jeudi 30 mars 2023

Hà Thúc Sinh: Tủi Nhục Ca - T.Vấn

“Tủi Nhục Ca” là những tù khúc Hà Thúc Sinh viết trong tù cải tạo và sau đó được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới tị nạn Việt ở thập niên 80. Mười một tù khúc nổi tiếng này đã được thu băng qua giọng Khánh Ly năm 1981, và đã được phát về Việt Nam rất thường xuyên qua các đài phát thanh quốc tế VOA, BBC, Úc Châu vào thời đó.

“ . . . Có một nhạc sĩ, có một ca sĩ, có một đêm tối, có chung quanh là rình rập bắt bớ; một tiếng hát thì thào cất lên trần truồng từ tăm tối. Ngoài tiếng hát tất cả đều im lặng, sự im lặng như phát thành tiếng thay cho tiếng đàn đệm. Người ca nhạc sĩ đó chính là Hà Thúc Sinh với những bản Tủi Nhục Ca mà “Đêm Việt Nam” của anh là một, tôi nói không sai, đã được hoàn thành và hát cho bạn bè nghe ngay trại tù Trảng Lớn vào đêm Giáng Sinh 1975.

 

Hà Thúc Sinh: Tủi Nhục Ca - Tác giả T.Vấn - Giọng đọc Cát Bụi 

Đêm hôm đó rét lắm, cái rét mà người miền Nam bảo là “bộ đội cụ Hồ” đem từ Bắc vào. Riêng đám tù, cái rét còn kinh khủng hơn, vì khi ra đi nộp mình ít người mang theo  chăn mền áo ấm. Và trong cái giá lạnh đó, chúng tôi sáu, bảy đứa co ro ở một góc tối nhất trong cái hội trường làm từ những tấm “ghi” sắt, để ăn “Réveillon !” bằng “gô” nước chùm bao với một nhúm thuốc lào. Ở đấy, chúng tôi “bình luận thời cuộc”, đoán mò tình hình gia đình, và trao đổi nhau những câu thơ đắng ngắt. Nguy hiểm lắm, chết như chơi, vì bọn vệ binh quản giáo có thể ập tới bất cứ lúc nào, chưa kể vài cái cần ăng-ten không tránh khỏi; hơn nữa trong bọn lại có Xuân Ròn tức HTS, người đã bị “ghim” ngay vài tuần đầu sau ngày nhập trại vì tội “mười năm ra rả chửi cách mạng”  ( Câu chửi thường được Chính Trị Viên tên Môn dùng để xỉ vả Xuân.). Nhưng thây kệ, trời rét nhưng máu tuổi trẻ không bao giờ biết rét, mọi người ai làm được câu thơ nào đều đưa ra, trừ anh chàng ròn nhất vẫn im lìm. Có tiếng nói hơi lớn, “Thằng Xuân nãy giờ chỉ ‘ăn không’, có gì đi chứ.”. Một tiếng suỵt khe khẽ cất lên, “Khẽ chứ. Câm hết, nghe đây.”. Ngay khi nghe HTS hát vài câu đầu tiên bài “Đêm Việt Nam”, người nghe cảm thấy như đang chìm vào nỗi dằn vặt trong tủi nhục :

                               Đêm thế giới đang dồn một lần

                              Trên đất nước tôi gọi Việt Nam

                              Đêm bát ngát những khu trại giam

                              Đời thênh thang thu hẹp dần dần

                              Đêm em bé lên mười cùm gần

                              Anh chiến sĩ gốc Biệt Động Quân

                              Đêm thiếu nữ áo đơn tạm thu

                              Ngồi kề vai gái giang hồ lo

                              Đêm đấu tố và thủ tiêu

                              Đêm săn bắt cho đầy chỉ tiêu

                              Người chết nhanh…Người phát điên

                              Đêm cáo chung tự do nhân quyền

                              Đêm nhức buốt phang bằng chầy vồ

                              Vang tiếng thét sau cùng “Tự Do”

                              Đêm có tiếng súng sau trại giam

                              Người tù binh chết bên bìa rừng

                              Đêm thế giới đang dồn một lần

                              Trên miếng đất đã thừa lầm than

                              Đêm trút xuống hố sâu diệt vong

                              Là Việt Nam nước tôi buồn tênh 

Tiếng hát không lớn nhưng mạnh như một luồng điện cao thế đâm bổ vào mọi người. Anh hát hai lần. Tiếng hát đã dứt mà im lặng vẫn đóng cục,  một lúc mới có những tiếng thở ra rồi hít vào như bị hụt hơi. Phải mang thân phận đó và trong thời gian không gian đó, người nghe mới cảm nhận hết được thế nào là “cảm xúc đo âm nhạc lẫn âm nhạc đo cảm xúc”.

Bài Đêm Việt Nam, có lẽ là một trong hai tủi-nhục-ca đầu tiên của HTS, đã được hoàn thành và hát trong cái Tình cái Cảnh như thế đó. Bài kia là “Trại Biến Hình”, mô tả một “quyền uy điên cuồng” nuôi người trong những Trại Chăn Nuôi, nơi mà Chúa đã phải “ngậm ngùi vì khi xưa đặt người lên trên mọi loài”  mà không đóng chặt cánh cửa Hỏa Ngục, để thoát ra thứ quyền uy Lucifer toan tính biến hình và tẩy sạch chất người khỏi người. Và từ cái mưu toan quỉ quái đó, người tù đã thấy không còn hình tượng thậm chí có lúc đã quên mình từng là con người. Bài thơ Người Về bất chợt truyền tai nhau trong cư dân Trại Biến Hình như lan truyền ước vọng có ngày “người về hát một câu nhỏ, hôm nay ta lại làm người”.

Người Về

Người về giữa mùa hoa nở

Trên môi ngậm một nụ hồng

Dòng đời dừng chân soi bóng

Mái tóc như gọi buồn lên

Người về như dòng sông mỏi

Chân xưa xin lạy đường dài

Ngọn đời dù cho le lói

Cũng có tay vòng ấm vai

Người về như dòng mưa lũ

Tưới trên vườn hồn em khô

Người về như là ngăn giữ

Hóa đá thân em từng giờ

Người về thắp lại ánh lửa

So dây chơi một đoạn buồn

Cuộc đời tự dưng thấy ấm

Tiếng hát xanh ngời lòng em

Người vê hát một câu nhỏ

Hôm nay ta lại làm người

Cành đời vào Xuân thay lá

Áo cũ xin gởi gió bay

“Người Về” lúc đầu là  thơ, sau đó khi tác giả tự phổ nhạc vẫn giữ tên “Người Về” với nguyên văn lời thơ và được lan truyền qua nhiều trại tù. Những năm tiếp theo, khi tôi đã chuyển đi nhiều trại không còn ở chung với tác giả nữa, tôi thấy nhiều anh em hát bài này và bài “Đêm Việt Nam”. Gần 20 năm sau, khi mới tới Mỹ và lần đầu nghe Khánh Ly hát hai bài này tôi thấy thật xúc động nhưng cũng hơi ngỡ ngàng vì “người” đã thành “mộng”.Tất cả những chữ “người” trong bài “Người Về” đều được đổi sang “mộng” để  có tình ca “Mộng Về”, và hơi tiếc là chữ “Mộng” lại được người hát hiểu là một ước muốn thể hiện trong giấc ngủ giới hạn trong tình yêu đôi  lứa, vì “Mộng” ở đây hàm y  một ước ao thực tại hơn là cơn mơ trong giấc ngủ. “Người về” lúc ấy mang y nghĩa là chất người được trả về con người. Người là mùa Xuân và chỉ có người mới biết cười trong cái “mùa Xuân” ấy, và thật rõ ràng khi đoạn kết thúc bản nhạc có câu “Người về hát một câu nhỏ. Hôm nay ta lại làm người”. Với “Mộng Về”, tác giả cũng thật khéo khi chỉ biến “người thành mộng” mà cả bản nhạc khác hẳn nội dung thành một tình ca mượt mà trong cay đắng, mượt và đắng như “Mộng về như là ngăn giữ hóa đá thân em từng giờ” hay “Ngọn đời dù cho le lói, cũng có tay vòng ấm vai.”

Thỉnh thoảng hát cho bạn bè nghe “Đêm Việt Nam”, tôi mạn phép tác giả sửa “chết bên bìa rừng” thành “xác bêu hàng rào” vì tôi đã thấy một người tù chết xác bêu trên hàng rào. Trong tù, ban đêm người tù muốn ra khỏi “lán” để đến khu nhà vệ sinh phải cầm theo một cái đèn bão treo sẵn gần cửa, vừa đi vừa la “báo cáo các anh tôi đi vệ sinh”, khi xong quay lại lán thì “báo cáo anh tôi đi vệ sinh về”. Có một người tù kiết lỵ phải lập đi lập lại chuyện đó nhiều lần trong một đêm, tới khi mệt quá câu báo cáo rút ngắn  còn “vệ sinh”, lúc quay lại lán chỉ còn sức kêu tiếng “Về”, và lần đi vệ sinh cuối cùng không có tiếng báo cáo “Về” của người tù kiết lị nữa, đã “có tiếng súng sau trại giam” thay cho tiếng “Về” của người tù ấy. Sáng ra, vài người được lệnh ra khiêng xác người tù kiết lỵ thấy cái xác nằm vắt ngang hàng rào với nhiều vết đạn, và được cho biết “bị bắn trong lúc leo rào trốn trại”. Kiết lị gần chết còn sức đâu mà trốn trại ? Không biết ! Chỉ thấy trên tay xác người tù thiếu cái nhẫn và chiếc đồng hồ. Tôi đã nghe tiếng súng sau trại giam và thấy cả xác tù vắt ngang hàng rào. Tôi hát “Đêm có tiếng súng sau trại giam. Người tù binh xác bêu hàng rào” mới cảm thấy một cảm xúc trọn vẹn . . . “ (Trích: Phạm Tự Trọng: Đêm Việt Nam / Hà Thúc Sinh)

 01-Lời giới thiệu
02-Đêm Việt Nam
03-Đừng chết nhé ta ơi!
04-Người Nữ Tù Phước Long
05-Đoạn đường núi Sọ
06-Chàng tuổi trẻ tù binh chiến tranh
07-Thời hồng hơn của ý niệm
08-Đám ma văn hóa
09-Cơn khát Hàm Tân
10-Trại biến hình
11-Nếu tôi còn sống mà trở về

 

 

Sau đây là 11 bài tù khúc của băng Tủi Nhục Ca, cùng với phần nhạc phổ, được nhạc sĩ Hà Thúc Sinh (qua trung gian anh Bắc Phong, người phụ trách trang mạng văn học Sáng tạo – sangtao.org ) gởi đến cho TV&BH tháng 7 năm 2015, mở đầu bằng lời Giới Thiệu  của anh Hà Thúc Sinh qua giọng đọc Khánh Ly:

Có một thời sống trên trần gian muôn màu này, tôi chỉ muốn vừa đi vừa hát. Kệ cho nắng có làm kém độ buồn khi tôi thương nhớ. Kệ cho mưa có làm giảm độ vui khi tôi đợi chờ. Nắng mưa thương nhớ đợi chờ chẳng qua chỉ là chút cơn mưa dịu dàng.

Mất quê hương một ngày cho tôi biết cuộc đời không chỉ là một cơn mưa dịu dàng. Trong khóe mắt người có thể tiềm ẩn một lưỡi dao và nụ cười đời có thể cưu mang một hầm thuốc nổ.

Chén đắng Việt nam đã giúp tôi cảm nhận về một sự thật thê thảm mà khi sống êm đềm người ta hay chạy tránh nó, kể cả những nghệ sĩ sáng tạo.

Nhưng nếu một người già đã không thể chạy tránh một nấm mồ thì tôi, hồn thơ dễ vỡ năm xưa, cũng không thể chạy tránh được những sự thật mà tôi sẽ viết lại qua các ca khúc của tôi.

Tôi đã một lần và dân tôi đang nối dài cái một lần của riêng mỗi người bấp bênh đi qua sợi dây giăng trên đôi bờ vực suy vi tận diệt. Đêm từng đêm người run rẩy lắng nghe tiếng đồng lọai hẩm hiu nào đó đang quặn mình đau đớn trong giây phút trực ngộ sự hóa thú của mình.

Tủi Nhục Ca được viết từ hình ảnh và tiếng kêu thương lồng lộng bi hùng của dân nước tôi trong trạng huống đó . . . (Hà Thúc Sinh)

T.Vấn & Bạn Hữu

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire