“Vụ này gần giống như một cuộc đảo chính phủ đầu … nhằm ngăn chặn ông Donald Trump có được khả năng tái tranh cử lần nữa … Đây là một hành động vượt sông Rubicon. Đây là điều mà chúng ta chưa từng thấy trước kia. Đây là một việc gì đó thật thái quá. Và đối với nhiều người Mỹ thì việc sử dụng FBI theo cách này thực sự là một đòn quyết định về việc liệu họ còn có thể tin tưởng FBI hay DOJ nữa hay không. Rõ ràng là người dân Mỹ không thể đặt niềm tin vào FBI hay DOJ trong các vấn đề chính trị.”
Hôm thứ Ba (09/08) trên đài CNN, ông George Conway nhắc lại rằng, “họ đã vượt sông Rubicon trong chuyện này.”
Hành động ‘vượt sông Rubicon’ đề cập đến một sự kiện lịch sử mang ý nghĩa đặc biệt. Để thực sự vượt sông Rubicon, người ta phải thực hiện một bước thay đổi mang tính quyết định đối với bối cảnh chính trị và quyền hành lãnh đạo.
Quyết định vượt sông Rubicon trên thực tế được ghi lại một cách vẻ vang trong cuốn sách nhỏ có nhan đề “Caesar at the Rubicon: A Play About Politics” (“Caesar Tại Dòng Sông Rubicon: Một Vở Kịch Về Chính Trị”) của tác giả Theodore White.
Tác giả White nắm bắt được các yếu tố đè nặng lên Caesar vào thời điểm tháng Một năm 49 trước Công Nguyên, khi ông phải quyết định có nên vượt sông Rubicon và chiếm lấy thành Rome bằng một cuộc Nội Chiến hay không.
Caesar bị giằng xé bởi ông muốn hành động theo khuôn khổ pháp luật và tuân thủ các quy tắc cấm bất kỳ ai điều quân đến gần thành Rome hơn ranh giới bờ sông Rubicon.
Năm 2014, tôi cùng vợ tôi, Callista, đã có dịp đến thăm dòng sông Rubicon. Đây là một con sông nhỏ thuộc vùng tây bắc nước Ý. Tuy nhiên, dòng sông nhỏ đó là ranh giới được Hiến Pháp Cộng hòa La Mã công nhận. Vượt qua dòng sông đó với một đội quân là vi phạm Hiến Pháp của Cộng hòa La Mã. Trên thực tế, bất kỳ nhà lãnh đạo nào đưa quân vào La Mã mà không có sự cho phép đều bị xem là một kẻ phản bội và đứng ngoài vòng pháp luật.
Chúng tôi đã đứng cạnh một bức tượng Caesar ở phía đông dòng sông. Bức tượng nhìn về phía Tây qua sông Rubicon hướng về phía thành Rome. Quý vị hãy hình dung những ngày ngắn ngủi dẫn đến quyết định vượt sông của Caesar.
Caesar đã trải qua chín năm chiến đấu ở Gaul (từ năm 58 đến năm 49 trước Công Nguyên). Ông đã lập được nhiều chiến công và bình định được một vùng rộng lớn (gồm Pháp, Hà Lan, Bỉ ngày nay, và phía tây sông Rhine). Ông cũng đã hai lần xâm lược Anh quốc.
Trong suốt chín năm Caesar rời khỏi La Mã, những kẻ thù của ông đã vây quanh một vị tướng vĩ đại khác của thời đại này — Pompey.
Tướng Pompey đã nổi tiếng trước Caesar và có thanh thế rất lớn. Ông thường được xưng tụng là Pompey Vĩ đại.
Các đối thủ của Caesar e sợ ông nên đã quyết định định cho ông một loạt tội danh. Họ muốn kết tội rồi nhanh chóng sát hại ông. Cộng hòa La Mã đã suy tàn trong nhiều thế hệ và chế độ pháp quyền ngày càng nhường chỗ cho hối lộ, bạo loạn, sát nhân và bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được kết quả mà không quan tâm đến hệ thống chính quyền truyền thống vốn đã khiến nền Cộng Hòa này trở thành một hệ thống đầy quyền lực và phúc lợi tột bậc.
Trong phiên bản của tác giả White (có thể là chính xác hoặc là chỉ mang tính nghệ thuật), Caesar đã thương lượng với các đối thủ của mình. Ông muốn duy trì tính chính danh và đề nghị sẽ từ bỏ quân đội của mình nếu họ thay đổi luật để bảo đảm ông sẽ được bảo toàn tính mạng.
Các đối thủ của ông úy kỵ Caesar hơn là e sợ chiến tranh. Họ từ chối trao cho ông những bảo đảm pháp lý mà ông cần để bảo toàn tính mạng trước những kẻ thù.
Cuối cùng, ông quyết định mang quân vượt sông Rubicon (có thể là vào ngày 10 tháng Một năm 49 trước Công Nguyên). Ông đã tiến đến thành Rome nhanh đến nỗi các đối thủ, gồm cả tướng Pompey, hoảng sợ và tháo chạy khỏi thành phố. Cuộc Nội Chiến đã bắt đầu và chỉ kết thúc khi Caesar đánh bại tất cả các đối thủ, đứng oai vệ trên Địa Trung Hải với tư cách là nhà lãnh đạo bất khả chiến bại. Chúng ta biết ông đã thắng vì chúng ta vẫn gọi tháng Bảy là July (đặt theo tên Julius) để vinh danh ông. Trên thực tế, Caesar và gia tộc của ông đã rất thành công, và chúng ta cũng gọi tháng Tám là August, được đặt theo tên Hoàng đế Augustus, cháu trai và là người kế vị của Caesar.
Thế là, Caesar đã vượt sông Rubicon, và Cộng hòa La Mã suy yếu đã bị diệt vong. Đế chế La Mã được thành lập trên đống đổ nát. Đó là một kết cục mà không một người có lý trí nào vào thời đó có thể nghĩ đến.
Tôi không chắc liệu FBI có ‘vượt sông Rubicon’ ở Mar-a-Lago hay không, nhưng rõ ràng là hành động này càng làm suy yếu niềm tin của người dân Mỹ đối với hệ thống tư pháp. Tiếp đến, việc thu giữ điện thoại di động của một Nghị sĩ lại càng đe dọa toàn bộ quy trình lập hiến về phân lập quyền lực.
Trong khoảng thời gian sáu năm gian dối của nhà nước ngầm hủ bại do FBI thực thi, nhiều cơ quan tình báo, Đảng Dân Chủ trong Quốc hội, và các hãng thông tấn chuyên đưa tin giả đã đẩy chúng ta đến bên bờ vực một cuộc khủng hoảng về Hiến Pháp.
Người dẫn chương trình Mark Levin nói rằng chúng ta đang ở trong một nước Mỹ thời hậu lập hiến.
Tôi nghĩ rằng chúng ta đang dao động giữa việc khôi phục chế độ pháp quyền và Hiến Pháp hay sa chân vào một hệ thống “cộng hòa chuối” (banana republic, hàm ý là quốc gia có nền chính trị bất ổn) thuộc thế giới thứ ba đầy rẫy tham lam, giả dối, quyền lực chính trị, và vi phạm pháp luật trên diện rộng.
Nhà sử gia kiêm chính trị gia quá cố Anh quốc Lord Acton cảnh báo rằng quyền lực có xu hướng dẫn đến băng hoại, và quyền lực tuyệt đối dẫn đến sự băng hoại tuyệt đối.
Chúng ta đang dõi theo sự tham nhũng tràn lan trong hệ thống này chẳng khác nào một căn bệnh ung thư ác tính xói mòn cấu trúc và kết cấu của các quyền tự do của chúng ta.
Nếu FBI có thể đột kích nhà của một vị cựu Tổng thống Hoa Kỳ — và cấm các luật sư của ông ấy bước vào cơ ngơi kia — thì FBI có thể làm điều đó với bất kỳ ai.
Mọi người dân Mỹ bức bối với tình trạng gian dối và hủ bại sâu sắc của nhà nước ngầm có một cơ hội để tái khẳng định Hiến Pháp và pháp quyền vào tháng 11 sắp tới.
Đó là giải pháp duy nhất hợp pháp và hợp hiến.
Hành động ‘vượt sông Rubicon’ mở đường cho các lực lượng có sức tàn phá vô cùng. Kể từ khi Hoa Kỳ lập quốc, chỉ có một lần duy nhất mà loại ranh giới Rubicon đó bị vượt qua, đó là trong cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ.
Chúng ta phải tìm ra cách để ngồi lại với nhau và mở lại một khả năng đối thoại.
Nếu không làm thế thì sẽ dẫn đến một sự tàn phá và hậu quả khôn lường.
Từ trang web Gingrich360.com
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Newt Gingrich, một thành viên Đảng Cộng Hòa, từng là Chủ tịch Hạ viện từ năm 1995 đến năm 1999 và đã ra tranh cử với tư cách là ứng cử viên tổng thống vào năm 2012.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire