Với giới hạn của thời gian dành cho MTHX, Bh xin chọn lọc một số bài, đồng thời cũng dành thời gian để nghe tất cả những bài thơ với giọng ngâm của Hồ Điệp để đưa vào chương trình này những bài ngâm có âm thanh trong trẻo nhất.
Một người trong số những nghệ sĩ của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa từ trần sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 ít được người đời nhắc đến nhất là Nữ Nghệ Sĩ Hồ Điệp, giọng ngâm Thơ tuyệt vời của Ban Thi Văn Tao Đàn.
Không phải vì vô tình mà người ta không nhớ, không thương những người đã khuất. Trong những năm u ám sau 1975 người Sài Gòn chết thảm quá nhiều, người chết trong tù ngục công sản, người chết trên biển, người chết trong rừng, nhìn đâu cũng thấy tang tóc, đau thương, những người chưa chết thần hồn và trái tim tan nát, cuộc sống của mình không biết còn mất lúc nào, người ta không còn tinh thần để hỏi, để nhớ, để thương những người mất tích.
Nữ nghệ sĩ Hồ Điệp đi vượt biên đêm nào, tháng nào, năm nào? Chắc chỉ có thân nhân của bà được biết. Nữ nghệ sĩ đi và mất tích. Thân xác Hồ Điệp từ lâu rồi nằm ở nơi nao? Sáng nay, một sáng Tháng Bẩy ở Xứ Người, tôi trái tim sầu muộn, tưởng nhớ những văn nghệ sĩ Sài Gòn đã giã từ dương thế kể từ sau Ngày Oan Nghiệt 30 Tháng Tư 75. Người Thứ Nhất tôi tưởng nhớ hôm nay là Nữ Nghệ Sĩ Hồ Điệp.
Năm 1960 yên bình trong một cuộc họp mặt của một số văn nghệ sĩ ở Sài Gòn, có Vũ Hoàng Chương, Hồ Điệp, Mặc Thu. Trứơc năm 1954, ở Hà Nội, Nhà Văn Mặc Thu viết hai tác phẩm “Gang Thép Đợi Chờ” và “Bát Cơm, Bát Máu.” Thi bá Vũ Hoàng Chương làm hai câu thơ tặng Hồ Điệp, Mặc Thu;
Mưa cầm, gió bắt thương Hồ Điệp.
Thép đợi, gang chờ xót Mặc Thu.
Hôm nay, 46 năm sau buổi chiều xưa Thi bá làm hai câu “Mưa cầm, gió bắt, thép đợi, gang chờ..,” tôi, kẻ mất nước sống buồn những ngày thừa ở xứ người, tôi, cánh bướm già sống sót qua cuộc mưa cầm, gió bắt dài đến 20 mùa lá đổ ở Sài Gòn, tôi không có thép, có gang gì cả mà nếu có thì cũng không thép đợi, gang chờ mà thép mòn, gang rỉ, nhớ những ngày xưa và những người nay không còn nữa, cảm khái tôi tiếp hai câu của Thi bá Vũ Hoàng Chương, làm thành bốn câu thơ sau đây:
Mưa cầm, gió bắt thương Hồ Điệp.
Thép đợi, gang chờ xót Mặc Thu.
Điệp bay ra biển sương mù,
Có về đâu nữa, đất Hồ ngàn năm!
Em đến hôm nào, mưa trên vai,
Chiều thu sương đượm nét mi dài.
Nụ cười rung cánh hoa hờn giận,
Trong mắt em còn bóng dáng ai?
Mắt lặng nhìn nhau từ dĩ vãng,
Chợt xanh mầu áo nhớ thương xưa.
Bóng em khoảnh khắc thành hư ảo,
Buồn lướt hàng mi thấp thoáng mưa…
Những câu thơ ấy cũng là của Đinh Hùng, đọc lên sao cứ vấn vương hình bóng Hồ Điệp.
Chúng ta cùng nghe Trần Vĩnh Tường, một cựu nữ sinh trường TH Trưng Vương Sài Gòn trước năm 1975, viết về Hồ Điệp với bài “cánh bướm bên trời” trong những giây phút MTHX hôm nay …
…Năm 1987, tôi (Vĩnh Tường) ở trại tỵ nạn Sin Thai. Một trại tỵ nạn dành cho những người vượt biên đường bộ nằm lẻ loi giữa chân ngọn núi Danreck, thuộc địa phận Thái lan, nhưng cách biên giới Căm Bốt chỉ chừng một cây số. Lúc đó tôi đang làm việc cho cơ quan Hồng Thập Tự Quốc tế, lo chuyện tiếp đón mà theo dấu những người tỵ nạn tìm cách đưa họ từ những cánh rừng rải rác về trại.
Hôm đó chúng tôi nhận được một lá thư từ Mỹ gởi qua nhờ theo rõi tin tức một người thân đã rời khỏi Sài Gòn khoảng đầu năm 1988. Thư cũng cho biết nhóm này gồm 11 người trong đó có Hồ Điệp. Đọc lá thư xong lòng tôi nghẹn ngào. Một phần vì lo, một phần vì mừng. Đã có người đến được trại,và có những bước chân thì vĩnh viễn ngưng lại ở đâu đó, giữa cánh đồng, nơi khe núi, bên cạnh bụi tre rừng…
Tôi đi báo tin
vui cho một số các bạn trong trại. Đêm đó ngồi bên nhau, chúng tôi say
sưa nhắc lại những bài thơ, những giọng ngâm của Tao Đàn ngày trước.
Ngoài Hồ Điệp, Giáng Hương, Hoàng Oanh bên giọng Nam có Tô Kiều Ngân,
Quách Đàm, Hoàng Thư.
Nguyễn Sỹ Độ, con của giáo sư Nguyễn Sỹ Tế mang ghi ta đệm nhẹ vài dòng
nhạc cho Thu Hà cất tiếng ngâm. Ồ, tại sao Thu Hà lại chọn bài thơ này
thế nhỉ? Bài Gửi Người Dưới Mộ của Đinh Hùng mà Hồ Điệp cũng đã có lần
ngâm bài thơ này trên Đài Sàigon.
Trời cuối thu rồi em ở đâu
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu
Thu ơi, đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm đáy mộ sâu
Em mộng về đâu, em sắp về đâu
Hằng đêm ta nguyện, ta cầu
Ấy màu hương khói là màu mắt xưa
Em đã về chưa, em sắp về chưa ?
Trăng sao tắt, ngọn đèn mờ
Ta nằm nhỏ lệ, đọc thơ gọi hồn
Bài thơ hay quá đỗi, quá liêu trai, phù hợp với ánh trăng xanh nhạt rải trên mái tranh, trên từng đám lá mùng tơi. Tôi quay nhìn rặng núi tím thẫm đằng kia để lén lau nước mắt…
Ngày qua ngày, mỗi khi có những người tỵ nạn đến được trại, chúng tôi đếu hỏi thăm tin tức. Thế nhưng ngày tháng qua đi, cánh bướm vẫn biền biệt bên trời. Không ai có thể sống trong rừng sáu tháng trời mà sống sót được.
*
Buổi tối cuối cùng, tôi lên trại Pa Lat để đi Mỹ, bùi ngùi giây phút chia ly. Mọi người yêu cầu Thu Hà ngâm lại bài thơ Gửi Người Dưới Mộ.
Ta viết bài thơ anh linh
Hỏi người dưới mộ có rùng mình
Những hồn phiêu bạt bao năm trước
Nay đã vào chung một chỗ nằm
Không biết khi Đinh Hùng làm bài thơ này, ông có nghĩ là chỉ riêng tặng cho Hồ Điệp hay không? Và khi Hồ Điệp nức nở ngâm, bài thơ gửi cho thính giả Sài Gòn, cô có bao giờ nghĩ là một ngày nào cô cũng sẽ phiêu lạc giang hồ?
Bỗng dưng, một cánh bướm lẻ loi bay chập chờn trước mặt. Hết đậu trên phím ghi ta lại nằm yên trên tay Thu Hà. Mọi người rùng mình ớn lạnh nhìn nhau.
Hay là Hồ Điệp cảm động mối tình chung của thính giả mà bay về đây báo mộng?
Qua Mỹ đã nhiều năm, đọc báo không thấy đăng tin gì về Hồ Điệp cả.
Thôi…thôi! Vậy là mây đã tan. Trăng đã khuyết. Ngọc đã vỡ thật rồi. ..
Chẳng biết phút cuối cùng của Hồ Điệp ra sao? Có kịp ngước mắt nhìn lên trời cao trước khi hóa thân thành cánh bướm ly hương, rã cánh bên trời…?
Mắt lặng nhìn nhau từ dĩ vãng,
Chợt xanh mầu áo nhớ thương xưa.
Bóng em khoảnh khắc thành hư ảo,
Buồn lướt hàng mi thấp thoáng mưa
Bích Huyền
*
* *
*
* *
Cung Oán Ngâm Khúc , Ngâm Thơ Hồ Điệp
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire