jeudi 25 août 2022

Đêm Nha Trang - Hoàng Nga

http://farm5.static.flickr.com/4050/4400127200_b1f50ab9f3_z.jpg?zz=1Nơi tôi đã đến, rồi về. Như khách, nhiều lần. Không khác gì với những thành phố từng ngang qua, từng ở lại, vậy mà không hiểu sao tôi vẫn thấy như mình luôn luôn thuộc về chốn đó. Bao giờ cũng thế, cứ bắt đầu ngay dưới chân đèo Cù Mông, có nghĩa từ Bình Định Qui Nhơn vô, hay mới ở lưng chừng đèo Ngoạn Mục, từ Đà Lạt Lâm Đồng xuống, hoặc khi xe vừa chạy khỏi địa phận Cam Ranh, từ Sài Gòn đổ ra, là lòng tôi lại nao lên, xốn xang không tưởng tượng được. Đến còn hơn cả khi tôi về lại thành phố chôn nhau cắt rốn của mình.
Sau này, để bào chữa, tôi nêu ra lý do, bởi vì Thuần đã sinh ra ở đó, lớn lên ở đó. Nhưng thật sự, cái tình cảm gắn bó của tôi với thành phố biển này, hoàn toàn chẳng phải bắt đầu từ lúc tôi yêu Thuần, mà trước đó, trước đó lâu lắm rồi. Lẽ ra tôi phải nói ngược lại, sở dĩ tôi yêu Thuần, bởi vì anh là người của Nha Trang mới phải.
Tôi đến Nha Trang, ở Nha Trang vào thời điểm đài truyền hình cho biết nhiệt độ ngự trị thành phố đã lên trên con số ba mươi. Trời không có mây. Không mưa rào. Cũng không cơn giông nào lạc loài qua đấy. Vậy mà lúc vừa ở Giã qua đến Thành, lúc tôi đang run chao người dõi mắt đếm từng cột cây số nằm bên đường, bỗng thình lình, một cơn mưa đổ ập xuống trước mặt như thác lũ. Mưa to, mưa mà không hề có dấu hiệu nào báo trước. Cũng không hề chuyển trở gì cả. Đến nỗi người tài xế dẫu đầy kinh nghiệm đường trường như thế, mà vẫn không đoán ra được. Ngồi cạnh cửa sổ, nhiều người kéo kính lại không kịp, đã bị ướt sũng cả một phần vai. Trời tối sầm như mực. Dự báo thời tiết trật lất. Mưa hoan hỉ, cùng mưa phẫn nộ, rơi xuống mặt đường lộp độp!
Mưa to. Mưa lớn hột. Mưa làm mặt đường ướt trơn như mỡ. Chiếc xe chạy lên con dốc,không cao lắm, vậy mà bỗng trở nên nặng nề. Tôi lại đưa mắt nhìn ra ngoài, nhưng chẳng thấy được gì ngoại trừ một màn nước trôi trượt trên cửa kính.
Tôi sốt ruột hỏi lên phía trên, liệu có thể trời sẽ mưa mãi như thế này hay không. Người tài xế, người đồng hương duy nhất của tôi trên chuyến xe, đáp mùa này mưa chỉ thoáng đến thoáng đi. Nhưng tôi vẫn không yên tâm. Tôi ngay ngáy lo mình sợ sẽ không được ngắm, không được nhào ra đường nhìn cho rõ Nha Trang khi đã vào trong thành phố. Và rồi tôi nghĩ đến hai mươi bốn tiếng đồng hồ nằm trong khách sạn, không biết làm gì cho hết ngày, không phim không ảnh, không thứ giải trí, tiêu sầu nào xem được. Đã vậy, đài truyền hình Việt Nam vốn có thể xếp vào loại dở nhất thế giới, truyền hình tại tỉnh nhỏ càng nghèo nàn, buồn tẻ đến dường nào.
Tôi ngay ngáy lo. Chắc thế nào rồi nỗi cô độc cũng sẽ giết tôi chết mất! Nhưng tôi lầm. Lầm to. Bởi vì mưa chỉ lẩn quẩn ở Thành. Ồn ào. Dữ dội. Như cuồng phong. Vậy mà mới chỉ vừa mới thấp thoáng nhìn thấy cầu Xóm Bóng từ phía xa xa, có nghĩa trung tâm thành phố Nha Trang vẫn còn tít tắp, đã có thể nhận diện được mặt đường hoàn toàn ráo hoảnh, đèn điện sáng hưng hức trên những trụ xi măng từ các thành cầu. Cầu Xóm Bóng dài, dẫn qua Tháp Bà, không sáu vài mười hai nhịp nổi tiếng như Trường Tiền, không nhiều huyền thoại như Long Biên, không tân kỳ mới mẻ như cầu Bắc Mỹ Thuận, nhưng tôi chấm cho điểm cầu Xóm Bóng cao nhất nước. Và tôi đội lên cho chiếc mão trạng nguyên. Lần trở lại này, tôi vẫn không hề thay đổi ý kiến. Tôi nhớ có lần đã nói với Thuần về điều ấy. Và Thuần đã phì cười.
Anh bảo dẫu cho anh là người của phố biển, anh sinh ra và lớn lên ở Nha Trang thật, nhưng không cách gì có thể đồng ý với tôi một cách "blind" như thế. Tình cảm vặt như thế. Tôi nói tôi thích mặt cầu tráng xi măng, và thành cầu không cao lắm khiến tầm mắt có thể trải rộng trên những quang cảnh thoáng mát ở hai bên. Cầu Xóm Bóng hội đủ các "điều kiện ắt có và đủ" ấy, nên với tôi, nó đẹp nhất Việt Nam. Tôi nhớ, lúc tôi hăng hái biện hộ như thế, Thuần đã giữ nguyên nụ cười hiền hòa trên môi. Chao ơi, cái nụ cười! Cái nụ cười không cách gì quên được ấy, đã khiến tôi quắt quay đau đớn khi về đến quê hương anh -tôi cứ gọi như thế, mặc dầu Thuần dân bắc kỳ di cư chính cống, dính dáng lung tung xèng với mấy cái họ đạo không nói giọng miền nam trung phần ở thành phố này.
 
https://bizweb.dktcdn.net/100/107/886/files/cau-muc-dem-tai-nha-trang-6.jpg?v=1482481347942
 
Đêm đầu tiên tới Nha Trang, vừa cất xong hành lý, là tôi bổ nhào ngay xuống con đường ngày xưa chỉ có hơn mười ngôi nhà sang trọng, mang cái tên Biệt Thự ngộ nghĩnh, dễ thương, thời buổi “kinh tế thị trường”, đôi ba khách sạn, vài quán cà phê internet, dăm chỗ bán hàng lưu niệm..., không phải vô cớ bỗng mọc thêm lên, trông hết sức lạ lẫm. Tôi đã đứng lặng yên ở một góc ngã tư, trong phía bóng tối hơi nhờ nhờ, thở ra thở vào thật sâu, nhìn quanh quất, như thể lần cuối, lần đầu. Và không tưởng được, trời ơi, tôi đã nhớ Thuần đến khóc lên được. Đến phải đưa cả hai tay lên chận ngang cổ, ngăn mãi để không cho cơn xúc động trào lên. Tôi đã nhớ Thuần một cách ồn ào, chao động. Cái nỗi nhớ chằn chéo, như chỉ muốn trái tim tôi thắt nút lại, đớn đau.
Bổ nhào ngay xuống đường như vậy, nhưng sau đó tôi chẳng biết làm gì ngoại trừ việc đứng nghẹn thở ở góc tối trong một lúc rất lâu, nhìn quanh quất. Lòng tôi nếu dùng được chữ, muối xát, có lẽ cũng vừa. Tôi đơn thân độc mã chiến đấu với những điều không có tên, với những kẻ thù vô hình, mà tự ái không cho phép nhận mình lẻ bạn, thân côi..., mãi sau cùng, nhờ vài cơn gió mát rượi đi qua thổi tung được cả những chiếc lá vàng nằm sấp dưới mặt đường, phả vào mặt tôi chút hương đêm mang vị biển, tôi mới lấy lại sự yên tĩnh. Tôi đi qua đi lại, từ đầu đến cuối con đường chưa từng một lần đi qua với Thuần, chưa hề có kỷ niệm riêng tư nào cả với anh, nhưng con tim vô lý chốc chốc lại gào lên, nơi chốn cũ của hai đứa! Tôi đi, nhìn ngắm từng lề đường, từng nhành cây, từng cổng nhà ai đó. Và tôi đã tạ ơn trời, bởi ngôi nhà thờ tôi biết ngày xưa, vẫn còn nằm nguyên ở vị trí nó từng hiện diện trong ký ức tôi. Tôi thầm cám ơn đời, vì thấy chừng như mình đã không bị đẩy dạt về phía nào đó ở Nha Trang như tôi từng cảm thấy ở Sài Gòn, ở thị xã quê tôi. Con đường Biệt Thự, cho dù có chút ít thay đổi nhưng không nhiều lắm, nên khi nhận ra được dăm ba nét quen thuộc, vài đôi chỗ tôi từng ngang qua, tôi yên lòng!
Tôi nhớ có lần chỉ vì câu chuyện ngôi nhà dòng Chúa Cứu Thế ngoài bãi biển đã bị người ta trưng dụng sửa sang lại thành khách sạn từ những năm đầu thập niên tám mươi, rồi sau này còn sửa đi sửa lại nhiều lần đến khó có thể nhận ra được bộ mặt chính của nó ngày xưa, mà nguyên buổi chiều, tôi và Thuần đã lẩn quẩn, hoài niệm mãi về Nha Trang. Tôi có tấm hình đứng trước cửa khách sạn Hải Yến, cái khách sạn soán đoạt ngôi nhà dòng, được chụp từ trước khi rời nước. Tấm hình rõ, đẹp, có thể nhìn gần trọn hết quang cảnh phía trước, và một phần dãy hành lang sâu. Khi tôi đưa cho Thuần xem, Thuần lặng người. Anh kể cho tôi nghe từng có một thời gian rất dài, anh ước mơ được trở thành linh mục, được đào tạo tại nơi mà người ta đã chiếm cứ này. Trông Thuần có vẻ hết sức đau đớn lúc chỉ cho tôi thấy những chỗ trên hình người ta cạo sửa một cách hết sức hồ đồ, để biến nơi tu hành thánh khiết thành chỗ ô uế nhất, tồi bại nhất.
Tôi nghĩ trong đời một con người, có lẽ chỉ cần cái ước mơ nào đó của mình bị treo cổ, bị hành quyết một lần là đủ vật và vật vờ cho đến tận ngày lìa thế gian. Vậy mà Thuần của tôi,  còn phải chứng kiến ước mơ mình tức tưởi dẫy chết nhiều lần. Lần ấy, tôi là người vực anh dậy, bắt anh nhìn lại cảnh người ta ám sát ước mơ anh.
Tôi về Nha Trang. Nha Trang biển rộng, người yêu không có đây... Tôi một mình lang thang xuống con đường nhiều quán hải sản nổi tiếng, đi dọc bờ biển chờ trăng lên. Trăng lên, treo lấp lửng sau những hàng dừa thấp, đầy trái, tưởng như chỉ cần với tay là có thể sờ soạng được mặt chị hằng. Đi mỏi chân, tôi tìm một chỗ ngồi nhìn ra biển. Không tưởng tượng nổi, và cũng không dám tưởng tượng, chẳng biết có Thuần ở nơi này, chúng tôi sẽ làm cái trò khỉ gì. Trăng và đèn hòa lẫn vào với nhau trên những con sóng nhấp nhô trong tầm mắt tôi. Biển tình tứ rì rào. Tôi bó gối lắng nghe tiếng thở của chính mình lẫn trong tiếng sóng vỗ. Vừa muốn được bi thương khổ lụy, thở than, "người ở phương nào người có nghe xôn xao?" như câu thơ của Du Tử Lê, vừa không dám để lòng mình trĩu xuống. Người tôi băng cứng. Ngôn từ nhiều lắm, cũng chỉ diễn tả được, đơn độc, lẻ loi, buồn, sầu tủi, ngậm ngùi. Tôi nghĩ đến việc thiếu phụ vọng chồng thảo nào đã hóa đá.
Đêm thứ hai, sau một ngày lăng quăng ra Hòn Chim Sẻ, Hòn Mun cho biết, tôi về nằm gục đầu trong khách sạn. Nhân viên khách sạn khoe Hải học viện đã được xây lại, nước vẫn trong veo như ngày xưa, nhưng đẹp hơn, khang trang hơn, và hỏi tôi có muốn đi tiếp hay không. Tôi đáp sáng nay tôi đã thấy khối kiến trúc trông giống như cái mũi tàu nằm khuất sau bờ đá, lúc đứng trên boong thuyền máy nhìn vào đất liền. Cô gái hỏi lại tôi có đi hay không. Tôi ậm ừ không trả lời. Nha Trang của tôi, của Thuần, y hệt như những nơi có khả năng dụ dỗ khách du lịch, đã sửa sang nhiều, nhưng dầu sao tôi cũng còn nhìn ra được một vài nơi, thành phố phần nào đó vẫn còn giữ được vẻ yên lành, hiền hòa -cái yên lành hiền hòa tôi đã bắt gặp từ mười mấy năm trước, tôi không muốn bị rơi vào trạng thái bàng hoàng nếu như phải chứng kiến một đổi thay nào đó thái quá. Nên khi cô thêm một lời chào mời, tôi khoát tay, mỉm cười.
Hải học viện, Hòn Chồng, Tháp Bà và đôi ba chỗ nữa, nơi mà nhân viên kách sạn "dụ khị" tôi làm tiếp cuộc hành trình thứ hai, thật sự, tôi cũng muốn về nhìn lại những nơi mình đã từng đến ngày xưa, những chốn mà Thuần và tôi đã cùng muốn về. Nhưng tôi sợ. Hôm qua, nhìn thấy được cầu Xóm Bóng, bắt gặp lại được cái cảm giác hồi hộp quen thuộc những năm trước, thấy hàng dừa vẫn còn dọc bờ biển, thấy bảng tên con đường Yersin vẫn còn nguyên vẹn như cũ, và sáng nay xe chạy một vòng ngang qua khu chợ Đầm, dầu không nhận ra ngay khu chợ tôi và Hà từng qua lại nhiều lần ngày xưa, nhưng không cần ai chỉ vẻ, không cần ai nói đến cái tên chợ, là tôi đã thấy hài lòng lắm rồi. Tôi đã yên chí mình được về tới nơi rồi.
Trước khi đến Nha Trang, tôi sợ trời mưa. Vậy mà lúc nằm yên trong phía bóng tối, nhìn ra một góc cửa sổ, nghe tiếng rỉ rả, lách tách bên ngoài, lúc đầu tưởng trời mưa đêm, mãi sau mới nhận ra giòng nước thải từ chiếc máy điều hòa không khí rơi xuống một nơi nào đó, tôi lại hơi thất vọng. Tôi đã bỗng dưng thèm một cơn mưa nào đó về ngang qua thành phố. Tôi chợt nhớ chừng như lâu lắm rồi, tôi không được nghe tiếng nước trời rả rích trên mái tôn. Không được nằm xoãi người cách biếng lười. Và không có cả một bóng hình để nhớ thương sâu đậm như vậy. Tôi tiếc ngẩn ngơ.
Vì vậy nằm một hồi, tôi bật vùng dậy cách dữ dằn, hất tung tấm chăn mỏng sang một bên, vơ vội bộ quần áo vất bừa bãi trên giường bên cạnh -ôi đời, tôi đã phải trả tiền phòng cho hai người, mà chỉ xử dụng chiếc giường bên kia để vất quần áo như thế! Lao tới lấy thêm xâu chìa khóa, cái xắc tay, rồi bươn bả xuống đường. Nhân viên khách sạn chận tôi lại, hỏi thêm lần nữa tôi có đi chơi ngày mai. Tôi lắc đầu. Gửi xâu chìa khóa cho nhẹ. Nghĩ thầm, giá mà mình cũng có thể vất luôn tấm thân đi một nơi nào đó cho nhẹ, thì khỏe biết mấy.

http://www.vnphoto.net/data/p12/28244_pbt-tmt_0016_1790.jpg 

Nha Trang đêm đón tôi xuống đường. Điện đóm sáng trưng. Tôi chọn một lối không sáng, không tối để giữ gìn an toàn cho mình, rồi tản bộ xuống bãi biển. Trời không có gió. Nhưng dễ chịu. Chỗ tôi ngồi trông ra ngoài khơi có những con sóng lấp lánh ánh đèn. Tôi ngồi, tựa cằm lên đôi bàn tay để vòng trên gối. Cái tư thế ngồi, chắc buồn ơi là buồn. Nên một chú nhóc bán hàng rong khi lân la đến mời tôi mua, bỗng bắt chuyện:
- Cô ra đây một mình thôi hả?
Tôi mỉm cười gật đầu, nhưng đùa thầm. Tôi một mình và một bóng. Thêm một ảnh và một hình. Trong tim. Y như ngôn ngữ cải lương. Chú nhóc ngó lại tôi:
- Vậy thì buồn chết.
Chú nhóc nói. Giọng nhẹ như sương. Giọng người Nha Trang, chữ chết, âm hưởng nghe không chả chớt như người miền nam, không não nề như người miền ngoài. Không chớt, cũng không chếch, mà chết. Buồn, đúng là chết. Chỉ có chết. Chết thật. Chết kiểu Nha Trang ngày về mình tôi trên bãi khuya. Tôi cười:
- Bộ buồn rồi tự tử hay sao mà chết hả em?
Chú nhóc quơ tay trong không:
- Năm ngoái có người tự tử chết thiệt đó cô. Nghe nói tại vì buồn.
Tôi làm bộ trố mắt:
- Ở đâu?
Chú nhóc chỉ tay về phía bóng tối, đường ra phi trường:
- Dưới kia.
Tôi rụt vai. Vậy sao. Và nghĩ thầm, không hiểu thiên hạ buồn đến cỡ nào mà có thể đủ can đảm để tự tử như vậy. Còn tôi buồn, cái buồn dằm thắm vào từng mảng da thịt, vào tận xương tủy, vào mọi ngõ ngách, tế bào. Nhưng tôi sợ... đau. Còn sợ sa hỏa ngục, sợ Chúa phạt sau khi tự tử. Nên tôi chỉ thèm làm một cái gì đó khác với những lẩn quẩn cưu mang xưa nay (mà chừng như điều đó cũng vượt lên trên sức của tôi thì phải). Tôi quay lại phía chú nhóc, mua miếng thịt bò khô. Chú nhóc cam đoan với tôi giá cả rất phải chăng. Tôi cười:
- Tôi biết. Tôi chấm cho Nha Trang đẹp nhất nước, dân Nha Trang làm ăn lương thiện nhất nước.
Chú nhóc lại cam đoan. Con nói thiệt. Tôi cười, lơ mơ nghĩ đến Thuần. Giá có Thuần, chắc tôi sẽ rủ anh nhậu. Một con dân của Chúa, một ông linh mục mộng không thành như thế, có lẽ chỉ chừng bốn ly congac là tiêu đời. Nhưng bất giác tôi kêu lên, mà Chúa ơi, có Thuần, tôi đâu cần phải nhậu! Có Thuần, tôi đâu cần phải nhờ đôi ba ly rượu mới ngủ sâu!
Có Thuần, tôi chỉ cần úp mặt vào vùng ngực rộng, thơm ngát mùi muối biển ấy. Có Thuần, tôi chỉ cần tựa đầu lên cánh tay nồng nàn như hương thanh long ấy. Là đã đủ để tan thành bọt biển, đã thừa sức xỉn mất rồi. Chao ơi, Thuần ơi! Tôi muốn kêu lên, có nhiều khi người ta đã say khướt vì bao nhiêu thứ, mà không vì rượu, không vì bia!
Chú nhóc ngồi vẩn vơ với tôi một hồi, bán được thêm cho tôi một xấp bưu thiếp, chào từ giã, đi về phía đông người. Còn lại một mình, giữa biển trời bao la, tôi ngồi nhậu thịt bò khô với Seven Up. Hai thứ thức ăn và đồ uống trái khuấy, vô duyên đi chung với nhau, như cuộc đời vô duyên của tôi và người đàn ông tôi yêu đã không thể chung cùng. Miệng môi tôi nhạt thếch. Tôi loay hoay dăm ba phút, rồi đặt cả hai thứ xuống cát. Lát nữa, tôi sẽ đi tìm một chỗ để vất. Lúc nãy tôi có nhìn thấy một thùng rác công cộng đâu đó. Tự dưng tôi muốn bật cười. Lại nghĩ đến chuyện giá mình cũng vất được những nỗi đau thương thỉnh thoảng gặp cơ hội vẫn trỗi lên cách dễ dàng làm tím tái được cả ruột gan...
Sau đó, tôi lại trở về với cái ý nghĩ, cũng thuộc loại giá mà của mình. Đại khái, giá mà chết được thì đỡ phải sống, giá mà điên được thì đỡ phải tỉnh! Tôi nhận ra Thuần của tôi mộng không thành, dừng chân đâu đó bên kia bờ đại dương, làm lại cuộc đời, tôi mộng không thành, chẳng làm lại được thứ gì, càng không dám mua chai thuốc chuột uống cho rồi đời, mà cứ đôi ba năm về thăm nhà, lại giở chứng điên chứng khùng, lại mất công mất sức, lại khi xe lửa, khi máy bay, ngẩn ngơ về cái thành phố biển yêu dấu của anh, ngồi gục đầu vào gối, thở than, Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya...
Gần nửa đêm, chú nhóc quay trở lại hỏi cô có về không. Tôi gật. Có người đưa về dưới ánh trăng sáng vằng vặc, nhưng không là kẻ thỉnh thoảng vẫn hiện ra quấy động đời sống tầm tầm của mình, dưng không tôi cứ muốn chảy nước mắt.
Tôi nghĩ thiên hạ có thể yêu một năm, hai năm, ba năm. Hay có thể cả đời. Tôi không biết tôi yêu Thuần được bao lâu, mà cả lòng tôi xao xác mãi một lối về, một con đường, một thành phố.
Và giữa đêm tối, tôi bỗng bật ra cái tên gọi. Tôi kêu lên Thuần ơi.
Chú nhóc đang đi, chợt dừng chân, quay lại nhìn tôi, rồi nói, con không phải tên Thuần cô ơi.
Hoàng Nga
http://www.saigonocean.com/trangHoangNga/truyennganHoangNga.htm 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire