lundi 5 juin 2023

Lệ đá xanh (Nhạc: Cung Tiến-Thơ: Thanh Tâm Tuyền)

THANH TÂM TUYỀN VỚI BÀI THƠ LỆ ĐÁ XANH HAY NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU
Thanh Tâm Tuyền (1936-2006) vừa là một nhà thơ cũng là một nhà văn nổi tiếng ở miền Nam trước 30/4/75. Ông tên thật Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13/3/1936 tại Vinh, Nghệ An và mất ngày 22/3/2006 tại Minnesota, Hoa Kỳ do bệnh ung thư phổi. Hưởng thọ 70 năm cộng với 10 ngày tròn trĩnh.
Theo tiểu sử thì nhà thơ nhà văn Thanh Tâm Tuyền vào Nam khi còn rất trẻ. Vào đất Sài Gòn năm 1954 ông đã chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Sau đó, cùng nhà văn Mai Thảo (1927–1998) thành lập tạp chí Sáng Tạo năm 1957, lúc đó gồm Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyên Sa, Vũ Khắc Khoan, Tô Thùy Yên, Doãn Quốc Sỹ, Quách Thoại, Lý Hoàng Phong, Lữ Hồ, Trần Thanh Hiệp, Thanh Nam... cùng các họa sĩ Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Tạ Tỵ, Duy Thanh. Năm 1960, tạp chí Sáng Tạo ra bộ mới, có thêm Cung Trầm Tưởng, Thạch Chương, Dương Nghiễm Mậu...
Lệ đá xanh 
Nhạc: Cung Tiến-Thơ: Thanh Tâm Tuyền-Trình bày: Quỳnh Giao  

 Tuy tạp chí Sáng Tạo chỉ xuất bản không định kỳ có mấy chục số, nhưng đã đưa đến những đổi thay cho sinh hoạt văn học ở miền Nam thời đó. Trong đó thể loại thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền đã để lại cho lớp văn nghệ trẻ nhiều ảnh hưởng sâu sắc. Năm 1962, Thanh Tâm Tuyền nhập ngũ, nên nhóm Sáng Tạo từ từ tan rã mỗi người đi tìm một báo, một tờ tạp chí riêng để cộng tác kiếm sống. Đến đầu thập niên 1970 đã tụ hợp lại trên tờ tuần san văn nghệ Nghệ Thuật của Mai Thảo, hay nhóm bán nguyệt san Văn.

Theo Bùi Bảo Trúc viết về Thanh Tâm Tuyền có những đoạn :

- “Thanh Tâm Tuyền bị hiểu lầm suốt đời và không được đối xử xứng đáng trong khi ông còn sống. Nguyễn Ngọc Bích trong cuốn A Thousand Years Of Vietnamese Poetry (tạm dịch “1000 năm thi ca Việt Nam”) không chọn một bài thơ nào của Thanh Tâm Tuyền để dịch và giới thiệu. Võ Phiến trong “Văn Học Miền Nam / Thơ”, chỉ cho Thanh Tâm Tuyền 1/3 trang và chọn của ông chỉ một bài thơ trong khi ngay cạnh đó, Tô Thùy Yên được dành cho hơn ba chục trang, mặc dù trong cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan, Võ Phiến có nhắc đến tên Thanh Tâm Tuyền đến 21 lần.
 
“Con đường ông đi, không đúng như tên tập thơ của ông, tập “Tôi Không Còn Cô Độc” được xuất bản năm 1955, đã có nhiều người đi theo bằng những bài thơ không vần, loại thơ ông đi những bước đầu tiên khai phá, nhưng ông vẫn là người cô độc cho đến lúc chết”.
Cho nên khi Nguyễn Hưng Quốc viết về Thanh Tâm Tuyền, cố giải thích cho rằng người đọc phải động não khôi phục lại mối quan hệ kín đáo giữa các câu thơ (và cả những chữ trong bài thơ) bằng nhưng liên từ và giới từ mà Thanh Tâm Tuyền cố tình bỏ đi, thì mới hiểu hết ý thơ. Thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền có âm nhạc, nhưng không có vần. Cũng có thể nói là có vần nhưng vần bị giấu đi :
...Em gối đầu sương xuống
Chuyện trò bằng bóng mình
Tôi đẹp như hình tôi
Như cuộc đời, như mọi người...

Còn Bùi Vĩnh Phúc viết : “hai tập thơ “Tôi Không Còn Cô Độc” và “Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy” của Thanh Tâm Tuyền, đã bầy ra cho độc giả thấy ông rất kiêu căng, ngạo mạn, lạnh lùng, cô độc, lãng mạn, thiết tha và mệt mỏi”. Có lẽ vì thế mà Thanh Tâm Tuyền bị nhiều nhà văn đi trước hiểu lầm ông suốt đời và không được đối xử xứng đáng chăng ? khi có những tập sách biên khảo được xuất bản thường không có tên ông, hoặc có thì thật ngắn gọn vô cùng !
 
Từ khi sang Mỹ, Thanh Tâm Tuyền không làm thơ nữa. Ông thực hành đúng như một câu ông đã từng nói vào năm 1975 : “tôi là người làm thơ Việt Nam, tôi ở với xứ sở của tôi”. Nên khi ông không còn ở lại với xứ sở, ông không làm thơ nữa. Một số thơ của Thanh tâm Tuyền đã được hai nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Cung Tiến phổ thành những nhạc phẩm rất nổi tiếng, như Bài ngợi ca tình yêu, Dạ tâm khúc, Đêm màu hồng, Lệ đá xanh, Nửa hồn thương đau.

Trong đó nguyên tác bài thơ “Lệ đá xanh” được Cung Tiến giữ nguyên tựa thơ khi phổ nhạc, còn Phạm Đình Chương lấy tựa cho nhạc phẩm của mình với tên gọi “Nửa hồn thương đau”. Còn một nhạc sĩ khác là Phạm Quang Tuấn cũng phổ nhạc bài thơ này nhưng không ai biết đến.
Tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền gồm có : Tôi Không Còn Cô Độc (thơ, 1955), Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (thơ, 1964), Khuôn Mặt (truyện, 1964), Bếp Lửa (truyện, 1957), Dọc Đường (truyện, 1966), Ba Chị Em (truyện, 1967), Cát Lầy (truyện, 1967), Mù Khơi (truyện, 1970), Tiếng Động (truyện, 1970), Tạp Ghi (1970), Thơ Ở Đâu Xa (thơ, 1990 Hoa Kỳ), Một Chủ Nhật Khác (truyện, Hoa Kỳ).

Sau đây thơ và nhạc Lệ Đá Xanh của Thanh Tâm Tuyền, qua hai nhạc phẩm “Nửa hồn thương đau” và “Lệ đá xanh”

 

Nguyên tác bài thơ : LỆ ĐÁ XANH

tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
đôi khi anh muốn tin
ngoài trời chỉ còn trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
 
(Bài thơ này đã được Phạm Đình Chương, Cung Tiến và Phạm Quang Tuấn, phổ thành ca khúc)

Nhạc phẩm : Nửa Hồn Thương Đau
Của Phạm Đình Chương
Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa / Cho tôi về đường cũ nên thơ / Cho tôi gặp người xưa ước mơ / Hay chỉ là giấc mơ thôi / Nghe tình đang chết trong tôi / Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời
Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau / Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau / Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào / Em ở đâu? Anh ở đâu? / Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu
Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt / Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất / Và tiếng hát và nước mắt Đôi khi anh muốn tin/ Đôi khi anh muốn tin / Ôi những người ôi những người / Khóc lẻ loi một mình…
 

NGUYỄN VIỆT

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire