đó là nổi mặc cảm tủi hổ của con nhà nghèo. Tôi lại nhớ đến bài học thuộc lòng :
...
Con nhà nghèo nhiều khi vất vả,
Khỏi học đường thư thả được đâu!
Khi thì quảy nước tưới rau,
Chợ tan, đòn gánh theo sau mẹ già!
Việc giấy bút vẫn là đi học!
Chốn học đường khó nhọc nhường bao!...
Rồi tôi tủi thân, ngồi khóc thút thít...
Khi Thầy vào lớp thấy tôi khóc, hỏi duyên cớ, có đứa mách câu chuyện cái cặp lạ đời của tôi cho Thầy nghe. Thầy bảo tôi đưa cho Thầy xem. Tôi rụt rè đưa “cái vật lạ đời” cho Thầy. Thầy cầm nó đem lên bục, ngắm nghía hồi lâu, rồi quay xuống lớp, nghiêm giọng:
-Tại sao các con lại đem cái cặp của trò ấy làm điều chế diễu ? Thầy thấy đây mới đích thực là cái cặp đáng quí. Cha trò ấy vì thương con nhưng nhà nghèo nên phải tự tay mình may cho con một cái cặp tự chế để con giữ gìn sách vở với mưa nắng. Các con có cảm thấy mỗi đường may là cả một tình thương ấp ủ trong đó không ?
Thầy khuyên các con không nên làm chuyện saí quấy như vậy nữa!
Tôi càng nghe Thầy nói càng thổn thức nhiều hơn. Bây giờ tôi khóc thực sự. Khóc không phải vì mặc cảm xấu hổ như lúc nãy mà khóc vì cảm động với những lời của Thầy. Lời Thầy như nước Cam Lồ chảy vào lòng tôi, thấm từng tế bào, thấm vào gan ruột làm cho cho cả người tôi ngọt mềm ra với dòng suối tràn đầy cảm xúc chan chứa ân tình của cha tôi. Hình ảnh ông ngồi gò lưng cặm cụi hai buổi trưa may cho tôi chiếc cặp sao mà thương quá đổi.
... Tôi ôm cái cặp lạ đời đó từ lớp Ba cho đến lớp Nhất. Bây giờ thì nó đã quá thân thương với tôi và cũng đã quen mắt với mọi đứa học trò trong trường rồi. Không ai chú ý đến nó nữa. Đến năm lớp Nhất thì lớp dầu rái bên ngoài đã bong ra gần hết để lòi ra loang lỗ cái màu xám xanh cứt ngựa như xưa. Có vài chổ đã bạc màu , thấy rõ cả những sợi vải đan chéo nhau. Bốn góc cặp cũng mòn lĩn và một góc đã thủng một lỗ to bằng ngón tay. Mấy cây viết cứ theo đó mà rơi ra ngoài. Cha tôi xin một miếng rẻo vải xanh ka ki bằng bàn tay ở quán may chú Đạm, vá chằm lên để bít cái lỗ.
Qua bao năm tháng, cái cặp giỡ ra, xếp vào không biết bao nhiêu lần, nay đã xếp thành lằn ở chính giữa và mòn dần muốn đứt ra làm hai mãnh. Tôi phải ôm nó thật cẩn thận khi đi học mỗi ngày. Nó đã từng che mưa, che nắng cho tôi như cánh tay của cha tôi vươn ra và bảo vệ sách vở tôi chu đáo không thua gì những cái cặp da bò đắt tiền của những đứa con nhà giàu.
Rồi ngày tàn của nó đến lúc cũng phải tới. Đó là qui luật đất trời. Đâu có gì là vĩnh cữu. Nhưng nó đã tới một cách oanh liệt, hào hùng và cảm động.
Trong trận thư hùng với bọn du côn đánh giầy năm cuối cùng trước khi tôi rời mái trường Nam Tiểu Học thân yêu, chúng tôi đã đánh nhau một trận kịch liệt với bọn chúng.
Chiếc cặp đã che cho tôi khỏi bị cái thùng gỗ đánh giầy xáng vào đầu. Và tôi đã dùng chiếc cặp như một vũ khí đánh lại chúng. Tôi vung cái cặp quay tít quanh đầu, xông vào giáp chiến. Bọn thằng Phát, thằng Jean, thằng So, thằng Lía... nhào vô cả tay lẫn chân đá, loi, thoi, chọt tưng bừng...Bọn đánh giầy chỉ còn đưa thùng gỗ lên che mặt và tháo lui. Tôi vung trúng một cái thùng gỗ. Hai vật chạm nhau dữ dội. Cái thùng gỗ văng ra xa. Cái cặp tôi đứt lìa làm hai. Một nửa bay về phía chúng. Thằng Phát nhảy tới cướp cái thùng. Bọn chúng chộp lấy một nửa cái cặp của tôi chạy tuốt về phía chợ Đầm, mất dạng.
Tôi không bao giờ tìm được trở lại một nửa cái cái cặp đó. Tôi thương nhớ nó vô cùng. Nó đã xa rời tôi vĩnh viễn. Một nửa hồn tôi đã gắn liền với nó, Giờ đây chỉ còn lại nổi ngậm ngùi. Tôi giử một nửa còn lại làm kỷ niệm cho mãi đến khi học hết trung học.
Và khi rời Nha Trang, dấn thân vào chốn mưa gió cuộc đời để dành giật miếng cơm manh áo đời thường, mỗi lần nhớ lại “cái cặp lạ đời” với cả một quá khứ non dại, tôi không khỏi mĩm cười và bồi hồi thổn thức.
Tôi lại nhớ đến cha tôi, cái hình ảnh ông ngồi cặm cụi, vừa dùi lỗ vừa xỏ kim, may cho tôi chiếc cặp một cách chắm chú, tẳn mẳn, tỉ mỉ, tôi càng cảm thấy câu: Công cha như núi Thái Sơn...ý nghĩa to lớn và sâu sắc biết nhường nào !

Nguyễn Thanh Ty
 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire