Trong cuộc sống, sự thành công hay thất bại nào cũng có cái giá của
nó. Trong chiến tranh cũng vậy, cái giá của những chiến tích lừng
danh mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) phải trả, là những đồng
đội đã hi sinh, những đồng đội khác đã để lại một phần thân thể trên
khắp miền đất nước, và hệ lụy dài lâu là những đứa trẻ vĩnh viễn xa
cha, những người vợ vĩnh viễn xa chồng! Người quân nhân hi sinh vì
tổ quốc, là sự hi sinh cao cả mà tổ quốc mãi mãi ghi công. Nhưng,
hình ảnh người quả phụ, với một nửa tâm hồn, một nửa con tim, một
nửa phần hơi thở, theo chồng lên đài tổ quốc ghi công, và những nửa
còn lại có trách nhiệm trang bị cho các con một hành trang vào đời,
phải được thừa nhận là sự hi sinh không kém phần cao cả như người
chồng dũng cảm nơi chiến trường, rất xứng đáng được chúng ta kính
trọng.
Chân Dung Người Vợ Lính VNCH
Phạm Bá Hoa - HoaPensee trình bày
Cũng trong chiến tranh, chồng ở chiến trường, vợ
ở nhà quán xuyến công việc gia đình mà công việc gia đình nhiều đến
nỗi có những việc chưa kịp đặt tên, nhưng tất cả đều là việc. Chăm
sóc các con, chăm sóc tình thân gia đình quyến thuộc, chăm sóc tình
bạn bè bằng hữu. Để rồi, những giờ phút yên tỉnh về đêm khi các con
chìm trong giấc ngủ, mơ màng nghĩ đến chồng nơi chốn xa xôi, hay
đang trong chiến trường khốc liệt, với bao khắc khoải lo âu, sầu
muộn!
Rồi chiến tranh chấm dứt trong nỗi nghẹn ngào uất
hận, bởi đây là cuộc chiến mà cuối cùng “bị chấm dứt để thua trận”!
Sau lời tuyên bố của vị Tổng Thống cuối cùng, hàng trăm ngàn đồng
bào, quân nhân, viên chức, cán bộ, bỏ của chạy lấy người, tị nạn
trên đất Mỹ. Với những thành phần tương tự như vậy gồm 222.809
người, lũ lượt bị lừa vào 200 trại tập trung trên khắp miền đất
nước. Người 5 năm, 10 năm, 15 năm, thậm chí 17 năm ròng rã, do lòng
thù hận tột cùng của nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Hằng trăm ngàn
gia đình di tản ra ngoại quốc, cũng như hằng chục triệu gia đình còn
lại trên quê hương, tất cả đều hụt hẫng. Hụt hẫng vì cuộc sống trên
đất người với biết bao xa lạ trong một xã hội kỹ nghệ mà bước đầu
chưa thể hội nhập. Hụt hẫng vì phút chốc, từ chế độ tự do bị đẩy vào
chế độ độc tài trên toàn cõi Việt Nam!
Cảnh đời thứ nhất. Trong cuộc đời tị nạn, vợ
chồng con cháu có cơ hội bên nhau, cùng chia xẻ khổ đau, cùng gánh
vác nhọc nhằn, cùng nhận chung nỗi nhục! Nỗi nhục phải rời khỏi quê
hương trong thân phận lưu vong! Với những bà vợ chúng ta, vốn sinh
ra và trưởng thành trong xã hội nông nghiệp, nay phải cùng chồng
từng bước hội nhập vào xã hội kỹ nghệ nơi định cư, đã phải đêm đêm
đếm bước từ bến xe công cộng về nhà trong màn tuyết lạnh sau những
giờ nhọc nhằn nơi hãng xưởng. Lạnh đến nỗi không biết giọt nước lăn
trên má là nước mắt, hay mảnh tuyết vừa tan!
Cảnh đời thứ hai. Trong xã hội mà kẻ thắng trận
đầy lòng thù hận, thì gia đình ly tán, sự sống bị bóp nghẹt đến tận
cùng của khổ đau, của nước mắt bởi chính sách bịt mắt bịt tai bịt
miệng! Cái chế độ mà những người lãnh đạo luôn miệng huênh hoang là
"dân chủ gấp trăm lần dân chủ tư bản", lại bắt mọi người phải sống
trong nỗi sợ hãi triền miên với những đôi mắt rình rập quanh năm
suốt tháng!
Cảnh đời thứ ba. Riêng với những bà vợ ở lại mà
chồng đã vào tù, còn tệ hơn nhiều so với hai cảnh đời nói trên. Hằng
ngày phải đối phó với bọn cầm quyền địa phương, cái bọn mà đầu óc
toàn đất sét và rác rưởi, chỉ biết đàn áp để cướp đoạt. Đồng thời
phải chăm lo cuộc sống các con từng ngày, lo nuôi chồng từng tháng!
Những bà vợ chúng ta, hải ngoại hay trong nước,
thật sự là Những Người Đàn Bà Việt Nam rất can đảm khi phải chịu
đựng và vượt qua nỗi đau nỗi nhục đó! Đau đến nỗi không còn nước mắt
để khóc, nhục đến nỗi chẳng còn lời để than! Nếu đem so sánh giữa
hai cảnh đời trong nước với ngoài nước, thử hỏi: "Ai đau hơn ai và
ai nhục hơn ai?" Với tôi, không ai đau hơn ai, cũng không ai nhục
hơn ai! Vì nỗi đau nào cũng có cái đau riêng của nó, nỗi nhục nào
cũng có cái nhục riêng của nó! Xin những ông chồng diểm phúc, hãy
nhìn lại đôi nét về hình ảnh Những Bà Vợ Chúng Ta trong cuộc sống
khổ đau thầm lặng đó, mà người viết được những bà vợ trong cuộc kể
lại:
Một cảnh đau thương. Một bà vợ cùng con cầm giấy
phép “gánh gạo” nuôi chồng trên đất Bắc. Ba ngày đi, ba ngày về, 2
tiếng đồng hồ gặp gở! Khi trở về cư xá Bắc Hải, nhà bị niêm phong
với dòng chữ "nhà vắng chủ". Đau đớn biết bao! Xót xa biết dường
nào! Bỗng dưng nhà bị mất! Bà gục đầu vào cửa! Bà cùng gia đình định
cư tại Houston, Texas từ tháng 4 năm 1991.
Một cảnh đau thương khác. Một bà vợ đã bao nhiêu
lần bị công an Phường ra lệnh đi khu kinh tế mới, nhưng bà vẫn không
đi. Chúng hành hạ bằng cách gọi bà đến văn phòng, bảo ngồi đó từ đầu
giờ đến cuối giờ, ngày nào cũng vậy, và ròng rã 6 tháng như vậy. Một
hôm, chúng bảo đưa giấy tờ nhà để giải quyết. Khi chụp được hồ sơ,
lập tức tên công an ra lệnh trong vòng 24 tiếng đồng hồ bà phải ra
khỏi nhà. "Ôi! Còn nỗi đau nào cao hơn nỗi đau này trong cảnh đời
thua trận!" Bà xiêu vẹo trên đường về nhà cách đó mấy dãy nhà liên
kế cũng trong cư xá Bắc Hải, và gục ngã ngay trước nhà! Bà cùng gia
đình định cư vùng bắc California từ năm 1993, nhưng chồng đã qua đời
vào năm 2003.
Một cảnh đau thương khác nữa. Một bà vợ có chồng
bị giam trên đất Bắc hằng chục năm trời, bỗng dưng mất liên lạc. Bà
lặn lội khắp các cơ quan tại Sài Gòn, Hà Nội, tốn kém, mệt nhọc,
nhưng hoàn toàn bặt tin. Nỗi buồn đến với bà quá sức chịu đựng của
người phụ nữ tuổi 50, mà có lúc bà cảm thấy như mình đang bên bờ vực
thẳm, rồi ngã dần xuống...... Bà bị tai biến mạch máu não, nằm bất
động một chỗ. Nhiều tháng sau đó, bất ngờ, người nhà của bà nhận
được giấy cho phép bà thăm chồng. Trại tù chỉ cách nhà vỏn vẹn 1 cây
số (khám Chí Hòa). Bạn bè khiêng bà đến nhà tù. Cả hai “chồng đứng
đó vợ liệt toàn thân”, chỉ biết nhìn nhau, òa khóc...! Khóc cho
mình! Khóc cho cuộc đời! Phải chăng, mọi khổ đau trên cõi đời này
đang bao quanh hai con người đau khổ đó? Không. Không chỉ có vậy. Mà
là tất cả những bà vợ có chồng bị cộng sản giam giữ trong tù, tiêu
biểu qua 3 cảnh đời trên đây trong hàng vạn cảnh đời trên đất nước
Việt Nam, đều trong nỗi khổ tột cùng đó! Tình trạng bại liệt đó theo
Bà cùng chồng định cư tại Houston, nhưng rồi Bà đã từ trần năm 2004!
Sài Gòn-Hà Nội 1.736 cây số, xe lửa tốc hành chạy
72 tiếng đồng hồ, tức 3 ngày 3 đêm. Mỗi người chỉ được mang theo 20
kí lô lên xe lửa, mang nhiều hơn số đó phải hối lộ cho một loạt nhân
viên từ cổng vào cho đến nhân viên trên xe lửa. Hành lý ngổn ngang
cả trên lối đi giữa toa xe. Ban ngày cũng phải lách từng bước chân
vào chỗ trống. Còn ban đêm, thật khó mà tưởng tượng! Hai băng ngồi
đối diện, một băng 3 người. Hai băng phía bên kia lối đi, mỗi băng 2
người ngồi. Hai đầu trên của hai băng 6 người, máng được 3 cái võng
cho 3 người, 1 người nằm co quắp trên sàn xe đen đúa nhầy nhụa giữa
2 băng đối diện, và 2 người còn lại cũng nằm co quắp trên 2 băng
ngồi. Nếu nhìn toàn cảnh của toa xe sẽ thấy, băng ngồi đầy người
nằm, những chiếc võng bé xíu che kín trên đầu băng, cả lối đi vốn dĩ
đã nhỏ hẹp cũng đầy người nằm chen lẫn trong đống hành lý thật hổn
độn. Những bà vợ thăm chồng, mang theo hằng trăm kí lô, biết bao là
nhọc nhằn gian khổ!
Giả thử, nếu những ông chồng chứng kiến những
hành khách nằm cong queo trong cái gọi là chiếc võng kia, hay co
quắp giữa những gói quà đầy ấp tình thương trên sàn xe nhớp nhúa đó,
là những bà vợ của mình, liệu có cầm được nước mắt không? Nghe nói
lại, nghe thuật lại, ông chồng nào cũng đớn đau thương cảm cho tình
cảnh những bà vợ quanh năm gánh gạo nuôi chồng! Nhưng không có đớn
đau thương cảm nào có thể đem cân bằng nỗi đớn đau thương cảm của
những bà vợ trọn tình vẹn nghĩa như vậy được cả!
Tôi hình dung những bà vợ chúng ta qua hình ảnh
trên đây mà chính tôi trông thấy khi tôi ra trại tập trung cùng với
90 “bạn đồng tù”, từ Nam Định về Sài Gòn bằng xe lửa đúng 72 tiếng
đồng hồ hồi tháng 9 năm 1987.
Trên đây là một cố gắng dựng lại hình ảnh "Những
Bà Vợ Chúng Ta", nếu không rõ nét thì ít ra cũng là những nét chính
của hình ảnh ấy, qua sự kết nối bốn hợp phần sau đây:
Hai hợp phần trong chiến tranh, là những bà vợ mà chồng đã hy sinh, và những bà vợ mà chồng đang chiến đấu.
Hai hợp phần sau chiến tranh, là những bà vợ cùng chồng con di tản ngoại quốc, và những bà vợ ở lại Việt Nam, vừa nuôi con trong một xã hội đầy hận thù và kỳ thị, vừa nuôi chồng trong những trại tập trung nghiệt ngã!
Hai hợp phần trong chiến tranh, là những bà vợ mà chồng đã hy sinh, và những bà vợ mà chồng đang chiến đấu.
Hai hợp phần sau chiến tranh, là những bà vợ cùng chồng con di tản ngoại quốc, và những bà vợ ở lại Việt Nam, vừa nuôi con trong một xã hội đầy hận thù và kỳ thị, vừa nuôi chồng trong những trại tập trung nghiệt ngã!
Những cảnh đời bi thương, những khổ đau sầu muộn,
những nước mắt, mồ hôi, được khơi lên từ những góc cạnh li ti trong
hằng vạn hằng vạn cảnh đời như vậy, mà Những Bà Vợ Chúng Ta đã chịu
đựng trong những năm dài thật dài!
Quyển “Chân Trời Dâu Bể” của Giao Chỉ, kể chuyện
trên đất Mỹ, và quyển “Giữa Dòng Nghịch Lũ” của Duy Năng, kể chuyện
trên quê hương Việt Nam. Hai tác phẩm này trong một mức độ nào đó,
có thể xem là tiêu biểu cho rất nhiều tác phẩm dưới dạng chuyện kể
thật bình thường, nhưng ôm ấp biết bao xót xa thương cảm cho thân
phận người phụ nữ Việt Nam sau ngày thua trận, dù sống trong hai xã
hội cách nhau nửa vòng trái đất. Với tác phẩm của Duy Năng, người kể
chuyện là bà Hàng Phụng Hà. Bà là một trong số hằng trăm ngàn bà vợ
thăm nuôi chồng trong tù. Ở phần kết, bà nói:
"... Các anh trong tù, khổ về vật chất và đau về tinh thần đến vạn lần, điều đó chúng tôi biết. Nhưng, chúng tôi -những bà vợ của các anh- đau khổ gấp ngàn cái vạn lần của các anh nữa, các anh có biết không? Tôi không đề cao một bà vợ nào, mà tôi đề cao tất cả những bà vợ thăm nuôi chồng trong các trại tù cải tạo. Bởi vì: Họ, đã đứng vững trong phẩm giá Người Vợ Miền Nam. Họ, rất xứng đáng được các anh kính trọng. Và Họ, chính là Vợ của các Anh".
"... Các anh trong tù, khổ về vật chất và đau về tinh thần đến vạn lần, điều đó chúng tôi biết. Nhưng, chúng tôi -những bà vợ của các anh- đau khổ gấp ngàn cái vạn lần của các anh nữa, các anh có biết không? Tôi không đề cao một bà vợ nào, mà tôi đề cao tất cả những bà vợ thăm nuôi chồng trong các trại tù cải tạo. Bởi vì: Họ, đã đứng vững trong phẩm giá Người Vợ Miền Nam. Họ, rất xứng đáng được các anh kính trọng. Và Họ, chính là Vợ của các Anh".
Vì vậy mà một số bạn đồng tù chúng tôi trong trại
tập trung, đã không quá lời khi nói với nhau rằng: "Ra tù, chúng ta
phải cõng vợ chúng ta đi vòng quanh trái đất, để đền bù đôi chút về
sức chịu đựng biết bao nhọc nhằn gian khổ đã nuôi các con và nuôi
chúng mình”.
Bây giờ nhìn lại, trong một ý nghĩa nào đó, những
cựu tù nhân chính trị chúng ta, đã cõng vợ đi được nửa vòng trái đất
rồi. Đến ngày Việt Nam thật sự tự do dân chủ, chúng ta sẽ cõng vợ
trở về quê hương là trọn vòng trái đất như đã tự hứa, phải không quí
vị?
Với nét chân dung đó, tôi quả quyết rằng, Những
Bà Vợ Chúng Ta rất xứng đáng được vinh danh. Và nếu quí đồng đội và
quí vị đồng hương đồng ý với tôi, chúng ta cùng nói to lên rằng: “Chúng
ta cùng vinh danh Những Bà Vợ Chúng Ta là những người đàn bà cao cả,
rất xứng đáng được kính trọng. Bởi, trong hoàn cảnh nghiệt ngã của
chế độ độc tài cộng sản, nhưng đã đứng vững trong phẩm giá Người Vợ
Miền Nam, cùng lúc, chu toàn thiên chức làm Mẹ, và tròn bổn phận làm
Con”.
Vinh danh bằng những tiếng nói ân tình bên tai
vợ, trao tặng vợ một bông hồng thật đẹp, hôn vợ những nụ hôn thật
dài. Điều đó luôn nhắc nhở người chồng trong cuộc sống thường ngày,
phải thể hiện lòng hiểu biết vợ mình nhiều hơn, cảm thông vợ mình
nhiều hơn, rồi quàng tay vào lưng vợ mình chặt hơn, để cùng nhau đi
suốt chiều dài còn lại trong cuộc sống lứa đôi thật mặn nồng, như
chưa bao giờ mặn nồng đến như vậy. Trường hợp vì lý do gì đó mà bạn
đang sống một mình, xin bạn hãy gắn bông hồng màu đỏ lên nơi nào mà
khi nằm nghỉ bạn đều trông thấy, để trao tặng vợ khi đoàn tụ bên
nhau. Hoặc sự trông thấy đó, sẽ giúp bạn có được những giây phút
sống lại những năm tháng mặn nồng trong tình yêu vợ chồng thuở chung
chăn chung gối, thuở mà hai người dùng chung một tên./.
Phạm Bá HoaHouston, tháng 12 năm 2006
*
* *
Chiến tranh và góa phụ
Phong Thu, thông tín viên RFA
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire