lundi 6 mars 2023

DU TỬ LÊ - ĐỜI LƯU VONG CHƯA TẬN TUYỆT VỚI LINH HỒN - Đỗ Trường

Trong năm 2019 này, Văn học Việt mất đi hai nhà thơ tên tuổi, Tô Thùy Yên và Du Tử Lê. Thơ văn của họ đã đi qua nhiều thế hệ người đọc. Đều xuất thân từ người lính Việt Nam Cộng Hòa, tuy nhiên số phận, tính cách, cũng như hồn vía thi ca của hai nhà thơ này, hoàn toàn khác biệt. Viết không nhiều, cho đến cuối đời Tô Thùy Yên chỉ in ấn, xuất bản vài ba tác phẩm, song những thi tập ấy cho người đọc sự đồng cảm, day dứt, kính trọng với sức nặng của một nhà thơ lớn. Cùng đó, Du Tử Lê với 77 năm cuộc đời và 77 tác phẩm, để lại cho đời một nghệ sĩ tài hoa, chứ dường như, không (hay chưa) hiển hiện lên trong tôi, chân dung của một nhà thơ lớn. Có lẽ, người nghệ sĩ lớn, ngoài nhân cách, tài năng, ngòi bút của họ phải chọc thẳng vào hiện thực xã hội, cũng như cuộc sống và con người một cách trung thực nhất chăng?. 

 Du Tử Lê viết nhiều thể loại, từ thơ, trường ca đến tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình, bút ký và tùy bút…Tên tuổi, sự nghiệp thơ văn của ông từ trước 1975 cho đến nay, không chỉ đóng khung ở trong nước. Một số trường Đại học ở Hoa kỳ đã đưa thơ ông vào giảng dạy cho sinh viên. Ông là người miệt mài đổi mới thi pháp, thử nghiệm thể loại ngay từ khi cầm bút cho đến năm tháng cuối đời. Thơ Du Tử Lê sang trọng, giàu hình tượng, điển tích cùng với mối liên tưởng phong phú đi sâu vào tầng lớp sinh viên, trí thức. Với đặc tính này, thơ Du Tử Lê kén người đọc, nhất là tầng lớp bình dân. Bởi, người đọc dường như cũng phải vắt óc, đào sâu liên tưởng cùng tác giả vậy. Nặng nhọc lắm. Chẳng vậy, mà tôi có người bạn rất thích, và yêu thơ. Đọc được vài bài của Du Tử Lê rồi bỏ. Hỏi sao? Hắn trả lời, chẳng hiểu chó gì, sao mà đồng cảm và đọc tiếp được. 

Ist möglicherweise ein Bild von 1 Person und Text „DUTỬLÊ phác TOÀN CẢNH hạn SINH HOẠT 20 NĂM VĂN HỌC NGHÊ THUẬT MIỀN NAM 1954 1975 19 1 NGUỜI IỆT BOOKS“

Cũng như những nhà thơ, người lính cùng thời, thơ văn Du Tử Lê được chia làm hai giai đoạn trước và sau biến cố 1975. Tuy văn xuôi góp phần quan trọng trong sự nghiệp sáng tạo, nhưng thơ mới làm nên chân dung, tên tuổi Du Tử Lê. Và thơ Du Tử Lê cũng được chia thành hai mảng: Tình yêu đôi lứa, và tình yêu quê hương, đất nước. Có một điều đặc biệt, dù tình yêu đôi lứa, hay tình yêu quê hương, thơ ông luôn mang một nỗi ly biệt, nhớ thương và buồn đau.

Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Hà Nam. Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào Nam. Tốt nghiệp Văn khoa Saigon, ông dạy học, rồi trở thành người lính. Biến cố 1975, Du Tử Lê đã kịp chạy sang Mỹ tị nạn. Nơi đây, ông vẫn tiếp tục sáng tác thơ văn, và làm việc cho Đài phát thanh Hoa Kỳ. Du Tử Lê mất vào ngày 7-10-2019 bởi bệnh tật và tuổi già. 


*Tình yêu- nỗi cô đơn, mang mang nét nhạc u buồn.

Chẳng cần đưa Sigmund Freud với cái thuyết tâm phân học vào soi rọi, ta cũng có thể thấy: Chiến tranh, cuộc sống cùng cực, với bàn tay dị tật, do vậy ngay từ tuổi ấu thơ Du Tử Lê luôn luôn mặc cảm, tự ti:“tôi lớn lên trong vỏ ốc cuộn tròn/ triền nước mặn ướp xác thân nhăn nheo…“ (Phù sa). Cuộc sống khép kín, và cô đơn ấy, đã đưa ông sớm đến với thơ văn: “Tôi tìm đến thơ rất sớm, khi 10 tuổi, bởi cuộc sống quá lẻ loi, và cô quạnh…“. Cũng như nhà thơ Lưu Quang Vũ, tôi đánh giá cao cái tôi trong thơ Du Tử Lê. Sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong bom đạn, gây cho Du Tử Lê luôn luôn hoài nghi và chán chường. Ngay từ những bước chân đầu đời, nỗi bất hạnh ấy, không chỉ trong cuộc sống, mà tình yêu Du Tử Lê cũng vậy, dù có thay tên đổi họ, với mượn lốt mang danh, vẫn bi đát đến khôn cùng:    

“như lòng tôi bắt đầu mềm sũng
bắt đầu yêu ai bắt đầu bất hạnh
bắt đầu từ đó
tôi, du tử lê. tôi, du tử lê“ (Tôi, Du Tử Lê)

Tuy đớn đau, dường như có phần tuyệt vọng, song cái tôi trữ tình vẫn xuyên suốt những trang thơ Du Tử Lê. Tình Sầu là một trong những bài thơ như vậy của ông. Với tôi đây là bài thơ tình hay và toàn bích nhất của Du Tử Lê. Không chỉ có lời thơ đẹp, mà tính tự sự đặc trưng bộc lộ rõ nét trong thơ ca Du Tử Lê. Mỗi khổ thơ là một phép so sánh tu từ về tâm trạng, hoàn cảnh khác nhau của nhà thơ. Những hình ảnh hoán dụ ấy, tuy nhẹ nhàng nhưng quặn thắt lòng người. Đọc Tình Sầu của Du Tử Lê, làm tôi chợt nghĩ đến bài thơ cũng thất ngôn: Đường Khuya Trở Bước của Đinh Hùng. Có lẽ, Du Tử Lê và Đinh Hùng viết những bài thơ này trong cùng một hoàn cảnh, tâm trạng sầu đau chăng? Nên cho người đọc hình ảnh, cảm xúc khá tương đồng, dù thi pháp có khác nhau. Có thể nói, hai bài này, nằm trong Top đầu thơ tình Việt Nam, kể từ ngày xuất hiện thơ mới đến nay. Hai khổ thơ trong bài Tình Sầu dưới đây, sẽ chứng minh cho ta điều đó:    

“Ta như sương mà người như hoa
Dối gian nhau nát nụ hôn đầu
Tình đi từng bước trên lưng gió
Gieo xuống đời nhau hạt thương đau
Người một phương, ta cũng một phương
Phố cao ngày thấp nắng mưa trùng
Mắt sâu ẩn nhốt trời giông gió
Ta một hồn câm giông gió lên…“

Cùng với Đinh Hùng, Tô Thùy Yên…có thể nói, Du Tử Lê nằm trong số không nhiều các nhà nhà thơ Việt có tài về thơ thất ngôn. Ngoài từ ngữ, hình tượng ta có thể thấy, chất trữ tình đã làm nên đặc tính thơ Du Tử Lê. Kể cả những năm tháng tị nạn ở Hoa kỳ, tiếp xúc với nền Văn học phương Tây, nhưng cái chất cổ phong vẫn hiền hiện rõ nét trong thất ngôn thơ Du Tử Lê. Thật vậy, đọc: Chẳng Chiến Chinh Mà Cũng Lẻ Đôi được viết vào năm 1990, mà cứ ngỡ Du Tử Lê đang sống, và viết trong thời Thơ Tiền Chiến vậy. Sự xa cách, nỗi nhớ thương với tâm hồn cô đơn hiu quạnh xuyên qua bài thơ, như xuyên suốt cuộc đời người thi sĩ. Điệp ngữ “chỉ nhớ người thôi“ mở đầu cho cả sáu khổ thơ, tưởng rằng đơn điệu lắm. Nhưng không phải vậy. Bởi, mỗi hoàn cảnh diễn ra, ta lại thấy một tâm lý, trạng thái khác của nhà thơ. Tâm trạng dẫn đến trí tưởng tượng và tài năng liên tưởng của Du Tử Lê, dường như chẳng khác gì trạng thái tâm lý từ hơn tám thập kỷ trước của Nguyễn Bính khi viết bài: Những Bóng Người Trên Sân Ga vậy. Chẳng Chiến Chinh Mà Cũng Lẻ Đôi, tuy không thuộc về nhóm những bài thơ hay nhất, song nó lại mang tính đặc trưng, điển hình thi ca Du Tử Lê:

“chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
chim về góc biển. Bóng ra khơi
lòng tôi lũng thấp. tâm hiu quạnh
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi.
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
buổi chiều chăn, gối thiếu hơi ai!
em đi để lại hồn thơ dại
tôi, vó câu buồn sâu sớm mai…”

Cũng như Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng, có thể nói, Du Tử Lê đưa tình yêu, người tình lên như một thứ tôn giáo. Đứng trước nó, ông như một con chiên ngoan đạo vậy. Cái đặc tính này, có lẽ tiếp nối ông, Văn học Việt phải kể đến Nguyễn Tất Nhiên, và hiện nay là Đinh Thị Thu Vân. Vâng, và Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi, là một trong những bài thơ tiêu biểu cho đặc tính này của Du Tử Lê. Ở bài thơ Ma soeur, nếu Nguyễn Tất Nhiên dám cả gan đưa những hình tượng thánh thiện nơi Thánh đường, cửa Phật để ẩn dụ, so sánh với những cái được cho là kỵ húy, thì Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi, Du Tử Lê đã tôn người tình lên Thánh nữ còn thất kinh hơn. Vẫn biện pháp tu từ, với điệp từ, điệp ngữ, Du Tử Lê tạo ra mỗi khổ thơ như một điệp khúc của bản nhạc vậy. Nói vui, dường như Du Tử Lê  đã dọn sẵn cỗ cho các nhạc sĩ vậy. Thật vậy, nhạc tính làm nên nhạc điệu thơ, qua ngữ điệu của ngôn từ (riêng biệt) Du Tử Lê. Và nhạc tính này, xuyên suốt những trang thơ của ông. Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi là một bài thơ thất ngôn lạ, u hoài tôi tâm đắc nhất của Du Tử Lê. Và bài thơ này, cũng đã được hai nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm và Trần Duy Đức phổ thành hai bản nhạc cùng tên, rất hay. Đây cũng là bản nhạc, tôi nghĩ, hay nhất phổ từ thơ của ông. Bởi, nhạc vẫn giữ được hồn cốt của bài thơ, và tư tưởng của tác giả:         

“hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
tôi buồn như phố cũ như tay
bàn chân từng ngón ngưng không thở
lạc mất đường đi. tạnh dấu bày
hỏi nắng đi rồi em sẽ hay
tôi gầy như lá nhẹ như mây
gió khuya thổi rớt ngàn tâm sự
thiên đàng tôi là người hay ai?...“

Có thể nói, không riêng tôi, mà còn nhiều người rất đồng cảm, hứng khởi khi được nghe những bản nhạc được phổ từ thơ. Và mong mỏi, có nhiều thơ được phổ nhạc hơn thế nữa. Và nhân viết về Du Tử Lê, nên chăng có một vài lời bàn về vấn đề này: Có lẽ, cùng với Thái Thăng Long, thơ của Du Tử Lê được phổ nhạc nhiều nhất cho đến nay? Tuy nhiên, ta có thể thấy, thơ Du Tử Lê nặng tính kỹ thuật. Thơ ông, bài nào dường như cũng đã chuẩn bị sẵn cho một ca khúc vậy. Cho nên, nó không thoát khỏi sự gò ý, tìm từ hoán chuyển, đương nhiên sẽ mất hoặc giảm đi cái cảm xúc ban đầu của tác giả. Tôi nghĩ, nếu không bị trói buộc bởi đặc tính này, thơ của Du Tử Lê còn hay hơn thế nữa. Thành thật mà nói, mấy trăm bài thơ đã phổ nhạc của ông, tỷ lệ còn đọng lại trong lòng người đọc, người nghe là bao nhiêu?. Dường như, Khúc Thụy Du được Anh Bằng phổ thành bản nhạc cùng tên, được nhiều người yêu mến nhất. Tuy nhiên đến âm nhạc, bài thơ Khúc Thụy Du chỉ còn lại cái vỏ, cốt lõi, hồn vía biến mất. Như vậy, tư tưởng hồn vía mới hoàn toàn thuộc về nhạc sĩ Anh Bằng. Do vậy, xin cứ để cảm xúc đi vào thơ tự nhiên như vốn có. Chứ sử dụng (hay lạm dụng) kỹ thuật để có nhiều thơ phổ thành ca khúc chưa hẳn đã mang lại nhiều giá trị nghệ thuật.

*Quê hương, tình yêu và nỗi đau, cùng những thử nghiệm trong thi ca.

Sinh ra trong chiến tranh, lớn lên dưới bom đạn, với những cuộc trốn chạy, di cư như một vết thương tâm lý Du Tử Lê. Khi chiến tranh trở lại quê hương, thì bức tranh đen tối càng ảm đạm, luôn ám ảnh ông. Với sự tối tăm không lối thoát ấy, ông (dân tộc ông) đi tìm được gì cho tương lai của chính mình:“Giữa đêm/ Một người mù/ Đi tìm tương lai/ Hai hàng máu chảy“ (Quê hương). Chiến tranh đã đi vào từng ngõ ngách của thành phố, bi thương nhân lên gấp bội. Sự thật đã được Du Tử Lê chứng kiến, để ông kết sự dã man ấy thành Khúc Thụy Du trần trụi, hay đến rợn cả người. Có điều đáng tiếc, khi phổ thành bản nhạc cùng tên, Anh Bằng đã đưa nó theo một chiều hướng khác. Có lẽ, ngoài thể Hành, thì Ngũ ngôn là thể thơ đưa cảm xúc, nỗi đau của tác giả đến người đọc thấu và nhanh nhất chăng. Ta hãy đọc lại đoạn trích Khúc Thụy Du dưới đây, không chỉ thấy rõ điều đó, mà còn thấy sự mất mát, trong cái tàn khốc của chiến tranh, và sự tàn nhẫn của con người:

“như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời
như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người…“

Thân phận người lính trong bất cứ cuộc chiến nào cũng vô cùng rẻ mạt. Cái chết đến với họ đơn giản như bữa ăn hàng ngày vậy. Giữa những ngày chiến trận ác liệt nhất, dù đang yên bình, hạnh phúc nơi đất Mỹ, Du Tử Lê vẫn từ bỏ tất cả để trở về Tổ quốc, quê hương ông. Nơi đây, có thể cuộc sống của ông sẽ chấm dứt, một cái chết đã được báo trước. Nhưng tình yêu đất nước đã không cho phép người lính như ông trốn chạy. Và Vỡ Lòng Cho Một Cô Gái Mỹ là một bài thơ đã được Du Tử Lê trải lòng mình ra như vậy. Đây không phải là bài thơ hay của ông. Nhưng nó cho ta thấy phần nào không khí của chiến tranh, cũng như tâm trạng, tinh thần của Du Tử Lê nói riêng, và của người lính nói chung lúc đó:  

“Dù anh yêu em
Hơn bất cứ một thứ gì trên đời
Thì anh vẫn trở về…
Chiến đấu cho sự trường tồn và lý tưởng tự do của dòng giống
Mặc dù ngay khi anh vừa bước xuống phi trường Saigon
Anh có thể chết tan thây
Vì một miếng plastic
Một trái mìn nổ chậm từ xa…“

Chiến tranh kết thúc, bước chân lưu lạc, nỗi nhớ thương quê hương đất nước luôn thường trực trong lòng thi nhân. Và tâm trạng thân nơi đất khách, hồn nơi quê nhà ấy,  là tâm lý chung của những kẻ xa quê, chứ không riêng giới văn nhân, thi sĩ như Tô Thùy Yên, Trần Hoài Thư, hay Du Tử Lê... Có khác chăng, văn nhân, thi sĩ viết ra được mà thôi. Nếu sự cô đơn, thiếu vắng buộc Tô Thùy Yên phải đi tìm hơi ấm, tình quê bằng hồn thơ Lục bát: “Vào đây, có lửa, có người/ Có cây rộng lượng che trời hộ ta/ Có câu thăm hỏi quê nhà/ Đường qua thế ấy, đường xa thế nào?“ thì “Đêm, Nhớ Trăng Saigon“ hồn thơ Du Tử Lê đã về tận nơi quê nhà. Đây là một trong những bài thơ Lục bát hay nhất của ông. Và nó cũng đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thành ca khúc cùng tên rất hay. Bởi, ca khúc vẫn giữ được hồn vía của bài thơ. Vẫn lời thơ đẹp, nhẹ nhàng như sương khói “Đêm, Nhớ Trăng Saigon“ đã đưa hồn người về dĩ vãng của một thời, tưởng chừng đã xa vời vợi. Nỗi xót xa, nhớ nhung ấy, được thông qua hình tượng, với thủ pháp hoán đổi. Có thể nói, Du Tử Lê không chỉ có sở trường về thơ Lục bát, mà ông luôn luôn làm mới nó bằng những thủ pháp, thử nghiệm của riêng mình:

“Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cỏ cây
Ngỡ hồn ta xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
Đêm về theo bánh xe qua
Nhớ em xa lộ nhớ nhà Hàng Xanh…“

Không chỉ với Lục bát, mà thể thơ nào Du Tử Lê cũng thử nghiệm thủ pháp hoán vị (hoán chuyển) những từ, hoặc cụm từ; hay hình tượng trong câu thơ:“chiều hái, gặt bóng cây/ chất đầy đêm tĩnh, lặng/ như tôi gửi bàn tay/ trên ngực người xa, vắng.“  (Tôi là em: hiện tại). Sự biến đổi trật tự ấy trong câu thơ, làm cho ta có thể đọc xuôi, hay ngược. Qua những dấu chấm, hoặc gạch chéo bất ngờ, nhịp điệu câu thơ dừng, ngắt lại. Tuy nhiên, với nghệ thuật này dẫn đến cấu trúc câu thơ, bài thơ thường không được chặt chẽ. Tôi hoàn toàn đồng ý, khi nhà nghiên cứu, phê bình Nguyễn Vy Khanh cho rằng: Với dụng ý, thủ pháp này Du Tử Lê muốn tạo cơ hội cho người đọc trở thành tác giả thứ hai.

Vâng, có lẽ, ông muốn mở ra một hình thức, thi pháp mới lạ Du Tử Lê chăng?.

Thật ra, thủ pháp này không mới. Trước Du Tử Lê, nhà thơ Đinh Hùng đã từng viết, và sử dụng. Không chỉ một từ, một cụm từ, mà thơ Đinh Hùng có thể hoán vị cả khổ trong cùng một bài thơ. Thậm chí, có thể hoán đổi khổ thơ ở không cùng một bài. Thật vậy, ta có thể thấy, ba khổ thơ trong hai bài Tự Tình Dưới Hoa và Xuôi Dòng Ảo Mộng nhạc sỹ Phạm Đình Chương có thể gộp lại, phổ thành nhạc phẩm Mộng Dưới Hoa hay đến nghẹn ngào, đã chứng minh cho thủ pháp nghệ thuật này. Đây không chỉ là tài năng sáng tạo độc đáo của Đinh Hùng, mà còn phải kể đến tài năng, sự liên tưởng của người nhạc sĩ. Kiểu chơi chữ này, ta cũng có thể thấy ở những thi nhân đất Bắc, như Lê Đạt, hoặc Trần Dần. Tuy nhiên, cũng như Du Tử Lê con đường mới mở ra cho thi ca của họ đến nay quả thực, vẫn còn mờ nhạt. Nếu như không muốn nói, nó giết chết những cảm xúc ban đầu chân thực nhất của người thi sĩ. Hơn nữa, do lạm dụng thủ pháp kỹ thuật làm cho từ ngữ, câu thơ trở nên tối nghĩa, rắm rối khó hiểu. Do vậy, hiện nay dường như, ít còn những nhà thơ thành danh, tên tuổi sử dụng thủ pháp này. Có chăng, chỉ còn mấy bác nhà thơ cấp phường xã, câu lạc bộ hưu trí mà thôi.

 Tiện đây, xin các nhà thơ hãy làm mới cảm xúc, làm mới tư tưởng chứ không phải thử nghiệm làm mới hình thức thể loại thơ. Bởi, thơ hay, dở, mới cũ chẳng liên quan gì đến thể loại cả. Thơ văn không đi thẳng vào đời sống xã hội, với tư tưởng, cảm xúc một cách trung thực, thì chỉ là những trang viết chết. Ta có thể thấy, nếu Nguyễn Du không đứng về lẽ phải, và chọc thẳng ngòi bút vào cái thối nát của xã hội, cùng với thân phận chìm nổi của con người, dù nghệ thuật Truyện Kiều có hay đến mấy, thì cũng ngỏm củ tỏi từ lâu rồi. Chứ không thể, với Lục bát cũ kỹ, nhà quê, mấy trăm năm rồi, đọc Truyện Kiều lúc nào cũng cảm thấy mới, nóng cứ hôi hổi vậy. Có lẽ, bàn luận hơi bị sa đà về vấn đề này, bởi tôi thấy, sự thử nghiệm, làm mới thơ văn của mấy bác thi sĩ tên tuổi luôn tỉ lệ nghịch với chất lượng.

Do vậy, dù rất kính phục nghị lực, sự bền bỉ của Du Tử Lê, nhưng thành thật mà nói, tôi không hề đánh giá cao sự thử nghiệm, làm mới thể loại cũng như từ ngữ, hình tượng (đến mức rắm rối, tù mù như một số bài thơ) của ông.


Bàn luận về Du Tử Lê không thể không nhắc đến bài thơ: Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển. Một bài thơ quan trọng nhất ở giai đoạn thứ hai về cuộc sống, cũng như sự nghiệp sáng tạo của Du Tử Lê. Bài thơ được nhiều người biết đến, và yêu thích, bởi nó mang tính thời sự, như một thứ bùa ngải đánh đúng vào tâm lý con người ở thời điểm đó. Những câu Bát ngôn với lời thơ tự sự xoáy sâu vào nỗi đau, niềm thương nhớ về quê hương, nơi mịt mù xa tắp. Tuy nhiên, những năm gần đây, đường về quê dường như cũng ngắn lại. Chẳng trách gì, các bác cứ túc tắc đi về. Và đáng tiếc, mỗi chuyến bay của Du Tử Lê như một thứ thuốc giải bùa, giải thiêng cho bài thơ vậy:  

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
-----
Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.“

Chắc chắn, tôi chưa thể đọc hết thi ca Du Tử Lê. Nhưng có một điều đặc biệt làm tôi ngạc nhiên. Qua bốn trăm bài thơ, dọc theo sự nghiệp sáng tạo (trên thivien.net) dường như, không có bài thơ nào ông viết về người lính, và khói lửa nơi chiến trường. Dù những năm tháng tuổi trẻ Du Tử Lê mặc áo lính, và đi qua chiến tranh. Duy nhất, có bài“Tâm Sự Người Lên Mặt Trận“ có liên quan đến lời tâm sự của người lính, được ông viết vào năm 1965. Song rất đáng tiếc, lại là bài thơ dở. Từ ngữ cũ, nhàn nhạt, rất sến vần vè như thơ đọc nơi hội trường đám cưới, hoặc chia ly vậy:

“Mai tôi đi tình này xin gửi lại
Gửi lại tình này xin người nhận đón hai tay
Đường ra chiến trường ai dám nói hay
Nên người chớ bắt tôi đành tâm hò hẹn
Dù trong tôi cả trăm nghìn ước nguyện
Ước nguyện vợ chồng duyên kiếp lứa đôi
Mai tôi đi
Nên hôm nay bài thơ xin gửi lại
Đường ra chiến trường xa lắm người ơi…“

Trường Khúc Mẹ Về Biển Đông, một trường ca viết khá công phu của Du Tử Lê, nhưng nặng về kể lể, nhẹ cảm xúc trong thơ. Các cụ nhà ta thường nói: Tức cảnh sinh tình. Thật vậy, dường như Trường Khúc này, ta mới thấy cảnh, chứ tình còn ít lắm. Có thể nói, trường ca là thể loại khó viết. Nếu người viết không đủ tài, dài hơi câu thơ trở nên nhàn nhạt, như canh thiếu mắm muối, gia vị vậy. Do vậy, có nhiều người viết trường khúc, trường ca, song không phải ai cũng thành công. Thành thật mà nói, với tôi Văn học Việt kể từ 1954 đến nay, thành công nhất ở thể loại này là hai trường ca: Mặt Trời Trong Lòng Đất và Đất Nước Hình Tia Chớp của Trần Mạnh Hảo.

Tôi thường đọc thơ văn của Du Tử Lê, nhưng rất tiếc chưa một lần được gặp gỡ ông. Tuy nhiên, có một vài lần tiếp xúc qua FB, khi Du Tử Lê trích, mượn một số nhận định của tôi về nhà thơ Phạm Ngọc Lư, khi ông viết về nhà thơ này. Hay khi ông viết nhầm, trích thơ của cụ Tú Xương, tôi đã góp ý bổ sung qua lại. Phải nói, Du Tử Lê là người cởi mở, và lắng nghe dù một kẻ viết tép riu, hàng em út, con cháu như tôi.

Tôi không nghĩ, và cũng không để ý đến nhà thơ Du Tử Lê có phải là con người của sự hòa hợp, hòa giải hay không, như một số nhà phê bình đã viết. Tôi hoàn toàn tôn trọng sự tự do đi lại, hoặc về hay ở của (cá nhân) mỗi nghệ sĩ, văn nhân. Tuy nhiên, về khía cạnh nào đấy, dường như Du Tử Lê hơi bị dễ dãi, vô tư khi quan hệ, ân ái, hẹn hò với cả những Nguyễn Văn Thọ (Thọ Muối). Một đồng đảng, đồng thuyền với dư luận viên như Quang Lùn… thì quả thực khó hiểu. Do vậy, khi Thọ Muối thốt lên: “Tôi chờ anh thu này gặp như lời hẹn. Có đâu ngờ mùa thu, mùa đẹp nhất của Hà Nội nơi hai tôi hẹn hò, lại là mùa đưa tiễn anh đi…Tâm hồn anh như tâm hồn bao người con xứ Việt vẫn hát mãi như những con dế đàn ca đâu chỉ trong mưa. Tin thế. Anh Du Tử Lê của em ơi“. (Du Tử Lê- con dế buồn đâu chỉ hát đêm mưa) Thì quả thực, làm ông bạn tôi, một người yêu thơ Du Tư Lê hơi bị giật mình. Từ đó, dẫn đến những trang viết chứa chan tình cảm, tình yêu đã làm bao trái tim xúc động, rơi rụng trong lòng đồng đội, cũng như người đọc, người yêu ông ít nhiều chăng?

Cho nên, có thể nói, khi Du Tử Lê chết, nỗi buồn kia cũng chưa hết. Đời lưu vong không thể tận tuyệt với linh hồn.

Leipzig ngày 20-11- 2019

Đỗ Trường
 (Mục chân dung nhà văn- Đỗ Trường)
*
*     *
 

 Những ca khúc phổ thơ của thi sĩ Du Tử Lê

Afficher l’image sourceDu Tử Lê (Lê Cự Phách) sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Ông là tác giả của 70 tập thơ, văn xuôi. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn, tu nghiệp báo chí tại Indianapolis, Indiana (1969). Giải thưởng Văn chương toàn quốc tại Sài Gòn năm 1973 (tập Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972).
Theo Wikipedia: Cho tới nay, ông là nhà thơ châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ: Los Angeles Times (1983) và New York Times(1996).[1] Thơ ông cũng đã và đang được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại một số trường đại học Hoa Kỳ và châu Âu.
Năm 1998, nhà xuất bản W. W. Norton, New York đã chọn Du Tử Lê vào một trong năm tác giả Việt Nam để in vào phần "Thế kỉ 20: thi ca Việt Nam" khi tái bản tuyển tập World Poetry An Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time (Tuyển tập Thi ca thế giới từ xưa đến nay).

Bài phổ nhạc đầu tiên là vào khoảng năm 1964 và tính cho đến 1975 thì trong giai đoạn này, những ca khúc mà tôi rất hài lòng, thứ nhất là: “Tình Sầu Du Tử Lê” do anh Phạm Duy phổ nhạc. Thứ hai là “Khi Cuộc Tình Đã Chết” của anh Phạm Đình Chương. Thứ ba là hai bài của anh Từ Công Phụng: “Trên Ngọn Tình Sầu”, và “Ơn Em” (còn có tựa là “Giữ Đời Cho Nhau”).
Ở hải ngoại cũng có thể chia ra làm 2 giai đoạn: từ 1975 đến 1985 có những bài mà tôi hài lòng: “Quê Hương Là Người Đó”, “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn”, “Khi tôi chết Hãy Đem Tôi Ra Biển”, của anh Phạm Đình Chương. Ngoài ra có một số bài do anh Trần Duy Đức phổ nhạc mà tôi cũng rất hài lòng như: “Trong Tay Thánh Nữ có Đời Tôi”, “Chỉ nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời”, đó là trong giai đoạn từ 1975 đến 1985. Nếu chấm dứt ở năm 1985 thì phải kể đến “Khúc Thụy Du” do anh Anh Bằng phổ nhạc.(Du Tử Lê)

Những ca khúc phổ thơ của thi sĩ Du Tử Lê - Rfa
*
*     *
Du Tử Lê và thơ phổ nhạc - VOA
*
*     *
Thơ Du Tử Lê phổ nhạc
*
*     *
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Phạm Đình Chương,Du Tử Lê-Anh Khoa
 
 VNX (6/3/2023)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire