jeudi 12 mai 2022

Nhạc sĩ TRỌNG KHƯƠNG đã chết ngậm ngùi ra sao - Trần Quốc Bảo

Trưa thứ tư ngày 17 tháng 7, 2013, đang viết những dòng cuối để gửi bài đi, thì điện thoại của PHQ báo tin ra gấp nhà hàng Star Fish vì có chị Kiều Loan từ San Diego lên thăm các bạn bè trong nhóm Nghệ Sĩ Một Thời Sàigòn Nhớ. Kiều Loan là một chất keo để dán chặt những bạn bè trong những ngày vui lẫn cả lúc giận hờn. Bước chân vào cửa nhà hàng Star Fish, là mùi đồ ăn đã ngào ngạt thơm phức, là tiếng nói cười rộn ràng lan tỏa của cô chú nhà văn Nhật Tiến, Phượng Linh, Phượng Khanh, Linh Phương, Trang Thanh Lan, Mai Lệ Huyền, xướng ngôn viên Chuly, Anh Nghĩa, Kiều Loan, Phương Hồng Quế, Cát Phương, Hạnh và con trai Bình.. 

Nét mặt tươi nhất là ca sĩ Quốc Anh sau khi thành công lớn với đêm ra mắt CD Hoa Cài Mái Tóc vào tối thứ sáu tuần qua (12/7), đêm đó khán giả, nghệ sĩ và Ông Thần Tài đều hiện diện và chúc mừng Anh nồng nhiệt. CD mới của Quốc Anh gồm có 11 bài hát tủ như Gặp nhau làm ngơ, Kim, Quando Quando, Sầu đông, More than I can say, Hoa cài mái tóc, Amor amor… mà người ca sĩ này đã làm nhiều người say mê hơn 30 năm qua. Tôi cũng rất yêu mến phong cách trình diễn sống động của Quốc Anh khi anh hát Bánh Xe Lãng Tử và Ghen của Trọng Khương, đó là những bài hát đã trở thành bất tử, cho dù người sáng tác ra nó, đã chết trong âm thầm và lặng lẽ nhất.

Có một lần trò chuyện tâm sự với nhạc sĩ Châu Kỳ tại nhà hàng Thanh Mai khoảng năm 2003, người viết bùi ngùi mãi về câu chuyện do tác giả Con Đường Xưa Em Đi, Đừng Nói Xa Nhau kể lại cái chết hiu quạnh của Trọng Khương, một nhạc sĩ nổi tiếng với một số bài hát do Ông sáng tác từ đầu thập niên 50-60, trong số đó, có 2 ca khúc được nhiều người nhớ đến nhất, đó là Ghen và Bánh Xe Lãng Tử. Những ca khúc của Ông cũng đã góp phần thành danh cho một số ca sĩ thời bấy giờ. Sau năm 1975, không ai còn thấy Ông đâu và theo lời nhạc sĩ Châu Kỳ kể lại thì nhạc sĩ Trọng Khương đã mất năm 1977 và cũng chính Châu Kỳ cũng là người có mặt lúc tẩm liệm tác giả Bánh Xe Lãng Tử trong những giờ phút sau cùng.
Châu Kỳ kể lại: “Đó là năm 1977, cái thời dân SG còn lao đao vì miếng cơm manh áo lắm”. Lúc ấy, nhà Châu Kỳ bấy giờ ở gần ga xe lửa Hòa Hưng. Cứ vài ngày thèm rượu quá, Châu Kỳ hay đi tìm mua uống chút cho đỡ thèm. Từ trước 1975, nhiều người đã biết Châu Kỳ có thể uống quanh năm suốt tháng mà không ngưng nghỉ phút giây nào. Lạ một nỗi, nhiều người uống rượu nhiều chừng nào càng dễ sinh ra biết bao thứ bịnh về gan, phổi… chỉ riêng Châu Kỳ thì tình trạng sức khỏe của Ông lại tốt vô cùng. Uống càng nhiều, da dẻ càng hồng hào, thần sắc thêm minh mẫn và ý tưởng sáng tác rất phong phú dồi dào. Điều đáng ngại duy nhất, là khi Ông uống rượu vào, thì tánh dễ nóng nảy, những buồn phiền uẩn ức dễ dàng tuôn trào bằng những lời trách đời trách người đã xô đẩy Ông vào hoàn cảnh bế tắc. Nhiều lần, chính Ông cũng đã bị rắc rối vì những lời phát biểu lúc có men say.
Trở lại với câu chuyện một buổi chiều năm 1977 đi mua rượu ở ga xe lửa Hòa Hưng, Ông gặp được nhạc sĩ Trọng Khương đang đi lang thang buồn bã trên đường với quần áo nhàu nát, tóc tai bù rối. Sau những giây phút đứng tâm sự về cảnh đời hai bên giai đoạn này, Châu Kỳ khuyên Trọng Khương về nhà Ông nghỉ ngơi chứ đừng đi lang thang nữa nhưng tác giả Bánh Xe Lãng Tử nằng nặc chối từ. Trọng Khương cầm cây đàn guitar chào tạm biệt Châu Kỳ rồi đi, sau khi kể cho Châu Kỳ nghe về nỗi buồn cay đắng của Ông khi hôm nay Ông ghé qua nhà của N.L – một danh ca Sài Gòn thập niên 60 – người từng được nổi tiếng với những ca khúc của Trọng Khương. Khi đến nhà N.L để cầu cạnh sự giúp đỡ, thì N.L đã thẳng thắn chối từ và nói nhiều lời đau lòng xúc phạm đến Trọng Khương. Cay đắng với thế thái nhân tình và xót xa với một bản thân hiện tại, thế là như lời một bài nhạc của TCS: “Trời cao đất rộng, một mình tôi đi. Đời như vô tận một mình tôi về với tôi”.
Qua ngày hôm sau thì dân ở ga xe lửa Hòa Hưng đều biết tin Trọng Khương nằm chết co ro hoang lạnh trên hè ga, tay còn cầm cây đàn guitar của mình và mặt Ông lúc chết như còn vương bao điều xót xa chưa nói hết. Hai bài nhạc nổi tiếng nhất của Ông là Ghen và Bánh Xe Lãng Tử được viết theo thể loại nhạc nhanh, vui, Twist, và trải qua gần nửa thế kỷ, những dòng nhạc trên vẫn được nhiều thế hệ hát trong các đêm dạ vũ, đại nhạc hội, tiệc tùng… Những dòng nhạc thì rất vui nhưng lòng người sáng tác và cuộc đời của họ thì lại u ám như một mùa đông dài ngàn thu. Viết ra những giòng này, lòng người viết lại một lần nữa bùi ngùi nhớ đến Trọng Khương, một tài danh sáng tác đã mang đến cho đời những niềm vui mênh mông và đã ra đi hiu quạnh chẳng ai hay biết.

Chú thích:

Chúng tôi nhận được chia sẻ dưới đây của độc giả Hồ Đình Vũ về bức hình được cho là Trọng Khương trong bài viết (Đọc thêm) của Trần Quốc Bảo. Theo anh Hồ Đình Vũ thì:

“…Bài viết về nhạc sĩ Trọng Khương có hình minh họa không đúng. Trên bià tờ nhạc Đôi Guốc Mới của Trọng Khương in hình nghệ sĩ Hoàng Hải, vì thế rất nhiều người nhầm đó là hình Trọng Khương.

Nghệ sĩ Hoàng Hải là anh ruột của đại tá không quân Lưu Kim Cương, ông hoạt động trong ban kịch nói của cô Linh Sơn, cùng với Hoàng Năm. Có một thời gian ông vào ban AVT nên đổi nghệ danh thành Anh Hải, để giữ chữ A (V là Vân Sơn, T là Tuấn Đăng), hình như bây giờ không ai còn giữ được hình nhạc sĩ Trọng Khương cả…”.

Anh Hồ Đình Vũ cũng gởi kèm bức hình của Nghệ sĩ Hoàng Hải: 

  clip_image007

 TV&BH xin chân thành cám ơn anh Hồ Đình Vũ, mong rằng anh cũng như các độc giả khác cùng góp tay để chúng ta lưu trữ được những tài liệu quý và chính xác cho các thế hệ mai sau. (TV&BH).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire