jeudi 22 juin 2023

Nhớ về giọng ngâm Hồ Điệp – Cánh bướm đã lạc giữa rừng đêm

Trời cuối thu rồi em ở đâu
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu
Thu ơi, đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm đáy mộ sâu
Đó là bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Đinh Hùng đã từng được nghệ sĩ Hồ Điệp diễn ngâm trong chương trình thơ Tao Đàn phát trên đài phát thanh Sài Gòn nhiều lần trước 1975. Hồn thơ qua giọng ngâm tuyệt diệu như bay là đà dưới ánh trăng xanh mờ đục, đậm chất liêu trai.
Khi Hồ Điệp nức nở ngâm bài Gửi Người Dưới Mộ này để gửi đến hàng triệu thính giả Sài Gòn năm xưa, có bao giờ bà nghĩ là một ngày nào đó mình cũng sẽ phải phiêu lạc giang hồ, để rồi thật sự gửi hồn mình về giữa chốn u minh? Bởi vì bà đã ra đi vĩnh viễn trong một đêm băng rừng giữa gió sương, hồn phiêu diêu giữa những xa xôi đất lạ quê người…
Nếu còn sống, thì năm nay (2020) Hồ Điệp đã tròn 90 tuổi. Nhưng mệnh của bà không được dài lâu đến như vậy, mà đã ra đi ở tuổi gần sáu mươi trên đất Cao Miên khi đang cố gắng rời khỏi quê hương.
 
 
 
Trước năm 1975, hầu như người yêu thơ nào cũng biết đến chương trình ngâm thơ Tao Đàn do thi sĩ Đinh Hùng sáng lập từ năm 1954 và phát trên đài phát thanh Sài Gòn 45 phút mỗi tối thứ hai, tư và sáu trong tuần.
 
chương trình ngâm thơ Tao Đàn trên đài phát thanh năm xưa 

Về các nghệ sĩ ngâm thơ trong ban Tao Đàn, phía nam có Hoàng Thư, Thanh Hùng, Tô Kiều Ngân, Quách Đàm… Phia nữ có danh ca Thái Hằng, Giáng Hương, và đặc biệt là Hồ Điệp, người có giọng ngâm mang phong cách cổ điển rất được thính giả Sài Gòn gốc Bắc yêu thích.
Nghệ sĩ Hồ Điệp sinh năm 1930, tên thật Nguyễn Thị Tý, ra đời trong một gia đình mà các chị em biết hát chầu văn lẫn cô đầu. Thi sĩ Đinh Hùng đã đặt cho bà nghệ danh Hồ Điệp, và cũng chính Đinh Hùng khám phá ra một Hồ Điệp có chất giọng độc đáo, sâu lắng không ai bắt chước được, nên mời bà về cộng tác với chương trình thơ ca Tao Đàn phát sóng trên đài phát thanh Sài Gòn. Từ đó cả miền Nam đêm đêm lắng nghe Hồ Điệp ngâm thơ. 
1 số bài ngâm thơ của Hồ Điệp trước 1975        

Xuất thân là một nghệ sĩ ca trù, nhưng lĩnh vực ngâm thơ đã chôn vùi sự nghiệp ca trù của Hồ Điệp, vì người ta chỉ nhớ một Hồ Điệp ngâm thơ. Bà đã từng được chọn đi trình diễn ca trù, ngâm thơ, kịch thơ ở nhiều nước, ở đâu cũng được hoan nghênh nhiệt liệt, nhất là người Việt xa quê hương nghe Hồ Điệp ngâm thơ trên đất Pháp, Thụy Sĩ, Thái Lan, Nhật Bản và Đài Loan, họ đều khóc nức nở.
băng ngâm thơ Hồ Điệp 1     

Tác giả Chu Văn Lễ đã nhận xét về giọng ngâm Hồ Điệp như sau:

“Nhắc đến Hồ Điệp người ta không thể không nghĩ đển những bài thơ tình của TTKH hay những vần thơ tiền chiến của Xuân Diệu, Huy Cận đã làm thổn thức trái tim của giới thưởng ngoạn. Tuy vậy, nghệ sĩ Hồ Điệp nổi tiếng nhất với những bài thơ Đường vì cách ngâm của cô rất phù hợp với những bài thơ cổ. Không thấy cách ngâm của cô Hồ Điệp được phát triển sau năm 1954 tại miền Bắc. Có nhận định cho rằng đó là cách ngâm mang nhiều tính bi ai nên không còn được ưa chuộng hay không còn phù hợp với cung cách của xã hội mới.

Ở Miền Nam thì cách ngâm của nghệ sĩ Hồ Điệp được coi là thượng thặng và đã có nhiều ảnh hưởng đến các nghệ sĩ ngâm thơ thuộc thế hệ sau, tiêu biểu nhất là giọng ngâm của Huyền Trân và sau này tại hải ngoại còn có giọng ngâm của Quỳnh Như.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, các chương trình thi ca trên đài phát thanh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp làm nguôi ngoai nỗi nhớ quê của hơn triệu người di cư từ miền Bắc. Dần dà, bộ môn nghệ thuật này đã trở thành một phần không thể thiếu được trong sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của miền Nam. Giọng ngâm của nữ sĩ Hồ Điệp chắc chắn đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của loại hình nghệ thuật này trên miền đất mới.

Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, nghệ sĩ Hồ Điệp đã thực hiện được ít nhất là 9 chương trình ngâm thơ dưới dạng băng cassette, bao gồm những bài thơ Đường, những bài thơ Việt hiện đại nổi tiếng và các tác phẩm thơ có giá trị trong cổ văn Việt Nam như Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm và Kim Vân Kiều. Những bản ghi âm đó của cô vẫn còn được công chúng ưa chuộng và được các thế hệ yêu thơ tại hải ngoại sử dụng như tài liệu tham khảo cho một trường phái ngâm thơ đặc sắc của Viêt Nam. Tên tuổi của nghệ sĩ Hồ Điệp xứng đáng được đặt ở một vị trí trang trọng trong vườn hoa nghệ thuật Việt Nam.
băng ngâm thơ Hồ Điệp 2 

Sau đây, mời bạn đọc lại một bài báo về nghệ sĩ Hồ Điệp xuất bản năm 1957, khi giọng ngâm Hồ Điệp đã rất quen thuộc với những người yêu thơ và yêu thích chương trình Tao Đàn.

 

HỒ ĐIỆP – VỚI GIỌNG OANH VÀNG TRONG VƯỜN THU CỔ NHẠC – Hoàng Liên

Năm ngoái (1956), ông Mai Văn Hàm, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan có mời một phái đoàn văn nghệ sĩ thủ đô Sài Gòn sang Vọng Các (Bangkok) để trao đổi văn hóa và thắt chặt thêm tình than hữu giữa hai nước. Trong đoàn đại diện cho làng cổ nhạc, nữ ca sĩ duy nhất được cử đi là cô Hồ Điệp. Theo nhận xét chung của anh em trong phái đoàn, Hồ Điệp đã thu lượm được nhiều kết quả khả quan trước các khán giả của nước bạn và các kiều bào đã bao năm xa cách quê hương yêu dấu.

Ở Thái Lan cũng như ở Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc 1956 (Hồ Điệp đóng vai cô lái đò trong vở tuồng chèo Đồng Quê), giọng oanh vàng thánh thót của Hồ Điệp đã thường làm cho khán giả phải say sưa và thêm tin tưởng vào vốn liếng âm thanh cổ truyền của dân tộc.

Mà, quả chúng ta đã thêm tin tưởng thật!

Chúng ta, những con người đang bị chói lòa vì ánh sáng rực cháy từ những miền thử nguyên tử xa xôi và đang bị quyến rũ bởi những âm thanh rồn rập từ các chân trời Âu-Mỹ đưa lại… thế mà qua giọng oanh vàng của Hồ Điệp, chúng ta thấy lòng lâng lâng nhè nhẹ được gọi quay trở về với quá vãng…

Những gì tưởng là có thể bị vùi lấy dưới lớp bụi thời gian và bị xóa nhòa vì những men rươu nồng đượm gọi là “văn minh”… “Những gì ấy” qua giọng ca của Hồ Điệp, đã sống lại với chúng ta dồi dào hơn bao giờ cả.
Hồ Điệp ngâm bài Vạn Lý Tình (Huy Cận) năm 1970 

Hồ Điệp là ai?

Trước đây chúng ta gần như không bao giờ nghe nói đến. Cho đến năm 1954, chúng ta cũng chưa nghe nói. Mặc dầu, cô gái tỉnh Sơn ấy đã cùng với làn sóng di cư dạt dào ghé bến Đồng Nai phồn thịnh với một ông chồng vui tính, với hai đứa con trai nghịch ngợm, với một nhà in nho nhỏ.

Một hôm, phải nói “bỗng một hôm” thì đúng hơn, thính giả Đài phát thanh Saigon được nghe giọng ca mới mẻ trong các buổi trình diễn cổ nhạc Bắc Phần của ban Hoàn Kiếm. Ngay từ những phút đầu, người sành điệu đã gọi đó là giọng oanh vàng trong vườn thu cổ nhạc. Giọng oanh ấy thánh thót ngân lên, gợi dậy trong đáy lòng của tất cả mọi người những kỷ niệm êm ấm nhất của miền quê đất Bắc, với tất cả những gì tình tứ dịu hiền nhất của ngày xưa, với tất cả những gì say sưa êm đẹp nhất của đất nước vào thuở thanh bình…
 

Hồ Điệp là ai?

Hồ Điệp còn là… một nhà thơ?
Cũng là nhà thơ, Hồ Điệp không phải là nhà thơ theo kiểu nhà thơ là người đã sáng tác ra thơ, nhưng Hồ Điệp là nhà thơ theo nghĩa: có một tâm hồn thơ dồi dào xúc cảm để có thể xúc động và làm sống lại tất cả rung động của thi sĩ qua một bài thơ. Việc làm của thi sĩ khó, hay là trong trách truyền cảm của người ngâm thơ khó? Chúng tôi không trả lời câu hỏi ở đây, chúng tôi xin nhường cho các bạn thính giả của Hồ Điệp qua nhịp cầu âm thanh của làn sóng điện.

Qua nhịp cầu âm thanh của làn sóng điện, đêm đêm, khi canh trường lắng xuống và lòng chúng ta dịu lại, ban Tao Đàn của thi sĩ Đinh Hùng thường vẫn dành cho chúng ta những phút đêm êm dìu dịu. Mà, dìu dịu êm êm nhất là giọng ngân của cô Hồ Điệp, một giọng ngâm khi trầm, khi bổng, khi vui, khi buồn, khi hiền hòa, khi sợ hãi…
băng ngâm thơ Hồ Điệp 8 

Giọng ngâm ấy đã ru vào hồn ta những giấc mơ êm đẹp như mùa xuân, rực rỡ như mùa thu, rồn rập như mưa sa, phũ phàng như bão táp, ăn nhịp với từng lời thơ diễn tả, khiến cho ta quên cả cuộc sống thực tại.

Giọng ngâm ấy có đôi lần làm cho ta quên mất nhà thơ, nhưng thường thường giọng ngâm ấy vẫn là nhịp cầu làm chúng ta gần với nhà thơ hơn bao giờ cả. Vậy, ai là nhà thơ?

Đêm đêm trong vườn thu của cổ nhạc và thi văn, giọng oanh vàng còn cất tiếng…

nhacxua.vn biên soạn

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire